So sánh cầm cố và bảo lãnh

Mục lục bài viết

  • 1. Cơ sở pháp lý:
  • 2. Ý nghĩa của các biện pháp bảo đảm trong tín dụng ngân hàng
  • 3. Quy định của pháp luật về biện pháp cầm cố, thế chấp tài sản của bên thứ ba và bảo lãnh
  • 4. Bản chất của cầm cố, thế chấp tài sản của bên thứ ba và bảo lãnh
  • 4.1. Bản chất của cầm cố, thế chấp tài sản của bên thứ ba
  • 4.2. Bản chất của bảo lãnh
  • 5. Sự khác biệt giữa thế chấp, cầm cố tài sản của bên thứ ba và bảo lãnh

Thưa luật sư, hiện nay tôi có thấy nhiều vụ việc tranh chấp giữa ngân hàng và bên đi vay về nghĩa vụ trả nợ khi có sự không rõ ràng về biện pháp bảo đảm khoản vay: cụ thể là cầm cố, thế chấp bằng tài sản của bên thứ ba hay là bảo lãnh? Rất mong luật sư có thể làm rõ cách hiểu theo quy định của pháp luật để có câu trả lời chính xác cho tồn tại này.

Tôi xin chân thành cảm ơn.

Người gửi: Đoàn Hiếu - Hải Phòng

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Dân sự của Công ty luật Minh Khuê

>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi: 1900.6162

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

1. Cơ sở pháp lý:

- Bộ luật dân sự năm 2015

- Nghị định 163/2006/NĐ-CP

>> Xem thêm: Phân loại các hình thức tín dụng phổ biến hiện nay

2. Ý nghĩa của các biện pháp bảo đảm trong tín dụng ngân hàng

Để giúp cho tổ chức tín dụng [TCTD] có thể thu hồi lại khoản tiền đã cho vay [bao gồm cả gốc và lãi] trong hoạt động cho vay, TCTD thường phải sử dụng các biện pháp đảm bảo tiền vay. Đảm bảo tiền vay không phải lúc nào cũng là yếu tố cần thiết khi vay vốn ngân hàng nhưng nó có vai trò rất quan trọng. Mặc dù không phải hoàn toàn quyết định việc vốn vay sẽ được hoàn trả nhưng rủi ro trong cho vay của các TCTD phần nào được giảm bớt. Như vậy cũng đã góp phần bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng.

Đảm bảo tiền vay là sự thỏa thuận giữa TCTD với bên đi vay hoặc bên thứ ba về việc thiết lập các hợp đồng đảm bảo tiền vay. Theo đó, bên đảm bảo có thể là khách hàng vay hoặc người thứ ba dùng tài sản thuộc quyền sở hữu của mình để đảm bảo nợ vay hoặc người thứ ba đứng ra bảo lãnh cho nghĩa vụ trả nợ của bên đi vay.

Như vậy, các biện pháp đảm bảo tiền vay có vai trò rất quan trọng trong hoạt động cho vay của các TCTD. Áp dụng các biện pháp đảm bảo tiền vay không phải là mục đích chính của TCTD khi tiến hành cho vay nhưng nó lại là biện pháp thu hồi nợ vay trong trường hợp bên đi vay không trả được nợ. Chính vì tầm quan trọng của các biện pháp bảo đảm tiền vay trong hoạt động cho vay của TCTD mà việc hiểu đúng quy định của pháp luật về đảm bảo tiền vay để áp dụng vào thực tiễn có ý nghĩa rất lớn trong hoạt động cho vay của các TCTD.

Hiện nay, trong nhiều trường hợp, Tòa án, TCTD và bên đảm bảo nhầm lẫn giữa biện pháp cầm cố, thế chấp tài sản của bên thứ ba với biện pháp bảo lãnh. Sự nhầm lẫn này đã dẫn đến việc áp dụng quy định của pháp luật không đúng, gây lúng túng cho các chủ thể trong quá trình thực hiện. Việc phải hiểu theo hướng tách bạch giữa biện pháp thế chấp, cầm cố tài sản của bên thứ ba với biện pháp bảo lãnh đóng vai trò rất quan trọng trong thực tiễn áp dụng và xét xử của Tòa án.

