Câu thơ ư, là cách truyền lửa qua muôn đời

Giải chi tiết:

1. Giới thiệu chung: “Thơ không chỉ đưa ru mà còn thức tỉnh”

2. Giải quyết vấn đề

2.1. Giải thích, phân tích, bình luận quan niệm thơ của Chế Lan Viên 

* Giải thích nhận định:

- “Đưa ru” là nói đến sự vỗ về, vừa là nhịp, vừa là những lời êm ái ru ngủ con người. Nói rộng ra là cảm xúc, tình cảm, là nhịp điệu và nhạc điệu của thơ. Đó chính là đặc trưng cơ bản nhất, là cái gốc của thơ ca.

- “Thức tỉnh” là làm cho con người “tỉnh ra, nhận ra lẽ phải và thoát khỏi tình trạng mê muội sai lầm”, là “gợi ra, làm trỗi dậy cái tiềm tàng trong mỗi con người”, là tác động vào trí tuệ, nhận thức. Nói rộng ra là chất trí tuệ, suy tưởng, triết lí, tính tư tưởng của thơ ca.

* Bình luận về quan điểm

- Quan niệm “Thơ không phải chỉ đưa ru mà còn thức tỉnh” đặc biệt coi trọng vai trò nhận thức của thơ, nhấn mạnh vai trò to lớn của trí tuệ đối với sức mạnh và sự hấp dẫn của nghệ thuật thơ ca. Quan niệm của Chế Lan Viên, tuy thừa nhận đặc trưng cơ bản của thơ là ở tình cảm, ở những rung động tâm hồn [tấm lòng, tình thương, tiếng ru, “đưa ru”], nhưng nhấn mạnh thơ không hề đối lập với lí trí, trí tuệ và suy tưởng [“thức tỉnh”], nếu gạt bỏ trí tuệ ra khỏi thơ thì vô hình trang đã làm mất đi sức mạnh to lớn của nghệ thuật thơ ca. Chất trí tuệ không chỉ tham gia vào sự sáng tạo nghệ thuật như một yếu tố cơ bản mà còn tạo nên vẻ đẹp và sức hấp dẫn riêng của thơ, làm giàu thơ ca bằng những phát hiện sâu sắc về chân lí đời sống, về con người và nghệ thuật, đem đến cho người đọc những “khoái cảm trí tuệ”.

- Mối quan hệ giữa “đưa ru” và “thức tỉnh”:

+ Ở những bài thơ xuất sắc thường có sự thống nhất hài hoà giữa cảm xúc và trí tuệ, cảm xúc gắn với suy tưởng triết lí. Nếu chỉ có cảm xúc, chỉ “đưa ru” thì thơ có thể rơi vào tình trạng hời hợt, nông cạn. Ngược lại, nếu chỉ có trí tuệ, chỉ “thức tỉnh” thì thơ có thể sẽ dễ trở nên khô khan. Vì vậy, dẫu có nhấn mạnh vai trò của nhận thức, của trí tuệ, thì cũng không thể xa rời đặc trưng cơ bản nhất của thơ ca là tình cảm, cảm xúc, là những rung động tâm hồn. Thơ tác động, thức tỉnh theo cách riêng: bằng cách khiến ta xúc động, thông qua ngôn ngữ giàu hình ảnh, nhạc tính, giàu sức biểu cảm.

+ Đây là một quan niệm thơ đúng đắn, sâu sắc của Chế Lan Viên. Đây cũng là khuynh hướng phát triển của mọi nền thơ hiện đại.

2.2 Chứng minh qua bài thơ Bếp lửa

a. Giới thiệu tác giả, tác phẩm

- Nhà thơ Bằng Việt tên khai sinh là Nguyễn Việt Bằng. Bằng Việt làm thơ từ đầu những năm 60 của thế kỷ XX và thuộc thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

- Phong cách sáng tác: Thơ Bằng Việt thường nghiêng về một lời tâm sự, một sự trao đổi suy nghĩ, gây được một cảm giác gần gũi, thân thiết đối với người đọc. Thơ ông thường sâu lắng, trầm tư thích hợp với người đọc thơ trong sự trầm tĩnh, vắng lặng.

