Kito giáo là gì

Thời gian: 15/4/2015.

Địa chỉ: Chi’s Café, 207/69 Cách Mạng Tháng Tám, Q10.

Người trình bày: Hồ Trần Thùy Linh, sinh viên Đại học Y Dược Tp.HCM, thành viên SOAC

Người hướng dẫn: Nguyễn Nghị – Dịch giả sách về lịch sử và Công Giáo

 

 I. TỔNG QUAN

Kitô giáo là một tôn giáo đã có hơn 2000 năm lịch sử, kể từ lúc ra đời, nó tồn tại song hành và trở thành một phần quan trọng trong lịch sử phương Tây.

Hiện nay, Kitô giáo là tôn giáo có số lượng tín đồ đông nhất thế giới, khoảng 2,2 tỉ người [ước tính năm 2012], chiếm 1/3 dân số thế giới.

Một số thuật ngữ

  • Thiên Chúa giáo: tôn giáo chỉ tin vào một Thiên Chúa – Đấng toàn năng tối cao và duy nhất, thường gồm những tôn giáo có chung nguồn gốc từ Abraham – người trực tiếp giao ước với Thiên Chúa, là tôn giáo độc thần [gồm Do Thái giáo, Kitô giáo, Hồi giáo và một số tôn giáo nhỏ khác]
  • Kitô giáo: Kitô bắt nguồn từ chữ Christ phiên âm ra tiếng Việt, chỉ tôn giáo thờ và theo lời dạy của Chúa Jesus, có 3 nhánh lớn: Công Giáo La Mã, Chính thống giáo Đông phương và Tin Lành [Kháng Cách]
  • Đốc giáo: phiên âm từ chữ Hán của Christ
  • Công Giáo La Mã: một nhánh của Kitô giáo, cũng là nhánh lớn và lâu đời nhất
  • Giáo hội và các tông đồ: Jesus [Giê su], Peter [Phero], Matthew [Ma-thi-ơ], Mark [Mác-cơ], Luke [Lu-ca], John [Gioan, Giăng], Paul [Phaolo], Quan tổng trấn Pilate [Philato]
  • Kinh thánh: Gồm Cựu ước và Tân ước

Lịch sử sơ lược

II. VÌ SAO KITÔ GIÁO CÓ ĐƯỢC TẦM ẢNH HƯỞNG SÂU RỘNG TRONG LỊCH SỬ PHƯƠNG TÂY

Bao gồm 3 yếu tố chính: Bối cảnh lịch sử, Chúa Jesus, Giáo hội

  1. Yếu tố thứ nhất: Bối cảnh lịch sử

Đế chế La Mã

 

  • Kitô giáo hình thành ở vùng Cận Đông, nằm trong Đế chế La Mã – một trong những đế chế rộng lớn nhất của lịch sử [bao trùm phân nửa châu Âu, phần lớn vùng Cận Đông và vùng duyên hải phía Bắc châu Phi].
  • Lịch sử Kitô giáo bắt đầu từ khi Chúa Jesus ra đời vào khoảng năm thứ 6 – 4 TCN tại Bethlehem, vương quốc Judea.

NỀN TẢNG CHO KITÔ GIÁO RA ĐỜI VÀ PHÁT TRIỂN

Địa lý

+ Lãnh thổ Đế quốc La Mã rất rộng lớn và tương đối thống nhất về hành chính.+ Giao thông thuận lợi, có xây dựng những con đường lát đá nối liền các vùng trên khắp lãnh thổ [chính sách để có thể điều động quân đội nhanh chóng, “Đường nào cũng về La Mã”] thuận lợi cho quá trình truyền giáo của các tông đồ [VD thánh Paul]

Văn hóa, chính trị

+ Chúa Jesus, một người Do Thái, chào đời trong một nền văn hóa Trung Đông bị xâm chiếm bởi văn hóa La Mã – Hy Lạp.+ Thời kì Hòa bình La Mã [Pax Romana] tương đối yên bình, không có chiến tranh, xung đột lớn xảy ra. Một tôn giáo mới có thể hình thành và được tiếp nhận.

Ngôn ngữ

Khá thống nhất, tiếng Hy Lạp và La Tinh sử dụng rộng rãi. Đa số người có thể hiểu được những lời truyền dạy của Jesus.

Niềm tin, tôn giáo

Đa thần giáo [tin vào nhiều vị thần]. Thời kì này đa thần giáo đã bắt đầu suy yếu. Mỗi vị thần tuy có quyền năng nhưng có giới hạn nhất định, có những đặc điểm thần thái rất giống con người, đã không còn phù hợp nữa.

Nền tảng Do Thái giáo và

Triết học Hy Lạp

+ Ban đầu Kitô chỉ là một nhánh của Do Thái giáo, do Jesus lập ra, dễ được người theo Do Thái giáo đón nhận.+ Nhiều câu chuyện, hình ảnh của Kitô giáo là lấy từ Do Thái giáo, Kinh thánh có lấy một phần Cựu ước từ Do Thái giáo.+ Nhờ tính tư duy hệ thống của triết học Hy Lạp mà Jesus xây dựng được cả một ý thức hệ, sống động.

