Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó

Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo

08/10/2021 10:31 Số lượt xem: 160

Việt Nam nằm bên bờ Tây của Biển Đông, có vị trí địa chính trị và địa kinh tế ngày càng quan trọng, nhất là trong thời đại hiện nay. Bờ biển nước ta dài 3260km, đứng thứ 27 trong số 150 quốc gia ven biển, các quốc đảo và các lãnh thổ trên thế giới. Cả nước có 63 tỉnh thành phố thì 28 tỉnh thành phố có biển và gần một nửa dân số sinh sống tại các tỉnh, thành ven biển. Thêm vào đó, vùng biển nước ta có tiềm năng tài nguyên rất phong phú, đặc biệt là dầu mỏ, khí đốt; có nhiều điều kiện để phát triển du lịch - ngành công nghiệp không khói, hiện đang đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế của đất nước.

Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta khẳng định biển, đảo có vai trò quan trọng với việc xây dựng và phát triển của đất nước và con người Việt Nam. Biển nước ta được ví như mặt tiền, sân trước, cửa ngõ của quốc gia. Biển, đảo, thềm lục địa và đất liền hình thành phên giậu, chiến lũy nhiều lớp, nhiều tầng, bố trí thành tuyến phòng thủ liên hoàn bảo vệ Tổ quốc. Lịch sử dân tộc đã ghi nhận có tới 2/3 số cuộc chiến tranh, kẻ xâm lược đã sử dụng đường biển để tấn công nước ta. Và dân tộc ta cũng từng có nhiều chiến công đánh thắng giặc ngoại xâm trên biển. Do đó, trong quá trình lãnh đạo công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hơn ai hết Hồ Chí Minh không những hiểu tầm quan trọng của biển, đảo mà Người còn có tầm nhìn và tư duy chiến lược về công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Trong hành trình tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trải qua bốn biển nên khi trở thành người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Người đánh giá rất cao vị trí, vai trò biển, đảo với Tổ quốc, coi đó là một phần cấu thành nên sự giàu mạnh của đất nước. Người khẳng định nước ta có rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu. Người cũng nhận ra vai trò quan trọng của biển đối với vấn đề an ninh quốc gia. Ngày 10/4/1956, khi nói chuyện tai Hội nghị cán bộ cải cách miền biển, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa có được không? Kẻ gian tế nó sẽ vào chỗ nào trước? Nó vào ở cửa trước. Vì vậy ta phải giáo dục cho đồng bào biết bảo vệ bờ biển. Vì bọn địch thường thả bọn mật thám, gián điệp vào tìm chỗ nấp ở miền biển. Nếu để nó lọt vào, thì người bị thiệt hại trước là đồng bào miền biển. Nếu mình không lo bảo vệ miền biển, thì đánh cá, làm muối cũng không yên. Cho nên một nhiệm vụ quan trọng của đồng bào miền biển là phải bảo vệ bờ biển. Đồng bào miền biển là người canh cửa cho Tổ quốc.

Biển, đảo Việt Nam có vị trí vai trò quan trọng với Tổ quốc như vậy, nên sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành nhiều thời gian quan tâm đến biển, đảo và tự hào về biển, đảo Việt Nam. Người tích cực giới thiệu về biển đảo Việt nam với bạn bè quốc tế. Ngày 18/10/1946, sau chuyến thăm nước Cộng hòa Pháp trở về nước trên tàu Đuymông Đuyếcvin tại Vịnh Cam Ranh [Nha Trang], Hồ Chí Minh hội kiến với Cao ủy Pháp DArgenlieu. Khi DArgenlieu nói: Chủ tịch thật quen với biển cả, có lẽ xin tặng Người danh hiệu Người thủy thủ nhỏ như quân đội Pháp đã yêu quí mến tặng Napoleon cái tên Người đội trưởng nhỏ. Hồ Chí Minh đáp: Phải, người thủy thủ nhỏ của Hải quân Việt Nam. Với tài ứng phó, dí dỏm thông minh, Người đã khẳng định chủ quyền dân tộc nói chung và chủ quyền biển đảo nói riêng; khẳng định sức mạnh của Hải quân Việt Nam. Ngày 16/3/1961, Hồ Chí Minh cùng bà Đặng Dĩnh Siêu, trưởng đoàn Phụ nữ Trung Quốc đi thăm Hải Phòng, Vịnh Hạ Long và thăm đơn vị Hải quân Việt Nam.

