Lỗi sap order inhibitor liên minh huyền thoại năm 2024

Nhân dịp có vài bạn đọc của blog harryle.org muốn mình bình luận về cuốn sách Outsmarting autism của tác giả Patricia S. Lemer [2nd edition, 2019] sắp được dịch và xuất bản tại Việt Nam, mình nhận thấy đây là một dịp rất tốt để bàn về một trường phái can thiệp tưởng đã lui vào quá khứ: trường phái sinh học [bio].

Để không làm rối blog harryle chỉ vì một cuốn sách, Harry sẽ viết post này rất dài. Trong post này, Harry sẽ bàn qua các vấn đề:

1. Tác giả Patricia S. Lemer là ai?

Để lựa chọn đọc một cuốn sách về tự kỉ, mình thường bắt đầu bằng việc coi thử tác giả là ai?

Để biết tác giả là ai, ta có thể đọc mục "Giới thiệu về tác giả" trong chính cuốn sách này và coi thêm Linked In của người đó. Theo mình, đây là cách rất công bằng, khách quan, vì toàn bộ thông tin đều do chính tác giả cung cấp. Dưới đây là quá trình học tập của bà Lemer được chụp từ LinkedIn của bà, ngày 18/12/2023.

Theo các thông tin này, bà Lemer có bằng cử nhân về tâm lý học, bà có 2 bằng thạc sĩ: một thạc sĩ giáo dục và 1 bằng thạc sĩ kinh tế. Bà Lemer đã rất cao tuổi, bà đi học đại học năm 1964. Vậy công việc chuyên môn của bà là gì? Trong mục giới thiệu về tác giả của sách Outsmarting autism, bà cho biết:

Dù resume đầy các vị trí công việc "đa dạng" như vậy, bà Lemer chỉ nổi lên trong giới tự kỉ từ những năm 1990, khi bà thành lập một tổ chức phi lợi nhuận Developmental Delay Resources [DDR]. DDR được thành lập năm 1994 có các sứ mạng như trong hình dưới đây. Có thể tóm tắt ngắn gọn như sau: DDR là tổ chức tập hợp các nhà chuyên môn và phụ huynh nhằm xiển dương phương án can thiệp/điều trị tự kỉ toàn diện. Thế nào là "toàn diện"? DDR cho rằng, trẻ phải được can thiệp toàn thể, gồm 4 hướng tiếp cận: giác quan, sinh học, vật lý trị liệu và các trị liệu có liên quan và các can thiệp theo trường phái phát triển khác. DDR đã ngưng hoạt động từ lâu [lần cập nhật cuối cùng là từ tháng 9/2014]. Hình dưới đây chụp web DDR từ WaybackMachine.

Vậy Harry dành rất nhiều thì giờ để nói những chuyện này để làm gì? Thông qua tóm tắt nghề nghiệp của bà Lemer, có thể thấy mấy điều, mà theo Harry, ảnh hưởng lên nội dung của cuốn sách mà chúng ta sắp bàn tới sau đây:

  1. Bà Lemer có bằng cấp chính quy trong 2 lĩnh vực tâm lý và giáo dục, bản thân bà cũng công tác nhiều năm trong mảng chẩn đoán giáo dục.
  2. Tuy vậy, sự nghiệp của bà Lemer không hoàn toàn gắn bó với ngành giáo dục, bằng chứng là bà từng làm việc trong mảng khúc xạ nhãn khoa.
  3. Bà Lemer dù viết sách, nhưng chưa hề làm nghiên cứu khoa học. Điều này là một điểm khiến Harry rất nghi ngại, vì cuốn sách Outsmarting autism này có tham vọng tóm lược hết các thể loại trị liệu tự kỉ từ cổ chí kim và đồng thời đề ra một khái niệm mới về nguồn gốc của tự kỉ: total load [mà một dịch giả ở Việt Nam dịch là "tổng lượng tích tụ"]. Thông thường, để đề ra thuyết mới, tác giả phải là người có thâm niên trong nghề và phải làm nghiên cứu để chứng minh tính đúng đắn của thuyết này.
  4. Bà Lemer dấn thân vô quá nhiều lĩnh vực. Thông thường, một tác giả uy tín thường chỉ hoạt động trong một hai chuyên ngành hẹp. Bà Lemer tham gia vô hầu hết tất cả các lĩnh vực của tự kỉ: chẩn đoán, trị liệu, tham vấn; nhưng không có lĩnh vực nào sâu sắc. Ví dụ, làm chẩn đoán, bà chỉ là thành viên của nhóm chẩn đoán giáo dục trong nhà trường; làm can thiệp, bà lại là chuyên gia của 2 mảng rất lạ là khúc xạ nhãn khoa và trị liệu âm thanh; là nhà tư vấn tâm lý, bà chỉ lấy chứng chỉ hành nghề tư vấn khi bà đã 45 tuổi [1991].

Nhưng khi nhìn vô 2 trang web và cuốn sách khiến bà Lemer nổi tiếng, mình thấy mọi sự đều hợp lý: đây là một chuyên gia theo trường phái bio [trường phái sinh học]. Các chuyên gia của trường phái này có thể kể cho bạn hàng trăm nguyên nhân gây ra tự kỉ và khiến quá trình can thiệp của con bạn không được suôn sẻ [xin coi sự sứ mạng của web DDR đã kể trên]. Các chuyên gia của phái này vì sao lại có thể kể ra nhiều nguyên nhân tới vậy và động lực nào khiến họ miệt mài xuất bản sách, tổ chức hội thảo online/offline từ mấy chục năm nay? Harry xin được bàn ở một bài khác [nhưng có thể nói nhanh: sách này là một phần, là cơ sở lý thuyết để tổ chức của bà Lemer bán khoá học và huấn luyện coach/chuyên gia]. Trong phần này, Harry chỉ muốn phác thảo sơ về sự nghiệp "phong phú" của tác giả Lemer và vì sao Harry ngay lập tức cảm thấy bà Lemer không đủ thẩm quyền để viết một cuốn sách có nhiều chủ đề chuyên sâu trong mảng tự kỉ thế này. Ở các bài viết sau, Harry sẽ chỉ ra các sai sót rất cơ bản mà tác giả và rất nhiều bạn đọc tin vào sách này đã không phát hiện ra.

