Đặc điểm hợp đồng cung ứng dịch vụ

Hợp đồng dịch vụ (HĐDV) là căn cứ hình thành nên các quan hệ cung ứng, sử dụng dịch vụ giữa các chủ thể trong xã hội. Với vai trò quan trọng của dịch vụ (DV) và HĐDV, Bộ luật Dân sự năm 1995 đã có quy định riêng dành cho hợp đồng này bên cạnh các quy định chung về hợp đồng dân sự. Các quy định của Bộ luật Dân sự năm 1995 được kế thừa tại Bộ luật Dân sự năm 2005 và Bộ luật Dân sự năm 2015 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017). 

Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, Việt Nam chính thức chuyển mình từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự tồn tại mặc dù còn khá giản đơn của nền kinh tế thị trường cũng đủ khiến cho dịch vụ có điều kiện “vươn mình” phát triển, trở thành một trong các hoạt động kinh tế đóng vai trò ngày càng quan trọng. Đến năm 2005, dịch vụ đã chiếm 38,13% cơ cấu nền kinh tế và năm 2014, tỉ lệ này là 41%. Sự ra đời của dịch vụ tất yếu dẫn đến các quan hệ cung cấp, sử dụng dịch vụ ra đời giữa nhà cung ứng dịch vụ với người thuê dịch vụ. Công cụ pháp lý cơ bản nhất để xác lập các quan hệ này là HĐDV. Đây cũng là lý do để Bộ luật Dân sự năm 1995 và sau đó là Bộ luật Dân sự năm 2005, Bộ luật Dân sự năm 2015 ghi nhận HĐDV là một trong các hợp đồng dân sự thông dụng cần pháp luật điều chỉnh. 

Do vậy, em xin lựa chọn giải quyết vấn đề: “Hãy phân tích các đặc điểm pháp lý của HĐDV. Sưu tầm một HĐDV có tranh chấp và đưa ra hướng giải quyết trên cơ sở quy định của BLDS 2015”.

Danh mục tài liệu tham khảo

  • Báo cáo của Tổng cục Thống kê về cơ cấu kinh tế theo ngành năm 2014
  • Bộ luật lao động 2019
  • Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam tập II, Nxb. CAND, Hà Nội, 2017,

Đặc điểm pháp lý của hợp đồng dịch vụ

Khái niệm về HĐDV

Theo Các-mác, “khi kinh tế càng phát triển, như cầu lưu thông, vận chuyển, cất trữ hàng hóa càng tăng cao thì dịch vụ càng có vai trò quan trọng”, vậy dịch vụ là gì? Chúng ta có thể hiểu “dịch vụ là hoạt động thực hiện công việc nhất định, đáp ứng nhu cầu của con người, được thực hiện có tính chuyên môn hóa, có tổ chức, là một loại hàng hóa luôn gắn liền với thị trường, chịu sự chi phối của thị trường.” 

Trong BLDS Việt Nam hiện nay, tại điều 513 quy định: “HĐDV là sự thỏa thuận giữa các bên sử dụng dịch vụ, bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.” Cũng tương tự các loại hợp đồng khác, HĐDV cũng là kết quả của sự thỏa thuận và là cách bộc lộ những thỏa thuận giữa các bên giao kết. Đóng vai trò là một trong số các loại hợp đồng dân sự, HĐDV cũng yêu cầu tuân thủ các quy định của pháp luật về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng thông thường.Tuy nhiên, so với các loại hợp đồng khác, hợp đồng dịch vụ có những đặc trưng riêng. Thứ nhất, HĐDVlà hợp đồng có đền bù, bên cung ứng dịch vụ và bên được cung ứng dịch vụ khi đó sẽ có những quyền lợi nhất định được bên kia thực hiện. Trong HĐDV, lợi ích thông thường mà bên sử dụng DV mang lại cho bên cung ứng DV là khoản thủ lao bằng tiền hoặc tài sản khác. Vấn đề bên cung ứng DV có nhận số tiền thù lao hay miễn khoản thù lao cho bên được sử dụng DV hoàn toàn khác với vấn đề bên được sử dụng dịch vụ không có nghĩa vụ đối với bên còn lại. Thứ hai, HĐDV là loại hợp đồng song vụ, hai bên tham gia giao kết hợp đồng đều có nghĩa vụ với nhau. Thứ ba, đây luôn là hợp đồng ưng thuận. Quyền và nghĩa vụ của các bên giao kết hợp đồngphát sinh ngay sau khi các bên thỏa thuận xong về những nội dung chủ yếu trong hợp đồng. Các quy phạm của hợp đồng dịch vụ điều chỉnh các loại dịch vụ cụ thể như: dịch vụ sửa chữa tài sản, dịch vụ pháp lí, dịch vụ cung cấp thông tin thương mại, dịch vụ quảng cáo,… Những đặc trưng này thể hiện thông qua đối tượng của HĐDV; giá DV và trả tiền DV; Quyền và nghĩa vụ của các bên và thời hạn thực hiện hợp đồng.

