Nguyên nhân thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em

Bệnh thiếu máu ở trẻ em không phải là bệnh hiếm gặp, nhưng lại khó nhận biết vì bệnh không gây có các triệu chứng cụ thể. Tuy nhiên, nếu ba mẹ quan sát kỹ trẻ bị thiếu máu da bé thường xanh xao, lòng bàn tay nhợt, khó ngủ, khó tập trung,…. Để tìm hiểu rõ hơn các biểu hiện của bệnh thiếu máu ở trẻ em, mời các bậc phụ huynh cùng tham khảo bài viết dưới đây.

  • 1. Thiếu máu ở trẻ là gì?
  • 2. Nguyên nhân gây thiếu máu ở trẻ
    • 2.1 Trẻ bị thiếu máu thiếu sắt
    • 2.2 Thiếu máu do bệnh lý về máu
    • 2.3 Thiếu máu do chảy máu
  • 3. Biểu hiện khi trẻ em bị thiếu máu
  • 4. Điều trị bệnh thiếu máu ở trẻ

1. Thiếu máu ở trẻ là gì?

Hình ảnh mô tả bệnh thiếu máu ở trẻ em. [ảnh minh họa]

Trẻ em bị thiếu máu là tình trạng bất thường của hồng cầu [hay còn gọi là hồng huyết cầu] hoặc những trẻ có lượng hemoglobin thấp hơn bình thường [hemoglobin là nguyên liệu tạo nên hồng cầu].

2. Nguyên nhân gây thiếu máu ở trẻ

Hồng cầu được sinh ra từ tủy xương. Đời sống hồng cầu trung bình là 120 ngày. Do đó, tủy xương liên tục sinh ra hồng cầu để bù đắp số hồng cầu già bị chết. Vì vậy, nguyên nhân gây thiếu máu bao gồm: thiếu máu thiếu sắt, thiếu máu bệnh lý, mất máu do chảy máu.

2.1 Trẻ bị thiếu máu thiếu sắt

Thường gặp nhất là trẻ bị thiếu máu do thiếu sắt. Khi không có sắt, cơ thể không tạo được hemoglobin, nên cũng không tạo được hồng cầu. Hồng cầu lại đảm nhiệm như một “chiếc xe” cung cấp oxy đến các cơ quan và vận chuyển CO2 từ các cơ quan ngược trở về phổi để đào thải ra bên ngoài.

Trẻ bị thiếu máu có thể do tủy xương sản sinh hồng cầu không phù hợp. Những trẻ thường bị suy dinh dưỡng, nhiễm trùng, có bệnh lý mãn tính tủy xương sản sinh hồng cầu ít hơn bình thường.

2.2 Thiếu máu do bệnh lý về máu

Có nhiều lý do làm cho đời sống của hồng cầu ngắn hơn bình thường, làm cho hồng cầu chết nhiều hơn gây ra thiếu máu. Một trong những lý do đó là bệnh lý làm thay đổi hình dạng hồng cầu. Một bệnh lý di truyền có thể làm biến đổi hình dạng hồng cầu thường gặp nhất là bệnh hồng cầu hình liềm. Hồng cầu hình liềm khi đi qua những mạch máu nhỏ, hẹp sẽ bị vỡ gây thiếu máu.

2.3 Thiếu máu do chảy máu

Nếu trẻ bị mất máu ít như bị đứt tay, chảy máu mũi thì tủy xương có thể tạo máu để bù lại. Nhưng nếu trẻ bị mất máu nhiều như nôn, ói ra máu, bị tai nạn thì tủy xương không thể tạo ra đủ hồng cầu để bù đắp lượng máu mất một cách nhanh chóng. Do đó, lâu dài sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu ở trẻ.

3. Biểu hiện khi trẻ em bị thiếu máu

90% bệnh trẻ em bị thiếu máu là do thiếu sắt

Trẻ em bị thiếu máu chủ yếu xảy ra do trẻ bị thiếu sắt, nhưng các dấu hiệu nhận biết trẻ bị thiếu máu, thiếu sắt thường không có các biểu hiện cụ thể nên rất khó nhận biết.

Sau đây là một số biểu hiện giúp ba mẹ nhận biết trẻ bị thiếu máu:

  • Da bé thường xanh xao [rõ nhất ở lòng bàn tay bàn chân, vành tai, niêm mạc họng, kết mạc mắt nhợt nhạt].
  • Trẻ thường chậm chạp, mệt mỏi, kém tập trung, hay buồn ngủ, ít đùa nghịch.
  • Nếu thiếu máu nặng có thể biểu hiện hoa mắt chóng mặt, khó thở khi gắng sức [chạy nhảy, vận động mạnh], sút cân, rối loạn tiêu hóa, lách to nhẹ…

4. Điều trị bệnh thiếu máu ở trẻ

Điều trị bệnh thiếu máu ở trẻ cần đưa đến bệnh viện uy tín

Điều trị thiếu máu phụ thuộc vào nguyên nhân. Ở trẻ em, nguyên nhân thiếu máu thường gặp nhất là do thiếu sắt trong chế độ ăn. Vì vậy, cần cho trẻ chế độ ăn giàu sắt như: thịt, trứng, các loại đậu, rau xanh.

