Kho tàng văn học Việt Nam là gì

0 ratings0% found this document useful [0 votes]

125 views1 page

  • , active

Then là tên gọi tiếng Thái-Tày để chỉ một loại hình văn hóa tín ngưỡng sa-man [shamanism] trong các tộc nói tiếng Thái-Tày như Lào, Lự, Giáy và các nhóm Thái-Tày địa phương như: Thái Trắng, Tày Cao Bằng, Tày Bắc Kạn, Tày sông Chảy, sông Lô, Nùng... Riêng người Thái Đen thì lại gọi là Xên Một hoặc Xên Một Lào. Các dân tộc khác ở nước ta đều có một loại hình tín ngưỡng tương tự như ở người Việt là Lên Đồng - Chầu Văn, ở người Mường là Mỡi và ở người Ba Na là K’Minh K’Mang.

Nghệ nhân Hà Văn Thuấn ở xã Tân An, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang cùng con cháu trình diễn Then phục vụ du khách.

Ảnh:VƯƠNG HÀ


Chức năng đầu tiên và xa xưa của Then sa-man là để chữa bệnh cho người ốm. Xưa kia, nhân dân các tộc Thái-Tày-Nùng tin rằng “vạn vật có linh hồn” [animism], trong đó có cả con người. Tùy theo từng dân tộc, số hồn vía khác nhau. Người Kinh và một bộ phận của người Mường có “ba hồn bảy vía cho đàn ông và ba hồn chín vía cho đàn bà”. Người Thái thì có đến 80 hồn ứng với 80 bộ phận trên con người, bố trí “Ba mươi hồn phía trước-Năm mươi hồn phía sau [Xam xíp khoăn mang nả, Hả xíp khoăn mang lăng]”. Người Thái-Tày-Nùng không phân biệt hồn và vía, gọi chung là “khoăn”. Khi người chết, toàn bộ hồn vía thất tán nên phải có lễ gọi hồn trước khi chôn. Khi một số hồn rời bỏ thân xác thì con người ốm. Hồn của bộ phận nào rời đi thì bộ phận ấy bị đau, ốm. Để “chữa khỏi bệnh", cần phải tìm những hồn hay vía bỏ đi, đem chúng trả về thân xác. Việc đi tìm và dẫn hồn về phải mời thầy sa-man tức ông/bà Then ở người Tày và người Thái Trắng, hay ông/bà Một ở người Thái Đen, ông Mỡi ở người Mường [từ đây trở đi gọi tắt là ông/bà Then], những người có lực lượng âm binh, tức đội quân vô hình, tiếng Thái-Tày là “Côn Then”-tức “Quân Then” tìm giúp.

Lâu dần, với niềm tin rằng quyền phép của thánh thần có thể giúp đỡ nhiều nguyện vọng khác ngoài việc chữa bệnh, con người “làm Then” [hát Then] để cầu xin những việc như “cầu hoa”, “nối số”, "giải hạn”, “đi sứ”…

Trong hành trình của Then Tày thường có hai trường đoạn gây cảm xúc mạnh. Đó là đoạn “Thấu nạn quang”, trong đó mô tả đoàn quân đi săn thú làm lễ vật dâng các thần linh. Nai mẹ biết là không tránh khỏi bị chết nên dụ tốp săn đi về phía mình để đàn con chạy trốn về phía ngược lại. Trước khi chia tay đàn con, nai mẹ dặn dò chúng mọi điều ăn ở với xóm làng, gắng sức lao động có của ăn của để, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau để nai mẹ yên lòng chết thay cả nhà.

Trường đoạn thứ hai là “Khảm hải”, nghĩa là “Vượt biển”. Để đưa đoàn quân vượt biển phải có các thuyền lớn, nhiều phu chèo gọi là “Côn Sluông”. Người dự lễ Then lại được nghe phu chèo dặn dò vợ con như một lời trăng trối vì vượt biển thì sóng to gió lớn, chắc gì đã có ngày về.

Hát Then không chỉ có sức sống trong cộng đồng dân tộc Tày, Nùng, Thái mà còn lan tỏa tới thế hệ trẻ của dân tộc khác tập luyện và trình diễn.Ảnh:VƯƠNG HÀ


Nghệ thuật trình diễn của Then vô cùng phong phú. Toàn bộ nội dung của bản trường ca du ký được thể hiện bằng các câu thơ theo luật thơ dân tộc, sử dụng phối hợp giữa các thể 4-5 và nhiều nhất là 7-9 từ. Rất nhiều nội dung được mô tả như những biểu tượng nghệ thuật có sức diễn cảm mạnh. Toàn bộ trong ngoài 3.000 câu thơ đều được hát lên theo các làn điệu Then khác nhau. Tùy theo nội dung của từng trường đoạn hát Then, ông/bà Then chọn những làn điệu có tính chất thích hợp. Ví dụ khi hành quân đường lớn dưới hạ giới thì dùng làn điệu Pay tàng, có nhịp phách rõ ràng, tốc độ vừa phải. Nhưng khi vượt qua rừng vắt của trường đoạn "Khảm pá tah" thì giai điệu líu ríu những chuỗi nốt móc kép trong tốc độ nhanh.

