Ca sĩ bạch yến hải ngoại là ai?

Ca sĩ Túy Hồng, người vợ cũ của nhạc sĩ Lam Phương, sau này vẫn hay nói với Bạch Yến rằng: “Chị biết không, ổng viết nhiều bài nhạc tình về chị lắm”. Bạch Yến lắc đầu cười, coi đó như một lời đùa. Nhưng trong thâm tâm, bà mơ hồ nhận ra những câu hát của tác giả “Duyên kiếp” ám ảnh hình bóng bà - mối tình đầu đầy trong sáng nhưng xước xát cả đời người…

Yêu nhau từ thuở còn thơ

 Trong một chương trình âm nhạc, nhạc sĩ Lam Phương không ngần ngại mà tâm sự trước hàng vạn khán giả rằng: “Tôi sáng tác nhiều bài vì nhớ tới một người bạn gái. Người đó là ca sĩ Bạch Yến”.

Thuở hoa niên, chị mới 11, Lam Phương 15 tuổi. Biết nhau từ cái ngày chị đoạt huy chương vàng cuộc thi tiếng hát thiếu nhi do Đài phát thanh Pháp Á tổ chức. Sau đó, Bạch Yến được mời về thu âm cho Đài hằng tuần. Lam Phương cùng chúng bạn hay quanh quẩn ở nhà đài để tập tành sáng tác, hát với nhau những lời ca chưa khô vết mực. 

Lam Phương để ý đến cô bé xinh xinh có giọng hát trong trẻo, véo von. Anh em gặp nhau lại chuyện trò ríu ra ríu rít như bầy sẻ non. Anh dẫn cô bé về nhà mình chơi, gặp cha, gặp mẹ. 

Chẳng lần vuốt tóc, cầm tay. Vậy mà một ngày, Lam Phương đến nhà Bạch Yến, khoanh tay thưa với mẹ cô rằng: “Thưa bác, cháu xin được hỏi cưới Bạch Yến làm vợ”. Bà mẹ trợn trừng sửng sốt, tưởng cậu chàng nói chơi chơi. Bạch Yến còn quá nhỏ để làm vợ người ta. 

Biết ý định của Lam Phương là thật lòng, giọng bà mẹ lạnh tanh: “Khi nào cậu đậu tú tài, tui mới tính chuyện con nhỏ. Cậu về đi”. Bạch Yến khi đó không biết yêu đương là gì, chỉ thích và mến mộ người anh trai nhiệt tình, tốt bụng.

Hai năm sau cô bịn rịn chia tay Lam Phương, từ giã căn nhà tranh xiêu vẹo ở Sài Gòn để rong ruổi dọc miền Nam Bắc đỡ đần mẹ khi cha đi biền biệt không về. Đoàn môtô bay của người chú giúp mấy mẹ con có cơm ăn qua ngày. Thỉnh thoảng Lam Phương lại bắt xe đò đi thăm nàng hôn thê bé nhỏ.

Dù tuổi cao nhưng ca sĩ Bạch Yến luôn “cháy” hết mình trên sân khấu.

Trong một lần biểu diễn, Bạch Yến bị ngã, gãy xương sườn, đoàn môtô bay phải đóng cửa. Bạch Yến trở về quê xưa, mong chóng gặp lại người thương. Nhưng năm tháng thoi đưa khiến lòng người chẳng còn như cũ. Coi như đường duyên không có ông Tơ, bà Nguyệt dẫn lối, dệt phận. 

Từ đó trái tim Bạch Yến dường như đóng cửa trước bao lời tán tỉnh, theo đuổi của bao “cây si” vây quanh mãi cho đến năm 36 tuổi. Nhưng nỗi lòng người nhạc sĩ vẫn nhìn theo người thương bé bỏng nay đây mai đó đem tiếng hát cho người. Ngày Bạch Yến sang Pháp, ông viết “Kiếp tha hương”: "Thương cho thân gái đường xa/ mang vào kiếp không nhà/ trời đông thiếu chăn êm...".

