Khiếu nại tố cáo là gì

Quy định pháp luật về đơn khiếu nại, tố cáo

  • 1. Khái niệm về đơn khiếu nại, tố cáo
  • 2. Hình thức của khiếu nại, tố cáo
  • 3. Đặc điểm của khiếu nại và giải quyết khiếu nại.
  • 4. Đặc điểm của tố cáo và giải quyết tố cáo
  • 5. Sự khác nhau giữa khiếu nại và tố cáo
  • 6. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo

1. Khái niệm về đơn khiếu nại, tố cáo

Đơn khiếu nại, tố cáo là văn bản mà người khiếu nại, tố cáo trình bày với cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo về nội dung khiếu nại, tố cáo.

Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Tố cáo là việc công dân theo thủ tục do Luật này quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.

Giải quyết khiếu nại là hoạt động kiểm tra, xác minh, kết luận về tính hợp pháp, tính hợp lý của quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước để có biện pháp giải quyết theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức và lợi ích chung của nhà nước và xã hội.

Giải quyết tố cáo là việc xác minh, kết luận về nội dung tố cáo và việc quyết định xử lý của người giải quyết tố cáo. Khác với khiếu nại, các bước giải quyết tố cáo chỉ được Luật khiếu nại, tố cáo quy định mang tính chất nguyên tắc. Theo quan điểm của những người nghiên cứu, giải quyết tố cáo cũng bao gồm 3 bước giống như các bước giải quyết khiếu nại.

2. Hình thức của khiếu nại, tố cáo

Người khiếu nại, tố cáo có thể thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo bằng hình thức gửi đơn hoặc trực tiếp trình bày về nội dung khiếu nại, tố cáo. Theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo thì đơn khiếu nại ghi rõ ngày. tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lí do khiếu nại và yêu cầu của người khiếu nại. Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại kí tên. Đơn khiếu nại sẽ không được thu lí và giải quyết trong trường hợp: người khiếu nại khiếu nại về quyết định hành chính, hành vi hành chính không liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại; người kí đơn khiếu nại không có năng lực hành vi đầy đủ mà không có người đại diện hợp pháp (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác), thời hiệu khiếu nại, thời hạn khiếu nại tiếp đã hết; việc khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng; việc khiếu nại đã được toà án thụ lí để giải quyết hoặc đã có bản án, quyết định của toà án.

Đơn tố cáo ghi rõ họ, tên, địa chỉ người tố cáo; nội dung tố cáo và phải có chữ kí của người tố cáo. Trong trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp thì người có trách nhiệm tiếp nhận phải ghi lại nội dung tố cáo, họ tên, địa chỉ của người tố cáo, có chữ kí của người tố cáo. Người viết đơn tố cáo có : quyền yêu cầu được giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích của mình; yêu cầu được thông báo kết quả giải quyết tố cáo; yêu cầu được bảo vệ khi bị đe doa, trù dập, trả thù.

Đơn tố cáo nặc danh (không ghi hoặc ghi không đúng tên, địa chỉ người tố cáo) thì không được xem xét, giải quyết, đơn tố cáo có nội dung tố cáo sai sự thật thì người viết đơn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tố cáo sai sự thật.

3. Đặc điểm của khiếu nại và giải quyết khiếu nại.

- Mục đích của khiếu nại là bảo vệ và khôi phục lại quyền và lợi ích của người bị khiếu nại đã bị quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước xâm hại.

- Chủ thể khiếu nại, Khoản 1 Điều 1 và Điều 101 Luật khiếu nại thì chủ thể có quyền khiếu nại bao gồm: công dân, cơ quan, tổ chức, cán bộ công chức; cá nhân, tổ chức nước ngoài có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan trực tiếp đến quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại.

- Đối tượng của khiếu nại hành chính là các quyết định hành chính, hành vi hành chính của các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong các cơ quan nhà nước.

- Khiếu nại được thực hiện theo thủ tục hành chính được quy định trong Luật khiếu nại, Luật tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành.

