Khai thác giá trị văn hóa trong du lịch

Văn hoá truyền thống đặc sắc, đặc trưng của nền văn hóa Á Đông với rất nhiều những di tích, sự kiện ghi đậm dấu ấn trong lịch sử nhân loại, sự đa dạng trong phong tục tập quán, lối sống, ẩm thực, lễ hội giúp du lịch Việt hấp dẫn du khách quốc tế.

  • Khánh Hòa đón chuyến bay chở khách du lịch quốc tế có hộ chiếu vaccine

Trong 3 năm liên tiếp, từ năm 2019-2021, Việt Nam được tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới bình chọn là “Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á”. Văn hoá truyền thống đặc sắc, đặc trưng của nền văn hóa Á Đông với rất nhiều những di tích, sự kiện ghi đậm dấu ấn trong lịch sử nhân loại, sự đa dạng trong phong tục tập quán, lối sống, ẩm thực, lễ hội giúp du lịch Việt hấp dẫn du khách quốc tế.

Nhiều năm trở lại đây, du lịch văn hóa đã góp phần tạo thương hiệu và sự phát triển mạnh mẽ cho du lịch Việt Nam. Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong giai đoạn 2015 – 2019, trước khi đại dịch COVID - 19 bùng phát, du lịch Việt Nam đã đạt được những dấu mốc ấn tượng với mức tăng trưởng trung bình về lượt khách đạt 22,7%/năm và về doanh thu đạt 20,7%/năm.

Quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới năm 1993. Ảnh: TTXVN

Riêng năm 2019, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 18 triệu lượt, tăng 16% so với năm 2018. Lượng khách du lịch nội địa đạt 85 triệu lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch đạt 755 nghìn tỷ đồng, đóng góp 9,2% vào GDP của cả nước. Du lịch văn hóa đã khẳng định vai trò quyết định trong việc tạo nên kết quả ấn tượng này.

Các di sản văn hóa là giá trị cốt lõi để phát triển du lịch đặc trưng ở các vùng du lịch của Việt Nam. Sản phẩm du lịch văn hoá là yếu tố tạo nên nét khác biệt cho hệ thống sản phẩm du lịch Việt Nam, kết nối và đa dạng hoá các tour, tuyến du lịch. Kết quả một cuộc điều tra cho thấy, hoạt động thăm quan di sản văn hóa tại Việt Nam là hoạt động được khách du lịch quốc tế ưa thích thứ 2, chỉ sau nghỉ dưỡng tắm biển.

Có thể kể đến nhiều sản phẩm du lịch văn hoá nổi bật và hấp dẫn du khách trong thời gian qua như du lịch tham quan di sản, nghiên cứu văn hoá lịch sử thông qua di sản, các bảo tàng sống và các bảo tàng trưng bày, tìm hiểu và trải nghiệm văn hoá truyền thống, đời sống văn hóa cộng đồng du lịch lễ hội, du lịch văn hóa ẩm thực, du lịch tâm linh…

Trao đổi riêng về văn hóa Huế với phát triển du lịch di sản văn hóa trong tham luận Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, PGS.TS Nguyễn Tất Thắng của Trường Đại học Sư Phạm - Đại học Huế và ông Nguyễn Anh Tuấn đến từ Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên - Huế đồng khẳng định, từ lâu, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên - Huế đã xây dựng Huế trở thành thành phố văn hóa đặc trưng của Việt Nam, bởi vì Huế mang trong mình hai di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận vào năm 1993 [Quần thể di tích cố đô Huế] và 2003 [Nhã nhạc - âm nhạc cung đình Việt Nam], gần đây được hội nhập thêm với đời sống nhân loại 3 di sản ký ức thế giới là Mộc bản triều Nguyễn [2009], Châu bản triều Nguyễn [2014] và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế [2016].

Từ thành phố văn hóa đã mở ra hướng phát triển kinh tế thích ứng là phát triển du lịch, nhất là du lịch di sản… Huế đã có nhiều chuyển biến theo chiều hướng tích cực về thị trường du lịch thông qua di sản văn hoá, nhưng Huế vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của mình.

