Chủ trương chống việt nam hóa chiến tranh

Sau chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, đế quốc buộc phải xuống thang chiến tranh, ngừng ném bom miền Bắc và chấp nhận đàm phán với Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại Hội nghị Paris. Tuy nhiên, sau khi lên làm Tổng thống Mỹ, Nixon bắt đầu cho thi hành ở Việt Nam chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, thực hiện chính sách “dùng người Việt đánh người Việt” bằng vũ khí và đô la của Mỹ, do Mỹ chỉ huy, cùng một lúc thực hiện ba loại hình chiến tranh: Giành dân, bóp nghẹt và hủy diệt để bình định nông thôn đồng bằng, hòng làm cho lực lượng cách mạng mất chỗ dựa dễn đến suy yếu.

Thừa Thiên Huế được Mỹ cho là một trong những chiến trường trọng điểm thực hiện ba loại hình chiến tranh kể trên.

Ở thành phố Huế và các thị trấn quận lỵ, địch tiến hành khủng bố khốc liệt, đồng thời kiểm soát và kềm kẹp rất chặt. Ở nông thôn đồng bằng, địch tập trung lực lượng triển khai kế hoạch “bình định cấp tốc” [từ tháng 10/1968]. Ở vùng rừng núi, địch liên tiếp mở các cuộc hành quân với quy mô lớn và vừa, sử dụng hỏa lực phi pháo và máy bày B.52 bắn phá ác liệt, đồng thời dùng chất độc hóa học phát quang cây cối, phá hoại mùa màng, cắt đứt đường giao thông vận chuyển của ta, phá hoại các kho tàng, ngăn chặn tiếp viện từ miền Bắc.

Tiếp sau “bình định cấp tốc” là “bình định đặc biệt”, kết hợp với kế hoạch “Phượng hoàng” và hàng nghìn cuộc hành quân càn quét khốc liệt. Chính quyền Sài Gòn đã kiểm soát gần trọn đồng bằng, ngăn chặn được ta ở vùng giáp ranh và liên tục đánh phá hành lang, kho tàng, hậu cứ của ta ở miền núi.

Dưới sự lãnh đạo của các cơ sở Đảng, nhân dân đã dũng cảm đứng lên đấu tranh một mất một còn với kẻ thù, quyết không để địch thực hiện ý đồ cào xúc dân, bắt lính, cũng như quyết đòi về làng cũ khi đã bị dồn vào các khu tập trung.

Sau một thời gian khôi phục và củng cố lực lượng, từ giữa năm 1969, phong trào đấu tranh của nhân dân thành phố Huế bắt đầu sôi sục trở lại. Các tầng lớp tiểu thương, dân nghèo thành thị, thanh niên, sinh viên và học sinh liên tục đấu tranh chống tăng thuế, chống bắt lính, đòi tự do dân chủ, đòi hòa bình, chống khủng bố, đòi chấm dứt chiến tranh.

Song song với phong trào đấu tranh chính trị, sang đến năm 1969, bộ đội chủ lực của ta đã tổ chức chống càn thắng lợi. Miền núi phía Tây Thừa Thiên được củng cố, thế đứng chân của lực lượng vũ trang và hậu cứ kho tàng được xác lập.

Cán bộ, chiến sĩ Khu ủy Trị Thiên Huế tổ chức để tang Bác Hồ

Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần. Phong trào “đau thương nhớ Bác” diễn ra khắp nơi trong tỉnh. Nhiều người trong cộng đồng các dân tộc ở miền Tây Trị Thiên đã đổi sang họ Hồ để ghi nhớ công ơn to lớn của Người.

Những năm 1970, 1971, 1972 lực lượng của ta lớn mạnh vượt bậc. Cục diện chiến tranh trên toàn miền Nam nói chung và ở chiến trường Trị Thiên Huế nói riêng ngày càng có lợi cho ta. Trên chiến trường Trị Thiên bên cạnh những thắng lợi về mặt quân sự có ý nghĩa nắm thế chủ động trên chiến trường như trận ABia [1969]; Cô Ca Va [A Lưới]; trận tiêu diệt 7 đoàn bình định, mở đợt diệt ác, phá kìm, giành dân ở vùng giáp ranh xã Phong Hòa, Phong An [1969], Quảng Hòa, Hương Vân, Hương Thái; Ba đợt tiến công địch năm 1970, thắng lợi trận đường 9 - Nam Lào 1971, cuộc tiến công chiến lược năm 1972... , chúng ta đẩy mạnh đấu tranh chính trị, phong trào đấu tranh công khai diễn ra sôi nổi khắp thành phố. Tính từ tháng 3/1969 đến 11/1970 có 25 cuộc xuống đường có qui mô lớn và vừa cùng hàng trăm cuộc đấu tranh lẻ tẻ khác. Đặc biệt phong trào học sinh, sinh viên phát triển mạnh mẽ với một số phong trào nổi bật như: “Hát cho đồng bào tôi nghe”; in và phát hành tờ báo “Tiếng nói sinh viên”, “Tự quyết”...

Học sinh, sinh viên và đồng bào Huế biểu tình chống Mỹ năm 1971

Sang đến năm 1971, từ tháng 5 đến tháng 12/1971 đã diễn ra 66 cuộc đấu tranh công khai với quy mô vừa và lớn. Đặc biệt nhiều cuộc đấu tranh có tổ chức lãnh đạo và huy động được 10 vạn lượt người tham gia giương cao các khẩu hiệu: “Hòa bình, hòa hợp dân tộc”; “Mĩ rút hết quân”; “Thiệu phải từ chức”...

Đến năm 1972, Thường vụ Tỉnh ủy đã họp đề ra kế hoạch “Tích cực tranh thủ thời cơ, mạnh dạn dưa phong trào thành phố lên thành cao trào cách mạng của quần chúng phối hợp với nông thôn, quận lỵ, thị trấn làm lung lay tận gốc ngụy quyền”.

Cuộc tiến công chiến lược năm 1972 của quân và dân Thừa Thiên Huế, tuy không thực hiện được kế hoạch đề ra là giải phóng quê hương, song là một bước nhảy vọt của cách mạng, tạo ra cục diện mới để đánh bại chiến lược “Việt nam hóa chiến tranh” của Mỹ, góp phần cùng chiến thắng cả nước và buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về Việt Nam.

Chủ Đề