- Bài thơ được sáng tác năm 1963, khi tác giả đang là sinh viên học ngành luật ở nước ngoài.

- Bài thơ được đưa vào tập “Hương cây – Bếp lửa” [1968], tập thơ đầu tay của Bằng Việt in chung với Lưu Quang Vũ.

b. Chứng minh

Hình ảnh bếp lửa – khơi nguồn nỗi nhớ

- Bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt là lời tâm tình của đứa cháu hiếu thảo từ nơi xa hướng về người thân yêu ở quê nhà. Ở khổ thơ thứ nhất, dòng cảm xúc được khơi nguồn từ hình ảnh bếp lửa thân quen.

“Một bếp lửa chờn vờn sương sớm

Một bếp lửa ấp iu nồng đượm

Cháu thương bà biết mấy nắng mưa”

- Điệp từ “một bếp lửa” nhấn mạnh hình ảnh biểu tượng, trung tâm của bài

- Những từ láy tượng hình “chờn vờn, ấp iu” vừa gợi hình ảnh bếp lửa, vừa gợi cảm xúc

+ Bếp lửa chờn vờn: gợi hình ảnh ngọn lửa bập bùng, ẩn hiện lung linh trong sương sớm

+ Bếp lửa ấp iu: gợi đôi bàn tay chi chút, kiên nhẫn, khéo léo và tấm lòng của người nhóm lửa.

=> Bếp lửa ấy cũng chờn vờn trong nỗi nhớ, ấm ảnh tâm trí và được nhà thơ ấp ủ, trân trọng, nâng niu.

- Từ hình ảnh “bếp lửa”, cháu nhớ tới người nhóm lửa và cảm xúc về bà sống dậy: “Cháu thương bà biết mấy nắng mưa”. Hình ảnh ẩn dụ nắng mưa chỉ cuộc đời bà – một cuộc đời đầy lo toan, vất vả.

Nỗi nhớ về bà và bếp lửa

Kí ức thứ nhất: Kỉ niệm đầu tiên gắn liền với nạn đói năm 1945

- Đó là một kỉ niệm của những năm tháng gian khổ: nhọc nhằn, có bóng đen ghê rợn của nạn đói Ất Dậu năm 1945. Thành ngữ “đói mòn đói mỏi” cùng hình ảnh “khô rạc ngựa gầy” gợi tả cái đói kéo dài, làm mỏi mệt, kiệt quệ.

- Khi ấy, cháu cùng bà nhóm lửa, khói hun nhèm mắt, chính cái mùi khói ấy đã xua đi cái mùi tử khí trên khắp các ngõ ngách làng quê và cũng chính cái mùi khói ấy đã in sâu, quện chặt tâm hồn người cháu để rồi dù năm tháng có trôi qua, dấu ấn tuổi thơ ấy vẫn chẳng thể phai nhòa “nghĩ lại bây giờ sống mũi còn cay” là mùi khó hay chính tại bởi sự xúc động nghẹn ngào khiến tác giả cay nơi đầu sống mũi.

Kí ức thứ hai: chuỗi kỉ niệm về 8 năm ròng kháng chiến sống cùng bà:

- Kỉ niệm tuổi thơ là tám năm ròng cháu cùng bà nhóm ngọn lửa của sự sống và tình yêu

- Từ ngọn lửa ấy, trong lòng tác giả sống dậy một hồi ức khắc khoải, hồi ức về tiếng chim tu hú. Bốn lần tiếng chim tu hú điệp lại gợi những âm sắc khác nhau

+ Tiếng chim tu hú trên cánh đồng như giục lúa chín

+ Tiếng chim tu hú gọi về những buổi sớm mai khi bà cháu dậy nhóm lửa trong không gian vắng lặng mênh mông của làng quê.

+ Tiếng chim tu hú tha thiết như giục giã, khắc khoải khiến lòng người trỗi dậy những hoài niệm nhớ mong, tiếng chim tu hú gợi cháu nhớ đến những câu chuyện của bà.

