100 cuốn sách bị cấm và bị thách thức nhiều nhất năm 2022


Bích chương của Liên minh Tuần Lễ Sách Cấm, một sinh hoạt thường niên tại Mỹ,
diễn ra mỗi tháng 9. Chủ đề của năm nay: “Sách đoàn kết chúng ta. Kiểm duyệt chia rẽ chúng ta.”

Ngày 18-24 tháng 9 năm nay được chỉ định là Tuần Lễ Sách Bị Cấm tại Mỹ.

Khó có thể tưởng tượng tại Mỹ, một nước tự do có thể nói là hàng đầu với một nền dân chủ lâu đời nhất thế giới mặc dù hiện đang bị đe doạ trầm trọng, hiện vẫn đang diễn ra cảnh sách bị cấm.

Sinh hoạt văn hoá này bắt đầu từ năm 1982 như một đáp ứng đối với việc bỗng dưng số sách bị thách thức cấm đoán gia tăng tại các trường học, tiệm sách và thư viện công khắp nước Mỹ. Tuần lễ Sách Bị Cấm được tổ chức mỗi tháng Chín, nhằm xiển dương việc tiếp cận thông tin tự do, đem mọi giới quý sách lại với nhau, từ các nhân viên thư viện tới các người bán sách, nhà xuất bản, báo chí, giáo chức và độc giả đủ loại, nhằm hỗ trợ lẫn nhau và tạo cơ hội phát biểu các ý kiến bất kể sự khác biệt.

Chủ đề của năm nay là “Sách đoàn kết chúng ta. Kiểm duyệt chia rẽ chúng ta.” Bằng vào việc tập trung mọi nỗ lực để chống lại việc sách bị lấy khỏi các thư viện hoặc hạn chế sự tiếp cận với sách báo của độc giả, Tuần Lễ Sách Cấm 2022 lôi cuốn sự chú ý của toàn quốc vào sự tai hại của kiểm duyệt.

Sách cấm ở Mỹ

Điều khác biệt giữa việc cấm sách ở Mỹ và cấm sách ở phần lớn các nơi đã từng diễn ra từ trước tới nay, đó là sách cấm ở Mỹ không phải do nhà cầm quyền, cả ở cấp liên bang lẫn tiểu bang. Quyền tiếp cận với sách—và thông tin, nói chung—nằm trong quyền tự do phát biểu [freedom of speech] hiến định trong Tu Chính Án thứ nhất [First Amendment] được tuyệt đối tôn trọng ở Mỹ.

Cấm sách ở Mỹ là do những thành phần dân chúng bảo thủ, phần lớn là da trắng và theo đạo Thiên Chúa, là một thành phần vốn vẫn lo ngại các làn sóng di dân da mầu sẽ biến họ thành thiểu số, cùng đe dọa các giá trị và truyền thống của họ. Thông suốt lề lối đấu tranh dân chủ đặc biệt tại Mỹ, họ đi từ các địa phương, len lỏi vào các ban giám học và các hội đồng thành phố, quận hạt, kể cả tại những sinh hoạt cộng đồng và các thư viện công, nếu không là qua tham gia vào các cuộc tranh cử để nắm các ghế này thì là chịu khó đi dự các buổi họp để lên tiếng và gây áp lực, kể cả doạ nạt bằng bạo lực.

Những diễn biến trong xã hội Mỹ từ sáu năm qua, đặc biệt với phong trào Black Lives Matter từ sau cái chết thảm của George Floyd, một người da đen, duới đầu gối của một viên cảnh sát da trắng, và với sự khuyến khích không dấu diếm của một vị tổng thống chỉ-biết-yêu-mình-đến-bệnh-hoạn và giỏi tài mị dân, đã giúp họ ngày như thêm khích động, không quản dùng bạo lực.

