Kinh nghiệm sống của người già

Thực tế cho thấy, khi con cái trưởng thành, mải mê mưu sinh và những thú vui khác thì bố mẹ của họ đang mỗi ngày một già đi và cảm thấy cô đơn. Niềm vui trong ngày của người già đôi khi giản đơn là được nói chuyện cùng con cháu, dù chỉ là thông qua điện thoại.

Dưới đây là những thay đổi về tâm lý của người già, những người trẻ trong gia đình cần hiểu rõ để có thể chăm sóc cha mẹ một cách tốt nhất.

Người cao tuổi hay cảm thấy rằng mình bị bỏ rơi và quên lãng

Nguyên nhân đến từ sự khác biệt về lối sống lối suy nghĩ giữa các thế hệ trong gia đình. Bạn cần luôn lắng nghe, thấu hiểu sự khác biệt đó để có thể xua tan đi những nỗi lo bị bỏ rơi của cha mẹ. Hãy tạo không khí gần gũi và hỏi han ý kiến để cha mẹ không cảm thấy mình trở thành người thừa trong gia đình.

Người già thường xuyên cảm thấy bất lực

Đây là trạng thái hay gặp ở người cao tuổi nhất là những người bị neo đơn. Họ thường xuyên thấy mình bất lực, chán nản, mệt mỏi, tự dằn vặt mình. Thông thường khi có những dấu hiệu trên người già thường rất dễ mắc các bệnh lý người cao tuổi như trầm cảm, mất trí nhớ tạm thời, thiếu minh mẫn.

Người già hay cảm thấy tự ái

Hầu hết khi về già, sức khỏe người cao tuổi bị giảm sút, đi lại chậm chạp, không còn khả năng lao động, quan niệm sống khác với thế hệ sau, lúc này dù chỉ một thái độ hay một câu nói thiếu tế nhị có thể làm cho tâm lý người già trở nên thay đổi hay tự ái, tủi thân, bỏ bữa ăn, không muốn nói chuyện và tệ hơn có thể là bỏ đi lang thang.

Người già thường hay hoài niệm về quá khứ

Khi về già các cụ thường sống với những hoài niệm về quá khứ, những nuối tiếc về tuổi trẻ của mình. Vì lẽ đó, họ nhắc đến quá khứ nhiều hơn hiện tại và tự hào về kinh nghiệm sống đã qua. Họ muốn trở về với quá khứ để được sống với những kỉ niệm cũ của một thế giới thu hẹp. Cũng bởi vì điều này mà giới trẻ thường cho rằng ông bà của chúng ta đã cổ hủ, lỗi thời. Vô hình chung tạo ra một khoảng cách vô định giữa tuổi già và lớp trẻ.

Người già luôn mong được quan tâm chăm sóc

Một trong những bí quyết sống khỏe mỗi ngày của những người cao tuổi trên thế giới đó là họ thường xuyên được người thân quan tâm nhiều hơn. Tưởng chừng như đơn giản nhưng sự quan tâm đối với người già lúc này trở nên vô cùng quan trọng. Người già mong muốn và khát khao được săn sóc, hỏi han mỗi ngày, được con cháu đáp ứng những nhu cầu mình đang cần.

Người già như cỗ máy đã gần tàn tạ, khô dầu nhớt có thể ngừng hoạt động bất cứ lúc nào vì thế họ sẽ có những thay đổi chóng mặt so với tính cách thời trẻ.

Người già sợ cô đơn

Thực tế cho ta thấy, ở những thành phố phát triển của Việt Nam, giới trẻ vì mưu sinh mà chấp nhận cuộc sống tự do phiêu bạt, còn ở một khung cửa khác có những người cha, người mẹ đang sống lặng lẽ chờ đợi đứa con trở về.

Hiện ở các nước phát triển trên thế giới, tình trạng người già cô đơn xảy ra ngày càng nhiều. Nguyên nhân dẫn đến tính trạng trên đa phần là do con cái thiếu quan tâm, mải mê, bận rộn với công việc trong cuộc sống, phó mặc, giao người già đến các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi. Ở nơi đây người già không thích nghi được với môi trường, cuộc sống thay đổi.

Lúc này tâm lý người già cô đơn chỉ mong muốn được người thân hiểu và chia sẻ mỗi ngày, muốn được con cháu coi mình như một thành viên trong gia đình vẫn còn "giá trị". Vì thế khi về già, người già rất sợ sự cô đơn, sợ phải ở nhà một mình.

Trong cuộc sống, nhiều khi bạn bắt gặp người già trở nên kiệm lời hơn và dường như là không nói nhưng lại có những người trở nên nói rất nhiều và nói liên tục một mình, đôi khi làm cho người thân cảm thấy khó chịu. Nhưng ít ai biết rằng, khi người già nói nhiều chính là lúc họ cần được chia sẻ và quan tâm nhất, họ trở nên sợ cảm giác đơn độc, chết dần trong sự ghẻ lạnh của người thân.

Người già rất sợ phải đối mặt với cái chết

Đối với nhiều người, già đi nghĩa là cái chết đang đến gần. Dẫu biết rằng sinh tử là quy luật của tự nhiên không chừa một ai nhưng dù vậy người già vẫn sợ phải đối mặt với cái chết. Cũng có những trường hợp các cụ bàn việc hậu sự cho mình, viết di chúc cho con cháu cũng có những cụ không chấp nhận, lảng tránh điều đó và sợ nghĩ đến cái chết.

Tuổi già như ngọn đèn dầu cháy leo lét trước gió, không biết tắt khi nào, vì thế để tâm lý tuổi già không cảm thấy cô đơn, buồn rầu, hơn ai hết người thân cần dành sự quan tâm đặc biệt để người già cảm thấy yêu đời và sống một cuộc đời đầy ý nghĩa./.

Nguồn: Báo Gia đình và xã hội

Phương Thu Nguyễn

Video liên quan

Chủ Đề