Tài liệu gửi Nghị viện Pháp và các đoàn đại biểu dự Hội nghị véc xây thắng 6 1919

HỌC BÁC ĐỂ ĐỔI MỚI - VÌ HẠNH PHÚC CỦA NHÂN DÂN

30/07/2021 11:18

Đổi mới hoạt động của Quốc hội vì mục tiêu tối thượng là phụng sự lợi ích của Quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân là lời hứa của tân Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và cũng là sự mong đợi của mỗi một người dân Việt Nam vào Quốc hội khóa XV.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tuyên thệ nhậm chức

Trong bài phát biểu nhậm chức, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã khẳng định: "Với cương vị Chủ tịch Quốc hội, tôi nguyện sẽ cống hiến hết sức mình, cùng Quốc hội, tập thể Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp 75 năm Quốc hội Việt Nam, tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội vì mục tiêu tối thượng là phụng sự lợi ích của Quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân".

Đổi mới hoạt động của Quốc hội vì mục tiêu tối thượng là phụng sự lợi ích của Quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân là lời hứa của Tân chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và là sự mong đợi của mỗi một người dân Việt Nam vào Quốc hội khóa XV.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Đình Hoè đã viết trong cuốn pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh “Muốn đổi mới thắng lợi chúng ta phải quyết tâm dứt khoát trở về nguồn, trở về cái lõi nhân nghĩa, truyền thống bất biến, cái lõi pháp lý tự nhiên, pháp lý nhân bản chứa đựng trong tư tưởng Hiến chính sáng ngời chân lý của Bác Hồ"

Ôn cố tri tân, để công cuộc đổi mới thắng lợi, muốn xây dựng nhà nước pháp quyền vững mạnh như mục tiêu then chốt mà Đại hội Đảng XIII đã đề ra, chúng ta cũng phải trở về nguồn, tìm lại những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để vận dụng và phát huy trong thực tiễn. Cả cuộc đời hoạt động của Người, chữ "DÂN" luôn được đặt vào vị trí cao nhất và mọi hoạt động của Người đều vì hạnh phúc của nhân dân. Bởi vậy Nhà nước, Quốc hội mà người khai sinh ra cũng hoạt động vì lẽ đó.

Nhà nước ấy, Quốc hội ấy đều đã đi qua hơn 75 năm và có nhiều bước tiến quan trọng, Hiến pháp Việt Nam đã qua 5 lần sửa đổi, hệ thống pháp luật đã được bổ sung và xây dựng ngày càng hoàn thiện hơn nhưng cho dù sửa đổi thế nào, bổ sung ra sao thì việc đổi mới vẫn sẽ không dừng lại và không ngoài mục tiêu vì hạnh phúc của nhân dân.

Thời gian càng lùi xa, những giá trị tư tưởng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại càng sâu sắc, là những vấn đề mà những thế hệ sau luôn cần phải tiếp tục nghiên cứu và học tập.

Ngay sau thời điểmđược bầu giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội từ cuối khoá XIV cho đến nay, khi thảo luận về các dự án Luật, xem xét chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh hàng năm và trong toàn khoá, tạicác cuộc làm việc với mỗi cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã luôn luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh để tiếp tục đổi mớicông tác lập pháp nói riêng và trong mọi hoạt động của Quốc hội nói chung.

Trong thời gian bôn ba đi tìm đường cứu nước, năm 1919 trong "Bản yêu sách của nhân dân An Nam" gửi tới Hội nghị Véc xây do Người ký tên, Người đã đòi quyền tự do cho nhân dân và tại điều 7, Người nêu rõ "Thay đổi chế độ ra sắc lệnh bằng các đạo luật", tại điều 8 là "Đoàn Đại biểu thường trực của người bản xứ, do người bản xứ bầu ra, tại Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện pháp biết được những nguyện vọng của người bản xứ". Có thể thấy ngay từ thời điểm này, cách đây hơn một thế kỷ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra yêu cầu phải xây dựng và quan lý nhà nước bằng pháp luật và đòi quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội.

Sau ngày trở về Việt Nam -28/01/1941và hoạt động ở Cao Bằng, Người đã thành công trong tổ chức thí điểm chính quyền cách mạng đầu tiên. Đến tháng 5/1941 tại Hội nghị Trung ương XIII, Mặt trận Việt Minh chính thức được thành lập, đồng thời đề ra các chương trình cụ thể, trong đó nêu rõ sẽ thành lập Chính phủ nhân dân Việt Nam dân chủ Cộng hoà do Quốc dân đại hội cử ra với những tư tưởng tiến bộ và nhân văn. Cho đến nay, những tư tưởng đó vẫn là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng và Nhà nước ta. Những chính sách ấy, chương trình ấy, tư tưởng ấy được chuyển thể thành bài thơ "Ngũ tự kinh" và được đại tướng Võ Nguyên Giáp dịch ra tiếng Tày, Mông, Dao mà bây giờ nhiều người dân Cao Bằng vẫn nhớ, vẫn thuộc trong đó có những đoạn thể hiện được các chính sách của một mô hình nhà nước mới do người dân làm chủ.