Gần đây, đặc biệt kể từ khi nuớc Mỹ có vị tổng thống da đen đầu tiên—đúng ra lai da đen, vì mẹ ông là người da trắng—giới da trắng thượng đẳng cảm thấy họ thực sự bị đe dọa. Nhờ xoáy đào vào và khai thác mối hãi sợ đó, người kế nhiệm của ông tổng thống da đen đã tận tình khai thác, giúp mở cái hộp Pandora, tiếng Việt nôm na gọi là hũ mắm, và nuớc Mỹ như sống lại các thập niên 1950 và 1960 khi diễn ra cuộc tranh đấu cho dân quyền của người da mầu, mặc dù sau cuộc Nội chiến, dân quyền của họ đã được công nhận. Các cuộc đàn áp này bị một số chính quyền tiểu bang thẳng tay đàn áp, gây ra nhiều bất ổn xã hội và thiệt hại nhân mạng và tài sản, khiến chính quyền liên bang phải ra tay can thiệp. Kết quả của phong trào tranh đấu đòi dân quyền của giai đoạn này là sự ra đời của đạo luật dân quyền Civil Rights Act do Tổng thống Johnson ký năm 1964, nhằm chấm dứt nạn kỳ thị chủng tộc, mầu da, tôn giáo, cái giống, và gốc gác quốc gia. [Nhờ đó mà khoảng một thập niên sau hàng trăm ngàn người Việt tới đây tị nạn đã được thừa hưởng một mâm cỗ bầy sẵn cho mình, không biết là do công lao tranh đấu trầy da sước vẩy của những nguời da mầu, đặc biệt da đen, mà có.]

Trên bề mặt, xã hội Mỹ đã có nhiều tiến bộ. Những nguời Việt tị nạn có thể minh chứng cho điều đó, qua những cơ hội học hành, kinh doanh, phát triển các tiềm năng cá nhân mà họ và con cái họ được hưởng để tiến thân. Ngay cả lứa người Việt tới đây sau qua các chương trình như Ra Đi Có Trật Tự, Hồi Hương, Đoàn Tụ vào các thập niên 1980 và 1990 cũng đã ăn nên làm ra, con cái học hành thành đạt.

Tuy vậy, tinh thần kỳ thị không phải một sớm một chiều mà được giải quyết, nhất là đối với người da den và cả người gốc bản xứ da đỏ. Nó chỉ bị dồn nén lại. Như hũ mắm bị đậy chặt. Chờ cơ hội là bùng lên. Cơ hội đó đến khi ông Donald Trump trúng cử và lên cầm quyền.

Gần đây bỗng dưng ta nghe nhiều về cái gọi là “critical race theory” [tạm dịch là lý thuyết phê định chủng tộc] và ảnh hưởng của nó tại các trường trung và tiểu học, và nhiều bậc cha mẹ thuộc giới bảo thủ đã la toáng lên là lý thuyết “nguy hiểm” này đang được giảng dậy cho và nhằm nhồi sọ các con em của họ.

Lý thuyết phê định chủng tộc này thực ra là được khai triển ở cấp đại học, nhất là trong giới luật học, vào thập niên 1970 và 1980, nhằm nghiên cứu ảnh hưởng của tình trạng kỳ thị có hệ thống [systemic racism] và ảnh hưởng của nó trên mọi khía cạnh xã hội, và đã được giảng dậy trong vài chương trình đại học. Đó chỉ là một cách nhìn vào các sự việc để giúp hiểu biết thêm hầu giải quyết các vấn nạn xã hội. Các thầy cô giáo, bấy lâu dậy học trò tiểu và trung học về tình trạng kỳ thị chủng tộc và bất bình đẳng do mầu da trong lịch sử Mỹ, gần đây bỗng bị kết cho “tội nhồi sọ” học thuyết phê định chủng tộc nơi các em.