3. Quy định của pháp luật về biện pháp cầm cố, thế chấp tài sản của bên thứ ba và bảo lãnh

Trong BLDS năm 2005, các biện pháp thế chấp, cầm cố được quy định từ các Điều 316 đến Điều 355. Biện pháp bảo lãnh được quy định từ Điều 361 đến Điều 370. Theo đó, “Cầm cố tài sản là việc một bên [gọi là bên cầm cố] giao tài sản thuộc sở hữu của mình cho bên kia [gọi là bên nhận cầm cố] để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự”.

Còn “Thế chấp tài sản là việc một bên [gọi là bên thế chấp] dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên kia [bên nhận thế chấp] và không chuyển giao tài sản cho bên nhận thế chấp”.

Điểm khác biệt giữa cầm cố và thế chấp theo quy định của BLDS năm năm 2005 không còn là tài sản đảm bảo mà là việc ai là người nắm giữ tài sản đảm bảo. Nếu bên nhận đảm bảo nắm giữ tài sản đảm bảo thì đây là biện pháp cầm cố. Nếu tài sản đảm bảo do bên đảm bảo hoặc bên thứ ba giữ thì là biện pháp thế chấp. Vì vậy, cùng một tài sản đảm bảo, bên đảm bảo có thể lựa chọn hình thức cầm cố hoặc thế chấp.

Còn “Bảo lãnh là việc người thứ ba [gọi là bên bảo lãnh] cam kết với bên có quyền [bên nhận bảo lãnh] sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ [bên được bảo lãnh], nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Các bên cũng có thể thỏa thuận việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của mình”.

>> Xem thêm: Khái niệm tín dụng thương mại? Nội dung của tín dụng thương mại?

Biện pháp bảo lãnh theo quy định của BLDS năm 2005 là bảo lãnh đối nhân. Cụ thể, ngay từ đầu khi tham gia quan hệ bảo lãnh, sẽ không có yếu tố “tài sản” trong quan hệ đảm bảo này. Bản chất của bảo lãnh đối nhân là bên bảo lãnh dùng chính uy tín của họ [uy tín này được thể hiện qua năng lực tài chính, vị thế kinh tế của chính họ] để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho bên đi vay. Nếu ngay từ đầu, bên bảo đảm dùng tài sản của họ để đảm bảo cho khoản vay thì đây không phải là biện pháp bảo lãnh mà chính là việc “thế chấp, cầm cố tài sản của bên thứ ba” để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho khoản vay.

Quy định về thế chấp, cầm cố tài sản và bảo lãnh tại BLDS năm 2015 không có gì khác biệt so với BLDS năm 2005. Tiêu chí để phân biệt hình thức cầm cố và thế chấp tài sản cũng dựa vào tính chất nắm giữ tài sản. Bảo lãnh theo quy định của BLDS năm 2015 cũng là bảo lãnh đối nhân.

4. Bản chất của cầm cố, thế chấp tài sản của bên thứ ba và bảo lãnh

4.1. Bản chất của cầm cố, thế chấp tài sản của bên thứ ba

Nghiên cứu các quy định của BLDS năm 2005, 2015, bản chất của cầm cố tài sản và thế chấp tài sản theo hai văn bản này là giống nhau. Biện pháp cầm cố và thế chấp tài sản theo quy định của pháp luật hiện hành là hình thức bảo đảm “đối vật”. Tức là, khi tham gia vào giao dịch đảm bảo, bên đảm bảo dùng giá trị của vật để đảm bảo nghĩa vụ dân sự của mình. Trong quan hệ cho vay của TCTD, bên đi vay hoặc bên thứ ba có thể dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ từ khoản vay của bên đi vay. Ở đây, chúng ta chia làm hai trường hợp:

