Nguyên nhân rớt mạng

Sau đây là 6 nguyên nhân thường gặp khiến đường truyền của bạn gặp sự cố mà có thể tự khắc phục được ngay tại nhà, không cần gọi báo hỏng lên nhà cung cấp.

Nguyên nhân 1: Router/ Modem bị treo.
Đây là lỗi rất hay gặp nên bao giờ bạn cũng ưu tiên cho thao tác này nhé!
>> Cách khắc phục rất đơn giản: bạn hãy tắt Modem khoảng 3 phút sau đó bật lại.

Nguyên nhân 2: Chưa cắm cáp kết nối giữa modem và máy tính hoặc dây kết nối bị lỏng
Khi bên góc phải màn hình bạn thấy xuất hiện dấu gạch chéo màu đỏ trên biểu tượng mạng, đây có thể là do lỗi quên chưa cắm cáp kết nối giữa modem và máy tính hoặc dây kết nối bị lỏng. Để khắc phục, nên kiểm tra lại đầu dây kết nối giữa modem với máy tính xem đã cắm chưa, có bị lỏng không. Nếu chưa hãy cắm thật chặt lại.

Nguyên nhân 3: Chưa bật wifi trên laptop
Khi thấy xuất hiện dấu gạch chéo màu đỏ trên biểu tượng mạng bên góc phải cuối màn hình, bạn nên kiếm tra công tắc wifi, có thê do quên chưa bật lên. Việc cần làm lúc này là bấm vào biểu tượng lỗi kết nối, lựa chọn wifi cần đăng nhập và nhập mật khẩu để kết nối mạng.

Nguyên nhân 4: Bị lỗi phần Card mạng
Gặp lỗi này sẽ thấy hiển thị
“disable” hoặc no connection are avalable và có dấu gạch chéo màu đỏ trên card mạng bên góc phải màn hình.
>> Cách khắc phục: Để kiểm tra card mạng có bị disable hoặc lỗi hay không ta làm như sau:
Bấm vào biểu tượng ngắt kết nối mạng, chọn Open Network and sharing center/ Change adapter Settings/ Bạn chọn thẻ Wifi, bấm chuột phải và chọn enable để bật WiFi.

Đây là cách khắc phục trên laptop có cài window 7, nếu bạn sử dụng windows 10 bạn có vào Control Panel/Network and Sharing Center/Change adapter Settings/chọn biểu tượng wifi, chuyển trạng thái từ off sang on. Trong trường hợp không tìm thấy biểu tượng card mạng thì có thể card mạng đã bị hỏng, thiếu driver và bạn nên mang máy đến nơi sửa chữa máy tính để kiểm tra lại card mạng hoặc cài lại driver cho card mạng.

Nguyên nhân 5: Trình duyệt internet [IE, Firefox, Chrome...] bị gán proxy.
Khi gặp lỗi này thường sẽ có cảnh báo trên màn hình nội dung: “Đã xảy ra sự cố với máy chủ proxy hoặc địa chỉ không chính xác”

>> Cách khắc phục: 
Với Chrome: Click vào “Menu” [Biểu tượng 3 chấm hoặc 3 gạch ngang góc phải phía trên trình duyệt tùy phiên bản] chọn Setting / view Advanced Setting/ Open Proxy setting/chọn thẻ Conections/Lan Settings: Nếu trong mục Proxy server có dấu tích chọn vào dòng chữ "Use a proxy server for your Lan" thì ta bỏ chọn đi và bấm OK.

Với Internet Explorer [IE]: Trên thanh menu, vào Tools/Internet Options/chọn thẻ Conections/Lan Settings: Nếu trong mục Proxy server có dấu tích chọn vào dòng chữ "Use a proxy server for your Lan" thì bỏ chọn đi và bấm OK.
Với FireFox: Click vào Menu --> Chọn Options  [Biểu tượng 3 gạch ngang góc phải phía trên trình duyệt]/ Chuyển sang Tab Advanced --> Network --> Settings/ Tại đây, chọn No Proxy

Nguyên nhân 6: Gán  IP tĩnh hoặc DNS  không đúng trong card mạng.
>> Cách khắc phục: Bấm vào Control Panel/Network and Sharing Center/Change adapter Settings/click đúp chuột vào wifi /chọn properties / nháy đúp chuột mục Internet protocol version 4 hoặc 6 tuỳ máy và đặt IP chế độ obtain an ip address automatically và DNS chế độ obtain dns server address automatically. Bấm
OK để xác nhận thay đổi.

