Thiên hoàng Minh Trị cải cách nước Nhật vào thời gian nào

Nhật Bản là một trong những đất nước có nhiều tiến bộ vượt bậc nhất thế giới về giao thông, khoa học kỹ thuật và xã hội con người. Nhật Bản đạt được những tiến bộ này không chỉ là nhờ vào công sức cùng sự cố gắng của người dân mà còn là nhờ những chính sách cải cách hợp lý, trong số đó cải cách được thực hiện bởi Thiên Hoàng Minh Trị được xem là một trong những cột mốc quan trọng nhất. Vậy Thiên Hoàng Minh Trị là ai và ông đã thực hiện những chính sách gì? Cùng tìm hiểu về nhân vật lịch sử này nhé.

Mục lục

Thiên Hoàng Minh Trị là ai?

Cúc 16 cánh, biểu tượng của Hoàng gia Nhật Bản    菊の御紋

Thiên Hoàng Minh Trị là vị Thiên Hoàng thứ 122 của Nhật Bản trị vì từ ngày 3 tháng 2 năm 1867 tới khi qua đời vào ngày 30 tháng 7 năm 1912. Ông được biết đến với tên thật là Mutsuhito [睦仁], với ý nghĩa “đối xử hòa nhã với mọi người”. Ở Nhật Bản, chỉ người thuộc Hoàng gia mới được quyền gọi tên thật của Thiên Hoàng. Sau khi ông mất, người Nhật lẫn người nước ngoài đều nhớ đến ông với cái tên Thiên Hoàng Minh Trị [Meiji Tennou 明治天皇] hoặc Minh Trị đại đế [Meiji Taitei 明治大帝] do ông là vị Thiên Hoàng cai trị suốt thời Minh Trị.

Ông được coi là một vị minh quân có công lớn nhất trong lịch sử Nhật Bản, đã canh tân và đưa Nhật Bản trở thành một quốc gia hiện đại, thoát khỏi nguy cơ trở thành thuộc địa của các nước đế quốc phương Tây giữa lúc chủ nghĩa thực dân đang phát triển mạnh.

Bối cảnh lịch sử

Cung điện Hoàng gia  - 皇居

Thiên Hoàng Minh Trị, con trai của Thiên Hoàng Koumei và bà Nakayama Yoshiko, được sinh vào ngày 3 tháng 11 năm 1852. Bà Nakayama vốn là một phi tần và là con gái của Nakayama Tadayasu. Vào thời điểm đó, việc sinh đẻ được xem là một việc không được sạch sẽ nên ông đã ra đời trong một căn nhà của bố của bà Nakayama ở ngoài Cung điện Hoàng gia.

Thiên Hoàng Minh Trị được sinh ra vào một thời đại chứng kiến nhiều đổi thay trong lịch sử Nhật Bản. Sự thay đổi này có tính biểu tượng mạnh nhất vào tháng 7 năm 1853 khi Phó Đề đốc Matthew Perry và phi đội tàu chiến [được biết đến với cái tên “Những con tàu đen” dưới góc nhìn của người dân Nhật Bản] đi vào bến cảng tại Edo [Tokyo của hiện nay]. Perry tìm cách giao thương với Nhật Bản để buôn bán hàng hóa quốc tế và cảnh báo quân đội Nhật về hậu quả nghiêm trọng nếu họ không đồng ý. Lần đầu tiên sau 250 năm, Mạc phủ trở nên cẩn trọng hơn bao giờ hết và tiến hành trao đổi với triều đình về vấn đề liên quan đến Perry.

Các quan chức dưới trướng Thiên Hoàng Kōmei cho rằng Nhật Bản nên đồng ý giao dịch với người Mỹ và yêu cầu được thông báo trước bất kỳ việc nào xảy ra sau khi Perry trở về Mỹ. Chính phủ Nhật Bản quyết định rằng quân đội của họ không thể nào bắt kịp được với quân đội Mỹ và do đó, tiến hành giao dịch, cho dù đây được xem là “Hiệp ước bất bình đẳng” đi nữa. Cuộc thảo luận giữa Mạc phủ và triều đình chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Vào năm 1858, một số biến cố đã xảy ra khiến Thiên Hoàng Kōmei nổi giận đến mức ông đe dọa sẽ thoái vị mặc dù hành động này thực chất cần phải có sự đồng ý từ Mạc phủ. Tiếp đó, không chỉ Mỹ quốc, Hà Lan, Anh, Pháp, Nga, v.v… cũng yêu cầu Nhật Bản ký kết các hiệp định tương tự.