Thứ nhất, bên đảm bảo cũng chính là bên đi vay, sau khi bán tài sản đảm bảo, giá trị tài sản được bán không đủ để trả nợ cho khoản vay thì bên đảm bảo [bên đi vay] phải tiếp tục trả phần nợ còn lại. Sở dĩ, bên đảm bảo phải tiếp tục trả nốt phần nợ còn lại vì họ chính là bên đi vay trong hợp đồng tín dụng. Nghĩa vụ của chủ thể này vừa với tư cách là bên đảm bảo [trong quan hệ giao dịch đảm bảo] vừa với tư cách là bên đi vay [trong quan hệ hợp đồng tín dụng]. Do đó, nếu tài sản đảm bảo đã được bán để thu hồi nợ [hợp đồng đảm bảo tiền vay chấm dứt hiệu lực pháp lý] thì họ vẫn phải thực hiện nghĩa vụ của bên đi vay nếu giá trị tài sản đảm bảo bán được không đủ trả nợ cho khoản vay.

Thứ hai, bên đảm bảo là người thứ ba [không phải là bên đi vay], nếu sau khi bán tài sản đảm bảo, giá trị tài sản được bán không đủ trả nợ cho khoản vay thì trách nhiệm của bên đảm bảo chấm dứt sau khi tài sản được bán, bên đi vay phải tiếp tục trả nợ. Sở dĩ, nghĩa vụ của bên đảm bảo chấm dứt sau khi tài sản đảm bảo được bán vì đây là biện pháp đảm bảo đối vật, bên đảm bảo dùng giá trị của tài sản đảm bảo để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự. Nghĩa vụ của bên đảm bảo trong trường hợp này chỉ giới hạn trong phạm vi giá trị của tài sản đảm bảo mà thôi.

Ví dụ: A dùng tài sản là căn nhà thuộc quyền sở hữu của mình để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ khoản vay 3 tỷ đồng của B tại ngân hàng C. Đến hạn trả nợ, do B không trả được nợ nên ngân hàng C phát mại tài sản đảm bảo của A để thu hồi nợ. Tài sản này của A bán được 2,5 tỷ. Sau khi tài sản đảm bảo của A bán được 2,5 tỷ, nghĩa vụ đảm bảo của A chấm dứt, B với tư cách là người đi vay sẽ trả nốt phần nợ 500 triệu đồng còn lại. Trong trường hợp này, ngân hàng C không được yêu cầu A trả nốt số nợ 500 triệu còn lại vì bản chất của giao dịch đảm bảo giữa A và ngân hàng C là “A dùng tài sản của mình để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho B” và giới hạn nghĩa vụ trả nợ của A cho B là trong phạm vi giá trị tài sản đảm bảo.

4.2. Bản chất của bảo lãnh

Theo quy định của BLDS năm 2015 thì “Bảo lãnh là việc người thứ ba [gọi là bên bảo lãnh] cam kết với bên có quyền [gọi là bên nhận bảo lãnh] sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ [gọi là bên được bảo lãnh], nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ”.

>> Xem thêm: Tín dụng nhà nước là gì ? Đặc điểm, nội dung của tín dụng nhà nước ?

Với quy định trên thì bảo lãnh là một “cam kết” của người bảo lãnh. Cam kết này được hiểu là, người bảo lãnh hứa rằng, nếu bên được bảo lãnh không thực hiện nghĩa vụ thì bên bảo lãnh sẽ thực hiện thay. Cam kết này dựa vào khả năng thực hiện nghĩa vụ mà bên bảo lãnh có được. Khả năng thực hiện nghĩa vụ của người bảo lãnh trong quan hệ cho vay của TCTD chính là khả năng tài chính mà người bảo lãnh có được. Cam kết trong quan hệ bảo lãnh có sự chắc chắn hơn nhiều so với việc người thứ ba dùng tài sản của họ để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ vay cho bên đi vay. Cụ thể, cam kết này có phạm vi thực hiện rộng hơn, bao gồm những gì thuộc về khả năng tài chính mà bên bảo lãnh có được. Còn trong quan hệ thế chấp, cầm cố tài sản của bên thứ ba, phạm vi thực hiện nghĩa vụ bảo đảm chỉ giới hạn trong giá trị của tài sản đảm bảo tại thời điểm xử lý tài sản đảm bảo. Xét ở góc độ kinh tế thì tài sản đảm bảo chỉ là một phần của khả năng tài chính.

