Hành trình hóa rồng của bóng đá nhật bản

Với 3 trận toàn thắng trong vòng bảng tại bảng C - World Cup Bóng đá nữ thế giới 2023, trong đó có trận thắng trước Tây Ban Nha với tỷ số 4 - 0, Đội tuyển Bóng đá Nữ Nhật Bản đã thẳng tiến vào vòng 1/8 để gặp Đội tuyển Na Uy và hy vọng tái lập lại thành tích từng vô địch thế giới của mình trước đây.

Các cầu thủ nữ Nhật Bản trong trận thắng 4 - 0 trước tuyển nữ Tây Ban Nha tại vòng bảng

• NỮ QUYỀN VÀ BÓNG ĐÁ

Ở một đất nước mà hình ảnh nữ giới thường gắn với sự nhu mì, hiền dịu, phục tùng thì việc chơi bóng đá - một môn thể thao đòi hỏi cá tính và sức mạnh cơ bắp có vẻ như là một cuộc “cách mạng”, một sự đấu tranh đòi quyền bình đẳng giới của các cô gái xứ mặt trời mọc Nhật Bản.

Không phải vô cớ mà giải bóng đá nữ chuyên nghiệp hàng đầu hiện nay của Nhật - “The WE League” hay “Yogibo WE League” có một cái tên đầy đủ là Giải Bóng đá chuyên nghiệp Trao quyền cho nữ giới Nhật [The Japan Women's Empowerment Professional Football League]. Khái niệm “Empowerment” trong tiếng Anh được chuyển ngữ “Trao quyền” ở đây chưa nói hết được ý nghĩa của từ này, có thể hiểu “Empowerment” là một tiến trình giành lại quyền tự do của mình để làm những điều mình mong muốn, không để ai điều khiển mình.

Nhưng không phải dễ dàng để nữ giới Nhật Bản có ngay điều này. Cũng như phụ nữ nhiều quốc gia trên khắp thế giới, dù là ở những quốc gia tiên tiến ở châu Âu hay Bắc Mỹ cũng vậy, họ đã phải tranh đấu miệt mài mới giành được quyền bình đẳng giới cho mình gần đây, trong đó có cái quyền chơi những môn thể thao mình thích là bóng đá vốn do nam giới thống trị lâu nay.

Cho mãi đến năm 1966, xứ Phù Tang mới có đội bóng đá nữ đầu tiên, và mãi đến năm 1980 giải bóng đá nữ đầu tiên mới được tổ chức tại Nhật. Tuy nhiên, lúc đó các giải này ít đội tham dự, chơi kiểu nghiệp dư và có quy mô ở cấp địa phương hay từng vùng. Mỗi đội nữ lúc đó chỉ có 8 người và chơi trên một sân cỏ có kích thước nhỏ hơn các sân bóng đá bình thường của nam chơi.

Năm 1989, Giải Bóng đá nữ quốc gia Nhật Bản Nadeshiko League, bắt đầu khởi tranh. Đến năm 2021, The WE League - giải bóng đá chuyên nghiệp nữ lớn nhất nước Nhật mới ra đời và Giải Nadeshiko League hiện nay trở thành giải đứng sau WE League với 2 giải bên trong kiểu như giải hạng Nhất và giải hạng Nhì tại Việt Nam hiện nay.

Hiện WE League có 12 đội tham dự, thi đấu theo khung lịch thời gian như châu Âu với việc chơi bóng qua mùa đông, các đội cũng thi đấu vòng tròn 1 lượt đi và về. Để tăng tính cạnh tranh và nâng chất lượng giải đấu, WE League cho phép các đội mua các cầu thủ quốc tế về thi đấu, nhất là cần thủ của những đội nữ mạnh tại châu Âu như Đức, Pháp, Hà Lan hay từ các đội nữ của Mỹ. Trong mùa giải đầu tiên 2021 - 2022, vô địch của WE League là đội INAC Kobe Leonessa; mùa giải 2022 - 2023 vừa qua, vô địch giải là đội Urawa Red Diamonds.

• LIỆU CÓ VÔ ĐỊCH THẾ GIỚI LẦN 2?

Đội tuyển Bóng đá Nữ Nhật Bản chính thức được thành lập năm 1981 bởi Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản nhằm tham dự Giải Bóng đá nữ châu Á trong năm này. Tuy nhiên, trước đó nhiều năm, đã từng có không ít lần các đội bóng nữ Nhật được cử để tham gia các giải bóng đá quốc tế, đó là các đội của các câu lạc bộ hay các địa phương đại diện cho Nhật.

Tại Giải Bóng đá nữ châu Á năm 1981, nữ Nhật Bản nằm trong bảng B với các đội Mulan Taipei - Đài Loan, Thái Lan và Indonesia; đội Nhật Bản bị đội nữ Thái Lan vượt qua với tỷ số 2 - 0 tại vòng bảng.

