Bùi văn nam sơn là ai

Hơn 20 năm qua, khi từ Đức trở về Việt Nam sinh sống, Bùi Văn Nam Sơn đã dày công dịch, chú giải, giới thiệu nhiều bộ triết học kinh điển của Tây phương ra tiếng Việt, với ngôn ngữ tường minh, gần gũi đến lạ thường.

Bùi Văn Nam Sơn. Ảnh: Lý Đợi

Theo Bùi Văn Sơn Nam, Việt Nam chưa có triết học thực thụ, chúng ta còn chưa nhận diện rõ sự thiếu khuyết, lại không chuẩn bị để vượt qua tình trạng “chưa trưởng thành” này. Do đó chúng ta cần bắt đầu ngay ở đây và ngay bây giờ. Và phải biết bắt đầu: học từ nền tảng kinh điển. Không đi đường vòng, càng không nóng vội đi tắt đón đầu.

Cần tư duy phản biện

Trong vài lần trò chuyện, Bùi Văn Nam Sơn từng bộc bạch: “Việc dịch, chú giải sách kinh điển là con đường ngắn nhất trong việc tiếp phát văn hóa. Người học cần tiếp xúc với tác phẩm đầu nguồn của khoa học thế giới. Đây là điểm yếu của nền học thuật Việt Nam, vì ta đang thiếu nhiều công cụ cơ sở cho người học. Phần tôi, vẫn tiếp tục cố gắng đóng góp một phần rất nhỏ vào tủ sách triết học cùng với nhiều người khác”.

Bộ Trò chuyện triết học [7 tập] trả lời rất nhiều câu hỏi đời thường về triết học.

Tôi nói Bùi Văn Nam Sơn là con người bình thường, bởi dù được/tự khai sáng để đạt tầm vóc của một nhà triết học, qua các văn bản đã in, anh cũng đã mang lại nhiều điều đáng kể, nhưng không xưng mình là triết gia, mà rất khiêm tốn, chấp nhận danh vị người đời gán cho: nhà nghiên cứu triết học.

Anh khởi đầu từ nền tảng của tri thức hàn lâm - tôi xin lặp lại, hàn lâm - nhưng với suy nghĩ làm sao tri thức ấy đến với đối tượng phổ thông, đối tượng mà triết gia xưa nay rất ngại, ngại và tránh.

Bộ sách “Chat với…” rất thú vị, làm nên dấu ấn triết gia

Trong buổi trao đổi với Nguyễn Hữu Liêm - một giáo sư triết học tại Mỹ, người đã in vài tác phẩm triết học, trong đó có tác phẩm khá đồ sộ là Thời tính, hữu thể và ý chí - Một luận đề siêu hình học [2014], tôi hỏi: - Nếu dạy triết học ở đại học Việt Nam, anh bắt đầu từ đâu? - Từ tư duy phản biện [critical thinking]! - anh nói.

Nhưng câu hỏi đặt ra là: Khi chúng ta còn chưa có hiểu biết căn bản, thì làm sao ta có ngón nào đó để mà phản biện? Cần phải học căn bản là vậy. Tuy nhiên đại học chúng ta đến hôm nay vẫn chưa chuẩn bị cho sinh viên kiến thức triết học cơ bản đó. Làm gì? Và làm thế nào?

 

Bùi Văn Nam Sơn thì khá rành mạch: “Ngày nay, triết học không còn là đặc sản của những thiên tài cô độc hoặc của những triết gia chuyên nghiệp. Triết học sẽ dần dần trở thành món ăn tinh thần quen thuộc cho mọi người. [Tất nhiên người ta vẫn có thể sống mà không cần triết học cũng như có thể hô hấp và tiêu hóa mà không cần biết đến môn sinh lý học]. Nó gắn liền với sự phát triển của khoa học và với lối sống hiện đại, tức với lối sống có suy nghĩ và có cái nhìn toàn diện. Lý thuyết khoa học là sự trừu tượng cấp một; triết học là sự trừu tượng cấp hai, thế thôi. Càng có năng lực tư duy trừu tượng, càng dễ tự định hướng trong mớ bòng bong của cuộc đời muôn mặt này”.

“Tám” về triết học

Bùi Văn Nam Sơn nói, và làm. Ngoài dịch, chú giải các bộ triết học kinh điển, đồ sộ như Phê phán lý tính thuần túy [2004], Phê phán năng lực phán đoán, Phê phán lý tính thực hành [2007]… của Kant; Hiện tượng học tinh thần [2006], Khoa học Lôgíc [2008], Các nguyên lý của triết học pháp quyền [2010]… của Hegel. Từ năm 2012 đến 2017, anh viết bộ Trò chuyện triết học [7 tập], rồi xuất bản các cuốn Chat với Hannah Arendt [2016], Chat với John Locke [2016], Chat với René Descartes [2017]…
Rồi anh còn hứa hẹn sẽ chat với Jean-Paul Sartre, Martin Heidegger... nữa. “Chat” là tán gẫu, là “tám” về triết học. Ngoài giảng đường, ở vỉa hè, trong cuộc lai rai, hoặc ở bất kỳ đâu có thể, để bàn về triết học. Không thực tế và độc đáo sao?