Vì quan tâm nhiều về biển, đảo quê hương; xác định bàn con miền biển là người canh cửa cho Tổ quốc nên đã nhiều lần Hồ Chí Minh đến thăm nhân dân các địa phương miền biển: Đồ Sơn [Hải Phòng], Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Sầm Sơn [Thanh Hóa], Quảng Bình. Người đã tới các đảo: Đảo Tuần Châu, Đảo Hòn Rồng, Đảo Cồn Cỏ, Đảo Cô Tô, Đảo Vạn Hoa, Đảo Bạch Long Vĩ Hồ Chí Minh đã dành tình cảm đến thăm và chúc Tết chiến sĩ, bà con ngư dân miền biển. Hình ảnh của Hồ Chí Minh như một ngư dân thực thụ cùng kéo lưới với bà con vùng biển Sầm Sơn Thanh Hóa làm chúng ta vô cùng xúc động. Người cũng đã cùng bà con ở đảo Cô Tô thu hoạch khoai lang đồng thời, Người khẳng định vai trò của nhân dan miền biển đối với công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Ngày 31/3/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm làng cá Cát Bà [Hải Phòng].Khi nói chuyện với bà con ngư dân ở đây, Người khẳng định: Biển bạc của ta do dân ta làm chủ... cán bộ phải lo cho đời sống của nhân dân. Theo Người, làm chủ là bảo vệ và khai thác các nguồn lợi từ biển, làm chủ tiềm năng của biển để phục vụ cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và nâng cao đời sống cho nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh kéo lưới cùng đồng bào Sầm Sơn, 7/1960

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng huy hiệu của Người cho nhiều tấm gương ưu tú của quân dân biển đảo đã luôn bám biển ra khơi để sản xuất và canh giữ biển đảo Tổ quốc. Sự quan tâm của Người đã là nguồn động viên để quân dân vùng biển vượt qua khó khăn để xây dựng và bảo vệ quê hương.

Chủ tịchHồ Chí Minh đặc biệt quan tâm và dành tình cảm đến lực lượng vũ trang bảo vệ chủ quyền biển, đảo, nhất là Hải quân. Ngày 30/3/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm bộ đội hải quân ở tỉnh Quảng Ninh. Người đã đến làm việc với trường huấn luyện hải quân, xuống tàu T.524 đi kiểm tra vùng đảo trên Vịnh Hạ Long. Tại Trường huấn luyện Hải quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm nơi làm việc, nhà nghỉ, nhà bếp, sân tập, Người nói chuyện với giáo viên, học viên nhà trường và căn dặn mọi người: "Phải học tập phấn đấu không ngừng để bạn thân tiến bộ và xây dựng hải quân mau chóng trưởng thành"[1]. Người chỉ ra cái mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, rằng:"Ngày trước, ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay, ta có ngày, có trời, có biển, vì thế cần phải xây dựng một nền quốc phòng toàn dân, toàn diện. Nghĩa là quốc phòng phải dựa vào nhân dân, với quân đội nhân dân làm nòng cốt, quốc phòng phải dựa trên sức mạnh tổng hợp của tất cả các mặt trận quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật. Sức mạnh đó để ổn định và phát triển đất nước trong thời bình, chiến thắng kẻ thù trong chiến tranh. Người quan tâm đến tất cả các quân chủng hải, lục, không quân của quân đội Việt Nam. Và Người luôn nhắc nhở: "Bờ biển của ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó". Trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo, hải quân nhân dân là lực lượng nòng cốt. Đến 8 giờ sáng ngày hôm sau -ngày 31/3/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại tiếp tục đến cảng Hải quân Bãi Cháy và lên tàu T.554 đi thăm trận địa pháo của Đại đội 34 trên đảo Hòn Rồng. Tại đây, Người nói chuyện và căn dặn cán bộ, chiến sĩ phải cố gắng khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, an tâm với nhiệm vụ, tích cực học tập quân sự, chính trị, văn hóa, tăng gia sản xuất để cải thiện sinh hoạt đời sống. Biết bộ đội trên đảo thiếu nước ngọt và sách báo, Người bảo đồng chí cán bộ Tổng cục Hậu cần đi theo phải nghiên cứu, đảm bảo sao cho mỗi tuần anh em có thể tắm hai lần bằng nước ngọt. Thật bất ngờ khi Người lại hỏi:"Các chú chưa có đài nghe tin tức phải không, Bác sẽ gửi tặng các chú một chiếc". Mấy ngày sau, đơn vị nhận được điện của Phủ Chủ tịch mời lên nhận tài của Người tặng. Người căn dặn: Là chiến sĩ Hải quân, các chú phải biết yêu quí đảo như nhà mình, chịu khó cải tạo xây dựng thành những mảnh đất vừa giầu, vừa đẹp, vừa có lợi cho mình, vừa có ích cho đất nước.