Đặc điểm hợp đồng cung ứng dịch vụ
Hãy phân tích các đặc điểm pháp lý của Hợp đồng dịch vụ

Đối tượng của hợp đồng dịch vụ

Đối tượng của HĐDV là một công việc đáp ứng ba yêu cầu: công việc được xác định cụ thể; có tính khả thi và không vi phạm điều cấm của luật, không trái với đạo đức xã hội. Đối tượng của hợp đồng dịch vụ có đặc điểm nổi bật đó là một sản phẩm vô hình, không tồn tại dưới dạng vật chất, khó xác định chất lượng dịch vụ bằng những chỉ tiêu kỹ thuật được lượng hoá.Công việc đó có thể là dịch vụ đơn giản, có thể là dịch vụ phức tạp.

  • Trong hợp đồng dịch vụ giản đơn thì chỉ là mối quan hệ trực tiếp giữa bên thuê dịch vụ và bên cung ứng dịch vụ.
  • Trong hợp đồng dịch vụ phức tạp sẽ có hai quan hệ: quan hệ giữa bên thuê dịch vụ và bên cung ứng dịch vụ(gọi là quan hệ bên trong) và quan hệ giữa người làm dịch vụ và người thứ ba (gọi là quan hệ bên ngoài). Trong quan hệ bên trong, các bên phải thỏa thuận cụ thể về nội dung làm dịch vụ theo đó bên cung ứng dịch vụ phải thực hiện những hành vi nhất định vì lợi ích của bên thuê dịch vụ. Trong quan hệ bên ngoài, bên cung ứng dịch vụ phải nhân danh mình để tham gia các giao dịch dân sự, mà không được nhân danh bên thuê dịch vụ để giao dịch với người thứ ba. Bên cung ứng dịch vụ hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành vi của mình trước người thứ ba, nếu pháp luật không quy định khác hoặc các bên không có thỏa thuận khác.

Có khá nhiều ý kiến khác nhau về đối tượng của HĐDV, đó là đối tượng hướng đến kết quả vật chất hóa hay phi vật chất hóa, có tạo ra một sản phâm mới hay không; phân biệt giữa đối tượng là dịch vụ với công việc nhưng không đáp ứng các đặc điểm của dịch vụ(không có tính chuyên môn hóa,…) hay còn gọi là công việc phi dịch vụ. Ngoài ra, công việc được thực hiện gắn liền với yếu tố nhân thân của người thực hiện nghĩa vụ, do đó không thể chuyển nhượng công việc đó cho người khác, trừ trường hợp người sử dụng dịch vụ đồng ý.

Quyền vànghĩa vụ của các bên trong hợp đồng dịch vụ

Bên cung ứng dịch vụ

Bên cung ứng dịch vụ có thể là cá nhân, tổ chức dùng công sức của mình để hoàn thành, thực hiện một công việc do bên sử dụng dịch vụ yêu cầu. Chủ thể thực hiện dịch vụ đó có thể được phân biệt thành chủ thể công và chủ thể tư, tuy nhiên trong pháp luật dân sự Việt Nam hiện nay chưa có sự phân biệt rõ ràng. Trong thời gian thực hiện hợp đồng phải tự mình tổ chức, thực hiện công việc. Khi hết hạn của hợp đồng phải giao lại kết quả của công việc mà mình đã thực hiện cho bên sử dụng dịch vụ. 

