Âm thanh trong âm nhạc là gì

1. Kái niệm âm thanh trong âm nhạc

Âm Thanh là những tiếng động do các vật thể va chạm với nhau mà tai người nghe được [tiếng gió, tiếng xe, tiếng động vật kêu…]. Vật thể gây ra chấn động tạo ra âm thanh được gọi là nguồn âm. Khi vật thể va chạm nhau tạo ra sóng âm, sóng âm đó truyền trong không khí đến tai người tạo ra cam giác âm thanh.

Cảm nhận âm thanh của tai người theo hướng khó chịu hoặc dễ chịu do đó âm thanh trong âm nhạc phải có tính chọn lọc.

2. Các thuộc tính của âm thanh trong âm nhạc

Âm thanh trong âm nhạc được xác định bởi bốn thuộc tính là cao độ, cường độ, trường độ và âm sắc

Cao độ [Pitch] của âm thanh phụ thuộc vào tần số [tốc độ] dao động của vật thể rung. Tần số là số lượng bước sóng trong một đơn vị thời gian. Tần số được đo bằng hertz [Hz]. Một hertz bằng một bước sóng [dao động lên – xuống].

Dao động càng nhiều [tần số cao], âm thanh càng cao và ngược lại.

Tiếng sấm [Thunder] có một tần số chỉ có 50 hertz, trong khi một tiếng còi xe có thể có một tần số 1000 Hz.

Tai người có thể nghe thấy tần số từ 20 đến 20.000 Hz. Một số loài động vật có thể nghe âm thanh ở tần số cao hơn. Lý do chúng ta không nghe thấy tiếng còi chó trong khi chúng lại nghe được, là bởi vì tần số của tiếng còi này quá cao để đôi tai chúng ta có thể xử lý. Những âm thanh quá cao hoặc quá thấp mà chúng ta không nghe được gọi là siêu âm.

Cường độ của âm thanh phụ thuộc vào sức mạnh của những dao động, tức là phụ thuộc vào quy mô dao động của vật thể – nguồn âm thanh. Không gian trong đó diễn ra các dao động gọi là biên độ dao động. Biên độ dao động càng rộng, âm thanh càng to và ngược lại.

Cường độ được đo bằng đơn vị decibel: Một tiếng thì thầm là khoảng 10 decibel trong khi tiếng sét là 100 decibel. Nghe âm thanh lớn có cường độ trên 85 decibel, có thể gây hại cho tai người. Nghe một âm thanh lớn hơn 120 decibel có thể làm đau tai [120 decibel là ngưỡng đau].

Trường độ là khoảng thời gian mà âm thanh vang lên hay là độ vang dài ngắn của âm thanh. Trường độ là một trong những nền tảng của nhịp điệu, được đo bằng đơn vị phách.

Âm sắc là đặc trưng để phân biệt âm thanh này với âm thanh khác, âm sắc phục thuộc vào chất liệu và cấu tạo của nguồn âm. Mỗi nhạc cụ hoặc mỗi giọng người đều có âm sắc riêng. Cùng một âm thanh có cao độ nhất định, nhưng do các loại nhạc cụ khác nhau phát ra thì mỗi nhạc cụ có một màu sắc âm thanh riêng.

3. Bồi âm [Harmonic]

Bồi âm [còn gọi là bội âmhài âm hoặc họa âm] là những âm có tần số cao hơn tần số cơ bản của một âm. Sóng âm chính và các bồi âm đều gọi chung là các sóng thành phần.

Âm thanh phát ra từ nhạc cụ hoặc giọng hát cho thấy những âm này không phải là các đơn âm[pure tone] mà chúng là tổ hợp gồm âm chính và nhiều bồi âm kết hợp vào nhau. Do đó, tùy thuộc vào nguồn phát ra âm thanh mà các sóng thành phần của bồi âm rất cụ thể, chúng hòa vào nhau tạo ra những âm sắc đặc trưng cho từng loại nhạc cụ cũng như tiếng nói/hát của con người và tiếng kêu của động vật.