Sau này, khi hôn nhân không như mong đợi, dõi bóng hình người con gái ngày nào, Lam Phương luôn đau đáu trăn trở trong từng câu hát. Như khi Bạch Yến bắt đầu sự nghiệp biểu diễn ở xứ người, thỉnh thoảng mới về Việt Nam, ông viết “Tình bơ vơ” xót xa: “Ngày mình yêu/ Anh đâu hay tình ta gian dối/ Để bước phong trần tha hương/ Em khóc cho đời viễn xứ/ Về làm chi rồi em lặng lẽ ra đi…”. 

Chuyện tình ngày thơ và dự cảm ngày người thương lên xe hoa ở xứ lạ dường như thấp thoáng trong câu hát: “Rồi từ đó vì cách xa, duyên tình thêm nhạt nhòa/ Rồi từ đó chốn phong ba em làm dâu nhà người/ Âm thầm anh tiếc thương đời, đau buồn em khóc chia phôi/ Anh về gom góp kỷ niệm tìm vui [Thành phố buồn]. Và còn nhiều khúc hát mà Lam Phương dành cho mối tình đầu, như: “Tình chết theo mùa đông”, “Cho em quên tuổi ngọc”...

Đến tận bây giờ, nhắc chuyện xưa, Bạch Yến vẫn trân trọng, nâng niu, yêu mến người nhạc sĩ tài hoa nhưng lận đận đường tình. Dẫu gì, phút cuối, trái tim bà đã reo vui trong tổ ấm nhỏ, còn Lam Phương thì… 

Ca sĩ Bạch Yến bảo rằng bà không ngại khi nhắc đến chuyện Lam Phương. Bởi nhạc sĩ, GS Trần Quang Hải - chồng bà, hiểu rằng tất cả chỉ là quá khứ, ông tôn trọng góc riêng của mỗi người. Thế nên thỉnh thoảng Lam Phương lại lặn lội từ Mỹ ghé thăm vợ chồng Bạch Yến ở Paris, để rồi ngỡ ngàng mà thốt lên: “Hạnh phúc của hai người tôi rất ao ước nhưng mãi mãi không bao giờ có được”.

Cưới nhau sau 24 giờ gặp gỡ

Trong một lần giao lưu âm nhạc ở Pháp, GS Trần Văn Khê chỉ về phía cậu thanh niên gầy ốm, đen đúa đứng khúm núm phía cuối dãy ghế khán giả, nói nhỏ với Bạch Yến: “Tôi có thằng con trai từ Việt Nam mới qua, nó đứng đằng kia kìa”. Lúc đó, Bạch Yến không có ấn tượng gì lắm với Trần Quang Hải. 

Còn với Trần Quang Hải thì Bạch Yến là thần tượng. Không thần tượng sao được khi thập niên 60 của thế kỉ trước, Bạch Yến đã là cái tên được đông đảo người hâm mộ, là ngôi sao Việt Nam hát tiếng Tây đầu tiên đặt chân đến nơi hội tụ của những minh tinh nổi tiếng nước Mỹ. Bà có thể hát được tiếng Pháp, Anh, Do Thái, Tây Ban Nha... 

Bà còn là ca sĩ duy nhất hát trong chương trình truyền hình The Ed Sullivan show [chương trình ăn khách nhất của Mỹ trong khoảng thời gian 1950-1970], hòa giọng cùng các ca sĩ nổi tiếng của Mỹ thời đó như Bob Hope, Bing Crosby, Pat Boone, Mike Douglas... Với những thành tựu đó, Bạch Yến được xem là một trong 10 ca sĩ có ảnh hưởng lớn nhất của nền tân nhạc Việt Nam.

Bẵng đi rất nhiều năm sau đó, bôn ba ở xứ người, Bạch Yến không gặp lại Trần Quang Hải. Đất nước thống nhất, gia đình bặt tăm tin tức khiến Bạch Yến hoang mang. Cũng chính cú sốc này khiến bà mắc bệnh, không thể sinh con. Mang nỗi buồn lữ thứ, bà đứng ngẩn ngơ trước cửa nhà hát Pháp. 

Giờ biểu diễn sắp bắt đầu nhưng có thứ gì thôi thúc bà chờ đợi. Bỗng một gương mặt rất quen ôm chầm lấy bà, hôn vào má. Đón bó hoa từ tay gương mặt quen, bà ngạc nhiên hỏi: “Ủa, anh biết tôi là ai không mà ôm hôn?”. 

