Tại sao điện ảnh Việt Nam không phát triển

(HNM) - Dự thảo "Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" đang thu hút sự quan tâm của các nghệ sĩ gắn bó với nghệ thuật thứ bảy. Cũng thời gian này, cụm từ "bạo lực, cấm chiếu, phát tán trên internet, đĩa lậu liên quan đến bộ phim Bụi đời Chợ Lớn" xuất hiện với tần suất dày đặc. Không có gì để bàn thêm về bộ phim, nhưng hai sự việc nói trên, một mang tính vĩ mô và một sự kiện rất cụ thể, cho chúng ta góc nhìn tham chiếu về nhiều vấn đề "nóng" của nền điện ảnh.

Tại sao điện ảnh Việt Nam không phát triển

Một cảnh trong phim “Cánh đồng hoang”, tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt Nam.


Phía sau một dòng phim
Diễn biến liên tiếp về "Bụi đời Chợ Lớn" thật ra không phải chuyện đáng ngạc nhiên. Nó phản ánh phần nào đặc điểm và nỗi bức xúc nội tại của ngành điện ảnh hiện nay. Đó là khả năng tạo ảnh hưởng rõ nét của dòng phim nội địa do tư nhân thực hiện, hệ quả tất yếu khi các nhà làm phim tư nhân đang trên đà thống lĩnh thị trường, "bất chấp các quy định" như nhận định của nhà phê bình điện ảnh Trần Luân Kim. Cách lý giải khác, như đạo diễn Hà Sơn phân tích là "các nhà đầu tư nhận thấy đây là vùng trũng của điện ảnh và lập tức tập trung khai thác". Cách lôi kéo khán giả của lực lượng làm phim tư nhân và sự vượt trội của họ trong vài năm gần đây còn cho thấy một điều khác: Sự trống vắng dòng phim được Nhà nước đầu tư, lối mòn tư duy và những hạn chế về chính sách quảng bá, phát hành dòng phim này. Đã vài năm nay, sự "chậm lại" của Nhà nước trong việc đầu tư, "đặt hàng" các hãng phim lớn đã dẫn tới một thực tế là thị trường phim nội địa đang diễn ra cảnh gần với điều mà người ta gọi là "một mình một chợ", với sự hiện diện mang tính chủ đạo của phim tư nhân. Có thể thấy điều gì từ đó? Rõ ràng, tính cả sự vào cuộc của khối tư nhân, mỗi năm phim Việt chỉ có trên dưới 10 tác phẩm. Số lượng đã "hẻo", chất lượng ra sao? Những ồn ào theo kiểu "Bụi đời Chợ Lớn" ở năm 2013 cho thấy một thực tế buồn nhiều hơn vui. Mặt khác, theo nhà phê bình điện ảnh Trần Luân Kim, so với các nước trong khu vực mỗi năm ra đều đều độ mấy chục phim, với sức sản xuất khiêm tốn nói trên thì trong vài năm tới làm sao ta đuổi kịp họ, chưa nói vươn lên vị trí hàng đầu cả về số lượng và chất lượng? Đạo diễn Đào Bá Sơn cho rằng, những năm đầu thập kỷ thứ 8 của thế kỷ trước, Việt Nam từng là một nền điện ảnh mạnh của khu vực với khoảng hai chục phim truyện nhựa, chưa kể phim tài liệu được sản xuất mỗi năm. Mục tiêu tới đây đáng được khuyến khích, nhưng cũng phải tính toán kỹ trên cơ sở khoa học, độ khả thi và tính thuyết phục. Khách quan mà nói thì dòng phim tư nhân có đóng góp quan trọng vào việc tạo lực đẩy hoạt động điện ảnh trong nước và nhờ đó, cảm giác về "một nền điện ảnh nhúc nhắc" có lúc đã được gỡ bỏ. Tuy nhiên, sự nhạy bén và năng nổ ấy, trong bối cảnh "một mình một chợ" cũng tiềm ẩn mầm mống chủ quan, có thể kéo lùi điện ảnh. Gần đây, xu hướng "action" (hành động) và sự mô phỏng cách làm phim Hollywood khiến cho phim Việt thiếu bản sắc - điều không thể bị hủy hoại, mà như một đạo diễn nói là nguyên tắc sống còn của một nền điện ảnh.

Tại sao điện ảnh Việt Nam không phát triển

Một cảnh trong phim “Long Thành cầm giả ca”, tác phẩm được giới phê bình nghệ thuật đánh giá cao.


