Các nguyên tắc của Luật ngân hàng

Pháp luật về quản trị ngân hàng thương mại cổ phần ở Việt Nam: Thực trạng và phương hướng hoàn thiện

TS. Viên Thế Giang1

Nguyễn Trung Kiên2

Quá trình vận hành thị trường ngân hàng theo định hướng thị trường đặt ra đòi hỏi các quy định pháp luật về quản trị ngân hàng thương mại cổ phần [NHTMCP] không ngừng được hoàn thiện cho phù hợp với định hướng thị trường. Các NHTMCP ở Việt Nam hiện nay đều là các NHTMCP đại chúng, đa phần đã niêm yết trên thị trường chứng khoán thì việc tuân thủ, thực thi tốt pháp luật về quản trị NHTMCP càng quan trọng hơn, bởi lẽ, việc thực thi tốt pháp luật về quản trị NHTMCP sẽ góp phần minh bạch hóa hoạt động của các ngân hàng này, phân định rõ ràng trách nhiệm của người quản lý, điều hành NHTMCP, kiểm soát có hiệu quả các hành vi lạm dụng và bảo vệ tốt hơn quyền lợi của cổ đông. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi tập trung làm rõ khuôn khổ pháp luật điều chỉnh quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động quản trị NHTMCP, nhận diện những bất cập, hạn chế trong pháp luật về quản trị NHTMCP, từ đó, đưa ra các định hướng cơ bản góp phần hoàn thiện pháp luật quản trị NHTMCP trong giai đoạn hiện nay.

1. Thực trạng quy định pháp luật điều chỉnh quan hệ phát sinh trong hoạt động quản trị NHTMCP ở Việt Nam

Pháp luật điều chỉnh quan hệ phát sinh trong hoạt động quản trị NHTMCP ở Việt Nam được nhìn nhận là tổng thể các quy phạm pháp luật được ban hành bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong đó xác lập các quy tắc xử sự cho các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật quản trị NHTMCP. Khuôn khổ pháp luật này có thể phân loại thành các quy phạm pháp luật quản trị chung áp dụng với các công ty cổ phần; khuôn khổ pháp luật quản trị công ty áp dụng đối với các công ty niêm yết và khuôn khổ pháp luật quản trị áp dụng đối với các NHTMCP.

1.1. Quy định về quản trị công ty tại Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành - những quy định về quản trị công ty, được áp dụng khi các luật chuyên ngành không có quy định

Nội dung quy định về quản trị chung áp dụng với các công ty cổ phần được quy định trong Luật Doanh nghiệp1 và các văn bản hướng dẫn thi hành là một trong những nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này2, bao gồm các nội dung cơ bản sau đây:

- Các quy định về Đại hội đồng cổ đông liên quan đến triệu tập và tiến hành Đại hội đồng cổ đông, cách thức thông qua quyết định của Đại hội đồng cổ đông, quyền tham gia Đại hội đồng cổ đông3.

- Các quy định về Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị và trách nhiệm, quyền, nghĩa vụ của Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị trong việc thực hiện nhiệm vụ quản trị công ty4, trong đó đáng chú ý là các trách nhiệm liên quan đến việc trung thành với lợi ích của công ty, tính khách quan, trung thực của thành viên Hội đồng quản trị; công khai lợi ích khi thực thi trách nhiệm thành viên Hội đồng quản trị…5.

- Quy định về cổ đông và các phương thức bảo vệ cổ đông trong công ty cổ phần, nhất là đối với cổ đông thiểu số thông qua các quy định về quyền và nghĩa vụ của cổ đông6. Căn cứ pháp lý để xác định cổ đông thiểu số với cổ đông lớn dựa vào quy định của Luật Chứng khoán, theo đó, cổ đông lớnlà cổ đông sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp từ năm phần trăm trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành7. Từ quy định của Luật Chứng khoán về cổ đông lớn chúng ta có thể suy luận, cổ đông sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp dưới năm phần trăm số cổ phiếu có quyền biểu quyết là cổ đông thiểu số.

- Quy định về công khai thông tin công ty cổ phần8.