Bên cung ứng có quyền yêu cầu bên sử dụng dịch vụ phải cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện. Được thay đổi điều kiện dịch vụ vì lợi ích của bên sử dụng dịch vụ mà không cần phải chờ ý kiến của bên sử dụng dịch vụ, nếu như việc chờ ý kiến sẽ gây thiệt hại cho bên sử dụng dịch vụ, nhưng phải báo ngay cho bên sử dụng dịch vụ. Bên cung ứng cũng có quyền bên ki trả tiền như đã thỏa thuận hoặc trường hợp khác theo quy định của pháp luật. Sau khi hoàn thành công việc đúng kì hạn mà bên sử dụng dịch vụ không nhận kết quả của công việc, nếu xảy ra rủi ro thì bên cung ứng dịch vụ không chịu trách nhiệm về những thiệt hại đối với bên sử dụng dịch vụ.

Trong thời hạn thực hiện dịch vụ, bên cung ứng dịch vụ có quyền thay đổi những điều kiện dijhc vụ nếu việc thay đổi đó không làm phương hại đến lợi ích của bên sử dụng dịch vụ. Trường hợp này cần phải thỏa thuận với bên sử dụng dịch vụ. Nhưng khi cung ứng dich vụ , nếu không thay đổi điều kiện của dịch vụ mà sẽ gây thiệt hại cho bên sử dụng thì việc thay đổi điều kiện đó phải hoàn toàn vì lợi ích của người sử dụng dịch vụ; và phải báo cho bên sử dụng biết.

Khi thực hiện dich vụ mà bên cung ứng dịch vụ biết được việc tiếp tục làm dịch vụ sẽ có hại cho bên sử dụng dịch vụ thì bên cung ứng dịch vụ có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện, mặc dù bên sử dụng không đồng ý. Bên sử dụng dịch vụ có thể không biết hoặc không lường thấy hết hậu quả nếu vẫn tiếp tục thực hiện dịch vụ. Bên cung ứng cần giải thích cho bên sử dụng dịch vụ biết sự cần thiết phải chấm dứt hợp đồng, ngoài ra bên sử dụng dịch vụ cần thanh toán chi phí, tiền công cho phần công việc đã thực hiện, bồi thường nếu có thiệt hại.

Khi hợp đồng dịch vụ thực hiện một công việc nhưng hai bên không có thỏa thuận về kết quả của công việc, nếu đã hết hạn hợp đồng mà công việc chưa được làm xong thì về nguyên tắc, hợp đồng chấm dứt và cần phải thanh toán hợp đồng. Nếu bên cung ứng tiếp tục hoàn thành công việc mà bên sử dụng không phản đối thì sau khi công việc hoàn thành, bến sử dụng thanh toán thêm phần tiền công, thù lao phần kéo dài thời hạn của hợp đồng (Điều 521 BLDS 2015)

Ngoài ra có một số quyền- nghĩa vụ mà luật chưa làm rõ: nghĩa vụ- quyền bảo mật thông tin riêng tư của bên kia sau khi thực hiện hợp đồng và quyền yêu cầu bảo đảm chất lượng của dịch vụ ?

Bên sử dụng dịch vụ

Tương ứng với các quyền và nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ thực hiện và được hưởng, bên sử dụng hay bên thuê dịch vụ có các quyền và nghĩa vụ sau:

  • Bên thuê dịch vụ có quyền yêu cầu bên làm dịch vụ thực hiện công việc theo đúng chất lượng, số lượng, thời hạn, địa điểm và các nội dung khác mà hai bên đã thỏa thuận.
  • Có quyền nhận kết quả công việc mà bên làm dịch vụ đã thực hiện.
  •  Có quyền đơn phương chẩm dứt thực hiện hợp đồng, yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu bên làm dịch vụ vi phạm nghĩa vụ. Khi đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, bên thuê dịch vụ phải báo trước cho bên làm dịch vụ trong một khoảng thời gian họp lý và phải trả tiền công theo số lượng, chất lượng mà bên làm dịch vụ đã thực hiện và bồi thường thiệt hại (nếu có).
  • Trong trường hợp chất lượng, sổ lượng dịch vụ không đạt được như thoả thuận hoặc công việc không được hoàn thành đúng thời hạn do lỗi của bên làm dịch vụ, thì bên thuê dịch vụ có quyền giảm tiền công và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
  • Bên thuê dịch vụ có nghĩa vụ cung cấp cho bên làm dịch vụ thông tin, tài liệu và các phương tiện cần thiết để thực hiện công việc nếu các bên có thỏa thuận hoặc việc thực hiện dịch vụ có yêu cầu.
  •  Bên thuê làm dịch vụ phải trả tiền công (thường gọi là tiền thù lao) cho bên làm dịch vụ theo thỏa thuận khi xác lập họp đồng. Tiền công được trả tại địa điểm thực hiện dịch vụ khi hoàn thành dịch vụ, nếu các bên không có thoả thuận khác.

