Thực trạng bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất

Đất là tài nguyên quý giá và quan trọng đối với đời sống của con người. Bước sang nền kinh tế thị trường, cùng với các quan hệ kinh tế xã hội khác, các quan hệ đất đai cũng phát triển khá đa dạng, phức tạp. Hiện nay, khi mà hệ thống pháp luật nước ta chưa thật sự chặt chẽ, một số cán bộ nhà nước còn thiếu trách nhiệm, thiếu trình độ trong việc quản lý đất đai. Vấn đề về giải quyết khiếu nại liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất là một trong những vấn đề nóng bỏng, gây ra nhiều bức xúc, khiếu kiện, tranh chấp nhất hiện nay. Qua bài phân tích sau đây tổng đài tư vấn Luật Quang Huy chúng tôi xin giải quyết về vấn đề: “Đánh giá thực trạng pháp luật về việc giải quyết khiếu nại liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất. Nêu giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng.”

Danh mục tài liệu tham khảo

  • Giáo trình Luật Đất Đai NXB Công an nhân dân.
  • Luật Đất Đai năm 2013.
  • Luật Khiếu nại 2013.

Một số khái niệm về lĩnh vực liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng

Khái niệm bồi thường về đất.

Theo từ điển Tiếng Việt: “bồi thường là đền bù những tổn hại gây ra”.

Theo Luật Đất Đai 2013 quy định: “ bồi thường về đất là việc Nhà nước trả lại giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất thu hồi cho người sử dụng đất” [khoản 12 Điều 3].

Khái niệm khiếu nại.

Khiếu nại là một trong những quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến Pháp và được quy định cụ thể hơn tại Khoản 1 Điều 2 Luật Khiếu nại 2013: “Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình”.

  • Khiếu nại liên quan đến việc bồi thường, giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất.

Khiếu nại liên quan đến việc bồi thường, giải phóng mặt bằng là một trường hợp cụ thể của khiếu nại. Từ định nghĩa trên, ta có thể hiểu, khiếu nại trong bồi thường, giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất là: việc cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan đến việc bồi thường, giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất có căn cứ cho rằng những quyết định, hành vi đó là trái pháp luật và xâm phạm đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của mình.

Thực trạng pháp luật về giải quyết khiếu nại liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất

  • Những thành tựu đã đạt được.

Thứ nhất: Trong những năm qua, thực hiện đường lối chủ trương của Đảng về chính sách, pháp luật của nhà nước; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo nói chung và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực bồi thường, giải phóng mặt bằng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần vào sự ổn định xã hội, phát triển đời sống kinh tế của đất nước và nâng cao đời sống của nhân dân.

Thứ hai: Pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo nói chung và pháp luật về khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực bồi thường, giải phóng mặt bằng nói riêng đã không ngừng được sửa đổi, bổ sung góp phần quan trọng trong việc đảm bảo cho quyền khiếu nại của người dân.

Thứ ba: Công tác giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực bồi thường, giải phóng mặt bằng ngày càng được chính quyền các địa phương quan tâm thực hiện. Các cấp ngành ở địa phương đã có nhiều giải pháp tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại của người dân.

Thứ tư: Hàng năm, đã có các đợt thanh tra xuống địa phương để thanh tra, kiểm tra hoạt động thực thi pháp luật nhất là ở các cấp cơ sở. Qua công tác kiểm tra này, chúng ta đã phát hiện ra được những hạn chế, sai sót của các cá nhân, tổ chức có thẩm quền trong việc thực thi pháp luật đất đai để từ đó đưa ra những khắc phục và sửa chữa kịp thời để góp phần nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại.

