Đặc điểm của giao dịch dân sự có yếu to nước ngoài

Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự theo Điều 116 Bộ luật dân sự năm 2015.

Đặc điểm của giao dịch dân sự

– Là sự kiện pháp lý thuộc hành vi pháp lý, luôn thể hiện ý chí tự nguyện của chủ thể tham gia [ít nhất thể hiện ý chí trước của 1 bên hoặc cả hai bên].

– Là loại sự kiện pháp lý phổ biến nhất và quan trọng nhất làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quan hệ pháp luật dân sự.

Giao dịch dân sự dù là hợp đồng hay hành vi pháp lý đơn phương đều có các đặc điểm sau đây:

Thứ nhất: Giao dịch dân sự luôn thể hiện ý chí của chủ thể trong giao dịch. Giao dịch dân sự là hợp đồng hay hành vi pháp lý đơn phương thì đều là hành vi có ý thức của chủ thể tham gia nhằm đạt được những mục đích nhất định. Trường hợp giao dịch dân sự là hợp đồng thì đó là sự thể hiện và thống nhất ý chí của từ các bên chủ thể. Giao dịch dân sự là hành vi pháp lý đơn phương thì đó là sự thể hiện ý chí của một bên chủ thể. Nội dung của giao dịch phải nhằm truyền tải những suy nghĩ bên trong của mỗi chủ thể. Ý chí là những suy nghĩ bên trong của mỗi chủ thể nên để xác lập giao dịch thì ý chỉ cần phải được thể hiện ra bên ngoài dưới hình thức nhất định. Do đó, giao dịch dân sự là sự thống nhất giữa ý chí bên trong và sự bày tỏ ý chí ra bên ngoài của chủ thể. Thiếu sự thống nhất giữa ý chí và bày tỏ ý chí, giao dịch dân sự có thể bị vô hiệu. Có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến ý chí và sự bày tỏ ý chí của chủ thể không thống nhất như trường hợp chủ thể bị nhầm lẫn, bị lừa dối hay cưỡng ép trong việc xác lập giao dịch. Ví dụ: A muốn mua một chiếc bình cổ nhưng do bị người bán lừa dối nên chiếc bình A mua là bình giả cổ.

Thứ hai: Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự đều hướng đến phát sinh, thay đổi, chấm dứt các quyền, nghĩa vụ dân sự cho các chủ thể. Giao dịch dân sự là hành vi của một hay nhiều chủ thể nhằm hướng tới việc làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Như vậy, hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự gồm:

+ Một là, làm phát sinh quyền và nghĩa vụ dân sự: đây là trường hợp giao dịch dân sự làm xác lập quyên và nghĩa vụ cho các bên chủ thể trong giao dịch.

Ví dụ: A thỏa thuận bán cho B căn hộ chung cư. Giao dịch dân sự giữa A và B có hậu quả pháp lý làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa A và B. Trong đó, A có quyền nhận tiền bán căn hộ, có nghĩa vụ chuyển giao căn hộ và chuyển quyền sở hữu cho B. Còn B có quyền được nhận chuyển giao và sở hữu căn hộ, có nghĩa vụ trả tiền mua bán cho A.

+ Hai là, làm thay đổi quyền và nghĩa vụ dân sự: đây là trường hợp giữa các bên chủ trong giao dịch dân sự đã tồn tại quyền và nghĩa vụ với nhau nhưng các bên thỏa thuận để sửa đổi, bổ sung qua đó làm thay đổi quyền và nghĩa vụ của mình cũng như của bên kia; Ba là, làm chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự: đây là trường hợp giữa các bên chủ trong giao dịch dân sự đã tồn tại quyền và nghĩa vụ với nhau. Sau đó, các bên chủ thể xác lập giao dịch để làm chấm dứt các quyền và nghĩa vụ đang tồn tại giữa các bên.

Một giao dịch dân sự được xác lập có thể làm phát sinh một hoặc nhiều hậu quả pháp lý. Điều này phụ thuộc vào thỏa thuận giữa các bên chủ thể trong giao dịch. Như vậy, giao dịch dân sự có hai đặc điểm chính:

[i] giao dịch dân sự phải là sự thể hiện ý chí của chủ thể tham gia

[ii] sự thể hiện ý chí phải nhằm đạt được một hậu quả pháp lý nhất định.

Quy định giao dịch dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự

Trong xã hội, khi lực lượng lao động càng phát triển và sự phân công lao động mang tính chuyên nghiệp, chuyên môn hóa, lao động có kỹ thuật, khoa học và công nghệ ngày một và được coi trọng trong sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ thì của cải xã hội ngày càng được tạo ra nhiều hơn, phong phú và hàm lượng trí tuệ trong sản phẩm ngày càng được coi trọng hơn.