1.2. Quy định về quản trị công ty đối với công ty đại chúng - quy định dành riêng cho các công ty đã phát hành chứng khoán ra công chúng

Trước đây, yêu cầu tuân thủ về quản trị công ty được quy định khá chặt chẽ đối với các công ty niêm yết9. Khi Luật Chứng khoán được sửa đổi, bổ sung năm 2010 đòi hỏi công ty đại chúng đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng phải cam kết đưa chứng khoán vào giao dịch trên thị trường có tổ chức trong thời hạn một năm, kể từ ngày kết thúc đợt chào bán được Đại hội đồng cổ đông thông qua10. Nghiên cứu nội dung quy định pháp luật về công ty đại chúng có thể nhận thấy:

- Luật Chứng khoán 2006, sửa đổi, bổ sung 2010 đã quy định rõ ba hình thức của công ty đại chúng là: i] Công ty đã thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng; ii] Công ty có cổ phiếu được niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán hoặc Trung tâm giao dịch chứng khoán; iii] Công ty có cổ phiếu được ít nhất một trăm nhà đầu tư sở hữu, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và có vốn điều lệ đã góp từ mười tỷ đồng Việt Nam trở lên11.

- Quy định tuân thủ các nguyên tắc quản trị công ty là nghĩa vụ của công ty đại chúng12.

- Xác định luật áp dụng cho quản trị công ty đại chúng bao gồm Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các quy định khác của pháp luật có liên quan13.

- Quy định bốn nguyên tắc quản trị công ty đại chúng là: a] Bảo đảm cơ cấu quản trị hợp lý; bảo đảm hiệu quả hoạt động của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát; b] Bảo đảm quyền lợi của cổ đông, những người có liên quan; c] Bảo đảm đối xử công bằng giữa các cổ đông; d] Công khai, minh bạch mọi hoạt động của công ty. Trên cơ sở quy định của Luật Chứng khoán về quản trị công ty, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 121/2012/TT-BTC ngày 26/7/2012 quy định về quản trị công ty áp dụng cho các công ty đại chúng.

1.3. Quy định về quản trị tổ chức tín dụng [TCTD] là công ty cổ phần - những quy định đặc thù với doanh nghiệp thực hiện hoạt động ngân hàng

Một trong những điểm mới của Luật các TCTD 2010 [Luật các TCTD 2010] là quy định rõ hình thức tổ chức của TCTD. Theo đó, NHTM trong nước được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần trừ trường hợp NHTM nhà nước được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ14. So với Luật Doanh nghiệp 2014, Luật các TCTD 2010 đã có nhiều quy định khá chặt chẽ, cụ thể về quản trị TCTD là công ty cổ phần, trong đó có nhiều quy định về tiêu chuẩn, điều kiện để trở thành người quản lý, điều hành TCTD trên các khía cạnh trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm quản lý và tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp15 cũng như bảo đảm sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước đối với người thực hiện nhiệm vụ quản lý, điều hành TCTD thông qua quy định chấp thuận danh sách dự kiến những người được bầu, bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc [Giám đốc] của TCTD16. Quy định về quản trị NHTMCP trong Luật các TCTD 2010 đã bảo đảm tính thống nhất với pháp luật quản trị công ty và cụ thể hóa được những đặc thù của quản trị NHTMCP - TCTD được thực hiện toàn bộ hoạt động ngân hàng.

2. Đánh giá khuôn khổ pháp luật về quản trị NHTMCP ở Việt Nam và phương hướng hoàn thiện

2.1. Những ưu điểm của pháp luật về quản trị NHTMCP ở Việt Nam

Thứ nhất, quy định rõ nguyên tắc áp dụng pháp luật quản trị áp dụng đối với NHTMCP theo hướng ưu tiên áp dụng quy định của Luật các TCTD với tư cách là Luật chuyên ngành trong trường hợp có sự khác nhau trong quy định về quản trị TCTD giữa Luật các TCTD với các quy định pháp luật có liên quan17. Quy định này có ý nghĩa rất quan trọng trong thực tiễn thực thi pháp luật về quản trị NHTMCP, bởi lẽ, vấn đề quản trị TCTD là công ty cổ phần nói chung, quản trị NHTMCP nói riêng đến nhiều lĩnh vực pháp luật như đã phân tích ở trên.

