Sự cần thiết của sách giáo khoa

Việc sử dụng sách giáo khoa của mỗi quốc gia được căn cứ trên quan điểm, chính sách về vai trò và chức năng của sách giáo khoa cũng như phụ thuộc nhiều vào năng lực của đội ngũ giáo viên trong việc khai thác nguồn học liệu này. Thông thường, sách giáo khoa được xem là tài liệu triển khai chương trình giáo dục trên lớp học dành cho giáo viên và học sinh. Về việc này, GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Khoa học Giáo dục Việt Nam và nhóm nghiên cứu chỉ ra:

Sách giáo khoa là nền tảng của việc giảng dạy, cụ thể hoá nội dung chương trình với lối trình bày rõ ràng, đơn giản, được sắp xếp theo trình tự và cấu trúc nhất định. Tuy nhiên, mức độ và hiệu quả sử dụng sách giáo khoa rất đa dạng, từ đặc điểm của các môn học, cấp học, bối cảnh lớp học và trường học có vai trò quan trọng ảnh hưởng đến việc sử dụng sách giáo khoa. Thêm vào đó, vai trò của sách giáo khoa cũng thay đổi một cách tự nhiên theo thời gian, thể hiện qua các khía cạnh nội dung và thiết kế.

Trong bối cảnh lớp học, sách giáo khoa được sử dụng cho nhiều mục đích và trong các ngữ cảnh khác nhau. Sách giáo khoa là công cụ hỗ trợ giáo viên và học sinh lập kế hoạch dạy học, giới thiệu nội dung, cung cấp hệ thống hoạt động, bài tập, hỗ trợ, hướng dẫn giáo viên đạt được mục tiêu môn học. Trong đó 6 chức năng của sách giáo khoa bao gồm: Cấu trúc, trình bày, hướng dẫn giảng dạy, tạo động lực, sự khác biệt, thực hành và đánh giá. Nghiên cứu khác cũng chỉ ra chức năng tích hợp của sách giáo khoa, “làm nền cho việc hiểu và tích hợp kiến thức mà học sinh nhận được từ các nguồn tài liệu khác".

Sự cần thiết của sách giáo khoa

Sử dụng sách giáo khoa cần phải như một nguồn học liệu tiêu chuẩn để tiếp cận một môn học.

Thống nhất chung cho thấy việc sử dụng sách giáo khoa như một nguồn học liệu tiêu chuẩn để tiếp cận một môn học và làm cơ sở cho việc dạy và học. Ngoài ra, sách giáo khoa còn có chức năng hỗ trợ các giáo viên mới nhờ cung cấp cho họ một tài liệu giảng dạy chuẩn mực. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng không có một quyển sách giáo khoa nào có thể phù hợp với tất cả các đối tượng. Nên chắc chắn sẽ không có cuốn sách giáo khoa nào được coi là mẫu mực, lý tưởng cho mọi giáo viên, học sinh và bối cảnh dạy học. Chính vì thế, khi sử dụng sách giáo khoa cần chú ý đến các yếu tố linh hoạt và thích ứng.

Nhóm nghiên cứu và GS Lê Anh Vinh cho biết: Thực tế cho thấy, cách tiếp cận của các giáo viên đối với việc sử dụng sách giáo khoa rất đa dạng. Nhiều giáo viên bị ràng buộc hoặc bị lệ thuộc vào sách giáo khoa, họ tuân thủ các hướng dẫn trong sách giáo khoa, không thực hiện hoặc chỉ thực hiện những thay đổi và bổ sung nhỏ cần thiết để tiết kiệm thời gian, đơn giản hóa việc dạy. Mặt khác, một số giáo viên linh hoạt hơn, chủ động thay đổi lựa chọn nguồn học liệu hoặc hướng dẫn phù hợp. Việc điều chỉnh sách giáo khoa để phù hợp với nhu cầu người học, cần cân nhắc những ưu nhược điểm trong việc sử dụng sách giáo khoa để từ đó định hướng cách sử dụng phù hợp nhất.

