Di sản tư liệu là gì

Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, thuật ngữ “di sản tư liệu” mới được nhắc đến nhiều và dần trở nên quen thuộc với công chúng, dù di sản đã được hình thành cùng dòng chảy hàng nghìn năm lịch sử.

Để di sản “kể chuyện”

Mốc thời gian để giá trị di sản tư liệu vượt ra khỏi phạm vi hẹp của giới học thuật, nghiên cứu, để bắt đầu đến gần hơn với công chúng là năm 2009, khi một loạt di sản tư liệu của chúng ta được Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO vinh danh. Ðó là ba di sản tư liệu thế giới gồm: Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, 82 bia Tiến sĩ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám; và bốn di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương gồm: Mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, Mộc bản trường Phúc Giang và Hoàng Hoa sứ trình đồ [Hành trình đi sứ Trung Hoa]. Trải qua bao thăng trầm thời gian cùng binh biến lịch sử, nhiều khối di sản tư liệu đã không còn nguyên vẹn mà bị hư hại, mất mát. Song những gì tồn tại đến hôm nay chính là nguồn tài sản vô giá phản ánh thành tựu sáng tạo của đất nước, dân tộc qua các thời kỳ khác nhau, cũng là những cứ liệu quan trọng khẳng định chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Những giá trị của di sản tư liệu phải được gìn giữ, phát huy để giáo dục truyền thống lịch sử, bồi đắp niềm tự hào, tinh thần dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau. Do đó, bên cạnh những biện pháp kỹ thuật như phục chế, bảo quản, số hóa dữ liệu nhằm kéo dài tuổi thọ cho tài liệu, vấn đề quan trọng là cần thổi hồn cho di sản, để di sản tư liệu có thể kể những câu chuyện của chính mình một cách sinh động, gần gũi, chinh phục được nhiều đối tượng công chúng. Và đây là hành trình không hề đơn giản.

Thạc sĩ Nguyễn Thu Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I - nơi đang bảo quản di sản tư liệu Châu bản triều Nguyễn cho hay: Ðể tiếp cận những loại hình di sản văn hóa thiên nhiên hay di sản văn hóa phi vật thể như ca trù, hát xoan, đờn ca tài tử Nam Bộ, nhã nhạc cung đình Huế… công chúng có thể trực tiếp đến tham quan, thưởng thức. Nhưng muốn tiếp cận bản gốc những di sản tư liệu thì không dễ dàng như vậy, bởi đây chủ yếu là những tài liệu mang tính thông tin, được ghi chép lại trên những phương tiện truyền tin như giấy, gỗ, băng ghi âm, ghi hình, hình ảnh… được bảo quản nghiêm cẩn ở các cơ quan lưu trữ. Các thông tin vốn dĩ khô khan, hình thành từ lịch sử đã xa, lại phần lớn viết bằng chữ Hán-Nôm nên không nhiều đối tượng công chúng có thể hiểu. Vì thế, để người dân được thụ hưởng những giá trị của di sản tư liệu, đòi hỏi phải có nhiều biện pháp tác động.

Nhưng nếu chỉ dừng lại ở biên dịch, tổ chức sắp xếp nội dung thì cơ sở dữ liệu tốt đến mấy cũng sẽ chỉ có những nhà nghiên cứu tìm đến. Muốn thu hút đông đảo công chúng, còn cần đa dạng hóa cách thức tiếp cận thông qua thực hiện những bài viết tuyên truyền, những ấn bản phẩm, đặc biệt là những cuộc trưng bày, triển lãm di sản tư liệu. Quá trình này cần đến sự bắt tay thật chặt giữa những người làm lưu trữ với các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa và chuyên gia công nghệ.

Theo dõi các triển lãm về di sản tư liệu được thực hiện những năm gần đây như: “Khoa cử Việt Nam xưa trong di sản tư liệu thế giới”, “Quốc hiệu và Kinh đô nước Việt trong Mộc bản Triều Nguyễn-Di sản tư liệu thế giới”, “Làng nghề, phố nghề Thăng Long-Hà Nội”, “Cung đình đón Tết”, “Tết xưa”, “Thuật trị quốc của Hoàng đế Minh Mạng qua di sản tư liệu thế giới Châu bản triều Nguyễn”…, đặc biệt là một số triển lãm trực tuyến được các cơ quan lưu trữ thực hiện gần đây như: Triển lãm 3D “Giáo dục triều Nguyễn-Vang vọng còn lại”, triển lãm 3D “Ký ức chợ xưa”, có thể thấy những thông tin lưu trữ khô khan đã bước ra khỏi khái niệm tư liệu để hiện lên gần gũi, chân thực, sống động.

