Đói đầu gối phải bò nghĩa là gì

[Ngày ngày viết chữ] Bài viết này nói về những quan niệm của người Việt đối với cái đói thể hiện qua thành ngữ, tục ngữ, ca dao.

MỌI NGƯỜI CŨNG ĐỌC

>> Quan niệm về người già trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam

Các thành ngữ, tục ngữ, ca dao dưới đây được trình bày theo trình tự alphabet.

– Đói ăn muối cũng ngon: Lúc đã quá đói thì không còn kén chọn cầu kỳ nữa.

– Đói ăn vụng, túng làm càn: Hành động xằng bậy do hoàn cảnh thúc đẩy; Đói khổ quá khiến người ta sinh hư hỏng.

– Đói bạc râu, sầu bạc tóc: Đói ăn, phiền muộn khiến người chóng già.

– Đói bụng chồng, đau lòng vợ / Đói bụng chồng, hồng má vợ: Vợ chồng gắn bó mật thiết, chia sẻ ngọt bùi đắng cay.

– Đói cho sạch, rách cho thơm: Dù thiếu thốn cũng phải ăn mặc cho sạch sẽ: Dù nghèo cũng phải giữ nhân cách, không làm điều xằng bậy.

– Đói đảo ngói mà ăn: Một phong tục xưa để của cho con cháu. Nhà giàu khi xưa lợp ngói rất dày dặn phòng khi con cháu về sau nghèo khó thì đảo ngói lấy bớt ra mà bán lấy tiền ăn tiêu.

– Đói đầu gối phải bò: Lâm vào cảnh túng thiếu thì phải tìm mọi cách để kiếm ăn. Ca dao còn có câu: Đói thì đầu gối phải bò, Cái chân hay chạy, cái giò hay đi.

– Đói đến chết ba ngày Tết cũng no / No ba ngày Tết đói ba tháng hè: Dù có nghèo khổ đến đâu cũng cố vay mượn để được ăn uống dồi dào trong ba ngày Tết.

– Đói lòng ăn hột chà là, Để cơm nuôi mẹ mẹ già yếu răng: Lòng hiếu thảo của con cái.

– Đói lòng ăn nắm lá sung, Chồng một thì lấy, chồng chung thì đừng: Có thiếu thốn cũng phải biết chừng mực, việc nên thì làm, việc chăng thì chớ.

– Đói lòng con, héo hon cha mẹ: Nỗi khổ của cha mẹ khi để con bị thiếu thốn.

– Đói miếng hơn tiếng đời: Một quan niệm về đạo đức, thà chịu thiếu thốn về vật chất còn hơn bị mất thanh danh, phải chịu tiếng xấu.

– Đói năm không ai đói bữa: No đói về lâu về dài, một bữa không đáng là bao [ví dụ mời khách một bữa không đáng là bao, không nên keo kiệt].

– Đói ông ở nhà, không đói bà đi chợ: Đàn bà khi xưa đi chợ hay ăn quà.

– Đói ra kẻ chợ, đừng lên rợ mà chết: Kẻ chợ là thành thị, rợ là rừng rú. Ở nông thôn nghèo đói có đi kiếm ăn thì ra thành thị, chớ có lên rừng lên rú.

– Đói thì ăn ráy ăn khoai, chớ thấy lúa trổ tháng Hai mà mừng: Một kinh nghiệm trồng trọt, lúa trổ tháng Hai là mất mùa.

– Đói thì ăn vật, mất thì nói quàng: Vất là vơ vất, gặp cái gì cũng ăn. Người mất của thường xót của nên hay nghi ngờ quàng bậy.

– Đói trẻ chớ vội lo, giàu trẻ chớ vội mừng: Người trẻ tuổi cuộc đời còn nhiều thay đổi.

– Đói trong ruột không ai biết, rách ngoài cật nhiều kẻ hay: Cật là vỏ ngoài, bên ngoài của tre, nứa, mây. Dù thiếu đói cũng nên ăn mặc cho chỉnh tề, giữ vẻ ngoài cho đàng hoàng.

Ngoài ra còn một số cách nói diễn tả đói dữ dội, đói chết đi được, chẳng hạn: Đói bào gan bào ruột; Đói cào đói cấu; Đói hoa cả mắt; Đói run tay run chân; Đói dài răng; Đói vàng mắt;…

  • Đói đầu gối phải bò

    Đói đầu gối phải bò

Cùng thể loại:

  • Bài này có từ ngữ và/hoặc nội dung nhạy cảm.
    Hãy cân nhắc trước khi bấm xem.

