Ngày Cách mạng Tháng 8

Ngày 19/8 hàng năm không chỉ là ngày đại thắng cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 mà còn là ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam.

Ngày 19/8 là ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam. Cụ thể, vào ngày 12/12/2005, chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký Lệnh số 30/2005/L-CTN công bố Luật Công an nhân dân, trong đó quy định: “Ngày 19 tháng 8 hàng năm là Ngày truyền thống của Công an nhân dân và là ngày hội “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

Cũng vào ngày 19/8 hơn 75 năm trước [năm 1945] là cột mốc lịch sử đáng nhớ của dân tộc ta, mở ra một thời kỳ mới của đất nước. Cách mạng tháng 8 nổ ra, toàn thể nhân dân tiến về Quảng trường Nhà hát Lớn mít tinh, biểu tình và cuộc tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi ở Hà Nội.

Nói đến lịch sử của ngày 19/8 ta phải kể về năm 1945 với trang sử hào hùng của quân dân Việt Nam ta trong cuộc Cách mạng tháng 8 giành thắng lợi, mở đầu cho Ngày Quốc khánh trọng đại của nước Việt Nam.

Năm 1958, quân Pháp tấn công Đà Nẵng, tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, biến nước ta thành nước thuộc địa nửa phong kiến. Thời bấy giờ nhân dân ta khốn cùng, nhiều cuộc đấu tranh, phong trào khởi nghĩa liên tiếp nổ ra để đòi lại nền độc lập dân tộc.

Vào tháng 8 năm 1945, thời cơ của dân tộc ta đến khi cuộc chiến tranh thế giới đi đến hồi kết. Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, quân dân ta đồng lòng nghe theo chỉ thị để chờ ngày tiến công. Cụ thể, từ ngày 13/8 - 17/8, các cơ quan đầu não của Đảng liên tiếp họp và phát lệnh Tổng khởi nghĩa trong cả nước.

Sáng ngày 19 tháng 8 năm 1945, nhân dân đồng loạt kéo về Nhà hát lớn Hà Nội để thực hiện cuộc mít tinh lớn chưa từng có trong lịch sử với sự bảo vệ của Thanh niên tự vệ. Cuối ngày, quân dân ta đã nhanh chóng làm chủ khu vực này. Thắng lợi ở Hà Nội đã trở thành sức mạnh kéo theo sự bùng nổ và tiếp thêm sức mạnh cho các cuộc giải phóng ở những tỉnh thành khác.

Vào thời điểm đó, lực lượng vũ trang ở Bắc Bộ gọi là Sở Liêm phóng, ở Trung Bộ gọi là Sở trinh sát, ở Nam Bộ gọi là Quốc gia tự vệ cuộc, dù vẫn chưa có tên gọi chung nhưng đều có nhiệm vụ có nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự. Đó cũng là các tổ chức tiền thân của Công an nhân dân Việt Nam.

Chính vì thế, ngày 19/8 đã trở thành Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam.

Ngày 19/8 đánh dấu sự thành công của cách mạng Việt Nam, đưa đất nước thoát khỏi sự áp bức bóc lột gần 100 năm của thực dân Pháp, xóa bỏ hoàn toàn chế độ phong kiến, thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Đây còn là ngày tôn vinh sự hy sinh, cống hiến của lực lượng công an nhân dân luôn đóng vai trò nòng cốt trong các cuộc chiến. Họ vừa là lực lượng tiên phong trong sự nghiệp bảo vệ tổ quốc vừa có nhiệm vụ giữ gìn trật tự, an toàn xã hội của đất nước.

Với vai trò gợi nhớ đến sự thành công của cuộc Cách mạng tháng 8 cùng sự hi sinh của lực lượng Công an Nhân dân Việt Nam, mỗi năm cứ đến ngày 19/8, mỗi người con Việt Nam, các con cháu thế hệ sau đều đồng lòng hướng về lực lượng Công an Nhân dân và bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với các vị anh hùng đã không tiếc xương máu để mang lại nền độc lập cho nước nhà như hiện nay.

Ngày 19/8/1945, Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội, các lực lượng quần chúng cách mạng đánh chiếm Bắc Bộ Phủ [Ảnh tư liệu: Bảo tàng Lịch sử quốc gia]

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn, lực lượng cách mạng ít đổ máu mà đã giành được chính quyền trong phạm vi toàn quốc. Từ khi ra đời Đảng ta đã tổ chức lực lượng cách mạng và tôi rèn trong lửa đạn đấu tranh với kẻ thù, thông qua các cuộc tổng diễn tập của cao trào cách mạng 1930 - 1931 và 1936 - 1939, kể cả trong thời kỳ tiền khởi nghĩa. Biết bao đồng bào, đồng chí đã anh dũng hy sinh hoặc phải tù đày trong nhà lao đế quốc để thực hiện các nhiệm vụ cách mạng, vận động và tập hợp quần chúng tham gia các cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược. Qua tôi rèn trong lửa đạn và ngục tù của thực dân đế quốc, lực lượng cách mạng của Đảng ta đã ngày một trưởng thành, khi thời cơ đã chín muồi, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân đứng lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi cả nước.

