Cách câu ngâm cá hồng

KHAI THÁC HẢI SẢN BẰNG NGHỀ CÂU

1. Khái quát

Nghề câu có từ cổ xưa đến nay ngày càng phát huy tác dụng. Những thành tựu mới nhất của khoa học công nghệ được áp dụng cho nghề câu như câu vàng cá ngừ nhờ kỹ thuật vệ tinh đo nhiệt độ nước biển ở các độ sâu khác nhau, nhờ tia hồng ngoại hoặc cá rôbốt thế hệ mới của Nhật Bản, Hàn Quốc được lắp trên các tàu câu mực và cá ngừ.

Do có lịch sử phát triển rất dài được nhiều người tham gia nên nghề câu rất phong phú và phát triển rộng khắp từ vùng nước nội địa đến các đại dương, thậm chí ngay các vùng băng giá. Đến nay, rất khó mà tổng kết được trên thế giới có bao nhiêu loại câu và sản lượng của nghề này là bao nhiêu. Tuy nhiên trong công nghệ khai thác ngày nay, cho sản lượng lớn chỉ có số ít các nghề bằng câu vàng, câu tay [câu máy hay rôbốt], câu cần, câu chạy

Nghề câu có nhiều ưu điểm như cấu tạo ngư cụ tương đối đơn giản, khai thác có tính chọn lọc cao nên không tàn phá nguồn lợi và môi trường, ít chi phí năng lượng, khai thác các đối tượng có giá trị cao [cá ngừ, cá thu, mực,] và đặc biệt là được đông đảo các tầng lớp trong xã hội tham gia mà chủ yếu là trong nghề câu thể thao, giải trí.

2. Một số nghề câu chính

2. 1. Câu tay

Cấu tạo gồm [xem hình 35]:

- Ống câu: được làm bằng gỗ hoặc nhựa có nhiều kích thước khác nhau, dùng để quấn dây câu chính và dây câu nhánh. Chiều dài ống câu L = 150-200mm, đường kính Φ = 110-150mm.

- Dây câu chính: dây câu thường xử dụng là loại cước PA, đường kính của dây câu chính thường Φ = 0,8-1,0mm, chiều dài dây câu, tùy thuộc vào độ sâu của ngư trường.

- Dây câu nhánh: thường mảnh hơn dây câu chính, có đường kính Φ = 0,6-0,8mm, chiều dài từ

1,5 -2,0 m.

- Lưỡi câu: làm bằng thép, tùy theo đối tượng khai thác để sử dụng các loại lưỡi câu cho thích hợp, cấu tạo lưỡi câu xem hình 36.

- Chì: có trọng lượng 400-500g, vật liệu bằng chì Pb.

- Khóa xoay: để tránh cho dây câu chính và dây câu nhánh không bị xoắn. Khóa xoay thường được làm bằng Inox.

- Mồi câu: tùy theo đối tượng đánh bắt để sử dụng loại mồi câu thích hợp, ví dụ: mồi mực, mồi cá, mồi giả.

+ Kỹ thuật dò tìm bãi câu:

Việc dò tìm bãi câu thường căn cứ vào các bãi câu của những năm trước cho sản lượng cao, thuyền trưởng dựa vào vị trí đó để điều động tàu tới ngư trường, hoặc dò tìm bãi câu mới, trên đường dò tìm, thuyền trưởng căn cứ vào địa hình đáy và độ sâu đáy biển [quan sát màn hình máy dò cá], để quyết định có thả câu hay không, ngoài ra còn phải căn cứ vào tín hiệu của máy dò cá. Một ngày tàu có thể phải thường xuyên di chuyển từ 10-20 điểm câu tùy thuộc vào các điểm câu cá nhiều hay ít.

+ Kỹ thuật câu:

Khi tới ngư trường thuyền trưởng thông báo cho các thủy thủ chuẩn bị ống câu, dây câu, mồi câu, các trang thiết bị khác để câu.