Tìm "lõi" của chiến lược điện ảnh
Những điều được đề cập ở trên có liên quan trực tiếp đến mục tiêu đã được nêu trong dự thảo Chiến lược phát triển điện ảnh, là đến năm 2020 xây dựng điện ảnh Việt Nam trở thành nền điện ảnh hàng đầu khu vực Đông Nam Á và đến năm 2030 trở thành một trong những nền điện ảnh mạnh của Châu Á. Tuy thế, không có nhiều phim và nhất là không có phim hay như hiện nay thì làm sao có thể hướng tới các mục tiêu khác, như về tỷ lệ phim Việt chiếu rạp, về thúc đẩy hợp tác quốc tế, về đáp ứng nhu cầu thưởng thức của người dân, chưa nói đến những mục tiêu lớn lao hơn nhiều, như tôn vinh và giữ gìn bản sắc. Vì thế, khi xác định phần "lõi" cho chiến lược đường dài, phải chăng cần tập trung thúc đẩy sản xuất phim, tập trung nguồn lực vật chất và "chất xám" cho việc này - một việc cần nhưng không đơn giản chút nào. Căn cứ theo chương trình hành động đề ra trong chiến lược, nếu được phê duyệt thì chậm nhất đến năm 2015 phải ban hành Thông tư đấu thầu, đặt hàng sản xuất, cũng như hoàn thiện và bước đầu phát huy hiệu quả của Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh Việt Nam. Quỹ này lấy vốn từ Nhà nước, từ phần trích tỷ lệ doanh thu bán vé tại các rạp để khuyến khích sản xuất các tác phẩm điện ảnh giá trị. Cơ chế đấu thầu, đặt hàng được kỳ vọng tạo động lực cho việc khuyến khích sản xuất phim mà Luật Điện ảnh đã quy định, nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn. Đợi thông tư, các hãng phim nhà nước không có phim để sản xuất. Có nhà biên kịch thốt lên: Không thể tưởng tượng được khi một nền điện ảnh "lười" sản xuất phim. Các hãng phim không làm phim thì còn biết làm gì? Vả lại, cứ cho là ta có hai công cụ được kỳ vọng ấy đến nơi rồi thì việc vận hành thế nào cho hiệu quả cũng không phải dễ. Đạo diễn trẻ Bùi Tuấn Dũng nêu vấn đề: "Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh ra đời là rất tốt. Tuy nhiên, quan trọng là chúng ta sẽ dùng nó như thế nào. Nó sẽ hỗ trợ cho "kiểu" tài năng nào, những điều mới mẻ nào? Mới, ở đây không phải là về khoa học kỹ thuật hay một vài nguyên tắc… mang tính mẹo mực của đạo diễn. Cái mới mà chúng ta mong muốn là sự độc đáo về cách nhìn trước một vấn đề xã hội mang tính thẩm mỹ và văn hóa cao. Nó phải khác biệt với thế giới ngoài kia, phải tạo ra được một triết lý nào đó chạm tới những giá trị toàn cầu thì mới có tác phẩm lớn. Bên cạnh đó, nói đến quỹ là phải đề cập tới tính minh bạch và hiệu quả hoạt động". Về cơ chế đấu thầu, đặt hàng sản xuất phim, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng nói: "Trước tiên, phải làm rõ tính mục đích của sản phẩm đấu thầu, đặt hàng để làm gì? Ngay ở Mỹ, hằng năm quân đội đều dành một phần kinh phí để sản xuất những phim phục vụ cho nhiệm vụ của họ. Nhưng đó chỉ là một phần siêu nhỏ trong toàn bộ hoạt động điện ảnh ở nước này. Ở ta, mục đích của sản phẩm điện ảnh không chỉ là tuyên truyền, nó còn là văn hóa, là hàng hóa, nó phải sinh lời thì mới có thể tồn tại và phát triển được. Điện ảnh của chúng ta đang nghèo và yếu, cả về văn hóa và kinh tế. Chúng ta phải mạnh mẽ và thẳng thắn nhìn nhận điều đó thì mới phát triển được".

Nhìn chung, nền điện ảnh muốn phát triển thì phải đi đều trên hai chân vững vàng. Dựa vào đầu tư của Nhà nước - về nguồn vốn và chính sách hỗ trợ nói chung là cách nghĩ thiết thực, nhưng bản thân ngành điện ảnh cũng phải tự vận động cho ra dáng mới được.

Thứ hai, 23/05/2022 - 19:40 PM

Tại sao điện ảnh Việt Nam không phát triển
Một bộ phim do tư nhân đầu tư 60 tỷ đồng, vừa được công chiếu!

Điện ảnh Việt sau hai năm ngưng trệ vì Covid-19, đang gượng dậy bằng những nỗ lực cá nhân qua các bộ phim chiếu rạp như “Người tình”, “Kẻ thứ 3” hoặc “578: Phát đạn của kẻ điên”. Điện ảnh Việt đang cần sự ủng hộ của cộng đồng để có những đột phá mạnh mẽ hơn. Cho nên, dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi được đưa ra Quốc hội trong kỳ họp thứ 3 (vừa khai mạc sáng 23/5 tại Hà Nội) là một sự kiện khiến người hâm mộ hy vọng cho điện ảnh Việt.

