Hướng dẫn liên môn lịch sử cấp 2

Tìm hiểu kinh nghiệm tổ chức dạy học tích hợp ở Việt Nam và nước ngoài, chúng tôi thấy có ba hình thức chủ đạo:

- Tích hợp nội môn: đây chính là phương thức tích hợp phổ biến nhất, đã được nói đến ở bên trên: trong khuôn khổ một môn học, phối hợp vận dụng phương pháp và tri thức của nhiều khoa học chuyên ngành khác nhau để đạt được mục tiêu giáo dục. Đồng thời, phải phối hợp hệ thống kiến thức và phương pháp tổng hợp của chính môn học đó để hiểu sâu sắc sắc một vấn đề, một nội dung cụ thể của môn học. Ví dụ, khi dạy về một vấn đề của lịch sử Việt Nam, chẳng hạn là các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên – Mông hồi thế kỷ 13 hay cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, giáo viên và học sinh không những phải vận dụng tổng hợp các phương pháp của sử học, cả kiến thức lịch sử thế giới, lịch sử dân tộc để đặt các trình lịch sử đó trong bối cảnh chung của lịch sử thế giới và lịch sử khu vực để xem xét, mà còn phải vận dụng cả những tri thức về địa lý, quân sự, kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa vv… thì mới có thể hiểu thấu đáo các bài học. Còn nếu không làm như vậy, chắc chắn chỉ có thể nhận thức về các sự kiện, quá trình lịch sử đó một cách phiến diện và hời hợt.

- Tích hợp liên môn: đây là hình thức tích hợp đơn giản, ở mức độ thấp, theo đó, các mạch nội dung khác nhau của một môn học tích hợp, do yêu cầu đặc thù về chuyên môn, được đặt cạnh nhau, nhằm tạo ra mối liên hệ ngang trong quá trình dạy và học, giúp soi sáng cho nhau trông quan hệ tương hỗ để cùng đạt được mục tiêu của môn học. Trên thực tế, hình thức tích hợp này đang được vận dụng khá phổ biến, không chỉ ở bậc giáo dục phổ thông mà còn ở cả các bậc đào tạo đại học và sau đại học.

- Tích hợp xuyên môn: đây là hình thức tích hợp cao và phức tạp, theo đó, nội dung giáo dục của một số môn học chuyên ngành trước đây được tích hợp, hòa quyện với nhau để tạo thành một môn học hoàn toàn mới. Chẳng hạn, môn Khoa học tự nhiên được xây dựng trên nền tảng của ba môn học chuyên biệt trước kia là Hóa học, Vật lý và Sinh học. Ở nhiều nước cũng đã và đang xuất hiện những môn học mới như vậy, được tổ chức dạy và học ở cả bậc phổ thông, đại học và sau đại học, như các môn Tìm hiểu xã hội [Social Studies], Nghiên cứu phát triển [Development Studies], Nghiên cứu toàn cầu [Global Studies] vv… Đặc biệt là các môn học theo định hướng đất nước học hay địa phương học thì đều được tổ chức theo hướng tích hợp rất cao này, như Việt Nam học [Vietnamese Studies], Nhật Bản học [Japanology / Japanese Studies], Trung Quốc học [Chinese Studies / Sinology], Đức học [Gemanistik], Hoa Kỳ học [American Studies], Đông Nam Á học [Southeast Asian Studies], Hà Nội học…

Dạy học tích hợp trong các môn khoa học xã hội

Cả ba hình thức tích hợp nói trên đều được vận dụng trong việc tổ chức các môn học trong Chương trình GDPT mới, sao cho phù hợp với yêu cầu phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh ở từng cấp học.

Riêng đối với các nội dung giáo dục thuộc lĩnh vực KHXH, mà đóng vai trò nòng cốt là các môn học Ngữ Văn, Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân, các phương thức tích hợp đều được vận dụng với các hình thức và mức độ khác nhau.

Nội dung giáo dục văn học và ngôn ngữ tiếng Việt được tổ chức thành môn Ngữ văn, là môn học bắt buộc từ lớp 1 tới lớp 12. Đương nhiên, đây là môn học tích hợp của hai “mảng” kiến thức lớn, có tính chất nền tảng trong toàn bộ nội dung giáo dục phổ thông là văn học và tiếng Việt. Bên cạnh đó, một cách hoàn toàn tự nhiên, môn học này còn tích hợp nhiều nội dung và phương pháp, cách tiếp cận của văn hóa, lịch sử, chính trị, đạo đức, tâm lý vv… giúp cho người học phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung, cũng như các năng lực đặc thù của Ngữ Văn.