+  Kitô hữu có nhiều người sử dụng nền tảng triết học để nghiên cứu, lý giải lời giảng của Jesus và Kinh thánh, xây dựng thành Thần học  [Justin Martyr, Clement of Alexandria, Augustine, Thomas Aquinos]

+ Triết học Hy Lạp cũng là nền tảng để người dân có thể hiểu và chấp nhận được những lời giảng dạy của Jesus, về một Thiên Chúa quyền năng duy nhất [khó hình dung hơn so với đa thần giáo], về hệ thống tư tưởng đạo đức giáo lý.

Cộng đồng Do Thái

+ Do Thái giáo là đạo của dân tộc Do Thái, Cựu ước là giao ước của Thiên Chúa đối với riêng người dân Do Thái. Tuy nhiên, có những người không thuộc dân tộc Do Thái nhưng muốn theo đạo thờ một Thiên Chúa, làm theo kinh Torah à mâu thuẫn.

 Mong muốn có những giáo lý mới phù hợp, giải quyết nhu cầu và quyền lợi của họ.

+ Dân tộc Do Thái thường xuyên bị lưu đày làm nô lệ, áp bức, sống dưới sự cai trị của Đế chế La Mã, tuy vào thời Jesus họ vẫn cố kiềm chế không có phản ứng công khai nào, nhưng họ luôn kì vọng vào sự xuất hiện của một vị Cứu tinh, hậu duệ của vua David như lời tiên đoán trong kinh Cựu ước, giải phóng họ khỏi sự thống trị của La Mã, mong muốn có một đấng tối cao có thể thay đổi và giải quyết mâu thuẫn này.

+ Vùng đất mà Jesus sinh sống và đi rao giảng đều là những nơi nông dân nghèo sinh sống, kinh tế thương mại không mấy phát triển, đời sống khó khăn, luôn lo sợ bị bức hại à nhu cầu được che chở, dễ tin và đi theo điều mới.

Điều kiện thuận lợi để tôn giáo mới ra đời và đó chính là Kitô giáo.

Sự kiện chính trị

+ Khi mới ra đời, Kitô giáo chỉ là một nhánh của Do Thái giáo, không bị chính quyền La Mã ngăn cấm. Dần dần, giáo lý Kitô giáo có nhiều khác biệt, lượng tín đồ tăng lên, những người Do Thái giáo vừa ganh ghét vừa sợ hãi, tìm cách hãm hại [phái Pharisee với Jesus]. Chính quyền La Mã bức hại ngày càng nghiêm trọng, thậm chí người Kitô giáo phải xuống dưới lòng đất sinh sống.

+ Năm 312, Hoàng đế Constantine nhận được điềm báo Thập tự giá, rồi chiến thắng Maxentius ở trận Cầu Milvian, thâu tóm quyền lực Đông và Tây. Năm 313, ông ra chỉ dụ Milano cho phép người Kitô giáo được tự do hành đạo.

+ Năm 380, Theodosius I chính thức công nhận Kitô giáo là quốc giáo của đế chế La Mã.

 La Mã là đế chế hùng mạnh rộng lớn, việc một tôn giáo trở thành quốc giáo làm lượng tín đồ tăng lên rất đáng kể.

Hỏi

Đa thần giáo vẫn có Thần Zeus là người có quyền năng lớn nhất, cai quản hết các thần linh khác, vậy Zeus có khác gì so với Thiên Chúa duy nhất?

Đáp

Trong đa thần giáo thì vẫn có thần Zeus là người đứng đầu đỉnh Olympus nhưng thần Zeus  được mô tả rất có “tính người” [hay chơi bời, có con ở nhiều nơi, lật đổ cha mình để lên nắm vị…], nhiều thần nhưng mỗi người chỉ cai quản một lĩnh vực, con cái có thể đánh nhau với cha mình. à Sự đứng đầu này không phải là tuyệt đối, không có sự tập trung quyền năng. Chính những điểm hở này làm con người có niềm tin không hoàn toàn, dễ lung lay, quyền lực không triệt để, khác biệt so với một Thiên Chúa là “đấng toàn năng và duy nhất”.

Hỏi

Tại sao người ta lại thích những tôn giáo có vị thần mang tính trừu tượng hơn những tôn giáo có thần linh mang tính cụ thể, rất con người và có thể chạm tới được?