Những triển lãm tái hiện không gian phố nghề xưa, làm sống lại ký ức của những phiên chợ truyền thống, hay nhắc nhớ về những phong tục Tết cổ truyền, làm nổi bật triết lý giáo dục của những vị vua triều Nguyễn… không đơn thuần chỉ là đưa ra hình ảnh của tài liệu, mà những thông tin lưu trữ đã được xâu chuỗi, kết nối để chuyển tải đến công chúng những câu chuyện mang thông điệp, chủ đề riêng.

Thạc sĩ Nguyễn Thu Hoài chia sẻ, để “công chúng hóa” di sản tư liệu, tức để nhiều đối tượng công chúng có thể tiếp cận và hiểu về tư liệu, không những cần quá trình nghiên cứu sâu để tìm tòi, lựa chọn những nội dung nổi bật đưa ra giới thiệu mà còn cần khả năng liên kết với tư liệu bổ trợ từ nhiều nguồn khác nhau để tạo tính xâu chuỗi, kết nối thông tin, sao cho thực hiện tốt nhất khả năng tuyên truyền, giáo dục của tài liệu lưu trữ.

Chẳng hạn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I hiện chỉ đang bảo quản khối tài liệu thuộc về triều Nguyễn và thời Pháp thuộc, nhưng khi thực hiện các triển lãm chuyên đề, trung tâm vẫn cố gắng liên kết với các nguồn thông tin của các trung tâm II, III, IV, các thông tin của Văn Miếu-Quốc Tử Giám, hệ thống các di tích, di sản ở Huế hay các kho lưu trữ nước ngoài, đặc biệt là ở Pháp để mang đến những thông tin trọn vẹn, dễ hiểu, dễ tiếp nhận. Thậm chí, như ở triển lãm về “Làng nghề, phố nghề Thăng Long-Hà Nội”, Trung tâm còn mời đến những nghệ nhân trực tiếp thực hiện các sản phẩm làng nghề để công chúng có sự liên tưởng chân thực nhất giữa tài liệu và thực tiễn.

Triển lãm trực tuyến 3D “Giáo dục triều Nguyễn - Vang vọng còn lại”. 

Tạo điểm nhấn cho di sản

Bên cạnh yếu tố nội dung, dễ nhận ra trong các không gian trưng bày tài liệu lưu trữ gần đây, vai trò của công nghệ đồ họa ngày càng được khẳng định. Nhà sản xuất Nguyễn Uyên, người từng có nhiều năm thực hiện các clip, phim quảng bá về di sản tư liệu chia sẻ: Thời gian đầu mày mò, thử nghiệm, ê-kíp sử dụng chủ yếu hình ảnh ngoại cảnh là các công trình, di tích, danh lam thắng cảnh, bối cảnh lịch sử, con người được nhắc đến; các trang tư liệu chủ yếu được để định dạng là bản scan toàn văn, có tính chất giới thiệu. Về mặt thị giác, sản phẩm phần nào đã tạo được sức hút nhưng chưa đạt đến chất lượng mang giá trị cả về nội dung và nghệ thuật như kỳ vọng.

Dần dần, khi tiếp cận tài liệu theo từng chủ đề, nội dung riêng, những người thực hiện nhận ra dù kịch bản chỉ dựa hoàn toàn vào tài liệu nhưng lại tiệm cận được tiêu chí của kịch bản truyền hình đúng nghĩa [có tình tiết, mạch chuyện, nhân vật] để làm cơ sở dựng lên câu chuyện bằng hình. Lấy thí dụ về việc tạo hình cho những văn bản Châu bản, nhà sản xuất Nguyễn Uyên cho biết ê-kíp đã trải qua hành trình thử nghiệm nhiều phương pháp nhưng trước tiên luôn coi mỗi trang văn bản là nhân vật kể chuyện chính để tự dẫn dắt câu chuyện của mình. “Dựa vào nội dung từng kịch bản, chúng tôi cố gắng tạo ra những bối cảnh, không gian phù hợp.

