Tại sao giá vàng trong nước không giảm

Phải kéo giá vàng SJC về sát giá thế giới!

Không một thị trường nào giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới tới 20% như tại Việt Nam!

  • Giá vàng hôm nay 10-3: Giá vàng SJC đã rớt gần 7 triệu đồng/lượng

  • Sốc với giá vàng SJC!

  • Giá vàng SJC lập kỷ lục mới, vàng thế giới tăng dựng đứng

  • Người dân TP HCM đổ xô mua vàng ngày Thần tài, giá vàng SJC tăng vọt

Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam [VGTA], đã thốt lên như vậy khi chứng kiến giá vàng SJC chênh lệch quá lớn so với vàng thế giới, có thời điểm lên tới gần 20 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC cao ngất ngưởng

Cuối ngày 10-3, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn [SJC] niêm yết mua vào 67,8 triệu đồng/lượng, bán ra 69,6 triệu đồng/lượng, giảm khoảng 700.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm trước. Trong khi một số tiệm vàng nhỏ lẻ mua vào tới 68,5 triệu đồng/lượng.

Mua bán vàng tại TP HCM ngày 10-3 .Ảnh: TẤN THẠNH

Trong ngày, có thời điểm giá vàng SJC rớt còn 65,5 triệu đồng/lượng mua vào, 67,5 triệu đồng/lượng bán ra, "bốc hơi" gần 7 triệu đồng/lượng so với mức đỉnh 74,4 triệu đồng/lượng vài ngày trước đó.

Giá vàng biến động mạnh trong ngày nhưng theo ghi nhận tại một số tiệm vàng, doanh nghiệp vàng ở TP HCM thì lượng khách đến giao dịch không có sự đột biến, thậm chí khá vắng vẻ. Lúc 10 giờ 30 phút, tại một trung tâm kim hoàn trên đường Hai Bà Trưng [quận 3], nhân viên kinh doanh cho biết đã hết sạch vàng miếng SJC, vàng miếng PNJ từ vài ngày trước, hiện chỉ còn nhẫn trơn PNJ. Nếu khách muốn mua vàng miếng SJC, PNJ phải báo số lượng để họ "gom" ở các chi nhánh, cửa hàng khác.

Tại một tiệm vàng ở chợ Tân Định [quận 1], chủ tiệm vàng cho biết trong sáng 10-3, chủ yếu là khách đến bán vàng lẻ, cũng có người mua vàng khi giá vàng SJC giảm về mức 68 triệu đồng/lượng. Một vị khách vừa mua một lượng vàng SJC cho biết thấy giá vàng giảm từ 74 triệu đồng/lượng xuống 68 triệu đồng/lượng nên đã đi mua để dành.

"Vài ngày trước khi giá vàng đạt mức 72-74 triệu đồng/lượng, khách đến mua vàng có tăng nhưng không quá đông. Từ sáng đến giờ, khách đến bán vàng nhiều hơn mua vì sợ còn giảm tiếp. Có điều, giá vàng SJC biến động quá mạnh và quá nhanh nên chúng tôi không dám "ôm" mà thường sẽ chốt giao dịch ngay sau mua vàng của khách và ngược lại. Vì giá biến động từng phút, từng giờ mà "ôm" vàng SJC là rất rủi ro" - chủ tiệm vàng ở chợ Tân Định này nói.

Một diễn biến khá lạ là các doanh nghiệp, tiệm vàng đều cho biết những ngày qua, giao dịch vàng SJC không có gì đột biến, cũng không có cảnh xếp hàng hoặc đổ xô đi mua vàng nhưng giá vàng SJC vẫn được niêm yết rất cao so với vàng trang sức, vàng nhẫn 24K và vàng thế giới, có thời điểm lên tới gần 20 triệu đồng/lượng.

Tới cuối ngày 10-3, giá vàng SJC vẫn đang cao hơn vàng thế giới hơn 14 triệu đồng/lượng và hơn 13 triệu đồng so với vàng nhẫn 24K.

