Lysine la gi

Lysine là một trong những axit amin thiết yếu mà cơ thể không thể tự tạo ra mà cần phải hấp thu từ các nguồn thực phẩm. Vậy tác dụng của lysine là gì, làm sao bổ sung lysine cho trẻ đúng cách?

Mục lục

  1. Lysine là gì?
  2. Tác dụng của lysine với trẻ nhỏ và người lớn
  3. Bổ sung lysine đúng cách: Liều dùng lysine bao nhiêu là đủ?
  4. Tác dụng phụ của việc uống bổ sung lysine
  5. Thuốc lysine có thể tương tác với thuốc nào?
  6. Lysine có trong thực phẩm nào?
  7. Lưu ý khi chế biến và dự trữ thực phẩm có lysine

Lysine là gì?

Lysine (hay Lysin, còn được gọi là L-lysine, viết tắt là Lys hoặc K) là một axit amin cần thiết cho nhiều chức năng của cơ thể. Ngoài việc cấu thành nên cấu trúc protein, lysine còn tham gia vào các quá trình chuyển hóa, giúp cơ thể hấp thu canxi, sắt, hỗ trợ hệ thống miễn dịch…

Cơ thể chúng ta không thể tự tổng hợp lysine mà phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn dinh dưỡng từ các loại thực phẩm hằng ngày. Do đó, chế độ dinh dưỡng phù hợp có vai trò rất quan trọng trong việc bổ sung đầy đủ lysine cần thiết cho cơ thể.

Tác dụng của lysine với trẻ nhỏ và người lớn

Cơ thể con người cần lysine để hoạt động một cách tốt nhất, giúp mô cơ thể phát triển và phục hồi sau tổn thương. Ngoài ra, các lợi ích khác của lysine cho bé và cho người lớn nói chung còn bao gồm:

  • Giúp cơ thể hấp thụ canxi, sắt và kẽm, hỗ trợ cơ xương phát triển, hạn chế tình trạng thiếu máu…
  • Thúc đẩy tăng trưởng collagen giúp hồi phục nhanh vết thương. (1)
  • Giúp sản xuất các enzyme, kháng thể và kích thích tố.
  • Hỗ trợ hệ thống miễn dịch khỏe mạnh.

Lysine la gi

Một tác dụng của lysine là hỗ trợ bé hấp thu canxi và cấu trúc nên protein, giúp bé phát triển cao lớn, khỏe mạnh.

Khi không được cung cấp đủ lysine, cơ thể có thể gặp các triệu chứng sau: Mệt mỏi, kém tập trung, cáu gắt, buồn nôn, mắt đỏ, rụng tóc, chán ăn, tăng trưởng chiều cao, thể chất bị hạn chế, thiếu máu, rối loạn chức năng hệ sinh sản…

Dưới đây là một số lợi ích cụ thể trong việc điều trị bệnh khi cơ thể được bổ sung đầy đủ lysine.

  • Điều trị mụn rộp (herpes): Lysine có thể giúp kiểm soát vi rút herpes, do đó có thể làm giảm số lượng và tần suất bùng phát mụn rộp do vi rút herpes simplex loại 1 gây ra. Lysine cũng có thể hỗ trợ điều trị mụn rộp sinh dục. Một số khuyến cáo rằng những người có tiền sử nhiễm herpes nên bổ sung 1.000 – 3.000mg lysine mỗi ngày. (2)
  • Hạ huyết áp: Theo một nghiên cứu, tác dụng của lysine là có thể giúp giảm huyết áp cao ở những người có chế độ ăn uống không đủ axit amin này. Tuy nhiên, cần phải có nhiều nghiên cứu thêm trước khi các chuyên gia có thể xác định liệu bổ sung lysine có phải là phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh cao huyết áp hay không. (3)
  • Điều trị bệnh đái tháo đường (tiểu đường): Kết quả của một nghiên cứu trên 12 tình nguyện viên khỏe mạnh cho thấy lysine có thể làm chậm sự gia tăng mức đường huyết sau khi ăn. Khám phá này có thể dẫn đến các phương pháp điều trị hiệu quả cho những người mắc bệnh tiểu đường. (4)
  • Lợi ích khác của lysine: Do những chức năng mà lysine mang lại cho cơ thể, các nhà nghiên cứu quan tâm đến tiềm năng của các chất bổ sung lysine cho những vấn đề sau:
    • Ngăn ngừa mất khối lượng cơ và các vấn đề về vận động ở người cao tuổi
    • Giảm bớt lo lắng (5)
    • Ngăn ngừa mất xương và loãng xương bằng cách giúp cơ thể hấp thụ canxi (6)
    • Thúc đẩy sự phát triển khỏe mạnh của da
    • Điều trị bệnh zona
    • Điều hòa huyết áp
    • Ngăn ngừa sự tích tụ mảng xơ vữa trong động mạch
    • Hỗ trợ mọc tóc
    • Xây dựng cơ bắp ở các vận động viên thể hình
    • Giúp các vận động viên phục hồi sau các bài tập cường độ cao

Bổ sung lysine đúng cách: Liều dùng lysine bao nhiêu là đủ?