VD: Bồi âm của nốt đo trầm

4. Hệ thống âm thanh trong âm nhạc

Hệ thống âm thanh dùng làm cơ sở chủ yếu cho hoạt động âm nhạc hiện nay là loại âm thanh có sự phân biệt rõ những mối tương quan nhất định về độ cao. Hệ thống âm thanh trong âm nhạc gồm 88 âm khác nhau, từ âm thấp nhất đến những âm cao nhất nằm trong giới hạn tần số từ 16Hz đến 4176Hz; đó là những âm thanh có độ cao mà tai người có thể phân biệt. Sự sắp xếp các âm của hệ thống dựa theo độ cao gọi là hàng âm, trong đó mỗi âm thanh là 1 bậc của hàng âm đó.

Để gọi tên các bậc trong hàng âm người ta dùng tên gọi 07 bậc cơ bản: DO, RE, MI, FA, SOL, LA, SI [tương ứng các phím trắng trên đàn Piano hay Organ].

Tên gọi các bậc cơn bản cũng được ký hiệu bằng chữ cái:

Tên bậc DO RE MI FA SOL LA SI
Ký hiệu C D E F G A B

5. Các quãng tám

Trong âm nhạc, một quãng tám hay bát độ [tiếng Anh: octave, tiếng Latinh: octavus] là khoảng cách cao độ từ một bậc đến một bậc cùng tên kế tiếp ví dụ: DO đến DO kế tiếp.

Nói cách khác, là một quãng âm giữa một nốt nhạc [hoặc cao độ âm thanh] với một nốt khác có tần số bằng nửa hoặc gấp đôi nó.

Đối với người nghe nhạc, hai âm thanh cách nhau một quãng tám sẽ có cảm giác giống nhau tương đối.

Hàng âm có 88 âm thanh nhưng chỉ có 07 tên gọi bậc cơ bản nên chúng được lặp lại nhiều lần, để dễ phân biệt người ta chia hàng âm thành 09 quãng tám [09 octave]. Với lý thuyết âm nhạc đang phổ biến tại Việt Nam người ta gọi tên các quãng tám như sau:

0 = Quãng tám Cực trầm [chỉ có 03 nốt]

1 = Quãng tám Trầm

2 = Quãng tám Lớn

3 = Quãng tám Nhỏ

4 = Quãng tám I

5 = Quãng tám II

6 = Quãng tám III

7 = Quãng tám IV

8 = Quãng tám V [chỉ có 01 nốt]

Với lý thuyết âm nhạc theo tiếng Anh và cách dùng phổ biến trên thế giới hiện nay người ta gọi tên các quãng tám [Octave] như sau:

Nốt do 4 [C4] là nốt trung tâm [Central]

* Kí hiệu liên quan đến quãng tám:

8va có nghĩa là “chơi đoạn nhạc này cao hơn một quãng tám so với những gì đã viết trong nhạc phổ.”. 8va là chữ viết tắt của ottava, một từ tiếng Ý có nghĩa là “quãng tám“.

[Written = viết; Performed = biểu diễn]

8vb [ottava bassa] có nghĩa yêu cầu phải chơi bản nhạc thấp hơn 1 quãng tám.

15ma [quindicesima] có nghĩa yêu cầu người chơi nhạc trình diễn bản nhạc cao hơn 2 quãng tám.

15mb [quindicesima bassa] có nghĩa yêu cầu người chơi nhạc trình diễn bản nhạc thấp hơn 2 quãng tám.

Tác dụng của các ký hiệu trên sẽ bị vô hiệu hóa bởi từ “loco”, tuy nhiên người ta thông thường một dấu gạch ngang đứt khúc hay một dấu ngoặc đơn để thể hiện giới hạn của đoạn nhạc chịu ảnh hưởng bởi các ký hiệu trên.

Bài tiếp theo

Chủ Đề