Cuộc cách mạng nào được hồ chí minh nhận xét trong tác phẩm “đường cách mệnh” (1927):

Chi tiết tin

Your browser does not support the audio element.
Ý nghĩa lịch sử trọng đại của Tác phẩm “Đường cách mệnh”
22/09/2017 - Lượt xem: 31980

“Đường cách mệnh” là tác phẩm tập hợp các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh tại các lớp huấn luyện cán bộ của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên được tổ chức tại Quảng Châu [Trung Quốc] từ năm 1925 - 1927. Cuốn sách được Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức tập hợp lại và xuất bản thành sách năm 1927.

90 năm đã trôi qua [1927-2017], với tác phẩm "Đường cách mệnh", Hồ Chí Minh đã mở đường cho dân tộc Việt Nam, đã tạo ra đội ngũ cán bộ trung kiên của cách mạng, đã thức tỉnh cả một dân tộc trong sự trỗi dậy của phong trào cách mạng thế giới, đã gây dựng nên sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc ta trong thời hiện đại.

Trong toàn bộ những sự kiện lịch sử phong phú của cách mạng nước ta, không phải là mọi điều, cũng không phải là tất cả những sự kiện cơ bản nhất đều đã được chỉ ra trong tác phẩm ấy. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định được rằng, những điều đã được chỉ ra trong "Đường cách mệnh" đều ít nhiều có hình bóng của nó ở nhiều sự kiện; và nhiều sự kiện vẫn bắt nguồn từ những nhận thức ban đầu đã được kết tinh ở nhiều luận điểm quan trọng của tác phẩm "Đường cách mệnh".

Cuốn "Đường cách mệnh" hiện vật gốc đã được công nhận là Bảo vật quốc gia, đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

*

* *

Từ năm 1925-1930, ở Việt Nam, những đốm lửa cách mạng vô sản đã được nhen nhóm. Phong trào công nhân phát triển mạnh mẽ. Những tổ chức chính trị tiền thân của Đảng Cộng sản đã được ra đời. Nhưng để cho những đốm lửa đó chung đúc thành ngọn lửa to lớn, duy nhất, mãnh liệt, đủ để thiêu cháy kẻ thù của dân tộc thì phải có người nhóm lại và thổi bùng lên. Người đó chính là Hồ Chí Minh với tác phẩm bất hủ "Đường cách mệnh".

"Đường cách mệnh", bằng kinh nghiệm lịch sử phong phú và sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào hoàn cảnh cụ thể Việt Nam, đã đề ra được những phương hướng cơ bản của cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Tác dụng lịch sử to lớn của "Đường cách mệnh" là đã giải quyết một cách rốt ráo sự bế tắc, khủng hoảng về đường lối cách mạng và đường lối tổ chức của cách mạng Việt Nam – một sự khủng hoảng sâu sắc đã tồn tại hàng chục năm vào cuối thế kỷ XIX và trong hai thập niên đầu thế kỷ XX.

* Trước hết là vấn đề xác định đối tượng chính của cách mạng.

Lúc bấy giờ, nhân dân Việt Nam, muốn giải phóng dân tộc thì phải đánh thực dân Pháp và bọn phong kiến tay sai. Nhưng đánh kẻ thù nào trước thì chủ trương của những nhà yêu nước lúc đó chưa phải đã nhất trí. Phan Châu Trinh chủ trương dựa vào thực dân Pháp để đánh đổ bọn phong kiến trước rồi sau mới đánh đuổi thực dân Pháp. Còn Phan Bội Châu tuy trước sau đều chủ trương đánh đuổi thực dân Pháp, nhưng lúc đầu lại muốn dựa vào phong kiến để tập hợp lực lượng, rồi trong quá trình thất bại mới chuyển từ lập trường quân chủ lập hiến sang lập trường dân chủ tư sản. Rõ ràng, tất cả những chủ trương trên đều là lỗi thời và ảo tưởng.

Tiếp đó, từ cuộc khởi nghĩa Yên Thế [1884-1913] đến cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên [1917], khởi nghĩa Yên Bái [1930], tất cả đều thất bại vì không có đường lối cách mạng đúng đắn, hệ thống tổ chức thiếu chặt chẽ; chưa tập hợp được rộng rãi lực lượng của dân tộc, nhất là 2 giai cấp cơ bản là công nhân và nông dân, v.v…

"Đường cách mệnh" ra đời đã giải đáp rõ ràng vấn đề đối tượng chính của cách mạng. Đó là bọn thực dân Pháp xâm lược: "bọn cường quyền này bắt dân tộc kia làm nô lệ như Pháp với Việt Nam. Đến khi dân tộc nô lệ ấy chịu không nổi nữa, tỉnh ngộ lên, đoàn kết lại, biết rằng thà chết được tự do hơn sống làm nô lệ, đồng tâm hiệp lực đánh đuổi tụi áp bức mình đi; ấy là dân tộc cách mệnh".