Thứ hai, pháp luật quản trị NHTMCP đã thể chế hóa được các tiêu chuẩn, điều kiện đối với người quản lý, điều hành theo khuyến nghị của Ủy ban Basel; vừa bảo đảm tính thống nhất với pháp luật quản trị công ty vừa phản ánh được yêu cầu đặc thù đối với tổ chức hoạt động ngân hàng.

Theo Ủy ban Basel18, Hội đồng quản trị cần chủ động thực thi trách nhiệm chung đối với ngân hàng bao gồm chiến lược kinh doanh và rủi ro, tổ chức, sự vững mạnh về tài chính và quản trị của ngân hàng. Để hoàn thành trách nhiệm này, Hội đồng quản trị phải thực hiện đánh giá khách quan có cơ sở, đồng thời, đảm bảo rằng từng cá nhân cũng như cả Hội đồng luôn luôn có trình độ và năng lực phù hợp; áp dụng những thông lệ quản trị tốt trong hoạt động của bản thân Hội đồng; được hỗ trợ bởi các bộ phận quản lý rủi ro và giám sát có năng lực, vững mạnh và độc lập để đảm bảo việc giám sát hiệu quả. Ban Giám đốc, và cả Hội đồng quản trị khi cần thiết, phải hiểu rõ mục đích của bất kỳ cơ cấu nào có khả năng gây cản trở tính minh bạch, nhận thức được các rủi ro mà những cơ cấu đó có thể mang lại và cố gắng giảm thiểu những rủi ro đã xác định. Ban Giám đốc dưới sự chỉ đạo của Hội đồng quản trị, cần đảm bảo hoạt động của ngân hàng phù hợp với chiến lược kinh doanh, mức độ chấp nhận rủi ro/khẩu vị rủi ro và chính sách quản lý rủi ro mà Hội đồng phê duyệt. Công bố thông tin và tính minh bạch là một công cụ giúp nhấn mạnh và thực hiện các nguyên tắc chính của quản trị công ty tốt.

Từ quy định của Luật các TCTD 2010 cho thấy, các tiêu chuẩn, điều kiện đối với người quản lý, điều hành đối với NHTMCP đã đáp ứng các nguyên tắc tăng cường quản trị công ty đối với tổ chức ngân hàng, trong đó đáng chú ý là việc phân định quyền hạn và trách nhiệm, có nghĩa là, phương thức Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc quản lý hoạt động kinh doanh và các vấn đề khác của ngân hàng. Cụ thể là:

- Có nhiều quy định không được đảm nhiệm chức vụ tại TCTD là công ty cổ phần liên quan đến các chức danh quản lý, điều hành doanh nghiệp và những người liên quan19.

- Xác định rõ các trường hợp không được đồng thời đảm nhiệm chức vụ giữa các TCTD để tránh xung đột lợi ích giữa các TCTD. Quy định này không áp dụng đối với trường hợp Chủ tịch Hội đồng quản trị của quỹ tín dụng nhân dân vì Luật các TCTD cho phép Chủ tịch Hội đồng quản trị của quỹ tín dụng nhân dân được đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị của ngân hàng hợp tác xã20.

- Có nhiều quy định thể hiện nghĩa vụ thể hiện trách nhiệm trung thực, cẩn trọng, trung thành với lợi ích của TCTD của người quản lý, điều hành TCTD như: Thực hiện quyền, nghĩa vụ một cách trung thực, cẩn trọng, vì lợi ích của TCTD, cổ đông, thành viên góp vốn và chủ sở hữu TCTD; Trung thành với TCTD; không sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của TCTD, lạm dụng địa vị, chức vụ và tài sản của TCTD để thu lợi cá nhân hoặc để phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác làm tổn hại tới lợi ích của TCTD, cổ đông, thành viên góp vốn và chủ sở hữu TCTD; trách nhiệm công khai các lợi ích liên quan…21.

- Quy định chi tiết tiêu chuẩn, điều kiện để trở thành người quản lý, điều hành TCTD22; trách nhiệm của người quản lý, điều hành TCTD… Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật quản trị TCTD là công ty
cổ phần
23.