Theo một bản phân tích của NBC News, hiện có ít ra 165 nhóm địa phương và quốc gia đang vận động phá rối hoặc cản trợ việc giảng dậy về kỳ thị chủng tộc và bình đẳng về giống [gender]. Các nhóm này được thêm sức do hỗ trợ của một số trung tâm nghiên cứu [think tank], cơ quan truyền thông khuynh hữu, như Fox News và Newsmax. Chiến thuật của họ gồm có phá rối các buổi họp của ban giám học, bỏ phiếu truất phế các giám học mà họ cho là cấp tiến, và quấy nhiễu các phụ huynh hỗ trợ việc giảng dậy về sự bình đẳng chủng tộc và giới tính. Thậm chí có một số tiểu bang đã ra luật cấm dậy lý thuyết phê định chủng tộc, mặc dù không mấy ai định nghĩa được nó là cái gì và nằm trong giáo trình hay sách giáo khoa nào. [Nổi tiếng nhất có lẽ là cuộc đối đáp giữa Chủ tịch Chánh văn phòng Tướng Mark Milley với Dân biểu Matt Gaetz: Khi được hỏi quân đội có áp dụng lý thuyết này, Tuớng Milley trả lời: “Tôi đã từng đọc Mao. Tôi đã từng đọc Karl Marx. Tôi đã từng đọc Lenin. Điều đó không có nghĩa là tôi thành người cộng sản. Vậy thì có gì là sai quấy để tìm hiểu—để có sự hiệu biết tình hình về quốc gia mà chúng ta bảo vệ? Cá nhân tôi thấy bị xúc xiểm, bị cho rằng quân đội Mỹ, các tướng tá, các sĩ quan bị cho là ‘cấp tiến’ hay gì đó vì chúng tôi nghiên cứu các lý thuyết nào đó đang được luân lưu ngoài kia.”]

Ngoài những lớn tiếng doạ nạt trong các buổi họp của các ban giám học, sách nhiễu những ai không cùng quan điểm, họ tấn công những cuốn sách mà họ cho là đầu độc con em họ, đặc biệt là những cuốn sách có nội dung mà họ cho là xiển dương giới đồng tính luyến ái.

Theo thống kê của Hội Thư viện Hoa Kỳ, vào năm 2021 có tổng cộng 1,597 cuốn sách bị thách thức. Nhóm đòi kiểm duyệt và cấm sách gồm các bậc cha mẹ [39%], người sử dụng thư viện [24%], ban giám học [18%], nhóm chính trị và tôn giáo [10%], chính nhân viên thư viện và giáo viên [6%], với 2% là dân cử và 1% là chính học sinh. Họ thách thức ở những đâu? Tại các thư viện trường [44%], tại thư viện công [37%], tại các trường học [18%], và tại các nơi khác [1%]. Phần lớn, 82%, những thứ bị cấm là sách giáo khoa, truyện và sách bằng tranh; 5% là chương trình và cả phòng họp; 4% là trưng bầy; 2% phim ảnh; và 7% thuộc các thứ linh tinh khác như tiếp cận online, tạp chí, tranh ảnh, âm nhạc, ấn bản của sinh viên, thư mục, v.v.

Trái, bản liệt kê thống kê ai thách thức đòi cấm sách cùng thể loại bị cấm, và diễn ra ở đâu;
và phải, danh sách 10 trong số những sách đòi cấm.
Hai minh hoạ trên do Văn phòng Tự do Trí thức thuộc Hội Thư Viện Hoa Kỳ soạn.

Bên cạnh một số tác giả có sách bị cấm nói về kinh nghiệm của mình, đặc biệt trong sinh hoạt Tuần Lễ Sách Cấm năm nay có một cuộc hội thảo của các em học sinh nhằm nói lên quan điểm của giới trẻ đối với việc kiểm duyệt cấm sách, nhan đề “The Kids Are Alright: Youth Activists on Fighting Censorship” [Bọn nhỏ không sao đâu: Giới trẻ chống kiểm duyệt.” Cuộc hội thảo này cho thấy giới trẻ không còn thụ động để người lớn quyết định giùm tương lai của họ. [Làm nhớ tới cô bé Greta Thunberg của Thụy Điển cách đây mấy năm đã, sốt ruột khi thấy người lớn chỉ họp và bàn suông về hiện tượng khí hậu thay đổi, quyết định đứng lên làm một cái gì, dẫn tới phong trào Thứ Sáu Cho Tương Lai và đã lôi kéo giới trẻ toàn cầu.]

Tình trạng sách bị cấm ở Mỹ đã khiến PEN America gần đây phải lên tiếng báo động với bản tường trình dài 25 trang, với trọng tâm sách cho trẻ em, coi đó là một vi phạm quyền tự do phát biểu và quyền hiến định bởi Tu Chính Án Thứ Nhất của học sinh.

