Ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp

Là huyện có lợi thế phát triển nông nghiệp, những năm qua Phong Ðiền tập trung khai thác, phát huy thế mạnh này. Do yêu cầu thị trường ngày càng cao, trong khi chi phí đầu tư sản xuất lại có xu hướng gia tăng, nhiều nông dân, nhà vườn của huyện mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ mới, công nghệ 4.0, quy trình sạch vào sản xuất nông nghiệp. Những mô hình này bước đầu phát huy hiệu quả và tạo sức lan tỏa cho nhiều nông dân học tập, nhân rộng.

Hệ thống nước tưới cho vườn sầu riêng điều khiển bằng điện thoại thông minh của anh Nguyễn Văn Nhuận.

Hiệu quả từ mô hình

Ở ấp Trường Tây, xã Tân Thới, anh Nguyễn Văn Nhuận, Tổ trưởng Tổ hợp tác sầu riêng Trường Tây, được nhiều người biết đến với phương pháp trồng sầu riêng “nhàn nhã” vừa đem lại thu nhập cao. Anh Nguyễn Văn Nhuận, chia sẻ: “Tôi gắn bó với cây sầu riêng 6 năm qua, diện tích cả khu vườn này hơn 9.000m2 nhưng khâu chăm sóc khá đơn giản. Bởi tôi áp dụng hệ thống tưới, phun thuốc, bón phân tự động điều khiển bằng điện thoại thông minh. Tôi có thể tưới nước, bón phân, xịt thuốc cho vườn sầu riêng bất cứ khi nào, ở đâu mà không cần phải ra đến tận vườn. Nhờ chủ động trong tưới tiêu, nguồn nước lấy từ đầu nguồn, giờ giấc chăm sóc điều độ nên chất lượng sầu riêng của vườn tôi rất đạt. Thương lái đến tận vườn thu mua, thời điểm giá thấp nhất cũng 30.000 đồng/kg, mức giá này vẫn đảm bảo thu về lợi nhuận khá”.  

Không chỉ riêng cây ăn trái, một số hộ dân của huyện còn mạnh dạn ứng dụng công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng thủy sản. Ông Văng Ðắt Phuông, ấp Mỹ Ái, xã Mỹ Khánh, cho biết: Tôi mới bắt đầu nuôi lươn khoảng 2 năm nay nhưng nhận thấy đầu ra con lươn khá ổn định, tỷ suất lợi nhuận lên đến 90-100%. Mặt khác, nhu cầu về sản phẩm sạch, chất lượng ngày càng cao nên bắt đầu thực hiện nuôi lươn theo hướng VietGAP và thử nghiệm nuôi thâm canh theo công nghệ tuần hoàn nước. Ðiểm mạnh của mô hình nuôi lươn theo công nghệ tuần hoàn nước là tiết kiệm được thời gian, chi phí và nguồn nước do áp dụng công nghệ tự làm sạch và tái sử dụng nguồn nước. Công nghệ này cũng giúp người nuôi kiểm soát mầm bệnh, sức khỏe và chất lượng sản phẩm lươn nuôi, cho ra thị trường sản phẩm sạch, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Ðiền, việc định hướng, hỗ trợ bà con nông dân ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất sạch, theo tiêu chuẩn được ngành Nông nghiệp huyện đặc biệt chú trọng và thực hiện thường xuyên, liên tục. Trong 8 tháng năm 2021, ngành Nông nghiệp huyện phối hợp tổ chức 28 lớp tập huấn, hội thảo, với 794 lượt nông dân tham dự. Các lớp tập huấn, hội thảo xoay quanh nội dung về kỹ thuật trồng chanh không hạt theo tiêu chuẩn VietGAP; cung cấp kiến thức an toàn thực phẩm, văn bản pháp luật chuyên ngành và hướng dẫn sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng; kỹ thuật trồng hoa kiểng, chăm sóc nấm bào ngư xám, chăm sóc sầu riêng… Bên cạnh đó, Phong Ðiền còn tái đánh giá nội bộ 4 mô hình VietGAP tại Hợp tác xã Trường Trung A, Hợp tác xã Tân Thới 1, Tổ hợp tác Sầu riêng Tân Thành, Hợp tác xã Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hữu Thiên.