Thí dụ nói đến Tết sẽ có mai có đào; nói đến học hành thi cử sẽ có bút nghiên, giấy mực; nói đến nhân vật lịch sử có địa danh, chân dung, kỷ vật… Thậm chí là tạo cả một “trường quay” cho riêng tài liệu với không gian mang tính lịch sử, có thể là trong kho lưu trữ, hoặc đặt bên cạnh những tấm ảnh cũ, những đạo cụ xưa như sách cổ, hoặc tạo sự chuyển động và biến hóa của các con chữ trên văn bản… Cùng với sự hỗ trợ của các thiết bị ánh sáng để tạo hiệu ứng sáng-tối, điểm nhấn cho các đoạn trích quan trọng trong văn bản và làm cho không gian chung quanh nghệ thuật hơn, mang nhiều ẩn ý, tạo sự tò mò cho người xem”- nhà sản xuất Nguyễn Uyên nhấn mạnh.

Cùng với hình ảnh tài liệu thì những hình ảnh ngoại cảnh, hình ảnh minh họa mang tính lịch sử như những video, phim ảnh cũ, dấu tích các công trình, đồ họa hoạt hình… cũng là những yếu tố được khai thác khéo léo để người xem có được những liên tưởng giữa nội dung văn bản với bối cảnh lịch sử và đương đại…

Thực tế là những triển lãm gần đây về di sản tư liệu, do được đầu tư về cả nội dung, hình ảnh đã thu hút không chỉ giới học thuật mà còn hấp dẫn nhiều đối tượng công chúng, đặc biệt là giới trẻ, trong đó có nhiều đối tượng du khách đến từ các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp, Nga… Số lượt ghé thăm các triển lãm trực tuyến lên đến hàng triệu lượt, số bình luận tích cực cũng ngày càng tăng.

Ðiều này khẳng định, những thông tin tưởng chừng khô cứng trong di sản tư liệu khi được khai thác một cách sáng tạo sẽ tạo được sức lan tỏa lớn. Và việc liên kết các dữ liệu gắn với tài liệu, được công nghệ hỗ trợ để hiện thực hóa những câu chuyện của lịch sử bằng nhiều hình thức chính là hướng đi, cũng là giải pháp để đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị to lớn của di sản tư liệu Việt Nam.

Từ năm 2009 đến nay, Việt Nam đã có 7 di sản tư liệu được UNESCO công nhận, biểu trưng cho di sản tư liệu của thế giới. Tuy nhiên, hiện nay trong Luật Di sản văn hóa, di sản tư liệu tại Việt Nam chưa có các quy định để nhận diện các giá trị cũng như lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng.

Di sản tư liệu của thế giới, bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đang được quảng bá rộng rãi đến cộng đồng.

Kho tàng đồ sộ

Hiện nay, Việt Nam có 3 di sản tư liệu thế giới gồm Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, bia Tiến sĩ Văn Miếu Quốc Tử Giám; 4 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương là Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, Văn thơ trên kiến trúc cung đình Huế, Mộc bản trường học Phúc Giang, Hoàng hoa sứ trình đồ.

Bên cạnh các di sản đã được UNESCO công nhận, hiện nay Việt Nam còn sở hữu một kho tàng “đồ sộ” các di sản tư liệu đang được lưu trữ trong các trung tâm lưu trữ quốc gia, trung tâm di sản, thư viện, bảo tàng, đình chùa, đền miếu... Có thể kể đến số tư liệu thời Pháp thuộc để lại, hiện đang được bảo quản tại các kho lưu trữ quốc gia; các nhóm tư liệu cá nhân của các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ đã được sưu tập, hiến tặng, được bảo quản ở các Trung tâm Lưu trữ Quốc gia hoặc Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

Theo ông Phan Thanh Hải - Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên-Huế: Phật giáo Huế hiện còn bảo quản 2.933 ván khắc kinh Phật các loại. Trong đó, chùa Từ Đàm hiện là nơi có số lượng lưu trữ lớn nhất với 1.319 bản khắc mộc bản. Đặc biệt tại chùa Trúc Lâm hiện vẫn còn gìn giữ bản kinh Kim Cang - một pháp bảo quý, độc bản dưới thời Tây Sơn. Ngoài ra, Thừa Thiên-Huế còn là nơi còn lưu giữ nhiều tư liệu Hán – Nôm quý giá có từ thời Lê đến thời Nguyễn, đa phần được lưu giữ trong các làng, họ tộc, tư gia các gia đình hoàng tộc triều Nguyễn.

