Hướng dẫn học luật hình sự Informational

Không biết từ bao giờ mà câu nói trên đây đã trở thành câu nói cửa miệng của không biết bao thế hệ sinh viên học Luật. Hội cựu sinh viên trường Luật thường lan truyền những câu chuyện như: thời sinh viên phải rớt môn ít nhất một lần, yêu được ít nhất một người, một lần được vinh danh nhận học bổng thì mới được xem là bạn đã có một quãng đời sinh viên đáng nhớ. Xét một bình diện rộng hơn, ta có thể thấy rằng đời sinh viên Luật về cơ bản là vui, trừ những ngày thi bù đầu rối tóc.

Tại bài viết này, tác giả muốn gửi gắm đến các bạn đang hoặc có dự định học Luật một vài kinh nghiệm mà tác giả đã học được ở đây, mong rằng có thể mang lại thông tin hữu ích cho các bạn.

Hình ảnh minh họa.

Đầu tiên phải khẳng định rằng, khi bước chân vào trường Luật, chắc hẳn mỗi sinh viên đều mang trong mình những hoài bão, những ước mơ riêng - nghề luật là một nghề cao quý. Tuy nhiên, một thực trạng đáng buồn là hiện nay mặc dù xã hội đang cần rất nhiều những cử nhân luật chất lượng cao thì một đại bộ phận sinh viên luật sau khi ra trường lại phải đối diện với việc không tìm kiếm được công việc phù hợp với chuyên môn, đa số làm trái nghề. Phải chăng, các bạn sinh viên Luật sau khi đậu vào trường đã đánh mất đi niềm tin với chính ngành nghề mà mình lựa chọn - hay những cử nhân Luật này chưa thật sự được trang bị những kiến thức cũng như kỹ năng cần thiết để vào đời?

Ở trường Luật có rất nhiều bài kiểm tra, nhưng có rất ít sinh viên hiểu được ý nghĩa thật sự của các dạng câu hỏi mà mình phải đối mặt. Các trường Luật cũng không dạy cho sinh viên cách làm bài thi như thế nào. Cho nên kĩ năng làm bài của sinh viên, vì thế cũng chỉ mang tính tự phát và “học nghề” từ các bạn khoá trên.

Văn bản, giáo trình Luật thì nhiều vô kể. Theo thống kê thì hiện nay có ít nhất 323.000 văn bản luật đã được cập nhật, Nhưng số lượng sách kĩ năng trong nghề Luật lại khá khiêm tốn, mà sách hướng dẫn kĩ năng làm bài, nghiên cứu…cho sinh viên Luật thì hầu như là không có. Trong khi đó, ở các nước theo truyền thống Thông Luật [Common Law] thì sách loại này nhiều vô cùng. Tuy nhiên, cách học Luật của họ cũng hơi khác mình, nên áp dụng vào Việt Nam thì cũng lệch pha.

Hình ảnh minh họa.

Bằng kinh nghiệm lên xuống rớt môn vài lần, tác giả rút ra một số mẹo nhỏ gửi lại cho các bạn sinh viên Luật, đặc biệt là những sinh viên năm nhất trong việc làm bài thi để có những kết quả thật ấn tượng sau đây:

Dạng thứ nhất: Bài tập tình huống

Đây là dạng câu hỏi mà hầu như sinh viên Luật nào cũng phải đối mặt trong bài thi hết môn. Theo đó, tuỳ vào phong cách của các Khoa, Tổ bộ môn hoặc Giảng viên, mà tình huống dài hay ngắn, các tình tiết nhiều hay ít. Tuy nhiên, cần phải thấy yêu cầu của dạng câu hỏi này là: Kiểm tra ba kĩ năng sau đây của sinh viên:

- Kĩ năng tóm tắt,

- Kĩ năng xác định vấn đề pháp lý,

- Kĩ năng xử lý vụ việc.

Ví dụ: Ngày 12 tháng 6 năm 2019, Nguyễn Văn A tổ chức sinh nhật cùng bạn gái mình là Nguyễn Thị B [ 12 tuổi], sau buổi tiệc thì giữa hai người có diễn ra hành vi quan hệ tình dục. Hành vi trên là hoàn toàn tự nguyện, sau lần này hai người còn nhiều lần quan hệ tình dục với nhau, ba tháng sau chị B phát hiện mình có thai, sau khi báo tin cho anh A thì anh A chối bỏ hoàn toàn trách nhiệm, vì quá phẫn uất chị B làm đơn tố cáo anh A tội hiếp dâm mình với tình tiết tăng nặng là làm chị B có thai.

Câu hỏi đặt ra ở đây : Theo anh, chị thì anh A có phạm tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi hay không?

Đối với dạng câu hỏi này, sinh viên cần phải thực hiện ba bước sau:

- Một là: Xác định các tình tiết cần thiết. QUAN TRỌNG nhất là phải loại bỏ những tình tiết “gây nhiễu” trong đề thi. Đây cũng chính là các “bẫy rập” mà nếu các bạn sa vào, khả năng lớn là LẠC ĐỀ.

- Hai là: Xác định các vấn đề pháp lý. Đây là một kĩ năng quan trọng trong quá trình hành nghề Luật sau này. Thông tin vui là các vấn đề pháp lý cần bạn xử lý cũng chính là các câu hỏi. Kĩ thuật để lấy điểm cao là HỎI gì TRẢ LỜI nấy. Đừng “hoa lá hẹ” mà không đi vào trọng tâm.

- Ba là: Xác định các quy định pháp luật có liên quan. Đây là bước quan trọng nhất. Xác định đúng quy định pháp luật có liên quan, bạn đã thành công được 60%. Khi đã xác định được cơ sở pháp lý, bạn dùng quy định này để đối chiếu với các tình tiết đã xác định trong bước 1, sau đó rút ra kết luận cho các vấn đề pháp lý/câu hỏi trong bước 2.

Ví dụ: Theo quy định tại Điều 142 Bộ luật hình sự 2015 về Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi như sau:

Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

- Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ;

- Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi.

Như vậy, căn cứ tình huống nêu trên, chắc chắn sẽ có rất nhiều bạn sinh viên Luật sẽ kết luận hành vi của anh A sẽ cấu thành tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi với lập luận dù hành vi quan hệ tình dục diễn ra là tự nguyện nhưng chị B chỉ mới 12 tuổi . Do vậy, hành vi giao cấu mặc dù là tự nguyện nhưng vẫn sẽ cấu thành tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, nếu căn cứ theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự, theo đó:

- Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.

- Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng...

Như vậy, ta có thể thấy rằng trong trường hợp này chúng ta chưa thể kết luận rằng anh A có phải là chủ thể của tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi hay không vì chưa xác định được độ tuổi của A, nếu A chưa đủ 14 tuổi thì A hoàn toàn không phải là chủ thể của tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi.

Đây chính là những dạng bẫy mà các bạn thường xuyên gặp phải trong các dạng đề thi kiểm tra tại trường luật.

Chủ Đề