Người đàn ông cười: “Ca sĩ Bạch Yến chớ ai”. Bạch Yến đỏ lựng cả má, bà vắt óc vẫn không biết gương mặt quen này mình đã gặp ở đâu, tên là gì. “Không nhận ra tôi hả, tôi là con trai của GS Trần Văn Khê nè”. 

Đến lúc này bà càng mở to mắt. Vì người đàn ông đứng trước mặt không còn vẻ gầy gò, đen đúa như ngày nào. Ông trông phong độ, hồng hào, đi cạnh là cô con gái nhỏ của người vợ đã ly dị. Bấy giờ, tên tuổi ông đã nổi danh với tư cách là một giáo sư nghiên cứu âm nhạc dân tộc. Vậy là gần 20 năm xa cách, hai người mới có duyên hội ngộ trên xứ lạ.

Vợ chồng ca sĩ Bạch Yến – nhạc sĩ, GS Trần Quang Hải luôn sát cánh với nhau khi quảng bá âm nhạc dân tộc ra thế giới.

Vị giáo sư ngỏ lời mời nữ danh ca đi ăn tối. Bên ánh nến lãng mạn, hai người nói đủ chuyện trên trời, dưới đất, vui quá Trần Quang Hải khoát tay: “Hay là hai đứa mình lấy nhau đi”. Bạch Yến tưởng ông giỡn, cũng nháy mắt: “Ok”. Hai tuần sau, 400 thiệp cưới được phát ra khiến Bạch Yến hốt hoảng kéo tay Trần Quang Hải: “Bộ anh định làm thiệt hả?”. Ông cười khà khà. Bà tặc lưỡi, thôi thì ném lao thì phải theo lao. 

Năm 1978, đám cưới diễn ra trong sự ngạc nhiên của họ hàng, bạn bè. Ngay trong đám cưới, Trần Quang Hải đã hào hứng sáng tác bài “Tân hôn dạ khúc”. Nhớ lại, Bạch Yến cười: “Ảnh nói anh không có hột xoàn, chỉ có bài hát này làm quà cho em thôi. Ai ngờ, khi tôi thể hiện bài hát đó, khán giả yêu mến, coi như nó cũng là bài tủ của mình”.

Không có con nên Bạch Yến dồn hết tình yêu thương của mình cho con chồng. Xa quê hương và gia đình từ nhỏ nên Bạch Yến luôn hướng về cội nguồn, khát khao hơi ấm gia đình. Có thể nói bà là người truyền cho con chồng tình yêu quê Việt khi dạy cho cô bé nói tiếng Việt, làm các món ăn dân tộc như canh chua, thịt kho trứng, muối dưa… 

Ngày con gái đi lấy chồng, bà là người khóc nhiều nhất, mẹ con bịn rịn khiến chẳng ai nghĩ họ là mẹ ghẻ, con chồng. Yêu Trần Quang Hải, Bạch Yến bước vào lĩnh vực âm nhạc dân tộc –  lĩnh vực vô cùng khó khăn, lạ lẫm với một ca sĩ chuyên trị tân nhạc, nhạc ngoại quốc như bà. Phải mất 15 năm, Bạch Yến mới có thể lướt đàn tranh, ngân nga khúc dân ca, cùng chồng đi khắp hơn 70 nước để quảng bá âm nhạc dân tộc.

Bây giờ, dù đã bước vào tuổi 77, nhưng trên sân khấu cũng như ngoài đời, bà luôn hoạt bát, hóm hỉnh pha trò vừa sang trọng, vừa gần gũi. Mỗi khi đi xa một mình, tham quan những đâu, ăn món gì, gặp gỡ những ai, bà cũng chụp hình gửi qua mạng cho chồng. 

Đó cũng là cách để họ luôn bên nhau mỗi ngày như khi hai người ở trên đất Pháp. Hỏi rằng có điều gì khiến cho hai người yêu và gắn bó với nhau đến thế, bà cười mà rằng: “Chúng tôi có một tình yêu lớn là âm nhạc dân tộc và đặc biệt, chúng tôi mãi coi nhau như tình nhân”. 

