Ví dụ về hợp tác song phương đa phương

Ví dụ về hợp tác song phương đa phương

Ví dụ về hợp tác song phương đa phương

Tác giả: Vũ Lê Thái Hoàng*– Lê Trung Kiên**

Tóm tắt: Trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn gia tăng, hợp tác đa phương toàn cầu gặp nhiều thách thức, nhiều vấn đề an ninh phi truyền thống nổi lên gay gắt đòi hỏi các nước, trong đó có các nước nhỏ, tầm trung, phải sáng tạo, linh hoạt tìm cách mở rộng mạng lưới hợp tác, liên kết quốc tế nhằm huy động tối đa các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển, chung tay giải quyết các vấn đề quan tâm chung của cộng đồng quốc tế. Hợp tác nhóm ba-bốn bên đang nổi lên như một lựa chọn phổ biến của nhiều nước, dù lớn hay nhỏ trong quan hệ quốc tế, vượt ra các khuôn khổ địa lý để kết nối, hợp tác với nhau trong các khuôn khổ có tính thể chế hóa thấp, mục tiêu khiêm tốn tập trung vào một hoặc hai nội dung hợp tác cụ thể, nhất là liên quan đến phát triển kinh tế – xã hội, chung tay giải quyết các thách thức toàn cầu. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Theo tinh thần của Đại hội Đảng lần thứ XIII, việc đầu tư thúc đẩy định hướng này sẽ góp phần huy động hiệu quả hơn các nguồn lực và kinh nghiệm bên ngoài phục vụ phát triển, gia tăng đan xen lợi ích, tạo thêm sự tin cậy với các đối tác, bổ trợ và làm phong phú thêm đối ngoại đa phương, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Bài viết đóng góp làm rõ khung phân tích lý thuyết về hợp tác nhóm, đánh giá thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế, từ đó bước đầu rút ra một số hàm ý chính sách cho Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới.

Lý thuyết về hợp tác nhóm quốc tế

Hợp tác nhóm thường được các học giả phương Tây tiếp cận qua các lăng kính lý thuyết như tiểu đa phương (minilateralism), hợp tác tiểu vùng (subregionalism) và cơ chế hợp tác nhóm quốc tế (international regimes). Các cách tiếp cận này có điểm chung là nhấn mạnh nhu cầu hợp tác, liên kết dựa trên mẫu số chung về nguyên tắc/giá trị và lợi ích giữa các nước, mở ra những lựa chọn hợp tác mới để làm sâu sắc hơn các quan hệ song phương và song hành, bổ trợ cho các cơ chế đa phương hiện có. Tuy nhiên, cách tiếp cận tiểu đa phương được phát triển từ chủ nghĩa đa phương (multilateralism) và chủ nghĩa thể chế tự do (liberal institutionalism), nhấn mạnh tính thể chế hóa và vai trò của quy tắc, luật lệ, chuẩn mực ứng xử của các nước thành viên trong các khuôn khổ hợp tác.[1] Trong khi đó, hợp tác tiểu vùng được phát triển từ chủ nghĩa khu vực, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự gần gũi, tương đồng về địa lý đối với hợp tác, liên kết phát triển.[2]

Bài viết này chủ yếu vận dụng cách tiếp cận của lý thuyết về cơ chế hợp tác nhóm quốc tế (international regime theory) để phân tích, đánh giá xu hướng hợp tác nhóm có tính thể chế hóa thấp, linh hoạt, gắn kết, tập hợp ba-bốn nước có chung lợi ích chứ không nhất thiết phải gần gũi về địa lý, dựa trên vấn đề/lĩnh vực/dự án cụ thể thay vì ôm đồm nhiều lĩnh vực hợp tác.

Về khái niệm, Stephen Krasner, Robert Keohane và Volker Rittberger từ đầu thập niên 1980 đã khởi xướng cuộc tranh luận về hợp tác nhóm quốc tế nhằm bổ khuyết cho lý thuyết về chủ nghĩa đa phương và thể chế/tổ chức quốc tế.[3] Theo khái niệm phổ biến do Krasner đề xuất, hợp tác nhóm quốc tế là quá trình hợp tác đa chủ thể giữa một số nước có cùng lợi ích, chia sẻ các giá trị hay tập quán quốc tế, thể hiện qua hệ thống các nguyên tắc, quy chuẩn, luật lệ, thủ tục để xử lý một số khía cạnh, lợi ích trong quan hệ giữa các nước.[4] Robert Keohane cho rằng hợp tác nhóm quốc tế thể hiện những mong muốn, kỳ vọng nhất quán và ổn định của các nước, làm giảm chi phí giao dịch trong hợp tác và thúc đẩy minh bạch thông tin, hành vi các nước.[5] Marc Levy, Oran Young và Michael Zurn chỉ ra rằng mức độ thể chế hóa và mức độ song trùng lợi ích giữa các bên tham gia sẽ quyết định tính chất, cấp độ phân loại cơ chế hợp tác nhóm.[6] Miles Kahler cho rằng các cơ chế hợp tác nhóm do các cường quốc dẫn dắt là nền tảng cho hợp tác đa phương ở quy mô lớn hơn.[7]

Đáng chú ý, Harald Muller và Carsten Otto nêu hai đặc điểm nhận dạng khá rõ về cơ chế hợp tác nhóm. Thứ nhất, cơ chế hợp tác nhóm thường chỉ giải quyết những vấn đề cụ thể, trong khi các tổ chức/thể chế quốc tế có nhiều mục tiêu trong nhiều vấn đề/lĩnh vực. Thứ hai, cơ chế hợp tác nhóm không phải là một dạng chủ thể trong quan hệ quốc tế như các tổ chức/thể chế quốc tế; hợp tác nhóm có thể tồn tại bên trong một tổ chức/thể chế quốc tế, song cũng có thể tồn tại, hoạt động độc lập.[8]

Đặc điểm quan trọng của hợp tác nhóm quốc tế là mức độ thể chế hóa thấp, lỏng lẻo. Cách tiếp cận hợp tác nhóm quốc tế có đặc điểm nổi bật là tập trung tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa các chủ thể quan hệ quốc tế trong một bối cảnh, tình huống và lĩnh vực cụ thể.[9] Hợp tác nhóm quốc tế có tính trọng tâm cao và là tập hợp lực lượng theo chức năng dựa trên lĩnh vực cụ thể (như các hợp tác nhóm về kinh tế số), hay các tập hợp lực lượng dựa trên bản sắc hoặc có cùng quan điểm (như hợp tác nhóm giữa các nền kinh tế mới nổi).