Đã đến lúc vào cuộc bình ổn giá vàng

Ông Huỳnh Trung Khánh cho biết giá vàng SJC cách biệt với giá thế giới những năm trước chỉ khoảng 4-5 triệu đồng/lượng nhưng đến thời điểm hiện tại có lúc lên tới hàng chục triệu đồng/lượng, là quá vô lý. Nhiều năm qua, VGTA đã liên tục kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần sớm có giải pháp can thiệp để kéo giá vàng trong nước về sát giá thế giới. "Mức chênh lệch quá này trở thành "hiện tượng kỳ cục" của giá vàng, trong khi những người có nhu cầu mua vàng thương hiệu quốc gia lại bị thiệt vì giá bị đẩy lên quá cao" - ông Khánh nói.

Thực tế, từ khi có Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đã kiểm soát chặt nguồn cung vàng miếng thông qua việc quy định nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng; độc quyền nhập khẩu, xuất khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho biết từ khi có Nghị định 24, vàng không còn là vật trung gian thanh toán trong nền kinh tế, không phải phương tiện đo lường giá trị tài sản lớn nên thực tế giá vàng tăng không ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế. Tuy nhiên, khi giá vàng tăng làm cho không ít người đổ xô vào mua bán vàng lướt sóng, kiếm lời và từ đó một lượng tiền lớn sẽ chuyển vào kinh doanh vàng. Việc chuyển nguồn vốn vào vàng sẽ giảm nguồn vốn để đầu tư vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, ảnh hưởng đến khả năng hồi phục của nền kinh tế. "Vì vậy, đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước cần vào cuộc để bình ổn thị trường, làm cho giá vàng trong nước sát với thế giới, để khoảng cách giá mua và bán gần nhau hơn" - PGS-TS Đinh Trọng Thịnh kiến nghị.

Theo ông Huỳnh Trung Khánh, thị trường vàng ổn định thời gian qua góp phần hiệu quả cho công cuộc chống vàng hóa, đô-la hóa nền kinh tế. Đồng thời, việc chống vàng hóa, đô-la hóa thành công cũng là cơ sở để trả lại thị trường vàng về bản chất như một loại hàng hóa thông thường, bởi vàng hiện không còn là phương tiện thanh toán, các tổ chức tín dụng cũng không được huy động, cho vay vàng từ khi có Nghị định 24. "Có thể điều chỉnh chính sách để các doanh nghiệp được quyền tự đăng ký thương hiệu vàng miếng của mình và tự chịu trách nhiệm, sản xuất - kinh doanh như các loại vàng trang sức, vàng nhẫn hiện nay, thay vì chỉ có một loại vàng miếng SJC do Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất" - ông Huỳnh Trung Khánh kiến nghị.

Các chuyên gia cho rằng việc để giá vàng trong nước và thế giới quá cách biệt còn làm tăng nguy cơ buôn lậu vàng. Vì vậy, cơ quan quản lý cần theo dõi hiện tượng đầu cơ, làm giá hoặc nhập lậu vàng để có thể can thiệp kịp thời.

THÁI PHƯƠNG

Vàng "loạn giá", ai rủi ro, ai được lợi? 

Cập nhật lúc 16h ngày 10/3, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại 68 - 69,8 triệu đồng/lượng [mua - bán], đang đắt hơn thế giới 15,04 triệu đồng/lượng nếu tính theo tỷ giá ngân hàng. Trong khi đó, vàng nhẫn SJC được giao dịch ở mốc 55,8 - 56,8 triệu đồng/lượng [mua - bán], thấp hơn vàng miếng SJC từ...12,2 đến 13 triệu đồng/lượng.

Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới [NPJ], đánh giá trong những ngày qua, giá vàng SJC trong nước biến động rất mạnh, không bị chi phối nhiều bởi giá vàng thế giới.