Cách mạng Tháng Tám đã diễn ra cách đây 77 năm. Thời gian càng lùi xa, chúng ta càng nhìn rõ hơn sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như tầm vóc vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Có thể nói, để có Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, một trong những nguyên nhân có tính quyết định, chính là sự lãnh đạo sáng suốt, khéo léo của Đảng, sự vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê nin trong điều kiện cụ thể ở nước ta một cách đúng đắn, độc lập, tự chủ và sáng tạo. Đảng có phương pháp, chiến lược, chiến thuật cách mạng phù hợp, linh hoạt trong từng giai đoạn cách mạng, đã động viên được tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí đấu tranh giành độc lập, tự do của các tầng lớp nhân dân tham gia vào cuộc khởi nghĩa. Đồng thời, Đảng nhanh chóng nhận thức được thời cơ, chủ động đón thời cơ, kiên quyết chớp thời cơ để tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, tạo ra một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc, chính quyền về tay nhân dân, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; chấm dứt chế độ Quân chủ phong kiến ở Việt Nam, kết thúc hơn 80 năm Nhân dân ta sống dưới ách đô hộ của chính quyền thực dân, phát xít. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ. Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành Đảng cầm quyền. Từ đây, đất nước, xã hội, dân tộc và con người Việt nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, là thắng lợi đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt nam. Từ cuộc cách mạng này đã để lại nhiều bài học quí báu cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc và quá trình xây dựng đất nước của Đảng và nhân dân ta sau này.

Cùng với cả nước, Đảng bộ Phú Thọ tuy còn non trẻ, nhưng đã nhanh chóng lãnh đạo nhân dân trong tỉnh vùng lên đấu tranh giành chính quyền trong cách mạng Tháng Tám. Trong những ngày sục sôi khí thế cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Ban cán sự Đảng và Mặt trận Việt minh, lực lượng vũ trang ở Chiến khu và các Căn cứ, được nhân dân các địa phương ủng hộ đã khởi nghĩa lật đổ chính quyền tay sai Nhật. Từ ngày 2/8/1945 đến 22/8/1945 tất cả 11 huyện trong toàn tỉnh đã giành được chính quyền về tay nhân dân. Tại thị xã Phú Thọ trung tâm của tỉnh, lực lượng quân Nhật còn khá đông, Ủy ban dân tộc giải phóng vừa vận động, vừa gây sức ép, đến sáng ngày 25/8/1945 lực lượng vũ trang cùng với đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia khởi nghĩa thắng lợi ở thị xã Phú Thọ, chính quyền đã về tay nhân dân. Một cuộc mít tinh được tổ chức ngay sau đó tại Sân vận động thị xã Phú Thọ. UBND cách mạng lâm thời của tỉnh chính thức ra mắt trước hàng vạn người tham dự lễ mít tinh mừng thắng lợi. Từ đây, chính quyền cách mạng được thành lập từ tỉnh đến cơ sở. Nhân dân Phú Thọ cùng cả nước bước vào xây dựng cuộc sống mới trong độc lập, tự do, dưới chính thể Cộng hòa.

Đảng bộ và quân dân Phú Thọ rất tự hào đã làm nên trang sử vàng cách mạng Tháng Tám, lật đổ ách thống trị của chính quyền thực dân phong kiến, thành lập chính quyền của dân và vì dân. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám ở Phú Thọ còn góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của cách mạng Tháng Tám trong phạm vi cả nước, để đi tới thành lập nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đồng Nam Á.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám ở Phú Thọ có vai trò to lớn của Đảng bộ tỉnh. Đảng bộ Phú Thọ tuy còn rất trẻ, mới vừa 5 tuổi [1940 - 1945], nhưng dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trực tiếp là sự lãnh đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ, Đảng bộ đã vận dụng và thi hành sáng tạo các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, tập hợp được đông đảo các tầng lớp nhân dân trong Mặt trận Việt Minh, tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa thắng lợi trong phạm vi toàn tỉnh.

Ý nghĩa và những bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám ở Phú Thọ cũng như cả nước sẽ mãi mãi soi sáng cho chúng ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.

Nguyễn Tiến Khôi - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Phú Thọ

Chủ Đề