Translation theory là gì

Tên sách: Nhập môn nghiên cứu dịch thuật Lý thuyết và ứng dụng

Tác giả: Jeremy Munday

Dịch giả: Trịnh Lữ

Số trang: 308

Khổ sách: 16 x 24 cm

Loại bìa: Mềm, tay gập

Tủ sách Dẫn nhập

HẾT SÁCH

NHẬP ĐỀ

Nghiên cứu dịch thuật là bộ môn học thuật mới về lý thuyết và các hiện tượng dịch thuật. Bản chất của nó là đa ngôn ngữ và liên bộ môn, bao gồm từ ngoại ngữ, ngôn ngữ học, truyền thông học, triết học và nhiều môn nghiên cứu về văn hóa.

Chính vì vậy mà một trong những vấn đề lớn nhất của việc dạy và học về nghiên cứu dịch thuật là tình trạng tài liệu bị tản mạn. Cũng đã có một số tác giả cố gắng tập hợp chúng thành những tập bài đọc; như cuốn Das Problem des Ubersetzens (1963) của Hans-Joachim Störig, Readings in Translation Theory (1989) của Andrew Chesterman, Translation/History/Culture: A Sourcebook (1992b) của André Lefevere, Theories of Translation: An Anthology of Essays from Dryden to Derrida (1992) của Rainer Schulte và John Biguenet, Western Translation Theory from Herodotus to Nietzsche (1997b) của Douglas Robinson và cuốn The Translation Studies Readers (2000) của Lawrence Venuti. Một số sách khác như The Routledge Encyclopedia of Translation Studies do Baker chủ biên (1997b) và The Dictionary of Translation Studies của Shuttleworth và Cowie (1997) đã cố gắng tập hợp các khái niệm chính và mô tả lĩnh vực này.

Sách này có mục đích cung cấp kiến thức nhập môn thực tế vào lĩnh vực nghiên cứu dịch thuật. Nhiệm vụ của nó là điểm lại đầy đủ nhưng có phê phán những khuynh hướng và đóng góp quan trọng nhất trong lĩnh vực này một cách dễ hiểu với đông đảo bạn đọc. Các mô hình lý thuyết đương đại được minh họa sinh động qua những ví dụ thực tế cụ thể. Những nghiên cứu mới được đề cập trong các ví dụ đó, và các câu hỏi thảo luận và nghiên cứu là để khuyến khích và hướng dẫn bạn đọc tự tìm hiểu thêm các vấn đề đã được đề cập đến.

Do vậy, sách này được biên soạn để làm giáo trình đại học và cao học về dịch thuật, nghiên cứu dịch thuật và lý thuyết dịch thuật, đồng thời cũng là sách nhập môn lý thuyết đáng tin cậy cho sinh viên, nghiên cứu viên, giảng viên và dịch giả chuyên nghiệp. Mục đích là giúp người đọc nâng cao hiểu biết về các vấn đề và siêu ngôn ngữ gắn với chúng, và có thể tự mình áp dụng các mô hình lý thuyết. Nó cũng hy vọng rằng sẽ khích lệ được người đọc tìm hiểu và tham khảo sâu hơn những vấn đề sát sườn với mình nhất. Bằng cách ấy, nó có thể cung cấp một kiến thức ban đầu sinh động và hứng khởi về những lý thuyết dịch thuật khác nhau cần thiết cho cả những ai đang nghiên cứu về dịch thuật cũng như những nhà ngôn ngữ học chuyên nghiệp.

