Tại sao không có tên đường Nguyễn Ánh


Từ năm 1777 đến khi lên ngôi Hoàng Đế [1802], dấu chân của Nguyễn Ánh đã lưu khắp miền Tây Nam Bộ từ Long An, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Bến Tre, Sa Đéc, Long Xuyên, Rạch Giá, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Thổ Chu, Phú Quốc, Côn Lôn... để tránh sự truy lùng của quân Tây Sơn. Trong thời gian bôn tẩu, phục quốc, nhiều nơi trên vùng đất Cà Mau còn in đậm những di tích của Nguyễn Ánh Gia Long.


Kênh xáng Chắc Băng.


Nguyễn Ánh tức Nguyễn Phước Ánh, còn có tên là Chủng và Noãn, sinh năm 1762, con thứ 3 của Nguyễn Phước Luân. Luân được triều Nguyễn truy tôn Hưng tổ Hiếu Khang hoàng đế, mẹ Ánh là Hiếu Khang hoàng hậu, 1 trong 3 người vợ của Luân. Năm 1778, Nguyễn Ánh được các tướng lĩnh Đàng Trong ở Nam Bộ tôn là Đại Nguyễn soái Nhiếp quốc chính, đến 1780 xưng vương, trở thành người đứng đầu các lực lượng chống Tây Sơn trên địa bàn phía Nam sông Gianh.

Trải qua nhiều lần quân tan tướng chết, trốn lánh bôn ba, cầu viện nước ngoài, thậm chí giao cả con là Phước Cảnh cho Pigneau de Béhaine đưa qua Pháp cầu viện, năm 1788 Ánh chiếm lại được Gia Định. Năm 1802, Nguyễn Ánh bắt được Quang Toản, tiêu diệt nhà Tây Sơn, lên ngôi hoàng đế, và trở thành vị vua đầu triều Nguyễn với niên hiệu là Gia Long.

Ở Cà Mau, sử liệu và dân gian còn lưu truyền khá nhiều dấu tích, giai thoại trong những năm Nguyễn Ánh lẩn tránh quân Tây Sơn, tìm đường tẩu quốc.

Những di tích ao giếng


Cạnh nhà thờ Ao Kho [phường 7, thành phố Cà Mau] là di tích Ao Kho của quan quân Nguyễn Ánh.


Quan quân, gia quyến của Nguyễn Ánh khá đông cho nên việc tìm kiếm nước ngọt uống, sinh hoạt là rất cần thiết, nhất là vùng nước mặn như ở Cà Mau. Chính vì vậy chúa tôi nhà Nguyễn đi đến đâu cũng phải đào ao, giếng lấy nước.

Ao Kho, thuộc phường 7, thành phố Cà Mau, gần nhà thờ Ao Kho và bờ sông Gành Hào. Ao hình vuông rộng khoảng một công đất [1000m2]. Khi phát hiện, di tích còn khá nguyên vẹn, ao vẫn còn khá sâu. Quanh khu vực ao người dân đào đất đã phát hiện nền nhà và những khúc cây mục dấu vết của nhà kho. Trước năm 1975, khi chưa có giếng nước khoan, bà con quanh vùng vẫn dùng nước Ao Kho sinh hoạt. Nước ao ngọt, về mùa kho mực nước cạn nhưng vẫn sâu ngập đầu người. Dưới đáy ao có các lớp cát, đá, than củi, vỏ sò để lọc nước. Những năm 1990-2000 người dân dùng ao này làm bể lắng nuôi tôm.

Ao Soái, nằm trong khuôn viên nhà thờ Hòa Thành, thuộc xã Hòa Thành, thành phố Cà Mau. Ao có diện tích khá lớn, nước sâu và trong. Sở dĩ có tên gọi trên có liên quan đến các nhân vật tướng, soái và đoàn tháp tùng Nguyễn Ánh.


Vùng đất Cái Rắn, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước còn nhiều di tích liên quan đến Nguyễn Ánh.


