Chính sách của Việt Nam đối với các tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Cuộc chiến tranh thương mại này là không thể tránh khỏi và có nhiều khả năng kéo dài, cho dù gần đây có vẻ như các bên đang đạt được một số tiến bộ trong đàm phán. Bởi một số lý do sau:

– Về phía Mỹ, mặc dù cách tiếp cận giữa các đời tổng thống Mỹ có khác nhau nhưng về cơ bản Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ địa-chính trị, đe dọa vị trí cường quốc số 01 của Mỹ.

[Tổng thống Barack Obama sử dụng TPP là công cụ để tạo ra liên minh bao vây Trung Quốc. Tổng thống Donal Trump thì sử dụng các biện pháp đánh trực diện vào hàng hóa để buộc Trung Quốc phải đàm phán, thay đổi chính sách]

– Về phía Trung Quốc, việc thực hiện các yêu cầu của Mỹ về quyền sở hữu trí tuệ, về bình đẳng giữa doanh nghiệp FDI và trong nước là rất khó. Khác với Việt Nam, các doanh nghiệp Trung Quốc [cả doanh nghiệp tư nhân và nhà nước] là rất lớn mạnh, có quyền lực lớn [lobby chính sách] và tồn tại trong các ngành mà Mỹ có thế mạnh [công nghệ thông tin, ô tô, ngân hàng…]. Việc Trung Quốc thực sự đối xử bình đẳng với các doanh nghiệp của Mỹ là khó xảy ra.

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung là cơ hội để Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, cải thiện chất lượng của dòng vốn FDI.

* Thách thức:

– Cuộc chiến tranh thương mại làm giảm tốc độc tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đặc biệt là của hai quốc gia chính là Mỹ và Trung Quốc [hai bạn hàng lớn của Việt Nam], qua đó làm giảm nhu cầu cho hàng xuất khẩu của Việt Nam và tác động tiêu cực lên dòng vốn FDI.

– Một số mặt hàng của Trung Quốc chịu ảnh hưởng của thuế suất, đặc biệt là các mặt hàng được sản xuất ra bởi các công ty trong nước, có thể bán phá giá sang thị trường Việt Nam [gây khó khăn cho sản xuất trong nước], hoặc đội lốt hàng hóa Việt Nam để xuất sang Mỹ [làm tăng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ dẫn đến việc gia tăng nguy cơ Việt Nam bị Mỹ trừng phạt].

– Chiến tranh thương mại có thể dẫn đến chiến tranh tiền tệ. Việc nhân dân tệ và một loạt các đồng tiền Châu Á khác mất giá mạnh gây khó cho Việt Nam trong việc vừa duy trì lợi thế cạnh tranh [về chi phí sản xuất và giá cả hàng hóa xuất khẩu] trong thu hút FDI, vừa giữ vững ổn định tỷ giá và kinh tế vĩ mô.

* Cơ hội:

– Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc sẽ có cơ hội xuất khẩu vào Mỹ nhiều hơn khi cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ khá giống so với hàng Trung Quốc. Ngoài ra, vị trí sản xuất của Việt Nam trong chuỗi giá trị của các ngành này cũng giống với Trung Quốc [gia công lắp ráp].

– Nhập khẩu hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc nhất là một số mặt hàng trung gian, máy móc, tư liệu sản xuất của Trung Quốc chịu ảnh hưởng nặng nề của thuế suất của Mỹ mà Việt Nam đang cần và chưa sản xuất được. Điển hình cho nhóm hàng hóa này là các hàng hóa phục vụ cho năng lượng xanh và sạch [như pin năng lượng mặt trời]. Nhu cầu cho nhóm hàng hóa này vừa chịu tác động tiêu cực từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, vừa chịu tác động tiêu cực từ việc Trung Quốc cắt giảm trợ cấp cho năng lượng xanh.