Bên thứ ba có quyền lợi liên quan

Trên thực tế, HĐDV có thể được giao kết giữa hai bên nhằm mang lại lợi ích cho một bên thứ ba nào đó. Trong trường hợp đó, quyền lợi và nghĩa vụ pháp lí của họ cũng là một vấn đề quan trọng. Tuy nhiên, BLDS 2015 chưa có quy định riêng về quyền lợi của bên thứ ba riêng cho HĐDV nên ta áp dụng các quy định chung về từ Điều 415 đến Điều 417. 

Giá dịch vụ và trả tiền dịch vụ

Cung ứng dịch vụ bản chất vẫn là hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa nên giá cả và việc thanh toán liên quan là không thể không nói đến. BLDS 2015 quy định tại Điều 519: “Khi giao kết hợp đồng, nếu không có thỏa thuận về giá dịch vụ, phương pháp xác định giá dịch vụ và không có bất kỳ chỉ dẫn nào khác về giá dịch vụ thì giá dịch vụ được xác định căn cứ vào giá thị trường của dịch vụ cùng loại tại thời điểm và địa điểm giao kết hợp đồng.”. Một số trường hợp khác thì Nhà nước yêu cầu công khai, niêm yết giá của dịch vụ trên thị trường như: giá cả dịch vụ sửa chữa của hãng ô tô TOYOTA, giá dịch vụ đi kèm tại các khách sạn,..Tuy nhiên, ngoài trường hợp mà pháp luật liêt kê, BLDS 2015 gặp phải vướng mắc: nếu các bên không có thỏa thuận, và không xác định được giá cả dịch vụ cùng loại thì giải quyết thế nào?

Giá của dịch vụ có thể có nhiều tên gọi khác nhau như phí dịch vụ, học phí, lệ phí, cước phí,…

Sau khi xác định được giá của dịch vụ, việc trả tiền dịch vụ là dễ dàng. Theo quy định tại Điều 519 BLDS 2015: 

  • Bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ theo thỏa thuận.
  • Khi giao kết hợp đồng, nếu không có thỏa thuận về giá dịch vụ, phương pháp xác định giá dịch vụ và không có bất kỳ chỉ dẫn nào khác về giá dịch vụ thì giá dịch vụ được xác định căn cứ vào giá thị trường của dịch vụ cùng loại tại thời điểm và địa điểm giao kết hợp đồng.
  • Bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ tại địa điểm thực hiện công việc khi hoàn thành dịch vụ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
  • Trường hợp dịch vụ được cung ứng không đạt được như thỏa thuận hoặc công việc không được hoàn thành đúng thời hạn thì bên sử dụng dịch vụ có quyền giảm tiền dịch vụ và yêu cầu bồi thường thiệt hại.”
Đặc điểm hợp đồng cung ứng dịch vụ
Hãy phân tích các đặc điểm pháp lý của Hợp đồng dịch vụ

Tiếp tục thực hiện hợp đồng dịch vụ

Theo quy định tại Điều 521 BLDS 2015 về tiếp tục thực hiện công việc khi thời hạn thực hiện đã kết thúc: “Sau khi kết thúc thời hạn thực hiện công việc theo hợp đồng dịch vụ mà công việc chưa hoàn thành và bên cung ứng dịch vụ vẫn tiếp tục thực hiện công việc, bên sử dụng dịch vụ biết nhưng không phản đối thì hợp đồng dịch vụ đương nhiên được tiếp tục thực hiện theo nội dung đã thỏa thuận cho đến khi công việc được hoàn thành. 