Đến ngày 16/3/1961, Người lại đi thăm Hải Phòng, Vịnh Hạ Long và thăm đơn vị Hải quân Việt Nam và căn dặn: Bờ biển nước ta có vị trí rất quan trọng. Vì vậy nhiệm vụ của Hải quân trước mắt cũng như lâu dài rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Phải biết tìm cách đánh phù hợp với điều kiện con người, địa hình bờ biển nước ta và vũ khí trang bị mình có. Hải quân ta phải học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại nhưng không được quên truyền thống đánh giặc xa xưa của tổ tiên[2]. Đó là định hướng chiến lược sản xuất cho lực lượng hải quân ta từ trước khi xảy ra cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ với miền Bắc.

Khi cùng các cán bộ, chiến sĩ quân chủng hải quân vào thăm Hang Đầu Gỗ, một công binh xưởng xưa kia quân của Trần Hưng Đạo làm cọc cắm trên sông Bạch Đằng chống quân Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh xúc động nói: Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó.

Người không chỉ cổ vũ lòng yêu nước yêu quê hương của các chiến sĩ tinh thần gìn giữ biển đảo như gìn giữ chính nhà mình mà còn vạch hướng xây dựng các đảo của Tổ quốc thành những mảnh đất giàu mạnh của đất nước. Người chỉ rõ, trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo, các lực lượng vũ trang phải biết đoàn kết, dựa vào nhân dân.

Bác Hồ thăm đồng bào Cô Tô [Quảng Ninh], 9/5/1961

Ngày 09/5/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra thăm đảo Cô Tô, tỉnh Hải Ninh, nay thuộc tỉnh Quảng Ninh. Người tới thân hợp tác xã nông nghiệp của bà con nhân dân trên đảo, nói chuyện trước hơn 2.000 đồng bào, cán bộ, bộ đội trên khu đồi sim đang mùa hoa nở, Bác dặn dò mọi người những công việc cụ thể cần làm tốt để thiết thực góp phần vào sự nghiệp chung. Người nhấn mạnh: "về trật tự trị an, các đồng chí bộ đội, công an, dân quân cần tiếp tục cố gắng học tập chính trị, nghiệp vụ và văn hóa, cần đoàn kết chặt chẽ với nhân dân và giúp đỡ nhân dân. Đồng bào thì cần giúp đỡ các đồng chí ấy làm nhiệm vụ cho thật tốt.

Để làm tốt các việc trên đây, mỗi người phải nhận thật rõ và làm thật đúng nghĩa vụ người làm chủ nước nhà. Cán bộ phải chí công vô tư, phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân"[3].

Ngày 13/11/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm căn cứ hải quân tại đảo Vạn Hoa, Quảng Ninh người căn dặn các chiến sĩ: "Là chiến sĩ hải quân các chú phải biết yêu quỹ đảo như nhà mình chịu khó cải tạo xây dựng thành những mảnh đất vừa giàu vừa đẹp vừa có lợi cho mình vừa có lợi cho đất nước"[4].

