Cảng hàng không vũ trụ Nga tại Việt Nam

Trạm vũ trụ quốc tế ISS. [Ảnh: AFP/TTXVN]

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, trang tin của kênh phát thanh Franceinfo mới đây cho biết để đáp trả các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu [EU], cuối tuần trước Cơ quan Vũ trụ liên bang Nga [Roscosmos] đã ra thông báo dừng các vụ phóng tên lửa Soyuz từ sân bay vũ trụ Kourou ở Guiana, một tỉnh hải ngoại thuộc Pháp.

Quyết định này đã gây hậu quả trực tiếp đến nhiều dự án không gian vũ trụ của châu Âu.

Hậu quả đầu tiên là kế hoạch phóng 2 vệ tinh Galileo, được coi là GPS của châu Âu, dự kiến diễn ra vào ngày 6/4 tới chắc chắn sẽ bị hoãn lại do được phóng bằng tên lửa Soyuz của Nga.

Roscosmos đã đình chỉ hợp tác với các đối tác châu Âu và rút toàn bộ nhân sự khỏi Guiana. Theo nguồn tin từ phía Pháp, nếu không còn các nhân sự chuyên môn của Nga, không một tên lửa Soyuz nào có thể cất cánh từ Guiana.

[Tập đoàn vũ trụ Roscosmos của Nga bác tin bị tin tặc tấn công]

Kể từ năm 2011, Nga đã giúp đối tác Pháp phóng nhiều vệ tinh vào không gian. Xung đột tại Ukraine và các biện pháp trừng phạt mới của phương Tây là một tin xấu cho Arianespace, bởi trước đó công ty này đã lên kế hoạch phóng tổng cộng 3 tên lửa Soyuz từ Kourou trong năm nay.

Đây chính là chủ đề quan trọng được nêu trong cuộc họp về khủng hoảng của Cơ quan Vũ trụ châu Âu vào cuối tháng Hai vừa qua.

Tiếp theo là dự án sinh học vũ trụ Exomars. Theo kế hoạch, một robot tự hành của châu Âu có tên là Rosalind Franklin sẽ được phóng lên từ sân bay Baikonur ở Kazakhstan vào tháng 10 tới, bằng tên lửa Proton của Nga.

Robot này sẽ được thả lên sao Hỏa và sử dụng modul hạ cánh cũng là của Nga. Dự kiến robot Rosalind Franklin phải được vận chuyển đến Nga vào mùa Xuân này trên một chiếc máy bay vận tải chuyên dụng đặc biệt của Nga.

Xung đột Nga-Ukraine chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến toàn bộ dự án rất được châu Âu mong chờ này.

Ngoài ra, Nga đang đóng vai trò là trung tâm của dự án Trạm Vũ trụ quốc tế [ISS] nhờ nắm giữ các modul cần thiết cho việc duy trì hoạt động bình thường của trạm vũ trụ, thực hiện vận chuyển hàng hóa và tham gia các thay đổi của phi hành đoàn.

Nga cũng chịu trách nhiệm duy trì trạm quốc tế trên quỹ đạo. Hằng năm, Nga đều thực hiện các điều chỉnh độ cao bằng động cơ của các tàu tự động Tiến bộ. Nếu không có những thao tác này, ISS có thể tan rã trong không gian hoặc rơi trở lại Trái Đất thành từng mảnh.

Tuy nhiên, theo nhận định của Tổng biên tập tạp chí Aerospatium [Pháp], Stefan Barensky, dù xung đột tác động mạnh đến lĩnh vực không gian vũ trụ, song Nga sẽ không thể rút khỏi ISS ngay lập tức bởi có sự phụ thuộc lớn giữa các phần của Nga và phần của Mỹ-Nhật Bản-châu Âu trong trạm vũ trụ. Các bộ phận đều có sự gắn kết chặt chẽ và không thể hoạt động tách rời.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp vũ trụ Nga cũng cần có nguồn thu ngoại tệ từ những dự án hợp tác này./.