Khi nền sản xuất phát triển, đa dạng hóa hình thức sở hữu và thành phần kinh tế, thì quan hệ tài sản trong xã hội cũng phát triển theo về quy mô và giá trị tài sản. Giao dịch dân sự là phương tiện pháp lý để các chủ thể trong xã hội thiết lập các quan hệ về tài sản và nhân thân.

Điều 116 BLDS năm 2015 quy định về giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Căn cứ vào quy định này và theo logic thì mọi hợp đồng đều là giao dịch dân sự, nhưng không phải mọi giao dịch là hợp đồng.

Bởi vì nếu giao dịch của hai bên là hợp đồng, còn hành vi pháp lý đơn phương thể hiện ý chí của một chủ thể, do vậy hành vi pháp lý đơn phương không là hợp đồng như cá nhân thể hiện ý chí trong việc lập di chúc để lại tài sản cho người thừa kế được chỉ định theo ý chí của mình.

Nhưng không phải mọi hành vi pháp lý đơn phương là giao dịch dân sự. Hành vị pháp lý đơn phương là giao dịch dân sự là hành vi được tiến hành nhằm làm phát sinh một quyền hay nghĩa vụ dân sự của chủ thể được xác định. Còn hành vi pháp lý đơn phương được tiến hành không nhằm làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự ở chủ thể được xác định thì hành vi đơn phương này không phải là giao dịch dân sự [ví dụ chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu đối với tài sản].

Cần phải phân biệt hành vi từ bỏ quyền sở hữu đối với tài sản của chủ sở hữu với các hành vi pháp lý đơn phương khác là giao dịch. Hành vi của chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu của mình đối với tài sản là một hành vi pháp lý đơn phương, chủ sở hữu thực hiện quyền định đoạt đối với tài sản thuộc quyền mình.

Nhưng quan hệ về quyền sở hữu tài sản là một loại quan hệ pháp luật dân sự tuyệt đối, quan hệ vật quyền. Chủ sở hữu có quyền định đoạt tài sản theo ý chí của mình, nhưng sự định đoạt trong trường hợp từ bỏ quyền sở hữu, là căn cứ chấm dứt quyền dân sự, nhưng hậu quả pháp lý của hành vi đơn phương này không nhằm làm phát sinh quyền hay nghĩa vụ ở chủ thể được xác định, do vậy hành vi của chủ sở hữu tài sản từ bỏ quyền sở hữu của mình đối với tài sản chỉ là hành vi pháp lý đơn phương, không thỏa mãn điều kiện là giao dịch dân sự.

Điều kiện tiên quyết là chủ thể phía bên kia của giao dịch lại không xác định được. Là Điều 116 BLDS năm 2015 như một quy phạm định nghĩa về giao dịch dân sự. Quy định này nhằm xác định căn cứ xác lập giao dịch, bản chất và căn cứ làm thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự của các chủ thể trong quan hệ.

Điều 683 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về hợp đồng có yếu tố nước ngoài như sau:

Điều 683. Hợp đồng 1. Các bên trong quan hệ hợp đồng được thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng đối với hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều này. Trường hợp các bên không có thỏa thuận về pháp luật áp dụng thì pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng đó được áp dụng. 2. Pháp luật của nước sau đây được coi là pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng: a] Pháp luật của nước nơi người bán cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi thành lập nếu là pháp nhân đối với hợp đồng mua bán hàng hóa; b] Pháp luật của nước nơi người cung cấp dịch vụ cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi thành lập nếu là pháp nhân đối với hợp đồng dịch vụ; c] Pháp luật của nước nơi người nhận quyền cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi thành lập nếu là pháp nhân đối với hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng hoặc chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ; d] Pháp luật của nước nơi người lao động thường xuyên thực hiện công việc đối với hợp đồng lao động. Nếu người lao động thường xuyên thực hiện công việc tại nhiều nước khác nhau hoặc không xác định được nơi người lao động thường xuyên thực hiện công việc thì pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng lao động là pháp luật của nước nơi người sử dụng lao động cư trú đối với cá nhân hoặc thành lập đối với pháp nhân; đ] Pháp luật của nước nơi người tiêu dùng cư trú đối với hợp đồng tiêu dùng. 3. Trường hợp chứng minh được pháp luật của nước khác với pháp luật được nêu tại khoản 2 Điều này có mối liên hệ gắn bó hơn với hợp đồng thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước đó. 4. Trường hợp hợp đồng có đối tượng là bất động sản thì pháp luật áp dụng đối với việc chuyển giao quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là bất động sản, thuê bất động sản hoặc việc sử dụng bất động sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là pháp luật của nước nơi có bất động sản. 5. Trường hợp pháp luật do các bên lựa chọn trong hợp đồng lao động, hợp đồng tiêu dùng có ảnh hưởng đến quyền lợi tối thiểu của người lao động, người tiêu dùng theo quy định của pháp luật Việt Nam thì pháp luật Việt Nam được áp dụng. 6. Các bên có thể thỏa thuận thay đổi pháp luật áp dụng đối với hợp đồng nhưng việc thay đổi đó không được ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba được hưởng trước khi thay đổi pháp luật áp dụng, trừ trường hợp người thứ ba đồng ý.