Tôi chưa đọc được tác giả Việt nào viết về triết học đơn giản, dễ hiểu và hấp dẫn thế. Trước đây, Lê Tôn Nghiêm hoặc Trần Đức Thảo thì hàn lâm quá, Phạm Công Thiện tài hoa, lôi cuốn nhưng đọc rồi... thì ít ai hiểu ông viết gì! Còn Bùi Giáng thì ôi thôi, chỉ có kẻ nhập cuộc chơi với ngôn ngữ và tư tưởng như ông, mới chịu được ông. Bùi Văn Nam Sơn thì khác, hàn lâm rất mực, mà vẫn gần gũi, đời thường kỳ lạ.

Có đọc hàng trăm thuật ngữ triết học của Martin Heidegger mà anh dịch lại - sau hơn 4 thập niên các tác giả khác đã dịch - mới biết anh hàn lâm, gần gũi và kỹ lưỡng cỡ nào. Và có nhìn thấy tận mắt hàng trăm độc giả chen chúc nhau đến với anh ở buổi giao lưu Trò chuyện triết học tại tòa soạn Báo Sài Gòn tiếp thị hồi tháng 6.2012, cũng như nhiều buổi nói chuyện triết học khác, mới thấy được sức hút của anh ra sao.

Tôi cho đó là một hiện tượng hiếm có trong cuộc chữ nghĩa hàn lâm của Việt Nam hôm nay.

Tóm lại, theo nhà nghiên cứu triết học họ Bùi, triết học không ở đâu xa, mà ở ngay cạnh mỗi người chúng ta; triết học không được quyền cho phép mình đứng cao hoặc thấp hơn con người. Và những gì anh nói và viết cũng không thể hiện anh cao hoặc thấp hơn độc giả phổ thông đến với anh, đọc tác phẩm anh.

Dưới góc độ tiếng Việt, đóng góp của anh về các thuật ngữ triết học và cách diễn đạt các tư tưởng trừu tượng là một bước tiến xa về nhận thức học thuật, về ngôn ngữ. Tôi nói anh vĩ đại mà bình thường, là vậy!

INRASARA

Cùng với MC Tuyết Anh, nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn [trái] có một buổi chuyện trò triết học thật thú vị với các bạn trẻ hôm 11-5 tại NXB Trẻ -Ảnh: L.Điền

Đây thực sự là “giới quan tâm” khi các bạn tự theo dõi thông tin từ Facebook của NXB Trẻ để đến, một số bạn đã mua và đọc loạt ba quyển sách của Bùi Văn Nam Sơn ra mắt trong dịp này là Chat với Hannah, Chat với John Locke và Ý niệm hiện tượng học [năm bài giảng của triết gia Edmund Husserl].

Hành trình dấn bước vào triết học

Thu hút đám đông bạn trẻ bằng đề tài triết học chưa bao giờ là chuyện “dễ nhằn”, nhưng Bùi Văn Nam Sơn đã thành công ngoạn mục trong buổi sáng 11-5 với phong cách đầy tự tin và duyên dáng.

Nhà nghiên cứu họ Bùi nhớ lại hình ảnh ông thầy dạy triết hồi lớp 12 ở trường Nguyễn Bá Tòng: mỗi lần gặp học sinh, ông đưa tay chào và nói một câu tiếng Pháp, rằng “chỉ có tư tưởng mới hướng dẫn thế giới”.

Hình ảnh ấy, câu nói ấy có ấn tượng mạnh, khiến Bùi Văn Nam Sơn chú ý đến thế giới tư tưởng của con người. Cộng với mối băn khoăn của các vị tiền bối quê nhà thời bấy giờ, rằng người phương Tây nghĩ gì trong đầu? Tại sao một quốc gia oai hùng như Việt Nam mà mấy ngàn người Tây đến lấy dễ như thò tay lấy đồ trong túi vậy? Chính điều đó khiến cho Bùi Văn Nam Sơn khi du học đã chọn con đường đi sâu vào thế giới tư tưởng phương Tây.

Chúng ta nhầm lẫn giữa dạy khoa học và dạy triết học

Ông Bùi Văn Nam Sơn nhận định rằng chúng ta đang nhầm lẫn giữa dạy khoa học và dạy triết học. Ông dẫn lời bà Hannah Arendt rằng khác với khoa học thường có những chân lý chung quyết, triết học thì không, làm gì có vấn đề triết học nào được giải quyết rốt ráo cả rồi và không bao giờ nên đặt lại nữa.