Đáp

Vào thời gian đó, con người đã tìm hiểu nhiều hơn về thế giới xung quanh, tư duy và lối sống cũng thay đổi, niềm tin vào việc có nhiều vị thần khác nhau cai quản những lĩnh vực cụ thể trở nên khó thuyết phục, đặt ra nhiều câu hỏi, quyền lực hạn chế cũng không đáp ứng được mong muốn cầu xin của con người. Hình ảnh một Thiên Chúa toàn năng ra đời là cách giải thích mới về thế giới một cách rất trừu tượng và bao quát, nó phải mất nhiều thời gian để mọi người có thể biết đến và bị thuyết phục. Còn nhiều yếu tố khác, ngoài việc thích hay không, khiến con người tin theo một tôn giáo nào đó, ví dụ sự phù hợp với bản thân, lợi ích khi theo tôn giáo đó, truyền thống gia đình, quốc giáo của một quốc gia v.v.

 2. Yếu tố thứ hai: Chúa Jesus

Cuộc đời

+ Jesus xứ Nazareth, sinh khoảng năm 6- 4 TCN tại Bethlehem.

+  Ông là người Do Thái, tên tiếng Hebrew là Yehoshua, nghĩa là “Thiên Chúa là đấng cứu độ”.

+ Năm 27, Jesus được John Baptist làm phép thánh, sau đó Jesus đi rao giảng và làm phép trong khoảng 3 năm cuối đời.

+ Năm 30, Jesus đến thành Jerusalem trong Lễ Vượt qua. Jesus bị cáo buộc xúi giục nổi loạn và kết án đóng đinh vào cây thập giá bởi Tổng đốc Pontius Pilate. Theo Kinh Thánh thì Jesus đã sống lại vào ngày thứ ba sau khi chết trên thập tự giá [Phục sinh], gặp lại các môn đệ ở nhiều nơi khác nhau trong 40 ngày trước khi về trời.

Rao giảng

+ Theo Kinh Thánh, Jesus đã cùng các môn đồ đi khắp xứ Galilea để giảng dạy và chữa bệnh, Jesus tự xưng mình là Con Người [the Son of man – tức Con của loài người], đồng thời trong Phúc âm Matthew Jesus được gọi là Con Thiên Chúa [the Son of God].

+ Nhận mình là người chăn dắt con chiên [shepherd], đưa ra “lời dạy về cách ứng xử hàng ngày, thờ phụng, đức tin”.

Nội dung

[1] Jesus giảng dạy quan điểm về sự tôn trọng, tình yêu thương con người

Dạy phải yêu thương những người quanh mình, xem con người đều là như nhau, đều là con của Thiên Chúa nên phải yêu thương như anh em à Cách nghĩ mới so với thời đại.

Đặc biệt là rất quan tâm người nghèo khó, bệnh tật, nông dân, người lao động à tìm được sự đồng cảm, dễ chấp nhận theo tôn giáo mới.

[2] Giao ước mới giữa con người với Thiên Chúa [Tân Ước]

Đặt con người lên vị thế cao hơn so với các loài khác, con người là tạo vật đặc biệt, là con của Thiên Chúa [quan trọng: con người nói chung, miễn sao có đức tin nơi Thiên Chúa, chứ không phải nhất thiết chỉ là dân tộc Do Thái như Kinh Cựu ước].

Sự phán xét Đến ngày Tận thế, khi tất cả con người đều nhóm lại trước mặt Thiên Chúa, Chúa sẽ chia nhóm người ra, nói tất cả công – tội đã được ghi chép lại, rồi phán xét kẻ nào được lên Thiên Đàng, sống ở Nước Trời đời đời cùng Thiên Chúa, kẻ nào phải xuống Địa Ngục đời đời chịu khổ [có thưởng – phạt: điểm mới so với Do Thái giáo] à có một mục tiêu là sống sao cho phù hợp với lời dạy để đến ngày Phán xét được lên Thiên đàng.

Đem đến ý nghĩa cho cái chết Cái chết của cơ thể vật lý, rồi chờ ngày phán xét để đến với Thiên Đàng cùng Thiên Chúa, sống cuộc sống thực sự à không còn quá sợ hãi cái chết. Niềm tin vào cuộc sống sau cái chết, về linh hồn được sống vĩnh cữu.

[3] Khẳng định phải có đức tin, niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa và lời dạy của Jesus

 “Vậy, kẻ nào nghe và làm theo lời ta phán đây, thì giống như một người khôn ngoan cất nhà mình trên vầng đá. Có mưa sa, nước chảy, gió lay, xô động nhà ấy, song không sập, vì đã cất trên đá. Kẻ nào nghe lời ta phán đây, mà không làm theo, khác nào như người dại cất nhà mình trên cát. Có mưa sa, nước chảy, gió lay, xô động nhà ấy, thì bị sập, hư hại rất nhiều.” [Matthew, 7, 24-27]

      Lựa chọn đơn giản, dễ thực hiện: chỉ cần có đức tin và làm theo lời dạy à phù hợp với người nghèo khó, quả phụ, dân tộc bị áp bức; không khó khăn như tu tâm dưỡng trí của Đạo Khổng, không triết lý sâu xa như Phật giáo.