2. Thuyết tổng lượng tích tụ.

Khi ở trong "làng tự kỉ" vài năm, bạn sẽ nhận ra, các nhà chuyên môn, những người đấu tranh/bênh vực cho trẻ tự kỉ, dù ở đâu, cũng đều có một quan điểm của riêng họ về nguyên nhân gây ra tự kỉ và các trị liệu tự kỉ. Về cơ bản, có thể phân tất cả mọi người có liên quan tới tự kỉ làm 3 nhóm [xin nói rõ, đây là blog, nên ngoại trừ những trích dẫn được mở đóng ngoặc trong một đoạn riêng, mọi diễn ngôn còn lại đều là do tác giả, Harry Le, viết ra]:

1. Nhóm "đa dạng thần kinh" [neurodiversity]: đây là nhóm tin rằng, tự kỉ chả có nguyên nhân gì, nó là một dạng đa dạng sinh học, đa dạng thần kinh, giống như có người da trắng và có người da đen, da vàng,... Do đó, tự kỉ không phải là rối loạn/hội chứng/bệnh tật gì, nên không cần can thiệp, trị liệu gì. Nhóm này rất cực đoan, họ tấn công tất cả mọi trường phái đòi "can thiệp", từ ABA, cho tới Floortime, dạy kĩ năng xã hội. Họ chỉ chấp nhận một số trị liệu tâm lí dưới hình thức "trò chuyện" [talk therapies], hỗ trợ để người tự kỉ được sống đúng như bản chất thật.

2. Nhóm "tự kỉ là dịch bệnh" [pandemic] hay "sinh học" [bio]: đây là nhóm nằm ở thái cực ngược lại của nhóm đa dạng thần kinh. Người theo nhóm này tin rằng, tự kỉ có nguyên nhân [và họ có thể kể hàng trăm nguyên nhân], tự kỉ có thể chữa khỏi [đúng vậy, họ dùng chữ "chữa lành"]. Nhóm này chủ trương trị liệu "toàn diện" nên có xu hướng công nhận tất cả các giải pháp can thiệp, từ thuốc, can thiệp hành vi, can thiệp kĩ năng xã hội, trị liệu khúc xạ, trị liệu âm thanh, trị liệu cảm giác,... và đặc điểm quan trọng nhất [và theo mình, cùng là nguy hiểm nhất] họ cào bằng tất cả các trị liệu này có hiệu quả và bằng chứng như nhau. Nhóm này do "nhìn đâu cũng ra bệnh", nên chống và cấm rất nhiều thứ: sữa bò, lò vi sóng, vaccine,...

3. Nhóm trung dung: đây là nhóm đa số, hầu hết các chuyên gia và phụ huynh đều ở trong nhóm này. Dĩ nhiên, có người thiên về bên "đa dạng thần kinh", dù cho con đi can thiệp, nhưng vẫn suốt ngày đòi DSM bỏ tự kỉ ra; có người rất yêu mảng "sinh học", can thiệp gì thì can thiệp, vẫn phải ăn kiêng GFCF, vẫn phải thử các món mới lạ như tế bào gốc chẳng hạn.

Bà Lemer là người thuộc nhóm 2. Điều này là rõ ràng. Vì ngay chương đầu cuốn sách Outsmarting autism và trên các trang web do bà chủ trương, bà luôn nhất quán truyền tải thông điệp: tự kỉ là dịch bệnh, mà đã là dịch bệnh thì phải có nguyên nhân, từ đó, bà đã kể được nguyên nhân gây ra tự kỉ, bà có giải pháp toàn diện để chữa lành. Muốn thực hành giải pháp toàn diện thì phải đọc sách để hiểu Thuyết tổng lượng tích tụ [total load] và tham gia các khoá học của bà và cộng sự.

Vậy cái thuyết tổng lượng tích tụ này là cái gì và có đáng tin hay không?

Không giống như các tác giả khác, bà Lemer không đưa ra định nghĩa về Thuyết tổng lượng tích tụ này. Ở đầu chương 2 của sách Outsmarting autism, bà Lemer nói rõ luôn: từ "total load" - tổng lượng tích tụ - là bà mượn từ các kĩ sư cầu đường, dùng để lí giải vì sao khi một chiếc xe tải nặng đi qua một cây cầu và cây cầu bị sập [nguyên văn: “Total Load Theory is a concept from engineering that explains why, as a heavy truck travels over a bridge, the structure collapses.”]. Như vậy, bằng chính lời của bà Lemer, ta có thể hiểu ngay vì sao ngành nghiên cứu tự kỉ mấy chục năm nay chẳng ai biết cái ý tưởng total load này cả, vì nó vốn dĩ là tự chuyên ngành của ngành xây dựng cầu đường. Điều này cũng dễ hiểu, vì bà Lemer không phải là dân nghiên cứu khoa học hay có thâm niên làm việc với trẻ tự kỉ [xin hãy coi lại phần 1, về tiểu sử làm việc "thập bát ban võ nghệ" của bà, nhạc nào bà cũng nhảy được].

Nhưng bà Lemer có một cách rất hay để dẫn dắt độc giả tin rằng, Thuyết tổng lượng tích tụ của bà đi ra từ nghiên cứu, bằng cách trích dẫn bài báo của một tiến sĩ ngành sinh học phân tử, tiến sĩ Helen V. Ratajczak. Bà Lemer nói, năm 2011, tiến sĩ Ratajczak công bố 2 bài báo "cung cấp đầy đủ chi tiết, mạch lạc và thẳng thắn, giải đáp cách thức mà các yếu tố gây hại tích tụ và gây ra tự kỉ" [nguyên văn:“provides a detailed, coherent, and straightforward explanation of how a buildup of load factors causes autism.”]. Bà Lemer còn "cài" một câu mà mình thấy rất "chiêu trò" để thao túng người đọc. Lemer nói: TS Ratajczak đã dùng các kiến thức này để chữa lành cho đứa cháu trai 3 tuổi khỏi tự kỉ. Một thông tin không ai kiểm chứng được. Bà Lemer nói, cơ sở lí thuyết giúp bà công bố Thuyết tổng lượng tích tụ là từ 2 bài báo này.

Theo Harry, đây là chỗ cực kì bất ổn, là một "red flag" thực sự cảnh báo thuyết này là một thứ "đồ dỏm". Tất cả đến từ chính tác giả và 2 bài báo trên:

  • 2 bài báo của TS Ratajczak là 2 bài review [tổng hợp, hay ai làm luận văn/luận án cũng biết, nó chính là "tổng quan tài liệu"]. Nghĩa là bạn ngồi đọc sách đọc báo rồi viết tóm tắt lại. [1,2]
  • Tiến sĩ Ratajczak xuất thân là cử nhân sinh học, thạc sĩ ngành nông nghiệp và chỉ lấy bằng sinh học phân tử sau đó. TS Ratajczak cũng chỉ làm việc trong một công ti dược phẩm chứ không làm việc trực tiếp với trẻ tự kỉ hay có giảng dạy ở đại học nào. Bà có rất ít thẩm quyền về tự kỉ. Tại thời điểm viết bài, độ uy tín về học thuật của tác giả này rất thấp, khi bà sử dụng địa chỉ liên lạc là nhà riêng của bà [94C Miry Brook Road, Danbury, CT 06810] và email cá nhân [hratajcz@comcast.net].
  • 2 bài báo của TS Ratajczak nhanh chóng nhận được sự phản đối của các chuyên gia thứ thiệt trong ngành. TS Ratajczak dĩ nhiên không phản biện lại và tác giả Lemer dĩ nhiên lờ 2 bài phản biện này đi.