=>Tiếng tu hú như lời đồng vọng của đất trời trở thành điệp khúc chủ âm của hoài niệm.

- Kháng chiến gian lao, chỉ có hai bà cháu côi cút, nương tựa vào nhau bởi mẹ cùng cha bận công tác ngoài chiến trường. Bằng một loạt những động từ: “kể”, “bảo”, “dạy”, “chăm” người đọc cảm nhận được công lao của bà đối với cháu. Bà đã thay cha mẹ chăm sóc, yêu thương cháu, thay thầy dạy dỗ, bảo ban cháu.

* Kỉ ức thứ 3: Năm giặc đốt làng

- Hoàn cảnh đất nước có chiến tranh biết bao đau thương mất mát và trong đó có một kí ức người cháu không thể nào quên. Cuộc sống càng khó khăn, cảnh ngộ càng ngặt nghèo, nghị lực của bà càng bền vững, tấm lòng bà càng mênh mang:

+ Dù túp lều tranh nơi nương thân của 2 bà cháu đã không còn bởi sự tàn phá của quân thù nhưng bà vẫn “vững lòng”. Sự dũng cảm, kiên định ấy của bà đã thực sự trở thành chỗ dựa cho cháu.

 + Không chỉ có vậy, bà còn dặn cháu “đinh ninh”, lời dặn của bà nôm na, giản dị được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Gian khổ thiếu thốn, nhọc nhằn, bà phải nén lại trong lòng, một mình chịu đựng để vững dạ người nơi tiền tuyến. Bà dã trở thành hậu phương vững chắc cho cha mẹ.

=> Hình ảnh bà lúc này không còn là của riêng cháu nữa mà bà là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam với tám chữ vàng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”

Suy ngẫm về cuộc đời bà và bếp lửa

- Giữa tro tàn, giữa đau thương bà lại nhóm lửa, bà vẫn nhóm lửa. Bếp lửa ân cần, ấm cúng,

“Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen

Một ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn

Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng”

Từ hình ảnh tả thực “Bếp lửa bà nhen” mỗi sớm, tác giả đã khóe léo chuyển thành hình ảnh “ngọn lửa”– một ngọn lửa tỏa sáng câu thơ có sức truyền cảm mạnh mẽ. Đến đây, bếp lửa bà nhen không còn là bếp lửa thông thường trong mỗi gian bếp bởi nó chứa ngọn lửa của lòng bà, ngọn lửa của tình yêu thơng và đức tin trong sáng, mãnh liệt. Từ ngọn lửa của lòng bà đã nhóm lên trong cháu tình yêu thương, niềm tin vào một ngày mai chiến thắng.

=> Bà chính là người nhóm lửa và giữ lửa – ngọn lửa niềm tin và hy vọng.

– Suốt một đời lận đận, vất vả, bà đã và vẫn đang làm công việc nhóm lửa:

+ Từ láy “lận đận” với điệp từ “nắng mưa” nhấn mạnh cháu chưa từng và chẳng thể nào quên cuộc đời bà, một cuộc đời đầy lo toan, vất vả.

+ Khôn lớn trưởng thành, cháu càng thấu hiểu những ý nghĩa cao cả, thiêng liêng từ một công việc rất đỗi bình dị của bà: nhóm lửa. Điệp từ nhóm điệp lại 4 lần với hai lớp nghĩa. Bà đã làm công việc khởi đầu của một ngày: nhóm bếp lửa mỗi sớm mai và làm công việc khởi đầu của một đời, đó là bồi đắp tâm hồn, thắp lên những tình cảm cao quý. Từ “nhóm” thứ nhất hiểu theo nghĩa thực: thắp lên ngọn lửa trong gian bếp để sưởi ấm, để nấu chín thức ăn.... Ba từ “nhóm” sau được hiểu theo nghĩa ẩn dụ: bà truyền cho cháu tình yêu thương ruột thịt, tình đoàn kết chia sẻ xóm làng và đặc biệt hơn bà đã khơi dậy những tâm tình tuổi nhỏ, thức tỉnh trong tâm hồn cháu biết bao ước mơ và tình cảm tốt đẹp