Thực trạng pháp luật về việc giải quyết khiếu nại liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất

Những hạn chế, khuyết điểm.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực đất đai nói chung và bồi thường, giải phóng mặt bằng nói riêng vẫn còn nhiều những bất cập, hạn chế:

Thứ nhất: Về cơ chế chính sách, pháp luật đất đai và pháp luật khiếu nại tố cáo còn nhiều bất cập, mâu thuẫn dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trong việc thực tiễn áp dụng. Bất cập đầu tiên trong việc giải quyết khiếu nại về lĩnh vực bồi thường, giải phóng mặt bằng chính là sự thiếu đồng bộ, chưa đầy đủ và còn nhiều điểm xung đột trong hệ thống pháp luật. Các quy định về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai có nhiều điểm khác nhau so với nội dung so với pháp luật về khiếu nại. Quy định về việc thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng có sự khác nhau giữa luật xây dựng và luật đất đai.

Thứ hai: Công tác quản lý đất đai còn chưa phù hợp với thực tế. Giá đất chưa phù hợp với thị trường. Việc bồi thường giải phóng mặt bằng còn thiếu công khai, minh bạch, phương án bồi thường chưa thỏa đáng đối với người dân.

Thứ ba: Tình trạng khiếu kiện vượt cấp có tỷ lệ cao và có xu hường tăng. Do khi phát sinh khiếu kiện ở địa phương, chính quyền địa phương chưa tập trung giải quyết, thiếu trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại tố cáo. Nhiều địa phương chưa làm tốt công tác tiếp dân, hướng dẫn cụ thể về pháp luật cho người dân, khiến họ gặp khó khăn trong việc khiếu nại.

Thứ tư: Một số đội ngũ cán bộ làm công tác giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực bồi thường, giải phóng mặt bằng. Người giải quyết khiếu kiện không đúng pháp luật, vi phạm quền lợi của công dân, công tác tiếp dân còn mang tính hình thức.

Nguyên nhân của những hạn chế và khuyết điểm.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng khiếu nại, tố cáo hiện nay là do cơ chế, chính sách, pháp luật tuy đã từng bước hoàn thiện nhưng còn có những điểm bất cập, nhất là các quy định về đất đai và một số quy định về nhà ở, về khiếu nại, tố cáo…Phần lớn các vụ việc khiếu nại đông người, phức tạp là những vụ việc phát sinh từ những năm trước, chưa được giải quyết dứt điểm, có trường hợp đã khiếu kiện từ nhiều kỳ họp Quốc hội, thậm trí từ khóa trước, có trường hợp mặc dù đã được các cấp giải quyết nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu kiện kéo dài.

Giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật giải quyết khiếu nại liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất.

Quan tâm, chú trọng việc xây dựng chính sách pháp luật

Chính sách, pháp luật có thực sự đi vào cuộc sống hay không thì bản thân nó phải đáp ứng được các yêu cầu thực tiễn đời sống. Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật đất đai nói chung và pháp luật về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nói riêng, yếu tố tiên quyết hàng đầu là cần phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ về nội dung các quy định, tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn hoặc có nhiều cách hiểu khác nhau từ một quy định. Các quy định của pháp luật cần được trình bày cụ thể, rõ ràng nhằm hạn chế tình trạng nhiều văn bản cấp dưới ban hành phát sinh những điểm không tương đồng về nội dung với văn bản của cấp trên.

Cải cách các vấn đề liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là giấy tờ có giá trị pháp lý cao nhất của người sử dụng đất, khi đó, quyền lợi của họ đối với đất đai cũng là rõ ràng và minh bạch nhất. Chính vì vậy, cần chú ý đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ, đánh số, cấp giấy chứng nhận đối với toàn bộ quỹ đất hiện có, nhằm tạo thuận lợi trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, cũng như minh bạch quyền lợi kinh tế của người đang sử dụng đất và dễ dàng hơn trong việc xác định hậu quả nếu có các tranh chấp, khiếu kiện xảy ra.

Hoàn chỉnh và thực hiện có hiệu quả công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Phương án lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần có tầm nhìn dài hạn, chắc chắn về nhu cầu sử dụng đất; cần có tầm nhìn bao quát, liên hệ với các địa phương xung quanh, với vùng miền và trên cả nước.

