Chấm điểm xếp hạng tín dụng nội bộ là gì

Xếp hạng tín dụng doanh nghiệp là một yếu tố quan trọng trong phân tích doanh nghiệp khi nó thể hiện khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp đó. Vậy hình thức và những yếu tố ảnh hưởng đến xếp hạng tín dụng doanh nghiệp là gì? Bài viết sau đây có đầy đủ thông tin để bạn tham khảo kỹ càng hơn.

Xếp hạng tín dụng doanh nghiệp là gì?

Xếp hạng tín dụng doanh nghiệp [có thể được gọi bằng tên khác như: xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp] là chỉ số được dùng để đánh giá, dự báo khả năng của doanh nghiệp khi thanh toán nợ và các rủi ro trong đầu tư.

Chỉ số xếp hạng này thường được giới đầu tư tham khảo và xem xét kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định có nên đầu tư vốn vào một doanh nghiệp hay không.

Các cơ quan xếp hạng tín dụng độc lập [không xuất phát từ chính phủ các nước] là bên thực hiện nghiệp vụ xếp hạng này. Qua đây, nhà đầu tư có thể so sánh hạng tín dụng của các công ty cùng ngành để đưa ra cái nhìn khách quan nhất.

Những hình thức chấm điểm xếp hạng tín dụng doanh nghiệp

Trong cách xếp hạng tín dụng doanh nghiệp, có 3 hình thức phổ biến nhất, bao gồm:

  • Xếp hạng tín dụng doanh nghiệp lần đầu: Đây là hình thức đánh giá hiệu quả thực hiện những nghĩa vụ tài chính của các tổ chức, doanh nghiệp phát hành khi đến kỳ hạn thanh toán.
  • Xếp tín dụng hàng năm: Diễn ra sau khi đã hoàn thành xếp hạng tín dụng lần đầu và được thực hiện định kỳ mỗi năm một lần. Xếp hạng tín dụng doanh nghiệp theo chu kỳ năm sẽ đưa ra những đánh giá dựa trên sự thay đổi trong hoạt động tài chính của tổ chức, doanh nghiệp phát hành.
  • Đánh giá sự kiện tín dụng: Hình thức này sẽ diễn ra liên tục sau khi công bố xếp hạng tín dụng doanh nghiệp lần đầu. Đặc biệt, bất cứ sự kiện hay hoạt động nào có tác động đáng kể đến chất lượng tín dụng doanh nghiệp đều sẽ được xem xét và đánh giá.

Các công ty xếp hạng tín dụng doanh nghiệp nổi tiếng

Standard & Poor’s [S&P], Moody’s và Fitch là ba công ty chính có độ uy tín hàng đầu trong giới về xếp hạng tín dụng doanh nghiệp. Mỗi cơ quan tiến hành phân tích, đánh giá và xếp hạng theo hệ thống xếp hạng riêng, không nhất thiết phải tương ứng với thang đánh giá của cơ quan khác nhưng đều tương tự nhau.

Ví dụ: Công ty Standard & Poor’s sử dụng thang đánh giá “AAA” cho chất lượng tín dụng doanh nghiệp cao nhất với mức độ rủi ro tín dụng thấp nhất , “AA” cho chất lượng tín dụng doanh nghiệp tốt nhất tiếp theo, tiếp nữa là mức “A”, rồi mức “BBB” cho tín dụng doanh nghiệp ở mức thỏa đáng.

Chấm điểm xếp hạng tín dụng doanh nghiệp không phải là sự đảm bảo chắc chắn rằng doanh nghiệp đó sẽ thực hiện toàn bộ các nghĩa vụ của mình. Tuy nhiên, bảng thành tích dài hạn của các xếp hạng doanh nghiệp này phản ánh sự khác biệt về độ tin cậy trong tín dụng giữa các doanh nghiệp được xếp hạng, đặc biệt là khi so sánh trong cùng một ngành.