Hay như Viện Nghiên cứu Hán Nôm cũng đang lưu giữ khoảng 5 nghìn tấm ván khắc Phật giáo và gần 70 nghìn tập sách cổ ghi chép các vấn đề tự nhiên, xã hội, con người Việt Nam truyền thống. Đặc biệt, trong công đồng hiện nay có một số lượng lớn di sản tư liệu tư nhân được lưu giữ trong dòng họ thuộc sở hữu tư nhân… trải dài trên khắp đất nước.

Mộc bản triều Nguyễn được bảo quản cẩn thận tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV - Đà Lạt.

Hài hòa giữa bảo quản và phát huy

Đánh giá về số tư liệu trên, PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm chia sẻ: Thực tế nguồn di sản tư liệu dù phong phú đến mức nào, nhưng nếu không được quản lý tốt, bảo quản tốt thì sẽ sớm dẫn đến hư hại, mất mát, đó chính là “sự kiệt quệ có hại” theo quan niệm đã dẫn của UNESCO.

Ông Cường cũng dẫn chứng, không ít bia đá đang phơi mình dưới phong sương, nhiều kho mộc bản còn chưa được bảo quản tốt, nguồn thư tịch cổ chưa được đầu tư đúng mức sẽ dẫn đến hư hại, đó là còn chưa kể đến sự thất thoát thư tịch cổ Việt Nam ra nước ngoài.

Nhà sử học Dương Trung Quốc thông tin, đã có một thời chúng tôi gọi lưu trữ các di sản tư liệu là “nấm mồ tư liệu”, bởi vì nó quý thật, chứa đựng nhiều thông tin thật đấy nhưng không ai tiếp cận được cả. Ông Quốc cũng chia sẻ kỷ niệm khi tham gia một chuyến đi sang Nga để khai thác các tư liệu lịch sử mới, nhưng đến khi mang về thì những tư liệu đó lại bị “đóng kín lại, thậm chí gói chặt, dán tem, không cho ai tiếp cận cả”. Sau đó, một đơn vị khác cũng cần tư liệu tương tự lại phải lặn lội sang Nga một lần nữa để tìm được tài liệu, trong khi những gì đã có lại cất kín trong kho.

Thậm chí ở cấp độ nhà nước, hiện nay, 4 trung tâm lưu trữ quốc gia thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước vẫn chưa chia sẻ được dữ liệu với nhau. Có một thực tế nếu muốn tìm tài liệu ở cả 4 trung tâm thì không có cách nào khác phải đi đến từng trung tâm để tìm thông tin. Một điều mà nếu không phải nhà nghiên cứu thì có lẽ sẽ không có ai di chuyển từ trung tâm lưu trữ ở Hà Nội vào Trung tâm lưu trữ ở Lâm Đồng để làm điều đó.

Có thể nói, di sản tư liệu hiện nay vẫn còn là vấn đề mới mẻ tại Việt Nam. Hiện nay, việc lưu trữ các tài liệu cá nhân chủ yếu trên tinh thần tự nguyện và chuyển giao tài liệu cho lưu trữ quốc gia cũng trên tinh thần này. Trong khi, các tài liệu quý giá mà các cá nhân muốn lưu giữ tại nhà nhưng nếu không được bảo quản tốt, khoa học sẽ rất dễ hư hỏng. Vì vậy, Nhà nước cũng cần có cơ chế chính sách khuyến khích, thúc đẩy việc tiếp cận các cá nhân và các khối tài liệu nói trên như các chính sách cho lưu trữ tư nhân, cho các cá nhân lưu trữ tốt… Bên cạnh đó, dù đã định hình từ nhiều năm nhưng hiện nay chưa được quy định trong Luật di sản văn hóa, cũng như ở bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào của Việt Nam. Về chức năng, nhiệm vụ quản lý về di sản tư liệu cũng chưa được chính thức giao cho một cơ quan đầu mối ở Trung ương quản lý, đòi hỏi trong thời gian tới cần quy định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm quản lý nhà nước về di sản tư liệu.

Theo daidoanket.vn

Video liên quan

Chủ Đề