* Vấn đề thứ hai là phương hướng chiến lược của cách mạng.

"Đường cách mệnh" chỉ rõ, cách mệnh có 2 giai đoạn "Cách mệnh dân tộc" và "Cách mệnh thế giới". Đó là quan điểm cốt lõi chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường cách mạng Việt Nam: độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội. Theo đó, "Dân tộc cách mệnh thì chưa phân chia giai cấp; sĩ, nông, công, thương đều nhất trí chống lại cường quyền. Còn thế giới cách mệnh thì vô sản đứng đầu, đi trước nhưng hai cuộc cách mệnh đó lại quan hệ khăng khít với nhau". Trước hết, Hồ Chí Minh tập trung vào nhiệm vụ "Dân tộc cách mệnh" để giành lấy quyền tự do, bình đẳng cho nhân dân nước mình và khẳng định cuộc cách mạng thứ nhất ["dân tộc cách mệnh"] chuẩn bị tiền đề cho cách mạng thứ hai ["thế giới cách mệnh"] về kinh tế, chính trị và văn hóa.

Xuất phát từ luận điểm nhất quán đó, trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên [tháng 2/1930], Đảng ta đã xác định phương hướng chiến lược của cách mạng Việt Nam là từ "Tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản"; tức là phải đi từ cách mạng dân tộc dân chủ chuyển sang cách mạng xã hội chủ nghĩa; và hai cuộc cách mạng này có mối quan hệ khăng khít với nhau; đặc biệt, không thể nôn nóng, đốt cháy giai đoạn được.

Thời kỳ Mặt trận dân chủ [1936-1939], Đảng ta đã xác định mối quan hệ giữa vấn đề độc lập dân tộc với vấn đề dân chủ. Đến Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng [năm 1941], Đảng ta chỉ rõ, cách mạng ở các nước thuộc địa gắn bó chặt chẽ với cách mạng ở chính quốc; nhưng có thể thắng lợi trước cách mạng ở chính quốc, cách mạng dân tộc dân chủ phải làm nhiệm vụ chống đế quốc và phong kiến tay sai, thực hiện độc lập dân tộc và người cày có ruộng; và sau đó, phải tiến ngay lên cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Đại hội lần thứ II của Đảng [năm 1951], nội dung của cách mạng Việt Nam đã được trình bày một cách đầy đủ, đặc biệt là Đảng ta đã chỉ rõ mối quan hệ chặt chẽ giữa hai nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến. Đến Đại hội lần thứ III [năm 1960], Đảng ta vạch rõ sự kết hợp chặt chẽ giữa hai chiến lược cách mạng: cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.

Từ Đại hội lần thứ IV [1976] đến Đại hội lần thứ XII [2016], Đảng ta luôn luôn quán triệt bài học lớn của cách mạng Việt Nam là kết hợp và giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong thời đại mới.

Rõ ràng, nền móng của lý luận cách mạng khoa học và triệt để ấy đã được nêu ngay trong tác phẩm "Đường cách mệnh". "Đường cách mệnh" đã chỉ ra: cách mạng ở nước ta phải biết kết hợp kinh nghiệm của "ba thứ" cách mạng: "tư bản cách mệnh", "giai cấp cách mệnh" và "thế giới cách mệnh".

* Vấn đề thứ ba là xác định mục tiêu của cách mạng.

Tất nhiên người Việt Nam yêu nước nào đứng lên đánh ngoại xâm cũng muốn giành lại độc lập, tự do cho đất nước, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Nhưng độc lập, tự do, hạnh phúc đó phải được thực hiện với nội dung như thế nào thì lúc đó cũng không phải đã rõ ràng. Trước mắt, các nhà cách mạng Việt Nam đã có nhiều tấm gương giành độc lập. Độc lập, tự do của Trung Quốc sau Cách mạng Tân Hợi [1911] cũng là một thứ độc lập, nhưng chưa phải là độc lập thực sự và triệt để vì giai cấp tư sản dân tộc Trung Quốc chưa thể đưa nhân dân Trung Quốc thoát khỏi được nang vuốt của chủ nghĩa đế quốc lúc này. Còn tự do tư sản như ở Mỹ, ở Pháp cũng đã bộc lộ rõ những hạn chế của nó.

Vậy muốn có độc lập, tự do triệt để của dân tộc, có thống nhất trọn vẹn của đất nước, ấm no, hạnh phúc thật sự của nhân dân, cách mạng Việt Nam phải đi tới đâu, phải xây dựng một chế độ như thế nào? "Đường cách mệnh" đã giải đáp một cách ngắn gọn và rõ ràng về vấn đề này: "Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa. Cách mệnh đã bốn lần rồi, mà nay công nông Pháp hằng còn phải mưu cách mạng lần nữa mới hòng thoát khỏi vòng áp bức. Cách mệnh Việt Nam nên nhớ những điều ấy", "Chúng ta đã làm cách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc".