    Buồi dài dái trễ dễ làm ăn

    Buồi dài, dái trễ dễ làm ăn

  • Văn vô đệ nhất, võ vô đệ nhị

    Văn vô đệ nhất, võ vô đệ nhị

  • Nghề võ đánh trả thầy

    Nghề võ đánh trả thầy

  • Ngọc lành có vít

    Ngọc lành có vít

  • Ngồi thúng khôn bề cất thúng

    Ngồi thúng khôn bề cất thúng

  • Bài này có từ ngữ và/hoặc nội dung nhạy cảm.
    Hãy cân nhắc trước khi bấm xem.

    Trăm khôn không bằng lồn mập

    Trăm khôn không bằng lồn mập

  • Vườn chớ mở ra, nhà chớ thu lại

    Vườn chớ mở ra, nhà chớ thu lại

  • Trồng một cây, xây một am

    Trồng một cây, xây một am

  • Bán chè lạng

    Bán chè lạng

  • Vịt già gà tơ

    Vịt già, gà tơ

Có cùng từ khóa:

  • Vì tằm em phải chạy dâu

    Vì tằm, em phải chạy dâu
    Vì chồng, em phải qua cầu đắng cay

  • Ai ơi phải nghĩ trước sau

    Ai ơi phải nghĩ trước sau
    Đừng tham lắm của nhà giàu làm chi
    Làm thì xem chẳng ra gì
    Làm tất làm tả, nói thì điếc tai
    Đi ngủ thì hết canh hai
    Thức khuya dậy sớm, mình ai dãi dầu
    Sớm ngày đi cắt cỏ trâu
    Trưa về lại bảo: ngồi đâu, không đầy
    Hết mẹ rồi lại đến thầy
    Gánh cỏ có đầy cũng nói rằng vơi
    Nói thì nói thật là dai
    Lắm câu chua cạnh, đắng cay trăm chiều
    Phận em là gái nhà nghèo
    Lấy phải chồng giàu, ai thấu cho chăng
    Nói ra đau đớn trong lòng
    Chịu khổ chịu nhục suốt trong một đời

  • Cổ cày vai bừa

    Cổ cày vai bừa

  • Em tham nơi quần rộng áo dài

    Em tham nơi quần rộng áo dài
    Nên em phải vác hai vai hai cày
    Em về em lấy anh đây
    Hai vai hai cày anh lại vác cho

  • Vè đi ở

    Tóc quăn chải lược đồi mồi
    Chải đứng chải ngồi, quăn vẫn hoàn quăn
    Nên thì tớ ở tớ ăn
    Không nên tớ giã đầu quăn tớ về.
    Tháng năm công việc ê hề
    Thằng ở ra về, chủ phải cưỡi trâu.
    Giã ơn chúng bạn chăn trâu,
    Tớ về đồng bãi hái dâu, chăn tằm.
    Tớ ở chưa được nửa năm,
    Chủ nhà mắng tớ, tớ nằm không yên

  • Đâm sấp dập ngửa

    Đâm sấp dập ngửa

  • Chân lấm tay bùn

    Chân lấm tay bùn

  • Đầu tắt mặt tối

    Đầu tắt mặt tối

  • Trèo lên chót vót ngọn gòn

    Trèo lên chót vót ngọn gòn
    Thấy em gò má trắng, mặt tròn anh muốn hun
    – Thân em chân lấm tay bùn
    Mặt em khét nắng mà anh hun nỗi gì?

  • Trời mưa lác đác ruộng dâu

    Trời mưa lác đác ruộng dâu
    Cái nón đội đầu, cái thúng cắp tay
    Bước chân xuống hái dâu này
    Nuôi tằm cho lớn mong ngày ươm tơ
    Thương em chút phận ngây thơ
    Lầm than đã trải nắng mưa đã từng
    Xa xôi ai có tỏ chừng?
    Gian nan tân khổ, ta đừng quên nhau

  1. Văn vô đệ nhất, võ vô đệ nhịVăn không có ai đứng nhất, võ không có ai đứng nhì. Người theo nghề văn, võ thường thích độc tôn, không chịu nhận ai ngang mình.