Biểu đồ bên dưới đây cung cấp thêm cho bạn góc nhìn tổng quan về các xếp hạng khác nhau mà Moody’s và Standard & Poor’s đưa ra:

Ví dụ tham khảo về xếp hạng tín dụng doanh nghiệp của ngân hàng Vietcombank vào năm 2022. Theo đó, Vietcombank được Fitch xếp hạng trong mục có triển vọng khả quan. Trong khi đó, Moody’s và S&P xếp hạng Vietcombank ở tại mức ổn định. Nguồn: Vietcombank

Những yếu tố ảnh hưởng đến chấm điểm xếp hạng tín dụng doanh nghiệp

Có nhiều yếu tố khác nhau được xem xét và tổng hợp để chấm điểm xếp hạng tín dụng doanh nghiệp, nhằm mang lại kết quả chính xác nhất. Đây cũng là những yếu tố có ảnh hưởng đến vị trí xếp hạng, đó là:

  • Lịch sử các thanh toán trước đó của doanh nghiệp: Những công ty xếp hạng tín dụng doanh nghiệp sẽ xem xét lịch sử thanh toán các khoản nợ trước đó của doanh nghiệp đã hoàn thành hay chưa, hoàn thành ở mức độ như nào…Nếu doanh nghiệp có lịch sử thanh toán tốt, đúng kỳ hạn, đáp ứng tốt các khoản vay sẽ là yếu tố tích cực giúp tăng thêm điểm trong xếp hạng tín dụng.
  • Những khoản nợ đang có: Những khoản nợ hiện tại của doanh nghiệp cũng được xem xét để đánh giá xếp hạng tín dụng. Trường hợp khoản nợ doanh nghiệp đang gánh vượt quá mức chi trả hay thanh toán thì có thể làm giảm điểm tín dụng của doanh nghiệp trong bảng xếp hạng chung.
  • Tình hình hoạt động hiện tại: Một yếu tố quan trọng khi đánh giá tín dụng doanh nghiệp là tình hình kinh doanh và hiệu suất hoạt động. Chúng bao gồm: năng lực sản xuất kinh doanh, mức doanh thu, tỷ lệ lợi nhuận và năng lực cạnh tranh trên thị trường của doanh nghiệp.
  • Xu hướng phát triển kinh tế chung: Xét về yếu tố vĩ mô, nền kinh tế trong một khu vực hoặc một quốc gia cũng có tác động đến xếp hạng tín dụng của doanh nghiệp. Nền kinh tế trên đà suy thoái hoặc gặp khủng hoảng tài chính có thể làm giảm đánh giá của xếp hạng tín dụng doanh nghiệp.

Vai trò của xếp hạng tín dụng doanh nghiệp trong đầu tư

Không chỉ bản thân doanh nghiệp ứng dụng mức xếp hạng tín dụng doanh nghiệp mà các nhà đầu tư, tổ chức tài chính cũng tham khảo để đánh giá doanh nghiệp đó. Dựa vào mức độ tín dụng, doanh nghiệp có thể lựa chọn và đưa ra những chiến lược tiếp cận vốn hiệu quả hơn. Cụ thể như sau:

Đối với bản thân doanh nghiệp được xếp hạng tín dụng

Tiếp cận dễ dàng hơn nguồn vốn mới

Thực tế cho thấy rằng, một doanh nghiệp có mức xếp hạng tín dụng tốt sẽ tiếp cận nguồn vốn mới từ các nhà đầu tư hay tổ chức tài chính dễ dàng hơn. Điều này hỗ trợ doanh nghiệp có thể mở rộng nhanh chóng hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư thêm vào các dự án mới hoặc tăng cường nguồn vốn lưu động.

Ngược lại, những doanh nghiệp có xếp hạng thấp sẽ khiến các nhà đầu tư băn khoăn và lo lắng nhiều hơn nên không dễ để tiếp cận vốn.

Đánh giá chính xác hơn tình trạng tài chính doanh nghiệp

Điểm tín dụng doanh nghiệp cũng giúp chính doanh nghiệp tự đánh giá được chính xác hơn tình trạng tài chính của mình và triển khai những biện pháp cải thiện. Doanh nghiệp dựa vào đó để tăng thêm khả năng thanh toán nợ vay vốn, cải thiện tài chính để có xếp hạng tín dụng cao hơn trong tương lai.

