Lấy ví dụ phân tịch phong cách Hồ Chí Minh

[Canhsatbien.vn]-

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Trọn cả cuộc đời mình, Hồ Chí Minh đã hiến trọn cho cách mạng, cho hạnh phúc của nhân dân. Nay Người đã đi xa nhưng tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người đã và đang được các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập, làm theo. Phong cách Hồ Chí Minh là một phần quan trọng không thể thiếu trong toàn bộ di sản vô giá mà Người để lại cho dân tộc và nhân loại. Phong cách Hồ Chí Minh xuất phát từ cuộc đời hoạt động cách mạng hết sức sôi nổi và phong phú của Người, là sự kết tinh của tinh hoa văn hóa dân tộc với tinh hoa văn hóa của nhân loại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng phong cách làm việc tập thể, dân chủ.

Phong cách Hồ Chí Minh là một chỉnh thể bao gồm: phong cách tư duy, phong cách làm việc, phong cách diễn đạt, phong cách ứng xử, phong cách sinh hoạt. Năm mặt chủ yếu này tạo thành hệ thống phong cách Hồ Chí Minh, thể hiện một cách tự nhiên trong cuộc sống của Người, để Người trở thành con người toàn vẹn chân - thiện - mỹ. Học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh là học tập và làm theo Người về phong cách tư duy độc lập, tự chủ và sáng tạo; phong cách làm việc khoa học, tập thể - dân chủ, quần chúng; phong cách diễn đạt kết hợp hài hòa giữa cái dân gian với cái bác học, cái cổ điển truyền thống với cái hiện đại, giữa phong cách phương Đông và phong cách phương Tây; phong cách ứng xử đầy nhân văn, khiêm nhường, nhã nhặn, lịch lãm và bình dị; phong cách sinh hoạt giản dị, thanh cao...

Phong cách làm việc Hồ Chí Minh

Phong cách làm việc Hồ Chí Minh - một bộ phận cấu thành phong cách Hồ Chí Minh, là nguyên tắc lề lối làm việc, chỉ đạo cách mạng của Người. Phong cách làm việc Hồ Chí Minh bao gồm: phong cách làm việc quần chúng; phong cách làm việc tập thể - dân chủ và phong cách làm việc khoa học. Phong cách làm việc là một trong những yếu tố làm nên ảnh hưởng to lớn và lâu bền của nhân cách Hồ Chí Minh đối với Đảng, với dân tộc Việt Nam và quốc tế. Với 24 năm trên cương vị đứng đầu Đảng và Nhà nước ta, lãnh tụ tối cao của dân tộc, Người đã có một phong cách làm việc mẫu mực trong công tác để lại tấm gương lớn cho các thế hệ mai sau. Từ sự thấm nhuần thế giới quan, phương pháp luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tinh hoa văn hóa nhân loại, từ truyền thống văn hóa dân tộc, từ tư duy và thực tiễn cuộc đời hoạt động của mình, Hồ Chí Minh đã tổng kết khái quát, hình thành những luận điểm đúng đắn về cách làm việc. Hồ Chí Minh đã từng làm nhiều việc để sống và hoạt động cách mạng, đảm nhận những trọng trách, công việc khác nhau cả ở Việt Nam và thế giới. Điều mà Hồ Chí Minh quan tâm đó là lối làm việc của một người cách mạng, của một chiến sĩ cộng sản suốt đời chiến đấu cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Qua nghiên cứu cho thấy, Người thường dùng các thuật ngữ như: cách làm việc, cách tổ chức, cách lãnh đạo, lối làm việc, tác phong, lề lối, kiểu cách, cách thức làm việc, cách làm khôn khéo... để nói đến phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng. Có thể thấy rằng, mặc dù Hồ Chí Minh dùng thuật ngữ ấy trong những hoàn cảnh cụ thể khác nhau nhưng về thực chất đó chính là tư tưởng của Người về phong cách lãnh đạo của Đảng, phong cách làm việc của người cán bộ cách mạng.

Ngay từ năm 1927, Hồ Chí Minh đã sớm quan tâm đến cách làm việc của cán bộ và huấn luyện lối làm việc cho cán bộ để cho họ có thể học cách làm việc. Sau khi nước nhà độc lập, sớm phát hiện thấy những khuyết tật về cách làm việc của cán bộ chính quyền các cấp, Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng, cán bộ chăm chỉ làm việc chưa đủ, cần phải biết cách làm việc cho có phương pháp. Đến tháng 10 năm 1947, Bác đã viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc nhằm sửa chữa những sai sót lệch lạc, chấn chỉnh công tác cán bộ, đảng viên theo những chuẩn mực đạo đức cách mạng và những nguyên tắc làm việc của một Đảng cầm quyền. Thực tiễn suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người đã nêu tấm gương sáng ngời về phong cách làm việc của người cán bộ cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân noi theo.