Điều kiện để tiếp tục thực hiện công việc đó là: “Sau khi kết thúc thời hạn thực hiện công việc theo hợp đồng dịch vụ mà công việc chưa hoàn thành và bên cung ứng dịch vụ vẫn tiếp tục thực hiện công việc, bên sử dụng dịch vụ biết nhưng không phản đối”.

Hậu quả pháp lí khi bên cung ứng tiếp tục thực hiện công việc như trên bao gồm: nội dung của phần tiếp tục là tất cả nội dung công việc đã thỏa thuận từ đầu; thời điểm kết thúc phần tiếp tục này là thời điểm công việc đã hoàn thành hoặc thỏa thuận dừng công việc của hai bên; phần tiếp tục thực hiện sau khi đã hết thời hạn thời hạn được trả thù lao, chi phí kéo dài thời hạn hợp đồng.

Đơn phương chấm dứt hợp đồng dịch vụ

Cũng như các loại hợp đồng khác, HĐDV cũng có thể chấm dứt theo ý chí của một bên chủ thể nếu rơi vào 1 trong hai trường hợp sau:

Thứ nhất, việc tiếp tục thực hiện công việc không có lợi cho bên sử dụng dịch vụ thì bên sử dụng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, nhưng phải báo cho bên cung ứng dịch vụ biết trước một thời gian hợp lý; bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền công theo phần dịch vụ mà bên cung ứng dịch vụ đã thực hiện và bồi thường thiệt hại.

Thứ hai,Trường hợp bên sử dụng dịch vụ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thì bên cung ứng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Giải quyết tranh chấp hợp đồng dịch vụ theo quy định của Bộ luật dân sự 2015

Bản án về tranh chấp HĐDV được lựa chọn giải quyết là Bản án số 482/2009/KDTM-ST Ngày 23/3/2009 V/v tranh chấp về hợp đồng dịch vụ, thụ lý số 542/KTST ngày 08/8/2007, xét xử sơ thẩm công khai vụ án ngày 23/03/2009 tại Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Mặc dù vụ việc đã xảy ra từ năm 2009, tuy nhiên các quy định của pháp luật dân sự về HĐDV trong BLDS 2005 và BLDS 2015 là không có sự khác biệt, do đó mà hướng giải quyết vụ việc theo quy định của BLDS 2015 không thay đổi.

Tóm tắt vụ án: nguyên đơn là Công ty CP truyền thông THT trình bày việc ký kết và thực hiện hợp đồng số 01/VC-YT-ME06 ngày 10/01/2007 về việc thực hiện đăng ký quảng cáo truyền thông cho các sản phẩm của Công ty TNHH SX TKT (bị đơn). Do bị đơn vi phạm nghĩa vụ thanh toán nên nguyên đơn yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bị đơn là Công ty TNHH SX TKT phải thanh toán số tiền còn nợ phát sinh từ hợp đồng số 01/VC-YT-ME06 ngày 10/01/2007 là 244.530.000đ00 và tiền phạt vi phạm hợp đồng là 8% trên giá trị bị vi phạm. Ngày 22/01/2009 Công ty TNHH SX TKT có văn bản gửi nguyên đơn đề nghị được trả chậm trong thời hạn 12 tháng và chịu lãi phát sinh với mức lãi 1,1%/tháng. Ngày 29/01/2009 nguyên đơn có văn bản gửi bị đơn đồng ý với phương án do bị đơn nêu trong văn bản ngày 22/01/2009. Tuy nhiên, đến nay bị đơn đã không thực hiện thỏa thuận này. Tòa quyết định: Buộc bị đơn là Công ty TNHH SX TKT phải thanh toán cho Công ty CP truyền thông THT số tiền phát sinh từ hợp đồng kinh doanh thương mại số 01/VC-YT-ME06 ngày 10/01/2007 là 264.092.400đ00 (Hai trăm sáu mươi bốn triệu chín mươi hai ngàn bốn trăm đồng chẵn), bao gồm: 244.530.000đ00 tiền gốc và 19.562.400đ00 tiền phạt do vi phạm nghĩa vụ thực hiện hợp đồng.