Mỗi chương sách khảo sát một khu vực chính của bộ môn. Chúng được biên soạn thành từng phần độc lập để người đọc có thể nhanh chóng tìm hiểu những vấn đề cụ thể mà mình quan tâm. Tuy nhiên, liên hệ giữa các khái niệm trong từng chương đều được quy chú rõ ràng, và cuốn sách được cấu trúc để có thể dùng làm giáo trình cho các lớp dịch thuật, nghiên cứu dịch thuật và lý thuyết dịch thuật. Tất cả có 11 chương, mỗi chương có thể giảng trong một hoặc hai tuần, tùy theo quy mô của môn học được quy định theo học kỳ. Phần tài liệu đọc thêm và các câu hỏi thảo luận và nghiên cứu giúp sinh viên có thể bắt đầu xây dựng công trình nghiên cứu riêng của mình. Phát triển ý tưởng cũng đi từ giới thiệu chung (trình bày các vấn đề chính của nghiên cứu dịch thuật trong chương 1) đến những vấn đề phức tạp hơn khi sinh viên quen dần với thuật ngữ và những khái niệm trong lĩnh vực này. Nhìn chung, trình tự này cũng là theo thời gian, từ lý thuyết có trước thế kỷ 20 ở chương 2 đến những lý thuyết theo khuynh hướng ngôn ngữ học (từ chương 3 đến chương 6) rồi đến những phát triển gần đây nhất lấy từ các nghiên cứu xã hội như vấn đề hậu thuộc địa (chương 8).

Để đáp ứng yêu cầu rõ ràng sáng sủa của một giáo trình, tất cả các chương đều có cùng một cấu trúc nội dung như sau:

Liệt kê các khái niệm chính đề cập đến trong chương;

Liệt kê các tài liệu gốc quan trọng nên đọc thêm;

Phần nội dung: mô tả chi tiết các mô hình lý thuyết và vấn đề được đề cập đến;

Phần ví dụ minh họa: áp dụng và đánh giá các mô hình;

Tóm tắt và đánh giá ngắn gọn toàn bộ nội dung của chương;

Liệt kê các ý tưởng thảo luận và nghiên cứu nảy sinh từ các vấn đề vừa được đề cập đến.

Cũng như các sách khác đã nhắc đến ở trên, nội dung của sách này cũng bắt buộc phải chọn lọc. Các nhà lý thuyết và mô hình được chọn giới thiệu ở đây là căn cứ vào mức độ ảnh hưởng đối với bộ môn nghiên cứu dịch thuật nói chung và tính chất đại diện cho những hướng nghiên cứu khác nhau nói riêng được đề cập tới ở mỗi chương. Quy mô và mục đích nhập môn có giới hạn của sách này đã bắt buộc nó phải bỏ qua nhiều tài liệu có giá trị khác.

Cũng chính vì thế mà có phần gợi ý chi tiết các tài liệu đọc thêm. Phần này nhằm khuyến khích sinh viên tìm đọc trực tiếp các tư liệu gốc, tiếp tục tìm hiểu những ý tưởng đã được nêu ra trong từng chương và xem xét những nghiên cứu đang được tiến hành ở chính quê hương và bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Vì vậy, sách này sẽ có tác dụng tốt nhất nếu được dùng cùng với các tài liệu đọc thêm nói trên và với sự hỗ trợ của thư viện nhà trường. Những tài liệu dễ tìm đều được giới thiệu cụ thể, dù chúng là sách riêng lẻ hoặc nằm trong các tổng tập mới được tái bản gần đây. Ở cuối sách là một danh mục đầy đủ các tài liệu tham khảo, kể cả các trang web có thông tin cập nhật về các hội nghị, ấn phẩm và tổ chức nghiên cứu dịch thuật. Trọng tâm là khuyến khích người đọc suy nghĩ, tìm hiểu và biết nhiều hơn về bộ môn mới mẻ này, cũng như áp dụng lý thuyết trong cả thực hành và nghiên cứu dịch thuật.

Một vấn đề lớn là lựa chọn ngôn ngữ của các ví dụ minh họa. Trong sách có các ví dụ bằng các tiếng Anh, Pháp, Đức, Ý, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Một số ví dụ khác bằng tiếng Hà Lan, Punjabi và Nga. Nhưng các ví dụ này đều được viết theo hướng tập trung minh họa các vấn đề lý thuyết, người đọc không cần phải biết các thứ tiếng nói trên vẫn có thể hiểu được. Tài liệu dùng làm ví dụ cũng gồm nhiều loại, từ Kinh Thánh cho đến tiểu thuyết của García Márquez và Proust, các tài liệu của Cộng đồng châu Âu và Unesco, một sách du lịch nhỏ, một sách dạy trẻ em nấu bếp và những đoạn dịch từ Harry Potter. Một số đoạn dịch từ phim Pháp, Đức và Punjabi cũng được sử dụng. Sinh viên đang học các ngoại ngữ khác nhau cũng có thể tìm thêm những đoạn ví dụ ngắn có trên trang web của nhà xuất bản Routledge:

(http://www.routledge.com/textbooks/its.html).