Sự cần thiết của sách giáo khoa

Việc sử dụng linh hoạt sách giáo khoa cho phù hợp với bối cảnh giáo dục vô cùng quan trọng.

Trong quá trình dạy học, việc thích ứng, sử dụng linh hoạt sách giáo khoa cho phù hợp với bối cảnh giáo dục vô cùng quan trọng. Không nên quá phụ thuộc vào sách mà cần thích ứng cho phù hợp với bối cảnh, nhu cầu hứng thú và đối tượng học sinh. Nghiên cứu chỉ ra ở nhiều quốc gia đang phát triển, giáo viên phụ thuộc nhiều vào sách giáo khoa và do đó có khả năng ảnh hưởng đáng kể đến phương pháp sư phạm trong khi các quốc gia phát triển như Phần Lan, Hồng Kông, Trung Quốc và Singapore đã thúc đẩy sự chủ động và vai trò của giáo viên trong việc sử dụng sách giáo khoa.

Thực tế phần lớn các trường học ở Ả Rập đã theo phương pháp lấy sách làm trung tâm. Giáo viên hoàn toàn phụ thuộc vào sách giáo khoa mặc dù chương trình giảng dạy có thể hoặc nên liên quan đến nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau. Việc giảng dạy thực tế cho thấy giáo viên phần lớn dựa vào các hướng dẫn trong sách giáo khoa. Điều này có một số lý do như áp lực về việc đảm bảo chương trình giảng dạy của Bộ Giáo dục, giáo viên thiếu các kỹ năng cần thiết để sử dụng các phương pháp giảng dạy khác nhau.

Liên quan đến kinh nghiệm sử dụng sách giáo khoa, nhóm nghiên cứu và GS Lê Anh Vinh dẫn chứng và cho rằng, các giáo viên điều chỉnh và bổ sung các hoạt động phù hợp để tạo môi trường học tập thú vị giúp học sinh tương tác tích cực hơn. Ngoài ra, giáo viên có thể thêm các bài tập để thực hành cho các mạch nội dung quan trọng hoặc điều chỉnh thời gian học cho các đối tượng học sinh. Giáo viên có thể bỏ qua các phần khó hiểu hoặc không liên quan của một bài hoặc trình bày lại các phần của bài để phù hợp với đối tượng học sinh.

Theo GS.TS Lê Anh Vinh, quy trình xuất bản một cuốn sách giáo khoa rất quan trọng, nhưng quan trọng không kém là thái độ của giáo viên và cách giáo viên sử dụng sách giáo khoa trong lớp học. Hiện nay, giáo viên được yêu cầu tạo điều kiện và tự chủ hơn cũng như sử dụng nhiều chiến lược giảng dạy và đánh giá dựa trên kinh nghiệm và nhu cầu của học sinh. Đây cũng là xu hướng sử dụng sách giáo khoa được các quốc gia phát huy, như ở Nhật giáo viên có một mức độ tự chủ đáng kể trong việc sử dụng sách giáo khoa một cách sáng tạo.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với những thay đổi căn bản đã chính thức triển khai từ năm học 2020-2021. Đến nay, sau 2 năm học áp dụng, bên cạnh những ý kiến đồng tình với tinh thần đổi mới, vẫn còn những băn khoăn, trăn trở, đặc biệt là vấn đề liên quan đến sách giáo khoa (SKG).

Sự cần thiết của sách giáo khoa
Phụ huynh lựa chọn SGK cho con tại Nhà sách Việt Lý (TP Thanh Hóa).