Nguyễn Trang

Đầu thập niên 1960 tại Sài Gòn, có 2 nữ danh ca cùng sinh năm 1942, đạt đến đỉnh cao của danh vọng khi tuổi đời vẫn chưa tròn 20, đặc biệt là ít khi nào cùng xuất hiện chung trong một chương trình, đó là Bích Chiêu và Bạch Yến. Họ không hát chung với nhau không phải là kỵ nhau, mà bởi vì cát sê của cả 2 cùng quá cao nên các bầu sô không thể mời cùng lúc.

Điều đó khẳng định rằng Bạch Yến đã là một trong những danh ca chói sáng nhất của làng nhạc Sài Gòn từ hơn 60 năm trước. Tuy nhiên cuộc đời và sự nghiệp của cô không hề bằng phẳng, thuận lợi, mà đã phải trải qua rất nhiều thăng trầm.

Danh ca Bạch Yến tên thật là Quách Thị Bạch Yến, sinh ngày 9/6/1942 tại quê mẹ là Sóc Trăng, trong gia đình có 8 người con, 3 gái và 5 trai. Cha mẹ cô là những người Việt làm ăn ở Nam Vang, xứ Cao Miên. Vì muốn các con có quê quán ở Việt Nam, mẹ của cô về Sóc Trăng sinh con khoảng vài tháng thì sang lại Nam Vang. Từ lúc nhỏ, Bạch Yến đã yêu âm nhạc và thường hát theo những bài nhạc Việt phát trên đài phát thanh. Dù bị cha ngăn cấm, nhưng cô vẫn được đi hát từ sớm nhờ sự khuyến khích của mẹ.

Tại Nam Vang, cô bé 8 tuổi Bạch Yến đã lần đầu tiên được đứng hát trên sân khấu hát bài Bến Cũ [nhạc sĩ Anh Việt], trong chương trình văn nghệ ủng hộ miền Trung bị lũ lụt của hội đồng hương người Việt tại Cao Miên tổ chức.

Khi Bạch Yến được 9 tuổi, cả nhà cô chuyển về sống ở Cần Thơ. Tại đây cô được theo học tiểu học Trường La Providence, Cần Thơ, và gia nhập đoàn thánh ca nhà thờ.

Năm 1952, Bạch Yến theo gia đình lên sống ở Sài Gòn, sau đó cô đăng ký tham gia cuộc thi tuyển lựa ca sĩ [lúc đó gọi là “tuyển lựa tài tử”] do đài phát thanh Pháp Á kết hợp với Hội Khuyến nhạc Nam Việt cùng tổ chức, đêm chung kết diễn ra vào ngày 16/8/1953 tại rạp Norodom. Khi đó Bạch Yến mới 11 tuổi nên tham gia ở phần danh cho lứa tuổi Nhi Đồng và đạt giải nhất, đồng 16 điểm với 2 người khác là Thanh Nhạn và Kim Biên.

Bạch Yến năm 11 tuổi trên sân khấu rạp Norodom, đêm chung kết cuộc thi tuyển lựa ca sĩ năm 1953

Trong mẩu tin đăng trên báo Kịch Ảnh vào thời điểm đó có đoạn:

“… Trong 3 giải nhất Nhi Đồng, có lẽ em Bạch Yến hát trội hơn hai em Thanh Nhạn và Kim Biên, tuy rằng 3 em đồng điểm nhau.

Còn các bạn và em khác đều đã hát vững, giọng tốt, và cũng đã chật vật lắm trong cuộc tranh tài gay go qua các vòng loại, tứ và bán kết trong gần nửa năm, với trên 200 thí sinh.”

Nhờ được giải cao, Bạch Yến được đài Pháp Á nhận vào hát trong ban Nhi Đồng. Tuy nhiên chỉ được một thời gian ngắn thì người Pháp rời Việt Nam, đài Pháp Á giải thể.