Đối lập là hình phạt, điều xấu cho những kẻ không có đức tin.

Độc thần đòi hỏi niềm tin mạnh mẽ hơn, tuyệt đối hơn à tập trung sức mạnh.

Cách thức Cung cách giảng dạy của Jesus mang thẩm quyền, uy lực cùng với kỹ năng diễn thuyết điêu luyện, sử dụng nhiều phương pháp khác nhau như phép nghịch lý, những lời nói lặp lại, phép ẩn dụ, các truyện dụ ngôn [những mẩu chuyện với hoạt động cụ thể, kèm theo lời ẩn ý giảng dạy], mang tính khẳng định cao, ví dụ trực quan, dễ hiểu, dễ nhớ. Nhắm đến đúng đối tượng. Củng cố niềm tin bằng những phép màu, chữa bệnh, cứu người.

Quan trọng: cuộc đời của Chúa Jesus ứng với những lời tiên tri và lời giảng dạy

+ Những hành động phù hợp với lời tiên tri trong Cựu ước [sẽ có Đấng đến cứu thế, vào thành Jerusalem cưỡi trên lưng lừa, phán đúng về người đàn bà bên giếng nước, vào thành kiếm nhà chuẩn bị bữa tiệc ly] à dựa vào niềm tin có sẵn của người dân với kinh Cựu ước để thiết lập niềm tin vào thân thế của Jesus.

+ Thời đó không phải chỉ một người nhận mình là Messiah, nhưng chỉ có Jesus đem cái chết của chính mình để cứu chuộc cho tội lỗi của loài người. Chúa Cha đã hi sinh đứa con của mình – Jesus là Chúa Con, xuống trần thế để rao giảng cho con người biết Tin mừng, rồi nguyện hi sinh thân xác đó để cứu chuộc con người à hi sinh to lớn, tăng sức thuyết phục.

+ Ý nghĩa của sự Phục Sinh: chứng minh Jesus đúng là con của Thiên Chúa, và cũng là Thiên Chúa, có quyền năng vượt qua được cái chết, hiện xuống ban phép màu niềm tin vào sự sống sau cái chết.

 Củng cố niềm tin vào Thiên Chúa mà Jesus giảng dạy.

 3. Yếu tố thứ 3: Giáo hội

  • Giáo hội [hiện nay là nói đến Giáo hội Công Giáo Roma].
  • Từ 12 tông đồ ban đầu, phát triển nên một giáo hội lớn mạnh.
  • TK I TCN – TK XI

+ Ngay từ đầu, Giáo hội được lập ra [bởi những tông đồ được Jesus chọn] đã có mục đích rất rõ ràng: lan truyền đạo [hay Tin Mừng] càng xa càng tốt, đến được càng nhiều người càng tốt. Mỗi người nhận được tin mừng cũng phải là người đi lan truyền tin mừng đến gia đình, bạn bè, những người xung quanh → lan nhanh.

+ 12 vị tông đồ là người được trực tiếp nghe lời giảng của Jesus.

Thánh Paul: vốn là quan lại của La Mã, sau biến cố trên đường đến Damacus đã tin và đi theo Kitô giáo. Ông là người có học vấn cao, có vai trò quan trong trong việc truyền đạo Kitô giáo ra rộng khắp Đế chế La Mã.

+ Diễn dịch Kinh thánh, viết lại những câu trả lời liên quan đến Chúa Jesus và những lễ nghi, ý nghĩa, quyền và nghĩa vụ của Giáo hội [14 trong tổng số 27 quyển thuộc Kinh thánh liên quan đến Thánh Paul].

+ Đi khắp Đế chế La Mã để rao giảng [Tarsus – Antinoch – Esophasus – Philippi – Corinth – Syracuse – Roma] đem Kitô giáo đến Roma – trung tâm của La Mã [năm 30-50].

+ Lựa chọn trở thành tôn giáo cho cả những người không Do Thái

Khi xác định Kitô giáo dành cho mọi người  tín đồ tăng lên đáng kể.

Vai trò của Giáo hội:

1. Giữ sự ổn định, vững chắc cho đức tin về Thiên chúa: Đưa ra những xác tín quy định cụ thể, thống nhất về những tín điều phải tin và làm theo  tránh lung lay niềm tin, giữ cho đức tin tập thể thống nhất, chắc chắn.

Đế chế La Mã suy yếu, chiến tranh liên miên, các vị hoàng đế tranh giành quyền lực, tình hình bất ổn, giáo hội đã cưu mang giúp đỡ, chữa bệnh cho người nghèo, giúp người dân cảm thấy được che chở  cải đạo, số lượng tín đồ tăng lên.