Về phát huy các giá trị di sản văn hoá để phát triển du lịch, ông Nguyễn Trung Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch khẳng định: Di sản văn hóa là nền tảng hình thành tài nguyên du lịch, tạo ra các sản phẩm thu hút khách du lịch. Các di sản khi đưa vào khai thác phục vụ phát triển du lịch thường tạo hiệu ứng tăng nhanh về số lượng khách du lịch. Lượng khách du lịch không chỉ bao gồm khách đến với khu vực có di sản mà bao gồm cả lượng khách quốc tế đến với Việt Nam và cùng đồng thời với việc tăng lượng khách du lịch là tăng tổng thu từ khách du lịch, tăng hiệu ứng lan tỏa tác động phát triển các ngành kinh tế khách, tăng thêm việc làm được tạo ra cho người dân.

Trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi cách mạng công nghệ 4.0 đang rất phát triển, du lịch sáng tạo trên nền tảng văn hóa được xem như một giải pháp, một hướng đi hữu hiệu để vượt qua được thách thức đặt ra.

Du lịch sáng tạo mang đến nhiều hoạt động tương tác cho khách du lịch với văn hóa bản địa hơn, những hoạt động mang tính giáo dục, cảm xúc, trải nghiệm nhiều hơn. Nhiều quốc gia trên thế giới đã phát triển du lịch sáng tạo theo cách riêng của mình để phát huy hiệu quả tài nguyên văn hóa trở thành những sản phẩm du lịch có tính cạnh tranh cao. Việt Nam cũng có nhiều lợi thế để phát triển loại hình du lịch sáng tạo dựa trên nền tảng văn hóa.

  • Phối hợp đảm bảo an toàn môi trường du lịch Cố đô Huế

N.Nguyễn

Lễ hội truyền thống đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế, thì văn hóa truyền thống nói chung, lễ hội nói riêng, ngày càng được quan tâm đầu tư để phục hồi và phát huy giá trị, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa - tinh thần của Nhân dân. Trong đó, nhiều lễ hội đặc sắc đã trở thành tài nguyên nhân văn phục vụ phát triển du lịch.

Lễ hội cầu ngư Diêm Phố. Ảnh: tư liệu

Thanh Hóa là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa. Bên cạnh các di tích, tỉnh ta có hơn 300 lễ hội gắn với các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo được tổ chức hàng năm trên địa bàn 27 huyện, thị xã, thành phố. Đặc biệt, với nền văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số gắn với các tập tục, sinh hoạt văn hóa dân gian, phương thức canh tác nông nghiệp đặc thù... đã sản sinh ra nhiều loại hình văn hóa dân gian phong phú về thể loại, độc đáo về giá trị và đậm đà sắc thái. Điển hình như sắc bùa của người Dao, pồn pông của người Mường, Kin chiêng boọc mạy của người Thái...; hay những làn điệu dân ca tha thiết trữ tình như hò Sông Mã, hát sâm xoan, múa đèn Đông Anh, trò Xuân Phả... Những di sản văn hóa phi vật thể quý giá này không chỉ là niềm tự hào xứ Thanh, mà còn có giá trị khai thác để phát triển du lịch.

Lễ hội truyền thống phản ánh một cách sinh động đời sống tinh thần, tín ngưỡng, tâm linh của cộng đồng, gắn liền với các sự tích, sự kiện, được hình thành trong lịch sử và được vun đắp, phát triển từ thế hệ này qua thế hệ khác. Thực tế ở nhiều địa phương trong cả nước cho thấy, việc khai thác hiệu quả giá trị của di sản văn hóa, trong đó có lễ hội truyền thống, vừa là mục tiêu cũng vừa là giải pháp để phát triển du lịch. Lễ hội Đền Hùng tỉnh Phú Thọ vừa được tổ chức hồi tháng 3 âm lịch vừa qua là một ví dụ điển hình. Trong khi đó, Thanh Hóa có nhiều lễ hội đặc sắc, giàu ý nghĩa về mặt lịch sử, văn hóa và giáo dục truyền thống, cũng như góp phần khôi phục và duy trì nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cổ truyền dân tộc và làm phong phú đời sống tinh thần của người dân địa phương. Đây cũng là cơ sở để tỉnh ta xây dựng loại hình du lịch tín ngưỡng - tâm linh. Xét về bản chất, du lịch tín ngưỡng - tâm linh không chỉ là trải nghiệm và tìm hiểu lịch sử - văn hóa của vùng đất hay dân tộc; mà còn là một cách để du khách tìm lại sự bình an, giúp giảm stress và cân bằng cuộc sống. Nhiều lễ hội gắn với các điểm đến tín ngưỡng - tâm linh của Thanh Hóa hiện đang có sức thu hút lớn với khách du lịch, điển hình như lễ hội Lam Kinh, Bà Triệu, Lê Hoàn, Mai An Tiêm, Quang Trung, Cầu Ngư, Sòng Sơn, Mường Xia, Mường Khô, Mường Ca Da, Phố Cát, Cửa Đạt, Phủ Na, Độc Cước, Am Tiên núi Nưa, Hàn Sơn, Lạch Bạng...