Nguyễn Tuyên [TTXVN/Vietnam+]

NGA CHỌN VIỆT NAM LÀ NƠI ĐỂ XÂY DỰNG CẢNG VŨ TRỤ ĐẦU TIÊN TẠI ĐÔNG NAM Á

Các giảng viên đại học ở thành phố Saint-Petersburg của Nga đã đưa ra những tính toán thích hợp. Theo đó, họ đã chọn Việt Nam là nơi khả thi nhất để xây dựng cảng vũ trụ.

Một nhóm các nhà khoa học Nga, bao gồm những tên tuổi nổi tiếng như M. Grigoriev, M. Okhochinsky, S. Chirikov và A. Khramov, đã đưa ra lập luận về lợi ích của việc xây dựng sân bay vũ trụ quốc tế ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhằm thúc đẩy sự phát triển sáng tạo vượt bậc trong lĩnh vực không gian của Nga và các đối tác.

Trong đó, Việt Nam được tất cả công nhận là địa điểm chính và khả thi nhất để xây dựng công trình này.

Dự kiến, cảng vũ trụ sẽ cho phép các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, một trong những người bạn tốt nhất và ổn định nhất của Nga trong nhiều thập kỷ qua, đi đầu về tốc độ phát triển của thế giới, đồng thời mang lại thu nhập đáng kể.
Tại sao chọn Việt Nam?

Việt Nam hoàn toàn không còn là một nước nằm ngoài cuộc trong lĩnh vực thám hiểm vũ trụ.

Bởi trên thực tế, công dân Việt Nam là phi công vũ trụ Phạm Tuân đã từng tham gia chương trình Intercosmos của Liên Xô.

Sau khi hoàn thành khóa đào tạo thích hợp, năm 1980 ông đã thực hiện chuyến bay vào vũ trụ trên tàu Soyuz-37 và trở về Trái đất trên tàu Soyuz-36, cũng như làm việc trên trạm quỹ đạo Salyut-6.

Với thành tích này, ông đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô và Anh hùng Lao động Việt Nam.

Nói cách khác, Việt Nam không phải là đối tượng lựa chọn ngẫu nhiên để xây dựng sân bay vũ trụ trên lãnh thổ của mình. Các tác giả dự án của Nga đã tính toán cẩn thận thậm chí cả từng chi tiết như địa điểm phóng mà theo họ, mũi Cà Mau rất có khả năng trở thành địa điểm này.

Có cần cảng vũ trụ riêng cho khu vực Đông Nam Á không?

Chẳng hạn, chính phủ Trung Quốc đã trả lời là có, là cần thiết và đây sẽ là một cảng vũ trụ của Trung Quốc; và người Trung Quốc đã xây dựng cảng vũ trụ trên đảo Hải Nam. Tổng thống Indonesia cũng từng nói: “Vâng, tôi cần một cảng vũ trụ”.


Tại sao công trình này lại được các nhà khoa học Nga thực hiện?

Vì Nga là một trong 3 cường quốc vũ trụ, nhưng tất cả các cảng vũ trụ của nước này đều nằm ở phía Bắc, nơi cách quá xa đường xích đạo.

Nga cần một cảng vũ trụ lớn nằm gần đường xích đạo. Và lẽ dĩ nhiên, Việt Nam cần kinh nghiệm và khả năng trong lĩnh vực không gian vũ trụ của Nga.

Bởi ở đây có lợi ích chung, là cơ sở cho sự hợp tác hiệu quả. Trong tất cả các nước Đông Dương, thì Việt Nam là nước gần gũi và hiểu Nga nhất, thuận lợi nhất cho hợp tác giữa hai bên.

Nguồn: QĐND

Ngày 29.12, HĐQT Công ty CP Thaiholdings thông qua việc góp vốn thành lập Công ty CP Thaispace. Theo đó, Thaispace được thành lập với mục tiêu thực hiện chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ tại Phú Quốc, nếu được các cơ quan quản lý cấp phép. Thaiholdings cũng giao cho Ban tổng giám đốc Công ty hỗ trợ Thaispace xin cơ chế đặc thù trình Thủ tướng Chính phủ để đẩy nhanh tiến độ đảm bảo mục tiêu sẽ có chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ ngay trong giai đoạn 2026 - 2030. Doanh nghiệp này cho biết, chiến lược đầu tư này cũng phù hợp với Quyết định 169 ngày 4.2.2021 về phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ vũ trụ đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ.