Nội dung giáo dục công dân xưa nay vẫn được tổ chức thành một một môn học tích hợp. Trong Chương trình GDPT mới, ở cấp Tiểu học nội dung giáo dục này được thực hiện thông qua môn Đạo đức, ở cấp Trung học cơ sở là môn Giáo dục công dân và ở cấp THPT là môn Giáo dục kinh tế và pháp luật. Có thể thấy ở cấp TH và THCS, các nội dung giáo dục công dân được tổ chức tích hợp với hai hình thức chủ yếu là tích hợp nội môn và tích hợp xuyên môn – là những hình thức với mức độ tích hợp cao. Trong khi đó, ở cấp THPT, do yêu cầu định hướng nghề nghiệp và chuẩn bị hành trang vào đời giàu tính thực tiễn nên môn học này vận dụng hình thức tích hợp nội môn và liên môn là chính.

Trong CT mới, môn Lịch sử và Địa lý ở lớp 4 và 5 là môn học tích hợp theo cả hai hướng tích hợp nội môn và tích hợp liên môn [Ảnh minh họa]

Dạy học tích hợp trong giáo dục lịch sử và địa lý

Riêng với nội dung giáo dục lịch sử và địa lý, việc dạy và học tích hợp được dư luận quan tâm nhiều hơn, do những lý do hoàn toàn mang tính thực tiễn.

Ở cấp Tiểu học, nội dung giáo dục KHXH sơ giản được triển khai thông qua môn Tự nhiên và Xã hội dành cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 3. Từ lớp 4 đến lớp 5, nội dung này được triển khai thông qua môn học tích hợp Lịch sử và Địa lý. Đây là môn học tích hợp theo cả hai hướng tích hợp nội môn và tích hợp liên môn. Học sinh sẽ được hướng dẫn để tìm hiểu các kiến thức sơ giản về lịch sử và địa lý nhằm hình thành những ý niệm ban đầu về các không gian địa lý và thời gian lịch sử, có lồng ghép những nội dung sơ giản về dân cư, văn hóa và đời sống xã hội vv… hướng tới mục tiêu giúp học sinh bước đầu phát triển những năng lực KHXH cơ bản.

Ở cấp THCS, nội dung giáo dục lịch sử và địa lý được thực hiện thông qua môn học Lịch sử và Địa lý – một môn học tích hợp theo hình thức liên môn và nội môn là chính. Yêu cầu đặc thù của cấp học đối với môn học học này là giúp học sinh tìm hiểu và có được những tri thức, kĩ năng cơ bản của địa lý [địa lý đại cương] và của lịch sử [thông sử Việt Nam, khu vực và thế giới], trên cơ sở đó phát triển những yếu tố nền tảng, cốt lõi của năng lực tìm hiểu xã hội và các phẩm chất chủ yếu, như yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm. Nội dung giáo dục lịch sử và nội dung giáo dục địa lý, do đó được sắp đặt song song với nhau như hai phân môn với logic nội dung riêng, nhưng có sự tương hỗ, soi sáng cho nhau theo hình thức tích hợp liên môn. Trong chương trình của cấp học sẽ có những chủ đề được tổ chức theo hình thức tích hợp xuyên môn và tích hợp nội môn, trước mắt có 4 chủ đề: Các cuộc đại phát kiến địa lí; Đô thị: Lịch sử và hiện tại; Văn minh châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long; Bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Ở cấp THPT, do yêu cầu của cấp học là giáo dục phân hóa và định hướng nghề nghiệp nên Lịch sử và Địa lý được tổ chức thành hai môn học độc lập, trong đó các nội dung giáo dục được tổ chức thành các chủ đề và các chuyên đề. Ở đây, mỗi chủ đề và chuyên đề lại được dạy và học dưới hình thức tích hợp nội môn, qua đó giúp học sinh tìm hiểu khá sâu sắc và toàn diện về từng vấn đề hoặc nhóm vấn đề, nhất là khả năng vận dụng những tri thức, kỹ năng đã học vào cuộc sống, tạo nền tảng để các em có thể học tiếp lên ở bậc giáo dục chuyên nghiệp [học nghề hoặc học đại học] phù hợp với các nhóm ngành, nghề phù hợp.