  • Năm 476, Tây La Mã sụp đổ  thời kì trung cổ, rối ren về chính trị, lãnh thổ chia rẽ, cát cứ, có nhiều lãnh chúa cai trị. Chỉ còn lại nhà thờ và Giáo hội là nơi coi trọng, lưu giữ các giá trị văn hóa, lịch sử  nhiều người tìm đến đức tin tôn giáo để được an ủi, ảnh hưởng đến đời sống văn hóa.
  • Quyền lực giáo hội lớn dần trong thời kì trung cổ, có vùng đất riêng, quân đội riêng, có quyền lực như là một đế chế. Can thiệp nhiều hơn vào đời sống thế tục, Thần quyền cũng đi liền với Thế quyền.

2. Xây dựng đoàn ngũ những người phụng vụ cho đức tin [Giáo hội] một cách hệ thống, có trật tự và vững chắc.

Hệ thống tổ chức chặt chẽ: Giáo hội Công Giáo La Mã hiện nay gồm 23 phương tự trị: Lớn nhất là Giáo hội Latin với hơn 1 tỉ người, nhỏ hơn là 22 phương tự trị giáo hội ở Đông phương với 17,3 triệu giáo dân [phân biệt với Chính thống giáo Đông phương].

Có phân cấp, chức vụ, quyền hạn rõ ràng:

Giáo hội Công Giáo  Giáo phận  Giáo xứ

Giáo hoàng, Hồng y, Giám mục, Linh mục, Phó tế.

3. Bảo đảm vai trò của đức tin trong đời sống giáo dân, giữ được lượng tín đồ ổn định.

  • Toàn bộ đời sống phụng vụ của Giáo hội xoay quanh việc giảng dạy giáo lý, cử hành Thánh lễ và các bí tích cho giáo dân.
  • Đã theo Kitô giáo tức là xem tất cả mọi người Kitô hữu là gia đình của mình, có thể đi nhà thờ ở bất cứ đâu trong hệ thống Giáo hội, mọi người đều có trách nhiệm khuyên răn dạy dỗ. Chăm sóc tinh thần từ khi sinh ra được rửa tội, lớn lên học giáo lý, kết hôn thì làm lễ hôn phối ở nhà thờ, chết đi cũng làm lễ trước khi qua đời.
  • Hình phạt rút phép thông công, vạ tuyệt thông: đặt người đó ra ngoài xã hội, không nằm trong cộng đồng, không được chăm sóc về tinh thần. Những người bị vạ tuyệt thông thì mất quyền lãnh nhận các bí tích  hình phạt nặng nề với người trong đạo.
  • Tính gia đình, truyền thống: phải lấy người cùng theo đạo, con của người theo Kitô giáo cũng được mặc nhiên xem như thuộc Kitô giáo: sinh ra được rửa tội, lớn lên cho học giáo lý, đi lễ nhà thờ mỗi cuối tuần [Hiện nay đã có nới lỏng hơn, ví dụ như có thể kết hôn với người không theo đạo nhưng phải học giáo lý].

 Kitô giáo luôn hiện hữu và giữ vai trò thường trực trong đời sống hàng ngày  góp phần duy trì lượng tín đồ đông và ổn định.

III. CÂU HỎI VÀ THẢO LUẬN

1. Chúa Jesus chịu chết để cứu chuộc cho loài người tồn tại. Vậy nếu ông không chết thì loài người sẽ như thế nào?

Theo Kinh thánh, khi Jesus chuẩn bị bị bắt, ông đã quỳ lạy 3 lần cầu xin Chúa cha để qua được cơn này. Nhưng sau khi quỳ lạy thì chúa Jesus đã hiểu đây là việc phải làm, và là nhiệm vụ của mình, đem cái chết của mình để cứu chuộc cho tội lỗi của loài người [loài người mang tội tổ tông ngay từ khi mới sinh ra].

 Cái chết của Jesus là một điều không thể tránh khỏi, nó là minh chứng cần có cho lời của Jesus là đúng, rằng ông chính là Thiên Chúa và yêu thương loài người như là con của mình, sẵn sàng hi sinh, có thể đem cái chết để cứu chuộc cho tội lỗi to lớn mà con người đã phạm phải.

Không thể trả lời chính xác rằng nếu Jesus không chết thì mọi việc sẽ diễn ra như thế nào, vì con người vẫn đang sống và Chúa đã chết cứu chuộc cho loài người. Tất cả giáo lý này đều dựa trên niềm tin về ý nghĩa cái chết của Jesus. Có nhiều giả thiết cho việc nếu Jesus không chết thì sẽ như thế nào, có lẽ nền tảng đức tin về sự hi sinh to lớn, và qua đó thể hiện Chúa cha yêu thương con người, sẽ mất đi một minh chứng thuyết phục, và tôn giáo sẽ đi theo một hướng rất khác hiện nay.

2. Việc phục sinh của Jesus đã diễn ra như thế nào? Mọi người có nhìn thấy ông sống lại hay không? Về mặt vật lí Jesus chết thật sự hay sao?