Bốn thành tố chính của hợp tác nhóm quốc tế là các nguyên tắc, thông lệ, quy định, quy tắc và quy trình ra quyết sách để tạo điều kiện cho hợp tác giữa các thành viên.[10] Ví dụ, một số nước có lợi ích trong chia sẻ nguyên tắc, thông lệ và quy tắc về xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững và chất lượng cao có thể tham gia thành một nhóm hợp tác. Các nước tin tưởng vào nguyên tắc bao trùm và công bằng trong sản xuất và phân phối vắc-xin Covid-19 có thể tham gia thảo luận trong nhóm hợp tác về vấn đề này. Các nước có cùng quan điểm trong quản trị không gian mạng có thể hình thành các nhóm hợp tác về quản trị kinh tế số.

Động lực khiến các nước, nhất là các nước tầm trung, tìm tới mô hình hợp tác nhóm quốc tế là để có không gian, phương thức hợp tác phù hợp với lợi ích quốc gia trong bối cảnh hợp tác đa phương quy mô lớn gặp khó khăn và việc thúc đẩy hợp tác song phương với một số đối tác gặp hạn chế. Hợp tác nhóm quốc tế tạo thêm lựa chọn hợp tác, “không gian xoay sở” cho các quốc gia. Trong đó, các nước tầm trung, các nước nhỏ thúc đẩy hợp tác nhóm quốc tế nhằm đa dạng hóa hình thức hợp tác để giải quyết các vấn đề an ninh và phát triển phù hợp với lợi ích quốc gia.

Thứ nhất, từ góc độ đa phương, hợp tác nhóm quốc tế là giải pháp phù hợp khi hợp tác ở cấp độ toàn cầu, quy mô lớn gặp khó khăn, bế tắc hoặc giảm tính nhạy cảm của việc “chọn bên” trong tập hợp lực lượng của các nước lớn và nguy cơ bị mắc kẹt trong cạnh tranh nước lớn. Theo Robert Keohane, hình thức hợp tác nhóm quốc tế là khả thi trong các trường hợp cần có các nguyên tắc, thông lệ, quy tắc và quy trình để thúc đẩy hợp tác, nhưng việc xây dựng các điều ước, hiệp định quốc tế cho các nguyên tắc, thông lệ, quy tắc này quá tốn kém hoặc khó đạt được.[11] Moises cho rằng việc hợp tác với “số lượng ít nhất quốc gia cần thiết để có tác động khả dĩ lớn nhất trong xử lý một vấn đề cụ thể” mang lại tốc độ, sự linh hoạt và sự sáng tạo trong xử lý vấn đề.[12]

Thứ hai, từ góc độ song phương, hợp tác nhóm quốc tế giúp khắc phục những khó khăn, hạn chế trong quan hệ song phương, nhất là xây dựng lòng tin và trong một số trường hợp giúp giảm bớt sự nghi kỵ “đi với nước này chống nước kia.” Việc lựa chọn thành viên trong các hợp tác nhóm quốc tế ba – bốn bên có vai trò quan trọng để xây dựng lòng tin và mở ra môi trường hợp tác khi có các rào cản trong quan hệ song phương. Hình thức trao đổi cởi mở, cá nhân giữa lãnh đạo các nước trong hợp tác nhóm quốc tế giúp tăng cường xây dựng lòng tin giữa các bên trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược nước lớn gia tăng. Đồng thời, hợp tác nhóm quốc tế giảm bớt tính nghi ngờ, đối kháng giữa các thành viên do tính thể chế hóa thấp, chủ yếu tập trung vào hợp tác phát triển và kỹ thuật.

Với khái niệm, đặc điểm và các thành tố như trên, hợp tác nhóm quốc tế có những mặt tích cực như sau:

Thứ nhất, các nguyên tắc, thông lệ, quy tắc và quy trình của hợp tác nhóm quốc tế sẽ tạo ra khuôn khổ và điều kiện để các nước “có qua có lại” trong hợp tác, giúp các thành viên trong hợp tác nhóm quốc tế kết nối lợi ích với nhau thông qua tạo sự liên thông giữa các lĩnh vực, các vấn đề mà các thành viên có lợi ích. Không gian để đánh đổi lợi ích sẽ linh hoạt hơn vì sự thỏa hiệp trong vấn đề này sẽ mang lại lợi ích trong vấn đề khác. Trong hợp tác nhóm quốc tế, việc “có đi có lại” về lợi ích mang tính đan xen giữa các thành viên thay vì là sự đánh đổi trực tiếp giữa hai thành viên với nhau.[13] Từ đó gia tăng khả năng một thành viên sẵn sàng hơn để thỏa hiệp lợi ích trong một tình huống, một vấn đề cụ thể do việc duy trì tham vấn, trao đổi, đàm phán theo các nguyên tắc, thông lệ và quy tắc đã có sẽ bảo đảm cho thành viên đó được “bù đắp” về lợi ích trong tình huống của tương lai hay trong các vấn đề cụ thể khác. Từ góc độ này, có thể thấy về lâu dài và tổng thể, tiến trình hợp tác nhóm quốc tế sẽ thúc đẩy sự cân bằng về lợi ích giữa các thành viên và nâng cao hiệu quả hợp tác. Hình thức hợp tác này tạo điều kiện để các nước có thể hợp tác trong lĩnh vực cùng có lợi, cùng chia sẻ giá trị, lợi ích mặc dù giữa các thành viên có thể xung đột lợi ích trong một số lĩnh vực khác.

