Các loại thuốc kháng sinh dùng cho trẻ em

Lưu ý khi sử dụng thuốc kháng sinh cho trẻ nhỏ

- 30 October 2017
Submitted by Ban biên tập Sở Y Tế on 30 October 2017

Thuốc kháng sinh được ví như một con dao hai lưỡi, khi sử dụng đúng thì bệnh thuyên giảm, sử dụng sai bệnh sẽ ngày càng nặng hơn, điều này càng hết sức phải lưu ý khi đối tượng sử dụng kháng sinh là trẻ nhỏ, chúng ta càng cần tuân thủ các nguyên tắc lựa chọn kháng sinh phù hợp với bệnh, với độ tuổi, đúng hàm lượng, liều lượng, cách dùng, đường dùng để vừa đem lại tác dụng hiệu quả cho sức khỏe vừa tránh được tác dụng phụ và tai biến cho trẻ.

Theo ông Phạm Văn Thịnh, Giám đốc, Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe tỉnh Lạng Sơn cho biết, các thuốc kháng sinh không có tác dụng với Virút mà chỉ có tác dụng điều trị các bệnh do nhiễm vi khuẩn. Khi người bệnh, đặc biệt là trẻ nhỏ bị mắc bệnh viêm nhiễm không nên tự mua thuốc kháng sinh về điều trị, mà nên đi khám để bác sĩ kê đơn thuốc điều trị. Tuy nhiên lại có trường hợp nhiều bậc làm cha, làm mẹ vì thương con, khi đi khám nhất nhất đòi bác sĩ kê cho loại kháng sinh mà bệnh của con mình chưa cần dùng đến là không nên, vì sử dụng lạm dụng kháng sinh khi không cần thiết, không đúng liều cũng gây ra tình trạng nhờn thuốc của vi khuẩn hay còn gọi là kháng thuốc.

Thực tế cho thấy không phải bệnh nào cũng phải dùng thuốc kháng sinh để giải quyết. Mặt khác, bất cứ loại kháng sinh nào cũng đều có tác dụng phụ không mong muốn đối sức khỏe của người bệnh, đặc biệt là đối trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, khi mà các hệ cơ quan trong cơ thể đang ở giai đoạn phát triển, chức năng gan, thận chưa hoàn chỉnh, chưa tự đào thải độc tố từ thuốc kháng sinh ra khỏi cơ thể như người trưởng thành. Do vậy cần đặc biệt cẩn trọng khi sử dụng thuốc kháng sinh cho trẻ nhỏ, chỉ sử dụng kháng sinh khi thật sự cần thiết để đảm bảo hiệu quả chữa bệnh, hạn chế thấp nhất tác dụng không mong muốn trong suốt quá trình điều trị.

Để sử dụng kháng sinh được an toàn, cách tốt nhất khi trẻ mắc bệnh, các bậc cha mẹ nên đưa con đi khám và uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý mua và sử dụng bất kỳ loại thuốc kháng sinh nào, khi không có chỉ dẫn của bác sĩ, không tự ý sử dụng lại đơn thuốc cũ khi trẻ tái phát bệnh các biểu hiện như bệnh cũ mà không có sự thăm khám, hướng dẫn của thầy thuốc. Đặc biệt lưu ý hiện nay trên thị trường thuốc có một số nhóm kháng sinh được khuyến cáo không nên dùng cho trẻ nhỏ do gây nhiều độc tính cho cơ thể của trẻ như nhóm Quinolon có thể gây động kinh; nhóm Tetracyclin có thể gây chậm phát triển xương, răng vàng nâu vĩnh viễn; nhóm Aminozid có thể gây điếc, nhiễm độc gan...

Khi sử dụng thuốc kháng sinh cho trẻ phải sử dụng đúng liều, đủ thời gian theo chỉ đỉnh của bác sỹ tùy vào mức độ nhiễm khuẩn. Chỉ dừng thuốc khi trẻ khỏi bệnh từ 2 đến 4 ngày. Liều dùng thông thường sẽ được tính theo độ tuổi, cân nặng, chiều cao của trẻ, do vậy không nên tự ý tăng hay giảm liều hoặc lấy đơn thuốc của trẻ này để mua thuốc điều trị cho trẻ khác.

Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nên chọn thuốc uống dạng lỏng như: siro, hỗn dịch, dạng bột, dạng cốm hòa tan vì các dạng bào chế này có vị ngọt, thơm dễ uống. Không cho trẻ uống thuốc có dạng viên bao phim hoặc nén vì những thuốc này khó nuốt, có vị đắng làm trẻ sợ hãi. Chỉ sử dụng dạng tiêm hoặc truyền khi có chỉ định của bác sĩ điều trị.

Khi cho trẻ uống thuốc, không nên pha thuốc kháng sinh vào thức ăn, sữa, các loại nước ép trái cây, sinh tố, nước ngọt có ga vì sẽ gây ra phản ứng hóa học, làm thay đổi tác dụng cũng như giảm hiệu quả và tác dụng của thuốc. Chỉ nên pha thuốc với nước đun sôi để nguội để đảm bảo đặc tính và duy trì hiệu quả sử dụng. Tuân thủ hướng dẫn bác sĩ về thời gian uống thuốc trước bữa ăn, sau bữa ăn, trong bữa ăn để thuốc được hấp thu tốt nhất vào cơ thể trẻ. Khi trẻ xuất hiện tác dụng phụ của thuốc như nổi mề đay, ban đỏ, ngứa, khó thở hoặc các biểu hiện của dị ứng thuốc cần dừng thuốc kháng sinh và đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Nguồn: Bản tin y tế số 2/2017

THÔNG TIN MỚI NHẤT

  • Ánh sáng từ phẫu thuật thay thủy tinh thể
  • Tìm hiểu về thuốc điều trị ARV
  • Tiêm vắc xin phòng COVID-19 bổ sung và nhắc lại mũi thứ 3
  • Vẫn phải cảnh giác cao dù đã tiêm vắc xin phòng COVID-19
  • Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ trước và sau tiêm vaccine COVID-19
  • Nhìn lại công tác cải cách hành chính năm 2021
  • 8 giải pháp học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
  • Vai trò của vắc xin trong phòng, chống COVID-19
  • Giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ điều trị bằng thuốc thay thế Methadone
  • Những điều cần biết về hạn dùng và bảo quản thuốc

Video liên quan

Chủ Đề