Hẳn các thế hệ học sinh cả nước những năm 80-90 của thế kỷ XX sẽ không thể quên kỷ niệm về một thời cắp sách đến trường. Ngày ấy, một chương trình học chỉ có một bộ SGK nên có thể dùng lại nhiều lần. Những quyển sách bìa được bọc lại bằng giấy báo cũ và giữ gìn cẩn thận, được “trao truyền” từ năm này sang năm khác, từ lớp anh trước đến lứa em sau. Thậm chí với những gia đình nghèo, lại đông con mỗi bộ SGK của các anh chị lớn trong nhà sẽ như một “bảo vật” đối với các lứa đàn em. Ngày nay, với xu hướng của nền giáo dục hiện đại, khi SKG đã và đang được đổi mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì câu chuyện về “bảo vật”, về việc “trao truyền” SGK đã không còn.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục cho rằng, chủ trương “Một chương trình, nhiều bộ SGK” là hoàn toàn phù hợp với xu hướng hiện nay. Về mặt lý thuyết, khi có nhiều bộ SGK thì các nhà trường có nhiều sự lựa chọn hơn để chọn ra bộ sách có chất lượng nhất, trang bị cho học sinh tri thức cần thiết và phù hợp với lứa tuổi, bậc học và với điều kiện kinh tế - xã hội, văn hóa mỗi địa phương. Bên cạnh đó, chủ trương này góp phần làm lành mạnh hóa thị trường SGK. Chất lượng sách sẽ được nâng lên vì muốn bán được sách thì người biên tập, nhà xuất bản phải có sự đầu tư kỹ lưỡng về nội dung và hình thức. Tuy nhiên, thực tế triển khai đã và đang nảy sinh nhiều điều đáng suy ngẫm.

Ngay trong năm đầu tiên áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1, môn tiếng Việt của bộ sách “Cánh diều” do Nhà Xuất bản Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh phát hành, tổng chủ biên kiêm chủ biên là GS. Nguyễn Minh Thuyết đã có không ít “hạt sạn” liên quan đến việc sử dụng ngôn từ, hình ảnh chưa chuẩn mực và không phù hợp với lứa tuổi học sinh... được giới chuyên môn và những người trực tiếp đứng lớp giảng dạy “nhặt” ra. Rồi việc sử dụng một lúc nhiều bộ SGK trên cùng một địa bàn gây khó khăn cho việc quản lý, đánh giá chất lượng dạy và học... Và hiện nay, khi áp dụng đối với lớp 3, 7 và lớp 10 câu chuyện về SKG lại được “hâm nóng” khi dư luận bàn sâu về giá sách. Tất cả cho thấy sự quan tâm của dư luận xã hội, tâm trạng lo lắng của các bậc phụ huynh về SKG khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là hoàn toàn có cơ sở.

Nói về giá sách, mới đây, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam công bố thông tin về giá của bộ SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Theo đó, giá SGK mới lớp 3, 7, 10 ở hai bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” và “Chân trời sáng tạo” áp dụng từ năm học 2022-2023 cao gấp 2 - 3 lần SGK hiện hành. So với bộ SGK lớp 3 hiện hành (chưa bao gồm sách tiếng Anh) chỉ khoảng 60.000 đồng/bộ thì bộ SGK mới chưa bao gồm sách tiếng Anh có giá từ 177.000 đến 183.000 đồng. Bộ SGK mới lớp 7 chưa có sách tiếng Anh, giá từ 208.000 đến 209.000 đồng, cao hơn 2 lần bộ SGK hiện hành. Bộ SGK lớp 10 cũ có giá niêm yết là 164.000 đồng, còn giá bộ SGK mới lớp 10 có giá từ 246.000 đến 301.000 đồng (tùy thuộc tổ hợp môn học).

Giải thích về nguyên nhân giá SGK tăng, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV diễn ra vào tháng 6-2022, người đứng đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho rằng, việc so sánh giá SGK mới và cũ là không tương đồng, bởi sách của chương trình mới được thực hiện xã hội hóa theo chủ trương của Quốc hội “Một chương trình, nhiều bộ SGK”. Các loại sách này biên soạn với khổ lớn hơn, giấy tốt hơn... Tuy nhiên, bất luận như thế nào nhìn nhận từ thực tiễn việc SGK mới tăng giá đã khiến không ít cán bộ, giáo viên, phụ huynh băn khoăn, trăn trở.