Trường hợp gió, nước êm, thuyền trưởng thả trôi tàu theo hướng nước; trường hợp gió, nước mạnh, thuyền trưởng phải điều khiển tàu di chuyển chậm để tàu ổn định. Khi tàu cá ổn định thì các thủy thủ tiến hành câu. Thủy thủ trên tàu chia làm 2 nhóm, mỗi nhóm 4 người, 4 người câu ở boong tàu, 4 người sau câu ở đuôi tàu.

Tùy thuộc vào không gian tàu mà khoảng cách giữa 2 tàu không được gần nhau quá, để trong quá trình câu, các dây câu không được quấn vào nhau , câu được tung ra cách mạn tàu khoảng 3-4m, dưới độ nặng của chì, lưỡi câu và mồi câu chìm xuống đáy, người câu nới dây câu từ từ cho đến khi chạm đáy khoảng 10-20cm, giữ dây câu ở đầu ngón tay và ngâm câu. Khi cá ăn mồi sẽ truyền cảm giác nhẹ lên ngón tay người câu, lúc này người câu giật mạnh dây câu để cá đóng vào lưỡi câu, sau đó dùng tay kéo dây câu lên để bắt cá.

+ Kỹ thuật thu dây câu:

Khi cá cắn câu, người ta dùng ống câu cuộn dây câu để kéo cá lên tàu. Trong trường hợp câu được cá lớn đòi hỏi người câu phải có kinh nghiệm và kỹ thuật thu để không bị đứt dây câu khi cá vùng vẫy. Người ta thu câu phải nhẹ nhàng, từ từ theo nguyên tắc thấy dây căng thì nới dây câu, thấy dây chùng thì kéo. Cứ làm như vậy đến khi cá đã yếu mới kéo cá lên mặt nước, rồi dùng lao và mốc cá lên tàu.

Trong quá trình câu, nếu không còn cá ăn câu, hoặc cá ăn mồi ít, thuyền trưởng thông báo cho toàn bộ thủy thủ câu và di chuyển địa điểm khác.

Sơ đồ và vị trí các thủy thủ khi câu được thể hiện trong hình 37.

Đối tượng khai thác chính của nghề câu tay chủ yếu là các đối tượng sống ở vùng rạn đá, gò nổi có giá trị kinh tế cao như cá đổng, cá hồng, cá song, cá lượng

Nghề câu tay như trên đang được ngư dân Bình Thuận, Khánh Hòa, Nghệ An và một số tỉnh khác sử dụng để câu cá đáy ở vùng biển xa bờ.

2. 2. Câu cần

- Cần câu được làm bằng cành tre nhỏ, thẳng, dài từ 3,5-4,0m, đường kính gốc Φ = 20-25mm, đường kính ngọn Φ = 5-10mm.

- Ống câu bằng nhựa đường kính Φ = 90-110mm, chiều dài L = 130-150mm.

- Dây câu chính là cước sợi đơn đường kính Φ = 0,5-0,8 mm.chiều dài dây câu chính, tùy thuộc vào độ sâu của ngư trường.

- Dây câu nhánh có vật liệu là cước sợi đơn đường kính Φ = 0,6-0,8mm, chiều dài từ 0,5-0,8m.

- Lưỡi câu bằng thép, tùy theo đối tượng đánh bắt mà sử dụng lưỡi câu có quy cách phù hợp.

- Mồi thật là mồi mực, mồi cá còn mồi giả được làm bằng những mảnh nilông nhỏ với màu sắc đã qua lựa chọn để buộc vào lưỡi câu giống như những loài côn trùng thật [châu chấu, chuồn chuồn..].

- Khóa xoay để chống xoắn cho dây câu.

- Chì: dùng chì hình quả cân trọng lượng 250g, vật liệu chì [Pb].

Cấu tạo tổng quát 1 bộ câu cần được thể hiện trong hình 38.

2. 3. Câu chạy

Tàu thuyền dắt đường dây câu. Trên đường dây mắc lưỡi câu có mồi giả. Khi tàu thuyền chạy, cá [chủ yếu là cá thu, cá ngừ, cá cờ..] thấy mồi liền đuổi theo bắt mồi.

2. 4. Câu vàng

Đối tượng khai thác là các loài cá nổi và cá đáy có giá trị kinh tế cao. Kỹ thuật khai thác nghề câu vàng phụ thuộc vào kiểu câu và đối tượng khai thác.