Bạch Yến năm 11 tuổi, trên hình bìa tờ nhạc, ngay sau khi đạt giải nhất cuộc thi tuyển lựa ca sĩ

Sau đó Bạch Yến tìm đến với những đài phát thanh Quân Ðội và Sài Gòn để xin hát cho những chương trình dành cho thiếu nhi nhưng đều bị từ chối. Cũng trong thời gian này, cha mẹ của Bạch Yến chia tay nhau. Cha của cô là một thương gia thành đạt và giàu có, tuy nhiên ông là người gia trưởng, quyết định đưa cả gia đình sang định cư hẳn ở Cao Miên, còn mẹ của Bạch Yến vì không muốn con bị mất gốc nên đã chia tay chồng và ở lại một mình nuôi con. Vì tự ái, bà cũng cương quyết không nhận chu cấp, mấy mẹ con phải sống chật vật trong một căn nhà nhỏ trong hẻm sâu trên đường Cao Thắng.

Để giúp đỡ đần mẹ trong việc mưu sinh, Bạch Yến đi diễn moto bay trong đoàn của người cậu ruột, nhưng công việc đó rất vất vả và ngᴜy hιểm, cô đã nhiều lần bị thương nặng trong các lần biểu diễn. Khoảng 1 năm sau đó, Bạch Yến không thể hành nghề được nữa và quyết định đi hát trở lại, tuy nhiên vì còn quá nhỏ nên các vũ trường, phòng trà không thể thu nhận.

Bạch Yến phải trang điểm thật đậm nhìn giống như thiếu nữ đôi mươi để được nhận vào hát ở Trúc Lâm Trà Thất trên đường Phạm Ngũ Lão của 2 nhạc sĩ Mạnh Phát – Ngọc Bích. Lúc đó cô chỉ thuộc 3 bài hát duy nhất, 2 bài tiếng Pháp và 1 bài nhạc Việt là Bến Cũ. Trong thời gian đầu, đêm nào cô cũng chỉ hát đi hát lại 3 bài này. Sau đó cô học thêm nhiều bài tiếng Pháp và các bài nhạc Việt nổi tiếng thời ấy.

Thời gian đầu của sự nghiệp này, Bạch Yến hát hoàn toàn theo bản năng và không được bất kỳ ai hướng dẫn về nhạc. Với nhạc nước ngoài, cô nghe dĩa và bắt chước theo cho thật giống, tự phiên âm các lời hát, sau đó nhờ một giáo sư ngoại ngữ giảng giải về nội dung nhạc phẩm để dễ dàng diễn tả khi hát trên sân khấu.

Sau khi rời khỏi Trúc Lâm Trà Thất, Bạch Yến cộng tác với các vũ trường Mélodie, sau đó là Ðồng Khánh, Ðại Kim Ðô, đều ở Chợ Lớn với đa số khán giả là người Hoa. Cô cũng có thời gian hát ở phòng trà Hòa Bình và Kim Sơn ở gần chợ Bến Thành. Vũ trường Kim Sơn cũng là nơi đã đưa tên tuổi Bạch Yến vụt sáng thành ngôi sao ăn khách bậc nhất thời đó với ca khúc Đêm Đông của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương.


Click để nghe Bạch Yến hát Đêm Đông trước 1975

Trong một bài phỏng vấn, Bạch Yến tâm sự: “Ca khúc Đêm Đông đã làm thay đổi cuộc đời tôi, khi đưa tôi đến đỉnh vinh quang của sự nghiệp, nhưng cũng khiến tôi phải đi một quãng đường dài trong cuộc đời với những cô đơn lạnh giá. Giống như hình ảnh người kỹ nữ trong ca khúc”.

Năm 1957, tại vũ trường Kim Sơn, Bạch Yến được hát với ban nhạc nổi tiếng của một người Philippines tên là Ely Javier. Đây vốn là một khiêu vũ trường nên ca sĩ thường chọn hát những bài sôi động, hoặc các bài có giai điệu phù hợp để khách đến khiêu vũ. Tuy nhiên một hôm Bạch Yến chọn hát một bài thật buồn là Đêm Đông. Cô không hát giai điệu gốc của bài hát là tango mà nhờ Ely Javier đổi sang slow rock, một điệu nhạc vừa mới du nhập vào Việt Nam, vì cho rằng giai điệu tango không thích hợp với một bài có nội dung buồn da diết đến như vậy.