Thứ ba, pháp luật về quản trị NHTMCP đã quy định cụ thể các thiết chế bên trong và các thiết chế bên ngoài để bảo đảm thực thi trách nhiệm của người quản lý, điều hành NHTMCP nhằm bảo vệ tốt nhất quyền lợi của ngân hàng và cổ đông

Thiết chế bên trong bảo đảm thực thi trách nhiệm của người quản lý, điều hành NHTMCP bao gồm hoạt động của Ban kiểm soát24; sự tham gia của cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông, sử dụng quyền của cổ đông trong việc đòi hỏi người quản trị, điều hành NHTMCP phải cung cấp thông tin hoặc giải trình về những vấn đề cổ đông quan tâm25 và hệ thống kiểm toán26, kiểm soát nội bộ27 của NHTMCP.

Thiết chế bên ngoài bảo đảm thực thi trách nhiệm của người quản lý, điều hành NHTMCP bao gồm hoạt động kiểm toán độc lập28; hoạt động quản lý, giám sát của Ngân hàng Nhà nước29, của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước30 và hoạt động giám sát mức độ tuân thủ các chuẩn mực quản trị công ty của Sở Giao dịch chứng khoán31; cơ chế phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán với cơ quan điều tra trong việc phát hiện, làm rõ các sai phạm, nhất là hành vi phạm tội phát sinh trong quá trình thực thi trách nhiệm của người quản lý, điều hành NHTMCP. Trong các thiết chế bên ngoài thì sự quản lý, giám sát của Ngân hàng Nhà nước đối với tuân thủ nghĩa vụ, trách nhiệm của người quản lý, điều hành NHTMCP là yếu tố quan trọng nhất góp phần củng cố niềm tin của cổ đông, của người gửi tiền cũng như bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các TCTD - một trong những mục tiêu hoạt động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã được quy định trong Luật Ngân hàng Nhà nước 201032.

Thứ tư, pháp luật về quản trị NHTMCP đã đáp ứng yêu cầu minh bạch thông qua việc quy định rõ ràng về chế độ công khai các lợi ích liên quan và hoạt động công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Theo đó, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc [Giám đốc], Phó Tổng giám đốc [Phó giám đốc] và các chức danh tương đương của TCTD phải công khai với TCTD các thông tin: i] Tên, địa chỉ trụ sở chính, ngành, nghề kinh doanh, số và ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nơi đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, tổ chức kinh tế mà mình và người có liên quan đứng tên sở hữu phần vốn góp, cổ phần hoặc ủy quyền, ủy thác cho cá nhân, tổ chức khác đứng tên từ 5% vốn điều lệ trở lên; ii] Tên, địa chỉ trụ sở chính, ngành, nghề kinh doanh, số và ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nơi đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp mà mình và người có liên quan đang là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc [Giám đốc]. Có thể khẳng định, các quy định về công khai lợi ích liên quan là căn cứ pháp lý kiểm soát các hành vi lạm dụng vị trí, quyền hạn của người quản lý, điều hành NHTMCP để ra các quyết định cấp tín dụng hoặc cung ứng dịch vụ ngân hàng cho các đối tượng này mà không tuân thủ các tiêu chuẩn, điều kiện do pháp luật quy định.

Về chế độ công bố thông tin, Luật Doanh nghiệp 2014 có quy định về quyền được cung cấp thông tin của Ban Kiểm soát33 và công khai thông tin của công ty cổ phần34. Ngoài ra, Luật Chứng khoán 2006, sửa đổi, bổ sung 2010 quy định rõ công bố thông tin là nghĩa vụ của tổ chức phát hành, công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty đầu tư chứng khoán, Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm giao dịch chứng khoán, Trung tâm lưu ký chứng khoán, người có liên quan. Việc công bố thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời và phải do người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền và người có liên quan thực hiện35.