Như vậy, quy định của BLDS năm 2005 và 2015 đúng với bản chất của bảo lãnh hơn BLDS năm 1995. Trong bảo lãnh không thể có quan hệ “đối vật”. Nếu người thứ ba dùng một vật cụ thể để đảm bảo nghĩa vụ của bên đi vay thì không thể gọi đó là bảo lãnh mà phải gọi là thế chấp hoặc cầm cố tài sản của bên thứ ba.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc không thống nhất trong cách hiểu giữa thế chấp, cầm cố tài sản của bên thứ ba và bảo lãnh đã gây nên sự lúng túng trong quá trình xét xử. Có rất nhiều vụ việc bên thứ ba dùng tài sản thuộc sở hữu của mình thế chấp đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho bên đi vay, hợp đồng có tên gọi “Thế chấp tài sản của bên thứ ba” nhưng tòa án lại cho rằng đây phải là hợp đồng “bảo lãnh”, vì vậy tòa đã tuyên hợp đồng đảm bảo vô hiệu do tên gọi của hợp đồng không đúng với bản chất của quan hệ đảm bảo. Việc Tòa án tuyên các hợp đồng đảm bảo vô hiệu với lý do hợp đồng đảm bảo vi phạm về hình thức đã ảnh hưởng đến quyền lợi của TCTD do không xử lý được tài sản đảm bảo mà bên thứ ba sử dụng để đảm bảo cho khoản vay.

Việc nhìn nhận hình thức bảo lãnh là quan hệ đối nhân hay đối vật đóng vai trò rất quan trọng vì nó liên quan đến việc khẳng định quan hệ dùng tài sản của người thứ ba để đảm bảo cho nghĩa vụ trả nợ vay là quan hệ thế chấp, cầm cố hay bảo lãnh. “Chế định về “thế chấp tài sản” và chế định về “bảo lãnh” của Bộ luật Dân sự năm 2005 là khác nhau. Không thể đồng nhất hai khái niệm này cũng như khái niệm “thế chấp tài sản” và khái niệm “bảo lãnh”.

5. Sự khác biệt giữa thế chấp, cầm cố tài sản của bên thứ ba và bảo lãnh

Qua các quan điểm khác nhau về biện pháp thế chấp, cầm cố tài sản của bên thứ ba và bảo lãnh, tác giả cho rằng, cần có sự nhìn nhận đúng đắn về bản chất của từng biện pháp. Nếu nhìn nhận không đúng sẽ dẫn đến hệ quả áp dụng sai trong thực tế, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên tham gia quan hệ đảm bảo. Theo quan điểm của tác giả, hai biện pháp này hoàn toàn khác nhau, một bên là biện pháp bảo đảm đối vật [thế chấp, cầm cố tài sản của bên thứ ba], còn bảo lãnh là biện pháp bảo đảm đối nhân nên không thể đồng nhất với nhau về bản chất. Cụ thể:

- Nếu trong quan hệ cho vay, bên bảo đảm là bên thứ ba [không phải là bên đi vay] thì như đã phân tích ở trên, nghĩa vụ của bên đảm bảo chấm dứt sau khi tài sản bảo đảm được bán. Trong quan hệ cho vay này tồn tại hai giao kết: thứ nhất, giao kết vay vốn giữa bên đi vay với TCTD; thứ hai, giao kết đảm bảo giữa người thứ ba [bên bảo đảm] với TCTD cho vay. Theo đó, HĐTD là hợp đồng chính, hợp đồng bảo đảm [HĐBĐ] là hợp đồng phụ. Bản chất pháp lý của hợp đồng phụ [hợp đồng đảm bảo] là bên đảm bảo dùng tài sản cụ thể để thực hiện nghĩa vụ bảo đảm. Đối tượng của hợp đồng phụ chính là giá trị của tài sản đảm bảo, vì vậy, khi tài sản đảm bảo trong hợp đồng phụ đã được bán để thu hồi nợ thì nghĩa vụ đảm bảo của bên đảm bảo trong hợp đồng bảo đảm chấm dứt. [Lưu ý là: nghĩa vụ đảm bảo của bên đảm bảo trong hợp đồng đảm bảo chấm dứt nhưng nghĩa vụ trả nợ vay của bên đi vay vẫn còn do bên đi vay chưa trả nợ hết khoản vay].