Những câu hỏi về triết học, những vấn đề của triết học khác với bình diện của khoa học. Do vậy, việc đầu tiên trong một lớp triết là cần làm cho sinh viên hiểu rằng, với triết học, không có vấn đề nào phải áp đặt cả. Điều này thì ở ta chưa làm được. Mà nếu chúng ta không “học được triết” là gì? Là một hệ lụy cực nguy hiểm: lạc hậu về tư tưởng.

Bùi Văn Nam Sơn nói một cách day dứt: “Các bạn đừng để mình lạc hậu về tư tưởng, phải biết tư tưởng của thế kỷ 21 này là gì, lạc hậu về tư tưởng sẽ kéo theo các lạc hậu khác nữa. Khi người ta đã đi trước mình về tư tưởng, thì sản phẩm các ngành khác của họ làm sao mình đuổi kịp”.

Từ ý tưởng "chat trong mộng" đến bộ sách lịch sử triết học

Ba quyển đầu tiên trong Tủ sách Bùi Văn Nam Sơn do NXB Trẻ và NXB Đại học Quốc gia TPHCM ấn hành vừa ra mắt bạn đọc - Ảnh: L.Điền

Và cũng chính từ thao thức với vấn đề lạc hậu về tư tưởng, bằng kinh nghiệm của mình, ông Bùi Văn Nam Sơn cho rằng rất Việt Nam cần một bộ lịch sử triết học “gồm thâu” đầy đủ tư tưởng của những triết gia hàng đầu xưa nay.

Nhưng ngoài những người theo nghiệp nghiên cứu triết, giới bạn đọc phổ thông nếu không được học triết trong trường, sẽ chẳng bao giờ đụng đến loại sách “Lịch sử triết học” như vậy. “Và tôi nghĩ, vậy thì tại sao mình không gặp [trong mộng] các bác triết gia ấy để tâm tình, rồi kể lại với các bạn trẻ. Nói theo ngôn ngữ hiện đại là một kiểu “chat” với nhau, mình chat với các triết gia nhưng bằng ngôn ngữ của các bạn trẻ hiện nay.

Nói vậy, nhưng khi bắt tay vào làm việc thì tôi thấy mình cần nghiêm cẩn, đặc biệt là không đặt lời nói của mình vào miệng của các vị ấy được”.

Một nam sinh viên hỏi ngay, thế thì tính cách của các triết gia như Hannah Arendt, Jonh Loke, hay Martin Heidegger, Jean - Paul Sartre trong loạt sách này là của các vị ấy hay do ông Bùi Văn Nam Sơn tạo ra? Câu trả lời là ông Bùi đã cố gắng ghi lại trung thực tính cách của các triết gia mà ông chat cùng. Và rằng phần lớn tính cách ấy đều căn cứ trên văn bản, cho nên bạn đọc có thể yên tâm và hoàn toàn có thể dẫn dụng lại được.

Từ ý tưởng “chat trong mộng” với các triết gia như vậy, hai nhà xuất bản là Trẻ và Đại học Quốc gia TPHCM cùng phối hợp xây dựng kế hoạch xuất bản tủ sách Bùi Văn Nam Sơn.

Khi Cách mạng xuất phát từ nhu cầu khao khát tự do và nhân phẩm 

Sự hấp dẫn của công việc "chat với triết gia" được ông Bùi mô tả như một lần nữa ông gặp lại những bài học quý.

Chẳng hạn trong lúc “chat”, ông phát hiện bà Hannah Arendt phê phán cuộc cách mạng Pháp và đánh giá cao cuộc cách mạng Mỹ, bởi bà cho rằng những người làm cách mạng Pháp là xuất phát từ nhu cầu cơm áo mà làm cách mạng, còn cách mạng Mỹ là xuất phát từ nhu cầu khao khát tự do và nhân phẩm của người dân.

“Nhận xét này rất quan trọng, và tôi đã tìm lại nguồn cội của hai cuộc cách mạng Pháp và Mỹ. Nhân vật quan trọng tôi tìm gặp là John Locke - triết gia khởi nguồn cho tư tưởng Anh - Mỹ”, Bùi Văn Nam Sơn dẫn đám đông bạn trẻ vào hành trình triết học của ông.

Hành trình ấy thật thú vị, bởi nó làm cho mọi người ồ lên khi biết tư tưởng của Hiến pháp Mỹ thật ra là dựa trên tư tưởng của John Locke, quan niệm “mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng” mà ai ai cũng biết ấy vốn của John Locke. Rồi tư tưởng của Husserl về hiện tượng học là như thế nào, Trần Đức Thảo của Việt Nam là môn đệ của Hiện tượng học và “có thể ngồi ngang hàng với Husserl mà không có gì phải ngại ngùng” là tại làm sao…

LAM ĐIỀN

Video liên quan

Chủ Đề