Nhà văn tiêu biểu cho nền văn học Pháp The kỷ 19 20 là

Trang chủ / Tin tức / Tư liệu / Cửa sổ văn học

Các nhà văn Pháp tham gia chính trường ở thế kỷ 19

  • 17:18 16/03/2018
  • 3258 lượt xem

Từ Nền Đế chế đến cuộc Cách mạng năm 1830

Từ Nền Đế Chế đến Nền Cộng Hòa III trong thế kỷ 19, lịch sử nước Pháp đã được điểm xuyết nhiều chế độ chính trị và luôn bị ảnh hưởng do các chấn động quyền lực khiến cho rung chuyển dữ dội. Đây cũng là một thế kỷ đặc biệt mà các nhà văn tên tuổi đã không ngần ngại dấn thân, đẩy đưa giữa những người có tầm ảnh hưởng, người hành động và người có quyền lực. Từ các mối quan hệ được dệt nên giữa văn chương và chính trị, họ đã làm thành một phần bản sắc Pháp và sẽ được những người sau đó tiếp tục khơi sáng trong các thế kỷ sau.

Chính câu chuyện về sự cùng hội cùng thuyền đôi khi mập mờ và thường xuyên xéo lên chân nhau này mà chúng ta sẽ phác lại chuỗi các sự kiện và nhân vật liên quan. Phần đầu tiên bao trùm Nền Đế Chế[1] và cuộc Cách Mạng năm 1830. Thời kỳ này gợi lại những khuôn mặt đặc biệt ghi dấu ấn như Chateaubriand hoặc Alexandre Dumas, những người này sẽ rất tích cực dấn thân vào các hoạt động chính trị tuy nhiên không vì thế mà họ nhận được những phần thưởng đền đáp mà họ đã khao khát.

Nền Đế Chế và Phục Hồi

Nữ Nam tước De Staël và Benjamin Constant: một cặp theo tư tưởng tự do.

Nữ nam tước De Stael có tên đầy đủ là Anne-Louise Germaine Necker de Stael-Holstein, mà chúng ta vẫn thường gọi là Phu nhân/Quí bà De Stael [1766-1817] sinh và mất tại Paris, bà là một nữ tiểu thuyết gia và triết gia Pháp gốc Thụy Sỹ. Benjamin Constant có tên đầy đủ là Benjamin Constant de Rebecque [1767 - 1830], sinh tại thành phố Lausanne thuộc Thụy Sỹ và qua đời tại Paris, là một tiểu thuyết gia, chính trị gia và tri thức Pháp gốc Thụy Sỹ.

Hai tiểu thuyết gia này làm thành một cặp gây náo động giới văn chương Pháp thời ấy và phác ra con đường dấn thân vào đời sống chính trị cho các nhà văn của thế kỷ 19.

Quí bà, Germaine de Staël, có thể nói sở hữu nhiều người tình và có nhiều người đeo đuổi; quí ông Benjamin Constant là một người đàn ông sát gái. Khi gặp nhau vào năm 1794, cả hai người đều được sinh ra từ dòng Ánh Sáng. Khi ấy họ vẫn chưa đến tuổi tam thập nhưng cùng chia sẻ những ý tưởng văn chương và chính trị. Ngay từ khi còn rất nhỏ, Germaine de Stael, con gái ngài chủ nhà băng Necker, Bộ trưởng của Vua Louis XVI trước khi rời khỏi quyền lực vào năm 1790, đằm mình trong thế giới Tài chính, Chính trị và các phòng khách thượng lưu, chủ yếu là thế giới của cha mẹ mà bà đã thường xuyên tiếp cận giới trí thức của thời đại mình. Các tiểu thuyết Delphine, Corine hoặc Italia, Nước Đức, đã khiến bà trở thành một gương mặt tiêu biểu của trường phái tiền-lãng mạn. Các tiểu luận chính trị của bà cho phép bà thể hiện những niềm tin về chủ nghĩa tự do và cộng hòa bắt đầu từ những năm 1795. Và nếu như trong một thời gian ngắn bà chứng tỏ hơi quan tâm đến Napoléon Bonaparte thì bà lại nhanh chóng bị vỡ mộng Trên những con đường dọc ngang châu Âu, nhân những đợt ghé thăm ít nhiều bí mật và ngắn ngày tại Paris hoặc trong tòa lâu đài Coppet của mình ở Thụy Sỹ, quí bà Germaine de Stael luôn lên án sự chuyên chế, quyền lực tuyệt đối, tai họa của loài người mà gã đoạt thời cơ [tức Napoléon] là hiện thân. Bà biến tòa lâu đài Coppet của mình thành cái nôi của hệ tư tưởng tự do. Chính tại trung tâm giới tri thức quốc tế này mà Benjamin Constant thuyết trình tư tưởng của mình, ông vừa là bạn vừa là người tình ít nhiềuthường xuyên của bà chủ nhà. Ông cũng lao vào viết lách không ngưng nghỉ để hoàn thành các tiểu thuyết [Adolphe, Cécile], tác phẩm tự truyện [Nhật ký], các chuyên luận chính trị, các bài báo Được Bonaparte bổ nhiệm vào Viện Dự luật, ông nhanh chóng trở thành một người đối lập với Tổng tài Thứ nhất, mà cũng giống như Germaine de Stael, ông thấy người ấy là một kẻ chuyên chế. Trong thời kỳ Phục Hồi, ông đã trúng dân biểu quốc hội. Là người bảo vệ mạnh mẽ chế độ Nghị viện, ông trở thành nhà lãnh đạo của đảng Tự Do ở Phòng Dân biểu.