Bạch Yến kể lại rằng lúc đó dù còn rất nhỏ tuổi nhưng đã tự dàn cảnh và đạo diễn cho tiết mục bài hát Đêm Đông của mình. Sau khi kết thúc màn biểu diễn trước đó của ca sĩ khác với một ca khúc rất sôi động, thì bỗng nhiên âm thanh vũ trường rơi vào im lặng, đèn sân khấu lịm tắt. Trong khi quan khách chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra thì chợt nghe từ phía sân khấu, ở trong bóng tối, chậm chậm vang lên câu hát:

“Chiều chưa đi màn đêm rơi xuống
Đâu đấy buông lững lờ tiếng chuông
Đôi cánh chim bâng khuâng rã rời
Cùng mây xám về ngang lững trời”

Tất cả khán giả có mặt đều im phăng phắc để lắng nghe, thưởng thức từng câu, từng chữ trong một trạng thái rất lạ lẫm. Nói là lạ, bởi vì đó là vì họ đang ở trong chốn vũ trường lúc nào cũng ồn ào náo nhiệt, nhưng khoảnh khắc đó, tất cả đều lặng im. Là chốn vũ trường nhưng không một ai có ý định bước ra nhảy nhót như bình thường nữa. Hình ảnh người ca nữ lặng lẽ cô đơn trong đêm đông thanh vắng, qua nhịp chậm buồn của điệu slow rock đã gây ấn tượng mạnh đối với khán giả.

Khi giai điệu cuối cùng của bài hát chùng xuống cũng là lúc khán giả đồng loạt đứng lên vỗ tay tán thưởng.

Thời gian sau đó, Đêm Đông là ca khúc được yêu cầu nhiều nhất trong những đêm nhạc mà Bạch Yến góp mặt. Cô cho biết nhiều đêm cô hát đi hát lại bài Đêm Đông tới 4-5 lần vì được yêu cầu quá nhiều.

Bạch Yến năm 17 tuổi

Năm 1961, khi đang ở đỉnh cao của danh vọng, có trong tay tất cả những gì mà ca sĩ nào cũng phải mơ ước, Bạch Yến đột ngột sang Pháp học thêm về thanh nhạc và nghệ thuật biểu diễn. Giải thích về điều này, cô nói rằng mình cần phải đi học về nhạc một cách bài bản để nâng cấp cho sự nghiệp của mình, vì những cái cô đã đạt được có thể sẽ sớm tan biến như phù du, chỉ có kiến thức mới là thứ có thể trường tồn. Mặc dù đã là một ngôi sao hạng A ở Việt Nam, nhưng trước cô chỉ hát theo bản năng và năng khiếu có sẵn, nếu không đi học thêm thì sự nghiệp sẽ không phát triển thêm được nữa.

Năm 1962 tại Pháp, khi đang học thì Bạch Yến được hãng dĩa danh tiếng của nước Pháp là Polydor mời thu âm một số dĩa nhạc, đi trình diễn vòng quanh nước Pháp và một số nước Âu Châu khác như Ðức, Áo, Bỉ, Hà Lan…


Click để nghe dĩa nhựa đầu tiên mà hãng Polydor thực hiện cho Bạch Yến năm 1962

Ngoài ra cô còn được mời hát cho một nhà hàng của một ông chủ người Việt ở trên đường rue de l’Echelle – Paris. Nhà hàng này mang tên La Table Du Mandarin, tuy nhỏ và chỉ chứa tối đa được khoảng 60-70 chỗ ngồi, nhưng rất sang trọng, là nơi lui tới của những vị khách lịch lãm.


Click để xem MV Bạch Yến hát tại Pháp năm 1963

Cũng trong thời gian này, kéo dài đến tận 10 năm sau đó, nhạc sĩ Lam Phương đã sáng tác nhiều ca khúc nói lên mối tình đơn phương của ông dành cho Bạch Yến đang ở phương xa, như là Tình Bơ Vơ, Chờ Người, Tiễn Người Đi… Đó là một mối tình vô vọng xuất phát từ một phía, hoặc cũng có thể tình cảm đó chỉ là chất xúc tác, là nguồn cảm hứng để nhạc sĩ viết nhạc, chứ không phải là mối tình sâu sắc như trong lời ca của các bài hát này thể hiện.

Sau 2 năm vừa học vừa hoạt động âm nhạc tại Âu Châu, Bạch Yến vẫn chỉ là một “ca sĩ triển vọng”, rất khó để có thể đạt được đỉnh cao như ở trong nước, vì vậy cô quyết định trở về Sài Gòn năm 1963 và ký hợp đồng biểu diễn với phòng trà Tự Do.

