Đánh giá đại học luật quốc gia hà nội

Theo quyết định được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký phê duyệt thay Thủ tướng, trường Đại học Luật là cơ sở công lập thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, có con dấu, tư cách pháp nhân và tài khoản riêng, thực hiện tự chủ theo quy định của pháp luật.

Với quyết định này, Đại học Quốc gia Hà Nội có 9 trường đại học thành viên, gồm Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Khoa học Xã hội và Nhân văn, Ngoại ngữ, Công nghệ, Kinh tế, Giáo dục, Việt Nhật, Luật, Y Dược. Ngoài ra, Đại học Quốc gia Hà Nội còn có trường Quốc tế, trường Quản trị và Kinh doanh và khoa Các khoa học liên ngành.

Trường Đại học Luật được nhận định sẽ góp phần hoàn thiện mô hình phát triển của Đại học Quốc gia Hà Nội, nâng cao hiệu quả và chất lượng đào tạo, nghiên cứu luật tại Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học pháp lý.

Khoa Luật [tiền thân là Khoa Pháp lý], thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, được thành lập năm 1976. Tính đến đầu năm 2022, Khoa có 3.228 sinh viên chính quy, 726 thạc sĩ và 53 tiến sĩ. Điểm chuẩn năm 2022 của khoa Luật dao động 22,62-28,25, trong đó ngành Luật, tổ hợp C00 [Văn, Sử, Địa] lấy cao nhất.

Năm 2020, Chính phủ cũng thành lập trường Đại học Y Dược [Đại học Quốc gia Hà Nội] trên cơ sở nâng cấp khoa Y Dược.

Tại Việt Nam, hai đại học quốc gia Hà Nội và TP HCM, các đại học vùng Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng đang hoạt động trên mô hình đại học với các trường thành viên. Mô hình này tạo quyền tự chủ học thuật cho các đơn vị thành viên theo chuyên ngành, phát huy tối đa hiệu quả thông qua chia sẻ nguồn lực chung.

Cũng trong hôm nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký phê duyệt chủ trương thành lập trường Đại học Khoa học Sức khoẻ, thuộc Đại học Quốc gia TP HCM.

Khoa Luật trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội

  • 3. Hoạt động Đào tạo
  • 4. Các chương trình đào tạo
  • 4.1. Chương trình đào tạo Cử nhân
  • 4.2. Chương trình đào tạo Thạc sĩ
  • 4.3. Chương trình đào tạo Tiến sĩ
  • 5. Nghiên cứu khoa học
  • 6. Hợp tác phát triển và liên kết đào tạo
  • 1. Khái quát về khoa Luật trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội

    Khoa Luật trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội là trung tâm đào tạo, nghiên cứu luật uy tín và có truyền thống của đất nước với hơn 40 năm hình thành và phát triển. Ngày 30 tháng 7 năm 1976, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp ban hành Quyết định số 1087 thành lập Khoa Pháp lý thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội - cơ sở đào tạo cử nhân luật đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất, tiền thân của Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội hiện nay.

    Trong suốt lịch sử phát triển, cùng với những chuyển biến của đất nước, Khoa đã có những lần thay đổi về tên gọi, địa vị pháp lý. Năm 1979, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, Khoa đã hợp nhất với Trường Cao đẳng pháp lý thuộc Ủy ban Pháp chế của Chính phủ để hình thành nên Trường Đại học Pháp lý Hà Nội [nay là Trường Đại học Luật Hà Nội]. Năm 1986, Khoa được tái lập trở lại thành đơn vị thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tháng 9 năm 1995, thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị trong Đại học Quốc gia Hà Nội, Khoa Luật trở thành đơn vị thuộc Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Ngày 07 tháng 3 năm 2000, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội quyết định nâng cấp Khoa Luật từ khoa thuộc Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn trở thành Khoa trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.

    Bằng nỗ lực bền bỉ, lao động sáng tạo của nhiều thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên, Khoa Luật luôn được biết đến là một trong những trung tâm đào tạo, nghiên cứu luật uy tín hàng đầu của đất nước, địa chỉ tin cậy trong đào tạo nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao và là nơi hội tụ nhiều chuyên gia, nhà khoa học tâm huyết, khai phóng với mục tiêu đưa Khoa trở thành trường đại học định hướng nghiên cứu về luật học ngang tầm khu vực, hội nhập quốc tế. 