Có lẽ không cần mất thì giờ để phân tích bài báo của TS Ratajczak sai sót chỗ nào, bởi đã có 2 nhóm chuyên gia xịn khác làm thay.

  • Bài phản biện thứ 1 có tên Response to “Theoretical aspects of autism: Causes—A review” by Ratajczak, HV [Journal of Immunotoxicology 8:68–79, 2011] [3] của 2 tác giả Jamie C. DeWitt và Rodney R. Dietert. 2 vị này là giáo sư đại học, dạy trường y và đại học của họ còn là loại siêu xịn [xin coi trong bài báo gốc]. 2 vị này chỉ ra mấy điểm:
    • Diễn dịch sai: vaccine không phải là yếu tố nguy cơ gây tự kỉ. Chuyện này đã được chứng minh thông qua vô số nghiên cứu [thời điểm 2011] nhưng TS Ratajczak vẫn lập lờ.
    • Đặt tên gây hiểu lầm. Đầu tiên, cần dịch tên của bài báo của TS Ratajczak ra: "Theoretical aspects of autism: Causes—A review" - "Bài tổng quan về các nguyên nhân gây ra tự kỉ - các mặt lí thuyết". Các anh chị có thể thấy, cho đến bây giờ, năm 2024, chưa ai dám nói đâu là nguyên nhân của tự kỉ, nhưng từ 13 năm trước, một chuyên gia tay ngang, đã dám dùng chữ "nguyên nhân gây ra" trong một bài tổng quan tài liệu.
    • Đặt giả thuyết "linh tinh": TS Ratajczak liệt kê ngay cả "mang thai" cũng là yếu tố nguy cơ gây ra tự kỉ. 2 giáo sư phản biện tỏ ra là người rất cẩn trọng và có năng lực chuyên môn về thống kê y học rất cao, khi 2 ông đọc tất cả các trích dẫn và phát hiện ra bà TS Ratajczak còn không đọc [hay đọc mà không hiểu] các ghi chú trong các bài báo gốc mà bà dùng để viết ra bài tổng hợp, nên bà kết luận rất mạnh [trong khi ngay cả tác giả bài báo gốc còn không dám nói như vậy].
  • Bài phản biện thứ 2 có tên Coincidental associations do not provide proof for the etiology of autism [4] của Jeffrey S. Kennedy và David A. Lawrence. 2 vị này đến từ một phòng xét nghiệm miễn dịch ở New York. 2 vị này bắt đầu bài phản biện với một câu rất mạnh "chúng tôi thách thức [tranh luận] quan điểm trong bài báo...". Bài phản biện này chỉ tập trung vào 1 điểm đó là vaccine không phải nguyên nhân gây tự kỉ. Điều thú vị là, 2 ông tác giả viết nhiều câu rất hài, như "những vấn đề về miễn dịch học mà TS Ratajczak nêu ra làm chúng tôi, những nhà miễn dịch học, cũng không thể hiểu nổi [beyond one's comprehension]. Hay một chỗ khác, 2 ông này chỉ ra, bà tác giả còn trích dẫn cả nghiên cứu phản bác lại chính luận điểm mà bà đang cố nêu ra.

Tất cả những điều này chứng tỏ TS Ratajczak viết ra một bài báo kém chất lượng tới nỗi giới học thuật của bên công lập và tư nhân phải viết bài phản đối và đòi tranh luận. Họ chỉ ra nhiều điểm bất thường, thể hiện sử cẩu thả, thao túng, diễn dịch sai lạc của TS Ratajczak. Như vậy, cái gọi là "cung cấp đầy đủ chi tiết, mạch lạc và thẳng thắn, giải đáp cách thức mà các yếu tố gây hại tích tụ và gây ra tự kỉ" thực ra là một cụm từ leng keng, hoa mĩ, vô nghĩa và nói thẳng ra là lừa dối bạn đọc của bà Lemer mà thôi.

Nhưng tác giả Lemer đâu có quan tâm, miễn là bài báo đó có cái chữ "nguyên nhân gây ra tự kỉ" và người viết bài báo đó là một tiến sĩ là ok rồi. Thêm cái thông tin "nhờ các kiến thức đó mà đã chữa lành cho đứa cháu trai" nữa là tất cả đã hoàn hảo để bà Lemer lấy ra làm "cơ sở lí thuyết" cho cái thuật ngữ xây dựng của bà: Thuyết tổng lượng tích tụ.

Nhưng có thật là giới khoa học không biết gì và không có chút cảnh giác gì về các yếu tố có khả năng gây hại, góp phần vào việc làm trầm trọng thêm, hay làm biểu hiệu ra các triệu chứng của tự kỉ hay không? Câu trả lời dĩ nhiên là không rồi. Như chính bà Lemer viết ra: thuyết của bà đực gợi cảm hứng từ bài tổng quan tài liệu của TS Ratajczak [2011]. Mà TS Ratajczak muốn viết bài tổng hợp thì bà cũng phải đọc mấy chục năm nghiên cứu của vô số tác giả khác. Do đó, chuyện có rất nhiều yếu tố nguy cơ [risk factors], có liên quan tới tự kỉ là chuyện ai cũng biết. Bà Lemer chỉ phát minh ra một cái tên mới cho cái bánh xe mà thôi.

Có một khái niệm trong thống kê y học gọi là yếu tố nguy cơ [risk factor]. Yếu tố nguy cơ không đồng nghĩa với nguyên nhân gây ra một rối loạn/bệnh lí nào đó, dù dù bạn biện giải nghe logic cỡ nào đi nữa thì việc chứng minh một yếu tố nguy cơ chính là nguyên nhân gây bệnh cũng luôn rất khó khăn. Chính vì sự khó khăn, cẩn trọng này [nhằm tránh việc dẫn toàn bộ ngành y đi lệch hướng] mà cho tới nay vẫn chưa có ai nói được đâu là nguyên nhân gây ra tự kỉ, mà chỉ có thể nói chung chung đa số trẻ tự kỉ có nguyên nhân di truyền. Chúng ta có thể thấy luận điểm "tự kỉ có nguyên nhân di truyền" là quan điểm chủ lưu hiện nay và được đa số nghiên cứu ủng hộ. Dĩ nhiên, mọi người ai cũng biết, tự kỉ có rất nhiều khả năng là do "đa nguyên nhân". Hẳn anh chị nào quen với các thuật ngữ trong ngành miễn dịch/ung bướu đều biết tới "two-hit model".

