Thế nào là nền kinh tế tri thức

Từ thập niên 80 của thế kỷ XX đến nay, nền kinh tế thế giới có những biến đổi rất sâu sắc, mạnh mẽ về cơ cấu, chức năng và phương thức hoạt động. Đây không phải là sự biến đổi bình thường mà là một bước ngoặt lịch sử có ý nghĩa trọng đại, đánh dấu bước chuyển của nền kinh tế từ kinh tế công nghiệp sang kinh tế tri thức, nền văn minh loài người chuyển từ văn minh công nghiệp sang văn minh trí tuệ.
Đối với những nước đi tiên phong trong nền kinh tế toàn cầu, cán cân tri thức, khoa học công nghệ và các nguồn tài nguyên hiện nay đang nghiêng mạnh mẽ về phía tri thức và khoa học. Các nước phát triển trên thế giới hiện nay đều chứa đựng trong nó những yếu tố của nền kinh tế tri thức như: nền công nghiệp công nghệ cao chiếm tỷ lệ lớn, lao động trí tuệ với chuyên môn kỹ thuật cao. Vì vậy, chuyển sang nền kinh tế tri thức là bước chuyển tất yếu khách quan, vận động theo quy luật chung.
Hòa cùng quy luật phát triển chung của nền kinh tế tri thức, hơn hai thập niên qua nước ta đã mạnh dạn đầu tư, khai thức, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ mới của thời đại để thực hiện nhiệm vụ: chuyển từ nền kinh tế nông nghiệp sang kinh tế công nghiệp và phát triển kinh tế tri thức. Là một nước đang phát triển, muốn tiến đến nền kinh tế tri thức thì trước hết chúng ta cần phải xây dựng và tạo cho mình những điều kiện tiền đề vững chắc, bao gồm:
Một là, phải đầu tư cho sự tiến bộ của khoa học công nghệ. Cách mạng khoa học công nghệ hiện đại ra đời và phát triển đã làm bùn nổ thông tin, tri thức và công nghệ, đặc biệt là các công nghệ cao như: công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ năng lượng, tạo ra sự nhảy vọt về chất trong phát triển lực lượng sản xuất, trong đó tri thức thông tin trở thành yếu tố hàng đầu của sản xuất. Khoa học công nghệ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Đây là điều kiện căn bản nhất, là tiền đề đầu tiên đảm bảo sự hình thành và phát triển kinh tế tri thức.
Hai là, đầu tư phát triển giáo dục đào tạo. Một hệ thống giáo dục và đào tạo tốt sẽ tạo ra được nguồn nhân lực có chất lượng cao, có khả năng tiếp nhận, sử dụng và sáng tạo công nghệ cao góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện vị trí quốc gia.
Trong thực tế, kinh tế tri thức không thể ra đời và tồn tại ở những nước có trình độ dân trí thấp và hệ thống nghiên cứu khoa học thiếu tính ứng dụng và sáng tạo cho nên ta phải tăng cường đào tạo lại theo chuyên đề của các chuyên ngành nhằm trang bị thông tin, kiến thức mới cho kịp với trình độ thế giới và khu vực. Bên cạnh đó cũng phải đổi mới hệ thống giáo dục quốc gia, huy động nguồn tri thức trong nước và cả nước ngoài. Tăng cường đầu tư nghiên cứu cơ bản và ứng dụng triển khai trên tất cả các lĩnh vực của khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, nâng cao năng lực ứng dụng khoa học công nghệ trên phạm vi quốc gia làm biến đổi căn bản về chất của lực lượng sản xuất thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng và phát triển bền vững.
Ba là, xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý. Muốn tiếp cận với nền kinh tế tri thức trước hết phải có cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tri thức hóa các ngành công nghiệp và dịch vụ, phải kết hợp các bước phát triển vừa tuần tự, vừa nhảy vọt và phải có lộ trình đổi mới thiết bị công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất lao động, chất lượng và tính cạnh tranh của sản phẩm. Mặt khác, phải hoàn thiện cơ chế quản lý để tạo điều kiện cho các loại hình dịch vụ mà xã hội có nhu cầu phát triển một cách đồng bộ với các trang thiết bị tiên tiến, hiện đại có thể hòa nhập với hệ thống dịch vụ khu vực và quốc tế.
