Lịch sử Học viện Chính trị khu vực 2

LỊCH SỬ HOẠT ĐỘNG TRƯỜNG CHÍNH TRỊ QUẢNG BÌNH

Trường Chính trị tỉnh Quảng Bình được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình quyết định thành lập ngày 19/5/1950 với tên gọi là Trường Đảng Lê Hồng Phong. Năm 1976, khi ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên sáp nhập thành tỉnh Bình Trị Thiên thì Trường Đảng Lê Hồng Phong cũng sáp nhập với Trường Đảng Quảng Trị, Trường Đảng Thừa Thiên thành Trường Đảng Bình Trị Thiên và di dời vào thành phố Huế. Năm 1985, Trường Đảng Bình Trị Thiên đổi tên thành Trường Đảng Lê Duẩn.

Sau 13 năm sáp nhập, ngày 01/7/1989, tỉnh Bình Trị Thiên chia tách thành ba tỉnh là Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên nên Trường Đảng Lê Duẩn cũng được chia tách thành ba trường là Trường Đảng Quảng Bình, Trường Lê Duẩn Quảng Trị và Trường Nguyễn Chí Thanh Thừa Thiên - Huế.

Ngày 15/7/1989, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình đã ban hành Quyết định số 18-QĐ/TU thành lập Trường Đảng tỉnh Quảng Bình. Ngày 01/4/1993, Trường được đổi tên thành Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tỉnh Quảng Bình. Ngày 05/09/1994, Ban Chấp hành Trung ương Đảng [khoá VII] đã có Quyết định số 88-QĐ/TW về việc thành lập trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thực hiện quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ngày 20/04/1995, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Bình đã có Quyết định số 11-QĐ/TU về việc thành lập Trường Chính trị Quảng Bình.

 

Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, tập thể cán bộ, giảng viên, nhân viên Trường Chính trị Quảng Bình luôn nỗ lực phấn đấu, đồng lòng, đồng sức, chung tay thực hiện đầy đủ các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của cấp ủy và chính quyền các cấp, bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao, không ngừng phấn đấu, xây dựng và phát triển, trở thành địa chỉ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có chất lượng của tỉnh Quảng Bình.

Giai đoạn từ năm 1950 đến năm 1975: Dưới sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, sự chỉ đạo của Ban Tuyên huấn Trung ương, Nhà trường luôn bám sát chức năng nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng sát với tình hình, nhiệm vụ của đất nước là thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và sự nghiệp giải phóng dân tộc ở miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Trong suốt 25 năm hoạt động giảng dạy, phục vụ giảng dạy và học tập dưới làn mưa bom bão đạn của kẻ thù, dẫu phải thường xuyên thay đổi địa điểm, dẫu đội ngũ cán bộ, giảng viên còn thiếu, trình độ chuyên môn và nghiệp vụ còn nhiều bất cập, song tập thể cán bộ, giảng viên, nhân viên Trường Đảng Lê Hồng Phong tỉnh Quảng Bình đã không quản ngại gian khổ, hy sinh, nỗ lực đào tạo, bồi dưỡng kịp thời hàng ngàn cán bộ, trong đó phần lớn là cán bộ cơ sở trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương, đặc biệt là phong trào “Chiến đấu giỏi và sản xuất cũng giỏi”, góp phần làm nên quê hương Quảng Bình “Hai giỏi”.

Giai đoạn từ năm 1975 đến năm 1989: Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước được thống nhất, sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới đã đặt ra cho công tác đào tạo, bối dưỡng cán bộ của tỉnh Quảng Bình những yêu cầu và nhiệm vụ mới, nhất là yêu cầu nâng cao nhận thức lý luận chính trị để phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước. Trong 13 năm sáp nhập, Trường Đảng Bình Trị Thiên đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn về điều kiện cơ sở vật chất trong thời kỳ hậu chiến tranh để đào tạo, bồi dưỡng hàng ngàn cán bộ cơ sở cũng như cán bộ, công chức cho các ban, ngành cấp tỉnh, cấp huyện trên địa bàn tỉnh Bình Trị Thiên với nhiều loại hình đào tạo khác nhau, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới đó là khắc phục hậu quả chiến tranh, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong giai đoạn cả nước tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, Nhà trường vừa tiếp tục thực hiện chương trình đào tạo Sơ cấp lý luận, vừa tiến hành đào tạo thí điểm chương trình Trung cấp lý luận chính trị theo sự chỉ đạo của Ban Tuyên huấn Trung ương và từng bước vươn lên đảm nhận toàn bộ chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ cơ sở, các ban, ngành, huyện, thị của tỉnh với số lượng ngày càng lớn, đáp ứng yêu cầu hoạt động thực tiễn của địa phương.