Thuyết tổng lượng tích tụ này có "xuất thân" kì lạ như vậy, nên nó hoàn toàn không được ai biết tới, mà chỉ lưu hành nội bộ trong những tài liệu huấn luyện phụ huynh của bà Lemer và các cộng sự của bà. Nếu bạn tìm kiếm thử trên các cơ sở dữ liệu uy tín như Pubmed chẳng hạn, bạn sẽ chẳng thấy ai nhắc tới [chứ không nói là làm nghiên cứu kiểm chứng] cái thuyết này. Mỗi khi có dịp xuất hiện trên youtube, bà Lemer hay đem thuyết này ra nói, để gióng lên tiếng chuông cảnh báo rằng: các yếu tố tích tụ gây hại đã ngày càng nhiều sẽ khiến "dịch" tự kỉ càng lan tràn.

3. Tự kỉ có phải là dịch bệnh?

Để thấy được năng lực thao túng [malnipulate] người đọc và sự cẩu thả của tác giả Lemer khi viết sách, có lẽ cần quay lại chương 1 - Tự kỉ: một dịch bệnh [Autism: An Epidemic].

Cứ một vài năm, CDC Hoa Kì lại công bố tỉ lệ hiện mắc [prevalence] của chứng tự kỉ. Con số của năm 2023 là 1/36 trẻ 8 tuổi. Đây là thống kê đến từ 11 cơ sở thu thập dữ liệu của CDC Hoa Kì tại các bang của Mĩ. Nghĩa là cứ 36 trẻ sinh năm 2012 thì có 1 trẻ có tự kỉ. Đây là con số có cao hay không? Rõ ràng là rất cao. Nhưng đây có phải là dịch bệnh [epidemic] hay không? Câu trả lời, tại thời điểm hiện tại, có lẽ là không?

Vì sao Harry không nói chắc chắn: không, tự kỉ không phải là dịch bệnh? Bời vì ngay cả các chuyên gia hàng đầu về dịch tễ học còn không nói chắc được như vậy, thì Harry là ai mà khẳng định. Nhưng đa số các bằng chứng nghiên cứu đều thiên về câu trả lời, tại thời điểm hiện tại, tự kỉ không phải là dịch. Vì sao? Có mấy giải thích rất logic như sau:

  1. Sự gia tăng tỉ lệ hiện mắc theo CDC là do sự thay đổi về nhận thức [cha mẹ, thầy cô biết tới tự kỉ nhiều hơn nên đưa con em đi chẩn đoán nhiều hơn], tiêu chí chẩn đoán và chính sách công thay đổi [những lần tỉ lệ tự kỉ tăng thì đều rơi vào những năm có DSM mới ra đời hoặc luật pháp Mĩ qui định việc các công ty bảo hiểm phải chi trả cho can thiệp tự kỉ], năng lực chuyên môn của giới chuyên môn nâng cao [các bộ tiêu chuẩn DSM, công cụ sàng lọc sớm được phổ cập, ứng dụng trong thời gian dài khiến khả năng phát hiện và chẩn đoán của giới chuyên môn ngày càng tốt].
  2. Sự hình thành tự kỉ có yếu tố gene và môi trường cùng tác động, nên nếu dân số thế giới gia tăng, người tự kỉ sống thọ hơn, có tỉ lệ kết hôn cao hơn thì số lượng trẻ em có sẵn gene tự kỉ trong người sẽ cao hơn từng năm. Đây là điểm mà các nhà hoạt động theo hướng đa dạng thần kinh rất ủng hộ.
  3. Tỉ lệ trẻ nam và nữ có tự kỉ không thay đổi. Con số đó vẫn dao động quanh tỉ lệ 4 nam : 1 nữ. Nếu tự kỉ là dịch, yếu tố gây bùng phát dịch tại sao lại có sự lựa chọn đặc thù là tác động lên nam nhiều hơn nữ?

Như vậy, số người có gen tự kỉ ngày càng nhiều cộng với số lượng các cơ sở tham gia chẩn đoán tự kỉ ngày càng tăng [tại Mĩ 100% bác sĩ nhi và trường học đều có khả năng sàng lọc và chẩn đoán tự kỉ] rõ ràng, sẽ dẫn tới số lượng ca mới mắc được phát hiện ngày càng nhiều. Ngay cả khi có nhiều lời giải thích hợp lí cho vấn đề tỉ lệ hiện mắc tăng cao hàng năm, các chuyên gia vẫn liên tục tìm ra các yếu tố nguy cơ đã được chứng minh là có liên quan tới hình thành tự kỉ. Xin đọc bài viết này [Các yếu tố nguy cơ của rối loạn phổ tự kỷ] Harry viết từ năm 2020 để thấy sự cẩn trọng của các chuyên gia hàng đầu thế giới.

Các chuyên gia thì dè dặt trong phát ngôn như vậy, còn bà Lemer trong cuốn Outsmarting autism thì sao? Bà viết đoạn văn sau đây ngay đầu chương 1 của sách, mà theo Harry thì đầy các lỗi ngụy biện:

“Growing up, I knew no one who was “autistic.” One family down the street had two boys who did not speak and were “different.” They attended my school, and we all accepted them in our games. Today they would definitely be labeled. During college and graduate school in the 1960s, I do not recall ever discussing autism in my psychology, neurology, education, and counseling courses...”
"Suốt thời gian trưởng thành, tôi không biết bất kì ai "tự kỉ". Có một gia đình sống cùng con đường với nhà tôi có 2 cậu bé không biết nói và hoàn toàn "khác biệt". 2 cậu đi học cùng trường với tôi và chúng tôi vẫn chịu chơi chung với các cậu. Ngày nay, 2 bạn ấy chắc chắn sẽ được dán nhãn [tự kỉ]. Những năm 1960, trong suốt quãng thời gian học đại học và sau đại học, tôi chẳng nhớ có bất kì buổi thảo luận nào về tự kỉ trong các lớp học tâm lí, thần kinh, giáo dục và tư vấn..."