Theo chia sẻ của cô giáo Phạm Thị Nga, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Minh (thị xã Nghi Sơn) về cơ bản nội dung sách có nhiều đổi mới, học liệu hình ảnh phong phú, trang trí bắt mắt... Qua 2 năm học sử dụng SGK mới đối với lớp 1 và lớp 2 giáo viên nhà trường đã cập nhật và triển khai tốt nội dung. Tuy nhiên, băn khoăn hiện nay vẫn là về giá sách quá cao so với bộ sách trước đây. Về phía phụ huynh, chị Nguyễn Thị Thủy, ở xã Hoằng Đồng, Hoằng Hóa chia sẻ: “Chúng tôi không cần màu sắc quá sặc sỡ mà quan trọng là chất lượng nội dung của chương trình giáo dục, của SGK. Tôi thực sự bất ngờ bởi bộ SGK lớp 1 gồm SGK và vở bài tập cùng 2 bộ đồ dùng học Toán và vở vẽ A4 có giá lên tới hơn 700.000 đồng. Trong khi đó, ở nhiều môn học, thiết kế của sách cho phép học sinh có thể điền nội dung câu trả lời, làm bài luyện tập... ngay trên SGK, khiến cho sách chỉ có thể sử dụng 1 lần, gây lãng phí, tốn kém”.

Trước những băn khoăn, trăn trở từ dư luận, phụ huynh học sinh và ngay cả trong nghị trường Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có những chỉ đạo hướng tới mục tiêu tiết kiệm, chống lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng SGK, tăng tỷ lệ SGK được sử dụng lại nhiều lần. Theo đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu Giám đốc Sở GD&ĐT các địa phương chỉ đạo phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục phổ thông không thực hiện việc lập danh mục, đóng gói thành bộ SGK kèm sách bài tập, sách tham khảo và các tài liệu khác ngoài danh mục sách được phê duyệt để học sinh, phụ huynh mua. Tổ chức quán triệt, tuyên truyền đến từng cán bộ quản lý giáo viên và học sinh về việc giữ gìn, bảo quản SGK; không viết, vẽ vào SGK để sách được sử dụng lại lâu bền. Cùng với đó, chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm quy định tại Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Trong đó lưu ý việc: “Giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp không được lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc cha mẹ học sinh mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào”. Tuy nhiên, đến thời điểm này vấn đề dư luận quan tâm là giá SGK vẫn chưa “hạ nhiệt”.

Không thể phủ nhận ưu điểm của những bộ SGK mới thuộc Chương trình giáo dục phổng thông 2018. Tuy nhiên, đổi mới không nhất thiết là phải làm khác cái cũ mà phải bổ sung, hoàn thiện cái cũ phù hợp với đặc điểm và sự phát triển của nền giáo dục nước nhà. Một cuốn SGK chứa nhiều “sạn” về ngữ liệu; rồi việc buông lỏng trong khâu kiểm duyệt nội dung, thiếu sâu sát trong thanh tra, kiểm soát chất lượng, giá sách cao... lỗi không chỉ nằm ở nhóm tác giả, nhà xuất bản, đó còn là trách nhiệm của các hội đồng thẩm định và đơn vị quản lý Nhà nước đã phê duyệt nội dung đưa vào thực hiện. “Một chương trình, nhiều bộ SGK” là chủ trương đúng, nhưng thực hiện không đúng và trúng thì học sinh và phụ huynh sẽ tốn kém hơn rất nhiều khi phải mua nhiều bộ SGK của các nhóm tác giả khác nhau. Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GD&ĐT cần đưa ra phương án chặt chẽ hơn nữa trong khâu thẩm định, lựa chọn SGK để tạo tâm lý yên tâm cho học sinh và phụ huynh học sinh cũng như giữ vững định hướng của Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

Bài và ảnh: Phong Sắc