2.2. Một số bất cập trong quy định pháp luật về quản trị NHTMCP ở Việt Nam và phương hướng hoàn thiện

Một là, trong ngân hàng, vai trò của Hội đồng quản trị đặc biệt quan trọng vì các quyết định của Hội đồng quản trị có ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại của NHTMCP. Trong khi đó, hoạt động ngân hàng đòi hỏi tính cạnh tranh rất mạnh mẽ và do đó, để tối đa hóa quyền lợi của cổ đông, nghĩa là, chạy theo mục tiêu lợi nhuận, Hội đồng quản trị có thể triển khai các thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh, làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh ngân hàng35. Để bảo đảm an toàn hoạt động, các NHTMCP phải tuân thủ các quy định quản trị rủi ro rất chặt chẽ. Trong khi đó, hoạt động ngân hàng luôn phải đối diện với tình trạng thông tin không cân xứng ở mức độ cao, điều này càng làm cho thực tiễn quản trị công ty trong ngân hàng trở nên khó khăn, phức tạp hơn, bởi lẽ, Hội đồng quản trị phải giải quyết đồng thời nhiều quan hệ lợi ích xung đột như tuân thủ quy định bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng với việc tối đa hóa lợi nhuận cho ngân hàng; khả năng bị chi phối, lôi kéo thành viên Hội đồng quản trị bởi các lực lượng thị trường; tính minh bạch thông tin trên thị trường ngân hàng rất thấp… đã làm cho rủi ro trong thực tiễn quản trị NHTMCP tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, các quy định hiện hành vẫn còn tồn tại một số bất cập như:

- Chưa phân định rõ ràng nhiệm vụ, quyền hạn của chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc hoặc Giám đốc nên dễ dẫn đến hệ quả là, chủ tịch Hội đồng quản trị vẫn còn can thiệp khá sâu và hoạt động điều hành của Tổng giám đốc hoặc Giám đốc. Nói cách khác, pháp luật quản trị NHTMCP chưa phân định rõ chức năng quản lý với chức năng điều hành.

- Quy định trách nhiệm công khai thông tin về các lợi ích liên quan của người quản lý, điều hành NHTMCP chưa cụ thể. Hệ quả của tình trạng này là cổ đông chưa kiểm soát được các giao dịch của NHTMCP với các bên liên quan.

Hai là, chưa thiết lập được khung chuẩn mực đạo đức quản trị NHTM. Khi thực hiện các nghiên cứu về đạo đức kinh doanh nói chung37, đạo đức kinh doanh ngân hàng38 nói riêng chúng tôi nhận thấy, các chuẩn mực đạo đức kinh doanh ngân hàng đã được các TCTD quan tâm từ việc thiết lập tới việc thực hành các chuẩn mực đạo đức này trong thực tiễn kinh doanh. Hiệp hội Ngân hàng cũng đã xây dựng và áp dụng đối với thành viên của Hiệp hội39. Tuy nhiên, ở cấp độ quốc gia, Ngân hàng Nhà nước cũng cần có bộ quy tắc đạo đức ngân hàng và bộ quy tắc đạo đức quản trị ngân hàng.

Ba là, các thiết chế thực thi pháp luật quản trị NHTMCP chưa đủ mạnh. Các vi phạm pháp luật trong hoạt động ngân hàng thường khó được phát hiện sớm do nó có liên quan đến các quy trình nghiệp vụ; mức độ nhạy cảm cao của thông tin liên quan đến người quản lý, điều hành NHTMCP đối với người gửi tiền. Các vi phạm của người người quản lý, điều hành NHTMCP có thể bị che giấu hoặc “xử lý nội bộ” nên các sai phạm có thể bị bỏ qua hoặc xử lý không triệt để.

Bốn là, diễn biến tình hình tội phạm do người, một bộ phận người quản lý, điều hành NHTMCP đang có chiều hướng gia tăng với tính chất, mức độ thiệt hại ngày càng nghiêm trọng đặt ra yêu cầu phải nâng cao hơn nữa hiệu quả giám sát từ bên trong40.

Từ những bất cập nêu trên, chúng tôi đề xuất:

Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước nên xây dựng thông tư quy định các quy tắc quản trị NHTM để cụ thể hóa những đặc thù về quản trị NHTM, trong đó cần có quy định cụ thể nhằm phân định trách nhiệm của người quản lý, điều hành NHTM với nghĩa vụ tuân thủ quy định pháp luật về bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các TCTD; phân định mục tiêu hoạt động của NHTM với mục tiêu thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia và các chính sách kinh tế vĩ mô. Bộ quy tắc quản trị NHTM hướng tới giải quyết:

- Yêu cầu phải tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các TCTD của người quản lý, điều hành với việc tuân thủ, thực hiện trách nhiệm của mình và bảo đảm quyền lợi của cổ đông, thành viên góp vốn.