2. 4. 1. Nghề câu cá mập

Chiều dài một vàng câu thường 15-30km. Người ta sử dụng hình thức câu nổi và câu đáy để câu cá mập. Một vàng câu cá mập thông thường có các bộ phận chính như sau:

- Dây câu chính - Thẻo câu

- Lưỡi câu - Phao tiêu

- Chì dằn

Người ta có thể câu cá mập ở nhiều độ sâu khác nhau nhờ trang bị phao, chì cho vàng câu.

* Kỹ thuật câu cá mập:

Ngư dân thường sử dụng mồi câu là các loại cá ngừ, thịt bò

Trình tự một mẻ câu như sau:

+ Thả câu:

Dây câu và lưới câu xếp vào từng giỏ, mỗi giỏ gồm một số kẹp câu [1 kẹp gồm 20 lưỡi câu kèm theo dây câu]. Khi thả câu, một người mắc mồi, một người thả lưỡi và dây câu xuống nước. Thả tuần tự từng kẹp câu.

Trước khi thả câu người ta phải dò xem độ sâu của đáy. Câu cá mập có hiệu quả nơi có rạn đá và độ sâu từ 60-150m. Thường thả ngang dòng nước nơi có rạn, hoặc thả câu bao quanh rạn.

Muốn câu cá mập ở vùng có độ sâu lớn hơn 150m người ta phải buộc thêm phao, tháo bớt chì dằn để câu ở độ sâu mong muốn.

+ Ngâm câu:

Ngư dân thường thả câu vào 16h30-17h, thời gian ngâm câu khoảng 7h-8h nghĩa là hoàn toàn ngâm câu vào ban đêm để cá khó phát hiện ra dây câu.

+ Thu dây câu:

Thời gian để thu hết 1 vàng câu từ 8-10h [nếu bị mắc rạn thì thời gian thu câu sẽ lâu hơn]. Khi thu câu người ta xếp dây câu vào từng giỏ, lưỡi câu được xếp hẹp vào từng kẹp câu.

+ Lấy cá:

Nếu cá nhỏ người ta kéo lên tàu theo dây và lưỡi câu. Nếu cá to người ta phải phóng mũi lao có ngạnh, lao vào thân cá rồi kéo cá vào sát mạn tàu, dùng dây trói cá để cẩu cá lên tàu.

2. 4. 2. Câu vàng cá đáy

Nghề câu vàng cá đáy là nghề truyền thống lâu đời của ngư dân đảo Phú Quý và một số địa phương khác [hình 39]. Đối tượng khai thác chính của nghề này là các loài cá đáy như cá lượng, cá đổng, cá hồng, cá song, cá dưa

* Cấu tạo của vàng câu đáy:

- Dây chính: Vàng câu đáy được cấu tạo bởi dây câu chính còn gọi là dây triên. Chiều dài vàng câu từ 3.000-5.000m, thường dùng là dây nilông hoặc dây cước.

- Thẻo câu và lưỡi câu: trên cả chiều dài vàng câu người ta buộc nhiều lưỡi câu, số lượng lưỡi câu được dùng từ 1.000-1.500 lưỡi. Liên kết giữa lưỡi câu với dây câu là thẻo câu.

- Phao tiêu và chì dằn: để dễ phát hiện vị trí của vàng câu, người ta dùng các phao tiêu, số lượng phao tiêu từ 8-12 phao. Chì dằn có tác dụng giữ cho cả vàng câu luôn sát đáy.

* Kỹ thuật câu cá đáy theo phương pháp câu vàng:

+ Mồi câu thường sử dụng là mực, cá ngừ, hoặc một số loài cá khác.

+ Kỹ thuật tìm rạn, gò nổi: rạn và gò nổi là nơi có độ sâu nhỏ hơn rất nhiều so với vùng nước xung quanh. Thực tế khai thác nhiều năm ngư dân biết được đây là vùng có nhiều cá, bủa câu ở đấy sẽ thu được sản lượng cao. Ngư dân sử dụng kinh nghiệm để tìm rạn, gò nổi hoặc dựa vào sự tập trung của bầy chim biển kiếm mồi ở vị trí nào đố, biết ở đấy có nhiều cá nhỏ và nơi có nhiều cá nhỏ thường có nhiều cá lớn. Đối vùng biển sâu rất xa bờ các vị trí ấy là nơi có gò, rạn. ngoài ra ngư dân còn sử dụng máy đo độ sâu, dò cá để dò tìm gò, rạn và tìm nơi có cá.