    2. Nhân lực và cơ sở vật chất của Khoa Luật trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội

     Tính đến năm 2019, Khoa Luật có 114 cán bộ, viên chức, người lao động, trong đó cán bộ giảng dạy chiếm 57%. Số cán bộ giảng dạy có trình độ tiến sĩ trở lên chiếm tỷ lệ 86%. Số Giáo sư và Phó giáo sư là 23 người [8 Giáo sư và 15 Phó Giáo sư] chiếm 35,4%.

    Khoa Luật còn có đội ngũ hàng trăm cộng tác viên là các chuyên gia trong các lĩnh vực khoa học pháp lý, hiện đang công tác tại các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án, Viện kiểm sát, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức kinh doanh, các cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước. 

    Bên cạnh việc chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo với đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao cùng chương trình đào tạo đạt chuẩn, việc đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất là một trong những yếu tố quan trọng luôn được Khoa đặc biệt quan tâm. Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội nằm trong tổ hợp các đơn vị đào tạo trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội tại 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội với tổng diện tích sử dụng là 4.292m2. Hiện nay, Khoa có 14 phòng học với tổng diện tích là 1.084m2 được trang bị máy chiếu, bảng điện tử, máy điều hòa với đầy đủ các tiêu chuẩn của “phòng học thông minh”,... Các phòng học đều được kết nối mạng Internet miễn phí. Hiện Khoa xây dựng phòng học máy tính, phòng tra cứu phục vụ các hoạt động giảng dạy, học tập của giảng viên và sinh viên. Cùng với đó là hệ thống thư viện được đầu tư hiện đại, với nguồn tài liệu phong phú, nhiều dịch vụ và chế độ phục vụ đọc giả linh hoạt như: Đăng ký tài liệu theo yêu cầu, cấp tài khoản dữ liệu điện tử, dịch vụ đăng ký phòng học nhóm, dịch vụ photo và scan tài liệu, dịch vụ số hóa tài liệu... Hiện nay, thư viện đã xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu số và triển khai thư viện điện tử kết nối với thư viện của các đại học, viện nghiên cứu uy tín trên thế giới nhằm phục vụ tốt hơn cho việc tìm kiếm tài liệu của giảng viên, học viên, sinh viên.

    3. Hoạt động Đào tạo

    Trong 5 năm gần đây [từ năm 2014 đến 2019], Khoa Luật đã đào tạo được 1.585 cử nhân hệ chính quy [trong đó có 1047 cử nhân ngành Luật học, 125 cử nhân chất lượng cao ngành Luật học và 409 cử nhân ngành Luật Kinh doanh]; 274 sinh viên chính quy văn bằng đại học thứ hai [văn bằng kép]; 1.049 cử nhân hệ vừa làm vừa học và văn bằng 2 vừa làm vừa học; 2134 thạc sĩ và 99 tiến sĩ.

    Trong cùng thời gian đó, Khoa đã đào tạo được khoảng 150 thạc sĩ, tiến sĩ có quốc tịch nước ngoài [chủ yếu đến từ các nước Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…].

    Hiện Khoa Luật đang đào tạo 1470 sinh viên chính quy; 298 sinh viên hệ bằng kép, 340 sinh viên bằng 2 vừa làm vừa học và cử nhân vừa làm vừa học, 795 học viên cao học và 96 nghiên cứu sinh.

    Công tác đảm bảo chất lượng luôn được Khoa Luật đặc biệt chú trọng và là nhiệm vụ trọng tâm từ nhiều năm nay.

    Năm 2016, Chương trình đào tạo cử nhân ngành Luật học [hệ chuẩn và hệ chất lượng cao] được Mạng lưới kiểm định chất lượng các trường đại học ASEAN [ASEAN University Network - Quality Assurance, viết tắt là AUN-QA] công nhận là Chương trình đào tạo đạt chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn của AUN-QA. Đây là chương trình đào tạo ngành Luật đầu tiên của Việt Nam nói chung và của Đại học Quốc gia Hà Nội nói riêng được đánh giá chất lượng theo Bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo của tổ chức này. Năm 2017, Chương trình đào tạo Thạc sĩ Pháp luật về Quyền con người của Khoa cũng đã được Tổ chức AUN-QA công nhận là Chương trình đào tạo chuẩn chất lượng quốc tế theo tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của AUN-QA.