7. Hình thức của hợp đồng được xác định theo pháp luật áp dụng đối với hợp đồng đó. Trường hợp hình thức của hợp đồng không phù hợp với hình thức hợp đồng theo pháp luật áp dụng đối với hợp đồng đó, nhưng phù hợp với hình thức hợp đồng theo pháp luật của nước nơi giao kết hợp đồng hoặc pháp luật Việt Nam thì hình thức hợp đồng đó được công nhận tại Việt Nam”

Quy định này điều chỉnh các vấn đề liên quan đến hợp đồng bao gồm cả nội dung và hình thức.  Cụ thể, điều chỉnh các vấn đề sau:

1.Thỏa thuận chọn luật áp dụng

Hợp đồng được xây dựng dựa trên thỏa thuận của các bên, vì vậy nguyên tắc tự do của các bên trong hợp đồng được ưu tiên áp dụng và được pháp luật tôn trọng. Vì vậy, pháp luật quy định các bên trong quan hệ đồng được thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng đối với hợp đồng, theo đó toàn bộ nội dung mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng đều phải tuân thủ theo quy định pháp luật mà các bên đã lựa chọn. Đối với quyền, nghĩa vụ của các bên là tất cả những gì các bên cam kết với nhau và nó mang tính ràng buộc với các bên, là luật đối với các bên. Vì vậy, pháp luật mà các bên đã lựa chọn sẽ điều chỉnh cả quyền, nghĩa vụ các bên trong hợp đồng. Quy định này cũng phù hợp với các điều ước quốc tế, thể hiện tính linh hoạt, nắm bắt cái mới trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Ví dụ: Điều 58, Bộ luật tư pháp quốc tế của CH Dominica ngày 18 tháng 12 năm 2014 quy định: “Hợp đồng được điều chỉnh bởi pháp luật do các bên lựa chọn. Thỏa thuận chọn pháp luật nằm trong hợp đồng, hoặc trong một văn bản riêng quy dẫn đến hợp đồng, hoặc có thể được suy ra từ hành vi rõ ràng của các bên”
Quy định về thỏa thuận chọn luật không được áp dụng với các trường hợp hợp đồng có đối tượng là bất động sản; hợp đồng lao động, hợp đồng tiêu dùng có ảnh hưởng đến quyền lợi tối thiểu của người lao động, người tiêu dùng; thay đổi pháp luật áp dụng đối với hợp đồng ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba. Đây là các trường hợp đặc trưng, việc chọn luật áp dụng phải thực hiện theo quy định của pháp luật. 

1.1. Pháp luật áp dụng đối với hợp đồng là bất động sản

Bất động sản là đất đai và những tài sản gắn liền với đất đai, không thể di dời, là một tài sản đặc biệt, gắn liền với lãnh thổ quốc gia. Do đó, trong quan hệ hợp đồng có đối tượng là bất động sản sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật của nước nơi có động sản. Cụ thể, đối với các hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là bất động sản, hợp đồng cho thuê bất động sản, hợp đồng sử dụng bất động sản để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ là pháp luật của nước nơi có bất động sản, nghĩa là bất động sản tồn tại ở đâu thì pháp luật nước đó được áp dụng để điều chỉnh các quan hệ trên. Quy định như vậy vừa thẻ hiện sự tôn trọng đối với lãnh thổ các nước, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó cũng giúp cho việc thực thi các phán quyết của cơ quan có thẩm quyền cũng được thuận lợi, nhanh chóng.