"Đường cách mệnh" cũng nêu lên kinh nghiệm về tổ chức công hội, nông hội, thanh niên cộng sản, hợp tác xã,… những tổ chức tiêu biểu cho một chế độ xã hội mới, chế độ mà "quyền giao cho dân chúng số nhiều", chứ không "để trong tay một bọn ít người"; đó là chế độ xã hội chủ nghĩa.

* Vấn đề thứ tư là việc xác định động lực của cách mạng.

Truyền thống lâu đời của dân tộc ta là "Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh", nhưng với một kẻ thù thực dân, đế quốc vừa có tiềm lực quân sự và kinh tế, vừa xảo quyệt, tàn bạo, thâm độc, có cả một "khoa học" chia để trị như thực dân Pháp, thì không thể đánh thắng bọn chúng bằng một đội quân ô hợp.

Phong trào Duy Tân đầu thế kỷ thứ XX đã muốn dùng phong trào dân chủ tư sản mới manh nha làm nòng cốt để động viên lực lượng toàn dân, chủ yếu là nông dân, đấu tranh đòi cải cách dân chủ, cải thiện dân sinh, mở mang dân trí; nhưng cuối cùng đã thất bại.

Phan Bội Châu đã tiến hơn một bước, ông muốn phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc, nên đã ra lời kêu gọi "Mười giới đồng tâm". Nhưng ở đây mới là đồng tâm của các nhà hào phú; các vị quan lại; con em nhà quyền quý; và các tín đồ thiên chúa; thủy, lục quân; thông ngôn, ký lục, bồi bếp; học sinh hải ngoại, chứ chưa thấy lực lượng cơ bản của công - nông.

Rồi đến Việt Nam Quốc dân Đảng [ra đời năm 1927] thì xem lực lượng chủ yếu của cách mạng cũng không phải là công - nông, mà vẫn là hào phú và binh lính,… Cho nên thất bại lại hoàn thất bại.

Xác định được lực lượng nòng cốt của cách mạng Việt Nam và những đồng minh của giai cấp công nhân trong cách mạng lúc ấy là vấn đề có ý nghĩa quyết định đến vận mệnh của cách mạng. "Đường cách mệnh" đã trả lời câu hỏi: "Ai là những người cách mệnh?" một cách vắn tắt và dễ hiểu: "Vì bị áp lực mà sinh ra cách mệnh cho nên ai bị áp bức càng nặng thì lòng cách mệnh càng bền, chí cách mệnh càng quyết. Khi trước, tư bản bị phong kiến áp bức cho nên nó cách mệnh. Bây giờ tư bản lại đi áp bức công nông, cho nên công nông là người chủ cách mệnh. 1. là vì công nông bị áp bức nặng hơn. 2. là vì công nông là đồng nhất cho nên sức mạnh hơn hết. 3. là vì công nông là tay không rồi, nếu thua thì chỉ mất một cái kiếp khổ, nếu được thì được cả thế giới, cho nên họ gan góc. Vì những cớ ấy, cho nên công nông là gốc cách mệnh; còn học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ cũng bị tư bản áp bức, song không cực khổ bằng công nông; ba hạng ấy chỉ là bầu bạn cách mệnh của công nông thôi".

* Vấn đề thứ năm là về phương pháp cách mạng.

Lịch sử Việt Nam đã chứng minh rằng, trước những kẻ thù được trang bị vũ khí tân tiến, muốn giải phóng dân tộc chỉ có con đường là tiêu diệt kẻ thù bằng vũ khí. Nhưng tới đầu thế kỷ thứ XX, cũng với sự nảy sinh của chủ nghĩa tư bản dân tộc, một phong trào cải lương tư sản đã ra đời. Một xu hướng chống bạo động cũng nảy sinh, tiêu biểu là Phan Châu Trinh, với chủ trương: "Bất bạo động, bạo động giả tử" [nghĩa là: không bạo động, bạo động đều chết]. Tuy vậy, với nhân dân lao động Việt Nam thì truyền thống đấu tranh vũ trang trong hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc vẫn ngời sáng. Tiếng súng của nghĩa quân Yên Thế tồn tại suốt từ cuối thế kỷ thứ XIX đến tận năm 1913. Tiếp đó là việc chuẩn bị khởi nghĩa của Việt Nam quang phục hội và của vua Duy Tân xảy ra ở Huế năm 1916 và khởi nghĩa Thái Nguyên bùng nổ năm 1917. Đấu tranh vũ trang vẫn là bước đi vững chắc của dân tộc Việt Nam ta để giải phóng đất nước.

Nhưng trong đấu tranh vũ trang lúc này, do khủng hoảng về đường lối cách mạng và do liên tiếp bị thất bại nên đã nảy sinh ra những hành động phiêu lưu, mạo hiểm, coi ám sát cá nhân cũng là một phương sách cách mạng. Từ việc ám sát những tên tay sai của thực dân như tuần phủ Nguyễn Duy Hàn,… đến việc mưu sát tên trùm thực dân Pháp ở Đông Dương là toàn quyền Méc-lanh năm 1924 của Phạm Hồng Thái, trong phong trào cách mạng Việt Nam đã lộ rõ ra, không những một sự khủng hoảng về đường lối cách mạng mà còn là một sự khủng hoảng cả về phương pháp cách mạng.