Để dẫn đắt cho cái ý, "dịch tự kỉ" mới xảy ra gần đây thôi, bà Lemer viết như trên. Đọc đoạn này, bất kì ai có kiến thức cơ bản đều biết những năm 1960, các thuật ngữ như "tự kỉ" còn nằm rải rác ở đâu đâu trong các tạp chí y khoa thì lấy cái gì để các đại học thảo luận hay để chẩn đoán 2 cậu bạn cùng xóm của bà. Đoạn mô tả 2 cậu bé khác biệt và không có ngôn ngữ kia càng thể hiện cái tính kì cục của bà Lemer: thích gọt chân cho vừa giày. Đến như vậy mà còn không chịu công nhận 2 bé đó có tự kỉ.

Bà Lemer tiếp tục sử dụng chiến thuật quen thuộc: trích dẫn phát biểu của người [có vẻ] có uy tín. Lần này vẫn là một tiến sĩ tại MIT, TS Stephanie Seneff. Bà Lemer viết:

“Massachusetts Institute of Technology [MIT] researcher Stephanie Seneff, PhD, projects that by 2025, one in two boys will have an ASD diagnosis.”
"Nhà nghiên cứu, tiến sĩ Stephanie Seneff của viện nghiên cứu kĩ thuật Massachusetts, tiên đoán rằng, tới năm 2025, cứ 2 trẻ nam thì có 1 trẻ được chẩn đoán tự kỉ".

Bây giờ là năm 2024, dĩ nhiên chúng ta biết các tiên đoán này không đúng rồi. Nhưng khoan, khi tìm hiểu sâu về phát biểu này, Harry phát hiện ra, tiến sĩ Stephanie Seneff đúng là nhà nghiên cứu tại MIT thật, nhưng bà là tiến sĩ về... khoa học máy tính, hoàn toàn không có chuyên môn gì về tự kỉ hay dịch tễ học cả. Và nguyên văn câu phát biểu của bà tiến sĩ Stephanie Seneff là "tới năm 2025, cứ 2 đứa trẻ thì có 1 trẻ có tự kỉ". Là "2 trẻ" chứ không phải "2 trẻ nam". Bà Lemer trích dẫn một ý rất đao to búa lớn nhưng lại nhầm ngay chỗ quan trọng nhất, thật không thể tin được! Mà sai sót này kéo dài từ ấn bản đầu tiên của sách Outsmarting autism năm 2014 đến tận bây giờ chưa ai [từ tác giả tới biên tập tới các tín đồ của bà] phát hiện ra để sửa. Quả là những con người cẩn trọng với công việc. Điều thú vị hơn nữa là cái phát biểu ghê gớm này lại được trích từ một website vớ vẩn [5] chứ không phải từ một bài báo chính thống nào. Kiểu bà Seneff này vô cái hội nghị chống thuốc diệt cỏ, bà chém gió linh tinh rằng cứ xài thuốc diệt cỏ kiểu này thì năm 2025 1/2 số trẻ sẽ mắc tự kỉ ráo. Đây là kiểu trích dẫn rất "rác", sử dụng nguồn mà các bạn Reddit gọi là "trust me bro"!

Tóm lại, qua phần đầu chương 1, bà Lemer muốn dẫn đắt độc giả tin vào 2 ý: hồi xưa chả có tự kỉ đâu, bây giờ mới có nhiều và thành dịch rồi. Để chứng minh cái ý đó, thay vì trích dẫn các văn bản khoa học chính thống, bàn luận về các khả năng có thể, bà lại dùng kinh nghiệm cá nhân [hồi xưa trong xóm tui cũng có 2 bạn như vậy mà đâu có ai kêu tụi nó là tự kỉ đâu, hồi xưa tui đi học có ai nói tới tự kỉ đâu] và trích dẫn [mà còn sai nữa chứ] phát ngôn không kiểm chứng từ một chuyên gia trái ngành. Tất cả chỉ nhằm một mục đích: chuẩn bị cho việc giới thiệu danh sách các yếu tố gây ra tự kỉ mà bà dày công cóp nhặt từ nhiều nguồn khác nhau. Từ danh sách này, bà sẽ trộn cái rõ ràng và cái mơ hồ, trộn phát biểu/sách vở chuẩn mực và những phát ngôn trời ơi, để cào bằng các phương án trị liệu, sao cho các trị liệu vớ vẩn mà bà đang biết, các khoá học mà bà đang bán, đứng ngang vai với các phương án có uy tín, hiệu quả thực sự.

4. Patricia Lemer - nhà bênh vực tự kỉ theo trường phái DAN!

DAN! [Defeat Autism Now!] là tên của một phong trào, một trường phái can thiệp y sinh được hình thành, phát triển và chấm dứt trong 10 năm tại Hoa Kỳ. Bạn có thể đọc bài phân tích này của bác sĩ Stephen Barrett để hiểu lịch sử hình thành, những điểm đáng ngờ trong tôn chỉ hoạt động, sự lôm côm của DAN! và vì sao các trị liệu DAN! bị cấm đoán ở rất nhiều quốc gia.

Một cái nhìn phê phán về phong trào "Đánh bại tự kỷ ngay bây giờ!" và "Phác đồ DAN!"

Bà Lemer, vốn là một nhân viên kiểm tra tật khúc xạ [xin đừng nhầm với nghề bs chuyên khoa khúc xạ nhãn khoa], là một cảm tình viên của DAN! từ rất sớm, vì những giả thuyết và trị liệu của DAN! hoàn toàn phù hợp với những tấm bằng mà bà có trong tay khi đó.

Bà Lemer tổng cộng xuất bản 2 cuốn sách, một là Outsmarting autism như chúng ta đang bàn ở đây và cuốn còn lại là Envisioning a Bright Future: Interventions That Work for Children and Adults With Autism Spectrum Disorders [2008]. Harry đã tìm đọc lại cuốn sách, được chính bà Lemer khẳng định là "sách tiền thân" của cuốn Outsmarting autism và có một số ghi nhận:

[a] Envisioning a Bright Future [2008] là cuốn sách của bà Lemer chủ biên cùng với tuyệt đại đa số tác giả là người của phong trào DAN!

[b] Rất nhiều giả thuyết/trị liệu DAN! đã được viết rất kĩ trong sách này.

Xin để ý chương 7 của sách: 3 tác giả cũng chính là 3 nhà sáng lập DAN!

Cùng với sự suy tàn của DAN! năm 2011, cuốn sách này đã không thể có phiên bản thứ 2. Thêm vào đó, việc nhiều đồng tác giả của bà Lemer bị thưa kiện, đã khiến bà phải thay đổi tên sách, xoá bỏ rất nhiều nội dung liên quan tới DAN!, loại hết tất cả các đồng tác giả để viết ra cuốn Outsmarting autism [2014].