Theo PEN America, từ tháng 7, 2021 tới tháng 6, 2022, có cả thẩy 2,532 trường hợp sách bị cấm, ảnh hưởng tới 1,648 đầu sách. Số đầu sách này của 1,261 tác giả, 290 nhà minh hoạ, và 18 dịch giả, gây ảnh hưởng tới công trình sáng tạo văn chương và học thuật của 1,553 người. Đây là những ca đã được trình với PEN, có thể còn nhiều ca khác đã không được thông báo cho cơ quan này.

Riêng về sách giáo khoa, cấm sách đã diễn ra tại 138 học khu tại 32 tiểu bang, gồm 5,049 trường với tổng số học sinh gần 4 triệu.

Các tiểu bang ở Mỹ cấm sách. [Minh hoạ của PEN America]

Trong số 1,648 đầu sách bị cấm, danh sách của PEN phân loại như sau: 674 tựa sách, tức 41%, có chủ đề là giới đồng tính luyến ái với nhân vật chính hoặc nhân vật phụ nổi bật thuộc giới này; 659 tựa đề, hay 41%, có nhân vật chính hay phụ nhưng quan trọng là người da mầu, trong đó có cả ba cuốn của tác giả Toni Morrison, giải Nobel văn chương 1993, và nhiều tác phẩm văn chương nổi tiếng khác.

Thể loại sách bị cấm [Minh hoạ PEN America]

Sách cấm đó đây

Tháng 8 vừa qua, tác giả “The Satanic Verses” [Vần thơ của quỷ] Salman Rushdie bị ám sát hụt trong khi ông sắp sửa thuyết trình tại một học viện miền tây tiểu bang New York. Người ám sát ông là một thanh niên tín đồ Hồi giáo, 24 tuổi, người chưa cả ra đời khi khi cuốn tiểu thuyết “Vần thơ của quỷ” xuất bản, đã bị giới lãnh đạo Hồi giáo kết án là báng bổ đạo và tuyên án tử hình tác giả. Cuốn sách bị cấm tại Ấn Độ, Bangladesh, Egypt, Iran, Pakistan và South Africa. Tác giả của nó đã phải sống lẩn trốn, thuờng xuyên thay đổi chỗ ở và phải thuê người hộ vệ nhiều năm sau đó, cho tới ngày ông bị ám sát hụt vừa rồi. Sự thâm thù đối với tác giả và tác phẩm này mãnh liệt tới độ một dịch giả cuốn sách, Hitoshi Igarashi, cũng đã bị đâm chết tại Ý vào năm 1991 vì đã dịch cuốn sách đó ra tiếng Nhật.

Bộ sách nổi tiếng với nhân vật Harry Potter viết cho giới vị thành niên của tác giả J.K. Rowling cũng đã trở thành sách bị cấm hàng đầu trong danh sách 100 cuốn sách bị cấm trong các năm 2000-2009, vì không hạp khẩu vị của các nhóm Thiên Chúa giáo.

Một cuốn sách bằng tranh cho tuổi thơ, về chuyện [có thật] hai con chim penguin đực cùng giúp nuôi nấng một penguin con tại Sở Thú Central Park ở New York, tựa là “And Tango Makes Three” của tác giả Justin Richardson, cũng trở thành một trong những cuốn sách bị thách đố nhất, và đã bị cấm khắp nơi. Tại Singapore, ấn bản cuốn này bị rút khỏi các thư viện công và bị thiêu hủy. Chương trình American Experience của cơ quan truyền thông PBS có thực hiện một phim về trường hợp cuốn sánh cho thiếu nhi này.

Trung Hoa cấm cuốn chuyện trẻ em Winnie the Pooh vì chú gấu vàng tí hon này được các blogger ví với thủ tướng Tập Cận Bình. Trong khi đó, cuốn sách bán chạy nhất “The Da Vinci Code” của tác giả Dan Brown bị cấm ở Lebanon vì coi là xúc phạm đối với dân Thiên Chúa giáo.