    Đến nay toàn bộ các chương trình đào tạo Đại học, Thạc sĩ và Tiến sĩ của Khoa Luật đã được rà soát, chỉnh sửa theo qui chế đào tạo mới. Các chương trình đào tạo được thực hiện bài bản, qui củ và luôn được rà soát định kỳ. Cơ sở dữ liệu luôn được rà soát, hoàn thiện hàng năm thông qua các hoạt động khảo sát, điều tra cựu người học, chuyên gia, doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động qua đó góp phần cải tiến và nâng cao chất lượng giáo dục. Công tác đánh giá, lấy ý kiến phản hồi của người học và các bên liên quan đã được thực hiện bài bản, đúng quy trình, đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng. 

    4. Các chương trình đào tạo

    4.1. Chương trình đào tạo Cử nhân

    Chương trình đào tạo ngành Luật học

    Chương trình đào tạo ngành Luật Kinh doanh

    Chương trình đào tạo ngành Luật Thương mại Quốc tế [từ năm 2019]

    Chương trình đào tạo chất lượng cao đáp ứng Thông tư 23/2014/TT-BGD&ĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo được triển khai từ năm 2018.

    Ngoài ra, Khoa Luật còn có chương trình đào tạo thứ hai [bằng kép] dành cho sinh viên các trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Kinh tế, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn và Khoa Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.

    4.2. Chương trình đào tạo Thạc sĩ

    Thạc sĩ định hướng nghiên cứu:

    Lý luận và Lịch sử Nhà nước và pháp Luật

    Luật Hiến pháp và Luật Hành chính

    Luật dân sự và Tố tụng Dân sự

    Luật hình sự và Tố tụng Hình sự

    Luật Kinh tế

    Luật Quốc tế

    Pháp luật về Quyền con người

    Luật Biển và Quản lý biển

    Quản trị nhà nước và phòng, chống tham nhũng

    Thạc sĩ định hướng ứng dụng:

    Lý luận và Lịch sử Nhà nước và pháp luật

    Luật Hiến pháp và Luật Hành chính

    Luật dân sự và Tố tụng Dân sự

    Luật hình sự và Tố tụng Hình sự

    Luật Kinh tế

    Thạc sĩ liên kết quốc tế

    Luật hợp tác Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế

    4.3. Chương trình đào tạo Tiến sĩ

    Lý luận và Lịch sử Nhà nước và pháp luật

    Luật Hiến pháp và Luật Hành chính

    Luật Dân sự và Tố tụng Dân sự

    Luật Hình sự và Tố tụng Hình sự

    Luật Kinh tế

    Luật Quốc tế

    5. Nghiên cứu khoa học

    Là trung tâm nghiên cứu luật học uy tín của đất nước, trong những năm qua, Khoa Luật luôn nỗ lực thực hiện sứ mệnh tiên phong, khai phóng trong hoạt động nghiên cứu.

    Hàng năm, bình quân Khoa Luật tổ chức từ 25 đến 35 hội thảo, hội nghị, tọa đàm khoa học cấp đơn vị, cấp Khoa, cấp quốc gia và quốc tế, thu hút đông đảo chuyên gia, nhà khoa học uy tín trong và ngoài nước tham dự, chia sẻ, thảo luận. Có thể kể đến hàng chục hội thảo, tọa đàm triển khai nhiệm vụ xây dựng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 qua đó góp phần quan trọng vào việc xây dựng Hiến pháp năm 2013; Hội thảo khoa học quốc tế “Luật học trước biến đổi của thời đại”; Hội thảo khoa học “Nhà nước kiến tạo phát triển: Những vấn đề lý luận và thực tiễn trên thế giới và ở Việt Nam”; Hội thảo khoa học: “Cách mạng công nghiệp 4.0 và những vấn đề đặt ra đối với cải cách pháp luật Việt Nam”; Hội thảo khoa học quốc tế "Hoàn thiện luật tư trong bối cảnh kỷ nguyên số: kinh nghiệm của Đức và Việt Nam", Hội thảo khoa học quốc tế “Những phát triển mới của Luật Biển quốc tế: Góc nhìn quốc tế và Việt Nam”…