Phong cách làm việc của Hồ Chí Minh là một quy trình áp dụng từ việc to đến việc nhỏ, từ những công việc của Đảng và Nhà nước giao phó đến những của cá nhân. Người đã chỉ rõ quy trình đó là phải tổ chức sự thi hành cho đúng, phải tổ chức sự kiểm tra, kiểm soát. Khi đã có chính sách đúng thì sự thành công hay thất bại của chính sách đó là nơi tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài thì chính sách đúng mấy cũng vô ích. Những vấn đề này chúng ta lại thấy rất có ích trong tình hình hiện nay về tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Đảng ta và luôn là bài học có giá trị sâu sắc trong thực tiễn lãnh đạo cách mạng của Đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ rõ, phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực và phong cách làm việc của người cán bộ, đảng viên có mối quan hệ với nhau và thường xuyên thâm nhập vào nhau, chuyển hóa, hỗ trợ, tạo tiền đề cho nhau và là điều kiện của nhau. Phẩm chất, năng lực là cơ sở nền tảng, quyết định sự hình thành, phát triển và không ngừng hoàn thiện phong cách làm việc. Người coi phẩm chất chính trị, đạo đức là cái gốc, là cơ sở nền tảng, là những yếu tố quan trọng tạo nên năng lực và phong cách làm việc. Do đó, nếu phẩm chất, năng lực người đó yếu kém thì không thể có lối làm việc, phương pháp làm việc, cách thức làm việc tốt. Mặt khác, cán bộ, đảng viên làm việc không đúng, không khéo thì sẽ còn nhiều khuyết điểm, khuyết điểm nhiều thì thành tích ít, khuyết điểm ít thì thành tích nhiều. Như vậy, chất lượng của người cán bộ, đảng viên chân chính đó là sự thống nhất biện chứng giữa phẩm chất đạo đức, phong cách làm việc và được thể hiện ra ở kết quả hoàn thành nhiệm vụ.

Những đặc trưng cơ bản trong phong cách làm việc tập thể - dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Phong cách làm việc tập thể - dân chủ là một nội dung quan trọng trong phong cách làm việc Hồ Chí Minh. Xuất phát từ nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân và xuất phát từ chính tấm gương của Hồ Chí Minh về cách sống, cách làm việc dân chủ được thể hiện uyển chuyển trên cả hai lĩnh vực [đối với việc và đối với người]. Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt mình trong tập thể, phát huy sức mạnh của tập thể, nhận trách nhiệm cá nhân, hoàn thành tốt nhiệm vụ được tập thể giao phó và tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Là người đứng đầu của Đảng cầm quyền, đứng đầu Nhà nước nhưng Hồ Chí Minh thường xuyên có một phong cách làm việc rất tập thể và dân chủ. Gắn bó với tập thể, tôn trọng tập thể, phát huy sức mạnh của tập thể. Tinh thần ấy thấm sâu vào suy nghĩ và hành động của Người. Phong cách làm việc tập thể - dân chủ của Hồ Chí Minh được biểu hiện ở những nội dung đặc trưng sau:

Một là, theo Hồ Chí Minh, mọi cán bộ, đảng viên phải gắn bó với tập thể, tôn trọng tập thể, đặt mình trong tập thể, lắng nghe ý kiến của tập thể.

Hồ Chí Minh yêu cầu người lãnh đạo phải lắng nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân, của những người không quan trọng. Muốn thế, người lãnh đạo phải đề cao, mở rộng dân chủ trong các cơ quan đại biểu của dân. Theo Hồ Chí Minh, người lãnh đạo phải biết động viên, khuyến khích khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến, tức là phải làm cho cấp dưới không sợ nói sự thật và cấp trên không sợ nghe sự thật. Người lãnh đạo có phẩm chất đương nhiên không nói dối ai nhưng muốn để không ai nói dối mình thì phải có phương pháp lãnh đạo tốt, có phong cách gần gũi quần chúng, đi sát cơ sở.