Việc mất đi một loạt chủ quyền quốc gia khiến Nhật Bản đứng trước cuộc khủng hoảng dân tộc nặng nề và gây bất mãn mạnh mẽ trong quần chúng nhân dân. Chính quyền Mạc phủ sớm đối mặt với các thế lực thù địch trong nước, được biết đến với các phong trào bài ngoại “Tôn hoàng, Nhương di”, tức nâng cao uy tín Thiên Hoàng, đánh đuổi người ngoại quốc ra khỏi xứ sở mặt trời mọc. Các phiên bang vùng Tây Nam Nhật Bản, vốn từ lâu bất mãn với Mạc phủ, đã nhân cơ hội này đi rêu rao khắp nơi rằng chính quyền Mạc phủ câu kết với người nước ngoài, bán đứng chủ quyền quốc gia; mưu dùng chiêu bài “Tôn hoàng, nhương di” để lật đổ chế độ Mạc phủ. Thiên Hoàng Koumei cũng rất ủng hộ xu thế này và cố gắng phản đối lại các hiệp ước bất bình đẳng đến từ các nước ngoại bang.

Những cải cách dưới thời Thiên Hoàng Minh Trị

Ngày 12 tháng 10 năm 1868, Thiên Hoàng Minh Trị làm lễ đăng quang tại Tử Thần điện ở cố đô Kyotō, lấy thụy hiệu [còn gọi là hiệu bụt hoặc tên hèm theo ngôn ngữ Việt Nam] là Minh Trị Thiên Hoàng. Ngày 4 tháng 11 năm 1868 Thiên Hoàng Minh Trị dời kinh đô Nhật Bản từ Kyoto sang Tokyo, vùng đất hội tụ đầy đủ điều kiện thuận lợi về kinh tế, địa lý và chính trị, để dễ bề cai trị hơn.

Cải cách về việc thiết trí cơ cấu và nhân sự

Trong thời gian ông cai trị, Thiên Hoàng Minh Trị đã thực hiện nhiều thay đổi và cải cách nhiều mặt chính trị, xã hội, và kinh tế Nhật Bản. Ví dụ, vào cuối năm 1885, ông hoàn toàn bãi bỏ chế độ Thái Chính Quan cũ và xây dựng chế độ Nội các dựa trên hình mẫu phương Tây, trong đó đứng đầu Nội các sẽ là Tổng lý Đại thần và Quốc vụ đại thần. Nội các này sẽ là một tổ chức trực thuộc sự quản lý của Thiên Hoàng. Năm 1885, Itou Hirobumi,một người Trường Châu, trở thành Tổng lý Đại thần đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản.

Ban bố Hiến pháp đầu tiên của Nhật Bản

Hiến pháp Nhật Bản  - 日本国憲法

Không những thế, Thiên Hoàng Minh Trị còn là người ban bố Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản, còn gọi là Hiến pháp Minh Trị vào ngày 11 tháng 2 năm 1889. Chiếu theo Hiến pháp này, Thiên Hoàng được xác lập quyền hành tuyệt đối “thiêng liêng bất khả xâm phạm” và trở thành Nguyên thủ quốc gia, nắm trọn quyền cai trị đất nước. Về mặt đối nội, Thiên Hoàng có thể dựa vào Hiến pháp để triệu tập hoặc giải tán nghị hội, bổ nhiệm hoặc bãi miễn quan lại và chỉ huy Lục quân, Hải quân và Không quân của Nhật Bản. Về mặt đối ngoại, Thiên Hoàng có quyền tuyên chiến, giảng hòa, ký kết hòa ước.