    Cán bộ, giảng viên của Khoa đã thực hiện thành công và đang triển khai nhiều nhiệm vụ nghiên cứu khoa học các cấp. Có thể kể đến, đề tài khoa học cấp cấp nhà nước “Cơ chế quyền lực Nhà nước với định hướng sửa đổi Hiến pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XNCN Việt Nam”; Đề tài cấp Bộ: “Nghiên cứu các giải pháp pháp lý nhằm đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông”, Đề tài cấp Đại học Quốc gia Hà Nội: “Đồng bộ hóa Luật tư ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay”, Đề tài cấp Đại học Quốc gia Hà Nội “Pháp luật hình sự Việt Nam trước thách thức an ninh phi truyền thống” hoặc Dự án khoa học và công nghệ cấp Bộ có ảnh hưởng lớn như “Đào tạo chuyên sâu về sở hữu trí tuệ cho khu vực Bắc Bộ và Miền Trung” thuộc Chương trình Hỗ trợ Phát triển tài sản trí tuệ của Bộ Khoa học và Công nghệ … Các sản phẩm của các nhiệm vụ nghiên cứu luôn có chất lượng cao và ảnh hưởng ngày càng lớn trong đời sống xã hội.

    Khoa đã xuất bản hàng trăm loại giáo trình, sách chuyên khảo, sách tham khảo và công bố hàng nghìn bài báo khoa học trong các tạp chí khoa học chuyên ngành trong và ngoài nước.

    Ngoài ra, hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên được khuyến khích phát triển, nhiều công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên đạt giải nghiên cứu khoa học cấp Đại học Quốc gia Hà Nội, cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo và các hệ thống giải thưởng uy tín khác.

    6. Hợp tác phát triển và liên kết đào tạo

    Khoa Luật luôn chú trọng mở rộng, phát triển đối tác nhằm trao đổi học thuật, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội hợp tác phục vụ mục tiêu hội nhập quốc tế, đưa chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của Khoa tiệm cận với các chuẩn mực của khu vực và thế giới. Hiện nay, Khoa Luật quan hệ hợp tác với nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị đào tạo, nghiên cứu và hoạt động xã hội uy tín trên thế giới. Trong đó có thể kể đến các đối tác đến từ  Pháp, Bỉ, Anh, Đức, Mỹ, Canada, Úc, Đan Mạch, Thụy Điển, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Lào, Thái Lan, Indonesia…

    Ở trong nước, hiện nay Khoa Luật có quan hệ hợp tác chặt chẽ với nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp uy tín. Những năm qua, các đối tác này đã có nhiều hoạt động hợp tác hiệu quả với Khoa trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, hỗ trợ bảo đảm chất lượng, chia sẻ thông tin, quảng bá thương hiệu và thúc đẩy kết nối phát triển đối tác.

    Đặc biệt, Khoa Luật đã phối hợp với các đối tác quốc tế tổ chức một số chương trình đào tạo liên kết quốc tế ở bậc đại học và sau đại học có chất đượng cao. Chẳng hạn, Khoa phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản [JICA] đào tạo thành công chương trình cử nhân luật Việt - Nhật trong giai đoạn từ năm 2004 đến năm 2014; Phối hợp với ba trường đại học danh tiếng của Pháp là Bordeaux, Toulouse Capitole và Jean Moulin Lyon 3 đào tạo thành công chương trình thạc sĩ Luật hợp tác kinh tế và kinh doanh quốc tế suốt từ năm 2001 đến nay.

    Một số chương trình tiên phong trong đào tạo luật ở Việt Nam do Khoa Luật triển khai cũng nhận được được sự hỗ trợ, phối hợp từ các đối tác nước ngoài như Chương trình Thạc sĩ Pháp luật về Quyền con người được tài trợ bởi Trung tâm Nhân Quyền Nauy thuộc Khoa Luật, Đại học Oslo [Nauy], của Chính phủ Đan Mạch và hiện là Chính phủ Úc; Chương trình Thạc sĩ Pháp luật về Quản trị nhà nước và phòng, chống tham nhũng được tài trợ từ chính phủ Anh và Ai len.

    Chủ Đề