Ao Vua, tọa lạc ở ấp Cái Rắn, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước. Ao rộng lối nửa công đất, nước ngọt. Trước đây, khi chưa có hệ thống nước khoan người dân vẫn dùng nước trong Ao Ngự. Tương truyền, khi quan quân của Nguyễn Ánh đến đây, không tìm đâu ra nước ngọt, Nguyễn Ánh ngửa mặt khấn vái và cho đào ao ngay tại nơi đặt hương án, quả nhiên có nước ngọt. Thực ra đất sét vùng này rất nhuyễn, nước mặn không thẩm thấu vào trong các mạch nước ngọt. Trong đoàn tùy tùng có các thầy địa lý nên việc tìm ra mạch nước ngầm không đến nổi quá khó. Giếng nước này khi đào thì hình tròn bể kính khoảng 15m, trải qua thời gian nên cũng bị lở rộng thêm và cạn hơn, như một cái ao. Vì vậy mà có các tên gọi Giếng Ngự, Ao Ngự hay Ao Vua.

Gần ao còn có vết tích nền doanh trại, người dân đào bới lấy đất đã bắt gặp súng đồng, cán gươm, đồ nội phủ [mảnh chén, đĩa men xanh, vẽ rồng năm móng].

Các di tích mộ, đền Công chúa.

Ở làng Tân Duyệt, nay là xã Tân Duyệt [huyện Đầm Dơi] có di tích một nền mộ. Năm 1929 người dân đào đất để xây dựng quận đường, phát hiện mộ táng, còn xương và nhiều nữ trang, vòng mã não, vật dụng chỉ dụng trong Hoàng Triều ở Huế. Người lớn tuổi cho rằng đây là mộ của binh lính và gia quyến của chúa Nguyễn.

Ở ấp Cái Rắn, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước cách Ao Vua khoảng 2 cây số có một ngôi mộ khác, tương truyền là mộ của Công chúa. Hiện vẫn còn vết tích một nền đât cao, rộng lối nửa công đất. Do một công chúa qua đời và được an táng tại đây.

Đền thờ Công chúa ở khu vực giáp ranh giữa huyện Thới Bình của tình Cà Mau với huyện Hồng Dân của tỉnh Bạc Liêu và Vĩnh Thuận của tỉnh Kiên Giang. Vào năm 1783, Nguyễn Ánh và gia quyến về ẩn náu ở vùng này. Do nơi này rừng thiêng nước độc, công chúa Ngọc Hạnh không kham nổi cuộc sống phong trần nên gặp bạo bệnh, mắc phải chứng thương hàn mà thầy thuốc chữa không đặng đã qua đời tại đây. Công chúa được an táng cẩn thận và được dựng đền thờ [sau này có tên gọi là Đền Công Chúa [hay Cạnh Đền]. Về sau có tên là ấp Cạnh Đền và dòng kênh chảy qua đây cũng có tên gọi là kênh Cạnh Đền.

Nền Công chúa ở ven rạch Cái Tàu, huyện U Minh, cách bờ sông Ông Đốc khoảng 10 cây số [nay thuộc xã Khánh An]. Ở đây có một nền mộ mà người dân địa phương gọi là Nền Công Chúa. Nền cao hơn vùng đất ngập nước quanh đó. Tương truyền trước kia là nơi chôn cất công chúa bị chết trong thời gian bị quân Tây Sơn truy đuổi. Khi Nguyễn Ánh rời khỏi vùng Cà Mau thì hài cốt cũng được di táng.

Miếu Công thần

Khi từ Phú Quốc trở về, ghé lại bãi Cửa Lớn bên vàm sông Bảy Háp, Nguyễn Ánh nhớ đến những người có công bảo vệ mình mà tử trận, kể cả những con vật linh thiêng, huyền bí cứu giúp mình thoát nạn nên truyền lệnh cho lập miếu Công thần để hương khói. Miếu được dựng ở ấp Xẻo Lá, xã Viên An [huyện Ngọc Hiển], về sau, khi quân Pháp lập bót cò thì miếu được di dời về thị trấn Cà Mau. Vết tích nền miếu sau này vẫn còn. Trước năm 1960, khi chính quyền của Tồng thống Ngô Đình Diệm khủng bố ác liệt, nhiều cán bộ và thường dân đã về vùng này ẩn náu. Đây là khu vực hoang vắng chỉ có những người đi rừng mới vào tới. Họ đã phát hiện nền đất và những mảnh chén, vật dụng ở cung đình. Nhưng người dân địa phương ở vùng này khuyên rằng, chỗ ấy linh thiêng không nên vào.