"Đường cách mệnh" chẳng những bác bỏ phương pháp ám sát cá nhân; mà còn vạch rõ biện pháp đấu tranh một cách khoa học. Đó là: phải làm cho dân giác ngộ; phải giảng giải lý luận và chủ nghĩa cho dân hiểu; phải hiểu phong trào thế giới, phải bày sách lược cho dân; phải biết tổ chức dân chúng lại; phải giành chính quyền bằng bạo lực cách mạng của quần chúng, phải biết chọn thời cơ; phải đoàn kết quần chúng cách mạng mà công nông làm nòng cốt, đấu tranh chống kẻ thù, không chỉ bằng quân sự mà cả bằng kinh tế, chính trị nữa: "Ám sát là làm liều, và kết quả ít, vì giết thằng này, còn thằng khác, giết sao cho hết? Cách mệnh thì phải đoàn kết dân chúng bị áp bức để đánh đổ cả cái giai cấp áp bức, chứ không phải chỉ nhờ 5, 7 người giết 2, 3 anh vua, 9, 10 anh quan mà được", phải "liên hiệp cả dân cày và thợ thuyền làm cả kinh tế và chính trị cách mệnh" nữa.

* Vấn đề thứ sáu là đoàn kết dân tộc và giai cấp.

"Đường cách mệnh" cũng nêu cao vấn đề đoàn kết dân tộc, đoàn kết giai cấp vì "Cách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc của một hai người"; nhằm "đồng tâm, hiệp lực đánh đuổi tụi áp bức", "đoàn kết nhau đánh đuổi tư bản", "đoàn kết dân chúng để đánh đổ cả cái giai cấp áp bức mình…". Đó là những tư tưởng cơ bản chuẩn bị cho việc xây dựng khối đoàn kết cách mạng rộng lớn sau này, như các mặt trận dân tộc thống nhất trong thời kỳ giải phóng dân tộc, kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay.

* Vấn đề thứ bảy là đồng minh trên thế giới và đoàn kết quốc tế.

Từ đầu thế kỷ XX, các phong trào yêu nước ở Việt Nam đều nhận thức được rằng "có đoàn kết quốc tế mới mau thắng lợi". Ngay Phan Bội Châu, từ trong thất bại cũng đã rút ra được kinh nghiệm là "phải liên kết với những người đồng bệnh", tức những dân tộc cùng bị đế quốc áp bức, bóc lột như mình. Nhưng liên kết như thế nào, dựa vào ai, liên minh với ai? Ai là bạn gần, ai là bạn xa? Thì các phong trào yêu nước lúc đó đều còn mơ hồ. Người thì muốn dựa vào thực dân Pháp để đánh phong kiến trước như Phan Châu Trinh; người thì muốn dựa vào đế quốc này để đánh đế quốc khác, như Phan Bội Châu muốn dựa vào Nhật để đánh Pháp. Thậm chí, đến khi nhận thức được sự cần thiết phải "liên kết với những người đồng bệnh", Phan Bội Châu cũng lại chủ trương dựa vào giai cấp tư sản dân tộc vô cùng yếu ớt của Trung Quốc để chống thực dân Pháp. Còn nhân dân lao động Việt Nam, do thủ đoạn chia rẽ của bọn thực dân, đế quốc, đã không phân biệt được nhân dân lao động Pháp với bọn thực dân Pháp, coi tất cả những ai "da trắng" đều là kẻ thù của cách mạng Việt Nam. Những sự mơ hồ, hỗn độn đó cần phải được giải quyết.

"Đường cách mệnh" đã xác định rõ chỗ dựa quốc tế của cách mạng Việt Nam phải là cách mạng vô sản thế giới, là cách mạng Nga và Quốc tế cộng sản [Quốc tế 3]: "Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc, tự do bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên Việt Nam. Cách mệnh Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ rồi, lại ra sức cho công nông các nước và dân bị áp bức của các thuộc địa làm cách mạng để đạp đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản trong thế giới", "Nga cách mệnh đã thành công để làm nền tảng cho cách mệnh thế giới", "Việt Nam muốn cách mệnh thành công, thì tất phải nhờ Đệ tam quốc tế", "Nói tóm lại phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lê nin".

Với nhân dân lao động Pháp và cách mạng Pháp, "Đường cách mệnh" đã phân tích rõ đó là đồng minh không thể thiếu được của cách mạng Việt Nam: "Việt Nam dân tộc cách mệnh thành công thì tư bản Pháp yếu, tư bản Pháp yếu thì công nông Pháp làm giai cấp cách mệnh cũng dễ. Và nếu công nông Pháp làm cách mệnh thành công, thì dân tộc Việt Nam sẽ được tự do. Vậy nên cách mệnh Việt Nam với cách mệnh Pháp phải liên lạc với nhau".