Ví dụ về hợp tác song phương đa phương

Thứ hai, hợp tác nhóm quốc tế giúp gia tăng khả năng các nước thành viên của nhóm tuân thủ các cam kết đã được thống nhất. Việc các thành viên nhất trí với các nguyên tắc, thông lệ và quy tắc là trên cơ sở tự nguyện, phù hợp với quan điểm và lợi ích của quốc gia đó. Điều này tạo ra tính khả tín đối với cam kết của các quốc gia tham gia hợp tác nhóm quốc tế. Robert Keohane cho rằng để có thể đạt được hợp tác lâu dài, bền vững và khắc phục các hạn chế của hợp tác lỏng lẻo, các thành viên của hợp tác nhóm quốc tế phải cùng hướng tới mục tiêu chung và tin tưởng các thành viên còn lại tuân thủ theo các nguyên tắc, thông lệ, quy tắc đề ra.[14] Việc này hàm ý một quốc gia phá vỡ cam kết sẽ chịu rủi ro cao về các phản ứng của các thành viên khác do các nguyên tắc, thông lệ và quy tắc chung tạo ra “tiêu chuẩn hành vi” để đánh giá cách hành xử của quốc gia thành viên. Việc không tuân thủ cam kết đồng nghĩa việc quốc gia thành viên đó “phản bội” các nguyên tắc, thông lệ mà quy tắc mà bản thân tin tưởng. Điều này sẽ tác động tới hiệu quả hợp tác tổng thể của quốc gia đó với các thành viên khác.

Ví dụ về hợp tác song phương đa phương

Thứ ba, hợp tác nhóm quốc tế mang lại lợi thế lớn về tốc độ và sự linh hoạt, nhất là trong các trường hợp số lượng thành viên ít như hợp tác ba bên, bốn bên. Do số lượng thành viên ít, nên các nước thành viên có thể hợp tác với nhau dễ dàng hơn, các hoạt động đối thoại, trao đổi được triển khai nhanh hơn với chi phí thấp hơn. Một số nghiên cứu chỉ ra ngay cả với các vấn đề lớn toàn cầu như thương mại, biến đổi khí hậu, phòng chống bệnh HIV/AIDS, số lượng các quốc gia cần thiết để hợp tác hiệu quả chỉ khoảng tối đa là 20 quốc gia.[15] Sự khác biệt của hợp tác với số lượng thành viên ít là các thỏa thuận hợp tác và quy trình hợp tác có tính đặc thù hơn, và đặt ra mục tiêu hạn chế hơn so với hợp tác quy mô lớn ở cấp độ toàn cầu và khu vực.[16] Hợp tác nhóm quốc tế với quy mô nhỏ mang lại khả năng ra quyết sách, triển khai nhanh trong mạng lưới gồm số ít các quốc gia (thường có cùng tư tưởng, lập trường, quan điểm) thay vì phải mất thời gian, công sức và đàm phán, thỏa hiệp ở quy mô hàng chục, thậm chí hàng trăm quốc gia ở cấp độ đa phương. Stewart Patrick cho rằng quy mô nhỏ giúp mang lại “tốc độ, sự linh hoạt và khả năng thử nghiệm.”[17]

Thứ tư, hợp tác nhóm quốc tế giúp tạo ra mô hình đủ linh hoạt để thu hút sự tham gia của các nước mà không tạo gánh nặng về chi phí. Hợp tác nhóm quốc tế không thành lập trụ sở, nhân sự riêng, nguồn nhân sách cũng như vị trí pháp lý như các tổ chức quốc tế và khu vực. Các lĩnh vực của hợp tác nhóm quốc tế cũng rất đa dạng và linh hoạt, thường nhằm xử lý với “một số lĩnh vực giới hạn hoặc chỉ một vấn đề cụ thể.”[18]

Bên cạnh các mặt tích cực, hợp tác nhóm quốc tế cũng có một số mặt hạn chế.

Thứ nhất, đối với các mô hình hợp tác nhóm quốc tế có số lượng thành viên ít, một số chỉ trích cho rằng việc hợp tác theo các nhóm “tạm thời”, theo vụ việc có thể cổ xúy cho các lợi ích thiển cận của một nhóm nước, thay vì thúc đẩy cung cấp hàng hóa công quốc tế.[19] Một số lập luận cho rằng với số lượng thành viên hạn chế, hợp tác nhóm quốc tế có thể tác động tiêu cực tới các thể chế toàn cầu.[20]

Thứ hai, tính thể chế hóa thấp và lỏng lẻo của hợp tác nhóm, nhất là giữa các nước tầm trung có thể tạo ra “khoảng trống lãnh đạo” dẫn dắt hợp tác. Ví dụ, một số nhóm hợp tác quốc tế giữa các nước tầm trung gặp khó khăn do thiếu vai trò lãnh đạo và thiếu sự đầu tư lâu dài về nguồn lực tài chính và ý tưởng hợp tác từ một thành viên có cam kết cao và tiềm lực.[21] Việc thiếu vai trò của một nước dẫn dắt trong các hợp tác nhóm quốc tế của các nước tầm trung cũng ảnh hưởng tới việc xây dựng chương trình nghị sự hợp tác có trọng tâm, trọng điểm.[22]

Thứ ba, tiến trình xây dựng lòng tin trong hợp tác nhóm quốc tế, nhất là giữa lãnh đạo các nước thành viên bị ảnh hưởng bởi môi trường quốc tế mà hợp tác nhóm vận hành. Trong bối cảnh Covid-19, việc tổ chức các hội nghị trực tiếp gặp nhiều khó khăn trong khi hợp tác nhóm quốc tế dựa vào tính thể chế hóa thấp và mối liên kết mạnh ở cấp độ cá nhân. Các hoạt động trao đổi trực tuyến có thể duy trì sự trao đổi thông tin, nhưng việc nắm bắt các “dấu hiệu” như ngôn ngữ cơ thể, các trao đổi bên lề, sắc thái của đối tác sẽ khó khăn hơn nhiều so với gặp gỡ trực tiếp. Đây là nhân tố có thể làm hạn chế kết quả đạt được của hợp tác nhóm. Trên thực tế, mặc dù bản thân Covid-19 đã trở thành vấn đề thảo luận của một số hợp tác nhóm quốc tế, các nội dung hợp tác chủ yếu hạn chế ở mức lập các quỹ ứng phó, chia sẻ thông tin và cam kết duy trì tính mở của các chuỗi cung ứng.[23]

Một số thực tiễn về hợp tác nhóm quốc tế

Trong thời gian qua, nhiều nước trên thế giới, bao gồm các nước lớn, các nước tầm trung và nước nhỏ đều thiết lập mới hoặc củng cố, tái khởi động các nhóm hợp tác quốc tế ba-bốn bên. Thực tiễn triển khai của các nước cho thấy một số điểm đáng chú ý như sau. Thứ nhất, nhiều cơ chế hợp tác nhóm quốc tế ba-bốn bên được nâng cấp từ các cặp quan hệ song phương, hoặc hợp tác bốn bên được xây dựng trên nền tảng các cơ chế hợp tác ba bên giữa các thành viên. Ví dụ, hợp tác Ấn Độ – Ô-xtrây-li-a – In-đô-nê-xi-a được hình thành trên cơ sở các cặp quan hệ giữa ba nước này. Theo đó Ấn Độ thiết lập “Tầm nhìn chung về hợp tác trên biển ở Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương” với cả Ô-xtrây-li-a và In-đô-nê-xi-a. Bản thân bốn thành viên của nhóm Bộ tứ cũng có những cơ chế hợp tác ba bên đan xen lẫn nhau như hợp tác Ấn Độ – Nhật Bản – Mỹ, Ấn Độ – Nhật Bản – Ô-xtrây-li-a, Mỹ – Ô-xtrây-li-a – Nhật Bản.