Kiểm duyệt là chuyện chẳng có gì mới mẻ, đương nhiên. Cũng như việc cấm sách. Từ Tần Thủy Hoàng chẳng những hủy sách mà con giết cả các nho sĩ, tới thời Đức Quốc Xã triệt tiêu hàng chục ngàn cuốn sách, tranh ảnh bị coi là “phản Đức quốc,” qua thời kỳ Cách mạng Văn hoá kinh hoàng ở Tầu duới thời Mao Trạch Đông mà ai cũng đã nghe biết. Gần gụi với người Việt nhất, là chiến dịch đốt và cấm sách báo văn nghệ phẩm, cầm tù văn nghệ sĩ Miền Nam của cộng sản sau biến cố 30 tháng 4, 1975 mà không ai là không biết, nếu không là bị ảnh hưởng trực tiếp.

Và nền văn học nghệ thuật tự do của Miền Nam thực tế không hề, và cả không thể, bị loại bỏ, mà vẫn tiếp tục sống, và sống mạnh. Gần đây ta thấy quan tâm tìm hiểu về văn học Miền Nam trong nuớc ngày một phát triển, lan rộng, hiển nhiên và không thể chối cãi.

“Trong 30 năm [qua], chúng tôi đã nhìn thấy có những thay đổi thái độ nghiên cứu về văn học miền Nam, chậm chạp nhưng có thật,” nhà biên khảo Nguyễn Vy Khanh nhận định trong bài “Viết và đọc văn-học ở ngoài nước” [Giai phẩm Thư Quán Bản Thảo số 100, tháng 9-2022, trang 87-95].

Theo tác giả của bộ “Văn học Miền Nam 1954-1975” thì “đã có những bước tìm đến, rồi nhận chân, xác nhận những Chân Thiện Mỹ mà nền văn học [Miền Nam] đã đóng góp cho đất nước và văn hoá nước Việt nói chung. Những luận văn, biên khảo với quan điểm nhìn nền văn học đó như đã xẩy ra, đã có thật và nội dung đã nói lên điều gì. Từ cuối thập niên 1990, đã có những sinh viên, giáo sư trong nuớc đã liên lạc với tôi hỏi xin văn bản và bài viết [cho các khảo cứu của họ].”

Lịch sử, như đã thấy, dù cấm hay đốt, sách cấm, cũng như những văn nghệ phẩm khác, vẫn tồn tại và tiếp tục ảnh hưởng tới mọi người, mọi giới, góp phần vào việc mở mang trí tuệ, tầm nhìn của, và tiếp tay thăng hoa các thế hệ nhân loại.

Nhất là ở thời đại Internet khi sách không chỉ là in trên giấy dễ dàng đốt hủy, mà gồm nhiều ấn bản phổ biến trải rộng khắp nơi. Có muốn cấm thì cũng chỉ làm cái việc vô ích “lấy thúng úp voi.”

Một vòng hình ảnh sách cấm xưa, nay


Phần trưng bầy một số sách bị cấm và kiểm duyệt tại một tiệm sách tư ở Alabama,
California, ngày 16 tháng 10, 2021. [Ảnh Smith Collection/Gado/Getty Image]


Trái, các Thiếu Nhi Hitler tiếp tay đốt sách cho là đồi trụy, hình ghi
năm 1938. [Ảnh World History Archive/Alamy Stock Photo]
Cũng trong thời khoảng này, Đức Quốc Xã ra lệnh tịch thu khoảng 20,000 nghệ phẩm
tân thời [modern art] bị coi là “đồi trụy” và “bệnh hoạn,” và tổ chức triển lãm khoảng 740 bức,
phải, tại Munich, mở cửa ngày 19 tháng 7, 1937. Sau cuộc triển lãm, khoảng 4,000 tác phẩm bị thiêu hủy.
Số còn lại nhờ có người mua và đem dấu, nên thoát. [Ảnh moma.org]


Cuộc Cách mạng Văn hoá do Mao Trạch Đông phát động từ 1966 kéo dài tới khi Mao Trạch Đông
qua đời năm 1976. Hàng trăm ngàn người, đặc biệt giới trí thức và chuyên môn, bị đấu tố,
nhiều người bỏ mạng, hàng triệu sách vở và các sản phẩm văn hóa nghệ thuật lâu đời bị thiêu hủy.
Kinh tế đình trệ, nạn đói tràn lan. [Ảnh Internet]

 