– Đón làn sóng vốn FDI dịch chuyển khỏi Trung Quốc xảy ra trong bối cảnh nền tảng kinh tế vĩ mô và các yếu tố địa chính trị khác của Việt Nam đang rất thuận lợi [tăng trưởng tốt, tỷ giá ổn định, lạm phát thấp, dự trữ ngoại hối cao…]. Ngoài ra, Việt Nam còn có vị trí địa lý thuận lợi [gần Trung Quốc] và việc dịch chuyển sang Việt Nam sẽ không làm gián đoạn chuỗi sản suất của các tập đoàn [so với việc dịch chuyển sang Ấn Độ và một số nước xa hơn].

Về cơ bản, các doanh nghiệp không thể bỏ thị trường Trung Quốc [do dung lượng thị trường quá lớn], trừ khi phía Trung Quốc có những chính sách gây bất lợi nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, các doanh nghiệp sẽ chỉ đa dạng hóa địa điểm đầu tư để tránh những rủi ro tại thị trường Trung Quốc. Những nước láng giềng gần Trung Quốc, có môi trường đầu tư hấp dẫn, nguồn nhân lực chất lượng cao với chi phí hợp lý sẽ có nhiều lợi thế trong việc đón làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc

Qua tìm hiểu, thời gian gần đây, phía Trung Quốc đã có những động thái hỗ trợ, vỗ về các doanh nghiệp đặc biệt là các Tập đoàn lớn [về công nghệ cao, công nghệ nguồn]. Ví dụ như, Thủ tướng Quốc Vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường đã trực tiếp gặp gỡ lãnh đạo Tập đoàn Hồng Hải [Foxccon] của Đài Loan cam kết hỗ trợ để Tập đoàn yên tâm làm ăn tại Trung Quốc [Foxccon ban đầu có ý định dịch chuyển nhà máy lắp ráp Iphone ra khỏi Trung Quốc]. Lãnh đạo các địa phương của Trung Quốc cũng thường xuyên tiếp xúc với các doanh nghiệp, cam kết hỗ trợ những thiệt hại do cuộc chiến tranh thương mại gây ra cho các doanh nghiệp, nhằm động viên giữ các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư làm ăn tại Trung Quốc.

* GIẢI PHÁP

1. Các giải pháp vĩ mô:

– Tiếp tục giữ vững mục tiêu ổn định vĩ mô trong 2019, không hi sinh ổn định để đổi lấy tăng trưởng kinh tế: Trong bối cảnh bất ổn toàn cầu, ổn định chính trị và kinh tế vĩ mô nên tiếp tục là mục tiêu ưu tiên của Việt Nam để đảm bảo môi trường đầu tư thuận lợi và hấp dẫn.

– Linh hoạt trong điều hành tỷ giá: có thể xem xét nới lỏng biên độ tỷ giá hợp lý cho năm 2019 nhất là trong bối cảnh đồng tiền các quốc gia khác đang giảm mạnh trong 2018 – 2019 [Indonesia, Ấn Độ…] làm giảm tính cạnh tranh của Việt Nam trong xuất khẩu và thu hút FDI.

– Có các chính sách đẩy mạnh đầu tư của các thành phần kinh tế trong 2019-2020: Đây là giai đoạn nền kinh tế toàn cầu đang đi xuống và tăng trưởng chậm lại. Vì thế, để duy trì đà tăng trưởng 7%/năm, các giải pháp khơi thông nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế tư nhân, FDI cần được thực hiện nhanh chóng [như sớm thông qua Luật PPP].

– Chủ động chuẩn bị các điều kiện và tận dụng cơ hội trong hội nhập với các nền kinh tế trong CPTPP, EVFTA,… trong thời gian tới: tăng cường các đoàn xúc tiến đầu tư – thương mại với các quốc gia trên.

– Đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước nhằm tạo tính linh hoạt, năng động trong việc cải tiến, tiếp cận công nghệ mới từ các doanh nghiệp FDI: I.