Có những thời điểm giá vàng thế giới chỉ tăng vài chục USD mỗi ounce nhưng giá trong nước lại tăng tới 6 - 7 triệu đồng/lượng. Ngược lại, có thời điểm giá vàng thế giới tăng mạnh, vượt mốc 2.050 USD/ounce, giá trong nước lại giảm 3 - 4 triệu đồng/lượng, ông Trọng dẫn chứng. 

Theo ông, giá vàng miếng trong nước hiện nay không đi cùng nhịp với giá thế giới mà bị tác động chính bởi tâm lý của nhà đầu tư và có yếu tố yếu tố phòng thủ của các công ty vàng mà lý do là thương hiệu vàng miếng SJC do Ngân hàng Nhà nước độc quyền.

Người dân Hà Nội đổ xô đến tiệm vàng giao dịch khi giá biến động [Ảnh: Hoàng Dung].

Ông Trọng phân tích, người dân có tâm lý mua vàng tích trữ. Do đó, chiến sự giữa Ukraine và Nga xảy ra cũng là một lý do để người dân đi mua vàng. Do nguồn cung vàng miếng hạn chế, quy mô giao dịch cũng không lớn nên các công ty nâng giá lên.

Khi giá vàng tăng cao, lực bán xuất hiện dù không quá lớn nhưng cao hơn lực mua nên các doanh nghiệp vàng sau đó điều chỉnh giá. So với mức đỉnh gần 74,5 triệu đồng/lượng ngày 8/3, giá vàng sáng 10/3 đã giảm hơn 6 triệu đồng/lượng. "Hiện tại, các "nhà vàng" vẫn niêm yết giá bán và giá mua chênh lệch lớn để phòng thủ vì họ chưa nắm được tâm lý người dân thế nào", ông Trọng nhận xét.

Theo ông, mức chênh lệch hiện tại khoảng 2 triệu đồng giữa chiều bán ra và mua vào với vàng miếng SJC tạo ra rủi ro lớn cho nhà đầu tư. Tạm tính theo mức giá vàng sáng 10/3 là hơn 68 triệu đồng/lượng, mức chênh lệch 2 triệu đồng đã khiến người mua vàng lỗ ngay 3% khi mua vào. Trong khi đó, với biên độ chênh lệch lớn hơn, các "nhà vàng" lại có biên lợi nhuận tốt hơn.

Ngoài ra, một rủi ro khác với nhà đầu tư là giá vàng trong nước hiện nay cao hơn nhiều so với giá thế giới. Theo giá vàng và giá USD trên thị trường tự do sáng 10/3, ông Trọng tính toán giá vàng trong nước chênh lệch hơn 12 triệu đồng so với giá thế giới.

"Thị trường không liên thông nên giá vàng SJC và giá thế giới không có sự gắn kết. Giá trong nước được quyết định bởi cung cầu và tâm lý đầu tư của người dân nên có thời điểm cao hơn giá thế giới 15 triệu đồng/lượng. Chỉ có thị trường Việt Nam mới có mức chênh lệch cao như vậy, rất bất cập", ông Trọng nêu quan điểm.

Giám đốc NPJ cho biết hiện nay Ngân hàng Nhà nước không cho phép nhập vàng nguyên liệu nên mức chênh giữa giá vàng trong nước và thế giới phụ thuộc vào cung cầu trên thị trường. Điều này khiến người dân trong nước phải mua vàng với giá rất cao.

Điều này lại dẫn đến nhiều rủi ro như tỷ suất lợi nhuận thấp hơn vì số tiền bỏ ra quá lớn. Ngoài ra, nếu Nhà nước có chính sách mới về quản lý vàng kéo biên độ chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới hẹp lại hay nếu giá thế giới giảm, lực bán tháo xuất hiện, người mua vàng ở giá cao sẽ gánh rủi ro chịu lỗ lớn. 