Thứ hai, hầu hết các cơ chế hợp tác không chỉ chú trọng các dự án cụ thể mà còn cam kết và ủng hộ với các nguyên tắc, phương châm, giá trị hợp tác có tính khái quát và tiêu chuẩn cao, phù hợp với lợi ích của đại đa số các quốc gia ở khu vực. Trọng tâm của hợp tác giữa Mỹ – Ô-xtrây-li-a – Nhật Bản là “hỗ trợ và khuyến khích các dự án cơ sở hạ tầng tuân theo tiêu chuẩn quốc tế và nguyên tắc vì sự phát triển như cởi mở, minh bạch và bền vững tài khóa.”[24] Theo đó, ba nước này có cam kết mới và mạnh mẽ đối với phát triển kinh tế thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng dựa trên nguyên tắc và bền vững. Hợp tác ba bên Ấn Độ – Pháp – Ô-xtrây-li-a chia sẻ một loạt nguyên tắc chung về pháp quyền, tự do hàng hải, xử lý tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, các giá trị dân chủ, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Thứ ba, phương thức triển khai của các cơ chế được tiến hành từ thấp tới cao, từ dễ tới khó với tính thể chế hóa thấp. Điều này giúp tăng mức độ dễ chấp nhận (comfort level) của các nước, từ đó giúp tăng tốc độ ra quyết sách và hiệu quả hợp tác. Để bước đầu tạo niềm tin, mở ra không gian hợp tác, hợp tác Ấn Độ – Nhật Bản – Ô-xtrây-li-a đã lựa chọn hình thức hợp tác chia sẻ kinh nghiệm, đồng tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, tạo cơ sở để mở rộng hợp tác và triển khai một số dự án cụ thể. Việc tiến hành hợp tác có thể bắt đầu ở các cấp làm việc thấp, dần tiến tới cấp Bộ trưởng và Lãnh đạo Cấp cao (như trường hợp hợp tác Mỹ – Ô-xtrây-li-a – Nhật Bản hay Ấn Độ – Nhật Bản – Ô-xtrây-li-a).

Các cơ chế hợp tác cũng có thể trước hết triển khai ở đối thoại kênh 2 (như hợp tác dự kiến Ấn Độ – Nhật Bản – Nga) và kênh 1.5 (như hợp tác Ấn Độ – Pháp – Ô-xtrây-li-a). Tháng 1/2020, Hội đồng Quan hệ Thế giới Ấn Độ (ICWA), Viện Nghiên cứu Kinh tế Đông Bắc Á (ERINA) của Nhật Bản và Cơ quan Đầu tư và Xuất khẩu Viễn Đông (FEIEA) của Nga đã tiến hành đối thoại kênh 2 về khả năng hợp tác giữa ba nước. Hợp tác ba bên Ấn Độ – Pháp – Ô-xtrây-li-a xuất phát từ Đối thoại ba bên kênh 1.5 với mô hình thảo luận giữa các nước có chung chí hướng, cùng chia sẻ những lợi ích chung về kết nối khu vực, tự cường về chuỗi cung ứng, bảo vệ môi trường biển và công nghệ.[25]

Một chuyển động đáng chú ý gần đây là hướng đi mới của hợp tác Nhóm Bộ tứ giữa Mỹ – Nhật Bản – Ấn Độ – Ô-xtrây-li-a. Cuộc gặp Thượng đỉnh nhóm Bộ tứ vào ngày 12/3/2021 cho thấy sự điều chỉnh về cách tiếp cận của chính quyền Mỹ với hợp tác nhóm Bộ tứ, trong đó Mỹ quan tâm hơn tới các quan ngại của các thành viên. Sự điều chỉnh này đã gia tăng khả năng dung nạp dựa trên chọn lợi ích/nguyên tắc chứ không chọn bên và tính thể chế hóa thấp, tạo môi trường cho hợp tác giữa các nước thành viên. Có thể thấy cách làm của Mỹ là triển khai hợp tác nhóm Bộ tứ như một nhóm hợp tác quốc tế gồm các thành viên có chung quan tâm, có năng lực và có cùng quan điểm trên nguyên tắc tự nguyện,[26] trong đó chủ yếu là các đối tác, đồng minh thân cận của Mỹ ở khu vực,[27] tập trung vào hợp tác về phát triển, ứng phó các thách thức an ninh phi truyền thống.

Thứ tư, các cơ chế hợp tác nhóm thường có lĩnh vực hợp tác trọng tâm, tập trung vào một số ít lĩnh vực cụ thể. Năm 2018, Mỹ – Ô-xtrây-li-a – Nhật Bản thiết lập Quan hệ đối tác ba bên về Đầu tư Cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Việc chú trọng vào một lĩnh vực hợp tác giúp gia tăng khả năng tối ưu hóa nguồn lực của các nước liên quan và thúc đẩy tính đa chủ thể của hợp tác theo mô hình chính phủ – doanh nghiệp – chính phủ. Trong bối cảnh các chuỗi cung ứng ở khu vực chuyển dịch do cạnh tranh chiến lược nước lớn và Covid-19, ba nước Ô-xtrây-li-a, Nhật Bản và Ấn Độ đã công bố Sáng kiến Chuỗi cung ứng Tự cường (SCRI). Ngày 27/4/2021, cuộc họp giữa Bộ trưởng Thương mại ba nước trên đã ra tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh mục tiêu “tăng cường tính tự cường của chuỗi cung ứng nhằm cuối cùng đạt được tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và bao trùm ở khu vực.”[28] Các cơ chế hợp tác quốc tế thậm chí có thể chỉ tập trung vào một số dự án rất cụ thể. Ví dụ điển hình là hợp tác dự án đường cao tốc châu Á số 3 liên kết Trung Quốc, Lào và Thái Lan, dự án đường sắt Trung Quốc với Lào và Thái Lan, hay hợp tác bốn bên giữa Trung Quốc – Mi-an-ma – Ấn Độ – Hàn Quốc để xây dựng tuyến đường ống giữa Trung Quốc và Mi-an-ma.