Đối với nhà đầu tư và các tổ chức tài chính

Căn cứ để hỗ trợ quyết định đầu tư

Xếp hạng tín dụng chính là cơ sở để các nhà đầu tư đánh giá chi tiết những rủi ro có thể gặp phải và khả năng thanh toán nợ của một doanh nghiệp cụ thể. Từ dữ liệu này, nhà đầu tư có thể đưa ra quyết định đầu tư vốn vào doanh nghiệp tốt hơn, tránh những rủi ro về thanh khoản.

Hỗ trợ khi muốn quản lý rủi ro tín dụng

Các tổ chức tài chính tham khảo xếp hạng tín dụng doanh nghiệp để đánh giá rủi ro tín dụng khi cho vay vốn và quản lý những khoản nợ của họ theo cách hiệu quả hơn.

Xếp hạng tín dụng cũng là căn cứ để các tổ chức tài chính quyết định xem họ có nên cho doanh nghiệp vay vốn hay không, mức lãi suất phù hợp là bao nhiêu để đảm bảo khả năng chi trả tốt nhất của từng doanh nghiệp.

Lưu ý về hạn chế khi ứng dụng xếp hạng tín dụng doanh nghiệp

Dù xếp hạng tín dụng doanh nghiệp là một chỉ số hữu ích và quan trọng khi đánh giá khả năng thanh toán của doanh nghiệp trong việc trả nợ, nhưng nó vẫn khó tránh khỏi một số hạn chế như sau:

Hạn chế về thông tin và thời gian

Các công ty xếp hạng tín dụng sử dụng dữ liệu để đánh giá xếp hạng dựa trên những thông tin được công bố từ doanh nghiệp và thu thập từ các nguồn thông tin khác. Vì thế, nếu thông tin nhận được không đầy đủ hoặc không đảm bảo chính xác, đánh giá xếp hạng tín dụng có thể chịu ảnh hưởng.

Ngoài ra, xếp hạng tín dụng doanh nghiệp chỉ được tổng kết ở thời điểm nhất định. Những yếu tố biến động mang tính liên tục khác, chẳng hạn như hoạt động của thị trường tài chính, tính hình kinh tế và chính trị có thể thay đổi nhanh chóng trong thời gian ngắn và sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng trả nợ của các doanh nghiệp.

Đồng thời, xếp hạng tín dụng chỉ tập trung nhất vào khả năng trả nợ tài chính của doanh nghiệp. Chỉ số này sẽ không đánh giá được các mặt khác của doanh nghiệp như khả năng tạo ra lợi nhuận, sự cạnh tranh cùng ngành và hiệu quả quản lý chung.

Thiếu tính khách quan

Trường hợp công ty xếp hạng đang có mối quan hệ thân thiết hoặc nhận được lợi ích từ các doanh nghiệp, mức độ xếp hạng tín dụng có thể được đánh giá không đảm bảo tính khách quan và trung thực.

Tiêu biểu cho vấn đề này là vụ việc xảy ra vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế năm 2008. Khi thị trường ngành bất động sản trên đà tăng vọt vào các năm 2006-2007, một lượng đáng kể những khoản nợ dưới chuẩn đã được 3 cơ quan xếp hạng lớn đặt ở mức xếp hạng cao.

Cho đến khi thị trường nhà đất bắt đầu khủng hoảng và tiến đến sụp đổ vào năm 2007-2008, các cơ quan này đã đánh giá chậm trễ khi hạ cấp những xếp hạng ở đầu đó. Chính vì hành động này, thị trường tài chính và giới đầu tư đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi thông tin tín dụng không đảm bảo khách quan.

Những thông tin trong bài viết trên đã chia sẻ rõ ràng về chấm điểm xếp hạng tín dụng doanh nghiệp và những yếu tố ảnh hưởng đến xếp hạng này. Mong rằng bạn có thể vận dụng kiến thức, hiểu rõ thông tin đã tìm hiểu và có kế hoạch đầu tư phù hợp.

Chủ Đề