Đền Sách Cấm Parthenon với kích thước thật, hàng trên, sáng tác phẩm của nữ nghệ sĩ Argentina,
Marta Minujín, phối hợp thực hiện với lễ hội nghệ thuật Documenta14 tại Kassel, Đức Quốc, 2017,
trưng bầy 100,000 cuốn sách của 170 ấn bản đã từng bị cấm trong kho tàng văn học
nhân loại. [Ảnh documenta14]. Hàng dưới, khách viếng Đền chiêm ngưỡng những cuốn sách
bọc trong giấy nhựa quấn quanh các cột đền. [Ảnh Gordon Welters/The New York Times]
Tác phẩm công phu trên được gợi hứng từ Đền Sách Cấm bên dưới, cũng là sáng tạo của
nữ nghệ sĩ Minujín.


Công trình Đền Sách Cấm/El Partenón de Libros của nữ nghệ sĩ Marta Munijín dựng tại thủ đô
Buenos Aires, Argentina, năm 1983 khi chế độ quân phiệt độc tài bị lật đổ sau bẩy năm nắm quyền.
Nhỏ bằng nửa kích thước thật của đền Parthenon ở Athen, Hy Lạp, El Partenón được quấn quanh
bởi 20,000 cuốn sách bị chế độ quân phiệt cấm trong bẩy năm cầm quyền. Dân Agentina kéo đến thăm
Đền Sách Cấm đồng thời ăn mừng nền dân chủ quôc gia vừa được vãn hồi.
[Ảnh tư liệu của Marta Munijín]


Trái, nhà sách Khai Trí, do ông Nguyễn Hùng Trương [1926-2005], một người quý sách, khởi lập
từ năm 1952, là một trong nhiều tiệm sách tại trung tâm Saigòn trước 1975, biểu tượng của
sinh hoạt văn học nghệ thuât tự do phong phú của Miền Nam. [Ảnh Internet]
Phải, sau khi chiếm Miền Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam ra lệnh đóng cửa tất cả các tiệm sách,
cấm lưu hành mọi sách báo đã xuất bản trước 1975 ở Miền Nam, khích động thanh thiếu niên
đi biểu tình đòi “bài trừ văn hoá đồi trụy phản động” như trong hình
bên mặt. [Ảnh Corbis/Getty Images, chụp ngày 27 tháng Năm, 1975] ​
Một chị bạn tôi, khi nghe kể về Đền Sách Cấm Parthenon, đã phát biểu: Ta cần một Đền Sách Cấm
Parthenon Cho Việt Nam.

 
[TD2022-09]