Thay đổi tư duy

Những lợi ích từ việc ứng dụng khoa học công nghệ để hướng đến sản xuất nông nghiệp sạch, đạt tiêu chuẩn đã mang lại những lợi ích thiết thực. Tuy nhiên, quá trình triển khai, nhân rộng các mô hình này vẫn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập. Hiện nay, việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đa phần có vốn đầu tư lớn, quy trình sản xuất nghiêm ngặt nhưng tỷ lệ rủi ro về thị trường tiêu thụ sản phẩm cao. Bên cạnh đó, trình độ của nông dân vẫn chưa đồng đều khiến việc ứng dụng công nghệ trong quá trình sản xuất, tiêu thụ nông sản gặp không ít trở ngại, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế…

Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề tuyên truyền để thay đổi tư duy cho người nông dân vẫn phải tiếp tục thực hiện mạnh mẽ, thường xuyên hơn. Anh Nguyễn Văn Nhuận, chia sẻ: “Khi áp dụng công nghệ mới, hiện đại vào sản xuất, dĩ nhiên vốn đầu tư ban đầu sẽ cao nhưng sau đó sẽ mang lại hiệu quả lâu dài. Ðơn cử, vườn sầu riêng 9.000m2 của tôi nếu tưới thủ công phải mất cả ngày, tiền công tưới tốn từ 200.000-250.000 đồng. Khi áp dụng hệ thống tưới tự động điều khiển bằng điện thoại di động tôi chỉ mất khoảng 15-20 phút và không phải thuê mướn nhân công nào cả”. Rút kinh nghiệm từ mô hình của gia đình, thời gian qua, anh Nhuận đã chia sẻ kinh nghiệm và trực tiếp chuyển giao, thi công hệ thống phun tưới tự động cho bà con trong tổ hợp tác và các địa phương lân cận.

Ðể thúc đẩy việc ứng dụng khoa học công nghệ nói chung và công nghệ 4.0 vào quá trình sản xuất nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Ðiền, khẳng định: Việc sản xuất theo tiêu chuẩn GAP; ứng dụng mã QR để kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm hay đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử quảng bá, tìm kênh phân phối không còn là chuyện xa lạ mà trở thành xu thế tất yếu. Vì vậy, huyện xác định huy động mọi nguồn lực; tận dụng, lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án đang và sắp triển khai để hỗ trợ bà con nông dân ứng dụng, nhân rộng các công nghệ này vào thực tiễn. Huyện cũng sẽ tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo; xây dựng mô hình điểm; tham quan thực tế để các nông dân, nhà vườn dần thay đổi thói quen  canh tác lạc hậu, mạnh dạn hiện đại hóa, số hóa quá trình sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Thứ Sáu, 24/09/2021 | 16:40

Nông nghiệp thông minh trong thời đại 4.0 được nói đến rất nhiều trong thời gian gần đây.  Đó là nền nông nghiệp áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật [KH-KT] vào sản xuất nông nghiệp; giúp nông dân kiểm soát tốt hơn quá trình trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy, hải sản.

Mô hình trồng rau ứng dụng hệ thống tưới phun tự động ở xã Hưng Hội [huyện Vĩnh Lợi].

ỨNG DỤNG KH-KT VÀO TRỒNG TRỌT

Trồng rau, quả trong nhà màng, hay trồng rau ứng dụng hệ thống tưới phun tự động… được xác định là những mô hình mang lại hiệu quả cao. Nhận thấy điều này, người dân xã Hưng Hội [huyện Vĩnh Lợi] đã mạnh dạn đầu tư kinh phí, đưa công nghệ tưới phun mưa tự động vào sản xuất rau màu nhằm tiết kiệm sức lao động và hạn chế chi phí phát sinh. Đồng thời, nâng cao năng suất, tạo sản phẩm đạt chất lượng, góp phần tăng lợi nhuận cho nông hộ. Việc ứng dụng hệ thống tưới phun tự động vào sản xuất rau màu đang là biện pháp hữu hiệu, nhất là vào những tháng mùa khô, thời tiết nắng nóng bởi nó giúp nông dân tiết kiệm được nguồn nước và chủ động đảm bảo lượng nước tưới chống hạn cho rau màu. Đặc biệt là tiết kiệm hơn 70% công lao động, trên 50% chi phí điện, nước và từ 20 - 30% lượng phân bón, góp phần bảo vệ môi trường, tăng năng suất và chất lượng rau màu. Ông Từ Minh Phúc - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lợi, cho biết: “Với thế mạnh là nông nghiệp nên huyện đã chỉ đạo từng bước ứng dụng các tiến bộ KH-KT vào sản xuất để nâng cao chất lượng và giá trị nông sản”.