* Vấn đề thứ tám là Đảng lãnh đạo cách mạng.

Khủng hoảng về đường lối cách mạng, về phương pháp cách mạng lúc đó là con đẻ sinh đôi của khủng hoảng về tổ chức cách mạng.

Thực tế cách mạng Việt Nam trong những năm 20 của thế kỷ XX cho thấy một sự lộn xộn, ấu trĩ về tổ chức cách mạng và cho đến những năm từ 1925 đến 1930 thì sự ra đời của một Đảng cách mạng chân chính đã chín muồi. Đã đến lúc cần có một đường lối tổ chức cách mạng một cách khoa học để đưa cách mạng tiến lên.

Nhìn lại tình hình lúc đó, không kể những đảng của tư sản, địa chủ như Đảng Lập hiến của Bùi Quang Chiêu lập ra ở Nam Kỳ năm 1924-1925, Đảng Việt Nam độc lập của Nguyễn Thế Truyền lập ra ở Pháp những năm 1925-1928, ngay cả những Đảng có xu hướng cấp tiến lúc đó như Đảng Thanh niên do Nguyễn Trọng Hy, Bùi Công Trừng, Trần Huy Liệu,… thành lập cũng "chưa biết hệ thống tổ chức cho đến chương trình, điều lệ của một chính đảng phải ra sao?". Rồi đến tổ chức Đảng lớn xuất hiện là Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, Tân Việt cách mạng Đảng và Việt Nam quốc dân Đảng thì tuy có chương trình, điều lệ rõ ràng, nhưng cũng là đang buổi giao thời, cần phải đi tới lột xác hay thanh lọc để trở thành những tổ chức cách mạng chân chính, phù hợp với yêu cầu của thời đại mới.

Trong lúc phong trào cách mạng đang lựa chọn đường lối tổ chức thì "Đường cách mệnh" ra đời. Nó đã vạch rõ cho cách mạng Việt Nam một phương hướng xây dựng một tổ chức cách mạng chân chính có thể đem lại thắng lợi cho dân tộc. Đó là chính đảng của giai cấp công nhân, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng: "Sức mạnh của cách mệnh là ở tập trung, muốn tập trung phải có Đảng cách mệnh… Trước hết phải có Đảng cách mệnh để trong vì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với các dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững, cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bản chỉ nam… Chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lê-nin".

* Vấn đề cuối cùng "tư cách người cách mệnh".

"Đường cách mệnh" nguyên là tài liệu mà Hồ Chí Minh dùng để huấn luyện và đào tạo những lớp cán bộ đầu tiên làm công tác cách mạng và kế tục sự nghiệp cách mạng của Người, đào tạo đội ngũ cốt cán của phong trào cách mạng nước ta, và cũng từ đó để đi đến xây dựng tổ chức Đảng. Trong công tác đào tạo cán bộ, Người đã hết sức chú trọng việc rèn luyện mặt phẩm chất đạo đức của họ. Vì thế, ngay trong trang đầu của tác phẩm quan trọng này, Người đã để lại những lời dạy bảo quý báu về "Tư cách một người cách mệnh": "Tự mình phải: cần, kiệm, hòa mà không tư, cả quyết sửa lỗi mình, cẩn thận mà không nhút nhát hay hỏi, nhẫn nại [chịu khó], hay nghiên cứu, xem xét, vị công vong tư, không hiếu danh, không kiêu ngạo, nói thì phải làm, giữ chủ nghĩa cho vững, hy sinh. Ít lòng tham muốn về vật chất, bí mật. Đối người phải: với từng người thì khoan thử, với đoàn thể thì nghiệm, có lòng bày vẽ cho người, trực mà không táo bạo, hay xem xét người. Làm việc phải: xem xét hoàn cảnh kỹ càng, quyết đoán, dũng cảm, phục tùng đoàn thể". Hồ Chí Minh là người đầu tiên gieo hạt giống cho cách mạng Việt Nam, tạo nên sự nghiệp vĩ đại của ngày nay và mãi mãi về sau.

*

* *

Tóm lại, những nội dung cơ bản mà "Đường cách mệnh" đề ra luôn luôn là kim chỉ nam, là ngọn đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong những năm đấu tranh giành chính quyền, trong hai cuộc trường chinh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, trong những năm cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là trong những năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, vì một nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Được viết ngắn gọn, súc tích; nhưng cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu, sau 90 năm, tác phẩm "Đường cách mệnh"vừa có ý nghĩa lịch sử trọng đại, vừa có giá trị thời sự to lớn. Chúng ta nói một cách chắc chắn rằng, để có một nước Việt Nam XHCN hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, đang ngày càng phát triển và hội nhập sâu rộng vào cộng đồng quốc tế như hiện nay, cách mạng Việt Nam, tuy phải trải qua nhiều khúc quanh của lịch sử, nhưng hằng số đạt được vẫn là những thắng lợi trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, vẫn một lòng kiên định con đường mà nhân dân ta đã lựa chọn: độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là do chúng ta có "Đường cách mệnh" của Hồ Chí Minh soi đường và chỉ lối./.