"Nước độc lập sướng vui/Thế mới phải là người /Thoát khỏi vòng trâu ngựa/Dân khai bầu chính phủ /Dân có quyền tự do/Được hội họp tha hồ /Được nói bàn phải trái /Được buôn bán đi lại /Trên đất nước nhà mình /Thổ Mường Mán Nùng Kinh /Cùng yêu nhau thân ái /Thợ thuyền trong nhà máy /Mỗi ngày làm tám giờ /Dân quê có ruộng bò /Bỏ hết các thứ thuế /Binh lính được tử tế /Và được thêm lương tiền /Phụ nữ được bình quyền /Cùng đàn ông bình đẳng /Người già được nuôi dưỡng /Trẻ con được chăm nom /Người trí thức người buôn /Đều có quyền rộng rãi ".

Ngũ tự Kinh là cuốn sách gối đầu giường, từ đó bà con ủng hộ và hành động cùng với Việt Minh. Chính bản"Ngũ tự kinh" và báo "Việt Nam độc lập" là những công cụ tuyên truyền để người dân hiểu đường lối, chính sách Việt Minh một cách rõ ràng, đồng thời để người dânthấy được chính quyền này khác với phong kiến và thực dân trước đó. Đây là một mô hình chính quyền rất mới,là sự sáng tạo về chính quyền và thể hiện được rất rõ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau này, với các hoạt động nhưQuốc dân Đại hội Tân Trào, Tổng tuyển cử năm 1946 bầu ra Quốc hội..., việc xây dựng và thông qua Hiến pháp năm 1946 cũng như các hoạt động khác trong Quốc hội nhưhoạt động liên quan đến xây dựng Hiến pháp, pháp luật... đã luôn khẳng định quyền độc lập của dân tộc, quyền làm chủ của nhân dân, đảm bảo tính thượng tôn pháp luật và đặc biệt pháp luật ấy lạiluôn thể hiện tính nhân văn của một Nhà nước của dân do dân và vì dân.

Ông Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, XIII, XIV, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khẳng định rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn mô hình Nhà nước tiên tiến nhất của lịch sử, đó là một quá trình tích luỹ, do con đường đi tìm đường cứu nước Người đã đến nhiều quốc gia tiên tiến, tiếp cận với các mô hình chính trị tiên tiến nhất. Và Người đã đưa về Việt Nam một mô hình rất mới trên nền tảng xã hội Việt Nam vừa mới thoát thai ra khỏi chế độ thuộc địa phong kiến với 90% dân số còn mù chữ, phải nói đấy là một nghệ thuật chính trị rất tài tình.

Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cũng cho rằng việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội chỉ vài tháng sau khi tuyên bố độc lậpcho thấy tầm nhìn của Bác rất sâu sắc.Bác xác định không thể để Chính phủ lâm thời được mà phải có Chính phủ chính thức và làm cho dân hiểu để ủng hộ Chính phủ,theo đó sẽ thực hiện công cuộc kháng chiến kiến quốc, phải đạt được độc lập, tự do và hạnh phúc. Trong cuộc đời của mình, Bác bao giờ cũng nhắc đến dân, chữ "DÂN" luôn được Bác viết hoasuốt cả cuộc đời là vậy. Từ khi Bác ra đi tìm đường cứu nước, Bác đến khắp các châu lục trên thế giới, Bác hiểu được quyền con người và vì vậy thấy cần phải làm điều gì để đảm bảo quyền cho người dân, vì dân, và suy cho cùng, pháp luật đưa ra cũng đều phục vụ quyền của người dânvà phải vì dân.

Trong giai đoạn hiện nay, trướcbối cảnh mới, hoạt động lập pháp cũng đặt ra những vấn đề mới, cũng đòi hỏi sự đổi mới mạnh mẽ và liên tục mà Quốc hội khoá XV và Quốc hội các khoá tiếp theophải có trọng trách để thực hiện. Điều này đòi hỏi cần phải tập trung thể chế hoá, cụ thể hoá các quyết sách quan trọng được khẳng định tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đó cũng là sự chờ đợi, kỳ vọng vào các đại biểu Quốc hội khoá XV được thể hiện trong bài phát biểu tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV vừa qua của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:"Cần tập trung làm tốt công tác thể chế hoá, cụ thể hoá các quyết sách quan trọng được khẳng định tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chuẩn bị về mọi mặt, đảm bảo cho hoạt động khoá XV có nhiều khởi sắc và đạt chất lượng ngày càng cao, đáp ứng được những yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân trong giai đoạn mới, muốn thế một vấn đề hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định tôi muốn nhấn mạnh thêm là tất cả các vị đại biểu Quốc hội cũng ta khoá này cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nước, vì dân, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ về mọi mặt, gần gũi và lắng nghe ý kiến của nhân dân, thực hiện và hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mà cử tri và nhân dân giao phó".