Một số trẻ cần phải bổ sung viên sắt để giúp cơ thể tạo máu nhiều hơn. Một số trường hợp khác, bác sĩ nhận thấy có những nguyên nhân đặc biệt và cần thiết phải làm xét nghiệm kiểm tra trước khi điều trị.

Trẻ bị thiếu máu có thể hoàn toàn khỏe mạnh nếu ba mẹ cho bé đi thăm khám sớm, có biện pháp điều trị hiệu quả kết hợp với một chế độ dinh dưỡng tốt bổ sung lượng sắt trong máu của trẻ. Khi hồng cầu được tạo ra nhiều, oxy sẽ chuyển đến mô đầy đủ, cơ thể bé sẽ khỏe mạnh trở lại.

Thiếu máu do thiếu sắt, nằm trong nhóm bệnh thiếu máu dinh dưỡng, là một bệnh lý rất thường gặp ở trẻ em, đặc biệt ở các nước kém và đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Mặc dù tần suất bệnh này ở nước ta hiện nay đã giảm so với trước đây nhờ sự phát triển của điều kiện kinh tế xã hội, tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ em vẫn rất cao. Theo báo cáo của Viện dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ thiếu máu dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi năm 2008 là 29,2%, còn ở TP Hồ Chí Minh là 11,9%. Ở các vùng trung du và miền núi, tỷ lệ này có thể cao hơn nhiều [lên tới 60%].

Sắt là một trong ba vi chất quan trọng trong cơ thể ngoài i-ốt và vitamin A. Dù chỉ hiện diện với một lượng rất nhỏ trong cơ thể nhưng sắt có vai trò rất quan trọng đối với nhiều chức năng sống của cơ thể. Sắt là thành phần cấu tạo nên hemoglobin để vận chuyển oxy từ phổi đến tất cả các cơ quan. Sắt tham gia vào quá trình tạo thành myoglobin- sắc tố hô hấp của cơ. Ngoài ra sắt cũng tham gia vào cấu tạo của nhiều enzyme hệ miễn dịch. Thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển thể chất và tinh thần của trẻ sau này, đặc biệt có thể gây ra các rối loạn về tâm thần và vận động. Do vậy việc phát hiện và điều trị kịp thời có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ.

Có nhiều nguyên nhân gây thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em. Một trong những nguyên nhân thường gặp nhất là cung cấp sắt không đủ: Chế độ ăn thiếu sắt như thiếu sữa mẹ, uống sữa công thức không bổ sung sắt, cho ăn bột thiếu thức ăn nguồn gốc động vật. Ở trẻ đẻ non, thiếu cân lúc đẻ và trẻ sinh đôi, lượng sắt dự trữ được cung cấp qua tuần hoàn rau thai ít nên cũng dễ thiếu sắt. Một nguyên nhân khác là do hấp thu sắt kém: trẻ bị tiêu chảy kéo dài, thiểu toan dạ dày, rối loạn hấp thu hoặc có dị dạng ở dạ dày ruột. Một nguyên nhân nữa cũng hay gặp là do tình trạng mất sắt mạn tính, gặp trong nhiễm giun móc, loét dạ dày- tá tràng, polyp ruột, chảy máu cam, hành kinh [trẻ gái dậy thì]… Ngoài ra các trường hợp trẻ trong giai đoạn lớn nhanh, dậy thì nhu cầu sắt cao trong khi cung cấp không đủ cũng có thể bị thiếu máu thiếu sắt.


Biểu hiện lâm sàng của thiếu máu thiếu sắt thường rất nghèo nàn, xảy ra từ từ, khó nhận biết. Trẻ thiếu máu thiếu sắt thường xanh xao [rõ nhất ở lòng bàn tay bàn chân, vành tai, niêm mạc họng, kết mạc mắt nhợt nhạt]. Trẻ thường chậm chạp, mệt mỏi, kém tập trung, hay buồn ngủ, ít đùa nghịch. Nếu thiếu máu nặng có thể biểu hiện hoa mắt chóng mặt, khó thở khi gắng sức [chạy nhảy, vận động mạnh], sút cân, rối loạn tiêu hóa, lách to nhẹ... Trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, chậm phát triển tâm thần vận động. Trẻ em học đường kém tập trung, giảm trí nhớ dẫn đến kết quả học tập thường kém.

Về điều trị, cần bổ sung cho trẻ uống các muối sắt, với nhiều loại hiện nay sẵn có [sắt sulfat, sắt gluconat]. Cần điều chỉnh chế độ ăn thích hợp với lứa tuổi, cho trẻ ăn bổ sung đúng lúc và đúng cách với các thức ăn có nhiều sắt như rau xanh, nước hoa quả, đậu, trứng, thịt. Ngoài ra cần chữa các nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa và chảy máu mạn tính [như điều trị giun móc, điều trị loét dạ dày-tá tràng…].

Quan trọng hơn, cần phòng bệnh thiếu máu thiếu sắt bắt đầu ngay từ khi trẻ ở thời kỳ bào thai [mẹ có chế độ ăn giàu sắt, uống viên sắt]. Với trẻ đẻ non, trẻ sinh đôi, trẻ bị thiếu sữa mẹ nên dùng thức ăn có bổ sung sắt hoặc cho điều trị dự phòng sớm bằng chế phẩm sắt.

Chủ Đề