Tiến sĩ Nguyễn Phúc Nghiệp

Trưởng phòng Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang

- + Đọc bài viết In bài viết Gửi bài viết
Tương phản
Đánh giá bài viết[4.0/5]
Tin liên quan
Dự kiến hơn 17 triệu học sinh đến trường sau nghỉ Tết Nguyên đán - 29/01/2022
Những kết quả nổi bật của ngành Giáo dục và Đào tạo Tiền Giang năm 2021 - 29/01/2022
Học sinh từ khối 7 đến khối 12 chính thức trở lại trường vào ngày 07/02/2022 - 29/01/2022
Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức dạy và học trực tiếp tại huyện Châu Thành, Cai Lậy và Thị xã Cai Lậy - 01/01/2022
Học sinh khối lớp 9 và lớp 12 học trực tiếp từ ngày 03/01/2022 - 29/12/2021
Chia sẻ bài viết qua mail
Email người gửi: *

Email người nhận: *

Tiêu đề: *

Nội dung *
Liên kết: Gửi


Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trong tác phẩm “Đường Cách mệnh” và những chặng đường hiện thực hóa 90 năm qua

Đăng lúc: 07:37:28 30/08/2017 [GMT+7]3695 lượt xem

ThS. Phạm Bá Thịnh – ThS. Nguyễn Thị Duyên
Khoa LL Mác – Lê nin, TT Hồ Chí Minh
Trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soạn thảo nhiều văn kiện lịch sử quan trọng. Một trong những văn kiện lịch sử có ý nghĩa mở đường, dẫn lối cho cách mạng Việt Nam là tác phẩm “Đường Cách mệnh”, được viết năm 1927. Trải qua 90 năm, đến nay, tác phẩm vẫn có sức lay động hàng triệu trái tim và trở thành một trong những di sản tư tưởng - văn hóa quý báu của Đảng và dân tộc ta. Tác phẩm đã giúp cho nhân dân Việt Nam hiểu rõ hơn về đối tượng, mục tiêu, con đường và bổn phận của mình trong cuộc đấu tranh để tự giải phóng. Đặc biệt, tư tưởng về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội được thể hiện rõ trong tác phẩm.
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trong tác phẩm “Đường Cách Mệnh”
Tác phẩm “Đường Cách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được viết ngắn gọn, mộc mạc, đơn giản, nhưng nội dung phong phú, hàm chứa những tư tưởng lớn mang tính quốc gia và quốc tế vĩ đại. Tác phẩm đã xác định rõ mục tiêu, con đường của cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Qua sự phân tích lịch sử những cuộc cách mạng tư sản điển hình trên thế giới như Mỹ, Pháp, và dù đồng ý với tư tưởng dân chủ tiến bộ mà cách mạng Mỹ, cách mạng Pháp đã tuyên bố trong Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp năm 1791, nhưng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh vẫn không tán thành đường lối mà các chính quyền tư sản đã tiến hành sau thắng lợi của hai cuộc cách mạng nói trên. Người rút ra nhận xét: “Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hoà và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”[1]. Bởi vậy: “Mỹ tuy rằng cách mệnh thành công đã hơn 150 năm nay, nhưng công nông vẫn cứ cực khổ, vẫn cứ lo tính cách mệnh lần thứ hai”[2]. Kinh nghiệm cách mạng Mỹ và cách mạng Pháp không giúp được Việt Nam giành lại độc lập dân tộc và tự do, hạnh phúc cho nhân dân lao động. Nên, muốn dân tộc được độc lập, nhân dân thoát khỏi thân phận người nô lệ, thì phải làm cách mạng một cách triệt để. Không thể đi theo con đường cách mạng tư sản, không thể thiết lập mô hình nhà nước cộng hoà tư sản, nơi chính quyền chủ yếu thuộc về giai cấp hữu sản, Người khẳng định: “Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”[3].
Để tiến hành một cuộc cách mạng mà khi chính quyền được thành lập là của dân chúng số nhiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hướng về một cuộc cách mệnh “đến nơi”, nghĩa là một cuộc cách mệnh, mà sau đó sẽ lập ra một chính quyền thực sự của dân, không áp bức dân, không bóc lột dân. Người đã tìm thấy cuộc cách mệnh đó khi đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, đó là Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917, một cuộc cách mạng triệt để, đem lại bình đẳng, tự do thực sự cho đông đảo quần chúng nhân dân: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi”[4]; đồng thời cách mạng Nga dạy chúng ta rằng: “Muốn cách mệnh thành công thì dân chúng [công nông] làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”[5].
Như vậy, cùng với việc nhận thức được mối quan hệ chặt chẽ giữa yêu cầu giải phóng dân tộc và giải phóng con người là nhu cầu của thời đại, trên tinh thần của học thuyết Mác - Lênin và giải quyết một cách triệt để nhu cầu ấy, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã lựa chọn và đứng trên lập trường của giai cấp vô sản, để giải phóng dân tộc và giải phóng con người bằng một cuộc cách mạng vô sản và bước phát triển tiếp theo là xây dựng chủ nghĩa xã hội. Từ đó, Người nêu rõ việc phải tiến hành cả 2 cuộc cách mệnh: Dân tộc cách mệnh và Thế giới cách mệnh. Dân tộc cách mệnh là tập trung đánh đổ bọn đế quốc thực dân và bọn phong kiến tay sai, đánh đổ cường quyền, giành lại độc lập cho xứ sở và Thế giới cách mệnh là giống như công nông Nga đánh đổ tư bản áp bức.
Trên cơ sở nhận thức sâu sắc bản chất của thời đại mới, về nhiệm vụ và sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản, về vai trò của những nhân tố đảm bảo cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc theo quỹ đạo của cách mạng vô sản đi đến thắng lợi cuối cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Trước hết phải có Đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt... Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”[6]. Và luận cứ để mục tiêu: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội có thể trở thành hiện thực sinh động, chính là khẩu hiệu chiến lược của Quốc tế thứ III: “Vô sản giai cấp…và dân tộc bị áp bức trong thế giới liên hợp lại”[7].
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, sau khi giành độc lập dân tộc phải đi lên chủ nghĩa xã hội. Bởi vì, chỉ có đi lên chủ nghĩa xã hội thì mới có độc lập thật sự, độc lập đầy đủ, độc lập bền vững. Chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải phóng cho các dân tộc bị áp bức, cho giai cấp vô sản ra khỏi ách thống trị của tư bản, đế quốc, thực dân, mới xóa bỏ được chế độ người bóc lột người, mới đem lại cho tất cả mọi người sự bình đẳng và tự do, có cuộc sống ấm no và hạnh phúc. Giải phóng dân tộc là tiền đề để phát triển dân tộc và con đường đưa dân tộc tới phát triển chỉ có thể là chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Đó là con đường đi tới Độc lập - Tự do - Hạnh phúc thực sự cho nhân dân.
Nhận thức chính trị trên đã đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với định hướng cơ bản về con đường giải phóng dân tộc Việt Nam, theo quỹ đạo cách mạng vô sản và thiết lập một thể chế quyền lực thuộc về nhân dân, theo mô hình nhà nước Xô Viết. Đó chính là con đường: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, để đi tới xã hội cộng sản chủ nghĩa, mà mục tiêu trước hết là “độc lập cho Tổ quốc, tự do cho đồng bào”.
2. Những chặng đường hiện thực hóa 90 năm
