Ca cấp cứu khó của bác sĩ là ai?

.

Cập nhật lúc: 11:56, 27/02/2021 [GMT+7]

Trong thời gian qua, ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai đã có nhiều vụ việc người nhà bệnh nhân gây áp lực tinh thần, xúc phạm, hành hung  bác sĩ, nhân viên y tế khiến dư luận bất bình. Sự tổn thương tâm lý cũng như thương tích thể chất đã khiến không ít người làm công tác y tế lo lắng, áp lực.

Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai lúc nào cũng đông, nhiều bệnh nặng, nguy kịch nên đội ngũ nhân viên y tế của khoa rất áp lực

Ngành y tế đã từng đề xuất cần có một cơ chế riêng để bảo vệ đội ngũ cán bộ y tế. Trong đó, hành vi hành xử thô bạo với bác sĩ, nhân viên y tế không chỉ xem là tội gây rối trật tự nơi công cộng và chỉ bị xử phạt hành chính, mà nên được xét xử như tội danh chống người thi hành công vụ, nếu cần có thể truy tố hình sự. Có như thế mới răn đe được những kẻ côn đồ và bảo vệ đội ngũ thầy thuốc để họ tận tâm, tận lực cứu người.

Nghề nhiều áp lực...

Theo tâm sự của nhiều bác sĩ, nhân viên y tế đang công tác tại một số bệnh viện trên địa bàn tỉnh, nghề y vốn đã áp lực, nhưng còn áp lực hơn khi tình trạng người nhà bệnh nhân tấn công, gây thương tích cho bác sĩ diễn ra khá phổ biến. Nhiều ý kiến cho rằng, khi lựa chọn nghề y, đội ngũ y, bác sĩ  đã “gánh” trên vai trách nhiệm nặng nề là cứu người. Thế nhưng, gánh nặng đang trở nên nặng hơn khi nhiều nhân viên y tế nơm nớp lo sợ bị người nhà, bệnh nhân tấn công.

Trong năm 2020, TAND TP.Biên Hòa mở 2 phiên tòa xét xử 2 đối tượng có hành vi gây rối trật tự công cộng và đánh bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Phiên xét xử vào tháng 4-2020, TAND TP.Biên Hòa tuyên bị cáo Nguyễn Phước Vũ [ngụ H.Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp] 14 tháng tù giam về tội gây rối trật tự nơi công cộng. Trước đó, vào tháng 1-2020, Vũ chăm sóc cha điều trị tại bệnh viện và đã tấn công, gây thương tích cho BS Huỳnh Tấn Phúc, Phó trưởng khoa Nội thần kinh - chỉ vì bác sĩ này nhiều lần nhắc Vũ phải choàng áo và thay dép khi vào phòng chăm sóc đặc biệt, nhằm chống nhiễm khuẩn cho người bệnh.

Vào tháng 5-2020, TAND TP.Biên Hòa cũng mở phiên tòa xét xử sơ thẩm hình sự và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Công Lâm [33 tuổi, ngụ P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa] 10 tháng tù giam về tội gây rối trật tự công cộng. Ngày 26-6-2019, Lâm dùng tay đấm vào mặt bác sĩ Khoa Sản Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Nguyễn Lan Hương dẫn đễn đông người tập trung gây ồn ào, mất trật tự, làm ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh tại bệnh viện

Đến giờ BS Hương vẫn còn sợ sau lần bị hành hung ấy. Chị cho biết, họ xem nhân viên y tế như là nơi trút giận khi đánh bác sĩ chỉ vì một chuyện không đáng. Tất nhiên, kẻ côn đồ phải trả giá cho hành động sai trái, nhưng sự tổn thương về thể chất, tinh thần của bác sĩ thì khó có thể bù đắp.

Tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cũng từng xảy ra vụ việc bác sĩ Khoa Cấp cứu bị người nhà bệnh nhân cầm dao khống chế, gây sức ép buộc phải cứu người nhà của họ và dọa giết nếu để người nhà của họ chết. Trong tình huống “căng như dây đàn” ấy, bác sĩ khó có thể bình tĩnh, tập trung cao độ để cứu bệnh nhân đang trong cơn thập tử nhất sinh.