1.2. Pháp luật áp dụng đối với hợp đồng lao động, hợp đồng tiêu dùng có ảnh hưởng tiêu cực tới lợi ích của người lao động, người tiêu dùng

Trong quan hệ hợp đồng lao động và hợp đồng tiêu dùng pháp luật cho phép các bên có quyền thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng. Tuy nhiên sự lựa chọn đó phải tuân thủ theo những quy định nhất định. Theo đó, để bảo vệ quyền lợi cho người lao động và người người tiêu dùng là những người yếu thế hơn trong quan hệ, pháp luật quy định nếu việc lựa chọn pháp luật áp dụng mà làm ảnh hưởng tiêu cực đến người lao động, người tiêu dùng thì pháp luật đó không được áp dụng. Lúc này, pháp luật áp dụng là pháp luật Việt Nam. Trên thực tế, bên sử dụng lao động hoặc bên cung ứng hàng hóa, dịch vụ có thể lợi dụng vị thế của mình ép buộc người lao động và người tiêu dùng, lựa chọn pháp luật áp dụng có lợi hơn cho mình. Do đó, quy định trên nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người tiêu dùng. 

1.3. Pháp luật áp dụng đối với trường hợp các bên thỏa thuận thay đổi pháp luật áp dụng đối với hợp đồng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bên thứ ba

Các bên trong hợp đồng không chỉ có quyền lựa chọn luật áp dụng mà còn có thể thỏa thuận thay đổi pháp luật áp dụng. Về cơ bản việc thay đổi luật áp dụng cũng chính là sự thống nhất ý chí của các bên trong việc lựa chọn luật áp dụng, vì vậy pháp luật công nhận và tôn trọng ý kiến đó của họ. Hợp đồng được xác lập nhằm mục đích đạt được lợi ích nhất định, tuy nhiên các bên không thể vì lợi ích của mình mà làm ảnh hưởng tới quyền, lợi ích của người khác. Do đó, nếu việc thay đổi pháp luật áp dụng mà làm ảnh hưởng đến lợi ích của bên thứ ba, thì việc thay đổi đó không được công nhận. Các bên có thể thay đổi áp dụng hệ thống pháp luật khác mà không làm ảnh hưởng tới lợi ích người thứ ba. Mục đích của quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi của bên thứ ba thụ động trong thỏa thuận thay đổi pháp luật của các bên, vậy nên nếu người thứ ba biết và đồng ý với sự thay đổi đó thì pháp luật mới áp dụng là hợp hợp pháp.

2.Các trường hợp xác định pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng

Trong trường hợp các bên có quyền thỏa thuận chọn luật áp dụng mà không lựa chọn được hoặc không lựa chọn thì, hệ thống pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng được áp dụng để điều chỉnh quan hệ. Quy định này là một sự tiệm cận hơn với pháp luật quốc tế, cụ thể trong các điều ước quốc tế hệ thuộc luật nơi có mối liên hệ gắn bó nhất cũng được áp dụng phổ biến[1]. Để các bên hiểu rõ hơn thế nào là pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng, khoản 2 Điều 683 BLDS năm 2015 quy định cụ thể các trường hợp pháp luật được xem là có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng như sau:
-Trường hợp 1: Đối với hợp đồng mua bán hàng hóa, pháp luật có mối liên hệ gắn bó là pháp luật của nước nơi người bán cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi thành lập nếu là pháp nhân. Có thể thấy hệ thuộc luật cư trú được sử dụng để xác định pháp luật áp dụng trong trường hợp này. Tại sao không phải bên mua mà lại là bên bán? Điều này có thể hiểu, do bên bán là nơi  khởi đầu trong hợp đồng mua bán hàng hóa. Trong quan hệ mua bán hàng hàng hóa, thông thường bên bán sẽ cùng lúc ký kết hợp đồng với nhiều đối tác khác nhau. Nếu pháp luật bên mua điều chỉnh quan hệ thì sẽ rất khó khăn cho bên bán, khi cùng lúc chịu sự điều chỉnh của nhiều hệ thống pháp luật cùng một lúc. Trong khi đó bên mua là bên có quyền lựa chọn mua hàng hóa của bất kỳ bên bán nào, nếu xét thấy hệ thống pháp luật của nước bên bán có lợi cho mình. 
-Trường hợp 2: Đối với hợp đồng dịch vụ, pháp luật có mối liên hệ gắn bó là pháp luật của nước nơi người cung cấp dịch vụ cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi thành lập nếu là pháp nhân. Quy định này cũng tương tự như hợp đồng mua bán hàng hóa. 
-Trường hợp 3: Đôi với hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng hoặc chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ, pháp luật áp dụng là pháp luật của nước nơi người nhận quyền cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi thành lập nếu là pháp nhân. Mặc dù trong lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ không có xung đột pháp luật nhưng trong hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng hoặc chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ thì có thể xảy ra xung đột pháp luật, do đây là các quan hệ hợp đồng có yếu tố nước ngoài. Lựa chọn áp dụng pháp luật áp dụng là pháp luật của nước nơi cá nhân cư trú, pháp nhân được thành lập. Lựa chọn này là phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam, vì hiện nay và trong cả tương lai có lẽ Việt Nam vẫn là nước nhận quyền chuyển giao các đối tượng sở hữu trí tuệ nhiều hơn là nước chuyển giao, vì vậy đây là cơ sở để mở rộng phạm vi pháp luật Việt Nam một cách chính đáng[2].
-Trường hợp 4: Đối với hợp đồng lao động, pháp luật áp dụng là pháp luật của nước nơi người lao động thường xuyên thực hiện công việc. Nếu người lao động thường xuyên thực hiện công việc tại nhiều nước khác nhau hoặc không xác định được nơi người lao động thường xuyên thực hiện công việc thì pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng lao động là pháp luật của nước nơi người sử dụng lao động cư trú đối với cá nhân hoặc thành lập đối với pháp nhân. Quy định này là cơ sở pháp lý cho việc chọn luật áp dụng khi có tranh chấp về hợp đồng lao động xảy ra. Điều này cũng thể hiện rõ ràng các quan hệ lao động đặc biệt về hợp đồng lao động ngày càng phổ biến, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước tới các quan hệ lao động có yếu tố nước ngoài.
-Trường hợp 5: Đối với hợp đồng tiêu dùng, pháp luật có mối liên hệ gắn bó là pháp luật của nước nơi người tiêu dùng cư trú đối với hợp đồng tiêu dùng. Đây là quy định lần đầu được ghi nhận trong BLDS năm 2015. Hệ thuộc luật nơi cư trú được lựa chọn để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. Các cơ quan giải quyết tranh chấp cũng thuận lợi hơn trong việc thực hiện các hành vi tố tụng cần thiết. Bên cạnh đó trách nhiệm và ý thức tôn trọng người tiêu dùng của bên cung cấp hàng hóa cũng được nâng cao.