Xây dựng khung giá đất cho phù hợp với thực tế, sát giá thị trường.

Vấn đề đặt ra cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền là cần nghiên cứu và sửa đổi lại cho phù hợp với thực tế một số vấn đề sau:

Bổ sung, hoàn thiện quy định về cơ chế xây dựng giá đất theo hướng ngày càng phù hợp với giá thị trường; chuyển giao chức năng xác định giá đất từ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sang cho các tổ chức tư vấn, định giá đất chuyên nghiệp thực hiện. Nhà nước chỉ giữ vai trò là người quản lý công tác định giá đất.

Tiếp tục hoàn thiện khung giá đất nông nghiệp, làm cơ sở cho việc định giá đất. Mức giá khi Nhà nước thu hồi và bồi thường về đất cho người sử dụng khi bị thu hồi, nhất là loại đất tốt khi bị thu hồi để xây dựng các cơ sở kinh doanh.

Xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động định giá đất. Cần bổ sung các quy định liên quan đến nguyên tắc hoạt động dịch vụ định giá đất, giá trị pháp ý của chứng thư định giá, phương thức quản lý hoạt động định giá đất.

Thực trạng pháp luật về việc giải quyết khiếu nại liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất

Tạo cơ chế công bằng giữa những người có đất phải di chuyển và những người được hưởng lợi từ việc thu hồi đất.

Phần lớn các chính sách về quy hoạch, chỉnh trang đô thị, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để xây dựng kết cấu hạ tầng đã chú trọng việc huy động sức dân, cả cộng đồng và hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận rộng rãi trong xã hội thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách đã ban hành. Khi người dân “được biết” về quy hoạch, về chính sách, về lợi ích do dự án mang lại sẽ có ý thức tự giác chấp hành chủ trương đền bù, giải tỏa. Việc tổ chức tiếp dân, lắng nghe dân trình bày kiến nghị, nguyện vọng là nhiệm vụ thường xuyên của hội đồng giải phóng mặt bằng cùng các cơ quan chuyên trách về đền bù giải tỏa, giải phóng mặt bằng và của chính quyền các cấp đối với dự án. Qua đó, giải đáp kiến nghị, vướng mắc trong thực hiện dự án. Bên cạnh đó, thực hiện quy chế dân chủ gắn với cải cách hành chính, xây dựng và thực hiện quy ước. Trong đó, thực hiện tốt công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch và thuận tiện cho tổ chức, công dân; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết công việc và nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.

Quy định ưu tiên cho việc tạo cơ sở kinh tế mới, tạo việc làm cho hộ gia đình, cá nhân bị mất đất sản xuất.

Các cấp chính quyền cần quan tâm đến các hoạt động hỗ trợ người bị thu hồi đất nhằm giúp người dân sớm bắt kịp với cuộc sống mới. Có thể kể đến một số biện pháp đã được áp dụng tại nhiều địa phương [Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Đồng Nai…] và mang lại những kết quả khả quan như: Trong thời gian chuyển đổi tái định cư, người dân được chính quyền hỗ trợ nhà ở tạm, thuê nhà chờ khu tái định cư hoàn thành, tạo việc làm, ổn định đời sống, sinh hoạt…

Thực tế cho thấy dù đã được sửa đổi và bổ sung, song những quy định của pháp luật về vấn đề việc giải quyết khiếu nại liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất vẫn còn những bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn. Do vậy, các nhà làm luật cần sửa đổi và bổ sung các quy định của pháp luật cho phù hợp với thực tiễn để nâng cao hiệu quả và giảm thiểu được các vụ khiếu nại trong lĩnh vực đất đai, đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị xã hội.

Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề:Thực trạng giải quyết khiếu nại liên quan đến bồi thường khi thu hồi đất. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua tổng đài tư vấn luật qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.

Trân trọng./.

Video liên quan

Chủ Đề