Khi phát hiện vị trí có cá, người ta quyết định thả câu. Các giỏ câu được đưa ra vị trí thả câu. Mồi câu được chuẩn bị sẵn. Tiến hành cách thả câu bằng cách thả phao tiêu đầu vàng câu, rồi thả đá dằn, tiếp đến thả dây câu chính, các lưỡi câu được mắc mồi và thả dần xuống biển. Khi thả câu, tàu chạy chậm vì khoảng cách giữa 2 lưỡi câu chỉ từ 3-5m nếu tàu chạy nhanh cá không kịp mắc mồi. Quá trình thả câu được thả tuần tự, thả hết giỏ câu này đến giỏ câu khác, một người mắc mồi, một người thả câu. Thời gian thả hết một vàng câu khoảng 1 giờ.

+ Ngâm câu: đối với vàng câu cá đáy, thời gian ngâm câu thường từ 30 phút đến 1 giờ, cá biệt có tàu ngâm câu tới 3 giờ. Kinh nghiệm cho thấy thả câu vào thời điểm nước đang đứng bắt đầu chảy nhẹ, cá ăn dồn dập trong thời gian từ 2-3 giờ hoặc ở thời điểm nước sắp đứng hẳn. Nếu câu vào lúc nước chảy mạnh phải dùng chì dằn có khối lượng lớn hơn lúc nước chảy êm, người ta lắp lượng chì vừa đủ cho vàng câu sao cho nước có thể đưa vàng câu di chuyển chậm trên mặt đáy sẽ có sản lượng cao hơn khi vàng câu đứng im. Độ sâu câu có hiêu quả nhất thường từ 50-100m nước.

+ Kỹ thuật thu câu: Sau thời gian ngâm câu người ta thu câu. Tàu chạy đến phao tiêu đầu vàng câu, vớt phao tiêu, thu dần dây câu chính cho đến hết vàng câu. Lưỡi câu nào có cá thì gỡ, nếu cá to [trên 10kg] dùng dây câu lôi cá đến mặt nước, dùng mốc sắt móc vào để đưa lên tàu để tránh làm đứt dây câu.

Dây câu và lưỡi câu được xếp bào từng giỏ câu, lưỡi được xếp thứ tự xung quanh miệng giỏ để tránh rối cho lần thả sau.

2. 4.3. Nghề câu vàng cá ngừ

- Đối tượng chính của nghề câu vàng cá ngừ là cá ngừ vây vàng [Thunnus albacares], cá ngừ mắt to [Thunnus obesus], và một số loài cá nhám, cá cờ. v.v

Chiều dài vàng câu cá ngừ từ 40-100km. Hình dạng vàng câu hình 40.

Kỹ thuật khai thác.

+ Công tác chuẩn bị:

- Các rổ câu được đưa vào vị trí thao tác trên mặt boong, kiểm tra các đầu dây liên kết.

- Sắp xếp bị phao ganh, dây phao ganh.

- Mồi câu được chuẩn bị sẵn.

+ Sơ đồ bố trí nhân lực thả câu [xem hình 41]:

Vị trí số 1: Mắc mồi và thả xuống biển.

Vị trí số 2: Chuyển lưỡi câu từ các kẹp câu sang cho số 1.

Vị trí số 3: Chuyển đầu liên kết dây thẻo sang cho số 4.

Vị trí số 4: Liên kết dây thẻo câu, dây phao và dây câu chính.

Vị trí số 5: Chuyển dây phao ganh và phao ganh cho vị trí số 4.

Vị trí số 6: Thả phao, dây câu chính.

Vị trí số 7: Chuẩn bị đèn chớp và thả cờ.