3.Áp dụng pháp luật của nước khác với pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó với hợp đồng tại khoản 2

Khoản 2 Điều 683 BLDS năm 2015 được quy định nhằm dữ liệu cho trường hợp các bên không thỏa thuận được việc chọn luật áp dụng. Vì vậy, các trường hợp để xác định pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó với hợp đồng được quy định tại khoản 2 chỉ mang tính tương đối. Trên thực tế, có thể xảy ra những trường hợp, những tình huống mà pháp luật đôi khi không dự đoán được, vậy nên khoản 3 cho phép nếu chứng minh được pháp luật của nước khác có mối liên hệ gắn bó hơn với hợp đồng so với pháp luật của nước được quy định tại khoản 2, thì sẽ áp dụng pháp luật của nước đó. Quy định này mang tính mở, tạo điều kiện linh hoạt hơn cho các bên và trong việc giải quyết các tình huống trên thực tế. 

4.Hình thức của hợp đồng

Đối với hình thức hợp đồng, được điều chỉnh bởi pháp luật áp dụng với hợp đồng đó. Ví dụ: Nếu các bên thỏa thuận chọn pháp luật áp dụng thì hệ thống pháp luật đó điều chỉnh cả về nội dung lẫn hình thức của hợp đồng. Nội dung, hình thức hợp đồng gắn liền với nhau, nếu cùng lúc có hai hệ thống pháp luật khác nhau cùng điều chỉnh nội dung, hình thức hợp đồng thì sẽ rất khó khăn trong việc thực thi pháp luật của các bên; cơ quan có thẩm quyền cũng khó khăn hơn trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến hợp đồng. Các quốc gia có thể quy định khác nhau về hình thức hợp đồng, đối với Việt Nam trường hợp hình thức của hợp đồng không phù hợp với hình thức hợp đồng theo pháp luật áp dụng đối với hợp đồng đó, nhưng phù hợp với hình thức hợp đồng theo pháp luật của nước nơi giao kết hợp đồng hoặc pháp luật Việt Nam thì hình thức hợp đồng đó được công nhận tại Việt Nam.

 Xem thêm: Tổng hợp các bài viết hỏi đáp Luật Dân sự

Luật Hoàng Anh

[1] [2]PGS.TS.Nguyễn Văn Cừ - PGS.TS.Trần Thị Huệ,[2017], “Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, NXB.Công an nhân dân.

Video liên quan

Chủ Đề