- Đối với biện pháp bảo lãnh, vì đây là biện pháp bảo đảm đối nhân nên nghĩa vụ của bên bảo lãnh không gắn liền với tài sản cụ thể nào. Khi giao kết hợp đồng bảo lãnh, bên cho vay [TCTD] dựa vào khả năng tài chính, uy tín trong kinh doanh hoặc tiềm lực tài chính trong tương lai của bên bảo lãnh để chấp nhận nghĩa vụ đảm bảo của bên bảo lãnh. Chính vì vậy, bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của mình một cách vô điều kiện dựa vào khả năng tài chính của mình chứ không phải căn cứ vào giá trị của tài sản cụ thể nào.

- Trường hợp trong quan hệ vay vốn tại TCTD nếu bên thứ ba đứng ra bảo lãnh cho nghĩa vụ trả nợ khoản vay của bên đi vay và sau đó dùng tài sản để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thì tồn tại ba giao kết : [1] Giao kết thứ nhất: giao kết vay vốn giữa bên đi vay và TCTD; [ii] Giao kết thứ hai: giao kết giữa bên thứ ba [bên bảo lãnh] với TCTD nhằm mục đích cam kết sẽ thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay [bao gồm một phần hoặc toàn bộ nợ vay] cho bên đi vay; [iii] Giao kết thứ ba [xảy ra sau khi giao kết thứ hai [giao kết bảo lãnh] đã được ký kết] giữa bên bảo lãnh với TCTD về việc bên bảo lãnh dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để đảm bảo cho nghĩa vụ bảo lãnh. Trong ba giao kết này thì giao kết thứ nhất là hợp đồng chính, giao kết thứ hai là hợp đồng phụ của giao kết thứ nhất. Giao kết thứ ba là hợp đồng phụ của giao kết thứ hai. Hay nói một cách khác, quan hệ bảo lãnh [giao kết thứ hai] là quan hệ phái sinh của quan hệ cho vay [giao kết thứ nhất] vì nếu không có hợp đồng tín dụng sẽ không có hợp đồng bảo lãnh. Quan hệ thứ ba [thế chấp, cầm cố tài sản] là quan hệ phái sinh của quan hệ bảo lãnh, vì không có hợp đồng bảo lãnh thì cũng sẽ không phát sinh hợp đồng thế chấp, cầm cố tài sản của bên bảo lãnh. Giới hạn trách nhiệm của các chủ thể trong các giao kết này là:

+ Đối với giao kết bên bảo lãnh dùng tài sản thế chấp hoặc cầm cố để đảm bảo nghĩa vụ bảo lãnh, tương tự như phân tích trên đây, trách nhiệm của bên thế chấp, cầm cố tài sản giới hạn trong phạm vi giá trị của tài sản đảm bảo tại thời điểm xử lý tài sản.

>> Xem thêm: Mẫu hợp đồng cầm cố tài sản bản mới nhất năm 2022

+ Đối với giao kết bảo lãnh, sau khi tài sản đảm bảo đã được bán để thu hồi nợ, nếu giá trị tài sản không đủ thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thì bên bảo lãnh phải tiếp tục trả nợ thay cho bên đi vay trong phạm vi bảo lãnh.

+ Đối với giao kết vay vốn giữa bên đi vay với TCTD, bên đi vay phải có nghĩa vụ trả nốt phần nợ vay còn lại [nếu bên bảo lãnh chỉ bảo lãnh một phần nợ vay].