  2. VítCó thương tích; tì tích, chuyện xấu, đều hổ thẹn. [Đại Nam quấc âm tự vị - Huình Tịnh Của]

  3. Ngọc lành có vítNgười tốt mấy cũng có tì vết, song không vì thế mà suy giảm giá trị.

  4. AmChùa, miếu nhỏ để thờ thần linh.

  5. Bán chè lạngBuôn bán ế ẩm.

  6. TằmCòn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

  7. Dâu tằmLoại cây thường được trồng hai bên bờ sông, chủ yếu để lấy lá cho tằm ăn. Lá và rễ dâu cũng là vị thuốc đông y. Quả dâu tằm chín cũng có thể dùng để ăn hoặc ngâm rượu, gọi là rượu dâu tằm. Ở nước ta, dâu có nhiều giống: dâu bầu, dâu da, dâu cỏ, dâu tam bội...

    Lá và quả dâu tằm

  8. CanhĐơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh [đêm năm canh, ngày sáu khắc]. Theo đó, canh một là giờ Tuất [19-21h], canh hai là giờ Hợi [21-23h], canh ba là giờ Tí [23h-1h sáng], canh tư là giờ Sửu [1h-3h], canh năm là giờ Dần [3h-5h]. Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.

  9. ThầyCha, bố [phương ngữ một số địa phương Bắc và Bắc Trung Bộ].

  10. CàyNông cụ dùng sức kéo của trâu, bò hay của máy cày, để xúc và lật đất. Cày gồm hai bộ phận chính: Lưỡi cày [ban đầu làm bằng gỗ, sau bằng sắt hoặc thép] và bắp cày bằng gỗ. Nếu cày bằng trâu bò, lại có thêm gọng cày nối từ bắp cày chạy dài đến ách để gác lên vai trâu, bò.

    Cái cày

  11. BừaNông cụ dùng sức kéo để làm nhỏ, làm nhuyễn đất, san phẳng ruộng hoặc làm sạch cỏ, có nhiều răng để xới, làm tơi đất. Bừa thường được kéo bởi người, trâu bò, ngựa, hoặc gần đây là máy kéo.

    Bừa ruộng

  12. Đồi mồi Một loài rùa biển, mai có vân đẹp nên thường bị đánh bắt để làm đồ mĩ nghệ [lược, vòng tay, vòng đeo cổ...]. Những đốm nám trên da hoặc trái cây cũng gọi là vết đồi mồi.

    Con đồi mồi

  13. GiãNhư từ giã. Chào để rời đi xa.

  14. Giã ơnCảm tạ ơn.

    Kíp truyền thu lễ, trao lời giã ơn
    [Nhị Độ Mai]

  15. Đâm sấp dập ngửaDáng đi vội vàng, tất tưởi. Thành ngữ này cũng chỉ người đang bận rộn túi bụi, không được thảnh thơi.

  16. GònCòn gọi là cây bông gòn, một loại cây to, vỏ màu xanh tươi, lá kép hình chân vịt, cho quả hình thoi chứa nhiều sợi bông. Khi quả chín khô và nứt ra, từng túm bông sẽ phát tán theo gió, mang theo những hạt màu đen, giúp cây nhân giống. Bông trong quả gòn được dùng để nhồi nệm, gối và làm bấc đèn.

    Cây và quả gòn

  17. HunHôn [khẩu ngữ Trung và Nam Bộ].

  18. ThúngDụng cụ để chứa, đựng, hay đong các loại nông, thủy, hải sản. Thúng thường được đan bằng tre, hình chén, miệng tròn hoặc hơi vuông, lòng sâu, có khi sâu tới nửa mét, đường kính khá lớn, khoảng từ 45 cm [thúng con] đến 55 cm [thúng cái]. Vành miệng thúng có dây mây nức vành.

    Cái thúng

  19. Lầm thanLầm có nghĩa là bùn nhão ở đáy ao, hồ... Lầm than vì vậy có nghĩa gốc là những thứ bẩn thỉu nói chung, từ đó có nghĩa rộng [phổ biến] hiện nay là sự cực khổ, vất vả của người lao động, giai cấp bị trị - tương đương với chữ đồ thán trong tiếng Hán.

  20. Tân khổCay đắng, khổ sở [từ Hán Việt, thường dùng trong văn chương cổ].

Chủ Đề