- Kiểm soát hiệu quả hành vi lạm dụng việc tuân thủ quy định bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các TCTD để trục lợi của người quản lý, điều hành.

- Cụ thể hóa trách nhiệm công khai thông tin của người quản lý, điều hành NHTM với các bên liên quan và phát huy vai trò của hệ thống kiểm soát nội bộ trong việc tuân thủ các quy định này.

Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước cần nhanh chóng xây dựng và ban hành bộ quy tắc đạo đức quản trị trong lĩnh vực ngân hàng dựa trên bộ quy tắc đạo đức kinh doanh ngân hàng.

Thứ ba, tăng cường các thiết chế bảo đảm thực thi trách nhiệm của người quản lý, điều hành NHTMCP bằng các giải pháp:

- Nâng cao nhận thức và kỹ năng vận dụng quyền của cổ đông trong việc giám sát thực thi trách nhiệm của người quản trị NHTMCP tại Đại hội đồng cổ đông, quyền yêu cầu cung cấp thông tin về hoạt động quản trị…

- Phát huy vai trò của Hiệp hội Ngân hàng trong giám sát thực thi pháp luật quản trị NHTMCP, nghiên cứu bổ sung thêm tiêu chuẩn tuân thủ pháp luật quản trị ngân hàng khi kết nạp hội viên.

- Tăng cường cơ chế chia sẻ thông tin, phối hợp trong điều tra, phát hiện hành vi phạm tội của người quản lý điều hành NHTMCP giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với Bộ Công an và cơ quan điều tra địa phương.

1 Xem cụ thể: Chương V Luật Doanh nghiệp 2014 từ Điều 110 đến Điều 171.

2 Xem: Điều 1 Luật Doanh nghiệp 2014.

3 Xem cụ thể từ Điều 135 đến Điều 148 Luật Doanh nghiệp 2014.

4 Xem cụ thể từ Điều 149 đến Điều 156 Luật Doanh nghiệp 2014.

5 Xem cụ thể: Điều 159, Điều 160 Luật Doanh nghiệp 2014.

6 Quyền và nghĩa vụ của cổ đông phổ thông được quy định tại Điều 114, Điều 115 Luật Doanh nghiệp 2014. Ngoài quyền và nghĩa vụ của cổ đông phổ thông, Luật Doanh nghiệp 2014 còn quy định về: Cổ phần ưu đãi biểu quyết và quyền của cổ đông ưu đãi biểu quyết [Điều 116], Cổ phần ưu đãi cổ tức và quyền của cổ đông ưu đãi cổ tức [Điều 117], Cổ phần ưu đãi hoàn lại và quyền của cổ đông ưu đãi hoàn lại [Điều 118] và Cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập [Điều 119], Quyền khởi kiện đối với thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc, Tổng giám đốc [Điều 161].

7 Khoản 9 Điều 4 Luật Chứng khoán 2006.

8 Xem: Điều 171 Luật Doanh nghiệp 2014.

9 Xem cụ thể:

- Quyết định số 12/2007/QĐ-BTCngày 13/3/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Quy chế quản trị công ty áp dụng cho các công ty niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán/Trung tâm giao dịch chứng khoán.

- Quyết định số 15/2007/QĐ-BTC ngày 19/03/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Điều lệ mẫu áp dụng cho các công ty niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán/Trung tâm giao dịch chứng khoán.

10 Điểm d Khoản 1 Điều 12 Luật Chứng khoán 2006, sửa đổi, bổ sung 2010.

11 Khoản 1 Điều 25 Luật Chứng khoán 2006.

12 Điểm b Khoản 2 Điều 27 Luật Chứng khoán 2006.

13 Khoản 1 Điều 27 Luật Chứng khoán 2006, sửa đổi, bổ sung 2010.

14 Xem: Khoản 1, Khoản 2 Điều 6 Luật các TCTD 2010.

15 Xem: Điều 50 Luật các TCTD 2010.

16 Xem: Điều 51 Luật các TCTD 2010.

17 Xem: Khoản 2 Điều 3 Luật các TCTD 2010.

18 Xem cụ thể:

- Basel Committee on Banking Supervision, Principles for enhancing Corporate Governace, October, 2010.

- Basel Committee on Banking Supervision, Consultative document, Guidelines Corporate Governace Principles for Banks, October, 2014.