Điện ảnh Việt đang thiếu gì? Trung bình mỗi năm điện ảnh Việt có khoảng 40 bộ phim tư nhân và 3 bộ phim Nhà nước đặt hàng. Đó là một con số khiêm tốn. Thế nhưng, vấn đề cần băn khoăn hơn là làm sao kích hoạt nhân tố mới và những ý tưởng sáng tạo để điện ảnh Việt thực sự có đủ khả năng hội nhập quốc tế.

Một nội dung quan trọng trong dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi là thành lập và vận hành Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Vì sao phải cần Quỹ hỗ trợ phát triển cho điện ảnh Việt? Cục trưởng Cục Điện ảnh – Vi Kiến Thành phân tích: “Thực tế có nhiều dự án của nước ngoài đang tài trợ cho việc làm phim ở nước ta, đầu tư cho các nhà làm phim trẻ, nhà làm phim độc lập và phim nghệ thuật…Đương nhiên, họ hỗ trợ thì họ có quyền chi phối, định hướng, điều chỉnh mình. Trong khi điện ảnh của chúng ta không có Quỹ phát triển thì không có kinh phí hỗ trợ các nhà làm phim và các quỹ nước ngoài sẽ nhảy vào. Vậy chúng ta phải làm thế nào? Phải có Quỹ để nắm quyền chủ động đối với các đối tượng là nhà làm phim trẻ, nhà làm phim độc lập”.

Nói đến sự xuất hiện và sự tồn tại của một loại Quỹ nào đó thì câu hỏi đầu tiên là tiền đâu? Theo dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi thì Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh được thu gom từ 3 nguồn. Thứ nhất, là vốn ban đầu từ nguồn ngân sách sự nghiệp văn hóa. Thứ hai, huy động từ đóng góp tự nguyện, tài trợ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài và các nguồn thu nhập khác.

Thứ ba, then chốt hơn và cũng gây tranh cãi hơn là các khoản tài chính “trích 3% từ doanh thu bán vé của các phim nhập khẩu chiếu rạp tại Việt Nam; 3% từ phí thẩm định và phân loại phim; 1% tiền thuê bao của phim phổ biến xuyên biên giới; 0,05% tiền thuê bao của truyền hình trả tiền; 0,5% doanh thu từ hoạt động quảng cáo trong chương trình phim chiếu trên truyền hình; 5% phí hậu kiểm”.

Tại sao điện ảnh Việt Nam không phát triển
Bộ phim "Bố già" doanh thu 400 tỷ đồng thì đóng góp bao nhiêu cho Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh?

Theo kế hoạch, với đặc thù một quỹ tài chính ngoài ngân sách, thì Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh có mục đích hỗ trợ cho dự án sản xuất phim thể nghiệm, phim đầu tay, phim của tác giả trẻ; hỗ trợ cho tác giả, dự án, phim Việt Nam xuất sắc tham gia liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, hội chợ phim, chương trình phim, tuần phim tại nước ngoài.

Đồng thời, trong điều kiện cho phép, Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh sẽ cho cá nhân và hãng phim vay để thực hiện dự án ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ hiện đại trong hoạt động điện ảnh, cũng như hỗ trợ các hoạt động khác để phát triển nghệ thuật điện ảnh đương đại.

Ở các nước có nền công nghiệp giải trí hùng mạnh, thì các loại quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh đều do những tập đoàn kinh tế nào đó tài trợ. Ở Việt Nam, chờ doanh nghiệp mặn mà với nghệ thuật thứ bảy thì e chừng hơi khó và hơi lâu. Cho nên, để thoát khoải bối cảnh phim tư nhân chạy theo các thể loại hài nhảm để bán vé, còn phim Nhà nước đặt hàng thì nhỏ giọt cầm chừng, phải có Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh với tư duy cởi mở và cầu thị.

Cục trưởng Cục Điện ảnh – Vi Kiến Thành bày tỏ: “Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh là cánh tay nối dài, là công cụ quản lý của Nhà nước để định hướng và thực hiện các dự án phim của những đối tượng tương lai của nghệ thuật điện ảnh. Bây giờ nhận thức của chúng ta về Quỹ vẫn lúng túng, cần thay đổi. Chúng ta mới đang hiểu là Quỹ kinh tế mà không hiểu là công cụ quản lý nhà nước. Chúng ta nắm và điều chỉnh lực lượng sáng tác như thế nào?

Hiện nay, các Hội có quản lý được hội viên trẻ không? Họ có vào các Hội không? Lực lượng nghệ sĩ trẻ rất đông và họ sáng tác độc lập, không tham gia các Hội. Điện ảnh cũng vậy, nếu không có Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, không thu hút được các nhà làm phim trẻ, các nhà làm phim độc lập thì vô cùng nan giản cho tương lai điện ảnh Việt”.