Tại buổi gặp mặt báo chí trong Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XVngày 22/7/2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã khẳng định những thành tựu, những nền móng được kế thừa là quá lớn, Quốc hộikhoá XV kế thừa và phát huy những thành tựu đã có nhưng cũng đặt ra cho chúng ta áp lực là phải tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng như thế nào?Dư địa đổi mới liệu có còn không? Dựa vào cái gì để đổi mới?Việc giữ được sự phấn đấu để duy trì những thành quả như những khoá vừa rồi đã là khó, tiến thêm một bước nữa là rất khó khăn. Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định:"Như Tổng Bí thư đã giao nhiệm vụ, Quốc hội phải luôn luôn tự đổi mới, phải tự hoàn thiện mình. Trước hết chúng ta phải nâng cao chất lượng lập pháp, phải siết chặt kỷ luật kỷ cương lập pháp, phải gắn với trách nhiệm của từng cơ quan, nhất là gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, ở đâu người đứng đầu quan tâm tập trung xây dựng pháp luật thì ở đó có pháp luật tốt, mục tiêu Quốc hội luôn theo đuổi là phải xây dựng được hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, có tuổi thọ ổn định lâu dài, khả thi, đáp ứng được yêu cầu kiến tạo phát triên đất nước bền vững cũng như yêu cầu hội nhập Quốc tế".

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã có bài viết "Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoạt động lập pháp, góp phần xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam" và được đăng tải trên các tờ báo trong thời gian vừa qua, thu hút nhiều sự quan tâm của đông đảo dư luận. Ông Nguyễn Quốc Bảo, Trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho biết, ông đã đọc bài viết của Chủ tịch Quốc hội và tin rằng với sự lãnh đạo của Đảng, những tư tưởng ấy không chỉ dừng lại ở lý luận mà đã bắt đầu đi vào thực tiễn. Ông kỳ vọng vào hoạt động Quốc hộikhoá XV sẽ thực hiện đúng những điều mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là xây dựng một nhà nước pháp quyền trong sạch, vững mạnh, trong sạch bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, qua hệ thống pháp luật ấy tất cả vì con người Việt Nam, vì hạnh phúc của nhân dân Việt Nam.

Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, mong muốn Nhà nước phát huy cao quyền dân chủ của dân, điều hành theo pháp luật nhưng phải xây dựng cơ sở nhà nước của dân, do dân và vì dân, không được để tình trạng cán bộ, quan chức, xa rời dân, không được để tình trạng tham nhũng đi đến chỗ dân mất lòng tin...tất cả đều được quyết định bằng các luật pháp của Quốc hội. Quốc hội phải thể chế hoá được các Nghị quyết của Đảng,tư tưởng của Bác là vì dân, tất cả do dân, lấy dân làm gốc thì phải được điều chỉnh bằng Luật pháp, bằng Hiến pháp thì mới đi vào cuộc sống.

Trước yêu cầu về sự đổi mới, trước kỳ vọng của mỗi người dân, Chủ tịch Quốc hội cho rằng khi tập thể Quốc hội đoàn kết, trên dưới một lòng, phát huy được sức mạnh của từng đại biểu Quốc hội, của cả hệ thống chính trị thì nhiệm vụ nào chúng ta cũng hoàn thành, bài học kinh nghiệm vẫn là dựa vào dân. Từ quan điểm bài học "lấy dân làm gốc", đến nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đưa ra khái niệm mới là "dân là gốc", đến Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã phát triển thêm. Nếu trước đây nói "dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát", thì đến Đại hộiXIIIthêm phần "dân thụ hưởng". Dân có được thụ hưởng thì sự nghiệp đổi mới của chúng ta mới có ý nghĩa, vì mọi thành quả cuối cùng vẫn là vì dân, vì hạnh phúc của nhân dân.

Quốc hội Việt Nam đã trải qua hơn 75 năm và đang ngày càng đổi mới, đáp ứng ngày càng cao nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước. Nhưng muốn đổi mới thì phải luôn trở về nguồn, phải học những bài học từ quá khứ, bởi gốc có bền thì cây mới đứng được và tươi tốt lên. Sự quan tâm của lãnh đạo Quốc hội hôm nay có thểthấymột tập thể Quốc hội đã không ngừng học tập những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã lo vun những gốc cây ấy, Người đã tự tay gắn từng viên gạch để xây dựng Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà và chính là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hôm nay, trên cơ sở dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc. Những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn làhành trang quan trọng để Quốc hội tiếp tục đổi mới, vì hạnh phúc của nhân dân. Mỗi một cử tri đang có niềm tin, đang chờ đợi và sẽ đồng hành với Quốc hội khoá mới, đồng hành với Quốc hội Việt Namvì mục tiêu tối thượng:Phụng sự lợi ích của quốc gia và dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân./.

Phan Xanh

Video liên quan

Chủ Đề