19Theo quy định tại Khoản 1 Điều 33 những đối tượng sau đây không được đảm nhiệm chức vụ:

- Người đã từng là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh, Tổng giám đốc [Giám đốc], thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát của doanh nghiệp, Chủ nhiệm và các thành viên Ban quản trị hợp tác xã tại thời điểm doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản, trừ trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản vì lý do bất khả kháng.

- Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tại thời điểm doanh nghiệp bị đình chỉ hoạt động, bị buộc giải thể do vi phạm pháp luật nghiêm trọng, trừ trường hợp là đại diện theo đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm chấn chỉnh, củng cố doanh nghiệp đó.

- Người đã từng bị đình chỉ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Trưởng Ban kiểm soát, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc [Giám đốc] của TCTD theo quy định tại Điều 37 của Luật các TCTD hoặc bị cơ quan có thẩm quyền xác định người đó có vi phạm dẫn đến việc TCTD bị thu hồi Giấy phép.

- Người có liên quan của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc [Giám đốc] không được là thành viên Ban kiểm soát của cùng TCTD.

- Người có liên quan của Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên không được là Tổng giám đốc [Giám đốc] của cùng TCTD.

20 Xem cụ thể: Điều 34 Luật các TCTD 2010.

21 Xem cụ thể Điều 38, Điều 39 Luật các TCTD 2010.

22 Xem cụ thể Điều 50 Luật các TCTD 2010.

23 Xem cụ thể từ Điều 52 đến Điều 65 Luật các TCTD 2010.

24Xem cụ thể từ Điều 44 đến Điều 48 Luật các TCTD 2010.

25 Xem cụ thể tại Điều 53 Luật các TCTD 2010.

26 Xem cụ thể tại Điều 40 Luật các TCTD 2010.

27 Xem cụ thể tại Điều 41 Luật các TCTD 2010.

28Xem cụ thể tại Điều 42 Luật các TCTD 2010.

29 Xem thêm: Chương III sách Pháp luật về giám sát tài chính ở Việt Nam một số vấn đề lý luận và thực tiễn, do các tác giả 30Đoàn Đức Lương, Viên Thế Giang [Đồng chủ biên], Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015.

31 Xem thêm:

- Chương IV sách Pháp luật về giám sát tài chính ở Việt Nam một số vấn đề lý luận và thực tiễn, do các tác giả Đoàn Đức Lương, Viên Thế Giang [Đồng chủ biên], Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015.

- Viên Thế Giang, Pháp luật về giám sát thị trường chứng khoán thực trạng và phương hướng hoàn thiện, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 1 [309]/2014, tr.46-56,84.

- Viên Thế Giang, Võ Thị Mỹ Hương, Kiểm soát hành vi sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Tạp chí Ngân hàng số 18/2013, tr.41-46.

- Viên Thế Giang, Pháp luật về kiểm soát hành vi sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 11/2014.

32 Xem thêm: Chương IV Luật Chứng khoán 2006, sửa đổi, bổ sung 2010 từ Điều 33 đến Điều 41.

33 Khoản 1 Điều 4 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 quy định rõ: Hoạt động của Ngân hàng Nhà nước nhằm ổn định giá trị đồng tiền; bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các TCTD; bảo đảm sự an toàn, hiệu quả của hệ thống thanh toán quốc gia; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

34 Xem Điều 166 Luật Doanh nghiệp 2014.

35 Xem Điều 171 Luật Doanh nghiệp 2014.

36 Xem thêm:

- Thông tư số 155/2015/TT-BTC ngày 6/10/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

- Viên Thế Giang, Pháp luật về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán ở Việt Nam, Luận văn thạc sĩ luật học, Khoa Luật - Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2008.

- Nguyễn Thị Ánh Vân, Chế độ công bố thông tin theo luật chứng khoán năm 2006, Tạp chí Luật học, số 8, tr.60-66.

- Nguyễn Thị Ánh Vân, Về điều kiện pháp lí đảm bảo thị trường chứng khoán minh bạch, Tạp chí Luật học, số 11 [126], tr. 57-66; 76.

37 Xem thêm: Viên Thế Giang, Pháp luật về chống cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng của các ngân hàng thương mại ở Việt Nam, Luận án tiến sĩ luật học, Học viện Khoa học Xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Hà Nội, 2014.