Nói về áp lực khi làm việc ở Khoa Cấp cứu, BS Nguyễn Xuân Hoàng, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tâm sự: “Các bác sĩ và nhân viên y tế ở khoa cũng từng bị người nhà bệnh nhân xúc phạm, nhẹ là chửi mắng, nặng là gây áp lực và hành hung.  Chúng tôi hiểu trong tình huống người nhà bị bệnh nặng, tính mạng bị đe dọa, người thân thường lo lắng, hoảng hốt, rối trí và... rất dễ bức xúc. Nhưng họ cần hiểu rằng, bằng con mắt chuyên môn, bác sĩ biết tình trạng bệnh nhân đó nặng hay nhẹ, người nào cần ưu tiên cấp cứu trước. Công việc đã căng thẳng, nếu người nhà gây thêm áp lực, bác sĩ sẽ không thể làm điều tốt nhất cho người nhà của họ được”.

Cần có cơ chế bảo vệ bác sĩ, nhân viên y tế

Theo thống kê từ một số bệnh viện trong tỉnh, nhân viên y tế ở các khu vực trực cấp cứu, tiếp nhận bệnh và nhà xác thường bị  “tấn công” nhiều hơn các khoa khác. Đối tượng tấn công bác sĩ có khi là người nhà bệnh nhân, người bệnh say xỉn hoặc người bệnh nghiện ma túy lên cơn “ngáo đá”... Nguyên nhân việc tấn công bác sĩ là do bức xúc vì một chuyện gì đó, không hiểu quy trình chuyên môn, ưu tiên trong cấp cứu, dẫn đến có hành vi thô bạo.

TS-BS, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Phạm Văn Dũng cho biết, qua nhiều vụ việc, bệnh viện cũng đã tăng số lượng bảo vệ và bố trí bảo vệ trực cả ngày lẫn đêm để đề phòng và ngăn chặn các hành vi gây rối trong bệnh viện. Ngoài ra, bệnh viện cũng gắn camera an ninh tại những khu vực nhạy cảm và cho người theo dõi 24/24. Khi phát hiện sự việc mất an ninh, đội bảo vệ trực có mặt ngay lập tức để can ngăn, đồng thời nhân viên bệnh viện cũng có mặt để giải thích, hướng dẫn và giải quyết sự việc.

Còn ở Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, một đội bảo vệ 60 người đã được thành lập, có nhiệm vụ “tuần tra” liên tục tại những nơi dễ xảy ra bức xúc, gây hấn như khoa cấp cứu, nơi tiếp nhận bệnh và nhà xác. “Bệnh viện cũng đã ký kết với Công an P.Tam Hòa để hỗ trợ giải quyết các vụ việc gây rối, mất an ninh trật tự trong bệnh viện. Tuy nhiên, những giải pháp trên cũng chỉ nhằm giải quyết tình huống. Về căn cơ, cần phải có luật về bác sĩ khi đang làm nhiệm vụ” - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Ngô Đức Tuấn nói.

TS-BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế cho rằng, đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế đang làm công việc cứu chữa, điều trị, chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân, vì bất cứ lý do gì mà có hành vi tấn công bác sĩ, nhân viên y tế là hành vi phản cảm, đáng bị lên án và phải bị xử lý nghiêm trước pháp luật.

TS-BS Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất:

Chú trọng đổi mới phong cách, thái độ phục vụ

Một trong những giải pháp hàng đầu của Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất trước các hành vi côn đồ của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đó là việc chú trọng đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, kỹ năng ứng xử, giao tiếp cho đội ngũ nhân viên y tế. Ngoài ra, bệnh viện cũng  không ngừng phát triển tay nghề chuyên môn cũng như chất lượng khám, chữa bệnh nhằm nâng cao mức độ hài lòng của người bệnh, hạn chế những bức xúc không đáng có.

Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật [Hội Luật gia tỉnh]:

Cần có cơ chế bảo vệ bác sĩ

Hành vi tấn công bác sĩ, nhân viên y tế là hành vi xâm hại đến sức khỏe, tính mạng người khác. Nếu tỷ lệ thương tật của người bị hại từ 11% trở lên thì theo khoản 1, Điều 134, Bộ luật Hình sự, người gây thương tích sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.  Tuy nhiên, môi trường làm việc của đội ngũ y tế là bệnh viện - một  môi trường lao động đặc biệt, vì thế ngành y tế cần kiến nghị Nhà nước ban hành các quy chế riêng biệt, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho đội ngũ nhân viên y tế trong khi thực hiện công việc. Chẳng hạn như quy chế bảo vệ bác sĩ, nhân viên y tế để giữ an ninh, an toàn cho đội ngũ này ở bệnh viện

Theo Điều 6, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, cấm các hành vi gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của y, bác sĩ, kỹ thuật viên... Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính về lĩnh vực an toàn xã hội, an ninh trật tự quy định, phạt tiền từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng đối với hành vi đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau.

Phương Liễu

PGS.TS.BS.Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM [bìa phải] và BS CKII Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh [bìa trái] trao giấy khen cho bác sĩ CKII Diêu Hà Lam, Trưởng khoa Cấp cứu [thứ hai từ trái sang] và bác sĩ CKII Kiều Ngọc Minh, Trưởng khoa Gây mê Hồi sức, năm 2019.

[Thanhuytphcm.vn] - "Để có thể trụ lại phòng cấp cứu, ngoài năng lực chuyên môn, còn cần lòng yêu nghề và sự dấn thân"… Đó là câu mở đầu trong cuộc trò chuyện với bác sĩ CKII Diêu Hà Lam, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP Thủ Đức - một trong 197 gương cá nhân điển hình thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2021 của TP Thủ Đức.

Khoa Cấp cứu là bộ phận đóng vai trò rất quan trọng trong bất kỳ bệnh viện nào. Bởi lẽ, chính bác sĩ, điều dưỡng tại phòng cấp cứu là những người đầu tiên tiếp xúc với bệnh nhân, phán đoán tình trạng bệnh, nhanh chóng xử lý và tiến hành cấp cứu trước khi chuyển bệnh nhân đến các khoa lâm sàng khác. Áp lực, căng thẳng, vất vả là vậy nhưng bác sĩ Diêu Hà Lam vẫn chọn gắn bó với Khoa Cấp cứu tại nhiều bệnh viện khác và nơi công tác hiện tại là Bệnh viện Lê Văn Thịnh.

"Tôi từng thấy nhiều bác sĩ đến công tác tại Khoa Cấp cứu rồi lại đi. Công việc cấp cứu khá đặc thù, làm việc theo ca kíp nên thời gian dành cho việc cá nhân khó lòng sắp xếp. Môi trường giao tiếp giữa bác sĩ, điều dưỡng và bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cũng có nhiều phức tạp. Nếu không khéo léo và nhẫn nhịn sẽ dễ xảy ra xung đột không đáng có khi tinh thần người bệnh và người nhà đang trong tình trạng lo lắng và hoảng loạn. Bên cạnh đó, thu nhập cũng là bài toán nan giải cho những người công tác trong Khoa Cấp cứu nói chung" - Bác sĩ Diêu Hà Lam tâm sự.

Bác sĩ Diêu Hà Lam trong chuyến khám chữa bệnh từ thiện tại Lào vào tháng 9/2019 [Ảnh: NVCC]

Chứng kiến từng người đến rồi lại đi, bác sĩ Diêu Hà Lam vẫn quyết tâm một lòng ở lại với Khoa Cấp cứu chỉ bởi một điều duy nhất: "Mình làm tốt công việc cấp cứu của mình sẽ cứu sống được rất nhiều người". Với kiến thức chuyên môn trải rộng, phản ứng nhanh nhạy, dứt khoát cùng thái độ kiên nhẫn là chìa khóa then chốt để bác sĩ, nhân viên Khoa Cấp cứu xử lý kịp thời cho các bệnh nhân nguy kịch, thực hiện hồi sức và ổn định để điều trị cho bệnh nhân ở giai đoạn cấp tính. Đó là việc làm thiết thực của bác sĩ Diêu Hà Lam và điều dưỡng Khoa Cấp cứu nói riêng, cũng như tập thể đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Lê Văn Thịnh nói chung nhằm thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Lương y như từ mẫu".