Với tác phong tập thể, tôn trọng tập thể, Hồ Chí Minh chú ý thực hiện và phát huy dân chủ trong nội bộ Đảng cũng như đối với quần chúng, phát huy tinh thần làm chủ tập thể của mọi người, do vậy, luôn luôn tạo ra được bầu không khí làm việc hoạt bát, phấn khởi, hăng hái và đầy sáng tạo. Ví dụ: Năm 1968, khi bàn cách làm và xuất bản loại sách Người tốt, việc tốt với một số cán bộ, Hồ Chí Minh nói: Bác muốn bàn luận dân chủ, các chú có ý kiến gì trái với Bác thì cứ cãi, nhất trí rồi về làm mới tốt được. Không nên: Bác nói gì, các chú cứ ghi vào sổ mà trong bụng thì chưa thật rõ, rồi các chú không làm, hay làm một cách qua loa.

Theo Hồ Chí Minh, người lãnh đạo muốn biết rõ ưu điểm, khuyết điểm của mình, muốn biết công tác của mình tốt hay xấu không gì bằng khuyên cán bộ của mình mạnh bạo đề ra ý kiến và phê bình. Như thế chẳng những không phạm gì đến uy tín của người lãnh đạo, mà lại thể hiện dân chủ thật sự trong Đảng. Trong thực tiễn, suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, từ lúc ra đi tìm đường cứu nước, đến khi vận động thành lập Đảng, lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám thành công, trở thành Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh luôn trân trọng lắng nghe ý kiến mọi người, không phân biệt chức vụ, cấp bậc cao hay thấp. Người đã chuyển nhiều bài viết của mình cho các đồng chí lãnh đạo chủ chốt đọc và góp ý kiến trước khi công bố. Người trao đổi với các đồng chí phục vụ những bài báo ngắn để sửa chữa những chỗ viết còn khó hiểu trước khi đăng.

Như vậy, sự nghiệp cách mạng càng phát triển, nhiệm vụ chính trị ngày càng to lớn, phức tạp, nặng nề, thì đòi hỏi phong cách làm việc tập thể - dân chủ của người cán bộ, đảng viên càng phải được khẳng định, nâng cao hơn bao giờ hết. Nhằm phát huy sức mạnh lãnh đạo tập thể, thực hiện dân chủ rộng rãi, tạo sinh khí làm việc cởi mở, hào hứng, sôi nổi, để khích lệ mọi người mạnh dạn đề xuất ý kiến đóng góp vào lãnh đạo chung mà không e ngại bất cứ sự đả kích hay trù dập nào, tất cả là vì mục tiêu, nhiệm vụ được giao.

Hai là, thực hiện mở rộng dân chủ để phát huy sức mạnh của tập thể.

Phong cách làm việc dân chủ là tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, biết lắng nghe ý kiến của dân, quan hệ tốt với dân, học hỏi dân. Phát huy dân chủ trong tập thể là biện pháp để phát huy tiềm năng sáng tạo, lòng hăng hái của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo động lực cho sự phát triển của xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nói: Đề ra công việc, đẻ ra nghị quyết không khó, vấn đề là thực hiện nó. Ai thực hiện? - Tập thể, quần chúng. Vì vậy, có dân chủ, bàn bạc tập thể mới cùng thông suốt, nhất trí, cùng quyết tâm thực hiện, tránh được trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Theo Người, sở dĩ xảy ra mất đoàn kết vì người đứng đầu còn chuyên quyền, độc đoán, áp đặt chủ quan, trong hội nghị thì mọi người miễn cưỡng đồng tình, sau hội nghị, nếu đã không thông thì sẽ không quyết tâm thực hiện. Vì vậy, Người yêu cầu: Phải thật sự mở rộng dân chủ để tất cả đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình; có dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn.

Ba là, nhận rõ trách nhiệm cá nhân, hoàn thành tốt nhiệm vụ được tập thể giao phó và tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định mọi cán bộ, đảng viên và các tổ chức đảng luôn phải tuân thủ nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt và chế độ lãnh đạo của Đảng. Theo Hồ Chí Minh, chế độ ta dân là chủ và khi dân là chủ thì cách lãnh đạo phải dân chủ, lãnh đạo không tập thể thì dẫn đến tệ bao biện, độc đoán, chủ quan, mất dân chủ và kết quả là hỏng việc. Phụ trách không do cá nhân thì sẽ dẫn đến tệ bừa bãi, lộn xộn, vô chính phủ và kết quả cũng là hỏng việc. Tập thể lãnh đạo là dân chủ, cá nhân phụ trách là tập trung; tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách tức là dân chủ tập trung. Để đề phòng cách hiểu máy móc, hình thức chủ nghĩa về nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, Hồ Chí Minh coi đó là chế độ lãnh đạo dân chủ. Bởi vì, trong cách làm việc không phải vấn đề gì nhỏ nhặt, vụn vặt, một người có thể giải quyết được cũng đem ra bàn mới là tập thể lãnh đạo, đó là hiểu một cách máy móc. Ngược lại, có những việc nhỏ nhưng nếu quan trọng vẫn cần tập thể bàn bạc, quyết định.