Sự phục sinh: theo mô tả trong Kinh thánh, Jesus sau khi chết được táng trong mộ, bên ngoài chắn một tảng đá rất lớn. Jesus đã từng nói “3 ngày sau ta sẽ sống dậy”. Khi 3 môn đồ là bà Marie, ông Peter và ông John đến để kiểm tra, họ thấy tảng đá đã bị đẩy ra và không thấy thi thể Jesus. Ông John tin rằng Chúa thánh thần đã đẩy hòn đá và Chúa Jesus đã phục sinh.

Chúng ta không đủ dữ kiện để kiểm chứng xem lịch sử có diễn ra đúng như vậy không, nhưng có thể khẳng định sự Phục sinh của Jesus đóng vai trò quan trọng trong giáo lý của Kitô giáo, qua việc Phục sinh Jesus đã chứng tỏ mình đúng là Thiên chúa, có quyền năng vượt qua được những việc bình thường của con người như là cái chết, do đó có quyền năng cứu chuộc con người.

3. Theo mình biết, có 3 ngôi: Chúa cha, Chúa con, Chúa thánh thần. Bạn có nói, Jesus đồng nhất mình với Chúa, điều này có cho thấy rằng Chúa cha và Chúa con là một hay sao? Theo mình biết, Jesus là ngôn sứ của Chúa ban xuống cho loài người. Như vậy rốt cuộc, Jesus đồng nhất với Chúa hay là ngôn sứ của Chúa?

Khái niệm Thiên Chúa Ba ngôi đã gây tranh cãi rất nhiều trong quá trình phát triển của Kitô giáo, có nhiều ý kiến không chấp nhận khái niệm này và bị xem là lạc giáo, có một cách lý giải được Giáo hội Công giáo La Mã và đa số Kitô hữu chấp nhận rộng rãi, đó là: Chúa cha, Chúa con, Chúa thánh thần là 3 ngôi vị trong một bản thể. Một bản thể là Thiên Chúa nhưng có tới 3 ngôi vị: Chúa cha là đấng đã tạo ra thế giới, Chúa con  là Chúa Jesus xuống hạ giới để cứu chuộc cho con người, Chúa thánh thần thể hiện các phép để con người có thể tin theo. Nhưng 3 ngôi vị đều thuộc một bản thể là Thiên Chúa và thuộc một đức tin là Kitô giáo.

Thiên Chúa có 3 vai trò khác nhau: vai trò thứ nhất, tạo dựng nên trời đất và con người, sau đó Thiên Chúa làm công việc thứ 2, vai trò cứu độ con người. Vai trò thứ 3 đối với loài người là giáo lí nội tâm hóa, nếu mình không làm theo đúng lương tâm ta nêu lên, nó làm ta áy náy lương tâm của mình. Một Thiên Chúa có 3 hành động cương vị và chức năng khác nhau.

Đây đều là những niềm tin được đông đảo người theo Kitô giáo tin và chấp nhận, họ xem đó là nền tảng cho giáo lý và đức tin của mình, khi xem xét một tôn giáo phải đặt trong bối cảnh xã hội của nó mới có thể hiểu được suy nghĩ của những người tin theo tôn giáo đó.

4. Khái niệm thiên đàng, địa ngục xuất phát khi nào? Nó hình thành với mục đích gì? Có làm cho Kitô giáo mất bản chất độc thần hay không?

Kitô giáo tin vào một Thiên Chúa nhưng vẫn có những khái niệm nhị nguyên [thiện – ác, thiên đàng – địa ngục]. Khái niệm Thiên đàng – Địa ngục trong Kitô giáo ban đầu không rõ ràng, đó là nơi mà con người sẽ đến sau khi bị phán xét bởi Chúa rằng có công hay tội. Mãi sau này đến thời Dante mới có một hình ảnh hình dung được về Địa ngục.

Tuy nhiên, Thiên đàng hay Địa ngục, Satan hay Lucifer đều là do Thiên chúa tạo ra, để thử thách và răn dạy con người, Thiên chúa vẫn có quyền năng tối cao hơn tất cả.

Sự phân biệt “độc thần” và “đa thần”, độc thần có trước hay đa thần có trước?

Có 2 giả thuyết:

+ Khởi đầu là đa thần, mỗi dân tộc có một thần, dân tộc này đánh dân tộc kia, nếu nhóm nào thua thì vị thần bên đó thua vị thần bên này. Người ta khẳng định các vị thần không hẳn là thua mà vì họ không hiện diện trên Trái Đất này, chỉ có thần tôi hiện diện là đúng, dần dần loài người đi từ đa thần đến độc thần.

+ Giả thuyết thứ hai ban đầu có một thần là chúa trên cao nhưng như vậy là chưa đủ, quá xa nên không thể cai quản hết và tạo nên các vị thân trung gian có chức năng khác nhau à quan niệm từ độc thần đến đa thần.