38 Xem cụ thể: Viên Thế Giang, Xác lập nền tảng đạo đức kinh doanh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam, trong Kỷ yếu Hội thảo Khoa học quốc tế “Hội nhập: Hợp tác và Cạnh tranh”, Tập 2 do Trường Đại học Thương mại và Trường Cao đẳng kinh tế đối ngoại tổ chức tháng 12/2011, Nxb. Thống kê, Hà Nội, 2011, tr. 570 - tr. 581.

Xem cụ thể:

- Viên Thế Giang, Nhận diện nguy cơ vi phạm đạo đức kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam, Tạp chí Ngân hàng số 23, tháng 12/2011.

- Bùi Hữu Toàn, Viên Thế Giang, Xây dựng bộ quy tắc đạo đức kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam: Thực trạng và một vài khuyến nghị, Tạp chí Ngân hàng số 23/2013, tr.33-41.

39 Xem: Quyết định số 21/QĐ-HHNH ngày 20/6/2014 của Hội đồng Hiệp hội ngân hàng Về việc ban hành Quy tắc đạo đức của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

40 Xem thêm:

- Nguyễn Quang Hiền, Nhận diện tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng và các kiến nghị phòng ngừa, xử lý, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 10/2015, tr.53-59.

- Phùng Thị Thu Hường, Đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật số 5/2015.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Basel Committee on Banking Supervision, Principles for enhancing Corporate Governace, October, 2010.

2. Basel Committee on Banking Supervision, Consultative document, Guidelines Corporate Governace Principles for Banks, October, 2014.

3. Viên Thế Giang, Pháp luật về giám sát thị trường chứng khoán thực trạng và phương hướng hoàn thiện, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 1 [309]/2014, tr.46-56,84.

4. Viên Thế Giang, Võ Thị Mỹ Hương, Kiểm soát hành vi sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Tạp chí Ngân hàng số 18/2013, tr.41-46.

5. Viên Thế Giang, Pháp luật về kiểm soát hành vi sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 11/2014.

6. Viên Thế Giang, Pháp luật về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán ở Việt Nam, Luận văn thạc sĩ luật học, Khoa Luật - Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2008.

7. Viên Thế Giang, Pháp luật về chống cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng của các ngân hàng thương mại ở Việt Nam, Luận án tiến sĩ luật học, Học viện Khoa học Xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Hà Nội, 2014.

8. Viên Thế Giang, Xác lập nền tảng đạo đức kinh doanh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam, trong Kỷ yếu Hội thảo Khoa học quốc tế “Hội nhập: Hợp tác và Cạnh tranh”, Tập 2 do Trường Đại học Thương mại và Trường Cao đẳng kinh tế đối ngoại tổ chức tháng 12/2011, Nxb. Thống kê, Hà Nội, 2011, tr. 570 - tr. 581.

9. Viên Thế Giang, Nhận diện nguy cơ vi phạm đạo đức kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam, Tạp chí Ngân hàng số 23, tháng 12/2011.

10. Nguyễn Quang Hiền, Nhận diện tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng và các kiến nghị phòng ngừa, xử lý, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 10/2015, tr.53-59.

11. Phùng Thị Thu Hường, Đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật số 5/2015.

12. Đoàn Đức Lương, Viên Thế Giang [Đồng chủ biên], Pháp luật về giám sát tài chính ở Việt Nam một số vấn đề lý luận và thực tiễn, tái bản có sửa chữa bổ sung, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015.

13. Bùi Hữu Toàn, Viên Thế Giang, Xây dựng bộ quy tắc đạo đức kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam: Thực trạng và một vài khuyến nghị, Tạp chí Ngân hàng số 23/2013, tr.33-41.

14. Nguyễn Thị Ánh Vân, Chế độ công bố thông tin theo luật chứng khoán năm 2006, Tạp chí Luật học, số 8, tr.60-66.

15. Nguyễn Thị Ánh Vân, Về điều kiện pháp lí đảm bảo thị trường chứng khoán minh bạch, Tạp chí Luật học, số 11 [126], tr. 57-66; 76.

*1 Khoa Luật – Trường Đại học Kinh tế Tp.HCM

*2 Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế

Video liên quan

Chủ Đề