Tiếp tục kế thừa và phát triển tư tưởng về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trong tác phẩm “Đường Cách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn tìm tòi và làm sáng tỏ hơn về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, khẳng định quyết tâm tiếp nối con đường đó trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Trong Văn kiện Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt [Cương lĩnh chính trị đầu tiên] của Đảng Cộng sản Việt Nam, do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo, được thông qua ở Hội nghị thành lập Đảng [đầu năm 1930, tại Cửu Long - Hương Cảng], Người đã nêu rõ, con đường của cách mạng Việt Nam: “Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản” [8]. Đây là kết quả của một tư duy sáng tạo, phù hợp với xu thế phát triển của nhân loại, và đây chính là “cái cần thiết cho chúng ta” trong điều kiện cụ thể của đất nước.
Ngọn cờ độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội nêu trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, thực sự là viên ngọc quý, sức hấp dẫn của nó đã góp phần khơi nguồn sức mạnh cho toàn dân tộc trong sự nghiệp giải phóng. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã chỉ rõ phải đánh đổ cả đế quốc, phong kiến và tay sai giành lại độc lập, tự do cho nhân dân, đồng thời phải xây dựng chủ nghĩa xã hội, thì nền độc lập, tự do của dân tộc mới được đảm bảo và người dân mới được giải phóng thực sự. Con đường cách mạng này trải qua thực tiễn đã dẫn tới Cách mạng tháng Tám [1945] thành công.
Kiên định con đường đã lựa chọn, dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng [2/1951], cuộc trường chinh chống thực dân Pháp kéo dài 9 năm [1946-1954], đã giành được thắng lợi. Miền Bắc Việt Nam đã được giải phóng, từng bước khôi phục, cải tạo kinh tế, văn hóa, xã hội…đi lên chủ nghĩa xã hội, còn miền Nam, tiếp tục thực hiện cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Căn cứ vào tình hình mới của đất nước, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng [9/1960] đã xác định, cách mạng Việt Nam bước vào giai đoạn cùng lúc thực hiện hai chiến lược cách mạng khác nhau: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Mỗi chiến lược cách mạng ở mỗi miền của đất nước có vị trí và trách nhiệm riêng trong mục tiêu chung là hòa bình thống nhất Tổ quốc. Cuộc đấu tranh đầy gian khổ sau 21 năm gian nan, thử thách, đã kết thúc bằng cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Miền Nam đã được giải phóng, hai miền Nam - Bắc sum họp một nhà, cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội.
Trong lịch sử thế giới hiện đại, Việt Nam là nước đầu tiên tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đồng thời cũng là nước đầu tiên đi lên chủ nghĩa xã hội trong điều kiện có chiến tranh. Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng ở cả 2 miền Nam, Bắc, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào miền Nam đánh đế quốc Mỹ xâm lược, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, để cả nước cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội. Điều đó cho thấy, mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, là quy luật phát triển tất yếu và thắng lợi của cách mạng Việt Nam, và đó cũng là sự nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng ta trong việc lựa chọn con đường phát triển của cách mạng.
Khi thống nhất nước nhà đã trở thành hiện thực, khát vọng xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa không chỉ là tiếp tục hành trình đã lựa chọn, mà còn là khẳng định con đường tất yếu đi lên chủ nghĩa xã hội của cách mạng Việt Nam - con đường hợp xu thế phát triển thời đại.
Kể từ mùa xuân năm 1975 đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiến hành 9 kỳ Đại hội, trong suốt chặng đường đó, Đảng ta vẫn kiên định con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, bất chấp sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch, bất chấp sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 18/2/1995 của Bộ Chính trị về một số định hướng lớn trong công tác tư tưởng hiện nay khẳng định rõ: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn duy nhất đúng đắn. Kiên định và linh hoạt, tự chỉnh đốn và đổi mới, nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa luôn được thấm nhuần trong tư tưởng và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân ta. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VIII đã nhấn mạnh: “Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được xác định rõ hơn. Xét trên tổng thể, việc hoạch định và thực hiện đường lối đổi mới những năm qua về cơ bản là đúng đắn, đúng định hướng xã hội chủ nghĩa”[9]; “Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”[10].
Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là sự gắn kết hai sức mạnh thành một sức bật mới, là cội nguồn thắng lợi của cách mạng Việt Nam, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong toàn bộ tiến trình cách mạng của dân tộc từ ngày Đảng ra đời đến nay và cho cả tương lai. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI [1-2011] của Đảng trong“Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội [Bổ sung, phát triển năm 2011]”tiếp tục khẳng định: “Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - ngọn cờ vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lại cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc. Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là hai nhiệm vụ chiến lược có quan hệ chặt chẽ với nhau”[11].
Đánh giá thành tựu 30 năm đổi mới và 5 năm thực hiện Cương lĩnh [bổ sung, phát triển năm 2011] Đại hội XII nêu: ba mươi năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của nước ta, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đổi mới mang tầm vóc và ý nghĩa cách mạng, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp cách mạng to lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Nhìn tổng thể, qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. “Những thành tựu đó tạo tiền đề, nền tảng quan trọng để nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong những năm tới; khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử”[12].
Với sự ổn định về chính trị, những thành tựu về mọi mặt kinh tế, văn hoá, xã hội, ngoại giao, v,v.. của đất nước, và vị thế ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế, có thể khẳng định rằng: Sau hơn 40 năm cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội [1976-2017], và đặc biệt là sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước [1986-2017], mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn đúng đắn, sự kiên định và sáng tạo của Đảng ta dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh.
Tư tưởng khai mở của Chủ tịch Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trong tác phẩm Đường Cách mệnh là ngọn đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