Hơn hết, hy vọng của tôi là sách này sẽ góp phần tiếp tục phát triển bộ môn nghiên cứu dịch thuật bằng cách giúp đỡ và khuyến khích những ai vừa bắt đầu quan tâm tìm đến môn học mới mẻ năng động này.

(Sách Nhập môn nghiên cứu dịch thuật / Jeremy Munday, Nhà xuất bản Tri thức, tháng 7/2009)

*****

Lời của tác giả gửi độc giả Việt Nam

Bạn đọc Việt Nam thân mến,

Tôi rất mừng có đôi lời phi lộ cho bản dịch tiếng Việt này của Trịnh Lữ. Chứng kiến tác phẩm của mình được tái sinh trong những ngôn ngữ và văn hóa khác là một vinh dự lớn, và tôi xin biết ơn Trịnh Lữ cũng như Nhà xuất bản Tri thức đã lựa chọn Nhập môn nghiên cứu dịch thuật và làm hết mọi việc để có thể ra được bản dịch này.

Ấn bản đầu tiên của Nhập môn nghiên cứu dịch thuật ra đời năm 2001 và lập tức thành công. Nó đã quảng bá được bộ môn nghiên cứu dịch thuật đang lớn mạnh, trước đó chủ yếu chỉ được biết đến trong giới nghiên cứu chuyên ngành và các chương trình đào tạo ở một vài quốc gia. Trong những năm sau đó, tôi đã thấy nó được sử dụng ở nhiều nơi trên thế giới, và cũng may mắn được mời đi nói chuyện về dịch thuật ở nhiều nước rất khác nhau như Barbados, Trung Quốc, Ý, Libya, Morocco, Tây Ban Nha và Hoa Kỳ. Trong khi đó, những tiến triển mạnh mẽ của nghiên cứu dịch thuật đã khiến cho cuốn sách được tái bản năm 2007, với những cập nhật về tài liệu tham khảo của từng chương, những ý tưởng mới về dịch thuật, đặc biệt là trong các lĩnh vực dịch nghe nhìn, bản địa hóa, xã hội học dịch thuật và lịch sử dịch thuật.

Tôi rất mừng là Nhập môn nghiên cứu dịch thuật giờ đây đã có bản tiếng Việt, và hy vọng bạn đọc sẽ thấy nó có ích. Tôi cũng mong mỏi rằng cuốn sách này không chỉ giúp bạn đọc hiểu biết thêm về nhiều phương diện của dịch thuật, mà còn khuyến khích các bạn có hứng khởi theo đuổi những quan tâm riêng của mình, khảo sát các hiện tượng dịch thuật đặc thù của Việt Nam. Điều đáng buồn là kiến thức của tôi không đủ để có thể đưa ra những ví dụ tiếng Việt trong cuốn sách này. Tuy nhiên, tôi hy vọng một vài chú thích riêng của Trịnh Lữ cho bản dịch này cũng phần nào bổ khuyết được cho tôi. Tôi rất mong được biết các công trình nghiên cứu dịch thuật của Việt Nam và hy vọng sẽ được bàn đến chúng trong các ấn bản tương lai của sách này.