Với chiến lược xây dựng nền quốc phòng toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đảng ta đã lãnh đạo quân dân ta đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên vùng trời, vùng biển, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền trên biển đảo của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Quan tâm đến đồng bào và chiến sĩ trên đảo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hai lần gửi thư khen động viên các chiến sĩ trên đảo Cồn Cỏ anh dũng đã bắn rơi máy bay Mỹ và trực tiếp tuyên dương công trạng của các lực lượng phòng không, hải quân trong việc đánh bại các hoạt động của máy bay, tàu chiến đến khiêu khích, ném bom bắn phá vùng biển, vùng trời miền Bắc nước ta. Ngày 07/8/1964, trong buổi lễ tuyên dương các đơn vị phòng không và hải quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn căn dặn: "Các đơn vị bộ đội, công an nhân dân vũ trang, dân quân tự vệ và các địa phương cần rút kinh nghiệm để sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm. Các chú phải tiếp tục đẩy mạnh mọi mặt công tác và luôn luôn nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc"[5]. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm quốc phòng và an ninh có quan hệ chặt chẽ với nhau và cần phải xây dựng được thế trận quốc phòng toàn dân và an

ninh nhân dân trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo. Trong sự nghiệp đó, Hải quân Nhân dân Việt Nam có vai trò ngày càng quan trọng.

Ngày 11/8/1965, nhân dịp Hải quân Việt Nam vừa tròn 10 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho cán bộ và chiến sĩ hải quân. Người vừa khen ngợi thành tích của hải quân, vừa vạch rõ sự cần thiết xây dựng hải quân vững mạnh trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam: "Tuy còn non trẻ nhưng nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự tin yêu giúp đỡ của nhân dân, sự cố gắng không ngừng của mình, hải quân ta đã anh dũng chiến đấu, tích cực diệt địch, bắn rơi máy bay và đánh đuổi tàu chiến Mỹ, đoàn kết lập công, bảo vệ nhân dân, bảo vệ vùng trời và vùng biển của Tổ quốc. Các chú đã nêu cao truyền thống anh hùng của dân tộc ta.

Các chú hãy ra sức phát huy ưu điểm, sửa chữa nhược điểm, khó không nản, thắng không kiêu, cùng với đơn vị bạn và nhân dân quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ miền Bắc, ủng hộ cách mạng giải phóng miền Nam, tiến tới hòa bình, thống nhất nước nhà"[6].

Chúng ta mãi ghi lời nói của Hồ Chí Minh năm 1961: Thủ đô Hà Nội tuy cách xa các đảo, nhưng Đảng và Chính phủ luôn luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết cố gắng và tiến bộ[7].

Thực hiện tư tưởng của Người về biển, đảo, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết 36 - NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, Đảng ta đã nêu ra một số chủ trương lớn về: [1] Phát triển kinh tế biển và ven biển; [2] Phát triển các vùng biển dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, hài hoà giữa bảo tồn và phát triển; [3] Bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng, chống thiên tai; [4] Nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hoá biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển; [5] Bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế. Để thực hiện đường lối của Đảng và Nhà nước về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, chúng ta cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển bền vững biển, tạo đồng thuận trong toàn xã hội.

Thứ hai, hoàn thiện thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về phát triển bền vững kinh tế biển.

Thứ ba, phát triển khoa học, công nghệ và tăng cường điều tra cơ bản biển.

Thứ tư, đẩy mạnh giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển.

Thứ năm, tăng cường năng lực bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực thi pháp luật trên biển.

Thứ sáu, chủ động tăng cường và mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển.

Thứ bảy, huy động nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển bền vững biển, xây dựng các tập đoàn kinh tế biển mạnh.

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tr.366

[2] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia- Sự thật. 2011, T.10, tr.309.

[3] Tỉnh ủy Quảng Ninh, Ban Tuyên giáo: Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh, Hạ Long, tháng 7/2007, tr.110

[4] Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, T. 8 [1961 -1963], Sđd, tr. 310

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, T,14, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.366

[6] Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, T.7 [1958 1960]. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.249.

[7] Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, T.8 [1961 n 1963], Nxb. Chính trị Quốc gia, năm 2009, tr.46

Đặng Khánh Toàn,

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Video liên quan

Chủ Đề