[1] Hồ Chí Minh; Toàn tập, Nhà xuất bản CTQG – Sự Thật, H, 2011, t.2, tr.296
[2] Hồ Chí Minh; Toàn tập, Nhà xuất bản CTQG – Sự Thật, H, 2011, t.2, tr.291
[3] Hồ Chí Minh; Toàn tập, Nhà xuất bản CTQG – Sự Thật, H, 2011, t.2, tr.292
[4] Hồ Chí Minh; Toàn tập, Nhà xuất bản CTQG - Sự Thật, H, 2011, t.2, tr.304
[5] Hồ Chí Minh; Toàn tập, Nhà xuất bản CTQG – Sự Thật, H, 2011, t.2, tr.304
[6]Hồ Chí Minh; Toàn tập, Nhà xuất bản CTQG – Sự Thật, H, 2011, t.2, tr.289
[7] Hồ Chí Minh; Toàn tập, Nhà xuất bản CTQG – Sự Thật, H, 2011, t.2, tr.312
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nhà xuất bản CTQG, H, 2011, t.3, tr.1
[9] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nhà xuất bản CTQG, H, 1996, tr.68
[10] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nhà xuất bản CTQG, H, 2001, tr.83
[11] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nhà xuất bản CTQG, H, 2011, tr.65
[12] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nhà xuất bản CTQG, H, 2016, tr.66

Video liên quan

Chủ Đề