Bác sĩ Diêu Hà Lam chia sẻ: "Tôi luôn nói với các em trong Khoa rằng phải "coi bệnh nhân là người thân, người nhà". Có như vậy khi gặp trường hợp bệnh nhân, người nhà phản ứng hoặc thiếu hợp tác; hay gặp bệnh phức tạp, hiểm nghèo; ca bệnh khó khăn trong chẩn đoán thì khi thực hiện nhiệm vụ sơ-cấp cứu, cán bộ y tế phải giữ vững tinh thần và nhẫn nại giải thích, động viên để việc xử lý cấp cứu diễn ra nhanh chóng và kịp thời".

Với quá trình công tác và kinh nghiệm làm việc cũng như những khó khăn, vất vả đã trải qua, khi đảm nhận vị trí Trưởng khoa Cấp cứu, bác sĩ Diêu Hà Lam thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng và luôn tạo điều kiện cho thế hệ bác sĩ trẻ có cơ hội trau dồi nghề, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ.

Là người theo sát bác sĩ Diêu Hà Lam trong công tác chuyên môn, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh – Bác sĩ CKII Trần Văn Khanh cho biết: bác sĩ Diêu Hà Lam là người được đào tạo chính quy, bài bản; công tác chuyên môn luôn được thực hiện một cách nghiêm túc; đặc biệt là tinh thần “lấy chất lượng, sự an toàn của người bệnh làm trọng tâm”. Trong công việc, anh nhạy bén, lăn xả và hết lòng vì người bệnh. Trong công tác quản lý Khoa Cấp cứu, bác sĩ luôn giữ vững thái độ cầu thị, gần gũi, quan tâm và chia sẻ với anh em trong khoa. Bên cạnh đó, bác sĩ Diêu Hà Lam còn tham mưu cho Ban Giám đốc nhiều sáng kiến phục vụ việc xây dựng cơ quan, đơn vị.

Bác sĩ Diêu Hà Lam tại phòng khám sàng lọc bệnh viêm đường hô hấp [Ảnh: NVCC]

Mỗi ngày, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Lê Văn Thịnh tiếp nhận khoảng 100-120 trường hợp nhập viện. Số bệnh nhân cần nhập viện điều trị nội trú vào khoảng 30-40 ca/ngày. Do tình hình dịch COVID-19, số lượng bệnh nhân vào Khoa Cấp cứu giảm nhiều [khoảng 25%], nhưng việc có bệnh nhân nhiễm COVID-19 trong cộng đồng làm cho công việc khám sàng lọc, cấp cứu càng rất phức tạp; việc để "lọt" bệnh nhân nghi nhiễm ở cấp cứu rất dễ xảy ra. Chính vì vậy, tập thể Khoa cùng lãnh đạo, phòng ban của Bệnh viện nghiêm túc triển khai quy trình khám sàng lọc, cấp cứu sàng lọc theo quy định của Sở Y tế TPHCM. Bản thân bác sĩ Diêu Hà Lam còn tham gia chỉ đạo, khám, cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân nghi nhiễm COVID-19 và khám chữa bệnh cho người dân bị cách ly tại nhà.

"Một hành động hơn ngàn lời nói" là điều mà bác sĩ CKII Diêu Hà Lam đã và đang thực hiện để là tấm gương cho tập thể bác sĩ, điều dưỡng của Khoa Cấp cứu noi theo, theo đúng tinh thần trách nhiệm lớn lao trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn trong "Thư gửi cán bộ Hội nghị y tế" ngày 27/2/1955.

Nguyên Lộc

Tin liên quan

Video liên quan

Chủ Đề