Lưu ý thêm: Bạn không nên bật Router/ Modem liên tục vì đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến bị treo, nên tắt  Router/ Modem  vào ban đêm hoặc những lúc không sử dụng, không nên tự ý cấu hình lại Router/ Modem nếu không biết chắc chắn.

Trên đây là 6 nguyên nhân thường gặp và cách khắc phục những lỗi mạng gây nên tình trạng không vào được mạng mà chúng ta hay gặp. Chúc các bạn khắc phục sự cố thành công sau khi đọc bài viết này!
 

Dưới đây là 7 sự cố mạng thường gặp và cách khắc phục

Bạn đã từng gặp sự cố khi sử dụng mạng? Bạn đã từng bối rối khi không biết đâu là nguyên nhân gây ra các sự cố, đâu là giải pháp khắc phục? Sau đây là danh sách 7 sự cố mà các kỹ thuật viên mạng thường gặp nhất, nguyên nhân và giải pháp cho từng sự cố.

1. Không thể lấy địa chỉ IP

                                                      

Dấu hiệu:

Biểu tượng mạng trên máy tính hiển thị tình trạng không hoạt động. Hệ điều hành cảnh báo không thể nhận địa chỉ IP từ máy chủ DHCP. Khi kiểm tra trạng thái cổng mạng, không có địa chỉ nào được gán ngoại trừ địa chỉ 169.254.x.x [là địa chỉ hệ điều hành Windows tự cấp cho máy tính khi không nhận được IP].

Nguyên nhân:

Có thể do máy chủ DHCP hết quỹ địa chỉ, dịch vụ DHCP trên máy chủ bị vô hiệu hóa, hoặc yêu cầu DHCP được gửi từ thiết bị đầu cuối không đến được máy chủ.

Giải pháp:

Hãy lưu ý xem “Lỗi này chỉ xảy ra với một người dùng hay với tất cả mọi người?” Nếu chỉ một người bị lỗi, nên kiểm tra lại cấu hình DHCP trên máy trạm. Sau đó, kiểm tra cổng mạng tương ứng thuộc VLAN nào trên switch. Kiểm tra máy trạm của người dùng trên VLAN tương ứng có thể nhận địa chỉ IP hay không. Nếu chúng không nhận được, sự cố này có thể do router không thể chuyển tiếp các yêu cầu DHCP đến máy chủ. Nếu các máy trạm thuộc nhiều VLAN khác nhau cùng bị lỗi, nguyên nhân sẽ do chính máy chủ DHCP. Máy chủ có thể chưa chạy dịch vụ DHCP, hoặc đã cạn quỹ địa chỉ. Nếu tổ chức có nhiều máy chủ DHCP, lỗi này có thể do một trong số các máy chủ được cấu hình không phù hợp. Ngoài ra, cũng có thể do một AP [Access Point] giả mạo, do nhân viên tự ý mang đến và cắm vào hệ thống mạng, cung cấp dịch vụ DHCP giả mạo cho hệ thống mạng.

2. Không thể kết nối đến máy chủ

Dấu hiệu:

Ứng dụng trên máy người dùng cảnh báo “Không thể kết nối đến máy chủ”. Các cảnh báo này xuất hiện khi người dùng sử dụng các ứng dụng như e-mail, CRM. Người dùng hay than phiền do mạng bị “rớt”, tuy nhiên đó không phải là nguyên nhân duy nhất của vấn đề.

Nguyên nhân:

Lỗi này có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Điều cần quan tâm là có gặp lỗi thường xuyên không, hay chỉ thỉnh thoảng? Nếu lỗi xảy ra thường xuyên dù máy tính đã được cấp địa chỉ IP phù hợp, nguyên nhân có thể do các vấn đề về định tuyến trên hệ thống mạng giữa máy trạm và máy chủ, có thể kiểm tra dễ dàng với một vài thao tác “ping”. Nếu lỗi xảy ra không thường xuyên, có thể do máy chủ bị quá tải và không thể phản hồi các yêu cầu từ máy trạm.

Giải pháp:

Trong trường hợp không phải do định tuyến, hãy kiểm tra lại mức độ sử dụng và tài nguyên của máy chủ. Máy chủ có đang quá tải do chạy song song các tác vụ khác như sao lưu dữ liệu không? Nếu không, thử kiểm tra lưu lượng mạng giữa máy trạm và máy chủ xem có quá tải không? Phương thức tốt nhất là sử dụng công cụ SNMP nhằm giám sát hiệu năng các kết nối. Ngoài ra, các lỗi Ethernet [FCS Error, Alignment Error, hay Late Collision] trên switch và router cũng có thể là nguyên nhân gây mất gói tin giữa máy trạm và máy chủ.