Theo Hồ Chí Minh, tác phong tập thể - dân chủ sẽ tạo ra được không khí làm việc hoạt bát, phấn khởi, hăng hái và sáng tạo. Cương vị lãnh đạo càng cao thì càng đòi hỏi phải có tác phong tập thể - dân chủ thật sự, chứ không phải hình thức. Người đã nhiều lần phê bình cách lãnh đạo của một số cán bộ không dân chủ làm cho người có ý kiến không dám nói, người muốn phê bình không dám phê bình, làm cho cấp trên, cấp dưới cách biệt nhau, quần chúng với Đảng xa rời nhau, không còn hăng hái, không còn sáng kiến trong khi làm việc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở cán bộ các cấp phải thấu hiểu dân tình, chăm lo dân sinh, nâng cao dân trí để không ngừng thực hành dân chủ cho dân. Trong chế độ mới, giá trị cao nhất của độc lập dân tộc là đem lại quyền làm chủ thực sự cho dân, phải trao lại cho dân mọi quyền hành. Dân là chủ, nghĩa là trong xã hội Việt Nam, nhân dân là người chủ của Nước, Nước là Nước của dân. Các cơ quan Đảng và Nhà nước là tổ chức được dân ủy thác làm công vụ cho dân. Từ thực hành dân chủ cho nhân dân đến thực hành dân chủ trong Đảng, trong cơ quan, tổ chức, phong cách dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh là thể hiện nhất quán của tư tưởng đạo đức vì dân, vì Nước của Người.

Về vấn đề này, Hồ Chí Minh giải thích rằng, không có một người nào có thể hiểu được mọi thứ, làm hết được mọi việc. Một người dù khôn ngoan, tài giỏi mấy, nhiều kinh nghiệm đến đâu cũng không thể trông thấy và xem xét tất cả mọi mặt của một vấn đề. Gộp kinh nghiệm và sự xem xét của nhiều người thì vấn đề được thấy rõ mọi mặt. Ngay đến anh hùng, lãnh tụ cũng vậy: Đem so với công việc của cả loài người, đại anh hùng xưa nay cũng chẳng qua làm tròn một bộ phận mà thôi. Từ đó, chúng ta có thể hiểu ra rằng cái thông minh của người phụ trách, sức mạnh của lãnh đạo không phải chỉ là những điều tự mình nghĩ ra, hay tự mình làm lấy, mà quan trọng hơn, chính là ở chỗ biết phát huy và tổng hợp được cái thông minh và sức mạnh của nhiều người, của tập thể. Sự tổng hợp đó được nâng cao, được biến đổi về chất bởi cái thông minh của người phụ trách, người lãnh đạo, để thăng hoa, tạo thành một cấp số nhân, không thể có được ở bất cứ một người riêng lẻ nào.

Tuy nhiên, Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh phong cách làm việc tập thể - dân chủ không có nghĩa là mạnh ai nấy làm mà phải tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách hay còn gọi là nguyên tắc dân chủ tập trung. Đối lập với phong cách dân chủ là phong cách quan liêu. Người kịch liệt phê phán những cán bộ quan liêu, những người miệng thì nói dân chủ nhưng làm việc thì họ theo lối quan chủ; miệng thì nói: phụng sự quần chúng nhưng họ làm trái ngược với lợi ích quần chúng, trái ngược với phương châm và chính sách của Đảng và Chính phủ.

Đã nhiều lần Hồ Chí Minh phê bình một số cán bộ lãnh đạo do làm việc không dân chủ đã dẫn đến tình trạng người có ý kiến không dám nói, người muốn phê bình cũng không dám phê bình, làm cho cấp trên, cấp dưới cách biệt ngày càng xa, các sáng kiến không được phát huy, tinh thần hăng hái không được khích lệ. Còn có nhiều đồng chí có bệnh tự tôn, tự đại, khinh rẻ người ta, không muốn biết ưu điểm của những người khác... Đó là bệnh hẹp hòi hạng nặng. Do vậy, việc gì cũng ôm hết. Ôm lấy hết thì cố nhiên không làm nổi.