bài đã đăng của Trùng Dương

  • Thăm lại mộ thuyền nhân Việt ở Đông Nam Á - 23.09.2022
  • ‘The Monuments Men’: Chuyện những chiến sĩ bảo tồn di sản văn hoá, nghệ thuật của Âu Châu trong Đệ nhị Thế chiến - 08.09.2022
  • Hành trình của Mẹ: Điêu khắc Ron Mueck - 14.07.2022
  • Tuổi trẻ và lý tưởng - 04.07.2022
  • Không chỉ là chuyện phá thai, mà là quyền tự quyết của phụ nữ - 27.06.2022
  • Nghệ sĩ gốc Việt góp mặt trong bộ sưu tập nghệ phẩm tại toà nhà Vanport, Portland, Oregon - 23.05.2022
  • 50 Năm ‘Đại Lộ Kinh Hoàng’, 1972 - 2022 - Ký sự ‘Đi nhặt xác đồng bào Quảng Trị trên Đại lộ Kinh hoàng’ - 02.05.2022
  • Từ sàn quay tới chính trường, rồi chiến trường - 05.04.2022
  • Văn Quang mà tôi biết - 17.03.2022
  • Đố ai bứng sạch cây rừng… - 25.01.2022
  • Nằm trong phòng cấp cứu, nghĩ về chị - 14.01.2022
  • ‘Roulette Đỏ’: cuốn sách gây nhức nhối cho Bắc Kinh - 06.12.2021
  • Vịn tay hội hoạ - 14.10.2021
  • Phạm Đoan Trang: chân dung thế hệ Việt 2021 - 12.10.2021
  • Nhân bộ báo Sóng Thần ‘tái xuất’ trên Mạng, duyệt qua các trang mạng sách báo Miền Nam - 01.10.2021
  • Vươn Lên Từ Hoang Tàn Đổ Nát: Đài Quốc Gia Tưởng Niệm Và Viện Bảo Tàng 9/11 - 13.09.2021
  • Sách, phim: Van Gogh không hề tự tử - 18.08.2021
  • Từ ‘Con Đường Tơ Lụa Mới’ tới đề án G7 - 28.06.2021
  • Hòa nhập cùng Van Gogh - 07.05.2021
  • Theo chân ông từ giữ đền Sistine - 10.03.2021
  • Cầu Vừa Đủ Xài - 08.02.2021
  • Janet Yellen: Nữ bộ trưởng tài chánh Mỹ đầu tiên và trọng trách lèo lái Hoa Kỳ ra khỏi cơn khủng hoảng kinh tế hiện tại - 01.02.2021
  • Thư gửi bạn - 13.01.2021
  • Phụ Nữ Viết Văn Thời Cộng Hòa - 01.01.2021
  • Vatican: Bộ Trưng bày Cảnh Chúa Giáng Sinh gặp nhiều phản ứng - 22.12.2020
  • Hoàng Hải Thủy ‘Trăm Năm Hiu Quạnh’–bản mới - 11.12.2020
  • Sự thật đằng sau việc tháo gỡ các tượng đài - 13.07.2020
  • Thăm con cháu trong mùa đại dịch - 24.06.2020
  • Hai hiện tượng văn học Mỹ, một bối cảnh kỳ thị chủng tộc - 15.06.2020
  • Nhìn lại hành trình dựng nước trong thời chiến: Việt Nam Cộng Hòa, 1955-1975 - 30.04.2020
  • Rủ bạn đi thăm rừng, nghe cây tâm sự, tạm quên đại dịch - 11.04.2020
  • Cuộc khải hoàn của các nữ họa sư cổ điển - 17.01.2020
  • Lại chuyện chiếc điện thoại thông minh - 31.12.2019
  • Phim ‘Hai vị Giáo hoàng’: thông điệp cho thời đại phân hóa - 25.12.2019
  • Từ ‘Rừng’ Cao Ốc... tới ‘Cường Quốc’ Dân Oan - 19.09.2019
  • Chuyện cô Greta đi Nữu Ước và phong trào ‘Thứ Sáu cho Tương lai’ - 13.09.2019
  • Từ chiếc điện thoại thông minh... - 23.08.2019
  • Di sản quê hương - 07.05.2019
  • Đi xem hoa dại ở California Poppy Reserve - 08.04.2019
  • Poor Yella Rednecks- Kịch về đời sống người tỵ nạn gốc Việt trên sân khấu South Coast, Costa Mesa - 01.04.2019
  • Từ khúc sông xi-măng ở Santa Ana - 07.03.2019
  • Cuộc thi ảnh Vườn Rau Lộc Hưng: Lưu giữ bằng chứng về sự tàn ác của nhà cầm quyền cộng sản - 14.02.2019
  • Kho tàng đằng sau bức tường trong căn chung cư ở Paris - 04.02.2019
  • Sách điện tử và công trình vãn hồi, phổ biến sách báo xuất bản tại Miền Nam trước 1975 - 21.01.2019
  • Một góc Hà Nội - 14.11.2018
  • Việt Film Fest 2018 phản ảnh đời sống đa dạng của người Việt khắp nơi - 05.11.2018