Mô hình trồng rau thủy canh trong nhà kín ở TX. Giá Rai.

Bên cạnh đó, các mô hình như: trồng rau cần nước trong nhà màng ở xã Vĩnh Thanh [huyện Phước Long]; trồng rau thủy canh trong nhà màng ở Hộ Phòng [TX. Giá Rai] và gần đây nhất là mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của Hội Nông dân tỉnh… đều mang lại hiệu quả khá cao...

Bằng phương pháp thủy canh bơm tưới tự động, ngành Nông nghiệp tỉnh từng bước hướng tới ứng dụng các công nghệ tối ưu để nâng cao năng suất trong trồng trọt. Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cũng đang hướng đến các ứng dụng công nghệ vào chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Tập đoàn Việt - Úc trình diễn bắn cấy chíp vào tôm bố mẹ tại Hội chợ triển lãm ở TP. Cần Thơ vào đầu năm 2021.

ÁP DỤNG TRONG TÔM NUÔI

Trước đây, nông dân trong tỉnh chưa có thói quen dùng điện thoại thông minh hoặc máy tính để kiểm soát tình hình trang trại nuôi. Nhưng gần đây, không ít doanh nghiệp, nông hộ đã ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý trang trại nuôi trồng thủy sản. Từ đó, giúp nông dân kiểm soát tốt hơn, đồng thời từng bước ứng dụng nhiều tiến bộ KH-KT vào quá trình sản xuất.

Với mục tiêu xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm tôm công nghiệp của cả nước, tỉnh đã và đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu. Vì thế, việc ứng dụng các tiến bộ KH-KT vào nuôi tôm là rất cần thiết. Điển hình là Công ty Việt Úc - Bạc Liêu đã đầu tư hệ thống lọc nước tiên tiến nhất để nuôi tôm: nguồn nước được xử lý tuần hoàn khép kín không thải ra môi trường. Công ty này cũng đã ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất như cấy chíp vào tôm để chọn con giống sạch, cấp giấy “chứng minh” nguồn gốc, xuất xứ tôm nuôi; đồng thời theo dõi quá trình sinh trưởng của tôm, lúc nào tôm đói để cho ăn, nhằm tránh cho ăn dư thừa, vừa tăng chi phí giá thành vừa ô nhiễm nguồn nước.

Các chuyên gia Úc tham quan hệ thống lọc nước tiên tiến nhất của Công ty Việt Úc - Bạc Liêu. Ảnh: M.Đ

Mặt khác, Bạc Liêu cũng có nhiều chương trình đầu tư các trạm quan trắc nguồn nước đáp ứng nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là trong nuôi tôm. Thiết bị nông nghiệp thông minh của các trạm quan trắc thời tiết, kết hợp cảm biến canh tác thông minh. Những phép đo từ môi trường được đồng bộ hóa, từ đó lập nên những bản đồ khí hậu. Dựa trên số liệu này, nông dân canh tác chính xác và chọn đúng thời điểm để sản xuất phù hợp.

Ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: “Việc ứng dụng các tiến bộ KH-KT và công nghệ thông tin vào sản xuất, tiêu thụ nông sản là rất cần thiết trong cơ cấu lại ngành Nông nghiệp. Cụ thể như chọn lọc, lai tạo các giống lúa, áp dụng công nghệ tưới, công nghệ lọc nước, công nghệ thu mua và chế biến nông - thủy sản. Hướng tới, Sở NN&PTNT sẽ xây dựng kế hoạch đầu tư ứng dụng nhiều tiến bộ KH-KT và công nghệ thông tin vào sản xuất; quan tâm việc truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm nông sản. Có như vậy, các mặt hàng nông - thủy sản mới nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân”.

MINH ĐẠT

Video liên quan

Chủ Đề