Chúc các bạn vạn sự như ý,

JEREMY MUNDAY

Leeds, 3 tháng 3 năm 2009

*****

Mục lục

Hình và biểu

Lời giới thiệu cho bản dịch tiếng Việt

Lời cảm ơn

Nhập đề

Chương 1 - Những vấn đề chính của nghiên cứu dịch thuật

1.1 Khái niệm dịch

1.2 Nghiên cứu dịch thuật là gì?

1.3 Lược sử bộ môn nghiên cứu dịch thuật

1.4 Bản đồ Holmes/Toury

1.5 Những phát triển từ 1970

1.6 Mục đích của sách này và vài lời về các chương

Chương 2 - Lý thuyết dịch thuật trước thế kỷ 20

2.0 Nhập đề

2.1 Dịch chữ hay dịch nghĩa?

2.2 Martin Luther

2.3 Tín, thần, chân

2.4 Những ý định xây dựng lý thuyết dịch thuật có hệ thống đầu tiên: Dryden, Dolet và Tytler

2.5 Schleiermacher và xác định giá trị của tính ngoại lai

2.6 Lý thuyết dịch thuật thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 ở Anh

2.7 Tiến đến lý thuyết dịch thuật đương đại

Chương 3 - Tương đương và hiệu quả tương đương

3.0 Nhập đề

3.1 Roman Jakobson: Bản chất của nghĩa ngôn ngữ học và tương đương

3.2 Nida và khoa học dịch thuật

3.3 Newmark: Dịch ngữ nghĩa và dịch truyền đạt

3.4 Koller: Tương xứng (Korrespondenz) và Tương đương (Äquivalenz)

3.5 Những phát triển sau này về khái niệm tương đương

Chương 4 - Nghiên cứu biến đổi dịch thuật

4.0 Nhập đề

4.1 Mô hình Vinay-Darbelnet

4.2 Catford và biến đổi dịch thuật

4.3 Những luận văn về biến đổi dịch thuật của các học giả Czech

4.4 Mô hình mô tả-so sánh các biến đổi dịch thuật của Van Leuven-Zwart

Chương 5 - Các lý thuyết chức năng về dịch thuật

5.0 Nhập đề

5.1 Loại văn bản

5.2 Hành động dịch

5.3 Lý thuyết skopos

5.4 Phân tích văn bản theo hướng dịch thuật

Chương 6 - Phân tích diễn ngôn và phong vực

6.0 Nhập đề

6.1 Mô hình Halliday về ngôn ngữ và diễn ngôn

6.2 Mô hình đánh giá chất lượng dịch thuật của House

6.3 Phân tích văn bản và ngữ dụng: Giáo trình đào tạo dịch giả của Baker

6.4 Hatim và Mason: Cấp độ tín hiệu học của chu cảnh và diễn ngôn

6.5 Phê phán đường lối nghiên cứu dịch thuật theo phân tích phong vực và diễn ngôn

Chương 7 - Các lý thuyết hệ thống

7.0 Nhập đề

7.1 Lý thuyết đa hệ thống

7.2 Toury và các nghiên cứu mô tả dịch thuật

7.3 Chuẩn dịch thuật của Chesterman

7.4 Những mô hình mô tả dịch thuật khác: Lambert, van Gorp và Trường phái Manipulation

Chương 8 - Những nghiên cứu văn hóa

8.0 Nhập đề

8.1 Dịch thuật như viết lại

8.2 Dịch thuật và giới

8.3 Lý thuyết dịch thuật hậu thuộc địa

8.4 Ý thức hệ của các nhà lý thuyết

Chương 9 - Dịch cái ngoại lai: sự (vô) hữu hình của dịch thuật

9.0 Nhập đề

9.1 Venuti: Ý đồ văn hóa và chính trị của dịch thuật

9.2 Dịch giả văn học nói về công việc của mình

9.3 Mạng lưới quyền lực của ngành xuất bản

9.4 Thảo luận về công trình của Venuti

9.5 Tiếp nhận và điểm sách dịch

Chương 10 - Các lý thuyết triết học về dịch thuật

10.0 Nhập đề

10.1 Steiner: Vận động diễn giải học

10.2 Ezra Pound và năng lượng ngôn ngữ

10.3 Walter Benjamin: Nhiệm vụ của dịch giả

10.4 Giải cấu trúc

Chương 11 - Nghiên cứu dịch thuật như một liên bộ môn

11.0 Nhập đề

11.1 Bộ môn, liên bộ môn, hay là bộ môn phụ?

11.2 Đường lối lồng ghép của Mary Snell-Hornby

11.3 Tiếp cận liên bộ môn

11.4 Tương lai: Hợp tác hay xé lẻ?

Phụ lục: Các đường dẫn Internet

Ghi chú

Lời cảm ơn của người dịch