Các cơ cấu của quốc gia được hành xử chức năng và quyền hạn bên dưới Thiên Hoàng bao gồm nghị hội trợ giúp Thiên Hoàng thẩm nghị chính vụ của quốc gia, tòa án dùng danh nghĩa của Thiên Hoàng để xét xử, và Viện khu mật là cơ quan tư vấn của Thiên Hoàng. Đồng thời, theo Hiến pháp, người dân Nhật Bản là “thần dân” của Thiên Hoàng, phải thi hành nghĩa vụ của thần dân và không được cản trở Thiên Hoàng hành sự đại quyền. Bản Hiến pháp năm 1889 này cũng đã góp phần giúp Nhật Bản chuyển dần từ chế độ quân chủ chuyên chế sang chế độ quân chủ lập hiến, chính trị đảng phái của giai cấp tư sản.

Cải cách về lĩnh vực giáo dục

Chú trọng cải tổ giáo dục - 教育の改革

Thiên Hoàng đặc biệt chú trọng đến việc cải tổ, quyết tâm xóa bỏ những sai lầm và đình trệ của nền giáo dục Nhật Bản. Năm 1871, Bộ giáo dục được thiết lập với nhiệm vụ là phụ trách, trông coi những hoạt động giáo dục và đưa ra quyết định về chương trình giáo dục. Đến năm 1872, học chế được Bộ Giáo dục ban bố, bắt đầu một giai đoạn phát triển mới trong lịch sử nền giáo dục Nhật. Triều đình cũng cử du học sinh sang các nước phương Tây như Anh, Đức, Mỹ để học về hệ thống chính trị, quân sự và kinh tế. Sau khi về nước, những học sinh giỏi nhất trong số đó sẽ tham gia vào việc xây dựng đất nước.

Năm 1889, triều đình Minh Trị ban bố sắc lệnh giáo dục, nhằm khuyến khích việc, ủng hộ những giá trị tinh thần tiến bộ trong việc học. Bên cạnh đó, triều đình khuyên người dân không được quên nền tảng Nho giáo xưa, tuyên dương tinh thần thượng võ cổ truyền vốn có của người Nhật, nhưng cũng đồng thời học hỏi văn hoá các nước phương Tây. Dưới thời Minh Trị, có lẽ không có một tầng lớp nhân dân nào, thậm chí phụ nữ, không được đi học.

Nhờ có những chính sách đúng đắn của Thiên Hoàng Minh Trị, Nhật Bản đã dần trở thành một xã hội có nền giáo dục tốt, với châm ngôn của mọi người dân là “học tập phương Tây, đuổi kịp phương Tây, vượt xa phương Tây”. Tất cả trẻ em trong độ tuổi từ 6 đến 14 tuổi đều bị bắt buộc phải đi học. Triều đình Nhật Bản cũng không ngần ngại chịu trách nhiệm chi trả các khoản chi phí học tập đó.

Những cải cách khác về mặt kinh tế xã hội Nhật Bản

Thần đạo  - 神道

Thiên Hoàng Minh Trị cũng ban bố quyền tự do buôn bán và đi lại, thiết lập chế độ tiền tệ thống nhất, xây dựng cơ sở hạ tầng, và phát triển chủ nghĩa tư bản tới tận cùng các vùng nông thôn. Đồng thời, Thần đạo [Shinto 神道] đã thay thế Phật giáo để trở thành quốc đạo của Nhật Bản. Thần đạo gợi cho người dân chủ nghĩa yêu nước sâu sắc cũng như là một công cụ hướng người dân tôn sùng Thiên Hoàng, đặt ông ngang hàng những vị thần.

Như vậy, bạn đã hình dung ra sự thay đổi sâu sắc mà Thiên Hoàng Minh Trị đã thực hiện lên đất nước Nhật Bản chưa? Đây là một nhân vật lịch sử rất quan trọng đối với những người muốn tìm hiểu về Nhật Bản nên các bạn hãy đọc thật kỹ bài viết này để hiểu thêm về Thiên Hoàng Minh Trị nhé.

Video liên quan

Chủ Đề