Giai đoạn từ năm 1989 đến 1999: Đây là giai đoạn bước đầu có sự đổi mới và chuyển biến tích cực trong hoạt động giảng dạy và học tập của nhà trường lúc bấy giờ. Trong khoảng thời gian từ năm 1989 đến năm 1991, mặc dù tình hình kinh tế của tỉnh, của đất nước còn nhiều khó khăn, tình hình thế giới chuyển biến phức tạp, mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, song, kiên định với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhà trường luôn duy trì quy mô đào tạo và bồi dưỡng, góp phần ổn định tư tưởng và niềm tin của cán bộ, đảng viên về vai trò lãnh đạo của Đảng và sự thành công của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Từ năm 1991 đến 1999, nhà trường tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, kiện toàn bộ máy lãnh đạo, quản lý; đội ngũ giảng viên được nâng lên cả về số lượng lẫn chất lượng.Trong thời kỳ này, nhà trường đã đào tạo 12 lớp với 796 học viên theo chương trình Trung cấp chính trị; bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước cơ sở 11 lớp với 580 học viên; bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chương trình chuyên viên 8 lớp với 395 học viên; bồi dưỡng công tác các hội và tổ chức đoàn thể 31 lớp với 2.493 học viên; phối hợp với Học viện Hành chính Quốc gia mở lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chương trình Trung cao cấp 3 lớp với 196  học viên. Ngoài ra, nhà trường đã phối hợp với Học viện Chính trị Đà Nẵng - nay là Học viện Chính trị khu vực III đào tạo trình độ cử nhân chính trị gồm 2 lớp với 202 học viên.

Giai đoạn từ năm 2000 đến nay: Trường Chính trị Quảng Bình đã có bước chuyển biến mạnh mẽ. Hai nhiệm vụ hàng đầu được lãnh đạo nhà trường đặc biệt quan tâm là hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ dạy học và không ngừng kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ giảng viên bảo đảm chất lượng, đặc biệt là chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Với sự nỗ lực vượt bậc của nhà trường cùng với sự quan tâm sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cơ sở vật chất của nhà trường đã và đang được tăng cường quan tâm đầu tư, từng bước hoàn thiện một cách có kế hoạch, quy hoạch theo tiêu chí của Trường Chính trị chuẩn. Tổ chức bộ máy và công tác quản lý của nhà trường cũng từng bước được kiện toàn, chuyên sâu và chính quy hơn. Đến năm 2015, bộ máy của Trường được tổ chức thành 4 khoa, 3 phòng; Ban Giám hiệu, lãnh đạo các khoa, phòng đều có trình độ đạt chuẩn theo quy định.

Từ năm 2015 đến nay, trung bình mỗi năm, Nhà trường tổ chức giảng dạy gần 50 lớp với trên 3.500 học viên; phối hợp với Học viện Chính trị khu vực III mở 9 lớp Cao cấp Lý luận chính trị với hơn 800 học viên. Những học viên của nhà trường sau khi hoàn thành khóa học thực sự đã mang kiến thức được đào tạo trở về địa phương, đơn vị, góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng và kiến thiết quê hương.

Công tác nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh, nhà trường đã tổ chức nghiên cứu, thực hiện hoàn thành các đề tài khoa học: “Thực trạng và giải pháp tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học ở Trường Chính trị Quảng Bình;“Giải pháp xoá đói, giảm nghèo trên địa bàn huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình”,“Nghiên cứu nâng cao hiệu quả đào tạo cán bộ chủ chốt cấp xã ở Quảng Bình trong thời kỳ CNH, HĐH”...; đang tiếp tục triển khai đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bô, công chức cấp xã tỉnh Quảng Bình trong giai đoạn hiện nay". Các cuộc hội thảo khoa học có tính lý luận và thực tiễn cao cũng đã được Ban Giám hiệu nhà trường thường xuyên duy trì thực hiện, phục vụ đắc lực cho việc nghiên cứu, giảng dạy và học tập tại trường.

Cùng với nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng, số lượng và chất lượng cán bộ, giảng viên, chuyên viên của nhà trường ngày càng được nâng cao. Đến năm 2017, toàn trường có 01/31 giảng viên có trình độ tiến sĩ, 23 giảng viên có trình độ thạc sĩ, nhiều giảng viên có 2 bằng đại học. Hầu hết các giảng viên đều sử dụng thành thạo máy vi tính để phục vụ giảng dạy, có kỹ năng cập nhật thông tin, đồng thời từng bước thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy nên chất lượng bài giảng ngày càng nâng cao.

Với những thành tích đạt được, năm 1998, tập thể Trường Chính trị Quảng Bình vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Năm 2008, Trường được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì. Năm 2015, Trường được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất - phần thưởng cao quý, xứng đáng với những nỗ lực, quyết tâm và những đóng góp của tập thể cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường. Nhiều tập thể các khoa, phòng được tặng Cờ thi đua, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Chủ tịch UBND tỉnh; nhiều lãnh đạo và giảng viên nhà trường được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

67 năm qua, với truyền thống đoàn kết, phát huy sức mạnh trí tuệ tập thể, Trường Chính trị Quảng Bình đã đào tạo được nhiều thế hệ học viên vừa “hồng” vừa “chuyên”, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ của từng thời kỳ lịch sử, góp phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của quê hương, đất nước.

Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá quê hương, đất nước và hội nhập quốc tế, phát huy truyền thống đoàn kết và những thành tích đã đạt được, Trường Chính trị Quảng Bình tiếp tục đổi mới toàn diện, phát huy hơn nữa tính năng động, sáng tạo, tranh thủ các nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại nhằm phấn đấu xây dựng Trường Chính trị Quảng Bình trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có chất lượng và có uy tín của tỉnh Quảng Bình.

Video liên quan

Chủ Đề