Ví dụ: B ký hợp đồng tín dụng vay số tiền 4,5 tỷ tại ngân hàng C. A bảo lãnh cho khoản nợ 3 tỷ [trong khoản vay 5 tỷ] của B tại ngân hàng C. Sau khi ký hợp đồng bảo lãnh, vì không chắc chắn vào khả năng bảo lãnh của A nên ngân hàng C yêu cầu A dùng tài sản để đảm bảo cho nghĩa vụ trả nợ. A đã dùng quyền sử dụng đất của mình có giá trị 3,2 tỷ đồng để đảm bảo cho nghĩa vụ bảo lãnh. Đến hạn trả nợ, B không trả được nợ nên A phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay. Lúc này, ngân hàng C bán quyền sử dụng đất của A được 2,5 tỷ. Sau khi bán tài sản đảm bảo, hợp đồng thế chấp tài sản giữa A và ngân hàng C chấm dứt hiệu lực pháp lý. Tuy nhiên, A vẫn phải tiếp tục trả số nợ còn lại cho B [trong phạm vi nghĩa vụ bảo lãnh là 3 tỷ đồng] vì hợp đồng bảo lãnh giữa A và ngân hàng C vẫn còn hiệu lực pháp lý. Cụ thể, A phải trả nốt 500tr còn lại vì trong hợp đồng bảo lãnh A cam kết với ngân hàng C sẽ trả nợ thay cho B 3 tỷ đồng. Sau khi trả nốt 500 triệu, nghĩa vụ bảo lãnh của A chấm dứt. Số nợ 1,5 tỷ còn lại và tiền lãi, B phải tiếp tục trả cho ngân hàng C với tư cách là bên đi vay.

Sở dĩ, trách nhiệm của các chủ thể được xác định như trên bởi vì, trong quan hệ bảo lãnh, bên bảo lãnh cam kết với bên cho vay sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên đi vay. Đảm bảo cho nghĩa vụ này là khả năng tài chính của bên bảo lãnh chứ không dựa vào tài sản cụ thể nào. Chính vì vậy, ngay khi ký hợp đồng bảo lãnh, bên bảo lãnh không cần phải có tài sản cụ thể để đảm bảo nghĩa vụ. Còn trong quan hệ bên bảo lãnh dùng tài sản để thế chấp, cầm cố nhằm đảm bảo thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, bên này dùng tài sản cụ thể để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ của mình. Quan hệ này chỉ phát sinh sau khi hợp đồng bảo lãnh được ký kết và bên cho vay [TCTD] không chắc chắn về nghĩa vụ bảo lãnh được thực hiện.

Chính vì vậy mà Điều 44 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP đã có quy định về hình thức bảo lãnh, theo đó: “Các bên có thể thỏa thuận về việc xác lập giao dịch bảo đảm để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh” và khoản 3, Điều 336 BLDS năm 2015 quy định: “Các bên có thể sử dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh”.

Như đã đề cập ở trên trong quan hệ cho vay của TCTD, biện pháp đảm bảo tiền vay đóng vai trò rất quan trọng giúp TCTD thu hồi vốn vay khi bên đi vay không trả được nợ. Tuy nhiên, việc hiểu và vận dụng các quy định của pháp luật về các biện pháp này trong thực tiễn không đúng với bản chất của chúng. Thực trạng này đã dẫn đến sự lúng túng trong cách vận dụng vào hoạt động cho vay của các TCTD cũng như công tác xét xử của Tòa án và điều này làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên trong quan hệ bảo đảm. Với bài viết này Luật Minh Khuê hy vọng sẽ cung cấp cho quý khách hàng thông tin hữu ích để có thể bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình khi rơi vào trường hợp có tranh chấp như trên.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.6162 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Luật Minh Khuê - Sưu tầm & biên tập

>> Xem thêm: Quy định pháp luật về tạm ứng hợp đồng xây dựng và bảo lãnh tạm ứng hợp đồng xây dựng

Video liên quan

Chủ Đề