Lysine thường dùng bằng đường uống khi bụng đói, nhưng cũng có thể thoa lên da, chẳng hạn như để điều trị mụn rộp. Các nhà nghiên cứu ước tính rằng một người 70kg cần khoảng 800–3.000mg lysine mỗi ngày. Liều lượng lysine cần bổ sung cho mỗi người theo độ tuổi như sau:

  • Người lớn: 12mg/kg trọng lượng cơ thể
  • Trẻ từ 11 đến 12 tuổi: 44mg/kg
  • Trẻ sơ sinh từ 3 đến 6 tháng tuổi: 97mg/kg

Hầu hết lysine có thể được hấp thụ thông qua chế độ ăn uống hằng ngày. Việc bổ sung lysine thông qua viên uống bổ sung cần phải có sự tư vấn và kê toa của các bác sĩ trong việc điều trị bệnh.

Các bác sĩ không khuyến nghị bổ sung lysine cho trẻ em, phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú. Bất kỳ ai có vấn đề về thận hoặc gan nên tránh dùng chất bổ sung lysine.

Tác dụng phụ của việc uống bổ sung lysine

Mặc dù việc uống bổ sung lysine khá an toàn và không gây ra nhiều tác dụng phụ, việc tự ý uống liều cao lysine lên 10 – 15g/ngày có thể dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa, chẳng hạn như:

  • Tiêu chảy
  • Buồn nôn
  • Co thăt dạ dày

Có những báo cáo về mối liên quan giữa chất bổ sung lysine và các vấn đề về thận, và các nghiên cứu trên động vật cho thấy chất bổ sung lysine có thể làm tăng nguy cơ sỏi mật và cholesterol cao hơn.

Thuốc lysine có thể tương tác với thuốc nào?

Lysine có tương tác với arginine, là một axit amin hỗ trợ hệ tuần hoàn. Uống một lượng lớn lysine có thể làm giảm khả năng chuyển hóa arginine của cơ thể.

Lysine cũng có thể tương tác với một nhóm thuốc kháng sinh được gọi là aminoglycoside, có khả năng gây tổn thương thận.

Vì lysine làm tăng sự hấp thụ canxi, do đó cần theo dõi việc bổ sung canxi qua đường uống khi đang sử dụng chất bổ sung lysine.

Lysine có trong thực phẩm nào?

Bổ sung lysine cho trẻ đúng cách như thế nào? Lysine có trong nhiều loại thực phẩm khác nhau. Nguồn cung cấp lysine chính là các sản phẩm động vật, chẳng hạn như thịt và các sản phẩm từ sữa. Đối với người ăn chay và thuần chay, các loại đậu và mầm lúa mì là nguồn cung cấp axit amin lysine dồi dào. (7)

Các loại thực phẩm sau đây sẽ giúp cơ thể đáp ứng lượng lysine được khuyến nghị hàng ngày: Các loại thịt động vật: thịt đỏ, thịt gà, trứng, cá (cá tuyết hoặc cá mòi), các loại đậu (đậu lăng, cô ve, đậu phộng), pho mát, mầm lúa mì, quả hạch, đậu nành, men bia, tảo Spirulina, một loại tảo được các nhà sản xuất nén và bán ở dạng viên hoặc bột…

Hầu hết mọi người, bao gồm cả những người ăn chay, có đủ lysine từ chế độ ăn uống thông thường của họ và không cần phải uống bổ sung.

Lysine la gi

Thực phẩm từ sữa, thịt, các loại rau, đậu là nguồn bổ sung lysine tuyệt vời.

Lưu ý khi chế biến và dự trữ thực phẩm có lysine

Theo một số nghiên cứu, hàm lượng lysine trong thực phẩm sẽ giảm khi bảo quản trong tủ lạnh 48 giờ, ở nhiệt độ 4 độ C hoặc trong tủ đông 15 ngày, ở nhiệt độ âm 20 độ C. Do đó, cách tốt nhất để bảo đảm nguồn lysine là chế biến các loại thực phẩm tươi, không dự trữ quá lâu.

Ngoài ra, trong quá trình chế biến lysine có thể bị mất ở nhiệt độ 75 độ C trong 15 giây và mất nhiều hơn ở nhiệt độ 63 độ C trong 30 phút. Vì vậy, khi nấu ăn, nên làm nhanh gọn, tránh việc hầm, nấu quá lâu trên bếp.

Trên đây là một số thông tin cơ bản về lysine, lysine là gì, tác dụng của lysine hay lysine và làm sao bổ sung lysine cho trẻ đúng cách… Thông thường, một chế độ ăn uống đầy đủ đã có thể cung cấp đủ lượng lysine cần thiết cho trẻ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cần phải điều trị bệnh, việc bổ sung lysine bằng đường uống có thể được cân nhắc và chỉ định bởi các bác sĩ chuyên khoa.