  • Về bức hình ‘đốt sách 75’; Cách tìm nguồn hình - 03.09.2017
  • Từ Đền Sách Cấm Parthenon ở Đức, Buenos Aires tới Chiến Dịch Cộng Sản Đốt Sách Miền Nam 1975 - 01.08.2017
  • ‘Thiếp trong khung cửa …’ - 13.05.2017
  • Mộ phần thuyền nhân: Chứng tích lịch sử không thể xóa bỏ - 24.04.2017
  • Thoả hiệp Paris về khí hậu thay đổi - 02.02.2017
  • Thông điệp Standing Rock - 19.12.2016
  • Vai trò của báo chí trong những ngày tới - 06.12.2016
  • Gánh hát ‘Hamilton’ và ông Phó-đắc Pence - 28.11.2016
  • UC Berkeley Nhìn Lại 20 Năm VNCH Xây Dựng Quốc Gia Trong Thời Chiến- Kỳ 2/2 - 10.11.2016
  • UC Berkeley Nhìn Lại 20 Năm VNCH Xây Dựng Quốc Gia Trong Thời Chiến- Kỳ 1/2 - 09.11.2016
  • Từ Làng Đông Yên: Thăm lại 'Người đàn bà trong cồn cát' - 02.08.2016
  • 'The Sympathizer': Trận hoả mù và tuổi trẻ Việt Nam - 02.05.2016
  • Trở lại mái nhà xưa - 01.02.2016
  • 'VietnAmerica': Cuốn phim bao gồm 40 năm lịch sử người Việt tị nạn tại Mỹ từ 'chân ướt chân ráo' tới các thành tựu - 25.05.2015
  • Vài nhận xét về Đại hội Điện ảnh Việt Film Fest 2015 - 04.05.2015
  • Cuộc chơi đã kết thúc - 27.04.2015
  • Một cuốn sách chưa xuất bản nhưng đã gây sóng gió trên văn đàn Mỹ: Dư luận: Tác giả Harper Lee, 88 tuổi, bị luật sư ‘khai thác’ - 23.03.2015
  • 10 Ngày Trong Vùng Bốn Góc – Four Corners Area - 02.02.2015
  • 60 năm nhìn lại cuộc di cư 1954 Vĩnh Biệt Hải Phòng - 26.01.2015
  • Chuyện trò với tác giả ‘Thầy Giáo Làng’: Nguyễn Trọng Hiền - 23.01.2015
  • Gabriel Garcia Marquéz ‘Vĩ nhân không bao giờ chết cả’ - 16.05.2014
  • Một ngọn nến cho Trâm - 30.04.2014
  • Từ Hollywood tới đồi Weimar & ngược lại… Giới thẩm mỹ vinh danh nữ tài tử Tippi Hedren, ‘Mẹ đỡ đầu’ của ngành ‘nail’ Việt - 29.01.2014
  • 27 năm sau vụ lò nguyên tử Ukraine nổ kinh hoàng làm rúng động thế giới- Một cộng đồng các cụ bà vẫn sống vui vẻ trong cấm địa Chernobyl - 01.01.2014
  • Trên ngọn Everest: xưa và nay - 11.12.2013
  • Đại học Chân đất: nơi các bà mẹ quê thành kỹ sư - 26.11.2013
  • 20 nữ nghị sĩ: động lực giúp chính quyền Mỹ mở cửa lại - 21.11.2013
  • Venice 2012: ‘Trời hành cơn lụt mỗi năm’… - 08.11.2013
  • Viếng pho tượng ‘Veiled Christ’ ở Napoli - 16.09.2013
  • Visits to former refugee camp of Galang, boat people’s graves in Indonesia - 12.09.2013
  • Thăm Công viên Vigeland ở Oslo, Na Uy 221 tác phẩm điêu khắc ngợi ca hành trình nhân sinh - 20.08.2013
  • Các Con Tôi Đã Về - 15.07.2013
  • Đi thăm trại tị nạn cũ ở Galang và mồ mả thuyền nhân ở đảo Kuku, Air Raya - 12.09.2012
  • Đọc sách trong nước về lịch sử báo chí Miền Nam 1865-1995 - 05.07.2010
  • câu chuyện văn học miền Nam: tìm ở đâu? - 16.02.2010
  • Trông vời quê mẹ... - 01.02.2010
  • Đi thăm ngôi nhà của Hemingway ở Key West, Florida - 04.01.2010
  • Newseum: Triển lãm một mảnh tường Bá Linh, vọng gác ‘Tử thần’; Vai trò của báo chí và truyền thông dẫn tới biến cố ‘địa chấn’ này - 16.11.2009
  • Kiểm kê di sản văn hoá nghệ phẩm của các nhà thờ - 16.10.2009
  • Đọc ‘Audition,’ hồi ký của Barbara Walters - 15.04.2009
  • Đi thăm Taos và ‘Vòng Tròn Mê Hoặc’ ở New Mexico - 01.04.2009

Chủ Đề