⇒ Trong Do thái giáo và Kitô giáo, Thiên Chúa là duy nhất và luôn đúng, ngài tạo ra mọi thứ vạn vật. Quỷ dữ cũng là taọ vật của Thiên Chúa, lòng tin của Kitô giáo về Thiên đàng – Địa ngục là hai nơi đối nghịch với nhau chứ không phải là có vị thần riêng đối đầu với Thiên Chúa. Hiện tại vấn đề vẫn còn gây tranh cãi, ví dụ như hỏa ngục là gì, nhiều người Kitô giáo không tin có nơi luận tội, giam cầm và lửa đốt. Cùng với sự phát triển xã hội, họ lý giải hỏa ngục không phải là một nơi cụ thể mà là trạng thái làm con người đau đớn hơn cả việc đau đớn về hình hài, thể xác. Cái khổ đó do chính mình chọn chứ không phải do Thiên chúa làm ra. Đáng lẽ mình làm theo cái này, nếu không làm theo thì mất sự an bình trong mình, tự mình chọn lấy cái bất an chứ không phải Thiên Chúa đẩy mình vào.

5. Kitô giáo có nguồn gốc từ do Thái giáo là như thế nào?

Jesus là người Do Thái, bản thân ban đầu Kitô giáo cũng chỉ là một nhánh của Do thái giáo, dựa trên kinh Cựu ước, có sáng tạo ra thêm nhiều yếu tố mới. Sau khi Jesus qua đời, các vị tông đồ mới có sự diễn giải, Kitô giáo cho rằng cần phải yêu thương người xung quanh và việc này quan trọng ngang bằng hoặc hơn so với việc yêu thương Thiên Chúa. Điều này mâu thuẫn với Do thái giáo – vốn cho rằng Thiên Chúa phải đặt trên hết. Một điều nữa là Kitô giáo xác định là tôn giáo cho mọi người, khác với Do Thái giáo là tôn giáo cho một dân tộc Do Thái. Cùng với việc Jesus và những người theo Kitô giáo được giới cầm quyền La Mã cho là có tư tưởng nổi loạn, người Do Thái càng lo sợ sẽ bị vạ lây đàn áp, họ cũng không còn hòa hợp với Kitô giáo nữa. Chính những mâu thuẫn này đã làm cho Kitô giáo dần tách ra khỏi Do Thái Giáo, việc viết kinh thánh Tân ước càng khiến sự chia tách rõ ràng hơn.

6. Từ khi Kitô giáo hình thành, tại sao trong thời kì đầu không bị chia tách nhưng càng về sau lại có sự chia nhiều nhánh tôn giáo khác nhau như vậy?

Đại Ly giáo Đông – Tây: Khi Đế chế Tây la Mã sụp đổ, Kitô giáo đã phát triển rộng khắp châu Âu, phía Tây do giáo hội Roma quản lí, phía Đông có trung tâm quyền lực nằm ở Constantinople. Bên này bên kia vốn mâu thuẫn quyền lực lẫn nhau và có sự tranh cãi về nguồn gốc Chúa thánh thần [có từ Chúa cha “và” Chúa con hay không?], không thống nhất về giáo lý. Hai bên vốn không muốn phụ thuộc vào nhau, bên nào cũng nhận mình là đúng đắn hơn, theo lời dạy của Chúa Jesus chính xác hơn. Năm 1054, giáo hội hai bên rút phép thông công lẫn nhau, sau đó do không có sự giao lưu trao đổi nên hai bên đã tách biệt.

Cải cách tôn giáo: Là sự ly khai lớn thứ  hai trong lịch sử tôn giáo. Vào thế kỉ XVI, Giáo hoàng cần tiền để xây dựng giáo đường nên cho phép bán giấy giải tội, gây nhiều sai trái và bất bình, khởi đầu bằng việc Martin Luther đưa ra những lời diễn giải khác về Kinh thánh. Sự tranh cãi là về lý thuyết “Con người vốn được Thiên Chúa cứu rỗi và vì tôi được cứu rồi nên cần có những hành động phù hợp với cương vị mới khi Thiên Chúa trao cho tôi” hay là “Thiên Chúa cứu tôi vì tôi đã trở nên thánh thiện bằng các hành động của tôi”, từ đó người ta có các hành động như: tôi phải đi lễ, cúng bái, mua giấy giải tội để được ơn phước  đi lạc ra ngoài lời dạy của Chúa. Theo diễn giải của Luther, mỗi người tự tìm thấy giải tội của mình thông qua đọc Kinh thánh, tin và làm theo lời Thiên Chúa chứ không cần những lời diễn dịch của giáo hội, phủ nhận vai trò của Giáo hội.

Chính những mâu thuẫn trong việc giải thích kinh thánh và thêm nhiều yếu tố khác như tranh cãi quyền lực  sự đấu tranh  khi có đủ quyền lực thì nó tách ra thành nhánh riêng.