Như vậy, việc tổ chức dạy và học tích hợp đối với các nội dung giáo dục thuộc lĩnh vực KHXH trong Chương trình GDPT mới là có cơ sở vững chắc cả về phương diện khoa học và thực tiễn, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực và phẩm chất của người học trong bối cảnh đất nước và thế giới trong nửa đầu thế kỷ 21. Có thể thấy trước trong thời gian trước mắt, mức độ thành công của từng môn học sẽ khác nhau. Đối với môn Ngữ Văn và Giáo dục công dân [với những tên gọi khác nhau ở từng cấp học] dường như không nảy sinh nhiều khó khăn nan giải, bởi hình thức tổ chức dạy học tích hợp ở các môn này trên căn bản vẫn là sự tiếp nối của Chương trình GDPT hiện hành. Việc đổi mới căn bản và toàn diện cấu trúc, nội dung, cách tiếp cận và phương pháp dạy học không đưa lại những thay đổi lớn về phương thức tích hợp nội môn, liên môn trong các môn học này.

Ảnh minh họa/internet

Làm gì để dạy tốt Lịch sử và Địa lý trong Chương trình mới?

Riêng đối với môn Lịch sử và Địa lý ở cấp THCS, vấn đề dạy và học tích hợp đã và đang tỏ ra “có nhiều vấn đề” và gây ra sự băn khoăn, lo lắng của giáo viên, các nhà quản lý giáo dục và cả một bộ phận nhân dân.

Qua theo dõi công luận và trao đổi với giáo viên ở một số địa phương, chúng tôi nhận thấy điều đang khiến cho nhiều người lo ngại nhất là tính khả thi của môn học tích hợp này. Ở đây có hai vấn đề chính: giáo viên và học liệu. Về giáo viên, thực tế là hiện nay chưa có giáo viên được đào tạo để dạy môn tích hợp Lịch sử và Địa lý. Tương tự, hiện nay chúng ta cũng chưa có hệ thống học liệu dành cho các môn học tích hợp, bao gồm sách giáo khoa, sách hướng dẫn dành cho giáo viên, tài liệu hướng dẫn thực hiện chương trình môn học vv…

Để giải quyết khó khăn này, Bộ GD&ĐT cần có kế hoạch chỉ đạo và hướng dẫn các sở, trường đại học sư phạm và các cơ quan liên quan đồng thời thực hiện ba nhóm giải pháp: 1] Tổ chức đào tạo giáo viên THCS dạy các môn tích hợp, nhất là môn Khoa học tự nhiên và môn Lịch sử và Địa lý; 2] Ưu tiên các điều kiện để tổ chức thật tốt giáo viên dạy các môn tích hợp nói trên. Trước mắt lựa chọn những giáo viên giỏi đang dạy các môn học có liên quan [chẳng hạn môn Địa lý và môn Lịch sử] để tham gia các lớp tập huấn đặc biệt, tập trung trong khoảng 3 tháng. Đội ngũ này chắc chắn có thể đóng vai trò nòng cốt trong việc triển khai các môn học tích hợp ở các địa phương. 3] Chỉ đạo tập trung biên soạn các học liệu cơ bản, như sách hướng dẫn giáo viên, SGK và tài liệu hướng dẫn thực hiện chương trình môn học.

Vấn đề của môn Lịch sử và môn Địa lý ở bậc THPT lại nằm ở chỗ khác. Việc tái cấu trúc nội dung dạy học thành các chủ đề và chuyên đề theo tiếp cận phát triển năng lực và phẩm chất của người học đòi hỏi giáo viên bộ môn phải được tập huấn chu đáo. Họ phải được hướng dẫn cách thức tiếp cận và hiểu đúng chương trính mới của môn học, trên cơ sở đó tự mình thay đổi, xác định phương án dạy học đối với từng chủ đề, chuyên đề. Việc cập nhật kiến thức và kỹ năng của giáo viên cũng rất quan trọng. Chỉ khi nào đội ngũ thầy cô giáo trên toàn quốc thực sự tích cực và chủ động tham gia vào quá trình đổi mới thì việc tổ chức triển khai các môn học này ở bậc THPT theo yêu cầu của Chương trình GDPT và các chương trình môn học mới thành công.

Chủ Đề