Tuy nhiên, đến Giải Bóng đá nữ châu Á năm 1986, với 7 đội các quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự, đội nữ Nhật Bản đã vào đến trận chung kết và thua Trung Quốc 0 - 2, chỉ giành được huy chương bạc tại giải đấu này.

Từ thành công của giải đấu châu Á, tuyển nữ Nhật Bản lần lượt vươn đến các giải đấu nữ thế giới, lọt vào chơi tại Vòng chung kết Bóng đá nữ thế giới World Cup năm 1995 và họ cũng có mặt tại sân chơi bóng đá nữ Olympic 1996.

Thành công trên đấu trường thế giới trong giai đoạn này, bóng đá nữ của Nhật đã làm một cuộc cải tổ sâu rộng trong đất nước của mình, trong đó thành công lớn nhất chính là việc thu hút được sự quan tâm đông đảo của người Nhật đến đến bóng đá nữ, đưa người xem đến sân khi các đội bóng nữ thi đấu, thu hút được nguồn tài trợ cho đội tuyển quốc gia và các đội bóng nữ trong nước, tạo tiền đề để bóng đá nữ tại Nhật phát triển một cách bền vững.

Năm 2003, tuyển nữ Nhật Bản giành quyền vào chơi Vòng chung kết Bóng đá nữ thế giới tại Mỹ nhưng bị loại ở vòng bảng. Tương tự, năm 2007 họ cũng giành vé vào chơi Vòng chung kết Bóng đá nữ thế giới tại Trung Quốc nhưng rồi cũng tiếp tục bị loại tại vòng bảng.

Nhưng đến Vòng chung kết Bóng đá nữ thế giới 2011 tại Đức thì tuyển nữ Nhật Bản đã lột xác hoàn toàn. Họ không phải là kẻ lót đường như trước mà đã hiên ngang vượt qua các đối thủ rất mạnh. Nhật Bản đã vượt qua vòng bảng cùng đội tuyển nữ Anh, tại tứ kết, họ thắng đội nữ chủ nhà Đức với tỷ số 1 - 0; tại bán kết, họ vượt qua Thụy Điển 3 - 1 để đối mặt với đội Mỹ trong trận chung kết.

Trong trận chung kết đầy kịch tính năm đó, nữ Nhật Bản đã xuất sắc hòa Mỹ với tỷ số 2 - 2 sau 2 hiệp đấu chính và cả hiệp phụ, 2 đội đã vào thi đấu luân lưu 11m và kết quả nữ Nhật Bản đã thắng Mỹ với tỷ số 3 - 1 để vươn tay đến chiếc cúp vô địch thế giới lần đầu tiên.

Cho đến nay, tuyển nữ Nhật Bản là đội đầu tiên và đội duy nhất tại châu Á giành được Cúp vô địch bóng đá nữ thế giới [FIFA Women’s World Cup] và cũng chính là 1 trong 4 đội tuyển bóng đá nữ quốc gia trên thế giới giành được vinh dự này. 3 đội còn lại từng giành Cúp vô địch thế giới là đội tuyển nữ Mỹ, Đức và Na Uy. Trong đó, đội tuyển Na Uy giành được 1 lần trong năm 1995; đội Đức 2 lần vào các năm 2003 và 2007; còn đội tuyển Mỹ giành được đến 4 lần vào các năm 1991,1999, 2015 và gần đây nhất là 2019 và Mỹ chính là đương kim vô địch hiện nay.

Sau danh hiệu vô địch thế giới năm 2011, tuyển nữ Nhật Bản cũng lọt vào đến tận trận chung kết của Vòng chung kết vô địch bóng đá nữ thế giới năm 2015 tại Canada và chịu thua 2 - 5 trước Mỹ trong trận chung kết này. Tại World Cup bóng đá nữ thế giới 2019 tại Pháp, tuyển nữ Nhật Bản cũng lọt vào vòng 1/16.

Với thể hình hơi nhỏ con của người châu Á nhưng tuyển nữ Nhật Bản rất giàu thể lực, các cầu thủ trong đội rất nhanh nhẹn, phối hợp nhóm rất tốt, chuyền bóng nhỏ và chuyển đổi trạng thái từ phòng thủ sang phản công rất nhanh. Lối chơi của họ rất khó chịu cho những đội có cầu thủ thể hình to cao nhưng xoay trở chậm.

Tại Vòng chung kết World Cup 2023 năm nay, tuyển nữ Nhật nằm tại bảng C cùng với Tây Ban Nha, Zambia và Costa Rica. Tại vòng bảng họ đã thẳng cả 3 trận, ghi đến 11 bàn và không để thủng lưới bàn nào trong đó có trận thắng 4 - 0 đầy kinh ngạc trước tuyển nữ Tây Ban Nha.

Chủ Đề