Đáng chú ý, chuyển đổi số ngày càng trở thành lĩnh vực được nhiều nước quan tâm với sự xuất hiện của các cơ chế hợp tác nhóm quốc tế có thành viên phân tán về địa lý như hợp tác số Digital 5 giữa Anh, Ét-xtô-ni-a, Hàn Quốc, I-xra-en và Niu Di-lân (sau nâng cấp thành cơ chế “Các quốc gia số”) thành lập năm 2014.[29] Thời gian gần đây, Xin-ga-po là nước rất tích cực tìm kiếm các cơ chế hợp tác ba bên về kinh tế số như Hiệp định kỹ thuật số Ô-xtrây-li-a – Xin-ga-po và Xin-ga-po – Niu Di-lân, Hiệp định đối tác kinh tế số Xin-ga-po – Chi-lê – Niu Di-lân.

Thứ năm, đối với các nước tầm trung, trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu biến động nhanh chóng và khó lường, việc gia tăng hợp tác với nhau thông qua các cơ chế ba-bốn bên giúp các nước này gia tăng tính tự chủ chiến lược thông qua kết hợp, bổ trợ lẫn nhau. Bên cạnh đó, các nguyên tắc, thông lệ, quy tắc chung của quốc tế và khu vực phù hợp với lợi ích quốc gia và giới hạn quy mô hợp tác là cơ sở để các nước tầm trung có thể tối đa hóa lợi ích khi tham gia các sáng kiến khác nhau của nước lớn. Ví dụ điển hình là Xin-ga-po đã phát huy được thế mạnh về cung cấp dịch vụ kết nối, xử lý tranh chấp, giới hạn hợp tác trong lĩnh vực cụ thể, để có thể đồng thời hợp tác với cả Mỹ và Trung Quốc. Tháng 3/2019, Xin-ga-po và Mỹ ký Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, theo đó Xin-ga-po đóng vai trò là cầu nối các nhà đầu tư Mỹ với các dự án xây dựng hạ tầng ở khu vực.[30] Tháng 10/2019, Xin-ga-po và Mỹ tiếp tục ký Khung tăng cường Tài chính Cơ sở hạ tầng và Hợp tác Xây dựng thị trường.[31] Thực chất đây là mô hình hợp tác Xin-ga-po – Mỹ – nước thứ ba. Đồng thời, Xin-ga-po cũng thúc đẩy vai trò của mình trong các dự án của Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI) của Trung Quốc. Tháng 1/2019, Xin-ga-po và Trung Quốc thống nhất về việc thành lập Ủy ban Hòa giải Quốc tế nhằm xử lý các tranh chấp giữa Trung Quốc và một bên thứ ba liên quan tới các dự án của BRI.[32] Đây là mô hình hợp tác giữa Xin-ga-po – Trung Quốc – nước tham gia dự án BRI.

Với thực tiễn trên, hợp tác nhóm quốc tế đã mang lại các lợi ích đặc thù so với các hình thức hợp tác khác. Thứ nhất, sự chia sẻ các nguyên tắc, thông lệ và hợp tác trọng tâm, trọng điểm để hiện thực hóa các lợi ích chung là “sợi dây” kết nối các nước thành viên mặc dù được thành lập hết sức linh hoạt và thể chế hóa thấp, chủ yếu qua Tuyên bố chung của các cuộc họp (không có tính ràng buộc pháp lý), không thiết lập các thể chế cồng kềnh.

Thứ hai, hợp tác nhóm cũng giúp phân công lao động, chia sẻ trách nhiệm và đóng góp giữa các thành viên trên cơ sở cam kết tự nguyện. Trong đó, các thành viên phát huy lợi thế sẵn có và chú trọng tính bổ trợ lẫn nhau trong phân công nhiệm vụ.

Thứ ba, kinh nghiệm triển khai các cơ chế hợp tác ba bên trên cho thấy tính tiết kiệm về chi phí và linh hoạt trong hợp tác, phù hợp với lợi ích của các nước liên quan. Các cuộc họp có thể tổ chức trực tuyến hoặc bên lề các cơ chế đa phương khác để tiết kiệm chi phí. Các cơ chế hợp tác cũng rất linh hoạt về cấp độ hợp tác. Bên cạnh đó, việc tập trung vào hợp tác trong một số lĩnh vực hợp tác, dự án cụ thể có lợi ích chung thay vì thiết lập các cơ chế hợp tác có nhiều lĩnh vực hợp tác cũng giúp giảm tải nguồn lực cho các Bộ, ngành phải tham dự nhiều cơ chế hợp tác có nội dung hợp tác chồng chéo.

Như vậy, có thể thấy, cơ sở của việc hình thành hợp tác nhóm là: (i) Các nước thành viên chia sẻ giá trị chung/có chung lợi ích trong một số lĩnh vực cụ thể; (ii) Các nước thành viên có năng lực để đóng góp vào hợp tác nhóm trên các khía cạnh khác nhau; (iii) Các nước thành viên đều có mong muốn thúc đẩy hợp tác thực chất, đạt được các kết quả hợp tác cụ thể, tập trung nhiều vào lĩnh vực phát triển kinh tế – xã hội.

Hàm ý chính sách đối với Việt Nam

Lý thuyết và xu thế hợp tác nhóm quốc tế nói trên cho thấy xu hướng nhân rộng mô hình hợp tác nhóm thể chế hóa thấp, theo vấn đề/dự án/lĩnh vực (hay còn gọi là hợp tác nhóm chuyên biệt) giữa ba-bốn nước/bên, dựa trên những nguyên tắc chung và phù hợp với lợi thế, nhu cầu của các bên có thể là sự lựa chọn bổ sung về chính sách hiệu quả với một nước tầm trung như Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới. Việc chủ động, tích cực, tìm tòi, sáng tạo trong phát huy mô hình này sẽ làm sâu sắc hơn các quan hệ song phương với đối tác, bổ trợ cho mạng lưới hợp tác, liên kết đa phương đa tầng nấc, đa lĩnh vực, góp phần phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại, tiếp tục tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, phục vụ mục tiêu an ninh, phát triển và nâng cao vị thế quốc tế của đất nước đến năm 2030.