Bạch Yến năm 1964

Tuy nhiên chỉ 1 năm sau đó, Bạch Yến lại đột ngột sang Mỹ khi được mời tham dự show nổi tiếng nhất của nước Mỹ là Ed Sullivan Show. Ban đầu chỉ dự tính sang Mỹ 2 tuần cho Ed Sullivan Show, nhưng rồi sau đó được nhiều nơi khác mời đi lưu diễn ở khắp nước Mỹ, nên Bạch Yến ở lại đây đến tận 12 năm trước khi lấy chồng ở tuổi 36 và sang Pháp định cư năm 1978.

Bìa dĩa nhựa Polydor thực hiện cho Bạch Yến tại Pháp năm 1963

Có thể nói Bạch Yến chính là ca sĩ người Việt đầu tiên đã đi lưu diễn vòng quanh nước Mỹ, được tham gia những show truyền hình của Mỹ thu hút hàng chục triệu người theo dõi, có cơ hội trình diễn trên cùng một chương trình với những tên tuổi nổi tiếng Hoa Kỳ như Bob Hope, Bing Crosby, Pat Boone, Frankie Avalon, Jimmy Durante, Joey Bishop, Mike Douglas, Liberace…

Cũng trong thời gian này, Bạch Yến đã học thêm tiếng Tây Ban Nha để hát nhạc Latin khi đi lưu diễn ở Trung Mỹ và Nam Mỹ. Lúc đó Bạch Yến là ca sĩ hiếm hoi hát được 5 thứ tiếng khác nhau là Anh, Pháp, Ý, Latin và tiếng Việt.

Giới thiệu show nhạc Bạch Yến tại Mỹ thập niên 1960

Là một nữ ca sĩ xinh đẹp, nổi tiếng, từng có không ít người giàu có thành đạt theo đuổi, nhưng Bạch Yến đã từ chối tất cả, và đồng ý kết hôn với một người chỉ sau 24 giờ gặp mặt.

Năm 1978, cô sang Pháp nghỉ hè và tình cờ gặp lại một người bạn cũ, đó chính là nhạc sĩ Trần Quang Hải [trưởng nam của giáo sư Trần Văn Khê]. Lúc này Trần Quang Hải đã chia tay vợ đầu và nuôi một người con gái 5 tuổi. Gặp lại nhau sau 17 năm, họ hẹn nhau đi ăn tối như hai người bạn, và sự kiện đó đã kết thành một mối lương duyên thật đẹp. Chính tại bữa ăn tối, Bạch Yến bất ngờ nhận được lời cầu hôn kỳ lạ, khi người đàn ông ngồi đối diện cầm lấy bàn tay cô và nói: “Bàn tay Bạch Yến đẹp quá, nếu được cho tôi xin rước về”.

Tưởng ông nói đùa, Bạch Yến cũng gật đầu, không ngờ sau đó vị nhạc sĩ này làm thật, phát thiệp mời cho bạn bè.

Ngay sau đó, một đám cưới diễn ra giản dị nhưng ấm áp được tổ chức. Quyết định kết hôn chỉ sau 24 giờ gặp lại, vậy mà danh ca Bạch Yến và nhạc sĩ Trần Quang Hải đã sánh bước bên nhau suốt hơn 40 năm qua.

Suốt trong hơn 10 năm kể từ năm 1965 đến 1978, Bạch Yến chủ yếu hát nhạc ngoại ở khắp nước Mỹ và Âu Châu, nhưng sau khi lấy chồng, cô chuyển sang hát nhạc dân tộc cổ truyền như là một hình thức “về nguồn” mà từ lâu cô đã mong muốn làm được. Cùng với chồng là một giáo sư chuyên nghiên cứu về âm nhạc cổ truyền, Bạch Yến đã đi khắp nơi trên thế giới để hát lên làn điệu của dân tộc, phục vụ cho khán giả ngoại quốc ở khắp nơi, như là một cách truyền bá tinh hoa của dân tộc đến năm châu.

Đông Kha [nhacxua.vn] biên soạn

Video liên quan

Chủ Đề