7. [Lời bác Nghị] Có mấy việc phải nói rõ:

[1] Tên gọi Thiên Chúa giáo: tồn tại ở Việt Nam nhưng chỉ thịnh hành từ 1975. Đây là từ nhà nước thường sử dụng trong các văn kiện nhà nước, muốn tránh dùng từ “Công Giáo”. Vì vậy, trong tờ báo xuất hiện từ năm 1975 có đoạn ngắn của Nguyễn Ngọc Lan, ông muốn nói rõ về tôn giáo này: công này công cộng, nhấn mạnh từ công cộng không phải nói tới quốc gia mà muốn nói tới tôn giáo chấp nhận mọi văn hóa, nó khác với lại Do Thái Giáo, dành riêng cho một dân tộc nhất định chứ người ngoài hay người không phải Do Thái Giáo không thể theo được.

[2] Vấn đề thứ 2 lòng tin, ở đây xuất hiện nhiều vấn đề, tin có thể có 3 thái độ: tin rằng, tin là, tin ở hay tin vào như chúng ta thường thấy. Tôi “tin là” có thể xảy ra hay không, nó mang tính chắc chắn, lý trí. “Tin vào” hàm chứa tình người, dựa vào những dấu hiệu cụ thể liên quan đến tư duy, nhưng không phải niềm tin mù quáng, không thể chỉ nói vì tin vào Chúa mà làm điều gì cũng được.

Thắc mắc này đều của hầu hết những người khi tiếp xúc với Kitô giáo. Khi nói về tôn giáo, đụng tới vấn đề nào cũng cần đặt ra câu hỏi. Ví như nếu gặp một người theo tôn giáo nào đó và hỏi họ, họ sẽ trả lời rõ ràng, tôi tin vào Thiên Chúa 3 ngôi và chắc chắn vậy rồi. Tôi tin có luận tội, có hỏa ngục, có thiên đàng… Tuy nhiên càng ngày đụng tới sự phát triển của nhân loại, đụng tới phát mình trí óc và phát triển chung nhân loại, họ bắt đầu quay lại đặt câu hỏi cho những vấn đề họ vốn thuộc lòng và chấp nhận.

Thái độ khi tìm hiểu bất kì một tôn giáo nào, hoặc cụ thể như Kitô giáo, là: Đừng tìm hiểu nó đặt ngoài thế giới quan mà phải đặt nó vào trong thế giới của khoa học xã hội và nhân văn, trong cái khám phá trí óc con người, trong các yếu tố lịch sử của nhân loại. Chúng ta phải sử dụng tất cả khả năng chúng ta có, trong cái suy tư, cả con tim chúng ta cảm nhận, chứ đứng để sống mãi trong sự ấu trĩ. Phải biết đặt lại vấn đề, tìm cách soi sáng niềm tin, cứ mạnh dạn với suy nghĩ, đó là cách rất tốt để học hỏi.

8. Mối quan hệ giữa Kitô giáo với các tôn giáo giáo khác như thế nào, vì theo con cảm nhận dường như các tôn giáo hiện tại có xu hướng đồng quy, cách giải thích giáo lí tựa như nhau.

Đối với tôn giáo, thường hay có hồi đầu mới tách ra, muốn khẳng định mình là riêng nên nhấn mạnh vào điểm khác biệt, nhưng sau này lại có xu hướng nhập vào, tìm những điểm chung. Ví dụ: Do Thái Giáo và Kitô giáo khi tách ra thì cố chứng tỏ mình khác với cái đã tách ra. 2000 năm sau lại tìm thấy cái chung mà cả hai sát lại, gặp nhau và nó là một. Hay như Tin Lành với lại Công Giáo cũng tách ra. Thế hệ đầu tiên của Tin Lành tách ra lại cảm thấy rằng tách ra mà lẻ loi như vậy phải có cái quyền lực trung tâm nào đó mình mới mạnh trong xã hội, lại có một xu hướng tìm điểm chung với nhau. Hiện nay có nhiều tổ chức liên ngành để tìm điểm chung giữa các tôn giáo. Có những điểm chung tạo nên tôn giáo, giáo lý của Kitô giáo có những điều giống với những tôn giáo khác, làm cơ sở cho sự hợp nhất. Hiện tại có lẽ còn rất lâu mới đạt đến cái sự hợp nhất giữa các tôn giáo đó.

 IV. TỔNG KẾT

Tôn giáo vừa ảnh hưởng lên dòng lịch sử của nhân loại, vừa hiện diện rất thường trực trong đời sống hàng ngày. Nó thường khiến người ta đặt ra nhiều thắc mắc khó lý giải được cho tất cả mọi người hiểu, vì nó đụng đến vấn đề niềm tin. Ta nên xem xét những giáo lý của Kitô giáo trong một bối cảnh lịch sử cụ thể, hiểu được nguồn gốc vấn đề, xem xét nhiều yếu tố tác động, để có cái nhìn rõ ràng nhất về tôn giáo mà không bị thiên kiến.

Video liên quan

Chủ Đề