Thời gian qua, với chủ trương hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, Việt Nam đã tham gia và đóng góp ngày càng tích cực, chủ động, đa dạng về cấp độ, hình thức, phương thức, đối tác và có nhiều chuyển biến về số lượng (hơn 70 cơ chế, tổ chức) và chất lượng.[33] Đối ngoại đa phương của Việt Nam có vai trò quan trọng trong nỗ lực bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, duy trì môi trường hòa bình và ổn định phục vụ phát triển. Đáng chú ý, đối ngoại đa phương Việt Nam đã vươn ra phủ sóng một mạng lưới rộng lớn gồm hầu hết các cơ chế hợp tác, liên kết kinh tế đa phương từ cấp độ toàn cầu, liên khu vực, khu vực, tiểu vùng, cho đến mạng lưới 17 hiệp định thương mại tự do với hầu hết các trung tâm kinh tế – thương mại hàng đầu thế giới. Về lĩnh vực, hợp tác đa phương trong các lĩnh vực chuyên ngành khác như khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo, y tế, văn hóa, an sinh xã hội, lao động, thông tin truyền thông, môi trường, du lịch… ngày càng được mở rộng phong phú, đa dạng (ngoại giao Covid-19 là một ví dụ điển hình thời gian gần đây). Hiện Việt Nam tham gia không nhiều cơ chế hợp tác nhóm ba-bốn bên, chủ yếu tập trung ở tiểu vùng sông Mê Công[34] (điển hình là Tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Cam-pu-chia thành lập năm 1999 và hợp tác bốn nước Cam-pu-chia – Lào – Mi-an-ma – Việt Nam năm 2004 với trọng tâm là hợp tác phát triển, thương mại và đầu tư, kết nối hạ tầng, giao thông, du lịch, phát triển nguồn nhân  lực…) hay hợp tác Nam – Nam như mô hình hợp tác nông nghiệp Việt Nam – Nhật Bản – Mô-dăm-bích/châu Phi.

Xét từ góc độ lý luận, kinh nghiệm quốc tế và định hướng chính sách đối ngoại Việt Nam trong giai đoạn tới, mô hình hợp tác nhóm ba-bốn bên với các đối tác (các nước, các tổ chức quốc tế, khu vực) cần được chú trọng chủ động thúc đẩy như một hướng đi mới, bổ trợ cho đối ngoại đa phương Việt Nam phục vụ mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, góp phần tạo thêm thế đan xen lợi ích và tăng thêm độ tin cậy cho các quan hệ đối ngoại song phương. Việc nhân rộng mô hình hợp tác nhóm về các vấn đề liên quan đến phát triển, an ninh phi truyền thống cũng phù hợp với thực tiễn đối ngoại của một nước đang vươn lên trở thành quốc gia tầm trung như Việt Nam – một thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm muốn vươn lên phát huy ý tưởng, sáng kiến, đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong các cơ chế đa phương.[35]

Theo tinh thần của Chỉ thị 25/CT-TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, việc mở rộng thiết lập, tăng cường các cơ chế hợp tác nhóm cần bám sát một số phương châm sau: Một là, phải luôn bảo đảm lợi ích quốc gia – dân tộc, đồng thời cân bằng, hài hòa với quan tâm chính đáng của đối tác. Hai là, giữ vững độc lập tự chủ, nguyên tắc Bốn không, không tập hợp lực lượng để chống lại bên thứ ba, công khai, minh bạch. Ba là, chủ động, tích cực phát huy sáng kiến, tìm kiếm và kết nối ba-bốn bên với tất cả các đối tác chia sẻ lợi ích và nguyên tắc hợp tác (bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, luật pháp quốc tế, vì hòa bình, ổn định, thịnh vượng chung), có thế mạnh phù hợp với nhu cầu, lợi ích của Việt Nam, nhất là lợi ích phát triển. Bốn là, phát huy vai trò tiên phong của ngoại giao và bám sát trọng tâm của ngoại giao phục vụ phát triển, huy động tối đa nguồn lực, chia sẻ kinh nghiệm của quốc tế cho phát triển trong nước; đồng hành cùng các Bộ, ngành, lấy địa phương, doanh nghiệp và người dân làm trung tâm phục vụ.[36]

Từ góc độ ngành Ngoại giao có thể xem xét triển khai một số biện pháp cụ thể sau:

Thứ nhất, bổ sung hợp tác nhóm ba-bốn bên vào các chiến lược, kế hoạch hành động của đối ngoại đến 2030 với mục tiêu đưa mô hình này trở thành một phương thức hiệu quả trong huy động nguồn lực cho phát triển, tăng cường đan xen lợi ích và độ tin cậy với các đối tác, bổ trợ và làm phong phú thêm cho đối ngoại đa phương, hợp tác tiểu vùng.

Thứ hai, chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành xác định một số vấn đề/lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam trong Chiến lược phát triển kinh tế -xã hội 2021-2030, nắm bắt các xu thế hậu Covid-19 (như đào tạo nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, hạ tầng trọng yếu về giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu quốc gia, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng phó biến đổi khí hậu, y tế…),[37] trên cơ sở đó tiến hành tìm hiểu, nghiên cứu xây dựng kế hoạch tổng thể hoặc cơ sở dữ liệu về nhu cầu, thế mạnh của các đối tác, khả năng kết nối, nhất là với các đối tác lớn có khả năng đóng vai trò động lực/đầu tàu cho hợp tác nhóm trong từng lĩnh vực cụ thể. Việc lựa chọn một số nhóm hợp tác ba – bốn bên về các lĩnh vực mà Việt Nam đang thực sự cần với các đối tác có tiềm lực, thế mạnh trong lĩnh vực đó sẽ giúp tạo ra kết quả hợp tác thực chất, tiết kiệm nguồn lực thay vì phải tham gia nhiều cơ chế có nội dung chồng chéo.