Miếu Công thần hiện nay thuộc phường 5, TP Cà Mau có bài vị ghi tên, chức vị của Nguyễn Văn Vàng [ông đốc Vàng] và nhiêu công thần có công giúp Nguyễn Ánh. Miếu còn có tên gọi là khác là miếu Hội đồng, miếu Gia Long, miếu Quốc công hay Âm dương thần. Ngày trước tại Miếu thờ, dân chúng tổ chức cúng tế khá linh đình rồi thả bè chuối lớn, gắn hình nhân cùng heo, gà, cờ hoa, cây trái cho trôi ra biển Tây. Bè trôi sông nếu táp vào bờ thì người dân đẩy ra cho bè đi tiếp.

Ấp Giá Ngự và ấp Tắc Thủ

Ở xã Đông Thới, huyện Cái Nước, có địa danh ấp Giá Ngự mà trong dân gian còn có tên gọi trại đi là Ván Ngự hay Ván Ngựa. Sở dĩ có tên gọi là do Nguyễn Vương và đoàn tuỳ tùng của Nguyễn Ánh đi từ Cái Rắn qua Rau Dừa ra sông Bảy Háp để qua Xiêm. Tới vàm rạch Cái Nước, ông cho nghỉ để chuẩn bị các thứ cần thiết cho chuyến vượt biển. Dân trong vùng nghe tin đến yết kiến và thông tin cho nhau biết nơi ngài ngự nên về sau có tên gọi Giá Ngự.


Cầu Khánh An bắc qua sông Tắc Thủ.


Ấp Tắc Thủ, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, giáp ranh với thành phố Cà Mau. Tương truyền khu vực này lúc ấy là vùng hoang vu, chưa có tên gọi. Quan quân của Nguyễn Ánh đã hạ trại phòng thủ tại đây nhưng lực lương Tây Sơn quá mạnh nên Nguyễn Ánh thất thủ. Sau có tên gọi Thất Thủ rồi dân gian gọi trại ra là Tắc Thủ. Vàm sông này cũng gọi là vàm Tắc Thủ cây cầu sắt và cây cầu xi măng bắc qua sông này cũng có tên là cầu Tắc Thủ.

Những sông rạch liên quan đến Nguyễn Ánh - Gia Long

Sông Chắc Băng nối liền U Minh Thượng và U Minh Hạ, lúc ấy chưa có tên gọi. Trong thời gian chờ quân tiếp viện quan, quân Nguyễn Ánh đồn trú và di chuyển dọc theo kênh này. Nhưng chờ mãi không thấy quân tiếp ứng mà còn mất liên lạc trong khi quân Tây Sơn tăng cường lục soát. Không chờ được nữa nên Nguyễn Ánh lệnh cho khởi hành theo Sông Đốc ra biển qua Xiêm thì bỗng nhiên bị bệnh nặng và tưởng chừng không qua khỏi. Nguyễn Ánh đã có lời trăn trối, than thở với quan quân Chắc trẫm băng rồi. Nhờ ngự y giỏi nên ông cũng qua khỏi nhưng dân gian nhớ sự kiện trên nên gọi là sông Chắc Băng.

Rạch Long Ẩn, thuộc xã Tân Hưng, huyện Cái Nước Vì rạch có nhiều rắn nên gọi là Cái Rắn. Trong thời gian lưu lại Cái Rắn, Nguyễn Vương chạy vào rạch Cái Rắn nương náu nên về sau có tên gọi khác là rạch Long Ẩn.

Ngoài ra, trên vùng đất Cà Mau còn nhiều kênh rạch, di tích khác liên quan đến Nguyễn Ánh như sông Ông Đốc [huyện Trần Văn Thời]; rạch Trại Trú [xã Thới Bình, huyện Thới Bình]; di tích những chiếc thuyền ở rừng Năm Căn, ở xã Tân Bằng Biển Bạch [huyện Thới Bình]; ở Cạnh Đền Nơi giáp ranh 3 tỉnh Cà Mau Bạc Liêu Kiên Giang.


Diễm Phương
Nguồn: Địa chí Cà Mau

Video liên quan

Chủ Đề