Nếu để ý chương 3 của sách Envisioning a Bright Future [2008], bạn sẽ thấy, thoạt kỳ thuỷ, thuyết Tổng lượng tích tụ của bà Lemer được bà chấp bút chung với một bác sĩ. Đó là bác sĩ nhi khoa Anjum Usman người Chicago. Năm 2010, bác sĩ Usman bị một ông bố kiện ra toà vì bà Usman áp dụng phác đồ DAN! cho con ông suốt 5 năm mà đứa bé không có chút tiến bộ nào, lại còn làm cháu bị ảnh hưởng sức khoẻ. Năm 2014, toà phán bác sĩ Usman có tội trong 5 cáo buộc, phạt tiền, rút giấy phép hành nghề, và buộc bà phải bị giám sát trong 3 năm. Toàn văn phán quyết của toà Chicago ở đây.

5. Các giải pháp can thiệp tự kỉ được nhắc tới trong sách Outsmarting Autism

Như đã bàn trong phần thân thế và sự nghiệp, do không tự mình làm nghiên cứu khoa học và không thực hành xuyên suốt một hướng tiếp cận can thiệp tự kỉ nào [ngoài DAN!], nên bà Lemer phải dựa vào các giả thuyết và trị liệu DAN! để viết sách. Do đó, dù đã xoá đi nhiều chương sách cổ xuý cho DAN! cũng như các đồng tác giả có "vết nhơ" do thưa kiện, thì dấu ấn của DAN! vẫn không thể xoá nhoà trong cuốn sách Outsmarting autism của bà Lemer.

Để đưa ra kết luận, các trị liệu của sách Outsmarting autism tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho phụ huynh của trẻ tự kỉ [đặc biệt là phụ huynh mới], Harry dựa vào các nhận định sau:

5.1 Outsmarting autism giới thiệu nhiều hình thức trị liệu không có tác dụng, gây hại, bị cấm.

5.2 Outsmarting autism giới thiệu nhiều hình thức trị liệu không có bằng chứng khoa học.

5.3 Outsmarting autism "cào bằng" các hình thức trị liệu, cổ xuý ưu tiên sử dụng các hình thức trị liệu mà bà Lemer có lợi ích liên quan.

Hãy cùng Harry phân tích từng mục. Dĩ nhiên, vì thời gian và năng lực có hạn, Harry sẽ không liệt kê tất cả các trị liệu có trong sách.

5.1 Outsmarting autism giới thiệu nhiều hình thức trị liệu không có tác dụng, gây hại, bị cấm.

Để giải quyết giả thuyết các yếu tố viêm góp phần gây ra tự kỉ, trong chương 7, bà Lemer giới thiệu các trị liệu sau:

- GcMAF:

  • Truyền kháng thể chống GcMAF đã bị cấm ở Mỹ, Canada, Anh. Ví dụ ở đây.
  • Mặc dù ý thức được truyền GcMAF đã bị cấm, bà Lemer vẫn nói lui nói tới về hình thức trị liệu này và giới thiệu độc giả tới website của 3 công ty khác: 2 công ty trồng cần sa và một công ty bán yogurt [đúng vậy, bạn không đọc nhầm, đúng là công ty bán yogurt này tuyên bố là có thêm men vi sinh giúp chống lại GcMAF].

- Liệu pháp CEASE [Complete Elimination of the Autistic Spectrum Expression]

  • Đây là một trị liệu theo hướng vi lượng đồng căn bị NHS Anh gọi là "fake". Tại Mỹ, Canada và các nước Âu Châu khác, CEASE được giới chức y tế cảnh báo là không nên sử dụng.
  • Trong phần Vi lượng đồng căn, bà Lemer liệt kê CEASE kèm nhiều lời có cánh và website quảng bá trị liệu này.

- Thải độc [chelation]

  • Đây là trị liệu bị cấm từ nhiều năm. Bản thân bà Lemer cũng từng viết sách chung với nhiều bác sĩ DAN! bị thưa kiện vì thải độc cho trẻ tự kỉ.
  • Sách Outsmarting autism vẫn tuyên truyền cho thải độc. Năm 2022, bà Lemer, trong một cuộc phỏng vấn, vẫn rất đề cao vai trò của thải độc với trẻ tự kỉ. Nguồn. Trong những cách thải độc mà bà Lemer nêu, có một cách gọi là uống khoáng chất tổng hợp, sau đó, bà lập tức quảng cáo cho sản phẩm của công ty mà bà thân quen [công ty của một trong các đồng tác giả cuốn sách trước của bà]. Xin nhắc lại để nhấn mạnh: PATRICIA LEMER ĐÃ, ĐANG VÀ SẼ LUÔN ỦNG HỘ THẢI ĐỘC.

- Secretin

  • Một hormone bị cấm sử dụng để điều trị cho trẻ tự kỉ.
  • Bà Lemer gợi ý rằng dù bị cấm nhưng vẫn có thể mua được secretin dưới hình thức vi lượng đồng căn.

- Sữa lạc đà: bà Lemer liệt kê đầy đủ website nơi có thể mua được loại sữa mà Bộ y tế Anh gọi là "fake treatment".

5.2 Outsmarting autism giới thiệu nhiều hình thức trị liệu không có bằng chứng khoa học.

Một ma trận đầy các loại trị liệu tả pí lù được bà Lemer tâng bốc lên tận mây xanh nhưng không hề có bằng chứng khoa học. Xin lưu ý, vì đây là trị liệu y sinh [không phải trị liệu tâm lý - giáo dục], nên tiêu chuẩn về "có bằng chứng khoa học" phải theo các chuẩn của y khoa, Harry tham khảo kết luận từ các bài báo hay tổ chức uy tín khác cho nhanh chóng.

- Men tiêu hoá [digestive enzymes]:

  • Men tiêu hoá không có bằng chứng khoa học. Nguồn từ Raising Children Network [Australia], AAP [Mỹ].
  • Bà Lemer ủng hộ và liệt kê một loạt công ty bán men tiêu hoá "chất lượng" cho trẻ tự kỉ, trong đó có cả công ty tai tiếng của một trong những người sáng lập ra DAN! [chương 4].

- Kỹ thuật ghép phân [FMT]:

  • Không có bằng chứng khoa học. Nguồn từ Autism Speaks. Bộ y tế Singapore [2023] đã không cho phép dùng các trị liệu trên cho trẻ tự kỉ [nguồn].
  • Cần nhớ rằng, kĩ thuật này đòi hỏi 2 tuần kháng sinh để loại hết vi khuẩn đường ruột.

