Nghệ An có bao nhiêu đồng bào dân tộc sinh sống?

Trong chuyến công tác ở miền Trung vừa qua, chúng tôi đã vượt hàng trăm kilômét đường đồi núi đến với bản Văng Môn [xã Nga My, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An], thăm nơi đồng bào Ơ Đu - dân tộc ít người nhất Việt Nam sinh sống. Nằm bên Quốc lộ 48C cách trung tâm huyện lỵ Tương Dương gần 70 km, bản Văng Môn có 98/103 hộ, 328/447 khẩu là người đồng bào dân tộc Ơ Đu sinh sống. Bản mới hình thành năm 2006, khi đồng bào Ơ Đu ở 02 bản Xốp Pột, Kim Hòa [xã Kim Đa, huyện Tương Dương] chuyển về để nhường đất xây dựng công trình Thủy điện Bản Vẽ; số hộ dân tộc Ơ Đu khác chuyển về sống xen kẽ với người dân tộc Thái, Khơ Mú ở 04 xã: Tam Đình, Thạch Giám, Xá Lượng, Lượng Minh của huyện Tương Dương.

Bên nhà văn hóa bản Văng Môn được xây dựng theo kiến trúc nhà sàn rộng rãi, khang trang, đồng chí Lương Hồng Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Nga My cho biết: Kể từ khi đồng bào chuyển về bản Văng Môn sinh sống tập trung thì hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội tăng lên rõ rệt, chất lượng cuộc sống của người Ơ Đu không ngừng được cải thiện, ý thức tự tôn về cộng đồng dân tộc của người Ơ Đu cũng được thể hiện rõ nét hơn. Bản Văng Môn có 01 chi bộ với 18 đảng viên đang sinh hoạt, thường xuyên làm tốt công tác tư tưởng chính trị, đoàn kết, gương mẫu thực hiện và vận động nhân dân trong bản thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, địa phương; tích cực tham gia lao động, sản xuất, học tập, chăm lo phát triển kinh tế… nên đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt.

Trưởng bản Văng Môn Mạc Thị Tím cung cấp thêm thông tin: Hàng năm, đồng bào trong bản đều được tỉnh, huyện hỗ trợ theo Quyết định 102, được cấp cây giống, con giống, hỗ trợ tiền điện, tiền tết, gạo cứu đói, cho vay vốn để phát triển sản xuất… Trong bản, 100% con cháu của đồng bào dân tộc Ơ Đu trong độ tuổi được đến trường học có chất lượng, được ưu tiên tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng của lực lượng vũ trang, các ngành khác và được ưu đãi, hỗ trợ chi phí học tập. Tính đến năm 2018, đã có 59 người học hết chương trình THPT, trong đó có 17 người trình độ đại học, 07 người trình độ cao đẳng, 02 trung cấp. 95% hộ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng các dịch vụ viễn thông internet, truyền hình, đài phát thanh. 100% người dân trong bản được cấp thẻ bảo hiểm y tế; trên địa bàn xã có trạm y tế, bản có 01 nhân viên y tế, 01 cộng tác viên dân số. Do làm tốt công tác tuyền truyền, vận động và theo phong tục truyền thống nên đồng bào dân tộc Ơ Đu không xảy ra tình trạng hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn…

Trưởng bản Mạc Thị Tím vui vẻ cho chúng tôi biết: Nhân dân trong bản mới đón tết truyền thống Lễ hội Tiếng sấm đầu năm của dân tộc Ơ Đu; trong đó có nhiều nội dung thể hiện đặc trưng văn hóa dân tộc Ơ Đu như: Trao sắc cho thầy mo của bản; chọn người có uy tín, bầu trưởng họ, trưởng nhánh; đổi tên cho người trưởng thành; đặt tên cho con; đưa người chết “về trời”…

Chúng tôi được biết trong những năm qua, tỉnh Nghệ An, huyện Tương Dương đã có rất nhiều nỗ lực trong duy trì, khôi phục bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, nhất là tiếng nói của người Ơ Đu; hàng năm đều mở lớp dạy học tiếng Ơ Đu bằng hình thức truyền miệng. Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan hữu quan tham mưu cho chính quyền tỉnh Nghệ An tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, đưa đại diện đồng bào dân tộc Ơ Đu ở huyện Tương Dương sang thăm, giao lưu với dân tộc Ơ Đu ở bản Khạp [Mường Khun, Xiêng Khoảng, Lào]. Bởi đây là nơi dân tộc Ơ Đu tập trung đông, vẫn giữ được phong tục, trang phục, ngôn ngữ truyền thống với vốn từ khá phong phú có thể giúp khôi phục lại ngôn ngữ, phong tục, bản sắc văn hóa dân tộc Ơ Đu ở Việt Nam.