Phú Quốc được chọn để nghiên cứu làm cảng vũ trụ

Dự kiến, tổng vốn điều lệ của Thaispace là 26.688 tỉ đồng, giá trị góp vốn dự kiến của Thaiholdings là 1.334,4 tỉ đồng, tương ứng với 5% tổng mức vốn điều lệ. Công ty này cũng dự kiến huy động vốn từ thị trường chứng khoán Mỹ với kế hoạch IPO trong năm 2022 nếu đủ điều kiện. Trước đó, ngày 28.12, Thaiholdings đã thông qua nghị quyết của HĐQT về việc đồng ý đề xuất dự án cảng vũ trụ du lịch tại TP.Phú Quốc [tỉnh Kiên Giang] với tổng mức đầu tư dự kiến 30.000 tỉ đồng [khoảng 1,3 tỉ USD].

Thời gian thực hiện dự kiến trong giai đoạn 2022 - 2026. “Mục tiêu của dự án này là xây dựng phát triển Phú Quốc trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch mang tầm quốc tế và đưa VN sánh ngang các cường quốc vũ trụ trên thế giới. Đồng thời, dự án sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh và tận dụng thế mạnh du lịch của Phú Quốc”, Công ty CP Thaiholdings thông tin.

Thaigroup [tiền thân là Tập đoàn Xuân Thành] là một tập đoàn kinh tế đa ngành nghề, có địa bàn hoạt động rộng và đầu tư mạnh trong lĩnh vực thi công xây dựng. Trong năm 2021, doanh thu ước tính của Thaiholdings đạt gần 9.000 tỉ đồng, lợi nhuận đạt gần 1.500 tỉ đồng. Riêng mảng du lịch, doanh nghiệp này đầu tư dự án khu phức hợp khách sạn Kim Liên - Shilla [Tập đoàn Samsung] tại Q.Đống Đa, Hà Nội với tổng mức đầu tư hơn 10.000 tỉ đồng. Tại Phú Quốc, nơi doanh nghiệp có đề xuất làm cảng vũ trụ, tập đoàn đang triển khai dự án Khu nghỉ dưỡng phức hợp Enclave Phú Quốc [giai đoạn 1] với tổng mức đầu tư 9.810 tỉ đồng.

Còn nhiều băn khoăn...

Chuyên gia năng lượng Trần Văn Bình - Việt kiều Đức, thành viên Hội đồng năng lượng tái tạo thế giới - cho rằng đề xuất làm cảng vũ trụ để đưa ngành du lịch nước nhà, đặc biệt là du lịch Phú Quốc lên tầng cao mới được nhà đầu tư nhấn mạnh thì đã rõ. Nguyên tắc làm cảng vũ trụ là cần vị trí nằm gần đường xích đạo, có thể với vị trí địa lý của VN là lợi thế để lập cảng.

“Cách đây gần một tháng, tôi có đọc bài báo của một chuyên gia vũ trụ Nga nói về tiềm năng xây dựng cảng vũ trụ tại khu vực Đông Nam Á, trong đó cái tên VN được nhắc đến như vị trí lý tưởng để đặt cảng này. Tuy nhiên, các dự án cảng vũ trụ trên thế giới rất hiếm, đếm trên đầu ngón tay như Nga, Mỹ, Trung Quốc. Nó không đơn thuần như chuyện xây bến xe của một nhà đầu tư tư nhân. Tôi chưa rõ dự án cảng vũ trụ của nhà đầu tư VN đề cập đến có liên quan chuyên môn của nhà khoa học Nga không, bởi thực tế, VN chỉ mới hợp tác với chuyên gia Nga để nghiên cứu vấn đề liên quan bay vào vũ trụ…”, ông Bình nói và băn khoăn, nếu chỉ để phát triển du lịch, bỏ tiền ra làm cảng vũ trụ thì chắc có nhiều nhà đầu tư xếp hàng để được triển khai. Nhưng từ ý tưởng đến thực tế là khoảng cách vời vợi.