3. Hiệu suất ứng dụng thấp

                                       

Dấu hiệu:

Các ứng dụng hoạt động chậm chạp. Màn hình của người dùng có thể bị đứng, không hoạt động hoặc bị ngăn chặn khi truy xuất dữ liệu. Thông thường, người dùng sẽ đổ lỗi cho hệ thống mạng hoạt động quá chậm.

Nguyên nhân:

Để tránh đổ lỗi cho hệ thống mạng, các nhân viên IT phải chẩn đoán, cô lập và xác định chính xác vùng xảy ra sự cố. Việc ứng dụng hoạt động không tốt có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, thường gặp nhất là do máy chủ tiến hành sao lưu dữ liệu trong giờ làm việc, chiếm tài nguyên hệ thống mạng, làm giảm tốc độ truy suất cơ sở dữ liệu của máy chủ và gây mất gói trên hệ thống mạng. Ở góc độ kỹ thuật viên, cần xác định nguyên nhân sự cố là do máy chủ hay do hệ thống mạng? Để làm được điều đó, cần thu thập các gói tin của ứng dụng và tìm xem có hoạt động truyền lại nào giữa máy trạm và máy chủ không? Nếu có, đồng nghĩa việc mất gói tin trên đường truyền chính là nguyên nhân ảnh hưởng đến hiệu suất ứng dụng. Nếu không xuất hiện tình trạng truyền lại, kết nối giữa máy trạm và máy chủ vẫn được thiết lập bình thường, nguyên nhân có thể liên quan đến các vấn đề tại máy chủ.

Giải pháp:

Dù rất khó tìm ra nguyên nhân vấn đề nếu chỉ dựa vào bộ phân tích gói tin, nhưng người ta vẫn thường dùng chúng để đếm số lượt truyền lại các gói TCP. Sử dụng bộ đếm này giúp xác định số gói tin bị mất giữa máy trạm và máy chủ. Tham khảo các thông số như lỗi Ethernet trên switch, router giữa máy trạm và máy chủ có thể là nguyên nhân gây ra hiện tượng mất gói tin. Nếu không xuất hiện các lỗi trên, hãy lưu ý khả năng mất gói tin trên hệ thống WAN do sử dụng vượt mức cho phép của nhà cung cấp dịch vụ. Ngoài ra, cũng có thể đo lường hiệu suất ứng dụng bằng các bộ công cụ phân tích mạng chuyên nghiệp, cung cấp thông tin từ việc bắt các gói tin và phân tích thời gian phản hồi từ các máy chủ, thời gian xử lý trên máy con và cả thời gian truyền trên hệ thống mạng, từ đó đưa ra nhận định chính xác đâu là nguyên nhân gây ra lỗi hiệu suất mạng.

4. Các lỗi về in ấn

Dấu hiệu:

Hệ thống in ấn qua mạng hoạt động không ổn định. Máy in vẫn hiển thị sẵn sàng nhưng các tác vụ in được gửi lại không thể hoàn thành.

Nguyên nhân:

Cần xác định tình trạng này xảy ra tại một hay nhiều máy trạm? Nếu chỉ xảy ra tại một máy, có thể do máy tính không được thiết lập phù hợp để kết nối đến máy in. Nếu không phải nguyên nhân này, có thể do hệ thống mạng giữa máy trạm và máy in gặp vấn đề. Mất gói tin cũng có thể là nguyên nhân gây ra các lỗi về kết nối mạng của máy in..

Giải pháp:

Kiểm tra cấu hình máy trạm xem đã nhận được địa chỉ IP thích hợp để truy cập đến máy in chủ [print server] chưa? Đôi khi, cập nhật trình điều khiển máy in [driver] cũng giúp giải quyết các lỗi này. Nhìn chung, hãy chắc chắn dung lượng mạng đến và đi từ máy in luôn được đảm bảo, đồng thời cập nhật các trình điều khiển cho tất cả các máy in trong hệ thống.

5. Cáp kém chất lượng

Dấu hiệu:

Chất lượng kết nối của máy trạm rất thấp, thậm chí không thể kết nối vào bất kì thiết bị nào trong hệ thống mạng.