Stendhal: thầy ký của Nền Đế Chế

Trong lúc cặp De Stael - Constant dành thời gian tranh cãi om xòm với Bonaparte thì ngược lại Henri Beyle, khi ấy vẫn còn chưa trở thành Stendhal [1783 - 1842] cố gắng để lọt vào dòng chảy của Napoléon. Năm 1806, bị một tham vọng điên cuồng thúc đẩy, ông mơ đến những vị trí màu mỡ và quyền cao chức trọng, ông ấn định một mục tiêu hết sức cụ thể: phải dành được một vị trí cán sự tòa án hành chính ở Hội đồng Nhà nước. Trước khi trở thành nhà văn tên tuổi, Stendhal là một thầy ký của nền Đế Chế, ông theo chân Quân đội đi khắp châu Âu và đến tận nước Nga. Trong những đợt lưu trú tại Paris, ông sống một cuộc sống khá công tử, và mặc dù ngoại hình có phần xấu xí của mình, ông luôn chạy theo chinh phục các cô nàng bằng những cuộc tình thoáng qua. Năm 1814, khi dòng họ Bourbons quay trở lại ngai vàng khiến ông gặp khó lớn về tài chính. Cảm thấy nhục mạ do tầng lớp xã hội của mình bị đẩy xuống cấp, Stendhal giả vờ quay lại làm thân với Louis XVIII. Nhưng không có kết quả. Ông bắt đầu chìm mình vào viết lách, những chuyến du lịch, những cuộc tình và cuộc sống trong các phòng khách, nơi mà tài trò chuyện xuất chúng và mang tính mỉa mai đã biến ông thành một trong những nhà tri thức được đánh giá cao nhất Paris thời kỳ này.

Chateaubriand: nhà ngoại giao hay ngờ vực

Nhà văn tên tuổi khác trong thời đầu thế kỷ này là tử tước François-René de Chateaubriand [1768-1848], ông cùng lúc thực hiện một sự nghiệp văn chương lẫy lừng và một hoạt động có uy tín trên chính trường. Sau một chuyến du lịch đến châu Mỹ và một đợt sống lưu vong tại Luân Đôn, ông trở về Pháp vào năm 1800 dưới một cái tên và một danh phận giả, và bị gạch tên khỏi danh sách di dân vào năm sau đó. Ông đã xuất bản Tiểu luận về các cuộc Cách mạng [1797], và đã bắt đầu làm việc với tác phẩm Thiên tài Thiên chúa giáo và các tiểu thuyết Atala và René. Chateaubriand là dấu tiên triệu về các nhà văn lớn sẽ cùng lúc thực hiện sự nghiệp ngoại giao vào thế kỷ sau đó. Kỳ trăng mật của ông với Napoléon Bonaparte đã không kéo dài. Vụ ám sát Công tước DEnghien đã tạo cho ông một lý do tuyệt vời [hoặc là một cái cớ] để vượt sang bên đối lập với Hoàng đế mà dẫu sao ông vẫn dành cho ngài ít nhiều sự say mê. Trong thời kỳ Phục Hồi, ông có một sự nghiệp náo động với các chức vụ Công xứ toàn quyền ở Berlin, đại sứ tại Luân Đôn, Bộ trưởng Ngoại giao trước khi bị Villèle[1] sa thải, và ông đã chạy sang phe đối lập Bán-Tự do, và cuối cùng lại được bổ nhiệm vị trí Đại sứ Pháp tại Roma. Cùng thời gian đó, Chateaubriand tham gia thành lập tờ báo Le Conservateur, và làm việc miệt mài với kiệt tác của ông Ký ức cuộc đời bên kia thế giới [Mémoires doutre-tombe], một bức họa tự thuật và mang tầm lịch sử tuyệt vời với văn phong hết sức sáng sủa mạch lạc và đầy tính thẩm mỹ.