Là người đã gắn bó và triển khai nhiều sản phẩm du lịch nổi bật tại Phú Quốc, ông Huỳnh Văn Sơn - Giám đốc Công ty CP Ngôi sao biển Sài Gòn, chia sẻ: Mọi thông tin liên quan đến việc phát triển của đảo ngọc, đặc biệt trong giai đoạn hậu Covid-19 đều là niềm vui đối với các doanh nghiệp. Hiện nay trên thế giới, rất hiếm quốc gia có đủ điều kiện về khoa học, kỹ thuật để phát triển hàng không vũ trụ.

Đến nay, chỉ có 3 quốc gia là Mỹ, Nga, Trung Quốc và Liên minh Châu Âu khai thác và sở hữu được loại công nghệ này. Gần đây, vài tỉ phú thế giới như Elon Musk hay Jeff Bezos cũng đã chuyển hướng muốn đi sâu vào lĩnh vực vũ trụ không gian. “Giả như ý tưởng này có thể hiện thực hóa, VN thật sự xây dựng được cảng hàng không vũ trụ thì thật sự quá tuyệt vời và đáng tự hào. Hình ảnh của VN sẽ sánh ngang với các cường quốc trên thế giới, chúng ta sẽ có mặt trong danh sách những quốc gia hiếm có phát triển được ngành khoa học này”, ông Sơn đánh giá.

Thế nhưng, cũng như TS Trần Văn Bình, đề xuất của Tập đoàn Thaigroup lại khiến ông chủ Ngôi sao biển Sài Gòn băn khoăn vì rất ít quốc gia có thể sở hữu và phát triển công nghệ không gian, vũ trụ. Đây là ngành khoa học đặc thù, đòi hỏi những điều kiện về nhân lực, vật lực rất lớn. Tầm vóc, quy mô của dự án xây dựng cảng hàng không vũ trụ tại Phú Quốc mang tính chiến lược đối với sự phát triển không chỉ của Phú Quốc mà của cả quốc gia, thậm chí mang tầm thế giới.

Nếu thực hiện, chắc chắn VN sẽ phải kết nối, hợp tác với các quốc gia đang sở hữu công nghệ này. Bên cạnh đó, việc xây loại hình sân bay này đòi hỏi nhiều yêu cầu rất khắt khe. Mặt khác, Phú Quốc được quy hoạch là khu du lịch sinh thái chất lượng cao. Tất cả những yếu tố về môi trường, phát triển bền vững của đảo ngọc cần được cân nhắc và xem xét cẩn trọng trước khi bàn tới những dự án ảnh hưởng lớn như vậy.

Cảng vũ trụ có thể hiểu nôm na là nơi để phóng tàu vũ trụ vào quỹ đạo quanh trái đất hoặc trên quỹ đạo liên hành tinh, tương tự cảng biển cho tàu biển hoặc sân bay cho máy bay. Trên thế giới, 3 quốc gia lớn là Mỹ, Nga và Trung Quốc đã đầu tư. Trong đó, cảng Spaceport America được đánh giá là một trong những cảng vũ trụ hoạt động hiệu quả nhất của Mỹ với tổng chi phí xây dựng hơn 200 triệu USD. Tại Trung Quốc, cảng vũ trụ Văn Xương đặt ở đảo Hải Nam với chi phí đầu tư ước 700 triệu USD. Như vậy, riêng về vốn đầu tư, cảng vũ trụ theo đề xuất của Tập đoàn Thaigroup có quy mô đầu tư cao gấp 6 lần cảng vũ trụ ở Mỹ và gần gấp 2 lần cảng ở Trung Quốc.

Tin liên quan

Video liên quan

Chủ Đề