Hồ Chí Minh nhắc nhở cách làm thiếu dân chủ, phong cách độc đoán, chuyên quyền trong cán bộ, đảng viên. Người chỉ rõ quan liêu, độc đoán, chuyên quyền là mặt đối lập của dân chủ, là kẻ thù của dân chủ nhưng lại là căn bệnh dễ mắc phải của lãnh đạo. Nguyên nhân sâu xa của căn bệnh ấy là do cán bộ xa dân, thiếu niềm tin ở quần chúng, do thói kiêu ngạo, tự cho mình cái gì cũng giỏi, việc gì cũng biết cũng muốn làm thầy người khác, những cán bộ đó cũng chưa đủ phẩm chất, năng lực làm việc, chưa thực hiện dân chủ, không sẵn sàng chịu sự kiểm tra, giám sát, phê bình trực tiếp của dân, không lắng nghe ý kiến của dân. Điều đó làm cho cán bộ, đảng viên và quần chúng chán nản, không còn hứng thú, tin tưởng và say mê làm việc.

Từ những vấn đề trên, Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi cán bộ phải biết cách tập hợp được tài năng, trí tuệ của nhiều người, của tập thể để phấn đấu cho mục tiêu chung. Muốn làm được như vậy, phải tạo ra được một không khí dân chủ thực sự trong nội bộ. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, thực hành dân chủ là chìa khoá vạn năng có thể giải quyết mọi vấn đề, theo Người, Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó được khen ngợi, thì những người đó càng thêm hăng hái, và người khác cũng học theo. Và, trong khi tăng thêm sáng kiến và hăng hái làm việc, thì những khuyết điểm lặt vặt, cũng tự sửa chữa được nhiều.

Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh, Người lãnh đạo muốn biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của mình, muốn biết công tác của mình tốt hay xấu, không gì bằng khuyên cán bộ mình mạnh bạo đề ra ý kiến rồi phê bình. Như thế chẳng những không phạm gì đến uy tín của người lãnh đạo mà lại tỏ ra dân chủ thật sự trong Đảng. Nếu cán bộ không nói năng, không đề ý kiến, không phê bình, thậm chí lại tâng bốc mình, đó là một hiện tượng rất xấu. Vì không phải họ không có gì để nói, nhưng vì họ không dám nói, họ sợ, thế là mất hết dân chủ trong Đảng. Thế là nội bộ Đảng âm u, cán bộ trở nên những cái máy, trong lòng uất ức, không dám nói, do uất ức mà hóa ra oán ghét, chán nản. Do vậy, Hồ Chí Minh luôn đòi hỏi cán bộ, đảng viên, trước hết là những người lãnh đạo phải có tác phong tập thể - dân chủ thực sự. Mọi sự giả tạo đều làm suy yếu, thậm chí phá vỡ tập thể, mọi thói hình thức chủ nghĩa sớm muộn sẽ làm xói mòn, thậm trí triệt tiêu dân chủ.

Như vậy, phong cách làm việc tập thể - dân chủ là bài học vô giá mà Hồ Chí Minh để lại cho Đảng ta. Trước hết là đội ngũ cán bộ lãnh đạo dù ở bất cứ cương vị nào, đều phải tự nguyện coi mình là một thành viên của tập thể, phải luôn tôn trọng vai trò tập thể. Tôn trọng, lắng nghe và động viên ý kiến đóng góp thẳng thắn của mọi người bằng thái độ thật sự cầu thị, bằng cái tâm trong sáng của mình đó là bản lĩnh, là sức mạnh, là yếu tố quyết định thành công của người lãnh đạo.

Đảng ta đã khẳng định: Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là kim chỉ nam, là nền tảng tư tưởng của Đảng. Trên con đường phát triển đi lên của đất nước từ ngày có Đảng càng khẳng định, tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi là ngọn đuốc soi đường trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.Bộ Chính trị khóa X ban hành Chỉ thị số 06, ngày 7/11/2006 về tổ chức Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Bộ Chính trị khóa XI ban hành Chỉ thị 03, ngày 14/5/2011 về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức ngày càng sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, ngày 15/5/2016, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Một lần nữa, Bộ Chính trị tiếp tục khẳng định đây là chủ trương lớn của Đảng ta, vừa mang tính cấp bách, vừa có ý nghĩa lâu dài. Do vậy, việc nêu cao tinh thần trách nhiệm trong phong cách làm việc tập thể - dân chủ của mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phải trở thành công việc thường xuyên gắn với thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 [Khóa XII] của Đảng.