- Gluten-Free, Casein-Free [GF/CF]:

  • Không có bằng chứng khoa học. Nguồn từ Raising Children Network [Australia], NAS [Anh], ASAT [Mỹ].
  • Bà Lemer viết phần này rất kĩ, rất dài, quảng cáo cho đủ thứ website bán các mặt hàng đặc biệt cho trẻ ăn kiêng GFCF [chương 5]. Điều thú vị là bà Lemer tiếp tục dẫn nguồn "trust me bro", khi bà nói "theo như tôi nghe được từ người bạn làm bác sĩ, thì trẻ ăn GFCF cải thiện rất nhiều".

- Chế độ ăn Feingold [Feingold Diet]

  • Đã bị chỉ ra là không có tác dụng gì trong các vụ kiện liên quan tới DAN!.
  • Bà Lemer quảng cáo liên tục cho chế độ ăn này, khuyến khích phụ huynh đăng kí thành viên [bà còn chu đáo nêu giá tiền "chỉ dưới $100/năm] trên website của tổ chức hướng dẫn ăn kiêng Feingold [chương 5].

- Chế độ ăn không có chất lên men [yeast-free diet]

  • Năm 2022, Raising Children Network [Australia] chỉ ra là phương pháp này không có bằng chứng gì là giúp cho trẻ tự kỉ. Tổ chức này cũng cảnh báo là khi dùng thuốc diệt nấm phải cẩn thận làm tổn thương gan của trẻ.
  • Bà Lemer khuyến khích phụ huynh kết hợp 3 giải pháp ăn kiêng: GFCF, Feingold và chế độ ăn không có chất lên men. Thế nào là ăn không có chất lên men? Rất cầu kì phức tạp: 1] phải giảm các đồ ăn có tinh bột/đường, đổi qua dùng stevia và xylitol; 2] dùng lợi khuẩn [probiotic] và 3] uống thuốc diệt nấm. Ngoài ra còn phải kết hợp oxy cao áp để diệt nấm ngoài da. Đây toàn là giải pháp từ phác đồ DAN!

- Chế độ ăn không chứa oxalate

  • Đây là giải pháp thậm chí chỉ dựa trên suy luận chứ chưa có nghiên cứu thực tế nào. Nguồn.
  • Tin theo chế độ ăn này, con bạn phải ngưng ăn rau spinach, nhiều loại hạt, không uống trà,...

- Chế độ ăn carbohydrate đặc biệt [Specific Carbohydrate Diet - SCD]

  • Đây là giải pháp thậm chí chỉ dựa trên suy luận chứ chưa có nghiên cứu thực tế nào. Nguồn.
  • Tin theo chế độ ăn này, con bạn phải ngưng ăn nhiều loại thực phẩm mà bà Lemer tin rằng không chứa monosaccharides. Ngoài ra còn nhiều yêu cầu kì quái khác: ví dụ chỉ được ăn trái cây gọt vỏ. Đây cũng là một giải pháp trong phác đồ DAN!

- Chế độ ăn Body Ecology Diet [BED]

  • Đây là giải pháp Harry thậm chí còn không tìm thấy một trang web uy tín nào nhắc tới chứ đừng nói là nghiên cứu. Theo bà Lemer, BED là chế độ ăn hoàn hảo, xịn nhất mà bà tìm thấy, kết hợp giữa GFCF và chế độ ăn carbohydrate đặc biệt. BED, theo bà Lemer, là sự kết hợp giữa triết lý Đông Tây.
  • Tin theo chế độ ăn này, bạn phải thực hành 7 nguyên lý BED. Trong đó có nhiều cái đọc xong choáng luôn: chế độ ăn phải thay đổi theo nhóm máu, phải phối hợp âm - dương, phải cân bằng toan - kiềm, phải theo nguyên tắc 80/20,... và dĩ nhiên, đúng theo phong cách của bà Lemer, cái gì cầu kì, khó khăn thì bà luôn có giới thiệu website kèm chương trình hội viên đi kèm.

Dĩ nhiên, trong toàn bộ chương sách về chế độ ăn, ta cũng sẽ thấy tên cách phương án rất tốt, rất logic, như: cải thiện ăn uống, loại bỏ yếu tố gây stress, bổ sung probiotic, ăn keto, chế độ ăn Low-FODMAP [đã được chứng minh là tốt cho bệnh nhân viêm ruột], chế độ ăn không có glutamate [Reduced Excitatory Inflammatory Diet - REID Program], diệt kí sinh trùng [dĩ nhiên chúng ta đều uống thuốc xổ giun hàng năm, nhưng bà Lemer quảng bá phương án diệt giun sán giúp cải thiện triệu chứng tự kỷ và nêu tên công ty cung cấp loại mặt hàng đặc trị này]. Đó chính là kĩ thuật đưa thông tin của bà Lemer: trộn lẫn cái tốt, cái còn chưa đủ bằng chứng và cái hoàn toàn có hại vô một chương. Để cuối cùng, bà chốt sổ bằng một giải pháp ăn uống cực kì cầu kì phức tạp, từ đó, bà gợi ý trang web có thu phí hội viên để phụ huynh theo học cách chuẩn bị chế độ ăn này. BÀ LEMER BÀN CHUYỆN ĂN UỐNG CHẲNG QUA ĐỂ BÁN KHOÁ HỌC DẠY CHUẨN BỊ CHẾ ĐỘ ĂN.

- Loại bỏ viêm [inflammation]: trong mục này, bà Lemer đề xuất sử dụng toàn những thứ "đồ cổ" của phác đồ DAN! như naltrexone liều thấp [bạn đọc ngoài ngành y có thể chưa biết, đây là thuốc cấp cứu bệnh nhân quá liều heroine], Actos [pioglitazone] một thuốc trị đái tháo đường, oxy cao áp, cần sa, yogurt chứa GcMAF, tế bào gốc; dĩ nhiên, bà Lemer sử dụng thủ pháp cũ, trộn vài món vô thưởng vô phạt vô, bà kể thêm nghệ và omega-3. Bộ y tế Singapore, năm 2023, đã không cho phép dùng các thuốc/trị liệu trên cho trẻ tự kỉ [nguồn]. BÀ LEMER CỔ XUÝ DÙNG NHỮNG TRỊ LIỆU DÙNG THUỐC TIỀM ẨN NGUY HIỂM CAO.

- Xoa bóp, nắn xương [chiropractic], osteopathy và cranio-sacral therapy:

  • Không có bằng chứng khoa học. Nguồn từ Raising Children Network [Australia], SpectrumNews.
  • Bộ y tế Singapore, năm 2023, đã không cho phép dùng các trị liệu trên cho trẻ tự kỉ [nguồn].