Trong trường ca Then có nhiều điệu múa, phổ biến là điệu Sluông chầu, thường được múa khi “vào trình mỗi cửa quan”. Riêng Then người Thái Trắng Tây Bắc từ bốn điệu múa: Nón, Khăn, Quạt, Nhạc, nhân dân đã sáng tạo một hệ thống múa dân gian gồm 32 điệu múa dư hứng rất đẹp.

Phụ họa cho lời hát là chiếc đàn dây Tính tẩu và chùm nhạc xóc gọi là Hính ma-Nhạc ngựa. Tính tẩu có nghĩa là "Đàn bầu" vì hộp đàn làm bằng quả bầu khô, còn tính có nghĩa là đàn.

Trong diễn xướng, Tính tẩu thường tạo bè nền trì tục bằng hai dây buông, gảy vào phách mạnh hay trên từng phách khi ông/bà Then ngân giọng cuối một khổ nhạc, thậm chí một câu nhạc. Tính tẩu có thể chơi một nét nhạc ngắn hoặc đánh cả bài nhạc múa cho múa. Xưa kia, dây đàn xe bằng tơ tằm, vuốt sáp ong và nhựa dây khoai lang, nay dùng dây ni-lông nên âm sắc không chuẩn. Cần đàn dài nên hầu như không dùng đến các thế tay cao. Âm sắc của đàn mềm, đục, tay bấm di chuyển trên một quãng không dài của cần đàn nên rất linh hoạt. Chùm nhạc xóc luôn bảo đảm nhịp của hát và múa. Riêng ở Then Thái Trắng Lai Châu, Tính tẩu còn là đạo cụ trong điệu múa “Chọi gà” và chùm nhạc xóc trong điệu “Múa nhạc”.

Một trong những yếu tố độc đáo của Then là Then Cấp sắc. Tiếng Tày gọi là “Lảu Then” nghĩa đen là “Rượu Then”, do ông/bà Then tổ chức nhằm được giới Then công nhận sự nâng bậc năng lực ma thuật của mình. Do đó, đây là một ngày hội của giới Then trong một vùng lãnh thổ nào đó, xưa kia thường là một huyện hay một mường. Nội dung Then Cấp sắc cũng chủ yếu là trình diễn hành trình lên Mường Trời, qua các “cửa quan” dâng lễ, biếu quà để cuối cùng lên đến nhà Then Luông [tức ông Trời] xin nâng cấp trình độ, năng lực phép thuật để có thể chữa những bệnh nặng hơn hay cúng cho những việc khác đòi hỏi quyền năng lớn hơn. Trong lễ, sau khi Then “thí sinh” hoàn thành chuyến đi lên Mường Trời trở về, sẽ được thầy mình trao cho cái mũ Then ba dải đầu tiên trước sự chứng kiến của giới Then và nhân dân sở tại. Thông thường, Then có bốn cấp, biểu thị bằng số dải mũ ba-năm-bảy-chín [cá biệt có nơi thêm một cấp có 11 dải]. Như vậy, để leo lên đến cấp cao nhất, trong đời làm Then, mỗi ông/bà Then phải làm Cấp sắc ít nhất bốn lần và lần thứ năm khi đã cao tuổi, không còn sức thì làm lễ trọng với tầm vóc của Cấp sắc xin Then Luông cho nghỉ không cúng bái gì nữa, gọi là Then Cáo lão.

Ở nước ta, Then và các loại hình tương tự có mặt ở hầu hết các tộc người, thậm chí ở một vài nơi nó tồn tại dai dẳng cho đến ngày nay khi loài người đã bước vào thời đại tin học. Trải qua hàng ngàn năm phát triển, sa-man ngày càng “chuyên hóa”, hình thức thể hiện ngày càng hoàn chỉnh và hấp dẫn, trở thành một “thiết chế xã hội" không thể thiếu, một “thành trì làm chỗ dựa vững chắc” cho niềm tin của con người.

Về mặt văn hóa, khi bên cạnh thế giới hiện thực của con người vẫn còn được xem là tồn tại những thế giới vô hình của các thần, ma, nơi mà cánh bay lãng mạn, tưởng tượng bay bổng không hạn chế, nơi con người hướng tới như những miền đất tốt đẹp và sung sướng tột cùng, làm sản sinh ra những khoảnh khắc thăng hoa về một cuộc sống lý tưởng, thì Then và những loại hình tương tự luôn là nơi con người gửi gắm những gì đẹp nhất, tinh tế nhất có thể sáng tạo ra được. Vì thế, nếu gạt bỏ những yếu tố mê tín đối với việc chữa bệnh mà ngày nay thực tế cũng không còn mấy ai tin, thì Then là một không gian văn hóa dân tộc, một tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian đa dạng, vừa phản ánh, vừa mô tả, vừa gửi gắm nhắn nhủ những ngọt bùi đắng cay của cuộc sống. Có thể tìm thấy trong Then không chỉ các thể thơ dân tộc, mà còn cả những biện pháp, thi pháp, tu từ, ẩn dụ… của nghệ thuật ngôn từ; tìm thấy những làn điệu của tầng dân ca, dân nhạc cổ xưa nhất, những điệu múa đã song hành với Then không biết bao nhiêu năm tháng.

Có thể khẳng định, Then là một kho tàng quý báu tàng trữ những giá trị văn học nghệ thuật ngàn đời của ông cha. Then Tày-Nùng-Thái xứng đáng được đề cử để UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

GS, TSKHTÔ NGỌC THANH,Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam

Video liên quan

Chủ Đề