Theo nghiên cứu về dân tộc học của tiến sỹ Hoàng Xuân Lương, những năm gần đây, từ sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, các chính sách đối với đồng bào các dân tộc thiểu số rất ít người, trong đó có đồng bào dân tộc Ơ Đu đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực. Rõ nét nhất là mức sống của đồng bào đã được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình hàng năm 3-4%; dân số, chất lượng dân số, tuổi thọ các dân tộc thiểu số rất ít người đều tăng lên; việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc được quan tâm; chất lượng đội ngũ cán bộ, hoạt động hệ thống chính trị ở cơ sở vùng đồng bào dân tộc được củng cố, tăng cường; đồng bào các dân tộc thiểu số rất ít người luôn phấn khởi, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước.

Đồng chí Lưu Thanh Hải, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cho biết: Nghệ An có 39 dân tộc thiểu số; trong đó có dân tộc rất ít người Ơ Đu và tộc người Đan Lai sinh sống ở 02 huyện Tương Dương và Con Cuông. Trong những năm qua, tỉnh đã tích cực triển khai các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về dân tộc. Tiêu biểu như: Chương trình 134, 135, Nghị quyết 30a về đầu tư cho huyện nghèo trên cả nước; Quyết định 755/QĐ-TTg về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở các xã, bản đặc biệt khó khăn; chính sách hỗ trợ di dân tái định cư theo Quyết định 33/QĐ-TTg; Chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Đặc biệt là Quyết định số 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với dân tộc thiểu số rất ít người; Quyết định số 936/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016 - 2020.

Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh luôn quan tâm đến công tác dân tộc, công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đưa ra nhiều chỉ tiêu, mục tiêu quan trọng, tạo động lực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhất là vùng có dân tộc Ơ Đu, tộc người Đan Lai. Cùng sự hỗ trợ, giúp đỡ, vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền và toàn hệ thống chính trị nên cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc, miền núi được đầu tư xây dựng khá đồng bộ, kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển; hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, 100% thôn, bản có đảng viên, có chi bộ; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Đồng bào dân tộc Ơ Đu, tộc người Đan Lai đã phát huy truyền thống đoàn kết, chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nỗ lực lao động, học tập vươn lên, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người trong tỉnh ngày càng khởi sắc, nâng lên.

Tuy nhiên, thực tế cuộc sống đồng bào dân tộc Ơ Đu vẫn còn nhiều khó khăn bởi khu vực sinh sống có địa hình đồi núi chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô; thời tiết diễn biến phức tạp, thiên tai, dịch bệnh thường xẩy ra; điểm xuất phát về kinh tế rất thấp, trình độ dân trí không đồng đều, nhận thức trong việc phát triển kinh tế còn nhiều hạn chế, chưa chủ động tự vươn lên để thoát nghèo; các phong tục, tập quán truyền thống của dân tộc ngày càng mai một, cần nhanh chóng được bảo tồn và phục dựng; các tệ nạn xã hội, nhất là ma túy còn tiềm ẩn phức tạp; nguồn sống chính vẫn dựa vào canh tác trên nương rẫy, khai thác nguồn lợi từ rừng, sản xuất tự cung, tự cấp. Nguy cơ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong tộc người Đan Lai cao. Tỷ lệ hộ nghèo trong dân tộc Ơ Đu, tộc người Đan Lai cao hơn cộng đồng các dân tộc khác cùng sinh sống trên địa bàn... Bên cạnh đó, các chế độ, chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người tuy nhiều nhưng dàn trải, nguồn lực huy động, nguồn vốn đầu tư hạn chế; chưa có nhiều phương án phù hợp để tạo sinh kế bền vững, chưa khuyến khích đồng bào dân tộc thiểu số tự vươn lên.

Trong thời gian tới, để phát huy những kết quả tích cực đã đạt được, khắc phục những hạn chế, tỉnh Nghệ An đã đưa ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ. Trọng tâm là tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc của hệ thống chính trị các cấp trên các địa bàn có đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người sinh sống để thiết thực chăm lo cho đồng bào. Tập trung ưu tiên lo đất ở, nhà ở cho số đồng bào các dân tộc thiểu số còn thiếu; tiếp tục việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng từ thôn, bản, theo định hướng tiêu chí xây dựng nông thôn mới; quan tâm phát triển sản xuất, tạo kế sinh nhai gắn định canh, định cư, giữ rừng, nguồn nước với phát triển du lịch văn hóa cộng đồng; thu xếp các nguồn vốn đầu tư phát triển khu vực dân tộc, miền núi, nhất là đồng bào các dân tộc rất ít người; hướng dẫn sản xuất hàng hóa, tổ chức cuộc sống ổn định, song song với chăm lo đến giáo dục, y tế, dạy nghề, bảo tồn văn hóa truyền thống; có những giải pháp đặc biệt để tạo nguồn và sử dụng cán bộ dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị các cấp...

Tận mắt chứng kiến những đổi thay tích cực dưới sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị địa phương; chúng tôi có một niềm tin tưởng lớn về tương lai tươi sáng đang đến với đồng bào dân tộc Ơ Đu, tộc người Đan Lai, cùng những người dân nơi núi rừng miền Tây Nghệ An đang nỗ lực học tập, lao động, vươn lên, góp phần dựng xây quê hương, đất nước ngày càng phát triển giàu đẹp.

Chủ Đề