Bốn là, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đảm bảo thuận tiện, nhanh chóng, chính xác cho mọi mối quan hệ giao thương trong hoạt động kinh tế và sự giao lưu giữa các thành viên xã hội. Hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin - viễn thông có vai trò đặc biệt quan trọng với nền kinh tế tri thức vì phát triển nền kinh tế tri thức là đồng nghĩa với việc tiến tới phổ cập internet trong sản xuất, thượng mại, kinh doanh và quản lý nhà nước. Mặt khác, phải ưu tiên đưa tri thức và công nghệ thông tin đến với người dân. Khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin và khắc phục khoảng cách về địa lý, về tri thức về đòi sống xã hội giữa đô thị và vùng cao, vùng sâu, vùng xa.
Năm là, xây dựng một hệ thống quản lý tiên tiến, một nền hành chính điện tử. Tức là phải xây dựng bộ máy hành chính nhà nước gọn nhẹ, không chồng chéo chức năng giữa các bộ phận. Để điều hành một xã hội hiện đại, một nền kinh tế chủ yếu dựa trên tri thức và công nghệ kỹ thuật cao thì việc tiến tới hình thành một nền hành chính điện tử là yêu cầu bức thiết. Song để cho ra đời một nền hành chính điện tử, trước hết phải chuẩn bị các điều kiện về pháp lý bảo đảm tính hợp pháp của các thông tin được xử lý qua mạng internet hoặc qua hệ thống viễn thông, phải xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật thông tin và đội ngũ cán bộ có khả năng và trình độ sử dụng, khai thác, điều hành hệ thống thông tin hiện đại.
Nền hành chính điện tử sẽ giúp nhà nước quản lý xã hội có hiệu quả hơn, đặc biệt là tăng nhanh tốc độ xử lý các công việc hành chính thông qua việc sử dụng công nghệ thông tin.
Sáu là, phải xây dựng một nền kinh tế thị trường phát triển cao với sự phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường. Đặc biệt là thị trường tài chính tiền tệ phải hoạt động hữu hiệu cả trên bình diện quốc tế lẫn trong nước.
Các yếu tố thị trường và các loại thị trường là nhân tố để giải quyết các mối quan hệ trong nền kinh tế thị trường; đáp ứng yêu cầu đầu vào và đầu ra của nền kinh tế.
Kinh tế thị trường phát triển cao sẽ tạo ra môi trường tốt cho lực lượng sản xuất phát triển, tăng khả năng cạnh tranh, phát huy được tài năng của người lao động, kích thích khả năng tư duy độc lập, sáng tạo của mọi người. Một nền kinh tế mang tính toàn cầu, một sản phẩm sản xuất ở bất kỳ nơi nào cũng có thể nhanh chóng có mặt khắp nơi trên thế giới.
Thị trường tài chính hữu hiệu khi nó có khả năng cung cấp vốn cho các doanh nghiệp cần lượng vốn đầu tư khổng lồ, vừa phải chạy đua với thời gian, vừa đương đầu với những rủi ro lớn nên sự ổn định của thị trường tài chính sẽ có tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Hoạt động kinh doanh thành hay bại phụ thuộc phần lớn vào việc cung cấp vốn của thị trường tài chính. Vì thế, hoạt động của nền kinh tế chỉ có thể thành công ở những quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển cao với các thị trường tài chính tiền tệ hoạt động hữu hiệu.
Bảy là, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là điều kiện quan trọng cho sự ra đời và phát triển kinh tế tri thức. Chỉ có cơ sở đó mới tạo lập được môi trường bình đẳng cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội để mọi tổ chức, cá nhân được quyền bình đẳng trước pháp luật và trong kinh doanh. Mặt khác, môi trường pháp luật ổn định sẽ kích thích đầu tư hướng vào khai thác tri thức có hiệu quả. Bởi vì, chỉ có trong môi trường pháp lý rõ ràng, ổn định, không bị thay đổi tùy tiện, bảo đảm tự do cho việc tiếp cận, trao đổi và xử lý thông tin, trong đó giá trị tri thức, sở hữu tư nhân, được bảo vệ bằng pháp luật mới tạo ra được sự an toàn, ổn định cho việc hình thành, sản xuất và tiêu thụ trí tuệ.
Trên đây là các điều kiện căn bản, tạo tiền đề cho nền kinh tế tri thức hình thành. Các điều kiện trên cũng chính là các yếu tố cơ bản, quan trọng để tăng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện cho nền kinh tế có sức sống mới ở tầm cao hơn và bền vững hơn./.

Video liên quan

Chủ Đề