Đạo đức cách mạng, phong cách làm việc không phải tự dưng mà có. Không phải bất cứ ai sinh ra trong thời đại mới thì sẽ có đạo đức mới, có phong cách làm việc tốt. Đó là kết quả của sự khổ công rèn luyện, của một quá trình tu dưỡng công phu, lâu dài. Nếu không có ý thức, quyết tâm, không có tinh thần bền bỉ phấn đấu thì sự suy thoái về phẩm chất, sự trượt dốc trong lối sống trước cám dỗ của đồng tiền và quyền lực, sẽ là một tất yếu không thể tránh khỏi. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy:Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong.

Việc học tập và làm theo tư tưởng,đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ. Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác thành nhiệm vụ thường xuyên, thành nền nếp trong sinh hoạt, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng, thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên.

Vận dụng phong cách làm việc Hồ Chí Minh vào thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 [Khóa XII] trong tình hình hiện nay cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, không ngừng học tập, để nhận thức sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và những giá trị to lớn của phong cách Hồ Chí Minh, làm cho phong cách của Người thật sự thấm sâu vào công tác cán bộ, trở thành nền tảng tinh thần để mọi cán bộ, đảng viên vận dụng sáng tạo vào công tác được giao. Mọi cán bộ, đảng viên phải thấy rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc học tập và làm theo phong cách của Người, gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

Hai là, bám sát nội dung phong cách Hồ Chí Minh, bám sát những giá trị cốt lõi trong phong cách của Người được thể hiện sinh động, tự nhiên, độc đáo, có sức thu hút, cảm hoá kỳ diệu trong hoạt động hằng ngày để vận dụng vào đời sống, công tác và ứng xử xã hội. Đó là: Phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, luôn gắn chặt lý luận với thực tiễn; phong cách làm việc dân chủ, khoa học, kỹ lưỡng, cụ thể, tới nơi, tới chốn; phong cách ứng xử văn hoá, tinh tế, đầy tính nhân văn, thấm đậm tinh thần yêu dân, trọng dân, vì dân; phong cách nói đi đôi với làm, đi vào lòng người; nói và viết ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm; phong cách sống thanh cao, trong sạch, giản dị; phong cách quần chúng, dân chủ, tự mình nêu gương... Từ đó, cụ thể hóa và xác định những yêu cầu cơ bản về phong cách làm việc của từng loại công việc, từng đối tượng cán bộ cho phù hợp, tránh giáo điều, rập khuôn máy móc.

Ba là, từ nội dung phong cách Hồ Chí Minh, soi rọi vào những việc làm hiện nay của mỗi cán bộ, đảng viên; soi rọi vào những biểu hiện suy thoái mà Nghị quyết Trung ương 4 đã nhận diện, vừa để sửa mình, sửa đổi lối làm việc, chống lại các quan điểm sai trái, thù địch nhằm hạ thấp tư tưởng Hồ Chí Minh. Cần phải nhận thức rõ hơn những giá trị lớn lao trong phong cách Hồ Chí Minh là phong cách của một nhà khoa học chân chính, luôn thống nhất giữa tính đảng, tính chính trị với tính khoa học trong mỗi lời nói, việc làm và quan hệ công tác.

Bốn là, đưa việc học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Đảng và của cấp ủy, phải trở thành nội dung sinh hoạt thường xuyên của chi bộ, gắn với các phong trào thi đua yêu nước, với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và giải quyết các vấn đề bức xúc, nổi cộm ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị; gắn với việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Lấy kết quả vận dụng phong cách Hồ Chí Minh trong công tác làm một trong những tiêu chuẩn đánh giá cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng hằng năm.

Có thể nói, phong cách Hồ Chí Minh là tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, làm việc dân chủ, khoa học, là ứng xử văn hóa, tinh tế, đầy tính nhân văn, nói đi đôi với làm; là giản dị, gần gũi quần chúng, Với lòng biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vô hạn, với tinh thần, trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta hãy biến những tình cảm thiêng liêng đối với Bác Hồ kính yêu thành ý chí, hành động cách mạng thiết thực. Chúng ta nguyện không ngừng phấn đấu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh trong từng việc làm cụ thể, đoàn kết một lòng, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Có thể coi học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là mệnh lệnh từ mỗi trái tim của con người Việt Nam!

Đại úy Lê Duy Dũng - Học viện Chính trị/ BQP, Thượng uý Dương Thị Thu Hiền - Học viện Chính trị CAND/ BCA

Video liên quan

Chủ Đề