=> Như vậy đến đây ta thấy bà không chỉ là người nhóm lửa, giữ lửa mà còn là người truyền lửa. Ngọn lửa của tình yêu, của niềm tin, đức hi sinh không chỉ bà truyền cho cháu mà còn là của những thế hệ đi trước tiếp lửa cho thế hệ sau

Nỗi nhớ của cháu đối với bà và bếp lửa

- Suốt dọc bài thơ, 10 lần hình ảnh bếp lửa xuất hiện là 10 lần cháu nhớ tới bà và khổ thơ kết thúc này nỗi nhớ đó càng trào dâng mãnh liệt được tác giả trực tiếp bộc lộ:

“Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu

Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả

Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở

Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?”

- Dấu chấm xuất hiện ở giữa dòng thơ tạo thành một sự ngắt nhịp dài, giống như quá khứ đã trôi đi quá xa so với hiện tại.

- Tác giả sử dụng điệp từ “trăm” với ý nghãi khái quát như khẳng định giờ đây đứa cháu năm xưa đã lớn khôn, trưởng thành, được chắp cánh bay cao, bay xa tới những khung trời rộng lớn với những niềm vui rộng mở. Xong vẫn không nguôi quên bếp lửa giản dị của bà.

- Âm điệu dòng thơ nhanh, mạnh như từng đượt sóng tình cảm dâng trào để cháu phải tự hỏi lòng mình “Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?”

=> Bếp lửa đã trở thành tấm lòng, niềm tin thiêng liêng kì diệu nâng bước cháu trên hành trình dài rộng của cuộc đời, có nghĩa là từ một bếp lửa đơn sơ, giản dị của bà, nhiều bếp lửa khác đã được nhen lên, sự sống cứ thế truyền đời, bất diệt. Đến đây, ta có thể khẳng định: bà không chỉ là người nhóm lửa, giữ lửa mà còn là niềm tin. Bếp lửa đã nâng cao để trở thành biểu tượng cho tình nghĩa gia đình, tình yêu quê hương, đất nước, tấm lòng biết ơn nguồn cội. Câu hỏi tu từ khép lại bài thơ đã tạo ra một kết thúc mở với nỗi nhớ khôn nguôi, với niềm hoài vọng thiết tha, đau đáu.

c. Nhận xét

- Bếp lửa của Bằng Việt đã đưa chúng ta về kỉ niệm của tuổi thơ ấu, tuy có nhiều khó khăn, vất vả, phải trải qua những năm tháng đói mòn, đói mỏi; những năm tháng không có cha mẹ ở bên nhưng đó vẫn là những kỉ niệm vô cùng đẹp bởi có bà ở bên.

- Bà là người không chỉ nuôi dưỡng cháu khôn lớn, mà còn ân cần bảo ban, vun đắp và nuôi dưỡng ước mơ cho cháu. Đó quả là những kỉ niệm trong lành, đẹp đẽ sẽ đi theo suốt cuộc đời cháu.

- Không chỉ đưa người đọc về với kỉ niệm tuổi thơ mà còn thức tỉnh chúng ta:

+ Sống phải biết ơn và trân trọng quá khứ.

+ Biết ơn người đã nuôi dạy, bảo ban mình nên người.

+ Biết ơn quê hương đất nước và dù có đi xa vẫn một lòng hướng về quê hương.

3. Tổng kết

- Giá trị nội dung: Qua hồi tưởng và suy ngẫm của người cháu đã trưởng thành, bài thơ “Bếp lửa” gợi lại những kỉ niệm đầy xúc động về người bà và tình bà cháu, đồng thời thể hiện lòng kính yêu, trân trọng và biết ơn của cháu đối với bà, cũng là đối với gia đình, quê hương, đất nước.

- Giá trị nghệ thuật: Bài thơ là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa biểu cảm với miêu tả, tự sự và bình luận. Thành công của bài thơ còn ở sự sáng tạo hình ảnh “bếp lửa” gắn liền với hình ảnh người bà, làm điểm tựa, khơi gợi một kỉ niệm, cảm xúc, suy nghĩ về bà và tình bà cháu.

Video liên quan

Chủ Đề