Xác định tranh chấp trong vụ án: tranh chấp về HĐDV, cụ thể là về vấn đề chậm thanh toán tiền sử dụng dịch vụ ( Công ty TNHH SX TKT chậm trả phí dịch vụ quảng cáo cho Công ty CP truyền thông THT).

Căn cứ pháp lí: Tòa án đã xác định tranh chấp trong vụ việc là tranh chấp về trả tiền dịch vụ trong HĐDV theo quy định tại Điều 519 BLDS 2015. Trong đó, Công ty TNHH SX TKT và là Công ty CP truyền thông THT ký kết và thực hiện hợp đồng số 01/VC-YT-ME06 ngày 10/01/2007 về việc thực hiện đăng ký quảng cáo truyền thông cho các sản phẩm của Công ty TNHH SX TKT.

Trong hợp đồng, hai bên đã thỏa thuận rõ sau khi hoàn thành đăng kí quảng cáo truyền thông, Công ty TKT sẽ phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền dịch vụ cho công ty THT, nếu vi phạm hợp đồng sẽ bị phạt thêm 8% chi phí dịch vụ đã thỏa thuận. Chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán là một trong số các hành vi bị coi là vi phạm hợp đồng theo quy định của BLDS 2015. Đồng thời, các bên có quyền thỏa thuận mức phạt vi phạm theo quy định tại điều 418, BLDS 2015. Ngoài ra, HĐDV giữa hai công ty này là một hợp đồng thương mại, đối chiếu các quy định của Luật Thương mại 2005 tại Điều 301: “Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này.”(Điều 266 quy định vi phạm hợp đồng do giám định sai, nhưng trường hợp trên không thuộc Điều 266). Như vậy, mức phạt vi phạm hợp đồng mà hai bên thỏa thuận là hoàn toàn hợp pháp. 

Cuối cùng, Tòa có đưa ra: kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng KHK phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước qui định tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán. Quyết định trên dựa vào quy định tại Điều 357 BLDS 2015 về Trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền: “ Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật này; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này”. Mức lãi suất trả chậm thỏa thuận ban đầu là 1,1%/ tháng, tương ứng với 12,12%/ năm, tức là không vi phạm so với Khoản 1 Điều 468.

Quyết định của tòa án: Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã ra quyết định Buộc bị đơn Công ty TNHH SX TKT phải thanh toán cho Công ty CP truyền thông THT số tiền phát sinh từ hợp đồng kinh doanh thương mại số 01/VC-YT-ME06 ngày 10/01/2007 là 264.092.400đ00 (Hai trăm sáu mươi bốn triệu chín mươi hai ngàn bốn trăm đồng chẵn), bao gồm: 244.530.000đ00 tiền gốc và 19.562.400đ00 tiền phạt do vi phạm nghĩa vụ thực hiện hợp đồng. Ngoài ra Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước qui định tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán. Quyết định trên là hoàn toàn có đủ các căn cứ pháp lý.

Để tồn tại và phát triển, mỗi cá nhân cũng như mỗi tổ chức phải tham gia nhiều mối quan hệ xã hội khác nhau. Trong đó, các bên không chỉ chuyển giao cho các lợi ích vật chất mà còn có cả các giá trị tinh thần; không chỉ chuyển giao sản phẩm hàng hóa hữu hình mà còn có cả hàng hóa vô hình- đó chính là dịch vụ. Tầm quan trọng của các giao dịch có đối tượng là dịch vụ ngày càng được nâng lên, do đó yêu cầu hoàn thiện pháp luật về vấn đề trên cần được sớm thực hiện. Có như vậy, quyền lợi của mỗi người khi tham gia các HĐDV trên thực tế mới được bảo đảm.

Trên đây là toàn bộ bài viết của em về vấn đề “Hãy phân tích các đặc điểm pháp lý của HĐDV. Sưu tầm một HĐDV có tranh chấp và đưa ra hướng giải quyết trên cơ sở quy định của BLDS 2015”. Bài viết không tránh khỏi những thiếu sót, em mong sớm nhận được nhận xét, góp ý từ phía quý thầy cô!

Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: Hãy phân tích các đặc điểm pháp lý của hợp đồng dịch vụ. Sưu tầm một HĐDV có tranh chấp và đưa ra hướng giải quyết trên cơ sở quy định của BLDS 2015. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.

Trân trọng./.