Trong khi đó, với các loại vàng nhẫn, dù người dân cũng có nhu cầu nhưng do nguồn cung dồi dào hơn nên giá trong nước không thể tăng quá cao so với giá thế giới. Vì vậy, giá vàng nhẫn trong nước bám khá sát với giá thế giới.

Thị trường vàng Việt Nam không liên thông với thế giới

Trao đổi Dân trí, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cho rằng, sự chênh lệch giá cao giữa vàng miếng và vàng nhẫn có nhiều lý do. Còn nguyên nhân khiến giá vàng miếng SJC trong nước liên tục vênh cao so với thế giới do thị trường vàng ở Việt Nam không liên thông với thị trường vàng thế giới. 

Cụ thể, Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực từ năm 2012 quy định: Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng; Ngân hàng Nhà nước là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng.

Đồng thời, Nghị định 24 cũng nêu rõ khái niệm về vàng miếng là vàng được dập thành miếng, có đóng chữ, số chỉ khối lượng, chất lượng và ký mã hiệu của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép sản xuất hoặc vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất trong từng thời kỳ. Vàng nguyên liệu là vàng dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng và các loại vàng khác.

Thời điểm đó, Ngân hàng Nhà nước đã chọn vàng miếng SJC làm thương hiệu vàng miếng quốc gia. Còn các loại vàng nhẫn, vàng trang sức sẽ do các doanh nghiệp tự sản xuất.

Giá vàng miếng SJC thường cao hơn vàng nhẫn [ Ảnh: Việt Đức].

Theo ông Khánh, trong các giao dịch vàng, người dân có xu hướng thích vàng miếng SJC hơn vì chúng có thể mang đi giao dịch ở khắp các tiệm vàng mà vẫn giữ được giá tốt. Trong khi đó, các loại vàng nhẫn, vàng trang sức mang các thương hiệu riêng thường có tình trạng mất giá nếu mua ở một tiệm và bán ở một tiệm khác.

"Giá vàng nhẫn, vàng trang sức có chênh lệch với thế giới nhưng không nhiều vì chúng không "quý hiếm" như vàng SJC", ông Khánh nói.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam thông tin thêm, gần 10 năm gần đây, Việt Nam không nhập khẩu vàng dẫn đến nguồn cung khan hiếm. Do đó, số lượng vàng SJC lưu thông trên thị trường chỉ có vậy nên mới dẫn đến tình trạng giá vàng lên cao chót vót mỗi khi người mua nhiều hơn người bán.

Còn lý giải về câu chuyện những ngày gần đây chênh lệch giá mua - bán ở các tiệm vàng có thời điểm lên đến gần 2 triệu đồng/lượng, ông Khánh cho rằng nếu các cửa hàng không bung biên độ lớn thì họ sẽ chịu thiệt, thua lỗ. "Thông thường, các thương hiệu, tiệm vàng sẽ nhìn nhau để đưa ra những mức chênh lệch tương đương. Còn chấp nhận mua với giá đó hay không thì người tiêu dùng sẽ đưa ra những quyết định cuối cùng", ông nói.

Tuy nhiên, ông Khánh cũng khuyến cáo người dân nên thận trọng giao dịch vàng trong những ngày gần đây vì giá kim loại quý liên tục biến động. Hơn nữa, trước khi mua bán vàng, mọi người cần xem xét kỹ, tránh chạy theo tâm lý đám đông.

Còn chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét cho nhập khẩu vàng để điều chỉnh giá vàng Việt Nam và thế giới về gần nhau, không còn chênh lệch quá cao. Hơn nữa, việc này sẽ giúp hạn chế tình trạng buôn lậu vàng qua biên giới khi giá kim loại quý trong nước tăng cao. Nếu nhập khẩu vàng thì phải dùng đến ngoại tệ, ông Thịnh cho rằng "không ảnh hưởng nhiều vì chính sách điều hành, quản lý thị trường ở Việt Nam rất chặt chẽ".

Video liên quan

Chủ Đề