Nguyên nhân:

Gigabit cho máy trạm đã trở nên thông dụng trong hệ thống mạng hiện nay. Công nghệ Gigabit cần bốn đôi dây cho một kết nối, do đó, hệ thống cáp phải đạt tiêu chuẩn từ Cat. 5e trở lên. Với các tòa nhà cũ, đây là nguyên nhân cần lưu ý đầu tiên. Ngoài ra, cáp bị tháo xoắn quá nhiều [khi bấm đầu hay kết nối vào thanh đấu nối] cũng có thể là nguyên nhân gây mất tín hiệu, dẫn đến lỗi FCS trên switch hay tại cổng mạng máy tính.

Giải pháp:

Trong hầu hết trường hợp, giải pháp đơn giản nhất là thay thế cáp. Nếu lỗi là do tháo xoắn cáp quá mức, tiến hành bấm lại đầu kết nối và kiểm tra bằng bộ máy test mạng LAN sẽ giải quyết được vấn đề. Nếu do hệ thống cáp đã lỗi thời, không thể hỗ trợ các công nghệ mới như Gigabit hay PoE [Power over Ethernet], nên cân nhắc việc thay thế bằng hệ thống cáp Cat. 5e hoặc hơn.

6. Lỗi DNS

                                                

Dấu hiệu:

Người dùng không thể kết nối Internet hoặc các ứng dụng. Hệ thống mạng hiển thị không kết nối.

Nguyên nhân:

Máy trạm không thể phân giải tên của máy chủ nên không thể gửi các yêu cầu kết nối. Nguyên nhân thường do cấu hình DNS trên máy trạm không phù hợp, máy chủ không thể phân giải được các yêu cầu DNS gửi từ máy trạm [do không có trong cơ sở dữ liệu], hay do mất gói tin trên đường truyền. Do DNS là một loại giao thức UDP nên các gói tin bị mất không được truyền lại. Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến lỗi DNS.

Giải pháp:

Kiểm tra lại cấu hình DNS máy trạm. Nếu cấu hình không chính xác, cần cấu hình lại cho máy trạm hoặc cấu hình lại máy chủ DHCP nhằm cung cấp thông tin chính xác cho máy trạm. Kiểm tra máy chủ DNS từ phía máy trạm nhiều lần nhằm đánh giá tình trạng phản hồi của máy chủ, xem có xuất hiện tình trạng mất gói không? Nếu có, hãy xem xét các lỗi Ethernet giữa máy trạm và máy chủ. Tốt nhất, nên thiết lập một công cụ liên tục kiểm tra máy chủ DNS và cảnh báo khi có sự cố xảy ra.

7. Máy trạm không thể kết nối Wi-Fi

                                      

Dấu hiệu:

Máy trạm có thể phát hiện AP nhưng không thể kết nối vào hệ thống Wi-Fi.

Nguyên nhân:

Không có thông tin về bảo mật, nhiễu kênh và điểm chết có thể là nguyên nhân của vấn đề. Vì hệ thống mạng không dây là vô hình, rất khó để theo dõi các sự cố trừ khi có công cụ thích hợp.

Giải pháp:

Sử dụng các công cụ giám sát mạng không dây để đo lường độ mạnh tín hiệu tại vùng ảnh hưởng, và nếu có thể, hãy khảo sát các vùng lân cận, tìm kiếm các AP không chính thức hay AP mạo danh-là các AP mà người dùng mang vào sử dụng mà chưa có sự cho phép từ các kỹ sư quản trị mạng. Các AP này có thể được cấu hình chồng lên các kênh Wi-Fi hiện có và ảnh hưởng đến chất lượng Wi-Fi. Kiểm tra các nguồn nhiễu xung quanh các AP như lò vi sóng hay điện thoại không dây. Kiểm tra tiến trình kết nối đến AP của máy trạm, xác định lỗi xuất hiện ở bước nào– Liên kết, xác thực, chứng thực, ủy quyền.

Kết luận

                                  

Trên đây là danh sách 7 sự cố người dùng thường gặp nhất khi sử dụng mạng hiện nay. Trong nhiều trường hợp, các sự cố doanh nghiệp gặp phải thường tập trung ở một hoặc hai nguyên nhân phổ biến, và đã được giải quyết. Những nguyên nhân này cần được ghi nhận lại nhằm giúp các nhân viên khác hoặc nhân viên mới xử lý sự cố nhanh hơn. Song song đó, việc ứng dụng công cụ thích hợp cũng sẽ giúp các kỹ thuật viên giải quyết sự cố nhanh hơn mà không đòi hỏi phải có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Sưu Tầm

Chủ Đề