- NMRI

  • Không có bằng chứng khoa học.
  • Harry Le có bài viết về NMRI ở đây.

Như đã bàn ở trên, bà Lemer lấy danh nghĩa là "tổng hợp cho đầy đủ" các giải pháp trị liệu để lồng ghép rất nhiều trị liệu theo trường phái DAN! vào cuốn sách của bà. Việc cung cấp một ma trận dày đặc các giải pháp còn khiến phụ huynh [nhất là phụ huynh mới] bị rối và từ đó, khả năng cao là sẽ mua các tài khoản thành viên hay các khoá học "cầm tay chỉ việc" của bà và các cộng sự.

5.3 Outsmarting autism sử dụng nhiều thuyết âm mưu, "cào bằng" các hình thức trị liệu, cổ xuý ưu tiên sử dụng các hình thức trị liệu mà bà Lemer có lợi ích liên quan.

- Có rất nhiều thuyết sai lầm, gần như là thuyết âm mưu trong sách:

  • Vaccine gây tự kỉ: Ở chương 6, khi bàn về vaccine, bà Lemer thể hiện bà là một cảm tình viên [a sympathier] của phong trào DAN! khi liên tục cáo buộc vaccine có liên quan tới các rối loạn phát triển [điều đã được khẳng định là sai lầm từ nghiên cứu cũng như chính các luật sư của phong trào DAN! đã thất bại khi tranh tụng trước toà liên bang Mỹ trong loạt 6 vụ kiện nổi tiếng Omnibus Autism Proceeding]. BÀ LEMER LÀ NGƯỜI ANTI-VAX.
  • Fluoride, lấy tuỷ răng làm tăng nguy cơ tự kỉ, Parkinson, ung thư [chương 12].

- Cào bằng các hình thức trị liệu:

  • Chương 15: xin coi hình bên phải, bà Lemer liệt kê một loạt các hướng tiếp cận, các chiến lược với nhau dưới một cái tên "nâng cao các kĩ năng giao tiếp và cảm xúc - xã hội thông qua chơi". Chẳng ai xếp chiến lược câu chuyện xã hội vô can thiệp chơi cả. Chẳng ai xếp SCERTS [một curriculum toàn diện] chung với với một chiến lược như social stories hết. Và cuối cùng, ai lại đặt cùng mâm những thứ xịn trong can thiệp tự kỉ với SonRise và can thiệp bằng cưỡi ngựa bao giờ.
  • Chương 16: bà xếp can thiệp hành vi và neurofeedback vô cùng một chỗ, cứ như thể 2 hình thức can thiệp này có cùng phân loại bằng chứng khoa học. Trong khi rất nhiều quốc kha không khuyến khích dùng neurofeedback cho trẻ tự kỉ.

Đây chính là một kĩ thuật khác của bà Lemer: cào bằng, xoá nhoà cơ sở lí thuyết và bằng chứng khoa học, để phụ huynh tin rằng: trị liệu nào cũng có giá trị ngang nhau.

- Cổ xuý ưu tiên sử dụng các hình thức trị liệu mà bà Lemer có lợi ích liên quan

Do xuất thân không có bằng cấp về can thiệp tự kỉ, mà chỉ có chứng chỉ về tật khúc xạ, bà Lemer đã tìm ra cách để nâng cao vị thế món trị liệu độc đáo của bà. Trong chương 14, bà Lemer viết rất dài, rất kĩ về một hình thức trị liệu gọi là trị liệu thị giác [Vision therapy - VT]. VT không được Bộ y tế Singapore, năm 2023, khuyến cáo dùng cho trẻ tự kỉ [nguồn].

6. Có gì hay để học hỏi từ sách Outsmarting Autism?

Nếu bạn đã kiên nhẫn đọc tới đây, Harry tin rằng các bạn cũng có thể nhận ra nhiều chỗ bất ổn trong cuốn sách Outsmarting autism này:

  • Tác giả không có bằng cấp về trị liệu, không làm nghiên cứu khoa học, là cảm tình viên của DAN!, anti-vax, thích thuyết âm mưu.
  • Tác giả cổ vũ sử dụng những trị liệu tiềm ẩn nguy cơ cao [thải độc], không có bằng chứng khoa học, bị cấm, quá cầu kì phức tạp.
  • Sách này giống một cuốn "trang vàng điện thoại" hơn là sách bàn về chuyên môn, nơi quảng cáo trá hình dày đặc.
  • Tác giả cào bằng các hình thức trị liệu.

Bà Lemer là một cảm tình viên trọn đời của phong trào DAN, đến tận năm 2022, bà vẫn còn cổ xuý thải độc cho trẻ tự kỉ. Việc quảng bá cho cuốn sách này chẳng qua là một hoạt động bình thường của một người bán khoá học và phí hội viên. Nếu không tin, các bạn có thể tự kiểm chứng việc bà Lemer dùng sách Outsmarting autism như là cơ sở lí thuyết để bán các khoá đào tạo "chuyên gia", huấn luyện phụ huynh trên website của bà: epidemicanswers.org. Harry xin đính kèm hình phí hội viên năm 2024 để gia nhập cộng đồng chữa lành của bà Lemer và danh sách các loại bệnh tật mà bà cam kết chữa lành.

Việc quảng cáo cho dịch vụ của bản thân không hề xấu, việc đề cao hướng trị liệu của bản thân, trong chừng mực nào đó, cũng có thể chấp nhận được. Nhưng hứa là chữa lành được tự kỉ, rồi tung ra một rừng các giải pháp để phụ huynh mới bị rối, là tội ác. Phụ huynh mới là những người rất dễ tin những lời hứa hẹn, những hi vọng chữa lành. Đa số phụ huynh sau khi tham gia nấu những món ăn cầu kì, những trị liệu "toàn diện" cho đủ mọi giác quan, rồi sẽ đi về đâu? Họ sẽ tiêu tốn rất nhiều thời gian vàng quí báu của tụi nhỏ, thu về rất ít sự tiến bộ, tiền bạc không được tập trung vô đúng hướng.

Theo Harry, điều hay ho duy nhất ta có thể nhận được từ sách Outsmarting autism, đó là sau khi đọc xong, ta có dịp nhớ lại một câu cách ngôn nổi tiếng: "If you don't have something nice to say, don't say anything at all". Nếu bạn không có gì hay để nói, tốt hơn hết đừng nói gì. Thế giới của người tự kỉ sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều nếu những tác giả lôm côm như bà Lemer ngừng ra sách.

---

[5] //anh-usa.org/half-of-all-children-will-be-autistic-by-2025-warns-senior-research-scientist-at-mit/

Chủ Đề