Thời gian qua, công tác quản lý, tổ chức lễ hội ở tỉnh ta đã có sự chuyển biến tích cực, góp phần giáo dục truyền thống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của Nhân dân. Nhiều lễ hội lớn được tổ chức trang trọng, an toàn, hiệu quả, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị - xã hội của cả tỉnh và từng địa phương. Mặc dù vậy, thực tiễn tổ chức các lễ hội cũng cho thấy, thời gian tổ chức lễ hội khá ngắn, lại thường trùng với thời gian tổ chức các lễ hội của nhiều địa phương trong tỉnh và trong nước. Cùng với đó, mặc dù có số lượng lễ hội lớn, song phần đa thường giới hạn trong không gian làng xã, việc tổ chức lại đơn lẻ, tản mát nên việc khai thác để đưa vào các tour du lịch của các doanh nghiệp lữ hành cũng gặp không ít khó khăn. Ngoài ra, các điểm đến gắn với các loại hình du lịch tín ngưỡng - tâm linh chủ yếu thu hút khách trong tỉnh; cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch chưa được đầu tư đồng bộ nên chưa thu hút và giữ chân du khách. Chính vì lẽ đó, nhiều ý kiến cho rằng, trong định hướng phát triển sản phẩm du lịch những năm tới, Thanh Hóa cần định vị du lịch tín ngưỡng - tâm linh là dòng sản phẩm quan trọng. Từ đó có sự đầu tư tương xứng để từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh quảng bá, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, quản lý cảnh quan và an ninh, đặc biệt là giữ gìn không gian thiêng của di tích và lễ hội... nhằm xây dựng lễ hội thành sản phẩm du lịch có thương hiệu, có khả năng cạnh tranh và thu hút du khách.

Đặc biệt, nhiều chuyên gia du lịch cho rằng, Thanh Hóa cần lựa chọn một vài lễ hội tiêu biểu, đặc sắc, giàu giá trị để đầu tư một cách bài bản cả về nội dung, quy mô, thời gian tổ chức và kết nối với các điểm đến khác trong tỉnh để hình thành các tour du lịch hoàn chỉnh cung cấp cho du khách. Các lễ hội này cần được lựa chọn căn cứ vào tầm quan trọng, tính chất của lễ hội, giá trị của di tích; đồng thời, căn cứ vào thời gian diễn ra lễ hội, vào khả năng kết nối với các điểm đến trên địa bàn tỉnh để hình thành các tour du lịch. Và điều quan trọng là phải làm tốt công tác quảng bá lễ hội đến với du khách; đồng thời, nắm bắt xu hướng du lịch và nhu cầu của du khách để xúc tiến các thị trường khách phù hợp với sản phẩm; kết nối với các doanh nghiệp lữ hành tổ chức tour đưa khách về lễ hội; tổ chức đa dạng các dịch vụ phục vụ khách khi về lễ hội.

Mong rằng, với việc quản lý, khai thác và phát huy hiệu quả giá trị các lễ hội truyền thống, Thanh Hóa sẽ có thêm sản phẩm du lịch văn hóa tín ngưỡng - tâm linh đặc sắc, hấp dẫn và tương xứng với tiềm năng.

Trần Hằng

Video liên quan

Chủ Đề