+ Ngâm câu: Thời gian ngâm câu thường khoảng 8 giờ [từ 16h đến 24h hàng ngày]. Trong quá trình ngâm câu cử 2 người quan sát tốc độ và hướng trôi của vàng câu. Nếu tốc độ trôi của vàng câu nhanh hơn tàu thì phải nổ máy cho tàu chạy trước hướng nước trôi, luôn giữ cho tàu và vàng câu có một khoảng cách nhất định.

+ Thu câu: Đến thời điểm thu câu, thuyền trưởng điều khiển cho tàu tiến lại phao cờ cuối vàng câu và tiến hành thu câu. Thứ tự thu câu như sau: thu phao cờ, thu dây câu chính, thẻo câu, phao ganh. Trong quá trình thu câu thuyền trưởng điều khiển cho tàu chạy chếch với hường vàng câu 1 góc 60o.

- Thu dây câu chính bằng tời thu dây câu, dây câu chính được tự động xếp vào rổ câu qua máy thu.

- Thu dây thẻo câu bằng tay.

Sơ đồ bố trí nhân lực thu câu [xem hình 42]

Vị trí số 1: điều khiển tời và chuyển dây thẻo câu, dây phao ganh cho vị trí số 3.

Vị trí số 2: thu dây phao ganh và xếp phao ganh.

Vị trí số 3: tháo mối liên kết giữa dây thẻo câu và dây câu chính, chuyển dây thẻo cho vị trí số 4, số 5 và móc đầu dây liên kết vào các cọc của rổ câu.

Vị trí số 4: kéo đầu dây thẻo lại, móc đầu khuyết vào các cọc, xếp dây thẻo vào rổ câu.

Vị trí số 5: thu dây thẻo câu, móc lưỡi câu vào các kẹp câu.

Vị trí số 6: thu phao cờ.

Hiện nay trong nghề câu vàng cá ngừ, người ta thu dây câu chính bằng máy tời thủy lực, các dây câu nhánh [thẻo câu] được thu lần lượt theo đường dây câu chính.

2. 5. Câu mực

Câu mực là ngư cụ khai thác theo phương pháp bị động. Đối tượng đánh bắt là các loài mực ống [Loligo Spp], mực đaị dương [Sthennoteuthisv.v]

Câu mực có cấu tạo đơn giản. Hệ thống dây câu mực bao gồm có lưỡi câu, dây câu và ống câu. Lưỡi câu là bộ phận quan trọng nhất, cấu tạo dạng lưỡi chùm, thân lưỡi câu có màu sắc hấp dẫn tạo mồi giả. Đối với câu mực tầng mặt, thân lưỡi câu bằng gỗ hoặc nhựa bọc chì, tạo độ chìm nhỏ đảm bảo lưỡi câu lướt nhẹ trong nước trong quá trình thử mực ăn mồi, mỗi dây câu thường có một lưỡi câu. Câu mực tầng đáy, lưỡi câu được cấu tạo có khối lượng lớn hơn [thân lưỡi chì nặng từ 200 đến 500g] để lưỡi câu chìm sát đáy, mỗi dây câu thường có từ 1 đến 3 lưỡi câu, các lưỡi câu có thể mắc nối tiếp hoặc phân nhánh [hình 43]. Dây câu chủ yếu được làm bằng sợi đơn PA, mực sử dụng mồi thật, kích thước lưỡi câu lớn hơn câu mực mồi giả, thân lưỡi câu dùng để mắc mồi [các loại cá, tôm], trọng lượng của mồi tạo sức chìm đến độ sâu cần thiết.

Nghề câu mực đã được ngư dân ở hầu hết các tỉnh ven biển nước ta sử dụng để khai thác mực. Tàu thuyền sử dụng cho nghề này thuộc nhóm tàu công suất nhỏ, có sử dụng nguồn sáng để tập trung mực. Trên mỗi tàu câu mực có từ 5 đến 7 người. Trong quá trình câu tàu được thả trôi và phát sáng để thu hút đàn mực tập trung quanh nguồn sáng và thả câu.

Nguyễn Văn Kháng

Nguồn: Bách khoa Thủy sản

Hội Nghề cá Việt Nam

Video liên quan

Chủ Đề