2. Về các giải pháp thu hút FDI:

– Thành lập tổ công tác liên ngành cho hoạt động thương mại – đầu tư quốc tế theo mô hình tổ điều hành kinh tế vĩ mô 1317: Tổ công tác do 01 phó Thủ tướng đứng đầu và cơ quan đầu mối thường trực là Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Các thành viên là lãnh đạo các Bộ, Vụ, Cục liên quan từ các Bộ ngành khác. Tổ công tác này có nhiệm vụ tham mưu cho Thủ tướng về: [i] Các cơ chế ưu đãi đầu tư linh hoạt để thu hút FDI có tính lan tỏa cao, [ii] Theo dõi các yếu tố ảnh hưởng đến sức lan tỏa của FDI [như chuyển giao công nghệ, kết nối với các doanh nghiệp trong nước] và đề xuất các chính sách để tăng cường tính lan tỏa, [iii] Theo dõi các diễn biến tình hình căng thẳng chính trị giữa các quốc gia, chiến tranh thương mại và xu hướng bảo hội mậu dịch và đề xuất các giải pháp phù hợp.

– Tăng tính chủ động trong công tác xúc tiến đầu tư: Lãnh đạo các Bộ ngành chủ động ra nước ngoài tiếp cận các tập đoàn lớn. Chủ động đề xuất các ưu đãi linh hoạt cho các tập đoàn này nhằm thu hút các doanh nghiệp lớn có sức lan tỏa, nắm giữ công nghệ cao, công nghệ nguồn đầu tư vào Việt Nam.

– Bổ sung kinh phí cho hoạt động xúc tiến đầu tư phù hợp với quy mô, số lượng các nhà đầu tư và thị trường đầu tư cần xúc tiến.

– Xây dựng các hàng rào kỹ thuật hướng đến mục tiêu cải thiện chất lượng của FDI [trong chuyển giao công nghệ, trong liên kết với nền kinh tế địa phương] đồng thời ngăn chặn các dự án FDI có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, dự án FDI vào các địa bàn nhạy cảm về an ninh quốc phòng [bằng hàng rào quy hoạch, công nghệ…] hoặc dự án FDI có quy mô quá nhỏ [bằng hàng rào visa xuất nhập cảnh. Ví dụ: đối với các doanh nghiệp FDI tạo ra từ 100 việc làm trở lên cho người Việt Nam thì có chính sách cấp visa thông thoáng; ngược lại, đối với các doanh nghiệp FDI siêu nhỏ, tạo ra dưới 10 việc làm thì chỉ cấp visa ngắn hạn, visa du lịch cho nhà đầu tư…].

– Xây dựng các cơ chế đặc thù tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhằm thu hút các dự án FDI công nghệ cao trong bối cảnh CMCN 4.0 thông qua các giải pháp cụ thể sau:

          + Chính phủ xây dựng hoặc có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp/tổ chức xây dựng kho dữ liệu lớn.

          + Đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin [5G], giao thông kết nối đi – đến các khu công nghệ cao.

          + Thu hút đầu tư vào hạ tầng, dịch vụ để các khu – thành phố công nghệ cao trở thành các khu vực có chất lượng cuộc sống cao, đáp ứng yêu cầu của nguồn nhân lực quốc tế trong lĩnh vực công nghệ cao.

          + Có cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực CMCN 4.0 [như cấp phép visa lao động thông thoáng], chủ động tiếp cận đội ngũ lao động chất xám là người Việt Nam ở nước ngoài.

          + Thu hút và có chính sách hỗ trợ các trường Đại học đào tạo các ngành công nghệ cao, phát triển các chương trình đào tạo liên ngành [như công nghệ thông tin và tài chính, công nghệ thông tin và nông nghiệp…].

          + Đẩy nhanh tiến độ xây dựng để Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia sớm đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả của nó.

Video liên quan

Chủ Đề