Cuộc Cách mạng năm 1830

Cuộc cách 1830 là một ngã ba lớn trong lịch sử của thế kỷ 19, nơi mà số phận các nhà văn tên tuổi gặp gỡ nhau. Trong suốt ba ngày, dưới cái nắng nóng như đổ lửa, súng đạn thay nhau lên tiếng nổ dồn trong thủ đô nước Pháp, khiến cho máu chảy đầu rơi [200 lính tử trận, hơn một ngàn người nổi dậy bị thiệt mạng]. Khi nhà vua thông báo rút lại các mệnh lệnh thì đã quá muộn. Paris đang nằm trong tay quân nổi dậy, và vua Charles X thoái vị. Với Stendhal, đây là dịp kết thúc với dòng Phục Hồi mà ông rất ghét và đã mong mỏi đoạn kết từ nhiều tháng nay. Sự kiện khiến ông hoan hỉ, giải thoát ông khỏi mười lăm năm thất bại, nhưng ông không quan tâm đến việc tham gia vào đó hay chứng kiến nó, Michel Crouzet, nhà viết tiểu sử của Stendhal khẳng định. Trong lúc người ta đang đánh chém nhau ngay dưới cửa sổ nhà ông thì ông bình thản ngồi đọc Ký sự Sainte-Hélène.

Dumas dưới làn mưa đạn

Một nhà văn tên tuổi khác chứng tỏ còn dữ dội hơn: Alexandre Dumas [1802 - 1870]. Ở tuổi 28, Dumas đã trở nên nổi tiếng nhưng không phải là không quan tâm đến chính trị. Ông lao mình vào trọng tâm các cuộc chiến đấu gần Cầu Nghệ Thuật, không ít tự hào vì đã tham gia vào cuộc cách mạng đầu tiên của thế kỷ mình sinh sống.

Lamartine và Hugo trong thế dự bị

Vào năm 1830, một nhà văn lớn khác đã bắt đầu những bước đầu tiên trong ngành ngoại giao: Alphonse de Lamartine [1790-1869]. Bậc thi sỹ hàng đầu này cũng muốn lập nghiệp trên chính trường Pháp và cùng lúc theo nghiệp văn chương. Nhà quí tộc ấy theo chủ nghĩa Hoàng gia và đã tìm cách khẳng định mình trong suốt thời kỳ Phục Hồi.

Ở tuổi 28, khi vua Charles X rời khỏi quyền lực, Victor Hugo [1802-1885], đã nổi tiếng trong giới văn chương. Ông đã làm quen với Chateaubriand, Lamartine, Nodier, Vigny và đông đảo các nhà văn tên tuổi khác. Các tác phẩm Bug-Jarhal, Han dIslande, Odes và những cuộc đi dạo, Những người Phương Đông, xếp ông vào cùng dòng các nhà văn theo trường phái lãng mạn. Tháng Hai năm 1830, một mình ông hoàn thành một cuộc cách mạng. Trên sân khấu. Ông thực hiện một cú giật gân nổi bật với việc cho trình diễn vở Hernani, tại nhà hát Commédie Française, vở kịch đã đổi ngược trình tự của Bi kịch và kích thích giới văn chương trẻ, nhưng người này thấy nơi ông một vị thủ lĩnh và coi ông là thần tượng của họ. Vở kịch đã gây ra một trận bút chiến hiếm thấy trong lịch sử văn chương Pháp. Bị bất ngờ, ông không có thời gian để phản ứng trước cuộc nổi dậy ấy. Nhưng cũng giống như Lamartine, ông sẽ đuổi kịp vào năm 1848

Hiệu Constant

[theo tạp chí Hérodote tháng Hai 2018].

Nguồn Văn nghệ số 11/2018

Video liên quan

Bài Viết Liên Quan

Chủ Đề