Thứ ba, ngoài những đề xuất của các đối tác, có thể chủ động thăm dò, nêu ý tưởng, sáng kiến về các nhóm mới và nội dung hợp tác với các đối tác tiềm năng phù hợp (đối tác nhỏ cùng nhu cầu hoặc đối tác tầm trung, đối tác lớn có thế mạnh), từ đó kết nối đối tác và trao đổi, nhất trí về vấn đề/lĩnh vực hợp tác, mục tiêu, nguyên tắc, điều khoản và khung thời gian hợp tác, thể thức họp và văn kiện công bố thành lập nhóm theo hướng thể chế hóa thấp, linh hoạt (không có ban thư ký, chủ yếu hợp tác cấp làm việc, chuyên gia, họp bên lề các sự kiện đa phương hoặc riêng rẽ). Các hoạt động cụ thể có thể tiến hành ở kênh 1, kênh 2 hoặc kết hợp giữa hai kênh (kênh 1,5).

Thứ tư, trong đề xuất và triển khai hợp tác nhóm cần phát huy thế mạnh, đặc thù của ngành Ngoại giao và mạng lưới 96 cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, [38] đồng thời xây dựng cơ chế, phương thức tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, gắn kết trực tiếp với địa phương, doanh nghiệp; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực về đối ngoại có trình độ, kỹ năng tham gia, dẫn dắt các hoạt động ngoại giao toàn diện, mang tính liên ngành, đa lĩnh vực phục vụ phát triển (hay còn gọi là ngoại giao chuyên biệt)./.

* TS. Bộ Ngoại giao.

** TS. Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Học viện Ngoại giao.

Bài viết được xuất bản lần đầu với tựa đề “Hợp Tác Nhóm: Lý Thuyết, Kinh Nghiệm Quốc Tế Và Hàm Ý Với Đối Ngoại Đa Phương Việt Nam Phục Vụ Mục Tiêu Phát Triển Đến 2030” trên tạp chí Nghiên cứu Quốc tế (Học viện Ngoại giao), số 2 (125), tháng 6/2021.

————-

[1]Theo một định nghĩa phổ biến của Robert Keohane, chủ nghĩa đa phương là hoạt động phối hợp chính sách cấp quốc gia giữa một hay nhiều nước với nhau thông qua những dàn xếp mang tính thể chế; hay hành động tập thể do một nhóm các quốc gia độc lập tiến hành và được thể chế hóa, với luật lệ chặt chẽ. Joseph Nye đưa ra ba nguyên tắc chính của hành động chung trong chủ nghĩa đa phương là: (i) không phân biệt đối xử giữa các quốc gia; (ii) không phân chia, các chủ thể tham gia phải có chủ quyền đơn nhất; (iii) tương hỗ, các thành viên phải tuân thủ các chuẩn mực chung.

[2] Các nhóm nước có chung biên giới thường có nhu cầu liên kết, hợp tác để tạo ra sự cộng hưởng về nguồn lực, thị trường, kết nối phục vụ cho sự phát triển của các nước này. Nhu cầu hình thành một khu vực tăng trưởng chung là động lực thúc đẩy các nước hình thành các cơ chế hợp tác tiểu vùng. Nghiên cứu về các cơ chế hợp tác nhóm theo mô hình hợp tác tiểu vùng cho thấy sự hợp tác giữa các quốc gia có thể tạo ra thị trường quy mô lớn, giảm các hàng rào thương mại, vốn và lao động, thúc đẩy sự phát triển của mạng lưới cơ sở hạ tầng quy mô khu vực. Để đạt được mục đích này, các nước ở tiểu vùng lập ra các cơ chế hợp tác đa phương, tạo khuôn khổ để xây dựng lòng tin và đối thoại, thống nhất các nguyên tắc hợp tác, huy động nguồn vốn, xây dựng kế hoạch chung, giám sát quá trình triển khai và cùng nhau chia sẻ lợi ích đạt được.

[3] Oliver Hensengerth, “Vietnam’s Foreign Policy and the Greater Mekong Subregion,” UNU-CRIS Working Papers (UNU Institute on Comparative Regional Integration Studies, 2004).

[4] Stephen Krasner, International Regimes (Ithaca: Cornell University Press, 1983).

[5] Robert O Keohane, After Hegemony: Cooperation and Discord in the World Political Economy (New Jersey: Princeton University Press, 1984).

[6] Marc A. Levy, Oran R. Young and Michael Zürn, “The Study of International Regimes,” European Journal of International Relations 1, no. 3 (1995): 267-330.

[7] Miles Kahler, “Multilateralism with Small and Large Numbers,” International Organization 46, no. 3 (1992): 681-708.

[8] Harald Müller, “The Internalization of Principles, Norms, and Rules by Governments: The Case of Security Regimes,” in Regime Theory and International Relations, edited by Volker Rittberger with the assistance of Peter Mayer (Oxford: Clarendon Press, 1995), 361-387.  Carsten Otto, “‘International Regimes’ in the Asia-Pacific? The Case of APEC,” in International Relations in the Asia-Pacific: New Patterns of Power, Interest, and Cooperation, edited by Jörn Dosch and Manfred Mols (New York: St. Martin’s Press, 2000), 39-66.

[9] Andrew Schotter, The Economic Theory of Social Institutions (Cambridge: Cambridge University Press, 1981).

[10] Stephen Krasner, International Regimes.

[11] Robert O Keohane, “International Institutions: Two Approaches,” in International Rules: Approaches from International Law and International Relations, edited by Robert J. Beck, Anthony Clark Arend and Robert D. Vander Lugt (New York: Oxford University Press, 1996), 187–205.

[12] Moises Naim,  “Minilateralism,” Foreign Policy, 21 June 2009, https://foreignpolicy.com/2009/06/21/minilateralism/

[13] Robert O Keohane, “Reciprocity in International Relations,” International Organization 40, no. 1 (1986): 1-27.

[14] Robert O Keohane, After Hegemony: Cooperation and Discord in the World Political Economy.

[15] Moises Naim, “Minilateralism.”

[16] Lê Trung Kiên,“Sự can dự của Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tại tiểu vùng Mê Công qua các cơ chế hợp tác đa phương: Một số đề xuất chính sách đối với Việt Nam,” Tạp chí Cộng sản, số 933 (2020).

