Nợ tiềm ẩn là gì

Theo chuẩn mực kế toán Việt Nam, nghĩa vụ nợ tiềm ẩn của ngân hàng không được phản ánh trực tiếp trong bảng cân đối kế toán, mà chỉ được ghi nhận ngoại bảng bao gồm các khoản bảo lãnh nợ, bảo lãnh thanh toán và thư tín dụng [L/C], cam kết giao dịch hối đoái… 

Tăng vọt bất thường

Kết quả lợi nhuận Ngân hàng TMCP Phát triển Tp.HCM [HDBank] trong 9 tháng của năm 2017 đầy bất ngờ ở chỗ đã vượt 47% kế hoạch lợi nhuận năm 2017 [1.300 tỷ đồng], và gấp ba lần cùng kỳ năm ngoái. Đây là kết quả lợi nhuận ấn tượng nhất từ trước đến nay của ngân hàng này.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý tại BCTC quý III/2017 của HDBank là khoản mục Nghĩa vụ nợ tiềm ẩn của ngân hàng “bỗng dưng” tăng vọt. Giá trị của khoản mục này ghi nhận 60.605 tỷ đồng, tăng 35,1% so với năm 2016 [39.319 tỷ đồng]. Nói cách khác là cũng tăng đầy bất thường, như tăng lợi nhuận.

Cụ thể, tiểu mục Cam kết giao dịch hối đoái ghi nhận 56.226 tỷ đồng, tăng 36,5% so với thời điểm năm 31/12/2016 là 35.669 tỷ đồng, 

Trong đó, cam kết giao dịch mua ngoại tệ HDBank đạt 2.722 tỷ đồng, giảm 7,4% so với năm 2016; cam kết bán ngoại tệ là 3.688 tỷ đồng, tăng 65% so với năm 2016. Cam kết giao dịch hoán đổi ghi nhận 49.815 tỷ đồng, trong khi trước đó, tại ngày 30/6, mục này ghi nhận 36.541 tỷ đồng. Như vậy, chỉ sau ba tháng khoản này đã tăng 13.000 tỷ đồng.

Quan sát BCTC của HDBank những năm gần đây cho thấy giá trị tiểu khoản Cam kết giao dịch hối đoái của HDBank luôn tăng vọt một cách bất thường.

Theo BCTC hợp nhất năm 2016, tính đến ngày 31/12/2016, giá trị Cam kết giao dịch hối đoái là 35.669 tỷ đồng, tăng 78,3% so với năm 2015 [7.716 tỷ đồng]. Trong đó, mục cam kết giao dịch hoán đổi, tại thời điểm ngày 31/12/2015, HDBank ghi nhận là 4.337 tỷ đồng, thế nhưng tới ngày 31/12/2016, mục này đã ghi nhận một con số “khổng lồ” lên tới 31.439 tỷ đồng, gấp gần 10 lần so với cuối năm 2015.

Tính đến 30/9/2017, HDBank có tổng tài sản 174.594 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ và đạt 98% kế hoạch năm 2017. Trong đó, huy động đạt 156.419 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước, dư nợ tín dụng đạt 104.233 tỷ đồng, đạt 97% kế hoạch năm.

Cái gì còn chưa rõ?

Tỷ lệ nợ xấu của HDBank chỉ 1,14% trên tổng dư nợ. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn của HDBank đạt 566,6 tỷ đồng, tăng 205,1 tỷ đồng so với năm 2016; nợ nghi ngờ [nhóm 4] đạt 627,7 tỷ đồng, tăng 167,1 tỷ đồng.

Để chuẩn bị lên HoSE dự kiến vào tháng 1/2018, HDBank đang thực hiện tăng vốn thông qua việc chào bán riêng lẻ cổ phần [phần lớn là phát hành mới và một số ít còn lại là chào bán từ cổ đông hiện hữu].

Hiện, HDBank đã tăng vốn 9%, lên 8.829 tỷ đồng [trong đó phát hành trả cổ tức 2016 tỷ lệ 7% và cổ phiếu thưởng 2%]. Tiếp theo, ngân hàng dự kiến sẽ phát hành riêng lẻ đợt 2 của năm 2017 gần 98,1 triệu cổ phiếu để tăng vốn lên 9.810 tỷ đồng.

Sau đó, ngân hàng tiếp tục chào bán 10 triệu cổ phiếu cho cán bộ nhân viên để tăng vốn lên gần 10.010 tỷ đồng. Thời gian thực hiện đợt chào bán này chậm nhất là đến quý I/2018.

Tính đến ngày 31/12/2016, tổng vốn chủ sở hữu của riêng ngân hàng HDBank đã là 9.942 tỷ đồng, gần tương đương với vốn điều lệ 9.810 tỷ đồng mà ngân hàng chuẩn bị tăng tới đây.

Cũng theo thông tin từ phía HDBank, ngân hàng đang đàm phán chào bán 20% vốn cho các nhà đầu tư nước ngoài, dự kiến thu về khoảng 300 triệu USD.

Theo quy định, đợt niêm yết lên sàn chứng khoán và chào bán cổ phần sẽ là hai bước riêng biệt và phải một thời gian sau khi chào bán thì cổ phiếu mới được niêm yết lên sàn chứng khoán.

Từ nay đến tháng 1/2018, chỉ còn hơn nửa tháng nữa, như vậy có thể số cổ phần chào bán cho nhà đầu tư nước ngoài này của HDBank đã được chào bán. Tuy nhiên, vẫn chưa có thông tin về hoạt động giao dịch cổ phần này, cũng như đối tượng mua vào 98,1 triệu cp trong đợt phát hành riêng lẻ đợt 2 để tăng vốn.

Cần nhắc lại, HDBank cũng là thành viên của “gia đình” CTCP Sovico [Sovico Holdings] do chồng bà Nguyễn Thị Phương Thảo làm Chủ tịch HĐQT. Tại HDBank, bà Nguyễn Thị Phương Thảo nắm giữ vị trí Phó Chủ tịch HĐQT.

Đồng thời, các thành viên ban lãnh đạo của HDBank hầu hết đều có “xuất xứ” từ Sovivo như: ông Lưu Đức Khánh – Phó Chủ tịch HĐQT HDBank và thành viên HĐQT Vietjet Air, ông Chu Việt Cường hiện là thành viên HĐQT của cả HDBank và Vietjet Air.

Sovico Holdings cũng tham gia, hoặc nắm cổ phần chi phối tại nhiều công ty tiếng tăm như: Vietjet Air, CTCP Địa ốc Phú Long, công ty Bất động sản Tài chính Dầu khí… Trong hệ thống này, HDBank đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tài chính cho các dự án do các doanh nghiệp thực hiện.

©2021 CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH NINH BÌNH

- Giấy phép số: 10/GP-TTĐT của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Ninh Bình cấp ngày 19/9/2017
- Trưởng ban Biên tập: Đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Bình
- Địa chỉ: Đường Đinh Điền - Phường Đông Thành - Tp Ninh Bình - tỉnh Ninh Bình.
- Điện thoại: 0229.3871.147
- Email:

* Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh" khi phát hành lại thông tin từ Website này

Chủ Đề