4. Đặc điểm của tố cáo và giải quyết tố cáo

- Mục đích của tố cáo không chỉ để bảo vệ quyền và lợi ích của người tố cáo mà còn để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, xã hội và của tập thể, của cá nhân khác và nhằm trừng trị kịp thời, áp dụng các biện pháp nghiêm khắc để loại trừ những hành vi trái pháp luật xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, của tập thể, của cá nhân

- Chủ thể thực hiện quyền tố cáo theo như quy định trong Luật khiếu nại, Luật tố cáo chỉ có thể là công dân. Như vậy, khác với khiếu nại, là cả công dân, cơ quan tổ chức đều có quyền khiếu nại, nhưng thực hiện quyền tố cáo chỉ quy định cho đối tượng là cá nhân, quy định này nhằm cá thể hoá trách nhiệm của người tố cáo, nếu có hành vi cố tình tố cáo sai sự thật thì tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.

- Đối tượng tố cáo là các hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.

5. Sự khác nhau giữa khiếu nại và tố cáo

Tiêu chí

Khiếu nại

Tố cáo

Luật điều chỉnh

Luật khiếu nại 2011

Luật tố cáo năm 2018

Khái niệm

Là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Chủ thể có quyền

Công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức thực hiện quyền khiếu nại.

Cá nhân.

Đối tượng

Đối tượng bị khiếu nại:

- Quyết định hành chính.

- Hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước.

- Quyết định kỷ luật cán bộ, công chức.

Đối tượng bị tố cáo:

- Hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ;

- Hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.

Yêu cầu về tính chính xác của thông tin khiếu nại, tố cáo

Không có quy định.

Người tố cáo phải:

- Trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được.

- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo.

- Nếu tố cáo sai có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội vu khống tại Bộ Luật hình sự 2015.

Thời hiệu

- Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính.

- Đối với trường hợp khiếu nại Quyết định kỷ luật cán bộ, công chức:

+ Khiếu nại lần đầu thì thời hiệu là 15 ngày kể từ ngày nhận quyết định.

+ Khiếu nại lần hai là 10 ngày, kể từ ngày cán bộ, công chức nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.

+ Đối với quyết định kỷ luật buộc thôi việc thì thời hiệu khiếu nại lần hai là 30 ngày, kể từ ngày cán bộ, công chức nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.

Không quy định vì nó phụ thuộc vào ý chỉ chủ quan của người tố cáo.

Về việc rút đơn khiếu nại, tố cáo

Người khiếu nại có thể rút khiếu nại tại bất cứ thời điểm nào trong quá trình khiếu nại và giải quyết khiếu nại.

Người tố cáo chỉ có quyền rút toàn bộ nội dung tố cáo hoặc một phần nội dung tố cáo trước khi người giải quyết tố cáo ra kết luận nội dung tố cáo.

Cơ quan nhà nước đình chỉ việc giải quyết khi người khiếu nại rút đơn

Cơ quan Nhà nước vẫn tiếp tục giải quyết vụ việc tố cáo nếu có căn cứ cho rằng hành vi bị tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật, hoặc người tố cáo bị uy hiếp, mua chuộc.

6. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo

Điều 13, Luật Tố cáo năm 2018 quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong cơ quan hành chính nhà nước như sau:

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện công vụ của công chức do mình quản lý trực tiếp.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền sau đây:

(a) Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, cán bộ, công chức, viên chức khác do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp;

(b) Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, tổ chức do Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý trực tiếp.

Người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền sau đây:

(a) Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực thuộc cơ quan mình, công chức, viên chức khác do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp;

(b) Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, tổ chức do mình quản lý trực tiếp.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền sau đây:

(a) Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, công chức, viên chức khác do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp;

(b) Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, tổ chức do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý trực tiếp.

Tổng cục trưởng, Cục trưởng và cấp tương đương thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ được phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức có thẩm quyền sau đây:

(a) Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc Tổng cục, Cục và cấp tương đương, công chức, viên chức khác do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp;

(b) Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, tổ chức do mình quản lý trực tiếp.

Người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ có thẩm quyền sau đây:

(a) Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức thuộc cơ quan thuộc Chính phủ, công chức, viên chức khác do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp;

(b) Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, tổ chức do mình quản lý trực tiếp.

Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan ngang Bộ có thẩm quyền sau đây:

(a) Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cán bộ, công chức, viên chức khác do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp;

(b) Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, tổ chức do mình quản lý trực tiếp.

Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền sau đây:

(a) Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của Bộ trưởng, Thứ trưởng, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức khác do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp;

(b) Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, tổ chức do mình quản lý trực tiếp.

Luật Minh Khuê (sưu tầm & phân tích)