[17] Stewart M Patrick, “Making Sense of ‘Minilateralism’: The Pros and Cons of Flexible Cooperation,” Council on Foreign Relations (blog), 5 January 2016, https://www.cfr.org/blog/making-sense-minilateralism-pros-and-cons-flexible-cooperation

[18] Oran R Young, “Regime Dynamics: The Rise and Fall of International Regimes,” in International Regimes, edited by Stephen D. Krasner (Ithaca: Cornell University Press, 1983), 93-113.

[19] Robert O Keohane and Joseph S. Nye, “The Club Model of Multilateral Cooperation and Problems of Democratic Legitimacy,” in Efficiency, Equality, Legitimacy: The Multilateral Trading System at the Millennium, edited by Porter Roger et al. (Washington, DC: Brookings Institution, 2001).

[20] Stewart Patrick, “The New ‘New Multilateralism’: Minilateral Cooperation, But At What Cost?” Global Summitry 1, no. 2 (2015).

[21] Kim Sung-Mi, Sebastian Haug, and Susan Harris Rimmer, “Minilateralism Revisited: MIKTA as Slender Diplomacy in a Multiplex World,” Global Governance 24, no. 4 (2018): 475-489.

[22] Amalina Anuar and Nazia Hussain, “Minilateralism for Multilateralism in the post-Covid Age,” Policy Report (S. Rajaratnam School of International Studies, 2021).

[23] Malcolm Cook and Hoang Thi Ha, “Beyond China, the USA and ASEAN: Informal Minilateral Options,” ISEAS Perspective, no. 63 (2020).

[24] “Joint Statement of the Governments of Australia, Japan, and the United States of America on the Trilateral Partnership for Infrastructure Investment in the Indo-Pacific,” Prime Minister of Australia, 17 November 2018, https://www.pm.gov.au/media/joint-statement-governments-australia-japan-and-united-states

[25]“India-France-Australia Joint Statement on the Occasion of the Trilateral Ministerial Dialogue,” Embassy of France in Canberra, 4 May 2021, https://au.ambafrance.org/India-France-Australia-Joint-Statement-on-the-occasion-of-the-Trilateral-8336

[26] Joel Wuthnow, “U.S. ‘Minilateralism’ in Asia and China’s Responses: A New Security Dilemma?” Journal of Contemporary China 28, no.15 (2019): 133-150.

[27] Tại khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương, mạng lưới hợp tác nhóm của Mỹ bao gồm một số cơ chế chính như: (i) Đối thoại chiến lược ba bên Nhật Bản – Mỹ – Ô-xtrây-li-a từ năm 2001; (ii) Hợp tác ba bên Mỹ – Nhật Bản – Ấn Độ từ năm 2011; (iii) Nhóm Bộ tứ gồm Mỹ – Nhật Bản – Ấn Độ – Ô-xtrây-li-a từ năm 2007 và Nhóm Bộ tứ mở rộng; (iv) Sáng kiến Hạ nguồn Mê Công từ năm 2009 và nâng cấp thành Đối tác Mê Công – Mỹ năm 2020. Trong các hợp tác nhóm trên cũng hình thành các nhóm công tác để triển khai hợp tác trong các lĩnh vực cụ thể như xây dựng cơ sở hạ tầng, sản xuất và phân phối vắc-xin, v.v…

[28] Asit Ranjan Mishra, “India, Japan and Australia Unveil Supply Chain Initiative,” Mint, 28 April 2021, https://www.livemint.com/news/world/india-japan-australia-launch-supply-chain-initiative-to-counter-china-11619532624451.html

[29] Bennet Institute for Public Policy, “Digital Minilateralism: How governments cooperate on digital governance,” 19 October 2020, https://www.bennettinstitute.cam.ac.uk/events/digital-minilateralism-how-governments-cooperate-d/

[30] Charissa Yong, “Singapore, US to Cooperate in Promoting Infrastructure Development in Asia,” The Straits Times, 21 March 2019, https://www.straitstimes.com/asia/singapore-us-to-cooperate-in-promoting-infrastructure-development-in-asia

[31]“United States and Singapore Sign Infrastructure Finance and Market Building Cooperation Framework,” U.S. Treasury, 16 October 2019, https://home.treasury.gov/news/press-releases/sm793

[32]Nikkei Asia, “Singapore to be Dispute Resolution Hub for Belt and Road,” 2019, https://asia.nikkei.com/Spotlight/Belt-and-Road/Singapore-to-be-dispute-resolution-hub-for-Belt-and-Road

[33] Lê Hoài Trung, “Đối ngoại đa phương góp phần đẩy mạnh hội nhập, tăng cường sức mạnh đất nước,” Thế giới & Việt Nam, ngày 16/1/2019, https://baoquocte.vn/doi-ngoai-da-phuong-gop-phan-day-manh-hoi-nhap-tang-cuong-suc-manh-dat-nuoc-85683.html.

[34] Hợp tác tiểu vùng khu vực sông Mê Công có khoảng 15 cơ chế khác nhau gồm nhóm các cơ chế nội vùng và nhóm các cơ chế hợp tác giữa các nước lưu vực sông Mê Công và các đối tác bên ngoài. Xem thêm Lê Hải Bình,“Các cơ chế hợp tác ở khu vực Mê Công và sự tham gia của Việt Nam,” Tạp chí Cộng sản, ngày 13/6/2018, https://tapchicongsan.org.vn/van_hoa_xa_hoi/-/2018/51196/cac-co-che-hop-tac-o-khu-vuc-me-cong-va-su-tham-gia-cua-viet-nam.aspx#!.

[35] Xem thêm Vũ Lê Thái Hoàng (Chủ biên), Ngoại giao chuyên biệt: Hướng đi, ưu tiên mới của Ngoại giao Việt Nam đến năm 2030 (Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, 2020).

[36] Bùi Thanh Sơn, “Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình và điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước,” Nhân Dân, ngày 27/1/2021, https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/tham-luan-cua-ban-can-su-dang-bo-ngoai-giao-633839/.

[37] Đảng Cộng sản Việt Nam, “Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030,” Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 22/3/2021, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xiii/chien-luoc-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-10-nam-2021-2030-3671.

[38] “Hội nghị trực tuyến đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ thực hiện mục tiêu kép,” Thế giới & Việt Nam, ngày 30/7/2021, https://baoquocte.vn/hoi-nghi-truc-tuyen-day-manh-cong-tac-ngoai-giao-kinh-te-phuc-vu-thuc-hien-muc-tieu-kep-153188.html